Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng Cho Ta

499 lượt xem

LỄ GIÁNG SINH (Lễ Đêm)

Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14

 Một Người Con đã được ban tặng cho ta

Mỗi độ Giáng Sinh về, chúng ta thường tặng quà cho người thân, bạn bè. Mỗi món quà dù lớn hay bé, dù đắt hay rẻ, đều chứa đựng thông điệp yêu thương mà người tặng gửi gắm trong đó. Khi nhận quà, người nhận phải khám phá sứ điệp đó.

1. Món quà ý nghĩa

Người ta kể rằng: Có một anh lính từ chiến trường xa trở về thăm vợ con nhân dịp mừng lễ Giáng Sinh. Lâu ngày xa cách, nhớ vợ thương con, nay được trở về, anh muốn mua một món quà để tặng vợ nhưng trong túi không có đồng nào. Về gần tới nhà, anh nghĩ ra một cách làm vợ con ngạc nhiên. Anh lấy một băng vải, rồi viết lên trên đó hàng chữ: “Quà tặng em.” Anh mang lên ngực và gõ cửa. Người vợ ra mở cửa và thấy chồng mình trở về bình an từ chiến trường, chị rất vui mừng, và khi đọc hàng chữ “Quà tặng em” chị càng ngạc nhiên, xúc động hơn, chị liền ôm lấy anh. Vì quả thật đối với chị lúc này, sau bao ngày xa cách, chồng là món quà quý nhất, hơn mọi món quà khác trong ngày lễ Giáng Sinh.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta nói đến một món quà khác giá trị hơn các món quà vật chất. Đó là món quà Hài Nhi Giêsu mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta.

Quả thế, từ xa xưa trong Cựu Ước, tiên tri Isaia tiên báo về món quà mà Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại:

“Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng…
Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu độ ta,
một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,1.5).

Những lời này đã thực ứng nghiệm qua biến cố Con Thiên Chúa sinh ra tại Bêlem. Đó là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại, được các thiên thần loan tin trong bài Tin Mừng:

“Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em, trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11).

2. Quà tặng và người tặng quà

Thần học gia nổi tiếng người Đức, Karl Rahner nói rằng:

“Nơi Thiên Chúa, người tặng và quà tặng là một. Thiên Chúa không ban một cái gì, một vật gì, mà ban chính mình Người cho chúng ta. Nhờ quà tặng là chính Thiên Chúa, mà chúng ta mới có thể đón nhận sự sống của Người cho chúng ta.”[1]

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chính Con Một yêu dấu của Người.

Thật vậy, Đức Giêsu là quà tặng quý nhất mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại. Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ con người nên Người sai Ngôi Hai xuống thế làm người, cứu nhân độ thế. Chiêm ngắm biến cố này, thánh Gioan cảm nghiệm:

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Khi tặng ban Con Một, Thiên Chúa đã ban điều lớn lao nhất, điều quý giá nhất, để minh chứng tình yêu lớn lao nhất của Người đối với nhân loại. Vì yêu là cho đi; yêu là hiến mình; và yêu là cứu độ.

Thế nên, sứ điệp mà Hài Nhi Giêsu mang đến cho nhân loại trong đêm nay là sứ điệp yêu thương: Thiên Chúa yêu thương chúng ta; Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta. Nếu lịch sử của con người là lịch sử của sa ngã và phản bội, thì lịch sử của Thiên Chúa là lịch sử của trung thành và cứu độ. Thiên Chúa không bỏ mặc con người phải hư mất trong lầm than và tội lỗi.

Thánh Phanxicô Assisi quỳ bên hang đá, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh, ngài tự vấn: Tại sao Thiên Chúa quyền năng lại trở nên một em bé thấp hèn? Tại sao Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong hang lừa nghèo khó? Từ đó, ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập lòng yêu mến và không thể kiềm chế cảm xúc, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên:

“Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng.
Hãy yêu mến Chúa Hài Đồng.”

3. Trở nên quà tặng cho nhau

Đêm nay, chúng ta cử hành đại lễ mừng Con Chúa giáng sinh. Đây là đêm an lành, đêm hồng ân và đêm ánh sáng. Tất cả chúng ta được mời gọi quỳ bên hang đá, để thờ lạy Chúa Hài Nhi, chiêm ngắm Con Thiên Chúa làm người trong cảnh cơ hàn, để cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Lễ Giáng Sinh là ‘lễ tình thương,’ tình Chúa giáng sinh trên tình người. Khi đón nhận món quà giáng sinh là Chúa Hài Đồng, chúng ta hãy mang Chúa về trong gia đình và chia sẻ niềm vui đó với mọi người xung quanh. Sứ điệp giáng sinh là sứ điệp hãy sống hòa bình, tôn trọng và nhân ái đối với tha nhân.

Để sống mùa Giáng Sinh ý nghĩa, thánh Phaolô trong bài đọc II mời gọi chúng ta:

“Phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,11-12).

Chúng ta cũng được mời gọi trở thành món quà cho nhau khi biết hoán cải đời sống. Mùa Giáng Sinh và năm mới là dịp thuận tiện để chúng ta hòa giải với Chúa và làm hòa với nhau. Như thế, việc cử hành lễ Giáng Sinh mới mang lại ý nghĩa đích thực cho chúng ta. Bởi lẽ, như lời các Giáo Phụ dạy:

“Nếu Chúa Giêsu tiếp tục giáng sinh ngàn lần ở Bêlêm, mà không giáng sinh một lần trong lòng chúng ta, thì những lần giáng sinh ấy có mang lại ý nghĩa gì cho chúng ta không?”

Kính chúc anh chị em được đầy niềm vui, ân sủng của Thiên Chúa trong mùa Giáng Sinh và năm mới này. Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen!

LỄ GIÁNG SINH (Lễ Ngày)

Is 52,7-10; Hr 1,1-16; Ga 1,1-18

Bài đọc 1         Is 52,7-10

Người bốn bể sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

7Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xi-on rằng : “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”
8Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi
cùng cất tiếng reo hò vang dậy ;
họ sẽ được tận mắt thấy Đức Chúa đang trở về Xi-on.
9Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,
vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
10Trước mặt muôn dân,
Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người :
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,
người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

Đáp ca     Tv 97,1.2-3ab.3cd-4.5-6 (Đ. c.3cd)

Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Người.

Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

2Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân ;
3abNgười đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa
dành cho nhà Ít-ra-en.

Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

3cdToàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
4Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.

Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

5Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt,
nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.
6Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương !

Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Bài đọc 2         Hr 1,1-6

Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.

Khởi đầu thư gửi tín hữu Híp-ri.

1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; 2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. 3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. 4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.

5 Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào : ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con’, hoặc là : ‘Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta’. 6 Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói : Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta,
muôn dân hỡi, đến mà thờ lạy Chúa.
Vì hôm nay, ánh huy hoàng rực rỡ, toả xuống khắp cõi trần.

Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng Hôm Nay

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.       Ga 1,1-18

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố :
“Đây là Đấng mà tôi đã nói :
Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Để Cứu Độ chúng ta

Trong ngày đại lễ mừng Con Chúa giáng sinh hôm nay, chúng ta lắng nghe thánh Gioan nói về nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu Hài Đồng qua lời mở đầu Tin Mừng của ngài. Giáo Hội cho chọn đọc bài Tin Mừng này với dụng ý giúp chúng ta khám phá nguồn gốc của Con Thiên Chúa nơi hình hài khiêm hạ của một trẻ thơ nằm trong hang lừa.

Thật vậy, trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng:

“Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.”

Đây chính là câu trả lời nền tảng và vững chắc cho câu hỏi: “Tại sao Ngôi Lời đã trở thành nhục thể?” Tuy nhiên, lời tuyên xưng này cần được hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ. Câu hỏi trên được đặt ra theo cách nói khác: “Tại sao Người đã làm người để cứu độ chúng ta?” Có phải bởi vì chúng ta đã phạm tội và cần được cứu độ không?

Trong quá khứ, các nhà thần học của Giáo Hội đã tranh luận về vấn nạn này. Nhiều người cho rằng vì con người đã phạm tội, nên Con Chúa mới nhập thể làm người. Nhà thần học nổi tiếng Duns Scotus, một tu sĩ dòng Phanxicô, đã tháo cởi sự liên kết quá mức giữa nhập thể với tội lỗi của con người khi giả thiết rằng nếu con người không phạm tội nguyên tổ, Thiên Chúa vẫn nhập thể làm người. Theo Duns Scotus, Thiên Chúa nhập thể không chỉ vì tội lỗi mà còn để bày tỏ tình yêu và vinh quang của Người. Đây là lý do chính yếu của mầu nhiệm nhập thể.

Quan điểm này, dẫu rất ý nghĩa, nhưng vẫn chưa phải là câu trả lời dứt khoát và đầy đủ. Chúng ta biết rằng đối với các triết gia Hy Lạp, điều quan trọng nhất đó là Thiên Chúa được yêu; nhưng đối với Kinh Thánh, điều quan trọng nhất không phải là Thiên Chúa được yêu, nhưng là Thiên Chúa yêu và đã yêu chúng ta trước (x. 1 Ga 4,19). Thiên Chúa đã muốn Chúa Con nhập thể không phải vì để được yêu với một tình yêu vô biên của Con Thiên Chúa như Duns Scotus nói, nhưng căn bản để yêu loài người với một tình yêu vô biên đó qua Chúa Con.

Khi Hài Nhi Giêsu được sinh ra, Chúa Cha có một người để yêu với tình yêu vô biên, bởi vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Cùng với Người, chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta được liên kết trong tình yêu này với Chúa Giêsu khi trở thành những chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, là “con cái Thiên Chúa trong Chúa Con.” Trong lời mở đầu, thánh Gioan nhắc nhở chúng ta điều đó:

“Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).

Vì thế, Chúa Kitô đã từ trời xuống thế “vì ơn cứu độ chúng ta,” nhưng điều đã thúc đẩy Người xuống thế vì ơn cứu độ chúng ta là tình yêu, không gì ngoài lý do tình yêu.

Giáng Sinh là bằng chứng hùng hồn nhất về ‘sự biểu lộ lòng từ bi và nhân ái’ (philanthropy) của Thiên Chúa như Kinh Thánh diễn tả (x. Tt 3,4). Nghĩa là sự biểu lộ ‘tình yêu’ (philea) vì loài người (anthropos). Thánh Gioan cũng trả lời câu hỏi tại sao Thiên Chúa nhập thể theo cách thức này:

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Như thế, chúng ta phải làm gì để trả lời cho sứ điệp Giáng Sinh? Trong bài Cao Cung Lên, có một lời ca rất đơn sơ mà thâm thúy:

“Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính.
Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa.”

Có nhiều điều chúng ta làm để mừng đại lễ Giáng Sinh, nhưng điều ý nghĩa nhất nên làm, là hãy có một tâm tình đơn sơ tạ ơn, một tình yêu cảm mến dành cho Đấng đã đến và ở giữa chúng ta. Đó là món quà quý nhất mà chúng ta có thể dành cho Hài Nhi Giêsu, là đồ trang trí đẹp nhất nơi hang đá.

Tuy nhiên, tình mến đơn sơ cần được thể hiện trong những hành vi cụ thể. Một biểu cảm đơn sơ nhất và khắp mọi nơi đều làm, là đến thờ lạy và hôn kính Hài Nhi.

Chúng ta hãy đến thờ lạy và hôn kính Hài Nhi, như chúng ta muốn hôn những đứa trẻ dễ thương vừa mới sinh. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ hôn kính những bức tượng bằng thạch cao hay gỗ đá, nhưng hãy thăm viếng Hài Nhi Giêsu bằng xương bằng thịt, hiện thân trong những người nghèo khổ.

Giáng Sinh về là dịp để chúng ta thăm viếng những người nghèo khổ và giúp đỡ họ bằng những việc làm cụ thể như khích lệ, ủi an, giúp đỡ họ với thái độ vui tươi… Chúng ta cũng hãy dành cho nhau những lời chào hỏi thân ái và thánh thiện trong Chúa khi gặp gỡ nhau.

Đó là những món quà đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể dâng lên Chúa Hài Đồng bên hang đá Bêlem mỗi độ Giáng Sinh về. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

[1] K. Rahner, Corso fondamentale sulla fede.

XEM THÊM

Các Bài Suy Niệm Lễ Chúa Giáng Sinh – Năm B (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)

Có thể bạn quan tâm