“Thưa Bà, đây là con Bà” (Ga 19,26): Đức Maria, Mẹ các tín hữu

1718 lượt xem

“Chúng ta được sinh ra tại đó”

Với bài suy niệm này, chúng ta tiếp tục và kết thúc phần chiêm ngắm của chúng ta về Đức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua. Chủ đề bài suy niệm này là những lời của Chúa Giêsu nói từ cây thập giá với Mẹ Người và với môn đệ được Chúa thương mến: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).

Trong Mùa Vọng năm ngoái, chúng ta đã kết thúc phần suy niệm về Đức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể với bài suy niệm: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta sẽ kết thúc những suy tư của chúng ta về Đức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua bằng việc chiêm ngắm Mẹ như là Mẹ các Kitô hữu, Mẹ chúng ta.

Phải quả quyết ngay rằng chúng ta không đề cập hai tước hiệu và hai chân lý trên cùng một bình diện. “Mẹ Thiên Chúa” là một tước hiệu được định tín cách trọng thể dựa trên mẫu tính đích thực của Mẹ. Tước hiệu này có một sự liên hệ mật thiết và thiết yếu với chân lý nền tảng của đức tin chúng ta, là Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người trong một ngôi vị, và là một tước hiệu được toàn thể Hội Thánh đón nhận. Còn tước hiệu “Mẹ các tín hữu” hay “Mẹ chúng ta” nói lên mẫu tính thiêng liêng. Nó không liên hệ mật thiết lắm với những chân lý nền tảng đức tin. Nên chúng ta không thể nói đây là một chân lý được mọi Kitô hữu tin nhận trong mọi nơi và mọi lúc, nhưng nó phản ánh học thuyết và lòng sùng mộ của một số Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội Công Giáo.

Thánh Augustinô giúp chúng ta hiểu ngay lập tức sự giống nhau và khác nhau giữa hai cương vị làm mẹ này:

“Một cách thể lý, Đức Maria chỉ là mẹ của Chúa Giêsu mà thôi, trong khi một cách thiêng liêng, Đức Maria vừa là chị vừa là mẹ Người, vì ngài luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa. Còn mẹ trong tinh thần, Đức Maria không phải là mẹ của Đầu chính là Đấng Cứu Độ, vì đúng hơn nhờ Người mà mẹ được sinh ra, nhưng chắc chắn Đức Maria là mẹ thiêng liêng của chúng ta, những chi thể, bởi vì nhờ đức mến của mình, Mẹ đã cộng tác trong Hội Thánh để sinh ra các tín hữu là những chi thể của chính Đầu đó.”[1]

Trong suy niệm này, chúng ta muốn phám phá tất cả sự phong phú và ân huệ của Chúa Kitô được ẩn chứa trong tước hiệu này để chúng ta có thể không chỉ tôn kính Đức Maria bằng việc gán cho Mẹ thêm một tước hiệu khác, nhưng là để củng cố đức tin chúng ta và để lớn lên trong việc bắt chước Chúa Kitô.

Giống với mẫu tính thể lý, mẫu tính tâm linh được thực hiện nhờ hai hành vi và thời khắc khác biệt: thụ thai và sinh hạ. Nơi chúng ta, nếu thiếu một trong hai thì sẽ không đủ. Đức Maria đã trải qua cả hai thời điểm này: một cách thiêng liêng, Mẹ đã thụ thai chúng ta và sinh chúng ta ra. Mẹ đã thụ thai chúng ta, nghĩa là Mẹ đã đón nhận chúng ta, có lẽ ngay tại giây phút Mẹ được kêu gọi trong biến cố truyền tin và chắc chắn sau này khi Chúa Giêsu từng bước thi hành sứ vụ mình, Mẹ đã học được rằng con Mẹ không giống như những đứa con khác, một người con riêng của mình. Con Mẹ là Đấng Cứu Thế mà xung quanh Người một cộng đoàn mới đã được thiết lập.

Bởi thế, tất cả những điều này được thực hiện trong thời gian thai nghén, thời gian của xin vâng chân thành. Giờ đây, dưới chân thập giá là thời gian lâm bồn. Tại thời điểm này, Chúa Giêsu đã nói với Mẹ mình với tư cách “Bà.” Chúng ta biết rằng tác giả Tin Mừng Gioan thường có thói quen dùng lối ẩn dụ, biểu tượng và những quy chiếu để diễn tả ý nghĩa mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta. Lời này làm chúng ta nhớ lại lời Chúa nói: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21); và điều mà sách Khải Huyền nói: “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con” (Kh 12,1-2).

Ngay cả khi người phụ nữ này là người đầu tiên của toàn thể Giáo Hội, cộng đoàn của giao ước mới sinh ra nhân loại mới và thế giới mới, tuy nhiên, một cách cá vị Đức Maria đóng vai trò như là căn nguyên và là đại diện của cộng đoàn tín hữu này. Dầu sao đi nữa, việc so sánh giữa Đức Maria và người phụ nữ được Giáo Hội đón nhận từ rất sớm, ngay từ thánh Irênê, một môn đệ của thánh Polycarp (một trong những môn đệ của Gioan). Ngài đã nhìn thấy Đức Maria như là Evà mới, là “mẹ mới của mọi chúng sinh.”[2]

Chúng ta hãy quay trở lại với bản văn của Gioan để xem thử còn có sự quy chiếu nào nữa cho điều chúng ta vừa nói. Chúa Giêsu nói với Đức Maria: “Thưa bà, đây là con bà,” và nói với Gioan: “Đây là mẹ anh.” Những lời này chứa đựng một ý nghĩa trực tiếp và đích thực. Chúa Giêsu đã giao phó Đức Maria cho Gioan và Gioan cho Đức Maria.

Nhưng đó không phải là ý nghĩa đầy đủ của hoạt cảnh này. Khoa chú giải hiện đại đã thực hiện một bước tiến lớn lao trong việc hiểu ngôn ngữ và những diễn tả của Tin Mừng Thứ Tư. Điều này mang lại sự thuyết phục hơn nhiều so với các Giáo Phụ xưa. Nếu chúng ta chỉ đọc trích đoạn của Gioan theo nghĩa hẹp, nó chỉ xuất hiện như một bản di chúc cuối cùng của Người, kết quả là như “cá ra khỏi nước” như người ta thường nói, hay đúng hơn là đi ra ngoài bản văn. Đối với Gioan, giây phút tử nạn là giây phút vinh quang của Chúa Giêsu, là sự hoàn tất cuối cùng của Kinh Thánh và của mọi sự. Vì thế, mỗi câu, mỗi lời trong bối cảnh này có ý nghĩa biểu tượng và ám chỉ đến sự ứng nghiệm Kinh Thánh.

 Do đó, với bối cảnh ấy, sẽ gây khó khăn để hiểu bản văn nếu chúng ta chỉ thấy ý nghĩa riêng biệt và cá nhân mà không khám phá, theo khoa chú giải truyền thống, ý nghĩa hoàn vũgiáo hội học liên hệ cách nào đó với người phụ nữ trong sách Sáng Thế 3,15 và trong sách Khải Huyền chương 12. Theo nghĩa giáo hội học, người môn đệ ở đây không chỉ đơn thuần là đại diện cho Gioan, nhưng chính là cho mọi người môn đệ Chúa Giêsu, như thế, nghĩa là tất cả các môn đệ Người. Khi hấp hối, Đức Giêsu đã lối họ cho Đức Maria như là những người con của Mẹ, đồng thời Người lối Đức Maria cho họ như là mẹ của mình.

Những lời của Đức Giêsu thường mô tả điều gì đó đã hiện diện, chúng mạc khải điều đã hiện hữu; nhưng nhiều khi, chúng lại sáng tạo và làm cho hiện hữu điều chúng diễn tả. Những lời trăng trối của Đức Giêsu với Đức Maria và Gioan thuộc loại thứ hai. Nó tương tự như khi Người nói: “Đây là Mình thầy,” và Đức Giêsu đã biến bánh thành ‘mình thầy’; khi Người nói: “Đây là mẹ anh” và “Đây là con bà”, Đức Giêsu làm cho Đức Maria trở thành mẹ của Gioan và Gioan trở thành con Đức Maria. Người không chỉ tuyên bố mẫu tính mới của Đức Maria, nhưng Người đã thiết lập nó rồi. Vì thế, nó không đến từ Đức Maria nhưng đến từ Lời Chúa; nó không được thiết lập dựa trên sự xứng đáng nhưng dựa trên ân sủng.

