Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng: Tài liệu hướng dẫn các bước cần thực hiện để hướng tới tháng 10/2024

1483 lượt xem

Ngày 12.12.2023, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đã ra một thông cáo báo chí, một tài liệu và một phiếu làm việc để hướng dẫn các bước mà các Giáo hội địa phương cần thực hiện trong thời gian từ nay đến Khoá họp thứ hai của Đại hội Thượng hội đồng (tháng 10/2024). Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Nữ tu Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm, về các tài liệu này.

* * *

THÔNG CÁO BÁO CHÍ, NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 2023
Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng

Làm thế nào để trở thành một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ?

Hướng dẫn việc chuẩn bị hướng tới Đại hội năm 2024

Vào cuối cuộc họp vào ngày 05/12, các thành viên Hội đồng thường trực của Văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục đã thông qua một Tài liệu về hoạt động mà Giáo hội Công giáo sẽ tham gia cho đến khi tiến hành Khoá họp thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI (tháng 10/2024).

Đây là những hướng dẫn với một lộ trình cụ thể, trong đó việc đào sâu tính hiệp hành từ góc độ sứ vụ và mở rộng trải nghiệm về tính hiệp hành ở cấp địa phương là những nền tảng mà các cộng đoàn địa phương được mời gọi suy tư, bắt đầu với Bản Báo cáo Tổng hợp được thông qua vào cuối Khoá họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng thường lệ lần thứ XVI vào ngày 28/10. Như Đức Thánh Cha đã nhắc lại khi phê chuẩn những đường hướng làm việc này, “Thượng hội đồng là về tính hiệp hành chứ không phải về chủ đề này hay chủ đề khác…. Điều quan trọng là cách thức thực hiện việc suy tư, nghĩa là, theo cách thức hiệp hành”.

Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng khẳng định: “Dựa trên trải nghiệm của Đại hội tháng 10 vừa qua, và đặc biệt là dựa trên Bản Báo cáo Tổng hợp mà các thành viên đã thông qua, Hội đồng thường trực quyết định đi theo một lộ trình thống nhất nhưng khác biệt dựa trên năng lực và tính khả thi thực tế của từng giáo hội địa phương. Đức Hồng y nói thêm: “Đây đã là một cách làm việc mang tính hiệp hành trong Giáo hội, nơi mỗi người cộng tác vì lợi ích của mọi người theo ơn gọi riêng của mình”.

Trên thực tế, để ghi nhớ hai chủ đề hoặc hướng dẫn chính này, các giáo phận được yêu cầu:

1) Liên quan đến việc đào sâu: thúc đẩy suy tư tập trung vào chủ đề đồng trách nhiệm khác biệt trong sứ vụ của mọi thành phần Dân Chúa (x. Bản Báo cáo Tổng hợp, các chương 8-12, 16 và 18). Các Giáo hội địa phương được yêu cầu thực hiện một cuộc thỉnh vấn mới, với sự tham gia của những người và các nhóm (như linh mục giáo xứ, các cơ quan tham gia, các nhóm hiệp hành, v.v…) thể hiện nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, đặc sủng, và tác vụ khác nhau trong Dân Chúa, và quan điểm của họ đặc biệt giúp ích trong việc tập trung vào việc “làm thế nào” để phát triển như một Giáo hội hiệp hành. Theo nghĩa này, sự tham gia của các chuyên gia và các viện học thuật có mặt trong lĩnh vực này dường như rất cần thiết, nhờ đó có sự đóng góp về chuyên môn thần học và giáo luật, cũng như về các ngành khoa học nhân văn và xã hội liên quan;

2) Liên quan đến việc mở rộng trải nghiệm về tính hiệp hành: tiếp tục hoặc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển như một giáo hội hiệp hành trong sứ vụ, với những kinh nghiệm đào tạo và lắng nghe cũng bao gồm cả những người cho đến nay chưa được tiếp xúc với tiến trình này, các nhóm sống trong điều kiện nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội cũng như các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau và những người thuộc các tôn giáo khác; thu thập và chuyển giao những chứng từ cũng như những thực hành tốt nhất để gửi đến Văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng qua các Hội đồng Giám mục hoặc Cơ cấu phẩm trật Đông phương.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các cộng đoàn địa phương, Văn phòng Tổng Thư ký đã chuẩn bị phiếu làm việc khả thi nhằm hỗ trợ công việc tiếp nhận những thành quả của Thượng Hội đồng tháng 10 và tiếp tục hành trình hoán cải mang tính hiệp hành trong các Giáo hội địa phương. Phiếu làm việc có sẵn trên synod.va.

Các Hội đồng Giám mục và Cơ cấu phẩm trật Đông phương được yêu cầu đồng hành với công việc của các Giáo hội địa phương bằng cách cung cấp cho họ những chỉ dẫn về phương thức và thời gian nghiên cứu và làm việc chuyên sâu; đồng thời thúc đẩy suy tư của họ về tinh thần đồng trách nhiệm khác nhau liên quan đến sứ vụ, đặc biệt ở cấp các nhóm Giáo hội (khu vực, quốc gia, quốc tế) và trong mối tương quan giữa các Giáo hội và Giám mục Rôma; soạn thảo bản tổng hợp những đóng góp của nghiên cứu chuyên sâu nhận được từ các Giáo hội địa phương và/hoặc được thực hiện ở cấp quốc gia, đồng thời gửi chúng, cùng với những thực hành tốt được các Giáo hội địa phương thu thập, tới Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng trước ngày 15/05/2024.

Đồng thời, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng sẽ thúc đẩy và điều phối việc suy tư về một số chủ đề “quan trọng” trong Bản Báo cáo Tổng hợp cần được xử lý ở cấp toàn Giáo hội và phối hợp với các Bộ của Giáo triều Rôma. Theo cách thức phù hợp với các Đại hội Thượng Hội đồng, một danh sách các chủ đề sẽ được đệ trình lên Đức Thánh Cha. Các nhóm chuyên gia từ tất cả các châu lục, với sự tham gia của các Bộ liên quan của Giáo triều Rôma, sẽ được kêu gọi làm việc theo phương thức hiệp hành về các chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chỉ ra. Một bản báo cáo về tiến độ công việc này sẽ được trình bày tại Khoá họp thứ hai vào tháng 10/2024.

Trong tất cả công việc này, các thành viên và mọi tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI, do Đức Thánh Cha chỉ định, sẽ có nhiệm vụ quan trọng là trở thành những đại sứ của lộ trình đã được thực hiện và họ được mời gọi trở thành điểm tham chiếu cụ thể cho những thực tại mang tính giáo hội của riêng mỗi người.

Chuyển ngữ từ: www.synod.va

* * *

TÀI LIỆU
HƯỚNG TỚI THÁNG 10/2024

Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng
Đại hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục

Dưới đây là những hướng dẫn được Hội đồng thường trực của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng chuẩn bị và thông qua, về những bước cần thực hiện trong thời gian từ nay đến Khoá họp thứ hai của Đại hội Thượng hội đồng (tháng 10/2024), nhằm giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình do Đức Thánh Cha khởi xướng vào ngày 09.10.2021: Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, và sứ vụ.

Tiến trình tổng thể của Thượng Hội đồng 2021-2024 chính là nguồn cảm hứng để tiếp tục cuộc hành trình. Những người đã tham gia các cuộc họp Thượng Hội đồng ở các cấp khác nhau trong giai đoạn lắng nghe và thỉnh vấn, và đặc biệt là các tham dự viên Khoá họp thứ nhất, đã có trải nghiệm cụ thể về một Giáo hội khám phá ra mình có tính đa nguyên và có thể trải nghiệm những khác biệt như một sự hiệp thông phong phú. Trải nghiệm này là một lời ngôn sứ gửi đến một thế giới khó tin rằng hòa bình và hòa hợp là điều có thể thực hiện được. Chúng ta được Đấng Phục Sinh kêu gọi và sai đi loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Việc phát triển như một Giáo hội hiệp hành là một cách cụ thể để đáp lại lời kêu gọi và sứ vụ này.

