Ủy Ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp khai giảng năm học 2020 – 2021

735 lượt xem

UỶ BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2020 – 2021

Các con thân mến,

1. Tâm tình của người đồng hành

Ngay từ những dòng chữ đầu tiên này, cha muốn hướng về một thành phần đặc biệt trong các con, hơn tám trăm ngàn sĩ tử trong cả nước, vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia, kết thúc một chặng đường vừa thật đẹp nhưng cũng vừa quan trọng trong cuộc đời học vấn của mình. Cùng với các con, cha tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho các con thật nhiều điều tốt lành, những nén bạc quý giá trong những năm rèn luyện trau dồi kiến thức phổ thông. Cha chúc mừng các con, vì các con đã hoàn thành chặng đường của “tuổi học trò” đầy nỗ lực, với những thành quả đáng quý để bước vào đời, khởi sự cho những ước mơ tươi sáng của mình. Và sắp tới đây, chỉ còn ít ngày nữa thôi, tiếng trống khai trường sẽ đồng loạt vang lên trên toàn Đất Việt, báo hiệu một năm học mới bắt đầu. Ngày ấy, tất cả những học sinh, sinh viên Công giáo, sẽ cùng với hàng chục triệu bạn bè trang lứa của mình, bước vào một giai đoạn mới trong hành trình học tập, hoàn thiện bản thân cách toàn diện, để trở thành một con người có ích cho chính mình, cho gia đình, cho Giáo hội và cho xã hội. Suy tư về hành trình tìm kiếm sự khôn ngoan ấy, sách Châm Ngôn viết rằng: “Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan, cũng như kẻ được tài phán đoán. Vì được khôn ngoan thì hơn được bạc, được hưởng lợi ích của khôn ngoan thì hơn được vàng. Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không có bảo vật nào của con so sánh nỗi” (Cn 3, 13-15). Đó cũng là một ít tâm tình cha muốn chia sẻ với tất cả các con trong dịp khai giảng năm học mới này.

2. Học là điều cần thiết để biết và để sống

Sách Châm Ngôn, được xếp vào tập sách giáo huấn trong kinh thánh Cựu Ước, đã cho thấy được giá trị của sự khôn ngoan, vốn là thành quả không thể phủ nhận của việc học tập trau dồi kiến thức. Trong thời đại công nghệ 4.0 này, thật dễ dàng để tra cứu một vấn đề nào đó. Cha tin rằng các con đã đọc thấy rất nhiều tư tưởng và bài viết về giá trị của việc học tập. Với cha, bằng ngôn ngữ thực tế và kinh nghiệm sống hàng ngày của mình, cha muốn nhấn mạnh với các con rằng: học là điều cần thiết để biết và để sống. Học tập để có được những kiến thức cần thiết quyết định sự tồn tại, hòa nhập và phát triển con người của mình trở thành người và hạnh phúc hơn trong xã hội. Việc học tập chắc chắn sẽ mở ra cho ta nhiều cánh cửa, nhiều cơ hội và nhiều con đường để đi tới thành công. Cha nghĩ rằng đó cũng là lý do mà từ xa xưa ông bà ta đã nói: “Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người.

Thế nhưng, là một Kitô hữu trong xã hội hôm nay, việc học của các con không chỉ dừng lại ở việc trang bị những kiến thức hay kỹ năng, mà nó còn phải đạt được những mục tiêu cao hơn nữa. Đó là lòng đạo đức phục vụ, phục vụ Chúa và Giáo hội của Người, phục vụ anh chị em xung quanh tùy theo khả năng của mình, không phân biệt người đó là ai và như thế nào. Như vậy, để là một Kitô hữu tốt, song song với việc trau dồi kiến thức, các con phải học thêm nữa về lòng đạo đức phục vụ. Quyển sách nào chứa đựng kho tàng quý giá này? Chúa Giêsu và những lời dạy của Người trong Phúc âm, chính là điều cha muốn giới thiệu cho các con tiếp sau đây.

3. Học nơi Chúa Giêsu

Hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhượng” (Mt 11, 29). Hôm nay, với một gợi ý thật nhỏ, cha muốn các con hãy học với Thầy Giêsu chí thánh về Đức Vâng Lời. Đó là một đức tính phải có trong cuộc sống làm người. Chúa Giêsu, theo suy tư của tác giả thư gửi tín hữu Do Thái, cho thấy rằng: trước hết và trên hết, Người vâng lời Chúa Cha trong mọi sự (x.Dt 10, 7). Khởi đi từ Mầu nhiệm Nhập Thể cho đến kết thúc Mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giêsu không ngừng dùng chính đời sống mình để tỏ cho chúng ta biết điều quan trọng nhất đối với Người là thi hành ý muốn của Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Cha Thầy” (Ga 4, 34). Đức vâng lời ấy được chiếu tỏa và cụ thể hóa cách gần gũi hơn trong đời sống hàng ngày của Người. Với gia đình: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51). Với những mối tương quan khác: Người càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (x. Lc 2, 52).

Các con hãy biết cho rằng: tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa (x.Hc 1, 1). Vậy, trong lúc chăm chỉ học hành thu thập kiến thức, các con cũng phải siêng năng và kiên trì học lấy sự vâng lời của Chúa Giêsu. Sự vâng lời ấy phải được nhận thức và thể hiện cách phong phú trong các mối tương quan hàng ngày của các con. Với Chúa, hãy tuân giữ các giới răn của Người. Với cha mẹ, hãy sống là người con ngoan. Với thầy cô, hãy chứng tỏ mình là những học trò hiền. Với bạn bè, hãy là một Kitô hữu tốt lành. Cha tin rằng các con sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời các con.

4. Thay lời kết

“Đức Maria là người Mẹ chăm sóc chúng ta là những người con của Mẹ”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tin tưởng nói với các con như thế trong Tông huấn Christus Vivit số 48. Trong niềm xác tín này, cha phó dâng tất cả các con cho sự che chở từ ái của Đức Maria khi bước vào năm học mới, một năm học được bắt đầu trong sự âu lo trước sự tái phát của đại dịch Covid -19. Cha thân ái cầu chúc các con một năm học mới an bình, vui tươi, tràn đầy hồng ân Chúa và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.

Thân ái trong Chúa Kitô.

Vĩnh Long, ngày 31 tháng 8 năm 2020.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

Để lại một bình luận