Miền Trung mấy hôm nay lụt lội nặng nề. Dòng nước lũ cứ cuồn cuộn chảy về như muốn cuốn phăng tất cả. Nước cuốn hoa mầu; nhà cửa lụt lội; dòng lũ cuốn con người: cuốn đi cha mẹ người ta, con cái và vợ chồng người ta. Dòng nước dữ cứ một ngày một mạnh. Từ bao đời nay, miền Trung sống chung với lũ, lâu dần thành quen; nhưng chẳng khi nào nước tràn về mà sống hài hoà với người ta cả. Thương về miền Trung, tôi thương về những con người lam lũ ngày nắng, vất vả khi đông về và giờ đây đang phải căng sức mình để chống chọi với dòng nước lũ ào ạt. Tôi thầm thĩ cầu nguyện cho con người miền Trung, rắn rỏi bao đời, nay thêm sức mạnh để mạnh mẽ vượt qua cơn hoạn nạn này…
Ai đã từng đến miền Trung vào giữa những ngày hè đầy nắng thì mới hiểu cái khắc nghiệt của thời tiết vùng này ra sao. Cái nắng giữa hè vùng này nóng lắm, nó có thể thiêu đốt mọi vật. Cộng thêm những cơn gió Lào thổi sang, cái nóng như đổ lửa của miền trung như thể khiến cho người ta khô héo đi vậy. Ánh nắng xà xuống tới đâu là cảnh vật như rũ xuống. Rồi sang mùa Đông, cái lạnh cắt da cắt thịt ở vùng này khiến cho người ta phải rùng mình. Những cơn gió bấc từng hồi thổi về cộng với những cơn mưa dầm làm cho cái lạnh thấu vào tận xương. Nhưng con người ở đây chưa bao giờ chịu khuất phục. Họ làm lụng vất vả nhưng ít khi nào than vãn. Họ nỗ lực để biến những vùng đất đầy sỏi đá trở thành những vườn rau, vườn chè xanh ngát, cánh đồng vàng óng mùa lúa chín. Cái nắng hè mặc dầu làm cho dân vùng này đen xạm đi, nhưng cái nắng cũng làm cho con người nơi đây rắn rỏi hơn. Ngày hè oi ả, đông về lạnh lẽo, ngày nóng đêm chuyển trời, nhưng con người miền Trung dường như càng ngày càng được tôi luyện: họ mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn.
Rồi sang những tháng nửa sau của năm, dân miền Trung lại phải vật lộn với những cơn mưa xối xả, bão gió thì liên miên. Hình ảnh những mái nhà xiêu vẹo, rồi đến khi mùa lũ về, đâu đó chỉ còn thấy nóc giữa biển nước đục ngàu xung quanh dường như đã dần trở thành quen. Sau mỗi đợt lũ về, cảnh màn trời chiếu đất lại xảy đến với nhiều người dân nghèo. Những mảng bùn đặc quánh còn lại sau đợt lũ như ghìm chân người miền Trung xuống. Mỗi năm, cùng với miền Bắc, miền Trung hứng chịu hơn chục cơn bão lớn nhỏ. Bão nhỏ thì ảnh hưởng đến mùa màng canh tác. Bão lớn thì tàn phá nhà cửa. Đất đai nhiều vùng miền Trung vốn chẳng tốt, vất vả canh tác cả năm trời, trông chờ đến ngày mùa thu hoa trái, nhưng chỉ một cơn bão hay trận lũ cũng có thể cuốn đi tất cả. Nó khiến cho miền Trung như bị khuỵ xuống. Lũ lụt đến cộng với bão gió về làm cho những người con mất cha mất mẹ, những người chồng mất đi vợ mất con.
Trong những ngày này, hình ảnh người đàn ông trẻ quỳ lạy giữa dòng nước lũ ào ạt phổ biến trên các mạng xã hội khiến cho nhiều người chạnh lòng. Đôi mắt của anh đã không còn rơi lệ. Nước mắt dường như đã hoà vào dòng nước lũ. Người chồng, người cha van lạy dòng nước lũ cuồng dại trả lại vợ con cho mình. Anh tìm kiếm, anh khóc, anh van xin…rồi anh tuyệt vọng! Dòng nước lũ đã lấy đi của anh tất cả. Nó vô tình như bao năm nay. Giữa những ngày mưa lụt, người vợ của anh trở dạ. Đang khi dòng nước cuồn cuộn chảy về, chị phải thuê thuyền để đến bệnh viện sinh. Nhưng thuyền chỉ đi đến một đoạn thì lật úp. Nước cứ một dòng nước chảy nào để cho người ta được lên tiếng van xin. Rồi người mẹ trong dạ vẫn còn đứa con chưa một lần nhìn ánh mặt trời đã vội đi vào dòng lũ cuồn cuộn, nước cuốn trôi tất cả. Người vợ và người mẹ đã bị cuốn trôi trong sự bất lực của người chồng người cha. Nỗi đau của anh cũng là nỗi đau của nhiều người miền Trung mỗi mùa mưa bão về. Nước cuồn cuộn, thiên nhiên nổi giận, người ta vùng vẫy giữa làn nước mênh mông. Giữa cơn bão bùng nước cuốn, người ta không có chỗ bấu víu. Chưa hết, bão đi, nước rút, những lớp bùn đặc làm cho người ta trượt, trượt dài. Người ta cầu nguyện xin ơn bình an và không phải nghe tin dữ.
