SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
Mk 5,1-4; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45
Bài đọc 1 Mk 5,1-4a
Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.
Bài trích sách ngôn sứ Mi-kha.
1 Đức Chúa phán thế này :
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.
2Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en
cho đến thời người sản phụ sinh con.
Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó
sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.
3Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa,
vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người
mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,
vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.
4aChính Người sẽ đem lại hoà bình.”
Đáp ca Tv 79,2ac và 3b.15-16.18-19 (Đ. c.4)
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
2acLạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá,
3bxin khơi dậy uy dũng của Ngài,
đến cùng chúng con và thương cứu độ.
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
15Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,
16bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
18Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.
19Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.
Bài đọc 2 Hr 10,5-10
Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
5 Thưa anh em, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. 6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. 7 Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.
8 Trước hết, Đức Ki-tô nói : Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. 9 Rồi Người nói : Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.
Tung hô Tin Mừng Lc 1,38
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.
Ha-lê-lui-a.
Tin mừng hôm nay
Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 1,39-45
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Đức Maria, người mang Chúa đến
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Với Chúa Nhật IV Mùa Vọng, chúng ta đang tiến gần biến cố Con Chúa giáng trần. Không khí giáng sinh đã bắt đầu lan tỏa khắp mọi nơi trong các xứ đạo, từ miền quê đến thành thị. Mọi người đang háo hức chuẩn bị trang trí hang đá, cây thông, đèn điện… để mừng Chúa giáng sinh. Tuy nhiên, việc chuẩn bị giáng sinh không được dừng lại ở những hình thức bên ngoài hay ‘trần tục hóa’ lễ Giáng Sinh, nghĩa là chỉ lo lắng mua sắm, tiệc tùng, quà cáp… nhưng chúng ta phải hướng về tâm điểm của lễ Giáng Sinh là tôn thờ Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Để giúp mừng lễ Giáng Sinh ý nghĩa, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm câu chuyện Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét.
1. Đức Maria, người mang Chúa đến cho nhân loại
Thánh Luca cho biết sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, tới một thành thuộc chi tộc Giuđa, để thăm bà Êlisabét, người chị họ mình. Đức Maria vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét. Khi bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy mừng, và bà được đầy Thánh Thần (x. Lc 1,39-44).
Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ và hai người con, là cuộc gặp gỡ giữa giao ước cũ và giao ước mới. Cuộc gặp gỡ này xảy ra rất âm thầm, bình thường và dường như ít người biết, nhưng lại chứa đựng những điều vĩ đại. Bởi lẽ, qua hai nhân vật người mẹ này, Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho lịch sử cứu độ của nhân loại.
Quả thế, hai người phụ nữ đang mang thai hai người con. Bà Êlisabét là biểu tượng cho dân Ítraen, dân riêng đang chờ Đấng Mêsia, còn Đức Maria là biểu tượng của dân Ítraen mới, người cưu mang Đấng Cứu Thế. Bà Êlisabét sinh hạ Gioan Tẩy Giả, còn Đức Maria sinh hạ Chúa Kitô.
Người con của bà Êlisabét sẽ là người dọn đường cho Đấng Mêsia, còn Người Con của Đức Maria sẽ thực hiện những lời hứa cứu độ. Vì thế, trong cuộc gặp gỡ này hai người mẹ và hai người con tràn đầy niềm vui. Bởi vì, họ là những người được đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Qua cuộc viếng thăm này, chúng ta nhìn thấy Đức Maria chính là ‘nhà tạm di động và sống động’ của Con Thiên Chúa. Việc Mẹ viếng thăm và mang Chúa đến cho gia đình ông Dacaria, có nghĩa là Mẹ mang Chúa đến cho gia đình nhân loại. Mẹ là ‘nhà truyền giáo’ đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.
2. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Để nói về Chúa Kitô, chúng ta phải tìm hiểu về Đức Maria. Cũng thế, hiểu biết Đức Maria sẽ giúp chúng ta hiểu biết về Chúa Kitô và ngược lại.
Quả vậy, khi đón tiếp Đức Maria, bà Êlisabét nhận ra rằng lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Maria và bà ca ngợi Đức Mẹ:
“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43).
Thành ngữ “Em được chúc phúc giữa mọi người phụ nữ” được dùng trong Cựu Ước thuộc thời Gioen (Tl 5,24) và sách Giuđitha (Gđt 13,18), để nói về hai người phụ nữ chiến binh đã cố gắng giải cứu Ítraen khỏi tay quân thù ngoại bang. Nhưng bây giờ, những lời này được áp dụng cho Đức Maria, một trinh nữ sẽ sinh Đấng Cứu Độ cho thế giới.
Như thế, việc Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ vì niềm vui (x. Lc 1,44) làm chúng ta nhớ lại việc Đavít nhảy mừng trước cửa Hòm Bia Giao Ước tiến vào Giêrusalem (x. 1 V 15,29). Hòm Bia có để Lề Luật (Torah), Manna và cái gậy của Aharon (x. Hr 9,4). Gioan nhảy mừng trước Đức Maria, Hòm Bia giao ước mới.
Mẹ là người phụ nữ được chúc phúc bởi vì Mẹ được Thiên Chúa chọn làm người cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Độ. Mẹ Maria là người tinh tuyền, thánh thiện, toàn mỹ và toàn thánh, xứng đáng là ‘nhà tạm thánh thiện’ cho Con Thiên Chúa ngự. Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, bà Êlisabét nhận ra Đức Maria là “Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm,” bởi vì Mẹ đang cưu mang trong lòng Con Đức Chúa Trời, và Mẹ sẽ sinh cho thế giới ‘nguồn ơn cứu độ.’ Đây cũng là nền tảng cho niềm tin của Giáo Hội tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa – Theotokos, một tước vị cao cả, mà Giáo Hội định tín tại Công Đồng Êphêsô (năm 431). Bởi đó, qua dòng lịch sử, Giáo Hội đã dành cho Đức Maria một sự biệt kính sau Ba Ngôi Thiên Chúa trong phụng vụ Kitô giáo.
3. Chứng nhân nền văn hóa gặp gỡ
Cuối cùng, cảnh thăm viếng này cũng diễn tả vẻ đẹp của lòng hiếu khách và nền văn hóa gặp gỡ: Đây có sự đón tiếp lẫn nhau, lắng nghe nhau, dành chỗ cho nhau, chia sẻ với nhau niềm vui có Chúa, cũng như phục vụ lẫn nhau.
Sống trong một xã hội con người ngày hôm nay đang trở nên xa lạ với nhau, bởi vì con người đang sống cách vô cảm, loại trừ và thù địch nhau. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi đó là hiện tượng ‘vô cảm toàn cầu hóa’ trong đời sống con người. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi xây dựng nền văn hóa gặp gỡ và thăm viếng nhau. Bởi vì, điều quan trọng trong cuộc sống không phải chúng ta có cái gì mà là có ai đó để sống với.
Khi có Chúa Kitô, Đức Maria đã vội vã tới thăm bà Êlisabét (x. Lc 1,39). Bắt chước Đức Maria, chúng ta cũng hãy vội vã lên đường để thăm viếng những người nghèo khổ, người bệnh tật, kẻ tù đày, người cô đơn trong mùa Giáng Sinh này, bởi lẽ, họ là ‘hiện thân’ của Con Thiên Chúa giáng trần.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng chính Chúa là Người đến viếng thăm chúng con trước. Xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón Chúa đến. Đặc biệt, xin cho chúng con biết noi gương Đức Trinh Nữ Maria mang Chúa đến cho những người xung quang bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ. Amen!
Đăng Trình Loan Báo Tin Mừng
Lm. Hoa Thập Tự
Trong suốt Mùa vọng này Giáo hội đã từng bước dẫn con cái mình vào cuộc vọng ngóng, mong chờ sự xuất hiện của Hừng Đông từ chốn cao vời viếng thăm: Chúa nhật I – Hy vọng: loan báo về sự xuất hiện của Đấng sẽ đến; Chúa nhật II – bình an: lời mời gọi dọn đường sửa lối dón Chúa; Chúa nhật III – niềm vui: loan báo niềm vui gần kề; và Chúa nhật IV – Tình yêu: gọi mời chúng ta thụ hưởng niềm vui sung mãn nơi Thái tử Bình an cùng với Đức Maria, “Ngôi sao của việc Phúc âm hóa” trong việc thông truyền niềm vui Tin mừng.
- Niềm vui thành hình
Vịnh gia 79 diễn tả nỗi khốn cùng của dân Chúa trong cảnh lưu đày và lời thống thiết kêu lên cùng Thiên Chúa – Đấng cứu độ họ. Quả thực, khúc ai ca này nói lên thảm trạng của dân ưu tuyên bị thất thủ trong hai biến cố: Samari (721 Tcn) và Giêrusalem (587 Tcn) như câu 13-14 nói lên sự tan hoang của Vườn nho Israel: “Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách quan đường mặc sức hái mà ăn! Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang”. Từ vực thẳm khốn cùng của sự tha hương nơi chốn lưu đày, niềm tin của dân vào Thiên Chúa được đánh thức và họ nài xin: “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con”, “xin trở lại”, “xin ngó xuống”, “xin thăm nom và bảo vệ cây nho – vườn nho Chúa đã trồng” (c.8.15.16). Họ tuyên xưng vào sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa – Mục tử nhà Israela, sẽ dùng “uy dũng”, “ánh tôn nhan rạng ngời” để giải thoát, đem lại ơn cứu độ cho họ.
“Uy dũng” – “Ánh tôn nhan rạng ngời” đã được các Ngôn sứ tiên báo. Đó là vương quyền của Messia như Mikha trong bài đọc thứ nhất trình bày. Tuy nhiên, Uy dũng đó không phải là sức mạnh đến từ một vương quyền xứng bá trong thế gian của một danh gia vọng tộc, nhưng đến từ “số sót” của Israel, từ Bethlem Epratha bé nhỏ. Từ nơi chẳng mấy ai quan tâm, không phải là địa linh nhân kiệt, nhưng là nơi “uy danh Đức Chúa” sẽ được tỏ bày và nền hòa bình sẽ “trải rộng đến tận cùng trái đất”.
Uy danh và nền hòa bình đích thực không chỉ là lời loan báo được lặp đi lặp lại như một lời an ủi cho dân trong cảnh đợi chờ một viễn tượng tươi sáng giữa những khổ lũy, nhưng được thành hình, nhập thể trong một con người cụ thể: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Thiên Chúa vô hình, siêu việt đã trở nên nhỏ bé nơi Hài Nhi, trở nên người phàm – là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là niềm vui trọng đại, là Tin mừng vượt trên mọi hiến lễ; Thiên Chúa làm người, niềm vui thành hình hài để chúng ta có thể nhìn, chuyện trò, cảm nhận tất cả hiện sinh của chúng ta trong thân phân nhân loại chúng ta. Tác giả thư gửi tín hữu Do thái khẳng định khi vào trần gian, Chúa Kitô đã không ưa hy tế và hiến lễ, những “đã tạo cho con một thân thể” (10,5). Biến cố truyền tin cho Đức Maria, Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta – Tin mừng trọng đại réo gọi mọi nhân tâm và toàn vũ hoàn.
Mùa vọng gọi mời chúng ta chiêm ngắm Tin mừng nhập thể hiện diện lấp đầy hiện sinh của chúng ta như Gaudium et Spes số 22 khẳng định: “Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS 22).
- Niềm vui đăng trình
Sau khi đón nhận Ngôi Lời trong cung lòng, Đấng được phủ đầy bởi ân sủng, trào tràn niềm vui đã vội vã lên đường thông truyền niềm vui cứu thế. Bài Tin mừng hôm nay Giáo hội mời gọi con cái mình dõi theo bước chân của Mẹ chúng ta trong việc đón nhận và loan báo niềm vui Tin mừng: “Hồi ấy, Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi”. Mẹ vội vã, hối hả đăng trình không phải bị thôi thúc bởi nhịp sống số, bởi thời kinh tế thị trường mà vì Mẹ đầy ơn phúc và muốn thông truyền qủa phúc cho người khác; Mẹ muốn người khác hoan hưởng niềm vui cứu độ, cụ thể là gia đình người chị họ – Elizabeth. Đức Phanxicô viết: “Maria, Trinh nữ, Mẹ dấu yêu bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận Lời sự sống từ sâu thẳm đức tin khiêm cung… Ngập tràn sự hiện diện của Đức Kitô, Mẹ đem niềm vui đến cho Gioan Tẩy giả, khiến thánh nhi trong dạ mẹ nhảy mừng. Lòng rộn ràng vui sướng hân hoan, Mẹ ca hát những kỳ công của Chúa…” (Evangelii Gaudium, 288).
Chúng ta hãy dõi theo dấu chân Mẹ để cất bước đăng trình với nguồn lực mà Thánh Tông đồ khẳng định: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14). Mẹ là hình ảnh và khuôn mẫu của Hội thánh lữ hành trong niềm hy vọng, vui mừng ra đi Phúc âm hóa. Quả vậy, Đức Maria, nói như Đức Phanxiô, “ngôi sao của Phúc âm hóa” – thiếu nữ Sion “đầy đức tin, sống và tiến bước trong đức tin”, và “cuộc lữ hành đức tin phi thường của Mẹ biểu thị một điểm qui chiếu cho Hội thánh”. Mỗi chúng ta, theo Đức Maria dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong hành trình đức tin, hướng tới sứ mạng phục vụ Tin mừng và sinh hoa kết quả đức yêu thương. Quả vậy, “công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội có một phong cách Maria. Mỗi khi nhìn lên Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng” (Evangelii Gaudium 287-288).
Mùa vong giúp chúng ta ý thức sống niềm vui cứu độ bằng cách để cho lòng chúng ta được lấp đầy bởi tình yêu của Chúa và mau mắn thông truyền niềm vui Tin mừng cho người khác.
- Niềm vui gặp gỡ, niềm vui trao ban, niềm vui đong đầy
Niềm vui Tin mừng không bao giờ là sở đắc của riêng ai, nhưng là niềm vui trao ban, Tin mừng gặp gỡ, đối thoại. Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau trên căn bản của Tin mừng.
Đức Maria đầy ơn, trào tràn niềm vui sự hiện diện của Đức Kitô, không chỉ nơi con người của Mẹ mà còn nơi công việc Mẹ làm và lời Mẹ nói, nơi sự hiện diện của Mẹ. Khi tới nhà Dacaria, Mẹ chào bà Elizabeth (c. 40). Lời chào của Mẹ, lời chào của niềm vui, của ân sủng, của bình an, đã thông truyền cho bà chị họ niềm vui thánh thiện, niềm vui ơn cứu độ: Gioan nhảy mừng hoan hỷ trong thai mẫu và Eliazabeth được tràn đầy Thánh Thần (c.41). Ơn trong đại được Mẹ viếng thăm cùng với ơn được làm mẹ muộn màng đã làm cho bà Elizabeth nhận ra “Quả Phúc” của Thiên Chúa nơi Mẹ khi tuyên xưng Đức Maria là “Thân Mẫu Chúa tôi”, “Chúa tôi” – một danh xưng của Đấng Messia. Bà Elizabeth nhận ra Chúa của mình nơi người con của Đức Maria là nhờ được đầy ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Ambrosio khi minh giải về biến cố này đã viết:
Bà Elizabeth là người đầu tiên nghe tiếng nói, nhưng Gioan lại là người đầu tiên cảm nhận được ân sủng. Bà mẹ nghe theo lẽ tự nhiên, nhưng cậu con lại nhảy mừng vì lẽ mầu nhiệm. Bà mẹ đón nhận Đức Maria đến thăm, còn người con lại cảm thấy Chúa ngự đến. Phụ nữ đón tiếp phụ nữ, con trẻ đón tiếp con trẻ. Hai bà mẹ nói với nhau những lời thân ái, còn hai người con thì hoạt động ở bên trong làm cho các bà tăng thêm lòng yêu mến và nhờ phép lạ đó, dưới sự thúc đẩy của hai người con, các bà cất tiếng ca tụng Thiên Chúa.
Như thế, sự hiện diện của Mẹ đầy ơn phúc là sự hiện diện của niềm vui, của việc thông truyền niềm vui, niềm vui đem Chúa đến vào trao ban cho người khác, đồng thời cũng là việc chia sẻ với người khác niềm vui, phúc lành của họ. Đó là niềm vui ơn cứu độ – hoan lạc trong Thần Khí. Người ta nói rằng: gặp gỡ mà làm cho người ta nên tốt, tin tưởng, đó là làm tông đồ. Trái lại, gặp gỡ làm cho người ta hoang mang, rầu rĩ, đó là phản Kitô.
Mẹ đến nhà Dacaria để đem niềm vui, để chia sẻ niềm vui. Gặp nhau đem lại niềm vui cho nhau, niềm vui đến từ Thiên Chúa; Mẹ đến nhà Dacaria để thánh hóa nhà này. Gặp gỡ là để đem lại sự thánh thiện, ơn cứu độ cho tha nhân; Mẹ và bà Elizabeth nói cho nhau về ân huệ Chúa. Gặp gỡ là để nói về những điều cao cả mà Chúa đã thực hiện nơi chúng ta: “Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa. Ta đồng thanh tán tụng danh Người” (Tv 34,4).
Hướng tới niềm vui Giáng sinh, chúng ta được gọi mời đăng trình đến với tha nhân để chia sẻ niềm vui của Emmauel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, niềm vui của “con tim nói với con tim” bởi Chúa đã làm cho chúng ta những việc trọng đại.
Rabbouni 67
Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân…
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Có thể bạn quan tâm
Mở Cửa Thánh Đền Thờ Latêranô: “Gieo Niềm Hy Vọng Và Xây Dựng..
Th12
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Gợi Ý Suy Niệm Chầu Thánh Thể..
Th12
Kinh Năm Thánh 2025
Th12
Hướng dẫn thực hành để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh..
Th12
Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Th12
Thư gửi Mẹ Thiên Chúa
Th12
Tin Tổng Hợp Giáo Phận Hà Tĩnh Tháng 12/2024
Th12
Năm Thánh Hy vọng 2025 chính thức khai mạc tại Giáo phận Hà..
Th12
[TRỰC TIẾP] Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh | Giáo phận Hà Tĩnh..
Th12
Chiếm Trọn Spotlight Của Đức Maria và Người Trẻ
Th12
Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất – Năm C
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa (01/01/2025)
Th12
Nghi Thức Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th12
Đức Thánh Cha Mở Cửa Thánh Tại Nhà Tù Rebibbia: Hãy Nắm Lấy..
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12