Vì thế, dưới thập giá, Đức Maria xuất hiện như là ‘nữ tử Xion.’ Sau cái chết và mất mát đứa con yêu dấu, Mẹ đã đón nhận một gia đình mới đông số hơn từ Thiên Chúa, nhờ Thần Khí mà không phải nhờ xác thịt. Một Thánh Vịnh mà phụng vụ áp dụng cho Đức Maria, nói rằng: “Kìa xứ Philitinh, thành Tia cùng xứ Cút: tại đó, kẻ này người nọ đã sinh ra. Nhưng nói về Xion, thiên hạ bảo: Người người sinh tại đó.’ Chính Đấng Tối Cao đã củng cố thành. Chúa ghi vào sổ bộ các dân: Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó” (Tv 87,4-6). Và quả thật điều đó là hiện thực, tất cả chúng ta đều sinh ra tại đó! Thánh Vịnh này nói về Đức Maria, thành Xion mới, kẻ này người nọ đều sinh ra nơi Mẹ. Tôi, bạn và mỗi người, cả những ai chưa biết đến điều này, như được nói trong sổ bộ của Thiên Chúa: “Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó.”

Nhưng chẳng phải chúng ta “đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1 Pr 1,23) đó sao? Chẳng phải chúng ta được “sinh ra bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13) hay được tái sinh nhờ “nước và Thần Khí” (Ga 3,5) đó sao? Điều này rất là đúng, nhưng nó không loại trừ sự kiện mà theo một nghĩa khác, nghĩa phụ thuộc và phương tiện, chúng ta cũng được sinh bởi đức tin và đau khổ của Đức Maria. Nếu thánh Phaolô đã có thể nói với các môn sinh của ngài như là tôi tớ và Tông Đồ Đức Kitô rằng: “Bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1 Cr 4,15), Đức Maria có thể nói hơn thế: “Chính tôi đã sinh ra anh em trong Đức Kitô đó sao?” Mẹ có quyền hơn thế để dùng những lời của thánh Tông Đồ: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em” (Gl 4,19) đó sao? Mẹ đã tái sinh chúng ta dưới cây thập giá, bởi vì Mẹ đã sinh chúng ta ngay từ lúc đầu, trong niềm vui chứ không phải trong đau khổ, khi Mẹ đã ban cho thế giới “lời sống động và vĩnh cửu,” là Đức Kitô, trong Người chúng ta được tái sinh.

Vì thế, khi áp dụng cho Đức Maria dưới chân thập giá lời ai ca về Xion điều tàn, thành đã uống chén cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, giờ đây, khi tin vào quyền năng và sự phong phú vô hạn của Lời Chúa vốn vượt trên những khung chú giải, chúng ta áp dụng cho Mẹ thánh thi về Xion được tái thiết sau thời lưu đày, như là nơi đầy những kỳ công, thành nhìn vào con cái mới sinh và thốt lên rằng: “Ai đã sinh cho tôi những đứa con này đây? Tôi vốn là kẻ đã mất con, là người son sẻ… Tôi đã bị bỏ lại một mình, vậy chúng từ đâu ra?” (Is 49,21).

Tóm tắt về Đức Maria trong Công Đồng Vaticanô II

Giáo lý truyền thống Công Giáo về Đức Maria, Mẹ các tín hữu, được diễn tả cách mới mẻ trong Hiến Chế về Giáo Hội của Công Đồng Vaticanô II, trong đó vai trò Đức Maria được lồng vào trong chủ đề rộng lớn về lịch sử ơn cứu độ và mầu nhiệm Đức Kitô. Công Đồng quả quyết:

“Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa quan phòng, ngài trở nên mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh trần gian, và cách đặc biệt hơn mọi người khác. Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm tốn của Chúa. Vì đã cưu mang sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, ngài thật là mẹ chúng ta.”[3]

Chính Công Đồng đã hiểu và diễn tả lại vai trò làm mẹ của Đức Maria khi quả quyết:

“Vai trò làm mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ quyền năng của trung gian ấy. Thật thế, mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tự và hoàn toàn tùy thuộc vào trung gian của Chúa Kitô, nguồn phát sinh tất cả ảnh hưởng đó. Ảnh hưởng này không cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô.”[4]

Ngoài tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” và “Mẹ các tín hữu,” Công Đồng còn sử dụng những hạn từ như “kiểu mẫu” và “gương mẫu” để nói về vai trò Đức Maria:

“Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó ngài được hiệp nhất với Con là Đấng Cứu Chuộc cũng như nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội. Như thánh Ambrôsiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô.”[5]