Khó khăn chồng khó khăn, miền Trung mới đợt rồi bị dập dụi bởi cơn dịch bệnh covid 19 chưa dứt, nay lại phải căng mình sống với lũ lụt nặng nề. Đà Nẵng cách đây ít lâu thôi còn là tâm của cơn đại dịch, nay nước lại về, tràn vào tất cả, ngập lụt khắp nơi. Ở vùng Nghệ An, mới mấy tháng trước dòng sông Lam còn cạn trơ đáy, rồi ở nhiều vùng Hà Tĩnh còn chịu cơn hạn hán nặng nề, cây cối bị khô héo, hoa màu bị mất trắng, nay cả vùng lại trôi nổi trên những dòng nước lũ tràn về ào ạt như thác đổ.
Thương về miền Trung, tôi cũng đau đáu nghĩ về những nguyên nhân của các tai hoạ vẫn đang xảy ra, mỗi ngày một khốc liệt hơn. Thiên tai, lũ lụt xảy ra, đất trời cũng đang chất vấn con người về cách họ đối xử với thiên nhiên. Có những vùng nước ở miền Trung bị làm cho ô nhiễm nặng nề, từng ngày, từng giờ. Biển miền Trung vẫn tiếp tục hứng chịu sự xâm lăng của các loại hoá chất từ những ống nước ngầm chảy ra. Biển vốn lành vốn sạch nay nhiễm các loại chất độc hại. Miền Trung nhiều người bấy lâu nay tự hào về vùng biển dài phong nhiêu. Biển trao tặng cho họ nguồn cá, nguồn tôm. Thiên nhiên bao đời nay đã dung dưỡng dân miền Trung. Nhưng mấy năm nay, biển như đã ngoảnh mặt với họ. Hình ảnh từng đàn, từng lớp cá chết trắng dạt vào bờ biển dài khiến cho người ta chua xót. Người ngư phủ nay không ra khơi. Nếu cực chẳng đã không còn cách nào khác vẫn phải ra khơi thì cũng chỉ nghĩ may ra vớt vát chút để sống qua ngày. Người miền trung vẫn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của đồng loại vô tình, vô tâm. Rồi,… rừng vẫn cứ bị chặt, bị mất đi từng ngày. Nước đến mùa vẫn cứ tràn về. Nước vì thế lại càng mạnh. Người miền trung lại càng phải căng mình ra để chống chọi với cơn nổi giận của thiên nhiên.
Người miền Trung họ thương mến nhau nhiều. Chính vì sống trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, mùa hè thì nắng gắt, mùa bão lũ lại dữ dội…người miền Trung gắn bó với nhau bền chặt tình làng nghĩa xóm. Họ đồng lòng, đồng tâm với nhau, nhờ thế mà bao đời nay, dù phải chống chọi với những gì khắc nghiệt nhất của thiên nhiên, nhưng những khó khăn bên ngoài ấy chỉ càng làm cho họ đoàn kết yêu thương nhau nhiều hơn. Họ thấu hiểu những nỗi truân chuyên của đồng bào mình. Gặp những cảnh phong trần, họ dễ dàng động lòng trắc ẩn. Bởi thế, người miền Trung đi đâu cũng đoàn kết và tương trợ lẫn nhau. Họ rộng tay với nhau lắm và yêu thương con người lắm!
Miền trung lũ lụt tang thương, cuộc sống của người miền Trung đang bấp bênh như ngọn cây mong manh giữa dòng nước lũ… Đang khi viết những dòng này, tôi vừa nghe tin bão gió lại đang nổi lên hướng về miền Trung. Miền Trung ơi, nước lũ chưa yên bão gió lại nổi! Thương về miền Trung, tôi mong ngày mưa bão sớm qua đi, mong người miền Trung vẫn mạnh mẽ như bao thời nay và xin cho những người đang sống trong cảnh yên bình nghĩ về họ, giúp đỡ họ. Miền Trung sẽ lại đứng dậy, mạnh mẽ như vẫn là họ…
Ngọc Huynh, SJ
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1