Ủy Ban Bác ái Xã hội – Caritas Việt Nam – đồng hành cùng Giáo phận Hà Tĩnh trong “Chương trình hỗ trợ người dân tái lập cuộc sống sau lũ”

1507 lượt xem

Trong tình liên đới, chia sẻ, hai ngày 10 và 11/11/2020, UB Caritas Việt Nam gồm cha Giám đốc Giuse Ngô Sỹ Đình, cha phó giám đốc Phêrô Nguyễn Trọng Đường, đã cùng với phái đoàn của Giáo phận đến thăm hỏi và khảo sát thiệt hại sau lũ tại các Giáo xứ Trung Quán, Chày, Liên Hòa và Tân Hội. Về phía Giáo phận có Đức cha Phaolô, cha JB. Nguyễn Huy Tuấn, Trưởng ban Caritas Giáo phận, cùng quý cha Tòa Giám mục.

“Covid có thể làm giãn cách xã hội, nhưng bão lũ khiến người với người xích lại gần nhau hơn”. Thật vậy, sau khoảng thời gian cứu trợ kịp thời trong những ngày mưa lũ, thì thời điểm này là lúc để cùng nhau giúp sức, hỗ trợ người dân tái lập cuộc sống sau lũ.

Trên tinh thần liên đới, chia sẻ, trong hai ngày 10 – 11/11/2020, UB Caritas Việt Nam gồm cha Giám đốc Giuse Ngô Sỹ Đình, cha phó giám đốc Phêrô Nguyễn Trọng Đường, đã cùng với phái đoàn của Giáo phận đến thăm hỏi và khảo sát thiệt hại sau lũ tại các Giáo xứ Trung Quán, Chày, Liên Hòa và Tân Hội. Về phía Giáo phận có Đức cha Phaolô, cha JB. Nguyễn Huy Tuấn, Trưởng ban Caritas Giáo phận, cùng quý cha Tòa Giám mục.

Giáo xứ Thanh Thủy và Yên Giang

Sáng ngày 11/11/2020, Đức cha Phaolô, quý cha Tòa Giám mục và đại diện Hội Doanh nhân Giáo phận ghé thăm, động viên, hỗ trợ người dân tại Giáo xứ Thanh Thủy và Yên Giang.

Thanh Thủy và Yên Giang là hai xứ đạo nằm dọc theo dòng sông Son, bao quanh là núi rừng trùng điệp. Đây là vùng đất “sơn cùng thủy tận”, bị ngăn cách với bên ngoài bởi sông núi, nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn vì không có điều kiện giao thương. Ngoài việc trồng trọt với số đất ít ỏi, lại phải hứng chịu lũ lụt hằng năm, người dân còn phải lên rừng đốt than, kiếm củi để mưu sinh qua ngày.

Con đường dẫn vào Thanh Thủy và Yên Giang gập ghềnh, khúc khuỷu, bùn lầy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, nhưng với tình liên đới, bác ái yêu thương, Đức cha và phái đoàn cũng đã có mặt đúng hẹn để trao hơn 700 phần quà (Thanh Thủy 380 suất và Yên Giang gần 400 suất) cho bà con lương – giáo nơi đây, với tổng số tiền là 500.000.000 VNĐ.

Chia sẻ với bà con giáo dân cũng như lương dân, Đức cha cảm thông trước những khó khăn mà bà con phải hứng chịu. Ngài cũng đề nghị cha quản xứ và những người đại diện nhân dân phải kiến nghị đến các cấp chính quyền để tu sửa lại con đường dẫn vào hai Giáo xứ này, nhất là trong thời điểm xã Liên Trạch (Bố Trạch) đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Giáo xứ Trung Quán

Trung Quán là giáo xứ ở điểm cực Nam của Giáo phận Hà Tĩnh, nằm ở ngã ba sông Nhật Lệ, nơi gặp nhau của hai nhánh sông Long Đại và Kiến Giang, thuộc xã Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Giáo xứ nằm ở vùng trũng, người dân chủ yếu sống dọc hai bên bờ sông nên cứ mỗi lần mưa lớn, vùng đất này lại chìm trong biển nước, khiến đời sống vô cùng khó khăn.