Như chúng ta biết, sự mới mẻ của giáo huấn này về Đức Maria là kết luận trong Hiến Chế về Giáo Hội. Những điều này không thể tạo ra sự đau đớn và tranh cãi khi Công Đồng đã canh tân một cách sâu xa Thánh Mẫu học của những thế kỷ qua. Đức Maria không còn được đề cập một cách tách biệt, bởi vì vai trò của Mẹ như là trung gian giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Mẹ tiếp tục liên kết với Giáo Hội, như trong thời đại các Giáo Phụ. Như thánh Augustinô nói: “Đức Maria được xem như là thành viên cao quý nhất của Giáo Hội mà còn là một thành viên không ở ngoài hoặc ở trên Giáo Hội.”[6]

Đức Maria rất thánh, diễm phúc, nhưng Giáo Hội còn quan trọng hơn Đức Trinh Nữ Maria. Tại sao? Bởi vì Đức Maria là thành phần của Giáo Hội, một chi thể thánh thiện và đặc biệt hơn mọi chi thể khác, nhưng dầu vậy, Mẹ vẫn là một chi thể của toàn thể Nhiệm Thể. Nếu Mẹ là một chi thể của toàn thể Nhiệm Thể, điều đó có nghĩa là Nhiệm Thể quan trọng hơn một chi thể của Nhiệm Thể.

Ngay sau Công Đồng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã phát triển xa hơn ý tưởng về mẫu tính của Đức Maria đối với các tín hữu và ngài đã tôn kính cách long trọng và công khai Đức Mẹ với tước hiệu “Mẹ Hội Thánh”:

“Để tôn vinh Đức Trinh Nữ và vì niềm an ủi chúng ta, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Maria là Mẹ Hội Thánh, Mẹ của tất cả Dân Chúa, cả tín hữu và các mục tử, những ai kêu cầu Mẹ như là Hiễn Mẫu yêu quý nhất của họ. Ước chi danh hiệu cao quý này làm cho Đức Trinh Nữ được mọi tín hữu tôn sùng và khẩn cầu Mẹ nhiều hơn.”[7]

“Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”

Giờ đây thật là phù hợp để chuyển từ việc chiêm ngắm một vài tước hiệu dành cho Đức Maria hay những giây phút đặc biệt trong cuộc đời Mẹ sang việc bắt chước thực hành của Mẹ: xem Đức Maria như là dung mạo và tấm gương của Giáo Hội. Tuy nhiên, về điểm này, chúng ta nhìn Đức Maria như là mẹ chúng ta, việc áp dụng thực hành có gì đó khác biệt. Rõ ràng nó không hệ tại ở việc bắt chước Đức Maria nhưng hệ tại ở việc đón nhận Mẹ. Chúng ta phải bắt chước Gioan là đón nhận Đức Maria vào trong cuộc sống thiêng liêng của mình. Tất cả là ở đó.

“Người môn đệ rước bà về nhà mình” (eis ta idia). Chúng ta không suy nghĩ đủ về ý nghĩa của những lời vắn tắt này. Chúng chứa đựng những thông tin về điều rất quan trọng vốn có một nền tảng lịch sử, như chúng được viết bởi người môn đệ ấy. Đức Maria đã trải qua những năm cuối đời của mình với Gioan. Điều mà Tin Mừng Thứ Tư nói về Đức Maria tại Cana ở Galiêa và dưới chân thập giá được viết bởi một người đã sống trong cùng nhà, và nó có lẽ không thể biết nếu không có tương quan gần gũi, nếu không phải là cùng căn tính, cùng nhân vật được nói đến đó là người môn đệ Đức Giêsu thương mến và tác giả Tin Mừng Thứ Tư. Những lời “và Ngôi Lời trở thành nhục thể,” được viết bởi một người đã từng sống dưới cùng mái nhà với Đức Maria, trong dạ Mẹ phép lạ này đã được hoàn tất, hoặc ít ra bởi người đã biết mẹ và sống trong cùng môi trường với mẹ.

Ai có thể nói ý nghĩa của điều đó đối với người môn đệ Chúa Giêsu thương mến khi có Đức Maria ngày đêm ở trong nhà mình, được ăn uống với Mẹ, được Mẹ lắng nghe khi anh kể chuyện về các bạn đồng môn của mình, được cử hành mầu nhiệm của Chúa với Mẹ? Làm sao có thể tin rằng Đức Maria đã sống bên cạnh người môn đệ Chúa Giêsu thương mến lại không có sự ảnh hưởng sâu xa đến quá trình chiêm ngắm chậm rãi, sâu lắng và thấu đáo rồi sau đó được biên soạn thành Tin Mừng Thứ Tư?

Xem ra từ rất xa xưa, Origene ít nhất đã nhận thức bí quyết ẩn trên trong sự kiện này, mà các trường phái, các nhà phê bình về Tin Mừng Thứ Tư và những ai nghiên cứu các nguồn của nó thường không để ý. Thật vậy, Origene viết: “Hoa trái đầu tiên của các Tin Mừng là hoa trái của thánh Gioan, và không phải bất cứ ai đều được dựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và được lối Đức Maria như là Mẹ mình, người đó có thể thấu hiểu ý nghĩa và chiều sâu của nó như thế.”[8]

Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi chính mình rằng việc rước Mẹ về nhà mình thực chất có nghĩa là gì đối với chúng ta? Tôi nghĩ rằng đây là lúc thuận tiện để đề cập đến nền linh đạo vừa say mê vừa hữu hiệu của Louis de Montfort trong việc phó dâng chính mình cho Đức Maria. Nó hệ tại ở việc thực hiện tất cả mọi hành vi của chúng ta nhờ Đức Maria, với Đức Mari, trong Đức Maria và cho Đức Maria, nhờ đó giúp chúng ta làm mọi sự với sự hoàn thiện cao cả hơn nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu.

“Chúng ta phải phó dâng chính mình cho tinh thần của Đức Maria để được biến đổi và ảnh hưởng nhờ Mẹ theo cách thức Mẹ đã chọn. Chúng ta phải đặt mình và trao mình trong những bàn tay từ ái của Đức Trinh Nữ, như một công cụ trong quyền năng của một người thợ, như một ống sáo trong bàn tay của người thổi sáo tài năng. Chúng ta phải đánh mất mình, bỏ mình cho Mẹ, như một hạt sỏi ném vào đại dương. Điều này phải được thực hiện một cách đơn sơ và ngay lập tức, bằng một cái liếc mắt của tâm trí, bằng một chuyển động nhỏ bé của ý chí, hoặc thậm chí bằng lời nói.”[9]

Nhưng điều này có thể thay thế vị trí của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu không? Vì chính Chúa Thánh Thần mà chúng ta sẽ được dẫn dắt đó sao (x. Gl 5,18)? Chẳng phải Chúa Thánh Thần cầu nguyện và cầu thay nguyện giúp cho chúng ta (x. Rm 8,26tt) để chúng ta trở nên giống Chúa Kitô đó sao? Phải chăng Kinh Thánh đã viết rằng các Kitô hữu phải làm mọi sự trong Chúa Thánh Thần? Người ta đã thừa nhận rằng sai lầm của việc ngầm gán những điều thực sự thuộc vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu cho Đức Maria đã tồn tại trong một số hình thức sùng kính Đức Maria trước Công Đồng.

Điều này là do thiếu ý thức rõ ràng và tích cực về vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Nhưng sự phát triển của nền Thánh Linh học mạnh mẽ không nhất thiết phải từ chối nền linh đạo về niềm tin vào Đức Maria. Nó chỉ giúp làm cho rõ ràng hơn. Đức Maria chính xác là một trong những kênh ưu tiên mà qua đó, Chúa Thánh Thần hướng dẫn các linh hồn và dẫn dắt họ bắt chước Chúa Kitô, và điều này là do Đức Maria là một phần của Ngôi Lời Thiên Chúa và chính Mẹ là lời hữu hình của Thiên Chúa.[10]

Về điểm này, thánh Louis Marie Montfort đã đi trước thời đại. Ngài viết: “Chúa Thánh Linh là Đấng không được sinh ra trong Thiên Chúa, nghĩa là, không được sinh ra từ nguyên thủy bởi một ngôi vị thần linh khác, đã trở nên phong nhiêu nhờ Đức Maria, đấng được Chúa Thánh Thần cưới làm hiền thê. Chính với Mẹ, trong Mẹ và nhờ Mẹ mà Người đã làm nên Kiệt Tác của mình, đó là Thiên Chúa làm người, và nhờ Người, Chúa Thánh Thần tiếp tục sinh ra những con người thuộc chi thể của Người mỗi ngày cho đến tận thế. Những người được tiền định là chi thể của Đầu đáng kính đó. Đây là lý do tại sao Chúa Thánh Thần càng nhận thấy Đức Maria, Hiền Thê yêu quý và bền vững của Người, trong bất kỳ linh hồn nào, Người càng trở nên tích cực và quyền năng trong việc sản hạ Chúa Giêsu Kitô trong linh hồn và linh hồn ấy trong Chúa Giêsu Kitô.”[11]

Vì thế, thành ngữ “Ad Jesum per Mariam” (qua Đức Maria đến với Chúa Giêsu) được chấp nhận chỉ theo nghĩa là Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu qua Đức Maria. Trung gian thụ tạo của Đức Maria giữa chúng ta và Chúa Giêsu có thể được nhìn trong tất cả sự quan trọng của nó nếu vai trò phụ thuộc của Mẹ như là một kênh của sự trung gian bất tạo của Chúa Thánh Thần được hiểu cách rõ ràng.Chúng ta có thể sử dụng một sự loại suy để hiểu điều này. Phaolô khuyên nhủ các môn sinh của mình phải làm như ngài đã làm: “Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em (Pl 4,9). Rõ ràng là Phaolô không có ý định đặt mình vào vai trò của Chúa Thánh Thần; ngài chỉ đơn giản tin rằng bắt chước ngài là vâng theo Chúa Thánh Thần, vì ngài tin rằng ngài cũng có Thánh Thần của Thiên Chúa (x. 1 Cr 7,40). Điều này chứa đựng một lý do tiên thiên (a fortiori) cho Đức Maria và giải thích ý nghĩa thực sự của câu nói “làm mọi sự với Maria và giống như Maria.” Với Phaolô, và hơn cả Phaolô, Mẹ thực sự có thể nói: “Hãy là kẻ bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” (1 Cr 11,1). Trên thực tế, Mẹ là khuôn mẫu và người dạy chúng ta đơn giản vì Mẹ là môn đệ hoàn hảo và người bắt chước của Chúa Kitô.Trong ý nghĩa thiêng liêng, “rước Mẹ về nhà mình” có nghĩa là: chọn Mẹ làm bạn đồng hành và trạng sư, là nhận thức rằng Mẹ hiểu rõ hơn chúng ta về ước muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta. Nếu chúng ta học cách chạy đến để thỉnh vấn Đức ​​Maria và lắng nghe Mẹ trong tất cả mọi sự, Mẹ sẽ thực sự trở thành người hướng dẫn vô song của chúng ta theo cách của Thiên Chúa, hướng dẫn bên trong chúng ta mà không cần lời nói. Đây không phải là một khả năng trừu tượng mà là một thực tế, được nhiều người kinh nghiệm ngày hôm nay cũng như trong quá khứ.

“Lòng can đảm của Mẹ sẽ không bao giờ bị quên lãng”

