Ủy ban Phụng tự: Bản văn Thánh lễ và Bài đọc lễ nhớ Thánh Faustina Kowalska

968 lượt xem

Ủy ban Phụng tự: Bản văn Thánh lễ và Bài đọc lễ nhớ Thánh Faustina Kowalska
Ủy ban Phụng tự – HĐGM VN 

Ngày 18 tháng 05 năm 2020, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích phổ biến sắc lệnh thiết lập Lễ thánh Faustina Kowalska, Trinh nữ, bậc lễ nhớ tùy chọn và ghi vào Lịch chung của Hội Thánh Rôma. Ủy ban Phụng tự – HĐGM VN trân trọng phổ biến bản dịch của sắc lệnh này cùng bản văn phụng tự đính kèm để ghi vào lịch những ngày lễ Công giáo và cử hành phụng vụ.

BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH
Prot. N. 229/20
SẮC LỆNH
VỀ VIỆC GHI VÀO LỊCH CHUNG CỦA HỘI THÁNH RÔMA
LỄ THÁNH FAUSTINA KOWALSKA, TRINH NỮ

“Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia, dành cho những ai kính sợ Chúa” (Lc 1, 50). Lời Đức Maria đã cất lên trong bài ca Magnificat khi chiêm ngưỡng công trình cứu độ Thiên Chúa dành cho các thế hệ loài người, đã vang vọng lại trong những lần thánh Faustina Kowalska, vị nữ tu được đặc ân gặp gỡ và nhìn thấy nơi Đức Giêsu Kitô dung mạo đầy lòng thương xót của Chúa Cha và từ đó đã trở nên sứ giả của Lòng Thương Xót.

Thánh nữ sinh năm 1905 tại làng Głogowiec, gần Łódź, Ba Lan, và qua đời năm 1938 tại Cracovia; thánh nữ đã trải qua cuộc sống ngắn ngủi giữa những nữ tu Dòng Chị Em Đức Mẹ Sầu Bi, đã sốt sắng thánh hoá bản thân trong ơn gọi, nỗ lực vun đắp đời sống thiêng liêng, lãnh nhận dồi dào ơn thánh và trung thành sống theo các ân huệ Chúa ban. Tâm hồn nữ tu Faustina đã trở nên cung thánh làm nơi gặp gỡ Chúa Kitô, trong quyển Nhật ký, chị ghi lại những điều Chúa làm nơi chị để mang lại ơn phúc cho mọi người: khi lắng nghe Chúa là Tình Yêu và Lòng Thương Xót, chị hiểu rằng lòng thương xót nơi trái tim Chúa Kitô lớn hơn bất kỳ nỗi khốn cùng nào của con người. Từ đó, chị trở nên người khởi xướng phong trào loan truyền và khẩn cầu Lòng Chúa Thương Xót trên toàn thế giới. Được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh vào năm 2000, thánh Faustina đã nhanh chóng được cả thế giới biết đến, đồng thời cũng thúc đẩy mọi thành phần Dân Chúa, mục tử cũng như giáo dân, sốt sắng khẩn cầu và làm chứng cho Lòng Chúa Thương Xót qua chính cách sống của người tín hữu.

Vì thế, tiếp nhận lời thỉnh cầu và nguyện vọng của các mục tử, tu sĩ nam nữ và các đoàn thể tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định, xét vì tầm mức ảnh hưởng của linh đạo thánh Faustina tại nhiều nơi trên thế giới, từ nay tên thánh nữ Maria Faustina (Helena) Kowalska, trinh nữ, được ghi vào Lịch chung của Hội Thánh Rôma và lễ nhớ tuỳ chọn sẽ được cử hành vào ngày 5 tháng 10.

Lễ mới này được đưa vào Lịch và các sách phụng vụ để cử hành Thánh Lễ và Phụng vụ Giờ Kinh, bản văn phụng vụ đính kèm sắc lệnh này phải được các Hội đồng Giám mục chuyển ngữ, phê chuẩn, và sẽ phổ biến sau khi được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích xác nhận.

Những điều trái nghịch sẽ không có hiệu lực.

Ban hành từ trụ sở Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích, ngày 18 tháng 5 năm 2020.

Hồng y Robert SARAH
Bộ trưởng

Tổng Giám mục Arthur ROCHE
Thư ký

Ngày 5 tháng 10
THÁNH FAUSTINA KOWALSKA, TRINH NỮ

THÁNH LỄ
Lễ chung các Thánh trinh nữ hoặc lễ chung các Thánh tu sĩ

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã trao cho thánh nữ Faustina
sứ mạng truyền bá lòng thương xót vô biên vô tận của Chúa,
nhờ gương sáng và lời thánh nữ chuyển cầu,
xin cho chúng con
biết trọn niềm tín thác vào lòng Chúa từ bi nhân hậu,
và quảng đại thể hiện tình bác ái yêu thương mọi người.
Chúng con cầu xin
nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con,
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
xem trong phần Lễ chung 

Bài đọc 1: Ep 3, 14-19 
Thánh vịnh đáp ca: Tv 102 (103), 1-2. 3-4. 8-9. 13-14. 17-18a 
Alleluia: Mt 11, 28
Tin Mừng: Mt 11, 25-30

PHỤNG VỤ GIỜ KINH
Thánh nữ Faustina sinh năm 1905 tại Głogowiec, Ba Lan, đã trải qua cuộc sống ngắn ngủi trong Dòng Chị Em Đức Mẹ Từ Bi. Trong quyển Nhật ký tâm hồn, Thánh nữ ghi lại chứng từ của cuộc gặp gỡ thần bí và đã nhận được lời mời gọi loan báo lòng Chúa Thương Xót, Thánh nữ đã khơi dậy phong trào loan truyền và cầu khẩn lòng Chúa Thương xót trên toàn thế giới. Thánh nữ qua đời năm 1938. 

Bài đọc 2
Trích bài giảng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
(Acta Apostolicæ Sedis 92 [2000] 671-672)
Loan báo lòng Thương xót của Chúa Kitô
Hôm nay cha rất vui khi trình bày cùng toàn thể Hội Thánh cuộc đời và chứng từ của thánh Faustina Kowalska như một ân huệ Thiên Chúa ban cho thời đại ngày nay. Chúa Quan phòng đã muốn cuộc đời người con bé nhỏ của đất nước Ba Lan hoàn toàn gắn liền với lịch sử của thế kỷ XX mới vừa kết thúc. Thật vậy, chính trong thời gian giữa hai trận thế chiến, Đức Kitô đã trao cho thánh nữ sứ điệp của Lòng Thương Xót. Những người còn nhớ được, những người đã chứng kiến hay tham gia những biến cố trong thời gian ấy, đã thấy những hệ luỵ đau thương khủng khiếp nơi hàng triệu con người, chắc chắn nhận ra được sứ điệp của Lòng Thương Xót cần thiết đến mức nào.

Chúa Giêsu nói với chị Faustina: “Nhân loại chỉ hưởng được hoà bình khi biết đặt niềm tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót” (Nhật ký, trg 132). Qua người nữ tu Ba Lan này, sứ điệp của Lòng Thương Xót đã luôn mãi gắn liền với thế kỷ XX, thế kỷ kết thúc thập kỷ thứ hai và mở đường cho thiên niên kỷ thứ ba. Đây không phải là một sứ điệp mới, nhưng chúng ta có thể xem đó như một ơn soi sáng đặc biệt, giúp chúng ta sống Tin Mừng Phục Sinh cách sâu xa hơn, để mang ánh sáng Tin Mừng đến cho con người ngày nay.

Những năm tháng sắp tới sẽ mang đến cho chúng những gì? Tương lai nhân loại trên thế giới này sẽ ra sao? Chúng ta không biết được. Nhưng chắc chắn là bên cạnh những phát triển mới, vẫn còn đó những hoàn cảnh đau thương. Tuy nhiên, ánh sáng của Lòng Thương Xót mà Thiên Chúa muốn trao ban cho thế giới qua đặc sủng nơi thánh Faustina, sẽ chiếu soi lối đường cho nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba này.

Như các Tông đồ ngày xưa, con người ngày nay cũng cần tiếp nhận Chúa Kitô Phục sinh trong căn phòng tiệc ly của lịch sử, Người sẽ cho thấy những vết thương của cuộc Khổ nạn và nói: “Bình an cho các con”. Nhân loại cần đón nhận và được tràn đầy Thánh Thần do Chúa Kitô Phục sinh trao ban. Chính Thánh Thần chữa lành những thương tích trong trái tim con người, dẹp bỏ những rào cản ngăn cách chúng ta với Chúa và với nhau, tác động để chúng ta có thể tận hưởng niềm vui của tình yêu Chúa Cha cũng như của tình hợp nhất huynh đệ.

Chúa Kitô đã cho chúng ta biết “con người không chỉ đón nhận và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa”, nhưng còn được mời gọi “tỏ lòng thương xót” đối với tha nhân: Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương (Mt 5, 7)” (Dives in misericordia, 14). Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta nhiều cách thức để thể hiện lòng thương xót, không chỉ để được thứ tha tội lỗi, nhưng còn để đáp ứng tất cả các nhu cầu của con người. Chúa Giêsu đã cúi xuống trên mọi nỗi khốn cùng của nhân loại, về vật chất cũng như tinh thần.

Sứ điệp của Chúa Kitô về Lòng Thương Xót vẫn không ngừng được gửi đến chúng ta qua đôi tay Người hướng về nhân loại đang còn nhiều đau khổ. Đó chính là hình ảnh của Chúa Kitô mà thánh Faustina đã nhìn thấy và loan truyền cho mọi người trên khắp năm châu; trong cuộc sống thầm lặng nơi đan viện Lagiewniki ở Cracovia, thánh nữ đã biến cả đời mình nên lời tôn vinh lòng Chúa thương xót: “Con sẽ ca ngợi lòng từ bi Chúa đến muôn đời” (Tv 89 (88), 2). 

Xướng Đáp
Tv 89 (88), 2; 102 (103), 8 

X. Con sẽ ca ngợi lòng từ bi Chúa đến muôn đời,

* qua muôn thế hệ, miệng con sẽ loan truyền đức thành tín của Ngài. 

Đ. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, luôn nhẫn nhịn và giàu lòng xót thương,

* qua muôn thế hệ, miệng con sẽ loan truyền đức thành tín của Ngài.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận