Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm B

1422 lượt xem

SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM B

(Ga 12, 20 – 33)

Mục lục:

1. Chính Khi Hiến Thân Là Khi Nhận Lãnh – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

2. Chết Là Khởi Đầu Đời Sống Mới – Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu

3.  Bây giờ tâm hồn Ta xao xuyến – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

4. Hạt lúa mục nát – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

5. Giá trị của đau khổ – Lm. Minh Vận, CRM

6. Giới Thiệu Chúa – Lm. Nguyễn Hữu An

————————————————————————————————-

1. Chính Khi Hiến Thân Là Khi Nhận Lãnh – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Sau khi đã đi được nửa chặng đường của Mùa Chay Thánh (Chúa nhật IV) với lời mời gọi “Mừng Vui Lên“, và tiến bước sang chặng thứ hai, Giáo hội khuyến khích con cái mình tiếp tục tiến lên không ngừng nghỉ trên con đường ăn năn đền tội, cải đổi đời sống để chuẩn bị Lễ Phục Sinh. Việc đền tội này gia tăng niềm vui cho chúng ta khi tiến gần tới đích.

Bước vào Chúa nhật thứ V Mùa Chay, Giáo hội trình bày cho chúng ta đoạn Tin Mừng (Ga 12, 22-30), giúp chúng ta chuẩn bị bước vào Tuần Thánh tốt hơn và sống một cách sâu xa những mầu nhiệm quan trọng trong đời sống người Kitô hữu. Đàng Thánh Giá đối với người tín hữu là con đường phải qua, chết là để sống lại và hơn nữa để sống trọn vẹn đời sống người Kitô hữu, chúng ta phải chết.

Một phần đầu của đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24). Trong hình ảnh này chúng ta tìm thấy một khía cạnh khác nữa của Thập Giá Chúa Kitô. Thật vậy, cái chết của Chúa Giêsu là một nguồn suối vô tận của sự sống mới, bởi vì nó mang theo trong chính nó sức mạnh tái sinh của tình yêu thương của Thiên Chúa. Ðược dìm mình trong tình yêu đó qua bí tích Rửa Tội, kitô hữu có thể trở thành “các hạt lúa” và đem lại nhiều bông hạt, nếu họ “liều mất sự sống mình” vì yêu thương Thiên Chúa và các anh chị em khác như Chúa Giêsu (Ga 12, 25).

Khi chú giải đoạn Tin Mừng này thánh Augustinô đã giải thích như sau: “Chúa Giêsu tự ví mình là “hạt lúa mì” được gieo vào lòng đất chịu mục nát đi để sinh nhiều bông hạt; Người được Chúa Cha sai xuống trần gian phải được hiến tế vì sự bất trung của người Do thái ngõ hầu đức tin của cả nhân loại được triển nở”. Bánh Thánh, được làm nên bởi muôn hạt lúa miến, được nhân lên và bẻ ra để trở nên tấm bánh cho mọi người. Của chết của các vị tử đạo luôn làm nảy sinh những người tín hữu; vì thế mới có cái ngược đời là, “ai yêu mạng sống mình” thì sẽ mất. Chúa Kitô chết để trao ban thịt máu mình cho chúng ta: phần chúng ta, chúng ta cũng phải bắt chước Chúa trao ban chính mình để được sống lại với Chúa và cùng với Chúa, trao ban quả phúc. Có biết bao người sống trong thinh lặng để mưu cầu lợi ích cho anh em ? Từ sự thinh lặng và khiêm nhường ấy chúng ta học được bài học trở nên hạt lúa mì mục nát đi để lấy lại sự sống.

Phần kết của đoạn Tin Mừng hôm nay là một lời khuyên chúng ta tiến bước trong ánh sáng của Con Thiên Chúa trên toàn cõi địa cầu: “ … phần Ta, khi nào Ta chịu đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12, 32). Chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa là Cha nhân lành xua tan bóng tối ra khỏi lòng chúng ta. Chúa Giêsu nói: “Ðã đến giờ con người được tôn vinh” (Ga 12, 23). Chúng ta tự hỏi: Giờ đó là giờ nào? Thưa, đây là giờ của Thập Giá! Ðó cũng là giờ bại trận của Satan, ông hoàng của sự dữ, giờ chiến thắng vĩnh viễn của tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa. Chúa Kitô tuyên bố rằng “Người sẽ được nâng cao khỏi đất” (Ga 12, 32), đây là một kiểu diễn tả có hai nghĩa: “được nâng cao” bởi vì bị đóng đinh, và “được nâng cao” bởi vì được Thiên Chúa Cha tán dương trong việc Sống Lại, để lôi kéo tất cả mọi người đến với Người và hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Giờ của Thập Giá, giờ đen tối nhất lịch sử, cũng là suối nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Người. Đây là giờ của Thiên Chúa, giờ phút được trao ban cho chúng ta, chúng ta đừng bỏ qua! “Các con còn ngủ ư?” chúng ta không thể thôi là ánh sáng thế gian này. Khi mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời, chúng ta phải phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa.

Thật vậy, chính từ trên thập giá mà Chúa Giêsu sẽ mạc khải cho thế gian biết tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại đang cần ơn cứu rỗi. Thiên Chúa là Chúa duy nhất của chúng ta, chúng ta là dân Ngài. Giao ước tình yêu bền vững giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được thực hiện cách trọn vẹn trong hy tế Vượt Qua của Chúa Kitô.

Nhờ tham dự vào Mầu Nhiệm Thương Khó của Chúa Kitô, mà chúng ta có thể sống sự phong phú của hạt giống gieo xuống đất, và được Chúa đón nhận vào trong Vương Quốc trên trời. Amen.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

—————————————————————————————–

2. Chết Là Khởi Đầu Đời Sống Mới – Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu

Hạt lúa mang mầm sự sống, nhưng có chết đi mới sinh nhiều bông hạt, nếu không chết đi, nó chỉ trơ trọi một mình. Đó là quy luật của mọi mầm sống hướng tới ngày sinh hoa kết trái. Nhưng trước cái qui luật ấy, ai cũng sợ hãi, kể cả Đức Giê-su, vị Thiên Chúa làm người: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”.

Tuy xao xuyến, sợ hãi trước ‘Giờ chết’, nhưng Đức Giê-su đã ý thức rằng: Chính lúc chết đi là thời khắc “Con Người được tôn vinh”. Nên Ngài đã sẵn sàng thưa lên cùng Chúa Cha rằng: “nhưng chính vì giờ này mà Con đã đến” trong trần gian.

Quả thật, Đức Giê-su đã can đảm, tự nguyện chấp nhận chết treo trên cây thập giá và bị chôn vùi trong lòng đất, rồi ngày thứ ba mới sống lại vinh quang. Hơn nữa, Đức Giê-su có chấp nhận chết đi và chết một cách nhục nhã như thế, thì Hội thánh mới được sinh ra và mọi người mới được kéo lên cùng Thiên Chúa.

“Chết đi để được bước vào đời sống mới” là quy luật của sự sống tự nhiên cũng như sự sống siêu nhiên. Thế nhưng con người, nhất là người thời nay, kể cả các Ki-tô hữu thường chỉ áp dụng quy luật này trong việc tìm kiếm vinh quang trần thế và hạnh phúc đời này, còn sự sống và hạnh phúc đời sau thì chẳng thấy mấy ai. Cụ thể:

Có người sẵn sàng thức khuya dạy sớm, lao tâm khổ tứ để làm giàu, nhưng lại ngại khó ngại khổ trong đời sống đạo.

Có người học đủ mọi thứ, đọc đủ mọi chuyện, nhưng lại không chịu học giáo lý, không chịu đọc Tin Mừng.

Có người tham gia mọi cuộc chơi, không cuộc vui nào vắng mặt, nhưng lại ngại ngùng không tham gia hoạt động tông đồ.

Có người đi đủ mọi nơi mọi chỗ, nhưng nhà thờ, nhà xứ, lễ lạy không thấy đi bao giờ.

Có người tôn thờ, sùng bái mọi thứ, nhưng lại không chịu tôn thờ Chúa.

Có người sẵn sàng đầu tư tiền của, sức khoẻ, thời gian, tâm huyết cho công việc thế trần, nhưng lại chểnh mạng coi nhẹ việc đầu tư cho Nước Trời mai sau.

Có người cẩn thận tuân theo ngày tháng và ‘tứ thời bát tiết’ trong trời đất, để điều chỉnh cuộc sống và thu xếp công việc làm ăn, nhưng lại chẳng tuân theo ngày tháng và Mùa trong năm Phụng vụ mà điều chỉnh cuộc sống và thu xếp việc linh hồn

Có người tận tâm phục vụ mọi đối tượng đến nỗi bán rẻ cả nhân phẩm và coi thường mạng sống của mình, nhưng lại ngại ngùng phục vụ Đức Ki-tô và Vương quốc của Ngài.

Sống như thế là chỉ lo giữ mạng sống mình và tìm kiếm những sự đời này. Đức Giê-su dạy rằng: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời sau. Ai tin theo và phục vụ Thày, thì Thày ở đâu, kẻ tin theo và phục vụ Thày cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thày, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy”.

Lạy Chúa Giê-su, Ngài là hạt lúa mì của Thiên Chúa Cha gieo xuống cánh đồng trần gian đã vui lòng chết đi trên cây thập giá và phục sinh vinh hiển, để khai mở cho nhân loại một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự sống bất diệt nơi Thiên Chúa. Xin cho con cũng biết đóng đanh tính xác thịt, thế gian và tội lỗi cùng với Chúa, để được cùng với Ngài trỗi dậy trong vinh quang vĩnh cửu. Amen.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

——————————————————————————————

3.  Bây giờ tâm hồn Ta xao xuyến – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Đức Giêsu là một người hoàn toàn như tất cả mọi người. Trong cuộc sống trần thế, Ngài cũng sợ hãi, bồi hồi xao xuyến, khóc lóc cầu xin Thiên Chúa giải phóng Ngài khỏi chết. Tuy nhiên, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa; nơi Ngài, con người nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người vô cùng.

Tâm hồn Ta bồi hồi xao xuyến

Đức Giêsu biết những gì đang chờ đợi Ngài. Cái chết đang đến gần khi Ngài quyết định lên Yêrusalem dự lễ Vượt Qua. Là người Do Thái, theo luật phải lên Yêrusalem dự lễ Vượt Qua; nhưng nếu lên, chắc sẽ chết vì những người lãnh đạo tôn giáo đang ghét, nên sẽ giết Ngài. Đức Giêsu phải chọn lựa. Các tông đồ cũng ý thức điều này. Theo các ông thì không nên lên Yêrusalem dịp này: “Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” (Ga. 11,8). Nhưng nếu Thầy quyết định đi, thì các tông đồ cư xử làm sao? Thomas khuyến khích các bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga. 11,16). Có những người trong chúng ta có kinh nghiệm chọn lựa trong những tình huống tương tự, và đã chọn điều phải chọn cho dù nguy hiểm đến cả tính mạng.

Một vài người Hylạp gốc Do Thái về dự lễ muốn gặp Đức Giêsu. Họ cậy nhờ Philíp để được gặp Đức Giêsu. Philíp đã nói với Anrê; và cả hai đã đến nói với Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh bình thường, có lẽ cứ dẫn họ đến gặp Đức Giêsu, tuy nhiên trong hoàn cảnh này, hai môn đệ ý thức cần phải hỏi ý kiến Đức Giêsu, vì có thể có những hậu quả xấu không lường được. “Giờ đã đến”. Giờ mà làm Đức Giêsu lo sợ, bối rối xao xuyến. Đồng ý cho họ gặp, là dường như “chọn chấp nhận cái chết”. Có nên xuất hiện như Đấng người ta chờ đợi không? Có nên cho họ gặp không? Đức Giêsu đã chấp nhận cái chết. Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt” (Ga. 12, 24). Ngài chọn điều sinh lợi cho nhiều người, cho dù phải chết.

Ông già Aleazar không muốn giả bộ ăn thịt heo để khỏi chết, vì nếu sống mà làm gương xấu thì sống làm gì (2Mac. 6, 18-31)? Yoan Tẩy Giả phản đối Hêrôđê khi ông lấy vợ của anh; dĩ nhiên khi phản đối những người có quyền hành như vậy, ông biết điều gì có thể xảy tới cho mình; tuy vậy, ông đã phản đối Hêrôđê. Yoan Tẩy Giả đã chọn nói điều phải nói, cho dù phải chết. Hôm nay Đức Giêsu cũng đã chọn lựa điều tương tự. Đứng trước chọn lựa này, Đức Giêsu bồi hồi xao xuyến như bao người khác.

Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc

Đức Giêsu là người như mọi người. Ngài đã làm nghề để kiếm sống, nuôi mình và nuôi mẹ. Ngài cũng bị cái đói hành hạ như bất cứ ai bị đói (Mt. 21, 18). Ngài bị đói khủng khiếp đến độ muốn biến đá thành bánh. Chỉ khi bị đói cùng cực, người ta mới bị cám dỗ mơ tưởng như vậy. Đức Giêsu cũng bị cám dỗ “nổi tiếng”, vì vậy cám dỗ nhẩy từ trên đỉnh đền thờ đã đến trong đầu Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng bị cám dỗ có quyền hành để bắt mọi sự phải theo ý mình. Chỉ satan mới có cách hành xử không tôn trọng tự do của con người; còn Thiên Chúa, Ngài luôn tôn trọng tự do của con người, ngay cả khi con người dùng tự do để chống đối Ngài.

Đức Giêsu đã phải chọn lựa liên lỉ trong cuộc sống. Ngài đã chống lại cám dỗ, trong hoang địa (Mt. 4, 1-11) và trong cuộc sống thường ngày, cả qua những người theo Ngài (Mt.16, 22-23; Ga.11, 8). Ngài cũng sợ toát mồ hôi, và sợ đến độ toát mồ hôi máu: “Ngài lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc. 22,44). Thư gởi tín hữu Do Thái nói Đức Giêsu không chỉ sợ toát mồ hôi máu, mà còn khóc lóc rơi lệ cầu xin Thiên Chúa cứu Ngài khỏi chết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết” (Dt. 5,7).

Đức Giêsu thật sự là người như mỗi người chúng ta. Không có cám dỗ nào con người bị mà Ngài không bị. Không có ai bị cám dỗ mãnh liệt như Ngài. Ngài cũng học vâng phục, và chấp nhận vâng phục ngay cả phải chết. Ngài bị cám dỗ cả về đức tin: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc. 15,34). Khi bị cám dỗ về đức tin, Ngài đã phó thác cho Thiên Chúa tương lai và vận mạng của Ngài. Đức Giêsu gần và giống mỗi người hơn người ta tưởng.

Ta viết luật của Ta trong tim chúng

Thiên Chúa đã ký giao ước với con người, để bảo vệ con người. Qua dấu chỉ cầu vồng, Thiên Chúa giao ước với Noe và tất cả tạo vật, để không bao giờ dùng lụt hồng thủy tiêu diệt con người nữa; qua thập giới tại núi Sinai, Thiên Chúa giao ước với dân Do Thái, để làm dân Do Thái thành dân tư tế, thành dân riêng của Thiên Chúa. Thiên Chúa loan báo qua tiên tri Giêrêmia, Ngài sẽ ký kết với dân một giao ước mới, và Ngài sẽ khắc ghi luật Ngài trong tim con người, để không ai phải dạy ai về Thiên Chúa nữa. Đức Giêsu chính là giao ước mới: “Rồi cùng một thể thức ấy, Ngài cầm lấy chén đầy rượu, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: tất cả các con cầm lấy mà uống, này là chén máu Thầy, máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa giao ước ở với và yêu thương con người mãi mãi. Đức Giêsu vừa là dấu chỉ giao ước, vừa là diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, vừa là bảo đảm Thánh Thần hiện diện nơi con người. “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao” (1Cor.3, 16)? Thánh Thần Tình Yêu đang ngự trong tâm hồn, trong tim mỗi người.

Nhờ Đức Giêsu và Thánh Thần, con người nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Con người được gọi để sống yêu thương. Chính khi yêu thương, con người trở nên giống Thiên Chúa, và được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa, cho dù người đó ở bất cứ đâu. Chính khi yêu thương, con người gặp gỡ Thiên Chúa, và cảm nghiệm hạnh phúc. Đây là điều có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó là sự thật, và được biểu lộ qua cái chết của các anh hùng tử đạo và cái chết của Đức Giêsu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Theo bạn, Đức Giêsu giống bạn ở điểm nào, và khác bạn ở điểm nào?

Bạn có cảm nghiệm Thiên Chúa ở với bạn không? Nếu được xin chia sẻ.

———————————————————————–

4. Hạt lúa mục nát – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt.

Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng với đời sống cây cỏ. Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa giống xuống ruộng trong mùa gieo. Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết hạt giống xuống vườn. Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng chẳng có thóc. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.

Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa. Ta chỉ kết hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Hãy nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.

“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen. (Manna 85).

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào nơi vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào khó hơn cả.

2- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống cây có?

3- Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống thiêng liêng?

4- Chúa Giêsu đã là hạt giống chịu mục nát đi. Bạn hiểu điều này thế nào?

————————————————————-

5. Giá trị của đau khổ – Lm. Minh Vận, CRM

Vào một đêm giông bão, gió thổi mịt mù, mưa rơi như trút, một ông già với bà vợ chạy vào văn phòng của một khách sạn nhỏ ở Philadelphia. Ông già tỏ dấu khiêm tốn nhã nhặn hỏi viên thư ký: “Anh có thể cho chúng tôi một phòng nhỏ không? Vì tất cả các khách sạn lớn đều đã chật rồi”. Viên thư ký trả lời: “Thưa ông, tất cả các phòng đều đã có người mướn, nhưng tôi không thể để cho những người dễ thương và đáng kính như ông bà phải ra đi trong mưa gió vào lúc một giờ sáng như thế này được. Ông bà có thể ngủ trong phòng của tôi”. Ông khách vội hỏi lại: “Thế thì cậu ngủ ở đâu?” Viên thư ký đáp: “Thưa, ông đừng lo, tôi sẽ tự liệu mà”. Vừa nói, viên thư ký trẻ vừa dẫn hai ông bà khách lên phòng của mình. Sáng hôm sau, khi xuống trả tiền phòng, ông khách nói với viên thư ký đã nhường phòng cho mình: “Cậu là viên thư ký quảng đại, đáng làm quản lý một khách sạn lớn nhất của Hoa Kỳ. Có lẽ mai ngày, tôi sẽ xây khách sạn đó cho cậu”.

Hai năm sau, viên thư ký trẻ này nhận được một bức thư, kèm theo một vé máy bay khứ hồi đi New York, với lời ghi chú của ông khách trong một đêm mưa gió nọ tại Philadelphia, muốn gặp chàng tại New York. Khi chàng tới gặp ông khách cũ, ông dẫn chàng tới một góc đại lộ số 5 đường 34, chỉ vào ngôi khách sạn mới xây nguy nga đồ sộ và nói với chàng: “Đây là ngôi khách sạn tôi đã xây cho cậu làm quản lý”. Nghẹn ngào vì cảm động, chàng thư ký trẻ tuổi tên là George C. Boldt đó, chỉ biết lắp bắp lời: “Xin hết lòng cảm ơn ông”. Ông khách già chủ ngôi khách sạn đó là William Walford Astoria. Và ngôi khách sạn sang nhất trong thời bấy giờ là Walford Astoria.

Người có công mới đáng thưởng

Một sinh viên đại học, muốn vượt qua được các kỳ thi tuyển, muốn đoạt được mảnh bằng bác sĩ, kỹ sư, luật sư, muốn được thành công trong bất cứ nghề nghiệp nào, một chức vụ nào trong xã hội, đều cần phải chuyên chăm học hành, phải chịu khó, hy sinh, vất vả, phải thức khuya dậy sớm.

Một quân nhân, muốn được trọng thưởng, cần phải tham dự các cuộc chiến thắng vẻ vang nơi các trận địa, và khải hoàn trở về với danh nghĩa một vị anh hùng dân tộc, được dân chúng ca ngợi. Một sĩ quan quân đội, muốn chiếm được những tấm huy chương vàng bắc đẩu bội tinh, với tấm bằng tưởng thưởng; hoặc muốn được thăng quan tiến chức, cũng cần phải lập được nhiều thành tích vẻ vang, nhiều chiến công oanh liệt.

Không khi nào người ta lại trọng thưởng cho những kẻ lười biếng, những kẻ ăn không ngồi rồi, những kẻ chơi bời lêu lổng. Trái lại, những ai càng biết chịu khó, vất vả, hy sinh, chịu tủi nhục, càng lập được nhiều thành tích, càng đáng được trọng thưởng, được tôn trọng, được tán dương. Vì công trạng bao giờ cũng tương xứng với huân nghiệp đã lập.

Để được phục sinh vinh quang

Chúa Kitô, trong bài Tin Mừng hôm nay đã quả quyết: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt”. Cũng chỉ vì muốn cho chúng ta được sự sống đời đời, mà Chúa đã phải quả quyết với chúng ta rằng: “Ai yêu sự sống mình sẽ mất, còn ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”.

Đây là một bài học rất thực tế, một hình ảnh rất cụ thể ngay trong thiên nhiên: Nhà nông gieo hạt giống xuống đất, sau ít lâu thấy làn vỏ mục thối, một mầm sống trồi lên, và với ngày tháng trôi qua, mần sống đã vươn lên thành cây, phát sinh bông hạt nặng trĩu và một cánh đồng lúa chín vàng, ngào ngạt hương thơm, đem lại cho nhà nông một mùa gặt phong nhiêu và một niềm vui dào dạt. Trái lại, nếu hạt giống gieo xuống đất mà cứ trơ trơ, không đời nào có thể phát sinh bông hạt, khiến cho nhà nông phải thất vọng.

Chính Chúa Kitô, “Khi còn sống ở trần gian này, Người cũng đã phải lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết” và “Dầu là Con Thiên Chúa, Người cũng đã phải chịu muôn vàn thống khổ, phải chịu chết tất tưởi để khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên Ơn Cứu Độ đời đời cho tất cả chúng ta” (xem Heb 5:7-9). Như thế, Người đã phải chịu chết, Người mới đem lại cho chúng ta sự sống, sự sống siêu nhiên, sự sống vĩnh cửu của Người.

Để được phục sinh vinh hiển, Chúa Kitô đã phải trải qua sự chết. Nếu chúng ta muốn được phục sinh vinh hiển với Chúa, được Chúa cho tham dự sự sống thật của Người. Để được đồng hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa, chúng ta cũng cần phải chết với Chúa, đồng chung đau khổ, hy sinh, tủi nhục với Người. Không có hy sinh đau khổ thập giá, không thể có danh dự vinh quang được. Vì: “Per Crucem ad Lucem”-“Từ Thập Giá tới Nguồn Sáng”.

Để đau khổ có giá trị cứu rỗi

Với cái nhìn có vẻ bi quan, người ta gọi trần gian là nơi khổ ải, là thung lũng nước mắt; nhưng với cái nhìn lạc quan phấn khởi thì, trần gian lại là nơi lập công, là trường tập đức. Theo Thánh Phaolô thì thời gian sống trên trần gian, còn được mệnh danh là: “Thời cơ thuận tiện, là ngày cứu độ”. Nhưng dù theo quan niệm nào đi nữa, thì chắc chắn: Trần gian chưa phải là nơi an hưởng hạnh phúc, cũng chưa phải là nhà vĩnh cửu; mà mới chỉ là nơi tạm trú, là đàng dẫn tới quê hương chân thật và vĩnh cửu là Thiên Quốc. Chúng ta sống trên trần gian chỉ là những lữ khách đang trên đường tiến về quê hương bất diệt, là nơi chúng ta sẽ được đồng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, sung mãn tràn đầy với Chúa là Cha đầy yêu đương của chúng ta.

Dù muốn hay không thì khi còn sống trên trần gian, chúng ta còn gặp muôn vàn điều trái ý, khó khăn, nghịch cảnh; nhưng nếu chúng ta biết vui lòng lãnh nhận, vui tươi chịu đựng vì lòng yêu mến Chúa, hợp với Giá Máu Cứu Chuộc của Chúa Kitô, thì những đau khổ đó sẽ giúp chúng ta đạt được Ơn Cứu Độ, có giá trị đền tội và lập công, thánh hóa mình và thánh hóa tha nhân. Trái lại, nếu miễn cưỡng, cực chẳng đã phải chịu, thì đau khổ sẽ chẳng đem lại ích gì cho chúng ta, lại còn làm cho chúng ta phải ngã quỵ.

Kết Luận

Tấm lòng hào hiệp và quảng đại hy sinh của một viên thư ký, trong một khách sạn nhỏ dành cho ông bà khách, giữa đêm khuya bão tố trong câu truyện chúng ta vừa nghe, đã khiến ông bà khách cảm phục và đã ban cho cậu một phần thưởng trọng hậu đến thế; thì những hy sinh đau khổ chúng ta vui lòng lãnh nhận vì lòng kính mến Chúa, còn đáng được Chúa trọng thưởng chúng ta gấp trăm ngàn lần hơn nữa. Vả nữa, phần thưởng đời này chỉ có cùng có hạn, nhưng phần thưởng Chúa ban cho chúng ta đời sau sẽ vô cùng vô tận.

Lạy Mẹ, Mẹ đã can đảm và quảng đại lãnh nhận mọi đau thương thống khổ của sứ mạng Đồng Công để hiệp thông với Chúa Cứu Thế Con Mẹ, lập nên Giá Cứu Độ cho chúng con; xin Mẹ cho chúng con cũng được can đảm theo gương Mẹ, chấp nhận tất cả mọi nỗi gian truân Chúa gởi đến, để chúng con cũng được thông phần với Chúa và Mẹ, hầu cứu độ tha nhân như sứ mạng Chúa đã ủy thác cho chúng con.

———————————————————-

6. Giới Thiệu Chúa – Lm. Nguyễn Hữu An

Trên các chương trình tivi đều có mục quảng cáo. Người ta giới thiệu sản phẩm, cái gì cũng nhất, cái gì cũng đẹp cũng bền. Thông tin quảng cáo đã tác động mỗi ngày nhiều lần vào người xem tạo nên một ấn tượng mạnh. Từ đó trong tiềm thức, khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm ấy. Quảng cáo là giới thiệu những gì là độc đáo nhất. Mục đích của giới thiệu là để biết nhau. Muốn giơí thiệu một người thì phải biết về người đó, tuỳ theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người thì có thể giới thiệu sai về người ấy.

Trong Phúc Âm có đề cập đến việc giới thiệu. Có ba lời giới thiệu tiêu biểu:

– Chúa Cha giới thiệu Chúa Kitô: “Đây là con Ta yêu dấu, làm đẹp Ta mọi đàng”. (Mt 4, 17).

– Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha: ”Ai thấy Thầy là thấy Cha”. (Ga 14, 9)

– Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô: “Đây là Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xoá tội trần gian… Người đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi vì có trươc tôi… Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần”. (x. Ga 1, 29-34).

Trong khi toàn miền Giêrusalem và Giuđê đang coi Gioan như thần tượng, thì chỉ vì để giới thiệu Chúa Kitô, Gioan đã từ giã sự nổi danh của mình lặng lẽ rút lui. Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói cho người nghe hãy nhìn vào chính Ngài. Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Kitô bằng cách nói cho người nghe đừng nhìn vào mình, nhưng nhìn thẳng vào Chúa. Đây là cách giới thiệu chính xác nhất khi một người muốn giới thiệu cho người khác về Thiên Chúa.

Trong ba câu đầu của Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Ga 12, 20-33), Thánh Gioan Tông Đồ đã kể lại lời giới thiệu về Chúa Giêsu. Khi Người long trọng tiến vào Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua lần cuối cùng và cũng là chuyến từ giã thế gian để về cùng Cha, có những người Hy Lạp khi được nghe giới thiệu, họ đã muốn tìm gặp Người. Họ là dân ngoại có cảm tình với Do Thái Giáo “Họ lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa dịp Lễ Vượt Qua”. Việc họ tìm đến với Chúa Giêsu mang tính biểu tượng: dấu chỉ báo trước sự lên đường đến với Đức Kitô của muôn dân; dấu chỉ loan báo giờ Ơn Cứu Độ đã đến.

Những người dân ngoại này tìm gặp Chúa Giêsu không phải chỉ để trông thấy mà thôi, nhưng họ muốn gặp để chuyện trò với Người, đàm đạo với Người. Họ đang bước tới trên con đường Đức Tin.

Họ đến gần Philípphê và xin ông giới thiệu để gặp Chúa Giêsu. Philípphê đi nói với Anrê. Cả hai ông đến thưa với Chúa. Ở đây ta thấy tầm quan trọng của vai trò trung gian, của người giới thiệu, đến với Chúa cần có người giới thiệu, người dẫn đường.

Hôm nay, trong Giáo Xứ chúng ta có nghi thức tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng vào Giáo Hội. Đây là nhừng người lương dân thiện chí muốn trở nên người Kitô hữu. Họ khao khát chân lý. Họ mong muốn tìm gặp Chúa Kitô và đón nhận tình yêu của Người. Sau sáu tháng học tập về Giáo Lý, họ được tiếp nhận vào cộng đoàn và chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy trong Đêm Vọng Phục Sinh để trở thành con cái Chúa.

Kính thưa anh chị em

Dự Tòng, trở thành một Kitô hữu không chỉ là gia nhập một cộng đoàn Giáo Xứ, chấp nhận Giáo Lý của Chúa và Giáo Hội mà còn quan trọng hơn là gặp gỡ Thiên Chúa và khám phá ra tình yêu vô tận của Người trong chính cuộc đời mỗi người.

Thật ra, mỗi người Dự Tòng đã được Thiên Chúa yêu thương. Người hiện diện trong cuộc đời mỗi người từ lầu rồi, mặc dù anh chị em chưa bao giờ nghĩ tới để nhận ra Người. Anh chị em tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng thực ra Thiên Chúa tìm kiếm anh chị em trước. Nhờ Người mà cuộc tìm kiếm của anh chị em thành tựu và hôm nay chúng ta đang đối diện với Người, gặp gỡ Người.

Một cuộc gặp gỡ, một tình yêu có thể làm đảo lộn cả một cuộc đời. Khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong đời mình quả là một biến cố vô cùng quan trọng. Trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, kể từ nay cuộc đời anh chị em sẽ thay đổi dần. Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời anh chị em. Hãy đón nhận Người với lòng tri ân cảm tạ. Cùng với Người anh chị em hãy bắt đầu một cuộc sống mới. Đó là cách tốt nhất để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho anh chị em.

Kính thưa cộng đoàn, hôm nay Giáo Xứ chúng ta tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng. Hạt giống Đức Tin đã ươm mầm và mọc lên. Biết bao công sức, bao nỗ lực của các Hội Đoàn, bao người đã dày công chăm sóc cho những hạt giống Đức Tin ấy để hôm nay Thiên Chúa cho mọc lên.

Những Dự Tòng đây đến với Chúa, tin vào Người là nhờ lời giới thiệu và gương sống chứng tá của tất cả chúng ta. Có biết bao người trở lại vì trước đây đã có những kỷ niệm đẹp về Đạo của Chúa. Có những người theo Đạo vì trước kia đã học trường Đạo. Có người khác theo Đạo vì đã có một ân nhân là người Công giáo. Cũng có những người cảm phục một tấm gương chứng tá của Phúc Âm. Có người lại nhận thấy đời sống người Kitô hữu trong gia đình, làng xóm tràn đầy tình bác ái.

Hôm nay Giáo Xứ chúng ta hân hoan thu hoạch một mùa lúa do công lao của biết bao người. Tạ Ơn Chúa và tri ân những người truyền giáo âm thầm cho Giáo Hội. Bổn phận giới thiệu Chúa cho người khác là một ân sủng Chúa ban. Khi giới thiệu Chúa cũng chính là lúc chúng ta thánh hoá bản thân mình.

Thiên Chúa là tình yêu. Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương. Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương. Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Kitô rất ngắn. Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa chưa chắc đã cần nói nhiều. Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay. Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng. Khuôn mặt đúng nhất của Chúa là tình yêu thương “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi ban Con Một của Ngài” (Ga 3, 16) và tình yêu thương ấy là: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Chúng ta hãy là hạt lúa, đến mảnh đất nào thì gieo mầm xanh tình thương để mảnh đất ấy bừng lên sự sống xanh tươi, hứa hẹn một mùa gặt tốt đẹp.

 

 

Có thể bạn quan tâm