Trước khi kết thúc việc suy ngẫm của chúng ta về Đức Maria đứng gần thập giá, trong mầu nhiệm Vượt Qua, tôi muốn dành một suy tư khác cho Maria, Mẹ là mẫu gương của niềm hy vọng. Khi Thiên Chúa xem ra không còn lắng nghe lời khẩn cầu của chúng ta, khi Người xem ra làm ngược lại với chính mình và lời hứa của mình, khi Người để cho chúng ta trải qua thất bại này đến thất bại nọ và cả những quyền lực của bóng tối xem ra chiến thắng tất cả, xung quanh chúng ta và mọi sự trở nên tối tăm, giống như ngày đó “bóng tối bao phủ cả mặt đất” (Mt 27,45). Như một trong những Thánh Vịnh nói: Xem ra “tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn và thánh ngôn chấm dứt đời đời?” (Ps 77,9). Khi bạn đang đối mặt với giờ phút này, hãy nhớ đến đức tin Maria, và bạn cũng vậy, hãy khóc lên như những người khác đã làm: “Lạy Cha, con không còn hiểu Cha nữa, nhưng con tin tưởng vào Cha!”Có lẽ bây giờ Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta phải hy sinh Isaác giống như Ápraham, con người, của cải, chương trình, cơ sở, văn phòng là những gì mà chúng ta rất yêu quý, là những gì mà chính Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta và chúng ta đã gắn bó suốt đời. Đây là dịp Thiên Chúa ban cho chúng ta để minh chứng Người vẫn quý hơn, hơn cả những món quà, thậm chí hơn cả công việc chúng ta đang làm cho Người. Thiên Chúa nói với Ápraham: “Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (St 17,5). Và sau thử thách về Isaác, Người nói: “Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22,16-18). Giờ đây, Người nói điều tương tự và thậm chí nhiều hơn với Đức Maria: “Ta sẽ làm cho ngươi trở thành mẹ của vô số dân tộc, mẹ của Giáo Hội! Nhân danh ngươi, tất cả mọi thế hệ trên trái đất sẽ được chúc phúc. Tất cả mọi thế hệ sẽ gọi ngươi là diễm phúc!”Một trong những ông tổ của Cải Cách, John Calvin khi chú giải về sách Sáng Thế 12,3 (“Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi”), nói rằng: “Ápraham sẽ không chỉ là một mẫu gương và thân chủ, mà còn là nguồn mạch của phúc lanh.”[12] Điều này có thể làm cho khẳng định của thánh Irênê trở nên dễ hiểu và chấp nhận đối với mọi Kitô hữu, ngài nói: “Evà vì đã bất tuân, đã trở thành nguyên nhân gây ra cái chết cho chính mình và toàn thể loài người, cũng vậy, Đức Maria vì đã vâng phục, đã trở thành nguyên nhân cứu rỗi cho chính mình và cả loài người.”[13] Đức Maria cũng không chỉ là một mẫu gương mà còn là nguyên nhân của ân sủng, theo nghĩa là công cụ, nhờ ân sủng chứ không phải nhờ công trạng. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng khi Giuđitha, sau khi mạo hiểm mạng sống vì dân tộc mình, bà trở về thành đô mình, mọi người đã cùng nhau chạy ra gặp bà, và các vị tư tế tối cao đã chúc lành cho bà và nói: “Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này… Vì cho đến muôn đời muôn thuở, những ai hằng nhớ đến sức mạnh của Thiên Chúa sẽ không lãng quên lòng trông cậy bà đặt nơi Người” (Gđt 13,18-19). Chúng ta hãy nói những lời như thế với Đức Maria: Này Mẹ, Mẹ được chúc phúc hơn mọi người nữ! Giáo Hội sẽ không bao giờ lãng quên lòng cậy trông và can đảm của Mẹ trong trái tim và ký ức của mình. Giờ đây chúng ta hãy tóm tắt sự hiện diện của Đức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua bằng cách áp dụng cho Mẹ tất cả danh dự xứng hợp từ những lời mà thánh Phaolô đã tóm tắt về mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô: Đức Maria, vốn dĩ là Mẹ Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì đặc ân cao cả đó, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, tự nhận mình là tôi tớ. Và sống như mọi người phụ nữ khác. Mẹ lại còn hạ mình và ẩn mình, vâng lời Thiên Chúa cho đến nỗi bằng lòng cho Con mình chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Mẹ, và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu, sau danh hiệu Giêsu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Đức Maria, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Maria là Mẹ của Đức Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Amen! 

Bài giảng IV Mùa Chay năm 2020 của cha Raniero Cantalamessa,
Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ từ cantalamessa.org

————————————–

[1] St. Augustine, Of Holy Virginity, 5-6 (PL 40, 399).
[2] St. Irenaeus, Adversus Haereses, III, 22, 4.
[3] LG 61.
[4] Ibid., 60.
[5] Ibid., 63.
[6] St. Augustine, Sermons, 72A (Denis 25), 7 (Miscellanea Agostiniana I, p. 163).
[7] Paul VI, Closing Discourse of the 3rd Period of the Vatican Council, November 21, 1964 (AAS 56, 1964, p. 1016).
[8] Origen, Commentary on the Gospel of John, I, 6, 23 (SCh 120, pp. 70-72).
[9] St. Louis Marie de Montfort, True Devotion to Mary, n. 259, trans. Frederick William Faber (rep. ed., London: Catholic Way Publishing, 2013), p. 16; see also nos. 257-258.
[10] Cf. Heribert Mühlen, Una Mystica Persona (Paderborn: Schöningh, 1967).
[11] Cf. De Montfort, True Devotion, n. 20, p. 25.
[12] John Calvin, Le livre de la Genèse [The Book of Genesis] (Geneva: Labore et Fides, 1961), p. 195. Cf. Gerhard von Rad, Genesis. A Commentary (London: SCM Press, 1972), p. 160.
[13] St. Irenaeus, Adversus Haereses, III, 22, 4.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận