Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục cha Phêrô Nguyễn Huy Hoàng: “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”

2167 lượt xem

“Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” (Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô Assisi), đó là châm ngôn sống đời linh mục của Cha Phêrô Nguyễn Huy Hoàng. Suốt hành trình 25 năm qua, cha Phêrô đã sống trọn vẹn sứ vụ linh mục trong vai trò khí cụ tình yêu, khí cụ bình an của Chúa giữa mọi người. Hôm nay, 26/8/2019, một ngày thật ý nghĩa, một ngày như dấu mốc thời gian nhìn lại chặng hành trình 25 năm linh mục của mình để trước hết, cha Phêrô tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Mẹ Giáo Hội, và sau là biết ơn những ai đã giúp đỡ và cộng tác với ngài trong suốt 25 năm qua.

Cách đây 25 năm (ngày 31/05/1994), ngày lễ Mẹ Thăm Viếng, Cha Phêrô Nguyễn Huy Hoàng đã được Thiên Chúa yêu thương, chọn gọi và thánh hiến lên chức Linh mục. Thật vậy, cái ngày đáng nhớ 25 năm trước, Chúa đã chọn giữa thế gian một thợ gặt “siêu mỏng, siêu gầy và siêu phẳng”. Người thợ gặt với thân hình “ba siêu” ấy đã trở nên khí cụ bình an nhiệt thành và miệt mài trên cánh đồng sứ vụ để làm cho kho lẫm của Thiên Chúa luôn được bội thu. Trải qua nhiều gian nan, thử thách, nhưng bão táp cuộc đời vẫn không thể vùi lấp người thợ gặt “ba siêu” ấy. Có những lúc người thợ gặt ấy như đi vào ngõ cụt đường cùng nhưng Thánh Thần Thiên Chúa hằng ở kề bên và dẫn dắt ngài, nhờ thế, người thợ gặt ấy lại mạnh mẽ đứng lên sau những tháng năm dài gian khổ và lao nhọc.

Quả thật, quãng thời gian 24 năm kể từ khi Đại chủng viện bị đóng cửa, một bầu trời u ám bao trùm lên Giáo Hội miền Bắc, cách riêng là Giáo phận Vinh, vào những thập niên 60, 70, 80 của thế kỉ XX, cha Phêrô phải sống trong sự phân biệt đối xử từ phía nhà cầm quyền. Thời gian đó chính sách bách hại và bóp nghẹt Công Giáo gắt gao, nham hiểm của chính quyền đã khiến các Tu viện, Chủng viện phải đóng cửa. Hầu hết các chủng sinh đều bị nhốt vào trại giam, một số ít được lọt lưới ở nhà nhưng cũng không thoát khỏi cảnh quản chế, triệu tập, theo dõi hàng tháng để chịu “tẩy não” và bị cấm hoạt động tôn giáo. Thời bấy giờ, tồn tại những kiểu khuyên nhủ rất nực cười của cấp chính quyền, như: “Về lấy vợ đi, không ai cho làm linh mục đâu”; hay những lời nhục mạ: “Linh mục sẽ chết hết, đạo sẽ mất, giáo dân bỏ đạo theo đảng”… Cha Phêrô Nguyễn Huy Hoàng đã trải qua quãng thời gian tăm tối như vậy suốt 24 năm. Đó cũng là quãng thời gian ròng rã chờ đợi với tâm nguyện duy nhất mà ngài hằng dâng lên Chúa là: “Con quyết tâm theo đuổi lý tưởng linh mục đến cùng, xin Chúa hãy giúp con. Nếu cuối cùng, nếu Chúa thương cho con được làm linh mục, dầu chỉ một ngày và chỉ dâng một Thánh Lễ thôi rồi chết, thì con cũng sẽ mãn nguyện. Và nếu kết cục con phải trắng tay, thì con cũng an bình đi về với Chúa khi đã dành trọn đời mình cho một lý tưởng cao đẹp vì Danh Chúa”.

“Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. Cuối cùng, Thiên Chúa đã dùng cha Phêrô làm khí cụ tình yêu của Ngài với sự kiện chọn gọi và trao ban Thiên Chức Linh mục cho ngài qua bàn tay Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp vào ngày 31/05/1994 tại nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, Giáo phận Vinh. Kể từ đây, ngài bắt đầu hành trình khí cụ tình yêu của Chúa với muôn vàn hồng ân Chúa thương ban nhưng cũng không thiếu những gian nan, thử thách mà Chúa muốn cha Phêrô vượt thắng.

Sáng ngày 26/08/2019, Giáo xứ Kim Lâm long trọng tổ chức Thánh lễ Tạ ơn Mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phêrô Nguyễn Huy Hoàng. Hiện diện trong Thánh lễ có Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận, quý cha quản hạt, quý cha trong và ngoài Giáo phận, cùng quý thầy Đại chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ và đông đảo cộng đoàn dân Chúa nơi những bước chân mà cha Phêrô đã từng coi sóc.

Khơi nguồn từ sự kiện Mẹ Têrêxa Caculta cầu nguyện bằng Kinh Hoà Bình trước khi đọc diễn từ nhận giải Nobel Hoà Bình vào năm 1979, cha giảng lễ Phêrô Trần Đình Lai đã nói đến vai trò và sứ vụ của người Linh mục nói chung và cách riêng là cha Phêrô mừng Ngân khánh linh mục hôm nay: Linh mục phải là khí cụ bình an của Chúa cho muôn người. Tuy nhiên, bình an của Thiên Chúa không cân đong đo đếm lượng định theo “thống kê con số công lao mà vị linh mục đã làm được trong những năm thi hành sứ vụ” nhưng là chính thiên chức linh mục mà Thiên Chúa trao ban, như thánh Ambrôsiô đã nói: “Bạn đừng xét theo công lao của con người linh mục, nhưng hãy xét đến chức vụ của ngài”. Cha giảng lễ nhắc đến hai bức thư nói về chức vụ của linh mục hôm nay: Thư của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chúc mừng quý cha khoá I Đại chủng viện nhân dịp mừng ngân khánh linh mục & bức thư thứ hai nói đến tâm tình của một người gửi đến vị tân linh mục sắp về với Chúa là cha Michal Los, người Ba Lan, dòng Hèn Mọn Chúa Quan Phòng, mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và được truyền chức linh mục trên giường bệnh. Qua tất cả những diễn từ đó, cha Phêrô muốn nhắc cộng đoàn tham dự thánh lễ biết ý thức hơn về vai trò cao cả của chức linh mục.

Cha Phêrô Trần Đình Lai cũng đề cập đến thực trạng của cái gọi là “sự tôn trọng linh mục của giáo dân Vinh-Hà Tĩnh”. Được xem là vùng đất mà giáo dân luôn dành cho linh mục sự kính trọng đặc biệt nhưng, theo cha Phêrô, cần coi lại kiểu kính trọng mang tính thực dụng này. Nghĩa là với những cha xứ còn làm việc được thì giáo dân đon đả mời chào và hồ hởi đón mừng. Còn những cha tuổi cao, sức yếu, “quá date – hết hạn sự dụng” thì giáo dân chẳng xem ra gì! Thậm chí còn gọi là “cục sắt gỉ”. Đó là một thực trạng đáng buồn. Người ta đánh giá linh mục theo công lao của linh mục chứ không theo thiên chức của ngài. Như một lời nhắc nhở rằng, đừng rẻ rúng thiên chức linh mục, cha Phêrô luôn nhấn mạnh câu nói của thánh Ambrôsiô: “Bạn đừng xét theo công lao của con người linh mục, nhưng hãy xét đến chức vụ của ngài”.

Suốt 25 năm trong vai trò người mục tử của Chúa, cha Phêrô Nguyễn Huy Hoàng đã được gửi đến và coi sóc nhiều Giáo xứ như: Thọ Ninh, Kẻ Tùng, Tiếp Võ và Kim Lâm. Bên cạnh các Giáo xứ ấy, nhiều người khác cũng được hưởng nhờ những ân điển Chúa thương ban qua cha. 25 năm canh tác trong vườn nho của Chúa, biết bao niềm vui được đón nhận, bao nụ cười được gặp gỡ, bao cảm thông khích lệ và cộng tác chân thành. Tuy nhiên, 25 năm linh mục, cha cũng gặp không ít những thử thách ngặt nghèo. Dẫu vậy, cha chưa bao giờ có dấu hiệu chán nản, mệt mỏi vì sứ vụ. Có thể nói, cha Phêrô là nhân chứng sống giữa đời cho tình yêu Thiên Chúa trong suốt 25 năm qua với bao thánh lễ được dâng, bao bí tích được cử hành và hồng ân của Thiên Chúa cứ thế được ban tràn đầy trên cha cũng như bao người. Đúng như tâm tình cảm mến tri ân của cha JB. Lưu Ngọc Hùng đại diện cho anh em linh tông huyết tộc của cha Phêrô Nguyễn Huy Hoàng, khi ngài mượn lời của đại thi hào Rabindranath Tagore từng cảm nghiệm để diễn tả: “Thân này cây sậy khẳng khiu, người đã mang qua núi, qua đồi, qua bao thung lũng, và phả vào trong tôi giai điệu mới mẻ đời đời… Ân huệ người ban vô biên vô tận, nhưng để đón xin, tôi chỉ có hai tay bé nhỏ vô cùng. Thời gian lớp lớp đi qua, Người vẫn chưa ngừng đổ rót, song lòng tôi thì hãy còn vơi”.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho cha Phêrô để ngài tiếp tục sống và thực thi sứ vụ là khí cụ bình an của Chúa cho nhiều người khác.

Jos. Chu

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận