SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN B
Lời Chúa: Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20
Mục lục
- SÁM HỐI ĐỂ GÓP PHẦN CANH TÂN THẾ GIỚI – TGM Giuse Vũ Văn Thiên
- SÁM HỐI VÀ TIN THEO CHÚA GIÊSU – Antôn Nguyễn Văn Độ
- CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU RAO GIẢNG TIN MỪNG – Giuse Nguyễn Văn Hữu
- ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI – Giuse Ngô Quang Kiệt
- TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA – THÁNH HOÁ TRẦN THẾ – Joshepus Quang Nguyễn
- THỜI KỲ ĐÃ MÃN – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
————
1. SÁM HỐI ĐỂ GÓP PHẦN CANH TÂN THẾ GIỚI
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua cai quản một vương quốc rộng lớn bao la. Ông muốn đích thân đi thăm những miền xa xôi của đất nước. Khi về đến nhà, đôi bàn chân ông sưng tấy và đau đớn vì đường xá gập ghềnh sỏi đá. Ông liền ra lệnh tất cả các con đường trong vương quốc phải trải bằng da lông thú để nếu ông đi thăm vương quốc thì chân ông không còn bị đau. Cả triều đình đều thấy đó là một điều vô lý, nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Sau cùng, có một vị quan dũng cảm đã nói với vua: “Tâu bệ hạ, tại sao vương quốc của chúng ta lại phải tiêu tốn ngân khố một cách vô ích như vậy? Tại sao bệ hạ lại không cho cắt những miếng da bò rồi phủ quanh đôi chân trần của mình? Như vậy, chân Người sẽ không còn bị đau khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá, mà cả vương quốc sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc?”. Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của vị quan, và thế là đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời.
Có nhiều người muốn bắt cả thế giới theo mình, trong khi nếu mình thay đổi cách sống và quan niệm cá nhân, thì sẽ cảm nhận thế giới hoàn toàn khác. Thay đổi bản thân, trong ngôn ngữ của Tin Mừng, là thành tâm sám hối. Ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để kêu gọi dân thành sám hối. Vào thời đó, thành phố này có tiếng là tội lỗi và hung bạo, đến nỗi khi ông Giona nghe thấy Chúa sai mình đến đó thì tìm cách chạy trốn vì sợ hãi. Nhưng lạ thay, khi nghe lời Gioan rao giảng, mọi người, từ vua cho tới dân đã ăn chay sám hối theo lệnh của vua. Nhờ lòng sám hối, dân thành đã không bị án phạt giáng xuống. Phần kết của cuốn sách ngôn sứ Giona diễn tả tình thương bao la của Thiên Chúa. Ngài không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng mong họ sám hối để được tha thứ và được sống.
Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng lời kêu gọi sám hối. Lời kêu gọi này còn được lặp đi lặp lại nhiều lần, ở mọi nơi Người đặt chân tới. Sám hối là một phần quan trọng của giáo huấn Tin Mừng. Lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu đi liền với lời mời gọi tin vào Tin Mừng Người rao giảng. Tin vào Tin Mừng là nhận biết Chúa Cha, đấng bao dung nhân hậu. Ngài luôn chờ đợi chúng ta trở về để đón nhận sự tha thứ. Tin Mừng kể lại có những người rất tội lỗi, nhưng đã mở lòng đón nhận giáo huấn của Chúa và được ơn thứ tha. Lịch sử Giáo Hội cũng làm chứng cho chúng ta, rất nhiều tội nhân đã sám hối và được nên thánh.
Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống của mình nên tốt hơn. Một khi chúng ta thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của mình đối với những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác. Thay đổi cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời lạc quan đáng yêu hơn, đồng thời thúc đẩy chúng ta đóng góp phần mình để nhân lên những điều thiện hảo trong cuộc sống. Giống như vị vua trong câu chuyện trên đây, khi ông bọc đôi chân bằng miếng da bò, thì đi đâu cũng thấy êm ái và sạch sẽ. Khi trong tâm trí chúng ta có những tâm tình tốt đẹp, chúng ta sẽ khám phá những nét đẹp tiền ẩn nơi mọi người mọi vật xung quanh.
Sám hối còn là đoạn tuyệt với quá khứ để khởi đầu một hành trình mới theo chân Đức Giêsu. Thánh Máccô kể với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay về việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là những người đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để khởi đầu một hành trình mới. Tiếng gọi “Hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu, khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn bó. Sau này, nhiều khi phải đối diện với những khó khăn, chống đối và thiếu thốn, nhưng các ông không hề hối tiếc vì sự lựa chọn này: “Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thày mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67). Sau này, các môn đệ đều trở thành những người loan báo lòng nhân hậu của Chúa. Họ đã lấy chính mạng sống của mình để làm chứng cho tình yêu Chúa, tình yêu họ đã cảm nhận khi dốc quyết một lòng đi theo Thày mình là Đấng Thiên Sai.
Cũng như một cỗ máy cần được bảo dưỡng luôn luôn, cũng như những cây nho cần được thường xuyên cắt tỉa, tâm hồn chúng ta phải được thanh tẩy mỗi ngày, để nhờ đó, chúng ta được biến đổi, nên giống Chúa hơn. Lời kêu gọi thay đổi cuộc đời luôn âm vang trong cuộc sống của người tín hữu chúng ta. Đây không phải là một khẩu hiệu, mà là một lời khuyên rất thiết thực, vì “thời gian chẳng còn bao lâu”. Thánh Phaolô đã dùng cách nói rất cụ thể để nói với chúng ta hãy lựa chọn những điều tốt nhất và lâu bền cho mình, bởi vì bộ mặt thế gian này đang qua đi, nên “những ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả…”.
“Mỗi vị thánh đều có một quá khứ; mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Đừng có ai mặc cảm về quá khứ hay hiện trạng của mình mà không mạnh dạn thay đổi cuộc đời. Nếu mạnh dạn tiến bước, chúng ta chẳng còn là tội nhân, mà sẽ là những vị thánh, nhờ lòng bao dung thứ tha và ơn phù trợ của Thiên Chúa. “Tâm bình, thế giới bình”, cuộc đời này sẽ thay đổi, khởi đi từ sự thay đổi trong chính con người mỗi chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ấn định, Chúa nhật thứ ba thường niên là “Chúa nhật Lời Chúa”. Chúa nhật này nhắc nhớ mọi thành phần dân Chúa, các Mục tử và các tín hữu, tầm quan trọng và giá trị của Kinh Thánh đối với đời sống Kitô hữu, cũng như mối liên hệ giữa Lời Chúa và Phụng vụ. Đức Thánh Cha mời gọi mọi Kitô hữu hãy suy tôn Lời Chúa và để Lời Chúa có vị trí quan trọng trong đời sống của mình. Ngài viết: “Kinh Thánh là cuốn sách của dân Chúa, mà trong khi lắng nghe, họ vượt qua được sự phân tán và sự chia rẽ để tiến tới sự hiệp nhất. Lời Chúa hiệp nhất các tín hữu và làm cho họ trở thành một dân duy nhất” (Tự sắc “Aperuit Illis”, số 4).
2. SÁM HỐI VÀ TIN THEO CHÚA GIÊSU
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bước vào Chúa nhật thứ III thường niên, chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan xong, được Gioan giới thiệu cho mọi người biết Người là: “Chiên Thiên Chúa ” (Ga 1, 29). Ông bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, một hành động diễn tả sự liên tục giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, với sứ điệp: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm ” (Mc 1, 14).
Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến.
Viên cai ngục của Hêrôđê tra tay bắt Gioan Tẩy Giả tống ngục. Sứ mạng, lời rao giảng cũng như phép rửa của Gioan chấm dứt, thời giờ đã mãn, Đức Giêsu xuất hiện. Không như Gioan, Chúa Giêsu không đến để thay đổi phép rửa thống hối, sứ mệnh của Người là loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Tin Mừng Người loan báo không phải là “tin mới” hay tin mừng như bao tin mừng. Chúa Giêsu nhân danh Thiên Chúa loan báo Tin Mừng, Người chính là Tin Mừng, là Lời Thiên Chúa, Lời cứu rỗi, là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người.
Gioan loan báo thời mới sẽ đến, thời viên mãn. ‘Thời khác’ là chính Chúa Giêsu, thời của Gioan và thời của Chúa Giêsu nối liền với nhau không có sự gián đoạn.
Gioan đã lãnh nhận sức thiêng khi Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giorđan. Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Gioan đổ nước. Chúa Cha chứng nhận Chúa Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài.
Từ “gần đến” phải được hiểu là: “Ở bên anh em“. Người ở giữa chúng ta. Chúa Giêsu đã nói với một viên ký lục khi hỏi Chúa về hai điều răn trọng nhất: “Ngươi không còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12, 34).
Hãy theo Ta
Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển. Chúa gọi hai ông, biến các ông thành những người cộng tác. Chúa không chỉ ủy thác cho họ một học thuyết, nhưng biến họ, những người lưới cá thành những kẻ lưới người, quăng Lời Chúa vào thế gian để đánh bắt người, đưa người ta lên bờ cho Chúa, đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ làm cho các người trở thành những kẻ chài lưới người” (Mc 1, 17).
Giacôbê và Gioan đang xếp lưới trong thuyền với cha mình cùng với các người làm công. Một sự tương phản Marcô đã quan sát và làm nổi bật. Simon và Anrê đã bỏ lưới. Giacôbê và Gioan đã bỏ cha. Hai người con bỏ lại cha với những người đang làm việc không phải vì tình nghĩa con cái hay gia đình, nhưng là vì đồng tiền bát gạo. Marcô sử dụng thuật ngữ “người làm thuê” mà chúng ta dịch là “người làm công“. Hai người con “bỏ cha“, thay vì ở bên cha, nay thay bằng “theo sau Chúa Giêsu” (x. Mc 1, 20).
Những ngư phủ đến với Chúa Giêsu, đã trở thành những kẻ đánh bắt người như lời Chúa phán: “Này Ta sai ngư phủ đến … và họ sẽ (vung) lưới bắt chúng” (Gr 16, 16). Nếu Chúa sai những người khôn ngoan tới, họ sẽ thuyết phục dân, hoặc bắt lấy dân. Nếu Chúa gửi những người giầu đến, họ sẽ dùng tiền mua chuộc dân và thống trị dân. Nếu Chúa gửi những người khỏe mạnh đến, họ sẽ dùng sức mạnh dụ dỗ dân và cưỡng bức dân bằng bạo lực.
Không có ai trong số các tông đồ là những người ấy. Simon Phêrô là một bằng chứng. Ông nhút nhát, đến nỗi sợ cả một đầy tớ nữ; ông nghèo không có gì, thậm trí cả tiền thuế cũng không có (Mt 17, 24). Phêrô nói: “Bạc vàng tôi không có ” (Cv 3,6). Và ông là người ít học, nên từ khi chối Chúa, ông cũng chẳng biết rút ra bài học.
Những kẻ đánh cá được Chúa Giêsu chọn và sai đi, họ ra đi và đã mang lại kết quả mỹ mãn hơn cả những kẻ mạnh, người giầu có và khôn ngoan. Với giáo lý Chúa dạy, họ đã thu hút nhiều người mà không cần bạo lực; phận nghèo khó, họ đã dạy dỗ những kẻ giàu có; là người dốt nát, họ huấn giáo những kẻ khôn ngoan.
Bước theo Chúa Giêsu cần phải sám hối để hiệp nhất
Chúa Giêsu gọi các môn đệ của mình “ăn năn sám hối” (Mc 1, 15). Sám hối là đi từ đời sống tội lỗi sang đời sống con cái Chúa, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ chán nản đến vui mừng, từ bóng tối ra ánh sáng. “Sám hối vì nước Thiên Chúa đã gần đến” (Mc 1, 15) vẫn luôn có tính chất thời sự của Tin Mừng. Quyết tâm sám hối trở về cùng Chúa là con đường dẫn đưa Giáo Hội đến sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn vào thời kỳ Thiên Chúa thiết định.
Ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta mang vào thế giới sứ điệp sự thật và tình thương của Chúa. Hãy sẵn sàng tham gia vào sứ mạng này và nhất là cầu xin Chúa đừng để những chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu Kitô làm lu mờ khả năng chiếu tỏa của Tin Mừng. Các cuộc gặp gỡ đại kết trong thời gian gần đây gia tăng trên thế giới là một dấu chỉ chứng tỏ điều đó.
Trước giờ Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 23/1/2011, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đưa ra lời kêu gọi sau đây: “Ngày nay cũng vậy, để trở thành dấu chỉ và phương thế kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa trong thế giới, các tín hữu Kitô chúng ta phải xây dựng cuộc sống trên 4 cột trụ, đó là: cuộc sống trên nền tảng đức tin của các Tông Ðồ được chuyển lại trong Truyền Thống sinh động của Giáo Hội, tình hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và kinh nguyện. Có thế, Giáo Hội mới được kết hiệp bền vững với Chúa Kitô và chu toàn sứ mạng của mình, dù có những chia rẽ như thánh Phaolô Tông Ðồ nói đến: “Hỡi anh em, tôi khuyên nhủ anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý trong lời nói, để không có sự chia rẽ nơi anh em, nhưng hãy kết hiệp trọn vẹn trong tư tưởng và cảm thức” (1 Cr 1,10). Thực ra thánh nhân đã biết trong cộng đoàn Kitô ở Côrintô, đã nảy sinh những bất thuận và chia rẽ; vì vậy, ngài nghiêm nghị viết thêm rằng: “Phải chăng Chúa Kitô bị chia rẽ sao?” (1,13). Ngài quả quyết mọi chia rẽ trong Giáo hội là làm xúc phạm đến Chúa Kitô, Thủ Lãnh duy nhất và là Chúa, chúng ta luôn luôn có thể tái hiệp nhất, nhờ sức mạnh vô tận của ơn thánh Chúa.
Theo giáo huấn của thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi loại bỏ gương mù chia rẽ nơi chúng ta để mang sứ điệp của Chúa Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho sớm đến ngày Giáo Hội được hoàn toàn hiệp nhất. Amen.
3. CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU RAO GIẢNG TIN MỪNG
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu
Tin Mừng thánh Marcô hôm nay tường thuật cho chúng ta biết về thời điểm, nơi chốn, nội dung và phương cách rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Thời điểm
Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng khi Gioan Tẩy Giả bị bắt giam.
Gioan Tẩy Giả là kẻ đi trước. Chúa Giêsu là người đến sau. Người trước đã bị tống giam và chặt đầu, thì người sau cũng thẳng thể khá hơn.
Quả thật, cũng như và còn hơn Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã bị thế gian bắt bớ, đánh đòn và đóng đinh trên cây thập giá như một người tử tội.
Thế gian đã ghét bỏ các ngôn sứ và Chúa Giêsu, thì cũng sẽ ghét bỏ các Kitô hữu. Tổ tiên chúng ta đã bị người ta bách hại đạo, thì chúng ta là con cháu cũng bị bách hại đạo. Có khác chăng là mỗi thời mỗi cách bách hại đạo khác nhau. Do đó chúng ta đừng ảo tưởng mà cho rằng: thời xưa người ta bách hại tôn giáo, sát hại người Kitô hữu; thời nay người ta cho tự do tôn giáo và yêu mến người Kitô hữu!
Nơi chốn
Địa danh và nơi chốn mà Chúa Giêsu khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng là Galilêa.
Galilêa là vùng đất của dân ngoại, dân xôi đỗ, bị người Dothái khinh thường. Chọn Galilêa là miền đất đầu tiên để rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã thể hiện một công tác và ý hướng truyền giáo. Ngài tìm cách tiếp xúc với những người ngoại giáo, những người không quen với các sinh hoạt tôn giáo và nếp nghĩ của người Dothái.
Nội dung
Nội dung, sứ điệp rao giảng của Chúa Giêsu là “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Đây quả là một bài giảng, một sứ điệp vô cùng ngắn gọn, nhưng lại rất đầy đủ. Qua đó Chúa Giêsu loan báo chương trình và hành động của Thiên Chúa đã bắt đầu và cho biết Nước của Người đã hiện diện trên trần gian. Con người có thể tiếp nhận Chúa bất cứ lúc nào, khi con người biết sám hối và tin vào Tin Mừng. Nếu không sám hối thay đổi đời sống và không tin vào Tin Mừng, con người sẽ phải chết trong tội của mình.
Sám hối ăn năn là gì? Là thay đổi đời sống, từ tội lỗi khô khan đến đạo đức thánh thiện, từ nếp sống cũ sang đời sống mới. Dân thành Ninivê nhờ sám hối ăn năn, chừa bỏ tội lỗi, mà được Thiên Chúa tha thứ, không đánh phạt (x. Gn 3,1-5.10).
Phương cách
Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không làm việc một mình, Ngài tìm người cộng tác. Đó là các Tông đồ.
Những vị tông đồ đầu tiên được Chúa Giêsu chọn gọi, là các ông Anrê, Gioan, Giacôbê và Simon-Phêrô. Họ là những người làm nghề chài lưới, có địa vị thấp kém trong xã hội, đã ‘bị mắc vào lưới’ của Chúa Giêsu, để rồi mai ngày cùng đi ‘thả lưới bắt người’ với Chúa.
Ơn gọi là do sáng kiến của Thiên Chúa, chứ không phải của con người. Chúa muốn ai thì Ngài chọn gọi người ấy. Nếu Chúa không muốn thì chẳng ai có thể tự chiếm cho mình một sứ mạng hay chức vị nào đó trong Giáo Hội. Vì chức vị trong Giáo Hội là để phục vụ và trao ban, chứ không phải để được hưởng thụ: “Nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không” (x.Mt 10,8).
Nói khác đi, ơn gọi là một màu nhiệm của tình thương Thiên Chúa, chứ không phải do tài đức và công lao của con người. Chúa chọn gọi ai là tuỳ Chúa quyết định, chứ không phải con người quyết định. Có chăng phần góp của con người, đó là sự đáp trả tự do: Chúa gọi, con người xin vâng.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, ta rút ra được những hệ luận sau:
– Làm người ai cũng được sinh ra trong một thời điểm nhất định, sống trong một nơi chốn cụ thể và làm việc trong một quãng thời gian nào đó. Ai cũng có một khởi đầu và một kết thúc: ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất. Vì thế, còn sống ngày nào, con người phải làm việc ngày đó.
– Người Kitô hữu, ai cũng có một nơi chốn để sinh sống và loan báo Tin Mừng, đó là gia đình, làng xã, quê hương đất nước, giáo xứ và Giáo hội. Vì thế, người Kitô hữu phải loan báo Tin Mừng cho người đang sống chung quanh mình. Cha mẹ phải loan báo Tin Mừng, dạy Đạo cho con cái. Anh chị em phải loan báo Tin Mừng cho nhau. Người Kitô hữu phải loan báo Tin Mừng cho những người ngoại đạo.
– Làm người ai cũng có một nghề nghiệp, một công việc, một sứ vụ nhất định phải chu toàn: Người lao động chân tay, kẻ lao động trí óc. Người làm bác sĩ, kẻ làm kỹ sư. Người lập gia đình sinh con cái, kẻ sống đời tu trì, tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Mỗi ơn gọi mỗi cuộc đời. Do vậy, dù ở bậc sống nào, nghề nghiệp nào, người Kitô hữu đều phải sống và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
– Mọi người đều có liên đới với nhau. Không ai là một hòn đảo, không có liên hệ liên quan đến người khác. Liên đới, cộng tác với nhau là sống như ‘đầu cần đến tay chân, tay chân cần đến đầu’ (x. 1Cr 12,20-21). Con cái sống nhờ cha mẹ, cha mẹ sống vì con cái: ‘trẻ cậy cha, già cậy con’. Tẩy chay, loại trừ nhau là chết!
Nhờ tổ tiên ông bà cha mẹ, mới có ta ngày nay. Tổ tiên gầy dựng nên cơ nghiệp và trao vào tay con cháu. Con cháu phải trân trọng đón nhận, gìn giữ và làm phát triển gia tài mà tổ tiên đã để lại. Không đón nhận, không gìn giữ và làm tăng triển gia tài tổ tiên đã để lại, là vô ơn, bất nhân và bất hiếu.Vì thế, ta phải biết ơn nhau, nhìn nhau mà sống, cộng tác với nhau mà làm việc và loan báo Tin Mừng, để gìn giữ và làm tăng triển gia tài mà thế hệ trước đã chuyển trao cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết noi gương Chúa mà rao giảng Tin Mừng đúng thời đúng lúc, đúng nơi đúng chỗ, đúng vấn đề, đúng trọng tâm và đúng đối tượng. Xin cho con biết nhìn nhau mà sống, cộng tác với nhau mà rao giảng Tin Mừng mở mang Nước Chúa. Amen.
4. ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI – TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Nhiều lần đài phát thanh, truyền hình, trong mục nói về giáo dục trẻ em, giới thiệu chương trình hoạt động của anh Thảo Đàn ở thành phố Hồ chí Minh. Trước đây, Thảo Đàn là một trẻ của đường phố, bỏ nhà đi lang thang bụi đời, tệ hơn nữa, vướng vào nghiện hút. Nhưng khi hiểu được tác hại của ma tuý, anh quyết tâm cai nghiện. Với ý chí cương quyết, anh đã hoàn toàn dứt bỏ được ma tuý. Chừa được ma tuý rồi, anh không chỉ hài lòng với việc làm lại cuộc đời cho bản thân, nhưng còn muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các trẻ em đường phố. Với sự hỗ trợ của Nhà Nước và các tổ chức từ thiện, anh mở ra một trung tâm qui tụ 200 trẻ em đường phố. Tại đây, anh giáo dục cho các em hiểu biết những nguy hiểm đang rình rập các em, giúp các em bảo vệ quyền lợi của mình và nhất là tìm cách đưa các em hội nhập vào đời sống xã hội.
Điều mà Thảo Đàn đã làm cho bản thân mình và đang muốn làm cho các trẻ em đường phố, đó là đổi mới đời sống. Không biết anh có đạo hay không, nhưng anh đang thực hiện Lời Chúa trong các bài sách thánh hôm nay. Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Gio-na kêu gọi dân thành Ninivê đổi mới đời sống để được tha thứ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi dân Do thái đổi mới đời sống để đón nhận Nước Chúa đang đến. Đáp lại lời Người, các môn đệ bước theo Đức Giêsu trong một đời sống mới. Cuộc đổi mới được tiến hành qua ba bước.
Bước thứ nhất: Nhận biết mình tội lỗi.
Tội lỗi như một cơn mê làm ta đắm đuối không nhận biết tình trạng tâm hồn của mình. Muốn đổi mới, cần phải thức tỉnh, nhìn rõ sự thực về mình, thấy rõ tình trạng tội lỗi, hiểu biết sự nguy hại của tội. Thảo Đàn bừng tỉnh sau những lầm lỡ, nhận thức mình đang đứng bên bờ vực thẳm, nên đã kịp dừng chân. Dân thành Ninivê, sau khi nghe tiên tri Giona rao giảng, ý thức về tình trạng nguy ngập của thành, nên đã chấm dứt tình trạng tội lỗi. Để biết rõ tình trạng tâm hồn, để nhận biết tội lỗi, cần phải siêng năng xét mình. Xét mình giống như ngọn đèn pha soi vào tất cả những ngõ ngách trong tâm hồn, phơi bày ra tất cả những gì còn ẩn giấu. Xét mình giống như cái cuốc đào bới những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn để lộ ra những tội lỗi còn bị thời gian, sự quên lãng và sự vô tình vùi lấp.
Bước thứ hai: Sám hối.
Khi đã nhận biết tội lỗi, tâm hồn phải tiến tới một thái độ tích cực hơn, đó là sám hối. Nhận thức tội lỗi giống như ta nhìn thấy một căn nhà rác rưới bẩn thỉu. Sám hối là bắt tay vào quét dọn sạch sẽ. Sám hối như giòng nước gột rửa linh hồn. Sám hối như chiếc dao mổ của bác sĩ cắt bỏ những ung nhọt gieo mầm mống bệnh tật. Sám hối càng mãnh liệt, tội lỗi càng lùi xa. Sám hối càng sâu xa, linh hồn càng mau chóng hồi sinh. Nhờ sám hối sâu xa, Thảo Đàn đã từ bỏ con đường nghiện ngập. Nhờ sám hối mãnh liệt, dân thành Ninivê đã bảo nhau, từ người già đến em bé đều xức tro, ăn chay cầu nguyện, quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi. Tâm hồn sám hối là tâm hồn được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận ơn Chúa.
Bước thứ ba: Đổi mới cuộc đời.
Sám hối chân thành bao giờ cũng đi đến đổi mới cuộc đời. Vì sám hối là muốn đoạn tuyệt với con đường xưa cũ để bước vào một con đường mới. Vì tâm hồn sám hối không những muốn sửa chữa lại những lỗi lầm quá khứ mà còn quyết tâm xây dựng một tương lai tươi mới,trong sạch hơn, tốt đẹp hơn, ích lợi hơn. Vì muốn hoàn toàn đổi mới, Thảo Đàn không chỉ tránh xa nhưng còn dấn thân giúp người khác đâú tranh chống tệ nạn xã hội. Vì muốn đổi mới cuộc đời, các tông đồ đã từ bỏ nếp sống cũ, từ giã những người thân, bỏ hết tài sản để lên đường đi theo Chúa. Con đường mới là con đường theo thánh ý Chúa, con đường dẫn ta đi trong tình yêu mến Chúa và yêu mến anh em. Tình yêu mến sẽ làm cho đời sống ta có ý nghĩa và trở nên phong phú vì sẽ đem lại những hoa quả thiêng liêng. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ đón nhận được Nước Chúa đang đến. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ góp phần đem Nước Chúa đến với anh em.
Đầu năm mới, ai cũng có ước mong mọi sự mới mẻ. Không gì đẹp hơn một tâm hồn đổi mới. Để đổi mới tâm hồn, ta hãy nhận biết tội lỗi và ăn năn sám hối. Với ơn Chúa giúp và với quyết tâm đổi mới, ta sẽ nhìn thấy những việc cần phải làm. Với những việc làm do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ta sẽ thực sự bước vào Năm Mới với cả tâm hồn đã được đổi mới.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới mọi sự trong ngoài của chúng con.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Đức Thánh Cha viết cho giới trẻ: “Quả thật, Đức Giê su là người bạn khó tính nhất. Người chỉ cho ta những đỉnh cao và đòi ta phải ra khỏi chính mình để gặp Người.” Hiện nay, Đức Giê su đang mời bạn chinh phục những đỉnh cao nào?
2) Để đổi mới cuộc đời, bạn phải từ bỏ nhiều điều. Nhưng quan trọng hơn cả là từ bỏ chính mình. Bạn có kinh nghiệm gì về cái tôi của bạn. Cái tôi ấy ra sao (cứng cỏi, bướng bỉnh, khép kín, tự ái, tự mãn…..).
3) Chừa bỏ tật xấu có dễ không? Ta nên có thái độ nào đối với người nghiện hút, rượu chè?
5. TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA – THÁNH HOÁ TRẦN THẾ
Lm. Joshepus Quang Nguyễn
Tin Mừng hôm nay kể Chúa Giêsu đang đi dọc biển hồ Galilê, thì thấy 4 anh thanh niên có gia đình, có cha mẹ, lại có nghề đánh cá, Chúa Giêsu mời gọi theo các anh hãy theo Ngài, và các anh đã bỏ lại tất cả rồi theo làm tông đồ cho Chúa. Chắc chắn các anh thanh niên này không phải là chủng sinh hay linh mục nhưng các anh chỉ là giáo dân vì họ đã từng quen biết Thầy Giêsu qua việc ông Gioan Tẩy giả đã giới thiệu tuần trước cho nên hôm nay nghe Chúa Giêsu mời gọi các anh kính nể Ngài, sẵn sàng ra đi theo Chúa một cách nhẹ tênh và quyết liệt.
Điều đáng lưu ý rằng điều gì khiến bốn chàng thanh niên này sau khi nghe tiếng Chúa mời gọi, các ông đáp lại ngay và sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả những gì thân thiết nhất trong đời sống: nghề nghiệp và những mối liên hệ ruột thịt tự nhiên để chọn Chúa Giêsu, theo Chúa, gắn bó mật thiết với Chúa và làm tông đồ nhiệt thành cho Tin Mừng cứu độ cho đến hết hơi cho đến trọn đời? Thưa, trở lại Tin Mừng Chúa nhật vừa rồi, chúng ta thấy ông Gioan Tẩy Giả thiệu Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xóa tội trần gian, cho đệ tử của mình là Anrê và Gioan. Hai ông này đã đến xem chỗ ở của Chúa và ở lại với Chúa Giêsu, và cũng từ đó các ông đã thấy tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi con người của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đến trần gian phục vụ cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa: rao giảng Nước Trời, chăm sóc người ốm đau bệnh tật, tha thứ cho người tội lỗi, cho kẻ chết sống lại và chính Ngài hy sinh chịu nạn chịu chết và sống lại để cho con người được sống lại với Người muôn đời.
Chúa Giêsu hôm nay vẫn đi ngang qua đời chúng ta mỗi ngày, Ngài thấy ta trước khi ta thấy Ngài. Ngài thấy ta nhưng ta vẫn không hay biết vì ta vẫn mải mê quăng chài hay vá lưới là lo cơm áo gạo tiền, mải mê tính xác thịt hay ta vẫn tất bật với những lo toan chuyện đời thường, hay đang miệt mài theo đuổi một ước mơ lý tưởng hay chính lúc ta tưởng cuộc sống mình quá ư ổn định, và đời mình đã được định hướng quá rõ ràng rồi, cho nên tiếng gọi của Chúa vang lên, mạnh mẽ, dứt khoát: Hãy theo tôi! Mà tôi không nghe biết. Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn chấp nhận trọn vẹn con người của ta, cả những yếu đuối, thờ ơ và tội lỗi cũng được Ngài kêu gọi và sẵn sàng đón nhận.
Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi đi theo Chúa Giêsu. Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ. Ngài mời ta theo chính con người Ngài, gắn bó với Ngài, nhận Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống đời này và đời sau. Theo Ngài là chia sẻ với Ngài cùng một sứ mạng, là thao thức và đồng cam cộng khổ với Ngài trong công việc cứu độ toàn thế giới. Qủa thế, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được Chúa mời gọi theo Chúa. Cho nên đời sống Kitô hữu không phải chỉ là tin những điều Chúa dạy, giữ những điều răn Chúa và Giáo hội truyền để được rỗi linh hồn mình, nhưng người Kitô hữu được kêu gọi theo Chúa, nghĩa là không phải chỉ là người giữ Đạo, đọc kinh, dâng lễ, nhưng phải là những tông đồ cho Chúa nữa: yêu thương, tha thứ, hy sinh và phục vụ mọi người như Chúa. Cho nên, dù ở bậc sống nào, dù ở bất cứ chỗ nào, chúng ta đều làm tông đồ của Chúa, làm tông đồ trước tiên là bằng chính đời sống thánh thiện, hiền lành, khiêm nhường và tốt đẹp của chúng ta. Vì chưng, đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể thay đổi được nếp sống của những người chung quanh, vì chưng ông bà ta “Lời nói lung lây, gương bày lôi kéo”. Vì vậy, đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh của người khác, từ không biết Chúa đến nhận biết Chúa, tôn thờ, yêu mến Chúa. Đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể làm cho mọi người từ tị hiềm ghen ghét, thù hần, tội lỗi đến yêu thương, xây dựng, đùm bọc, nâng đỡ nhau và thánh thiện.
Cụ thể, trong 117 vị Thánh tử Đạo việt nam, có một vị tông đồ Giáo dân, một bà mẹ Công giáo can đảm phi thường, chẳng thua kém các bậc nam nhi, đó là bà thánh Anê Lê Thị Thành, tục gọi là bà thánh Đê. Năm 17 tuổi, cô Lê Thị Thành kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, người cùng làng. Họ sống với nhau hạnh phúc và sinh được sáu người con. Bà Đê là một người con dâu hiếu thảo, một người vợ hiền thục đảm đang và là một người mẹ rất mực yêu thương con cái. Bà nuôi nấng, dạy dỗ con cái lớn khôn, một lòng sống trung thành với Đạo thánh Chúa. Dưới thời Vua Thiệu Trị, cuộc bách hại Đạo ngày càng quyết liệt, Bà đã bị bắt cùng với cha Galy Lý và một số giáo dân khác. Trong thời gian bị giam giữ, lính tráng đánh đập bà tàn nhẫn, toàn thân bà bầm tím máu. Tuy là phận nữ yếu đuối, nhưng bà đã tỏ ra can đảm cách phi thường, không nao núng, vui vẻ chấp nhận những cực hình tra tấn. Khi con gái vào tù thăm mẹ, khóc lóc khi thấy thân thể bà bầm tím máu, áo bê bết loang lổ vết máu, bà hài hước an ủi: “Con đừng khóc mẹ nữa, mẹ mặc áo hoa hồng thắm đỏ, sao con khóc?” Bà coi những vết máu như vòng hoa khoác lên cổ người chiến sĩ thắng trận khải hoàn. Rồi bà nói với cô: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo anh chị em con săn sóc việc nhà, vững tâm giữ đạo, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên đàng”.
Chúng ta đang sống trong năm phụng vụ mà Hội Đồng Giám Mục kêu gọi mọi thành viên trong gia đình hãy sống thăng tiến đời sống hôn nhân gia đình. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống Đạo tốt đẹp, nêu gương sáng cho mọi người, trước tiên cho những người thân yêu trong gia đình bằng đời sống hòa thuận yêu thương nhau, tha thứ, hy sinh và xây dựng hạnh phúc cho nhau trong tình yêu mến Chúa, yêu mến nhau và mọi người chung quanh, đấy mới thật sự là tông đồ đích thực của Chúa, thánh hoá trần thế hôm nay. Amen.
6. THỜI KỲ ĐÃ MÃN – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Cách nói “thời kỳ đã mãn” thường làm chúng ta liên tưởng đến ngày tận thế, tức là ngày thế gian này sẽ bị thiêu rụi và phá hủy hoàn toàn. Tuy vậy, xem ra ngày tận thế là một ảo ảnh, vì hai ngàn năm nay, Chúa Giê-su và Giáo Hội của Người vẫn tiếp tục rao giảng về ngày tận thế, mà ngày ấy đâu có đến! Phải chăng đây chỉ là một lời hù dọa để làm người ta khiếp sợ? Nhiều người vô tín đã khẳng định: khái niệm tận thế chỉ là một chuyện hoang đường!
Tuy vậy, nếu tận thế theo nghĩa ngũ hành sẽ bị thiêu rụi chưa xảy đến, thì ngày tận thế đối với mỗi cá nhân chúng ta lại đang đến dần dần. Quả thật, khi một người nhắm mắt xuôi tay, thì đó chính là giờ tận thế đối với người ấy. Điều đó có nghĩa người ấy sẽ không tiếp tục sống trên trần gian. Mọi dự tính tương lai sẽ chấm dứt. Dưới lăng kính đức tin Ki-tô giáo, đó cũng là thời điểm người vừa qua đời phải trình diện trước nhan Chúa để chịu phán xét. Giáo lý truyền thống gọi cuộc gặp gỡ với Chúa này là cuộc “phán xét riêng”. Đây là lúc con người phải trả lời Chúa về những gì mình đã làm, đã sống và cách thức đối xử với tha nhân khi sống trên trần gian.
Như thế, sám hối không bao giờ là muộn, và cũng không bao giờ là thừa. Sám hối không chỉ giúp chúng ta sẵn sàng gặp Chúa trong niềm vui, khi chúng ta kết thúc cuộc đời dương thế, mà còn giúp chúng ta nhìn lại bản thân, cố gắng sửa chữa những sai lầm, sẵn sàng phục thiện và làm những việc tốt đối với những người xung quanh mình. Người năng sám hối sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác, bởi thấy bản thân mình cũng vẫn còn mang nhiều yếu đuối.
Nếu chúng ta chân thành sám hối, là vì chúng ta tin tưởng vào lòng từ bi của Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài. Bài đọc I trích sách ngôn sứ Giô-na là một chứng từ hùng hồn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài là Đấng “chỉ giận trong giây lát, nhưng yêu thương suốt cả đời” (Tv 29,6). Thời ấy, dân thành Ni-ni-vê ngập tràn trong tội lỗi. Thiên Chúa muốn trừng phạt họ. Ngài sai ngôn sứ Giô-na đến để rao giảng lòng sám hối. Dân thành đã nghe lời kêu gọi này. Họ đã sám hối và Thiên Chúa đã không giáng phạt dân chúng như Ngài dự tính. Tác giả đã sử dụng lối văn “như nhân”, tức là diễn tả Thiên Chúa mang tâm lý giống như con người. Tâm tình sám hối và thiện chí đổi đời là lý do khiến Ngài nguôi giận và hủy bỏ ý định trừng phạt. Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn mong chờ các tội nhân sám hối trở về với Ngài. Ngài là Cha yêu thương, không nỡ bỏ bất kỳ một ai trong số gia đình nhân loại. Những ai cố tình sống trong tội lỗi, là khước từ lòng thương xót của Chúa.
Trước lời mời gọi sám hối của Chúa Giê-su, hai cặp anh em là Si-mon và Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là những người chài lưới bên bờ hồ Ga-li-lê, đã mau mắn theo Chúa để cộng tác với Người. Ngày hôm nay, qua Giáo Hội, Chúa Giê-su đang mời gọi chúng ta theo Chúa, một đàng để nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa để hoàn thiện bản thân; đàng khác, để cộng tác loan báo thông điệp về lòng bao dung nhân hậu của Ngài.
Lời nhắc nhở “thời kỳ đã mãn” giúp chúng ta ý thức thân phận mỏng giòn của kiếp người, đồng thời sống khiêm nhường, phó thác cậy trông. Ý thức về cuộc đời chóng qua cũng giúp chúng ta sống nhân ái hơn với anh chị em đồng loại. Thánh Phao-lô, trong thư gửi giáo dân Cô-rin-tô đã giáo huấn về tinh thần buông bỏ mà người tín hữu phải có. Vì cuộc sống quá ngắn ngủi, nên đừng có ai làm nô lệ vật chất hoặc những đam mê. Khi biết sử dụng vật chất như phương tiện, chúng ta sẽ dễ dàng nên hoàn thiện. Thánh nhân đã viết: “Kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”.
“Hãy theo tôi!”. Đó là lời Chúa Giê-su mời gọi chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta can đảm đáp lại mời gọi ấy. Amen.
Tổng hợp từ: tonggiaophanhanoi.org
Có thể bạn quan tâm
Nga chặn các trang web Công giáo và các tôn giáo khác
Th10
Ngày 17/10: Thánh Inhaxiô thành Antiokia, giám mục tử đạo
Th10
Các cử hành phụng vụ của ĐTC Phanxicô trong hai tháng 11 và..
Th10
Sinh Viên Công Giáo tại Hà Tĩnh Mừng Kính Thánh Bổn Mạng Têrêsa..
Th10
Hiệp Đoàn Antôn Padova Hạt Kỳ Anh: Sa Mạc Huấn Luyện & Thăng..
Th10
Thánh Giuseppe Allamano, nhà truyền giáo không vượt trùng dương
Th10
Ngày 15/10: Thánh Tê-rê-sa A-vi-la – Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh (1515-1582)
Th10
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm B
Th10
Đức Thánh Cha chủ sự giờ cầu nguyện đại kết cầu cho các..
Th10
Gia Đình Thánh Tâm Hạt Hoà Ninh Tĩnh Tâm & Mừng Lễ Kính..
Th10
Kinh Mân Côi, Kinh nguyện của gia đình và cho gia đình
Th10
Cáo phó: Bà cố Anna – Thân mẫu của nữ tu Anna Nguyễn..
Th10
Khôn Ngoan Kiếm Tìm Của Cải Đích Thực – Suy Niệm Chúa Nhật..
Th10
Hội Mân Côi Giáo Hạt Văn Hạnh Mừng Trọng Thể Lễ Đức Mẹ..
Th10
Ngày 11/10: Thánh Gioan 23, Giáo hoàng
Th10
Thượng Hội Đồng, Ngày 6: 62.000 Euro Được Quyên Góp Và Gửi Đến..
Th10
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 142 – Tình Yêu Nam..
Th10
Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục Cho Đức Cha Tân Cử Đaminh Nguyễn..
Th10
Bạn đang dùng Facebook như thế nào?
Th10
Thánh Gioan XXIII và Thánh Gioan Phaolô II: Cuộc Đời và Sứ Điệp
Th10