Chứng từ của các tham dự viên Đại hội thật quý giá. Câu chuyện của họ có thể truyền tải sự phong phú của một kinh nghiệm mà không văn bản nào có thể cô đọng được và tạo thành một phần không thể tách rời của hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận. Cuộc gặp gỡ hiệp hành giữa các anh chị em nhận ra nhau như những môn đệ được Chúa kêu gọi và sai đi là một ân sủng và nguồn vui. Từ trải nghiệm này nảy sinh ước muốn chia sẻ những ân ban, thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào sự năng động này.

Ngoài câu chuyện của các tham dự viên, thành quả của Khoá họp thứ nhất được thu thập trong Bản Báo cáo Tổng hợp, được phê duyệt khi kết thúc Đại hội và có sẵn bằng nhiều ngôn ngữ trên trang web Thượng Hội đồng 2021-2024 (www.synod.va, tiếng Việt tại hdgmvietnam.com). Tài liệu này là điểm tham chiếu cho hành trình của Dân Chúa trong thời gian giữa hai Khoá họp. Đặc biệt, tiến trình hiệp hành sẽ tiếp tục theo những hướng được trình bày dưới đây; chúng đan xen ba cấp độ mà chúng ta đã làm việc liên tục cho đến nay: cấp của mỗi Giáo hội địa phương, cấp của các nhóm Giáo hội (quốc gia, khu vực và châu lục), và cấp của toàn thể Giáo hội. Như Đức Thánh Cha đã nhắc lại khi phê chuẩn những đường hướng làm việc này, “Thượng hội đồng là về tính hiệp hành chứ không phải về chủ đề này hay chủ đề khác…. Điều quan trọng là cách thức thực hiện việc suy tư, nghĩa là, theo cách thức hiệp hành”.

Theo đường hướng này, tiến trình đã được thực hiện cho đến nay, và cũng chính đường hướng này mà chúng ta được kêu gọi phát triển công việc của Khoá họp thứ nhất, trong đó Đại hội đề cập đến những vấn đề có tầm quan trọng lớn theo cách thức hiệp hành, ghi nhận những điểm hội tụ, chỉ ra những vấn đề cần thảo luận và đưa ra các đề xuất. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, một số vấn đề trong đó cần được xem xét ở cấp toàn thể Giáo hội và phối hợp với các Bộ của Giáo triều Rôma. Ví dụ, những vấn đề này bao gồm nghiên cứu sơ bộ về việc cập nhật Bộ Giáo luật Công giáo Rôma và Bộ Giáo luật Công giáo Đông Phương (Bản Báo cáo Tổng hợp, chương 1.r), về Tỷ lệ cơ bản về việc đào tạo các thừa tác viên chức thánh (chương 11, j) của tài liệu Mutuae Relationes (chương 10, g); hoặc đào sâu nghiên cứu thần học và mục vụ về chức phó tế, và đặc biệt hơn, về khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ (chương 9, n), v.v. Một danh sách các chủ đề này sẽ được đệ trình lên Đức Thánh Cha như là thành quả của Đại hội Thượng Hội đồng. Các nhóm chuyên gia từ tất cả các châu lục cùng với các Bộ liên quan của Giáo triều Rôma và được Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng điều phối sẽ được yêu cầu làm việc theo cách thức hiệp hành về các chủ đề do Đức Thánh Cha chỉ ra. Bản báo cáo về tiến độ công việc này sẽ được trình bày tại Khoá họp thứ hai vào tháng 10/2024.

1. Câu hỏi hướng dẫn để đào sâusuy tư

Các Giáo hội địa phương và các nhóm Giáo hội trước hết được mời gọi góp phần bằng việc đào sâu một số khía cạnh của Bản Báo cáo Tổng hợp vốn là nền tảng cho chủ đề của Thượng Hội đồng. Những đóng góp này được hướng dẫn bởi câu hỏi:

“LÀM THẾ NÀO để trở thành một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ?”

Mục tiêu của những suy tư mới này là xác định những lộ trình chúng ta phải theo và những công cụ có thể áp dụng trong những bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau nhằm nâng cao sự đóng góp độc đáo của mỗi người đã lãnh Phép Rửa và của mỗi Giáo hội trong sứ mạng duy nhất là loan báo Chúa Phục Sinh và Tin Mừng của Người cho thế giới ngày nay. Do đó, vấn đề không phải là giới hạn bản thân vào một kế hoạch cải tiến mang tính kỹ thuật hoặc thủ tục hầu làm cho cơ cấu của Giáo hội trở nên hiệu quả hơn, mà là một lời mời suy tư về những hình thức cụ thể của sự dấn thân truyền giáo mà chúng ta được mời gọi thực hiện, trong tính năng động giữa sự hiệp nhất và đa dạng đặc trưng của một Giáo hội hiệp hành.

Về vấn đề này, sẽ rất hữu ích nếu đọc lại Tông huấn Evangelii Gaudium số 27: “Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Giáo hội có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Giáo hội. Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra và nhờ đó kích thích một đáp ứng tích cực từ tất cả những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài. Như Đức Gioan Phaolô II có lần nói với các Giám Mục vùng Châu Đại Dương: “Mọi sự canh tân của Giáo hội phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Giáo hội quy vào chính mình”. Do đó, chân trời mà việc nghiên cứu chuyên sâu được xác định trong câu hỏi hướng dẫn là một cuộc cải cách được sinh động bởi động lực hướng tới sứ mạng mà Đức Kitô đã ủy thác cho chúng ta. Trong đó, chúng ta được nâng đỡ bởi sự hoán cải mục vụ mà Thánh Thần, Đấng theo lời hứa của Chúa, không bao giờ để chúng ta cô đơn, nhưng mời gọi chúng ta hoàn thành và biến điều đó thành hiện thực.

1.1 Hai cấp độ đào sâu

Câu hỏi hướng dẫn cần được thể hiện ở hai cấp độ, luôn lấy Bản Báo cáo Tổng hợp làm điểm tham chiếu.

  1. a)Ở cấp mỗi Giáo hội địa phương:LÀM THẾ NÀO để nâng cao tinh thần đồng trách nhiệm khác nhau trong sứ mạng của mọi thành viên thuộc Dân Chúa? Những phương thức liên kết, cơ cấu, tiến trình phân định và đưa ra quyết định nào liên quan đến sứ vụ giúp chúng ta có thể nhận ra, định hình, và cổ vũ tinh thần đồng trách nhiệm? Những tác vụ và cơ quan tham gia nào có thể được đổi mới hoặc giới thiệu để thể hiện tốt hơn tinh thần đồng trách nhiệm này? Trong Bản Báo cáo Tổng hợp, có thể tham khảo cụ thể hơn về các Chương 8-12, 16 và 18.
  2. b)Ở bìnhdiện mối liên hệ giữa các Giáo hội, giữa các nhóm Giáo hội ở các cấp khác nhau và với Giám mục Rôma: “LÀM THẾ NÀO để những mối liên hệ này có thể được trình bày một cách sáng tạo nhằm tìm ra “sự cân bằng năng động giữa chiều kích của Giáo hội như một tổng thể và cội nguồn địa phương của nó” (Bản Báo cáo Tổng hợp chương 5, g)? Tại đây, trước hết có thể tham khảo các Chương 13, 19 và 20 của Bản Báo cáo Tổng hợp.

1.2 Một số gợi ý trong việc tổ chức công việc

Khởi đi từ câu hỏi hướng dẫn và hai cấp độ nêu trên, mỗi Giáo hội địa phương được mời thực hiện một cuộc thỉnh vấn sâu hơn, tự xác định các phương thức tốt nhất dựa trên những gì có thể thực hiện được trong thời gian sẵn có. Bước đầu tiên sẽ bao gồm việc lựa chọn quan điểm để tiếp cận câu hỏi hướng dẫn, suy tư về các chương liên quan của Bản Báo cáo Tổng hợp. Trên thực tế, sẽ không thể xem xét hết tất cả các hàm ý. Do đó, mỗi Giáo hội địa phương được mời tập trung vào những khía cạnh mà Giáo hội tin rằng mình có thể đóng góp dựa trên những hoàn cảnh đặc thù và kinh nghiệm riêng của mình, chia sẻ những thực hành tốt tiêu biểu cho những dấu chỉ hữu hình và cụ thể của tính hiệp hành. Dựa trên những gì đã được quyết định, mỗi Giáo phận (thuộc Giáo hội Công giáo Roma hoặc thuộc Giáo hội Công giáo Đông Phương) sẽ gửi thành quả của việc thỉnh vấn thêm này cho Hội đồng Giám mục hoặc Cơ cấu phẩm trật Đông phương mà mình trực thuộc, theo thời gian và cách thức mà mỗi Hội đồng Giám mục hoặc Cơ cấu phẩm trật Đông phương đã chỉ ra.

Nói rõ hơn, công việc này không phải là bắt đầu lại tiến trình hiệp hành từ đầu hay lặp lại tiến trình lắng nghe và thỉnh vấn vốn đã được thực hiện trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn này, ngoài các cơ quan tham gia ở cấp giáo phận và nhóm hiệp hành đã được thành lập, điều quan trọng là phải có sự tham gia của những người và nhóm thể hiện nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, đặc sủng, mục vụ khác nhau trong Dân Chúa và quan điểm của họ đặc biệt giúp ích trong việc tập trung vào “làm thế nào”: ví dụ: các thừa tác viên giáo sĩ (đặc biệt là các linh mục giáo xứ); những người lãnh đạo mục vụ khác (ví dụ: các giáo lý viên và lãnh đạo các cộng đoàn cơ sở và các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, đặc biệt ở một số vùng; lãnh đạo các văn phòng mục vụ); những người nam nữ thánh hiến; lãnh đạo các Hiệp hội Giáo dân, các Phong trào Giáo hội và các Cộng đoàn mới; những người giữ chức vụ có trách nhiệm trong các cơ quan và tổ chức liên quan đến Giáo hội (trường học, đại học, bệnh viện, trung tâm tiếp nhận, trung tâm văn hóa, v.v…); các nhà thần học và giáo luật, v.v…

Các Hội đồng Giám mục và Cơ cấu phẩm trật Đông phương là điểm tham chiếu cho phần này của tiến trình và được mời điều phối việc thu thập các đóng góp từ các giáo phận, đề ra các phương pháp và lịch trình. Họ cũng được mời tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu dựa trên cùng một câu hỏi hướng dẫn ở cấp của họ và ở cấp châu lục, theo những gì được coi là phù hợp và khả thi.

Cả ở cấp địa phương lẫn cấp các nhóm Giáo hội, triển vọng có được một sự phân định hiệp hành đích thực cũng đòi hỏi sự đóng góp của chuyên gia về thần học và giáo luật, cũng như của khoa học nhân văn và xã hội, bao gồm sự tham gia của các chuyên gia trong các ngành này và các viện học thuật trong khu vực.

Sau khi thu thập sự đóng góp của các Giáo phận, các Hội đồng Giám mục và Cơ cấu phẩm trật Đông phương, cũng như các Giáo phận không trực thuộc bất kỳ Hội đồng Giám mục nào, có nhiệm vụ soạn thảo một bản tóm tắt dài tối đa 8 trang, để gửi đến Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng trước ngày 15/05/2024. Trên cơ sở tài liệu đã thu thập được, sẽ tiến hành việc soạn thảo Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) của Khoá họp thứ hai.

2. Duy trì tính năng động hiệp hành

Việc duy trì và phục hồi tính năng động hiệp hành có sự tham gia của toàn thể Dân Chúa trong 2 năm qua cũng quan trọng như việc nghiên cứu và thỉnh vấn chuyên sâu được nêu trên đây. Khoá họp thứ nhất chỉ ra ưu tiên “việc mở rộng số lượng người tham gia vào các tiến trình thượng hội đồng, vượt qua những trở ngại đối với sự tham gia đã nảy sinh cho đến nay” (Bản tổng hợp, chương 1, m), cũng chỉ ra những phương thức và nhóm khác nhau cần được quan tâm, bao gồm cả môi trường kỹ thuật số.

Để đạt được mục tiêu này, các Giáo hội địa phương cũng được mời xem qua toàn bộ Bản Báo cáo Tổng hợp và thu thập các yêu cầu phù hợp nhất với hoàn cảnh của họ. Trên cơ sở này, họ sẽ có thể thúc đẩy những sáng kiến thích hợp nhất để thu hút sự tham gia của toàn thể Dân Chúa (các hoạt động đào tạo, đào sâu thần học, cử hành theo phong cách hiệp hành, thỉnh vấn cấp cơ sở, lắng nghe các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm sống trong điều kiện nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội, những không gian để trình bày những vấn đề gây tranh cãi, v.v.), sử dụng các phương pháp đã được thử nghiệm thành công trong giai đoạn đầu, đặc biệt là phương pháp Đối thoại trong Thánh Thần. Các Hội dòng, Tu hội Đời sống Thánh hiến, Hiệp hội Giáo dân, Phong trào Giáo hội và các Cộng đoàn mới cũng được mời gọi làm điều tương tự, góp phần vào công việc của các Giáo phận nơi họ hiện diện. Mục đích là để duy trì tính năng động trong việc lắng nghe và đối thoại với mọi người, đặc biệt với những người vẫn còn ở bên lề đời sống của Giáo hội, giai đoạn đầu tiên của tiến trình hiệp hành đã được phát động và đã mang lại những thành quả đáng kể.

Mỗi Giáo hội địa phương nếu muốn, có thể gửi đến Hội đồng Giám mục hoặc Cơ cấu phẩm trật Đông phương mà mình trực thuộc một chứng từ ngắn gọn về công việc đã thực hiện và trải nghiệm sống động (tối đa 2 trang), chia sẻ bất kỳ thực hành tốt nào được coi là có ý nghĩa đối với sự phát triển tính năng động hiệp hành truyền giáo. Các Hội đồng Giám mục và Cơ cấu phẩm trật Đông phương sẽ có trách nhiệm gửi những tài liệu này đến Văn phòng Tổng Thư ký trước ngày 15/05/2024.

Những đóng góp này sẽ không trực tiếp trở thành chủ đề để Đại hội phân định trong Khoá họp thứ hai, nhưng vẫn sẽ được cung cấp cho các thành viên của Đại hội. Mục đích của những đóng góp này nhằm giúp soạn thảo một khuôn khổ để định vị công việc của Đại hội. Việc chia sẻ những trải nghiệm và những thực hành tốt cũng có thể khơi dậy động lực gặp gỡ và cộng tác giữa các Giáo hội cảm thấy được mời gọi giải quyết những vấn đề tương tự.

3. Những người có trách nhiệm và nhiệm vụ của họ

Đối tượng chính của hành trình giữa hai Khoá họp của Đại hội là mỗi và mọi Giáo hội địa phương. Trong giai đoạn này, mỗi Giám mục Giáo phận đóng một vai trò điều hành không thể thay thế: nhiệm vụ của ngài là mở ra và đồng hành với cuộc thỉnh vấn sâu hơn này trong Giáo phận của mình, và sau đó xác nhận các kết quả.

Để dẫn dắt và khuyến khích tiến trình này, nên tăng cường sự đóng góp của các thành viên Thượng Hội đồng từ mỗi lãnh thổ, cũng như sự đóng góp của các nhóm hiệp hành được thành lập trong giai đoạn trước ở các cấp khác nhau.

Các Hội đồng Giám mục và Cơ cấu phẩm trật Đông phương được yêu cầu tham gia trực tiếp vào công việc đào sâu ở cấp của mình và đóng vai trò điều phối cho các Giáo hội địa phương.

Cụ thể,

1) Liên quan đến việc đào sâu được nêu trong câu hỏi hướng dẫn, các Hội đồng Giám mục và Cơ cấu phẩm trật Đông phương được yêu cầu:

– đồng hành với tiến trình này bằng việc đưa ra những chỉ dẫn cho Giáo hội địa phương về các phương pháp và lịch trình thỉnh vấn;

– cũng tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề hướng dẫn ở cấp các nhóm Giáo hội, theo những phương pháp mà các Hội đồng Giám mục và Cơ cấu phẩm trật Đông phương cho là thích hợp;

– chuẩn bị một bản tóm tắt các đóng góp đã nhận được hoặc đã thực hiện và gửi đến Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng trước ngày 15/05/2024.

2) Liên quan đến cam kết duy trì tính năng động hiệp hành, các Hội đồng Giám mục và Cơ cấu phẩm trật Đông phương được yêu cầu:

– tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến tạo điều kiện cho sự phát triển như một Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ, bao gồm cả các nhóm Giáo hội;

– thu thập những chứng từ và thực hành tốt mà các Giáo phận đã chuẩn bị và gửi tất cả, mà không cần tóm tắt, cho Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng trước ngày 15/05/2024.

Vatican, ngày 11 tháng 12 năm 2023

Chuyển ngữ từ: synod.va (12.12.2023)

* * *

PHIẾU LÀM VIỆC CÓ THỂ ĐƯỢC DÙNG

Phiếu này được cung cấp như một sự hỗ trợ:

1/ để đón nhận thành quả của Thượng Hội đồng tháng 10 ở cấp địa phương

2/ để tiếp tục lộ trình hoán cải mang tính hiệp hành tại các giáo hội địa phương.


Những số trong ngoặc đơn để chỉ các số trong 
Bản Báo cáo Tổng hợp

1. Các bước có thể được thực hiện là để:

1/ Truyền đạt trải nghiệm Đại hội tháng 10 vừa qua

2/ Công bố và thực hiện Bản Báo cáo Tổng hợp

3/ Phổ biến rộng rãi Thư gửi Dân Chúa

– Liệt kê những gì đã thực hiện, những gì cần thực hiện – Chứng từ của những người tham gia

– Thuyết trình

– Các bài viết và phỏng vấn

– Chuyển ngữ và phát hành bản tóm tắt

– Tóm tắt và phiếu làm việc để tổng hợp.

2. Chúng ta có thể làm gì tại địa phương ở cấp giáo xứ, giáo phận, quốc gia và châulục để tiếp tục tìm hiểu về tính hiệp hành?

­– Chọn 3 chủ đề ưu tiên trong số 20 chủ đề của Bản Báo cáo Tổng hợp (ví dụ: 1 chủ đề cho mỗi phần tổng hợp).

– Chọn ra 3 sáng kiến cụ thể để triển khai trong số các đề xuất của Bản Báo cáo Tổng hợp có thể áp dụng ngay ở cấp địa phương (xem danh sách các đề xuất có thể áp dụng vào thực tế).

3. Những đề xuất nào có thể được đưa ra để thử nghiệm một cách cụ thể phương pháp đối thoại hiệp hànhtrong Thánh Thần trong các cuộc họp và Đại hộikhác nhau (tại các giáo xứ, phong trào, cộng đoàn, giáo phận, v.v…), và trong các cơ quan tham gia? (2.j)

– Xác định những cá nhân/tổ chức có kỹ năng hướng dẫn (2.k)

– Huấn luyện cách đối thoại trong Thánh Thần, huấn luyện khả năng lắng nghe và phân định, huấn luyện những người hướng dẫn.

4. Làm thế nào để thu hút tất cả những người đã lãnh Phép Rửatham gia nhiều hơnvào tiến trình hiệp hành (1.m) và làm thế nào để lắng nghe nhiều hơn những người ở vùng ngoại biên (16)?

Những sáng kiến cụ thể nào có thể được thực hiện để lắng nghe và thỉnh vấn người nghèo (4), người di cư (5 và 6), người trẻ và phụ nữ (6)?

Những bước cụ thể nào có thể được áp dụng để lắng nghe các linh mục và mời gọi các ngài tham gia vào trải nghiệm hiệp hành (1.n +11)?

5. Trong số “Các vấn đề cần thảo luận”, hãy chọn 1 hoặc 2 chủ đề cần tìm hiểu liên quan đến nhữngvấn đề địa phương và nhờ một ủy ban gồm các nhà thần học, giáo luật và các nhà lãnh đạo mục vụ soạn thảo chúng.

6Xác định và chia sẻ 2 hoặc 3 nguồn lực và sáng kiến địa phương hoặc các thực hành tốt về tính hiệp hànhmà người khác có thể quan tâm muốn biết và gửi chúng đến ban Thư ký Thượng Hội đồng trên trang web của Vănphòng Tổng Thư ký Thượng hội đồng synodresources.org.

7. Làm thế nào đểcó thể đào sâu định nghĩa và hiểu biết về tính hiệp hànhtrong bối cảnh văn hóa của chúng ta?

– Dùng số 1 của Bản Báo cáo Tổng hợp, “Tính hiệp hành: Trải nghiệm và nhận thức” làm điểm khởi đầu, hãy đào sâu sự hiểu biết về tính hiệp hành từ bối cảnh của chính mình và đề xuất những hình ảnh về tính hiệp hành có thể có ý nghĩa trong văn hóa địa phương.

8. Làm thế nào để triển khaivà đào sâu chiều kích tâmlinh của tính hiệp hành ở cấp địa phương (3k.l.m)?

– Phát triển các đề xuất về những luyện tập tâm linh liên quan đến chủ đề tính hiệp hành.

– Phát triển các phương pháp tiếp cận tính hiệp hành ở những nơi có lòng đạo đức bình dân.

– Khuyến khích mọi người cầu nguyện cho Thượng Hội đồng bằng cách phát triển những đề xuất thiêng liêng, đặc biệt trong Mùa Chay và Mùa Phục sinh.

9. Thu hút các cơ quan tham gia (hội đồng) khác nhau (18) vào việc tiếp nhận Bản Báo cáo Tổng hợpvà đưa ra những nhận định để chuẩn bị cho khoá họp tiếp theo

Đọc lại cách thức mà tính hiệp hành được trải nghiệm một cách cụ thể (đặc biệt là chiều kích tham gia và thẩm quyền) trong các cơ quan này dưới ánh sáng của Bản Báo cáo Tổng hợp (12.k).

10. Với các trung tâm đào tạo và các khoa thần học

– Thực hiện các sáng kiến cụ thể đối với việc đào tạo về tính hiệp hành (14.)

– Tổ chức một cuộc thỉnh vấn những người chịu trách nhiệm đào tạo khởi đầu và thường huấn (14.o)

– Làm việc về những vấn đề cần nghiên cứu và chuẩn bị những đóng góp sẽ được đề xuất cho các Hội đồng Giám mục.

Chuyển ngữ từ: www.synod.va

Nguồn: hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận