Con rắn đồng treo trên cây cột trong Sách Dân Số (21:9) là một trong những hình tượng Cựu Ước được chính Chúa Giêsu trích dẫn: “Như ông Môsê đã treo con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải bị treo lên như vậy” (Ga 3:14).
Hình ảnh ban đầu đáng kinh ngạc và không phải là điều người ta mong chờ từ một dân tộc không khắc tạc hình tượng. Giữa cơn dịch rắn lửa có cứ cắn chết người, Thiên Chúa đáp lại lời cầu nguyện của dân Ngài bằng cách hướng dẫn Môsê “làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” (Ds 21:8). Điều nghịch lý trong câu trả lời của Thiên Chúa là con rắn bằng đồng được treo lên cao dường như ám chỉ sự chiến thắng của cái chết, như thể những con rắn cắn chết người đang được tôn vinh cách nào đó. Tuy nhiên, đó là điều hoàn toàn ngược lại: hình ảnh cái chết được treo lên cao này thực sự đem lại sự sống và tán dương dân tộc sa ngã của Ngài.
Thánh Gioan, trong Tin Mừng Chúa Giêsu nhắc đến con rắn bằng đồng, sẽ làm chứng cho chiến thắng nghịch lý này của Thập Giá trong trình thuật về Cuộc Khổ Nạn của ngài. Thánh Gioan cũng là thánh sử kể lại những lời của Chúa Giêsu dường như tiên tri về chiến thắng này: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10:17-18)
Dù tất cả các trình thuật về Cuộc Thương Khó đều nói đến đau khổ và chiến thắng, nhưng thánh Mátthêu, Máccô và Luca dường như nhấn mạnh đến sự đau khổ của Chúa Giêsu gồm cả cuộc thống khổ của Ngài tại Vườn Giếtsimani. Thánh Gioan lại dường như nêu bật chiến thắng của Chúa Giêsu, chiến thắng đó không bao giờ bị che khuất bởi sự đau khổ của Chúa cách nào đó. Do đó, các trình thuật của Thánh Mátthêu, Máccô và Luca được đọc luân phiên trong Chúa Nhật Lễ Lá, theo chu kỳ các năm, trong khi trình thuật của Thánh Gioan luôn là trình thuật được đọc và suy niệm vào Thứ Sáu Tuần Thánh.
Trình thuật Cuộc Thương Khó của Thánh Gioan, xuất phát từ truyền thống của người môn đệ yêu dấu vốn ở gần Chúa Giêsu từ đầu đến cuối, cho thấy uy quyền của Chúa Giêsu không nhân nhượng trước việc bắt giữ, tra vấn, đau khổ và đóng đinh.
Chúa Giêsu được mô tả là “biết mọi việc sắp xảy đến cho mình” (Ga 18:4). Và Ngài xoay chuyển mọi cuộc tra vấn để tra vấn ngược lại những kẻ tra vấn mình. Ngài tra vấn những người lính đã đột nhập vào khu vườn nơi Ngài dẫn theo các môn đệ của Ngài, rồi ra lệnh cho những người có vũ trang này thả các môn đệ của Ngài đi. Khi thượng tế Anna hỏi Chúa Giêsu về giáo lý của Ngài, người tù đầy uy quyền này hỏi lại: “Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì” (Ga 18:21). Khi một tên lính canh đánh Chúa Giêsu vì câu trả lời đúng đắn và đầy uy quyền của Ngài và hỏi Ngài: “Anh trả lời vị thượng tế như vậy sao?” (Ga 18:22). Chúa Giêsu chất vấn người lính canh: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18:23). Chính Philatô dường như cũng ngạc nhiên trước Chúa Giêsu sau khi ông hỏi liệu Ngài có phải là Vua dân Do Thái hay không và Chúa Giêsu liền hỏi ông: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” (Ga 18:34). Cuối cùng, khi Chúa Giêsu chết trên thập giá và được treo lên, Thánh Gioan nói với chúng ta rằng “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19:30). Đây không phải là một cái chết thụ động, nhưng là Con Người, Đấng đã bị treo lên, hy sinh mạng sống vì yêu thương các môn đệ, và sẽ lấy đó làm đỉnh cao chiến thắng của mình.
Uy quyền như vậy có thể đến từ đâu? Uy quyền đó chỉ có thể đến từ Nguồn gốc của mọi uy quyền, Chúa Giêsu là Uy quyền và là Tình yêu: Uy quyền của Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha, Đấng yêu thương Ngài. Ngài nói về ý muốn yêu thương của Chúa Cha trước và sau đó mới nói về “quyền hy sinh và quyền lấy lại mạng sống của chính mình” (Ga 10:18). Chiến thắng của Chúa Giêsu xuất phát từ danh tính của Ngài là Con Yêu Dấu. Phụng vụ cho chúng ta biết rằng trong Cuộc Hiển Dung, tiếng Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con Yêu Dấu, là để chuẩn bị cho Phêrô, Giacôbê và Gioan tiếp nhận những đau khổ sắp đến, có lẽ để bảo đảm với các ông rằng cả đau khổ lẫn cái chết đều không thể làm tổn hại đến chiến thắng của tình yêu của Chúa Cha.
Trong cuốn sách được xuất bản sau khi qua đời, Tiếng Khóc Của Trái Tim, Đức Ông Lorenzo Albacete viết rằng thập giá không chỉ đơn thuần là sự trả nợ theo lề luật cho một khoản nợ bề ngoài, mà thập giá còn liên quan đến chính căn tính của chúng ta. Chiến thắng của Thập Giá là để khôi phục lại căn tính của chúng ta là những người con yêu dấu:
Mối quan tâm của tôi là chúng ta có xu hướng nhìn sự kiện thập giá và các hiệu quả của thập giá cho chúng ta theo cách bên ngoài, chỉ đơn thuần là một sự thanh toán hợp pháp đối với một món nợ mà cách này hay cách khác chúng ta không phải trả… Nhưng mầu nhiệm thập giá còn sâu sắc hơn thế nhiều: có một mối liên kết giữa chúng ta và Chúa Kitô ngay từ buổi đầu hiện hữu của chúng ta… Những gì đang diễn ra trên thập giá là một sự khẳng định về sự đồng nhất giữa Chúa Kitô và nhân loại khi đối mặt với tội lỗi và cái chết… Vì thế, không có tội lỗi và đau khổ nào có thể làm suy giảm phẩm giá vô hạn của con người. Con người được tạo dựng để trở thành một biểu hiện, một hình ảnh của Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha. Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con phải được mở rộng đến thụ tạo này mà chúng ta gọi là con người.[1]
Albacete khẳng định rằng: “tội lỗi khước từ Thiên Chúa không phải như khước từ Đấng Sáng Tạo mà là khước từ Người Cha” và “tội lỗi và các hậu quả của nó chỉ có thể được khắc phục bằng cách khẳng định rằng căn tính của Chúa Con và căn tính của chúng ta trong Chúa Con mạnh hơn tội lỗi và mạnh hơn các hậu quả đau khổ và cái chết của nó”.[2]
Chiến thắng của Chúa Giêsu, rõ ràng qua cuộc khổ nạn của Ngài như được kể lại trong trình thuật của Thánh Gioan, bắt nguồn từ căn tính của Ngài là Con Yêu Dấu; và Ngài kêu gọi chúng ta bám rễ vào căn tính này, và do đó trở thành những người chia sẻ chiến thắng của Ngài.
Hãy nhớ lại cơn cám dỗ trong sa mạc, khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu nghi ngờ Chúa Cha: “Nếu ông là Con Thiên Chúa,” nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng. Hãy nhớ lại cơn cám dỗ trong vườn Giệtsimani nơi Chúa Giêsu đã chiến thắng bằng cách khẳng định bằng lời cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý Con một theo ý Cha,” và do đó, Ngài bắt đầu hoặc tiếp tục cuộc hành trình chiến thắng của Ngài.
Trên thánh giá, Chúa Giêsu mạc khải rằng tội lỗi không thể cản trở vai trò làm Cha của Thiên Chúa.
Trên thánh giá, Chúa Giêsu phục hồi căn tính của chúng ta là con cái yêu dấu.
Ngày nay, chúng ta thấy sự khải hoàn của thánh giá đang diễn ra ở đâu?
Với tư cách là Giám đốc Đào tạo Mục vụ, tôi thấy điều đó trong những suy tư thần học của các chủng sinh, khi họ thực hiện nhiệm vụ mục vụ của mình, họ ngạc nhiên khi thấy ai đó trên giường bệnh hoặc trong phòng giam được khích lệ, và thậm chí có thể cảm nghiệm một kiểu chữa lành, chỉ qua một hành động đơn giản là lắng nghe chăm chú và đầy yêu thương. Có lẽ qua chủng sinh đó, người đau khổ thoáng nhìn thấy và trải nghiệm được căn tính của mình như một người con yêu dấu.
Tôi đã thấy điều đó trong niềm vui cơ bản của những vị điều phối mục vụ của chúng ta tại các bệnh viện, trung tâm cai nghiện, cơ sở cải huấn và nhà tế bần, các vị làm chứng rằng sự khao khát của Chúa Cha muốn trải rộng tới chúng ta tình yêu mà Ngài dành cho Con Ngài, và khao khát này không bị khuất phục bởi đau khổ, tội lỗi hoặc ngay cả cái chết.
Với tư cách là một linh mục, tôi đã chứng kiến điều đó khi nghe những lời xưng tội, đặc biệt trong những trường hợp khi hối nhân bày tỏ lòng biết ơn đầy kinh ngạc khi chứng kiến rằng họ không chỉ đạt được một “khởi đầu mới không còn dấu vết của quá khứ” mà còn được phục hồi căn tính.
Trong thông điệp Dives in Misericordia – Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Thánh giá giống như sự chạm đến của tình yêu vĩnh cửu trên những vết thương đau đớn nhất của đời người trên trần thế”[3]. Đó không chỉ là chiến thắng mang tính pháp lý và bề ngoài, mà là chiến thắng sâu sắc và nền tảng giúp chữa lành chúng ta tận gốc rễ căn tính của mình.
Trong cuộc đời trần thế vốn đầy sa ngã của chúng ta, giữa những vết thương đau đớn và sự ác độc của tội lỗi, ước gì chúng ta không bao giờ thất vọng về chiến thắng của Chúa Kitô, một chiến thắng có thể tự biểu lộ, không chỉ trong sự sống lại cuối cùng, mà còn ngay ở đây và bây giờ. Con Người đã được giương cao lên, để chúng ta cũng được giương cao lên.
Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Nguồn: hdgmvietnam.com
_______
[1] Lorenzo Albacete, Tiếng kêu của trái tim: Về ý nghĩa của đau khổ (Seattle, WA: Slant Books), 55–56.
[2] Albacete, Tiếng kêu của trái tim, 58.
[3] Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia – Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, 8.
Có thể bạn quan tâm
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1
Sống tinh thần Năm Thánh trong thực hành cụ thể của Giáo xứ..
Th1
Hành Hương Thời Tân Ước – Phần 2: Tại Sao Hành Hương Cần..
Th1
Nước Đóng Vị Trí, Vai Trò Gì Trong Kinh Thánh?
Th1
Cáo Phó: Ông Cố Phêrô – Thân Phụ Của Linh Mục Phêrô Nguyễn..
Th1
Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025
Th1
Cháy rừng ở Los Angeles phá hủy một nhà thờ, nhiều trường học..
Th1
Bài Giảng Đức Thánh Cha – Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm..
Th1
Mùa Thường Niên bắt đầu khi nào?
Th1
Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Hồng ân tái sinh
Th1
Trong 2 Tuần Sau Khi Khai Mạc, Có Hơn Nửa Triệu Người Đã..
Th1
Đức cha G.B Nguyễn Huy Bắc dâng thánh lễ tạ ơn tại quê..
Th1
Quý Đức Cha Giáo Tỉnh Hà Nội Họp Mặt Tất Niên Năm Giáp..
Th1
Cáo Phó Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu
Th1