Đúng 15g chiều cùng ngày, Đức cha Phaolô và phái đoàn đã đến Giáo xứ. Đây là địa điểm UB Caritas Việt Nam quan tâm nhiều nhất. Cha quản xứ Phêrô Phùng Văn Tuấn đã cho phái đoàn biết về những khó khăn, thiệt hại mà người dân phải hứng chịu trong trận lũ vừa qua. Như vậy, điều quan trọng và cần thiết cho người dân nơi đây là ngôi nhà vượt lũ. Nhà vượt lũ không chỉ là nơi di cư an toàn cho người dân, nó còn là nơi sinh hoạt, giao lưu, hội họp và mục vụ trong giáo xứ. Bên cạnh đó, các ngài cũng lưu ý đến vấn đề sinh hoạt của dân trong khu vực này như việc làm nhà máy nước sạch, hỗ trợ một số vật dụng sinh hoạt cho người dân, …

Giáo họ Trằm (Gx. Chày)

Đúng 8g sáng thứ Tư, ngày 12/11/2020, Đức cha và phái đoàn đã đến với Giáo xứ Chày, thuộc địa bàn xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Cha quản xứ Vincente Cao Dương Đông đã trình bày về tình hình đời sống của người dân trong giáo xứ, cách riêng là những thiệt hại do trận lũ vừa qua. Là một giáo xứ nằm ở thượng nguồn sông Son, nên mỗi mùa mưa lũ về, nước chảy mạnh và xiết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước. Trận lũ vừa qua tuy không thiệt hại về nhân mạng nhưng nhiều ngôi nhà bị hư hại nặng, ruộng vườn, hoa màu cũng bị nhấn chìm, cuốn trôi.

Khi nói về giáo họ Trằm, cha quản xứ cũng thao thức về việc xây dựng một ngôi nhà vượt lũ cho người dân nơi đây, để họ có nơi trú ngụ mỗi mùa mưa lũ về.

Sau đó, phái đoàn đã đến thăm giáo họ Trằm, một giáo họ nằm cách nhà thờ Giáo xứ khoảng 4km, Đức cha và phái đoàn phải di chuyển bằng thuyền. Đây là giáo họ cách biệt bởi sông núi, nên đời sống bà con cũng gặp nhiều khó khăn. Tại đây, Đức cha Phaolô cũng đã trao đổi ngắn gọn với bà con giáo dân về việc cần thiết phải xây dựng một ngôi nhà vượt lũ. Cha Giuse Ngô Sỹ Đình, Giám đốc Caritas Việt Nam đã nêu lên ý nghĩa, mục đích và định hướng của Caritas. Ngài bày tỏ lòng biết ơn đến cha Giám đốc Caritas Giáo phận vì đã nắm bắt tình hình đời sống của bà con rất sâu sát. Sau đó, Đức cha và phái đoàn đã cùng nhau khảo sát thực địa và hẹn với bà con một ngày không xa sẽ trở lại với vùng đất này.

Giáo họ Tiên Nghĩa (Gx. Liên Hòa)

Vừa qua, chương trình hỗ trợ người dân tái lập cuộc sống của giáo phận cũng đã đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ khó khăn với bà con lương – giáo thuộc giáo họ Tiên Nghĩa, giáo xứ Liên Hòa. Trong đợt này, Đức cha Phaolô và phái đoàn đến với bà con nơi đây nhằm xem xét tình hình hỗ trợ người dân xây dựng ngôi nhà vượt lũ để họ có nơi trú ngụ mỗi mùa mưa lũ về.

Theo cha Phêrô Nguyễn Xuân Toàn (CSC), quản xứ Liên Hòa, nơi đây có 26 hộ gia đình, vừa qua họ đã làm những lán trại để định cư, bởi trước kia họ sống và mưu sinh trên những chiếc thuyền, ghe. Vì không có đất nên họ làm những lán trại mang tính tạm bợ trên những mảnh ruộng, sát bên bờ sông, nên vô cùng nguy hiểm khi mùa mưa lũ về.

Qua khảo sát, nắm bắt tình hình, Đức cha và phái đoàn cũng có những thao thức và mong muốn hỗ trợ người dân có chỗ định cư an toàn và ổn định.

Giáo xứ Tân Hội

Tân Hội là một trong những xứ đạo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn lũ lịch sử vừa qua. Giáo xứ có 38 hộ gia đình (trong đó có 18 hộ thuộc giáo họ Đồng Lào, 20 hộ thuộc giáo điểm Ba Cồn) sinh sống hai bên bờ sông Gianh đã bị chôn vùi bởi sạt lở đất hoặc nằm trong vùng phải di dời. Hiện nay, cha quản xứ Antôn Nguyễn Trường Thi cũng đã cho xây các lán trại để người dân có nơi sinh sống tạm thời.

Về với bà con Giáo xứ Tân Hội, Đức cha động viên, an ủi các gia đình bị sạt lở. Ngài mong muốn bà con có thể di dời đến khu vực an toàn, hầu tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Sau hai ngày khảo sát, nắm bắt tình hình, sáng ngày 12/11/2020, phái đoàn đã có buổi làm việc, cùng nhìn lại và đánh giá về những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu do trận lũ lụt vừa qua. Bên cạnh đó, phái đoàn cũng lên những phương án hỗ trợ để góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Francis Cao

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận