5 phút Lời Chúa mỗi ngày – Tháng 3/2020

2265 lượt xem

01/03/20 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – A
Mt 4,1-11

LỜI CHÚA THẮNG CÁM DỖ

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4)

Suy niệm: Thật kỳ lạ, Chúa Giê-su được Chúa Cha tuyên bố là “Con yêu dấu của Ta” thế mà cũng bị quỷ cám dỗ. Điều đó không phải tình cờ mà là có chủ đích: Chính Thần Khí dẫn Ngài vào hoang địa “để chịu quỷ cám dỗ” (x. Mt 4,1). Thậm chí ba cơn cám dỗ Ngài trải qua cũng không khác gì chúng ta: Thứ nhất, cám dỗ về những nhu cầu tự nhiên, cơm ăn áo mặc… Thứ đến, cám dỗ thử thách Thiên Chúa, đòi Ngài can thiệp khi phải đối mặt với đau khổ, khủng hoảng… Thứ ba, cám dỗ ngẫu tượng, muốn có được tiền của, quyền lực với bất cứ giá nào, kể cả quỳ gối bái lạy ma quỷ… Đức Giê-su giống hẳn con người chúng ta, chỉ khác một điều: Ngài chiến thắng cám dỗ, nơi Ngài không có bóng dáng tội lỗi (cf. Dt 4,15). Chúa Giê-su chiến thắng quỷ ma trong bầu khí cầu nguyện và chay tịnh, và Lời Chúa chính là vũ khí vạn năng Ngài dùng để đánh bại mọi cám dỗ của chúng.

Bạn thân mến, hẳn bạn đã không ít lần thảm bại trước mưu kế của “tên cám dỗ”. Bạn nhớ rằng chỉ có thể chiến thắng nhờ kết hợp với Chúa Ki-tô qua việc “cầu nguyện và ăn chay” (Mt 17,21) với vũ khí là Lời Chúa. Ngày 26/01 Chúa Nhật III thường niên vừa qua được ĐTC Phan-xi-cô – qua tông sắc Aperuit Illis (“Ngài đã mở trí cho họ”) – đặt làm Chúa Nhật Lời Chúa, ngày “dành riêng để cử hành, để suy tư và để công bố Lời Chúa” (số 3). Bạn đã cầu nguyện với Lời Chúa để chiến thắng cám dỗ chưa?

Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy ChúaLời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 119,105).


02/03/20 THỨ HAI TUẦN 1 MC
Mt 25,31-46

SỐNG VỚI CHÚA QUA THA NHÂN

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)

Suy niệm: Không ai sống mãi ở đời này, mà sẽ có ngày mọi người đều phải chết. Nhưng đó chưa phải là chấm hết. Bên kia cánh cửa sự chết là cuộc sống đời sau. Vấn đề là mọi người đều phải ra trước toà phán xét của Chúa, và tiêu chuẩn để Chúa thẩm xét công hay tội chính là mỗi người có sống yêu thương đối với anh chị em mình ở đời này hay không. Điều này quan trọng thiết yếu đến độ Chúa coi cách mỗi người đối xử với tha nhân là đối xử với chính Chúa. Ngài đồng hóa với những người nghèo khổ bất hạnh để mỗi người thực thi tình bác ái yêu thương, ủi an, thăm viếng. Vì không ai nói mình yêu mến Chúa mà lại bỏ qua việc thực thi lòng bác ái yêu thương đối với anh chị em mình được.

Mời Bạn: Có thể nhiều lần bạn đã vô cảm hay không quan tâm đến những anh chị em cùng khổ, già nua, bệnh tật, gặp tai ương hoạn nạn… vì sợ liên lụy phiền phức đến mình. Nếu bạn nhận ra họ chính là anh chị em cùng một Cha và là hiện thân của Chúa thì bạn sẽ đối xử với họ cách tốt đẹp hơn. Mùa Chay là thời gian thuận tiện Chúa mời gọi bạn nhìn lại những thiếu sót đối với anh chị em mình, hầu quảng đại cho đi cách vô vị lợi như chính Chúa đã nêu gương.

Sống Lời Chúa: Kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện để có thêm tình yêu và sức mạnh thực thi tình bác ái đối với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra Chúa nơi những người anh chị em bất hạnh, để thực thi tình bác ái yêu thương như chính Chúa đã yêu thương con. Amen.


03/03/20 THỨ BA TUẦN 1 MC
Mt 6,7-15

CHƯỚC CÁM DỖ

“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Mt 6,13)

Suy niệm: Dù muốn dù không con người thường xuyên đối diện với chước cám dỗ. Chước cám dỗ có thể xuất phát từ bên trong như những khuynh hướng, những bản năng hạ đẳng. Chúng thường liên kết với những nhu cầu thiết yếu của con người như ăn uống, tính dục, tình cảm… Chúng tự bản chất không xấu, nhưng có thể làm cho con người ra xấu khi người ta chiều theo nó để tìm khoái lạc thay cho phục vụ sự sống của mình. Chước cám dỗ cũng có thể xuất phát từ bên ngoài như những thế lực thù nghịch với Thiên Chúa gây nên. Chúng luôn luôn rình rập, lôi kéo ta. Những cám dỗ từ bên ngoài này ngày nay tràn lan trong cuộc sống, chúng trà trộn trong những phương tiện và kỹ thuật hiện đại như Internet, điện thoại, tiện nghi vật chất, giải trí… Những cám dỗ này là những bộ mặt của thần dữ hay ma quỷ.

Mời Bạn: Không ai “lấy trứng chọi đá” để cho biết trứng cứng cỡ nào; không ai thò tay vào lửa cho biết tay mình chịu được nóng cỡ nào. Tương tự như vậy, không ai lao mình vào chước cám dỗ để thử cho biết mình cứng cáp, mạnh mẽ cỡ nào. Khôn ngoan là cầu xin cho khỏi sa vào chước cám dỗ thì đồng thời hãy tránh gieo mình vào thử thách! Hãy nhớ đến thân phận yếu hèn của mình.

Sống Lời Chúa: Tạ ơn Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta lời nguyện đẹp lòng Chúa Cha nhất là chính Kinh Lạy Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con cầu nguyện và Chúa cũng muốn chúng con sống điều chúng con cầu xin. Xin Chúa ban thêm cho chúng con lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương luôn ban cho chúng con mọi điều cần thiết trước khi chúng con cầu xin. Amen.


04/03/20 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MC
Lc 11,29-32

DẤU CHỈ THỜI NAY

“Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)

Suy niệm: Câu chuyện “dấu lạ Giô-na” được Phúc âm Lu-ca đặt trong bối cảnh cuộc hành trình của Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để hoàn tất công cuộc cứu độ (Lc 9,51). Dân thành Ni-ni-vê đã nhận ra ông Giô-na như “dấu lạ” bởi vì ngay khi nghe lời rao giảng của Giô-na, thì từ vua quan cho chí thứ dân đều khiêm tốn đón nhận và mở lòng sám hối ăn năn, nhờ đó Thiên Chúa đã tha thứ và rút lại hình phạt. Trái lại, người Do Thái không sẵn lòng lắng nghe lời mời gọi ăn năn sám hối và tin nhận “dấu lạ Giô-na” dù rằng Ngài cho biết “dấu lạ” ấy ứng nghiệm nơi Ngài, “dấu lạ” tiên báo Ngài sẽ chịu khổ nạn và phục sinh để ban ơn cứu độ, và rằng ở đây Ngài “còn hơn Giô-na nữa.

Mời Bạn: “Cơn bão” của dịch viêm phổi vi-rút Covid-19 đã kéo theo biết bao xáo trộn trong đời sống xã hội: số người nhiễm bệnh và tử vong tăng lên từng ngày, việc kinh doanh đình trệ, những thành phố ngày nào sầm uất nay trở nên như thành phố ma; giữa những đau thương ấy lại nổi lên những toan tính trục lợi, những mưu đồ chính trị, những thuyết âm mưu, v.v… Nhưng ngược lại, có biết bao người khác sẵn sàng liều thân cứu chữa, chăm sóc cho các bệnh nhân của nạn dịch. Những sự kiện đó có trở nên “dấu chỉ Giô-na” cho bạn không? Bạn có nhận ra đó là một lời mời gọi hoán cải không?

Sống Lời Chúa: Dâng lời cầu nguyện cùng những hy sinh để cầu cho bệnh dịch sớm chấm dứt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở cho con mắt để con nhận ra sự quan phòng yêu thương của Chúa. Amen.


05/03/20 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MC
Mt 7,7-12

CHỜ ĐẾN BAO GIỜ?

“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12)

Suy niệm: Chắc chắn rằng, trong tương quan giao tế hằng ngày, chẳng ai lại muốn cho người khác xử tệ hay làm cho mình những điều ác hại. Trái lại, ai cũng muốn mình được người khác tôn trọng, được đối xử tốt đẹp. Mặt khác, nếu tôi muốn được những điều tốt đẹp, thì ắt hẳn người khác cũng muốn được như vậy. Do đó, theo lẽ thường, muốn người khác đối xử với mình thế nào thì mình cũng phải đối xử với người khác như thế. Thế nhưng, do tính ích kỷ, hoặc vì tự ái, kiêu căng, người ta thường chờ người khác có “hòn đất ném đi” thì mình mới “hòn chì ném lại”. Hôm nay Chúa muốn chúng ta phải đi bước trước, phải hành động một cách tích cực và vi tha hơn: Muốn người khác làm cho mình những gì thì trước tiên mình hãy làm cho người khác những điều đó.

Mời Bạn: Nếu bạn cứ chờ người khác đối xử tốt với bạn, thì người khác cũng đang chờ lại bạn điều tương tự. Cứ như thế thì sẽ chờ đến bao giờ? Hai người giống như đang đứng bên hai bờ sông để nhìn nhau, để “thăm dò” nhau. Vậy nếu bạn muốn xứng đáng hưởng sự quảng đại của Thiên Chúa để hễ bạn “xin thì sẽ được” thì chính bạn cũng hãy quảng đại với anh chị em mình trước đã. Bạn có dám đi bước trước bằng cách bắc một cây cầu cảm thông để nối liền với người anh em ở bờ bên kia không?

Sống Lời Chúa: Bạn chủ động có một cử chỉ tỏ sự thân thiện (nở một nụ cười, một cái bắt tay ấm áp) với người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con dám can đảm ra khỏi cái tôi ích kỷ của mình để đến với tha nhân trong tinh thần khiêm tốn phục vụ.


06/03/20 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MC
Mt 5,20-26

NÊN THÁNH THIỆN VÌ CHÚA

Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)

Suy niệm: Cũng là yêu thương, cũng là tình bằng hữu, cũng là hiến thân vô vị lợi cho người mình yêu, nói tóm lại, cũng là sống công chính thánh thiện nhưng Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải “công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu” thì mới được. Cũng là Mười Giới Răn trong Cựu Ước nhưng giờ đây phải được hiểu và sống theo tinh thần mới. Không giết người mà thôi thì chưa đủ! “Còn Thầy, Thầy bảo” chỉ giận ghét thôi cũng đã là bắt đầu đi vào con đường sát nhân rồi. Giữ  luật để nên công chính theo tinh thần của Chúa bởi vì Ngài đã dạy chúng ta như thế và vì Ngài cũng đã sống như thế để làm gương cho chúng ta, để cứu thoát chúng ta khỏi vũng lầy của tội lỗi ích kỷ, và để chúng ta thấy rằng sống theo tinh thần siêu nhiên như thế là điều có thể làm được, với ơn Chúa.

Mời Bạn: Là môn đệ của Chúa Ki-tô, chúng ta được mời gọi bước theo Ngài để vượt lên lối sống theo kiểu tự nhiên của thế gian, mà sống như con cái của Thiên Chúa. Luật yêu thương của Chúa là yêu như Chúa yêu, là dám dấn thân phục vụ tha nhân cách vô vị lợi, yêu thương cả kẻ thù, là tha thứ đến vô cùng,

Chia sẻ: “Yêu thương anh em như Thầy yêu thương”, đó là “Điều Răn Mới” của Chúa. Bạn có cảm thấy khó khăn khi thực hành điều răn Chúa đã truyền lại đó không? Bạn có kinh nghiệm gì khi sống điều răn này?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày kiểm điểm xem mình đã sống bác ái cách triệt để như Chúa đã truyền dạy hay chưa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.


07/03/20 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MC
Th. Pe-pê-tu-a và Phê-li-xi-ta, tử đạo
Mt 5,43-48

MỘT BƯỚC NÊN HOÀN THIỆN

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Luật xưa dạy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Mà đâu chỉ có “luật xưa” mới vậy, ngay trong thế giới hiện đại cũng thế. Ai yêu mình thì mình yêu lại. Còn kẻ ghét mình, xử tệ hoặc làm hại mình, mình không trả thù là quá tốt rồi. Vẫn có nhiều người, bề ngoài coi nhau là bạn bè thắm thiết, nhưng khi quyền lợi của mình bị đụng chạm, có khi lại trở thành kẻ thù không đội trời chung. Lẽ thường tình ở đời là thế. Còn Chúa Giê-su lại dạy khác. Không chỉ tha thứ mà còn phải yêu thương, mà yêu thì phải yêu cả kẻ thù; thậm chí còn phải cầu nguyện cho họ nữa. Như thế liệu có khả thi, liệu có công bằng, hợp lý không? Chúa Ki-tô đã chứng thực tính “khả thi và hợp lý” của Thiên Chúa nơi sự “điên rồ” của thập giá: “Trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16). Thiên Chúa đòi chúng ta phải yêu như Chúa đã yêu, nghĩa là yêu đến mức tuyệt đối vì mức độ của yêu thương là yêu không mức độ.

Mời Bạn: Mỗi khi thấy mình giận ghét hoặc không thể tha thứ cho ai, bạn hãy nhớ rằng Chúa đã yêu thương và chịu chết thay cho bạn ngay khi bạn còn là tội nhân, nghĩa là còn là “kẻ thù” của Ngài. Nếu bạn đã tin vào Đức Ki-tô, đã làm dấu thánh giá trên mình thì cũng phải yêu thương và tha thứ cho nhau như Chúa Ki-tô đã yêu và tha thứ cho chúng ta vậy.

Sống Lời Chúa: Nói một lời hoặc làm một việc làm hoà với người đang có mối bất hoà với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con đừng chỉ yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, mà trái lại biết yêu nhau như Chúa đã yêu chúng con.


08/03/20 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – A
Mt 17,1-9

VINH QUANG NỐI KẾT THẬP GIÁ

Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt  trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (Mt 17,2)

Suy niệm: Trên núi cao, ta cảm thấy tâm hồn thư thái, an bình, thanh thoát như chạm đến cõi thần linh. Trong Thánh Kinh, “núi cao” thường được dùng để diễn tả chốn Thiên Chúa ngự trị. Không lạ gì chính trên nơi núi cao, các môn đệ đã ngất ngây khi được thị kiến ánh vinh quang rực rỡ của Thầy mình: Người biến đổi dung nhan chói lọi như mặt trời, y phục lộng lẫy tinh tuyền như ánh sáng. Có thể nói hiển dung là hiển hiện sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Giê-su với Chúa Cha. Trong sự kết hợp ấy, Người bộc lộ căn tính đích thực của mình: là “Con Một Chúa Cha, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Chính trong tư cách ấy, Người vâng phục ý muốn Chúa Cha, tự nguyện đón nhận cái chết thập giá để cứu độ nhân loại. Nhờ đó vinh quang của ngày hiển dung xuyên qua con đường khổ nhục của thập giá và thành toàn trong vinh quang ngày Phục sinh.

Mời Bạn: Việc Chúa hiển dung hôm nay báo trước “Đức Ki-tô sẽ phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Người” (x. Lc 24,26) và cũng nhắc cho chúng ta mạnh dạn đón lấy thập giá hôm nay để bước vào vinh quang mai ngày với Ngài. Bạn sẵn sàng “vác thập giá mình hằng ngày” (Lc 9,23) mà đi theo Chúa chứ?

Sống Lời Chúa: Bạn đón nhận khó khăn, thách đố thường nhật như thánh giá giúp bạn nên thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã vâng phục Chúa Cha, tự nguyện chịu chết cho chúng con. Xin ban ơn giúp sức để chúng con vui lòng vác thập giá mình hằng ngày theo Chúa.


09/03/20 THỨ HAI TUẦN 2 MC
Th. Phan-xi-cô Rô-ma-na, nữ tu
Lc 6,36-38

CẦN CÓ TẤM LÒNG

Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: Bài ca “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những lời thật thấm thía. Cố nhạc sĩ mong muốn mỗi người “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” chẳng để làm gì cả mà chỉ “để gió cuốn đi.” Thật vậy, cuộc sống có thể thiếu nhiều thứ, nhưng không thể thiếu “tấm lòng” mặc dù “tấm lòng” đó thật mỏng manh, dễ dàng bị “cuốn theo chiều gió”. Chúa Giê-su đòi các môn đệ phải có không chỉ “một tấm lòng” mỏng manh trước gió như thế, mà phải tấm lòng phúc hậu nhân từ đến mức tối đa, “như Cha anh em trên trời là Đấng nhân từ,” một tấm lòng nhân từ luôn luôn tha thứ và không hề xét đoán, một tấm lòng “chậm giận và giàu lòng thương xót” (Tv 103,8; 145,8).

Mời Bạn: Nếu tâm hồn chúng ta chứa đầy lòng nhân từ của Chúa và cư xử với tha nhân bằng lòng nhân từ ấy, thì chắc chắn chúng ta không chỉ đem lại cho tha nhân những điều tốt đẹp, niềm vui và hạnh phúc, mà chính tâm hồn chúng ta lại thêm phong phú dồi dào bằng tình yêu Chúa vì Ngài nói: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Hãy nuôi dưỡng lòng mình bằng Lời của Chúa, để lòng mình được biến đổi và mặc lấy tấm lòng nhân từ thương xót của Trái Tim Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày hãy suy gẫm một câu Lời Chúa và đem ra thực hành nơi những người thân cận với bạn.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.” (Tv 51,12-13)


10/03/20 THỨ BA TUẦN 2 MC
Mt 23,1-12

ĐẠO VÀ ĐỨC

“Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráb-bi’.” (Mt 23,4-7)

Suy niệm: Đạo rất hay, nhưng cách hành đạo vị tất lúc nào cũng hay. Ngôn sứ Ma-la-khi cảnh tỉnh các cách giữ đạo lệch lạc của chức sắc trong đạo Do Thái, tức lớp người tư tế: “Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường luật dạy” (Ml 2,8). Còn Chúa Giê-su nói đến những thói giả hình, kiêu căng trong cách giữ đạo của người biệt phái, hạng người tự cho mình trung thành với đạo của cha ông: nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, nói mà không làm, làm mọi việc cốt để người ta thấy,… Cho hay, có “đạo” thì còn phải có “đức” nữa. Đạo-Đức phải đi chung với nhau, như tiếng Việt quen nói, bằng không chỉ là đạo hình thức mà thôi.

Mời Bạn: Nếu tôi thật lòng yêu mến Giáo Hội và muốn Giáo Hội nên đáng yêu với anh em lương dân tôi sẽ cố gắng giữ gìn sự trong sáng của đạo thánh. Việc này đòi hỏi lòng khiêm tốn, sẵn sàng sửa đổi cách sống đạo lệch lạc của tôi dưới ánh sáng Lời Chúa.

Chia sẻ: Trong nhóm/cộng đoàn của tôi có người tốt việc tốt nào đáng phát huy, có cách sống đạo nào gương mẫu cho việc thực thi Lời Chúa không?

Sống Lời Chúa: Cụ thể, tôi xét lại giờ kinh tối ở gia đình tôi, đó có thật sự là cơ hội để gia đình tôi tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa chưa?

Cầu nguyện: Hát: “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa”.


11/03/20 THỨ TƯ TUẦN 2 MC
Mt 20,17-28

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Chúa Giê-su, có các con bà đi theo… Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy.” (Mt 20,20-21)

Suy niệm: Nhiều vị thánh, như thánh Don Bosco, thánh Pi-ô X chứng thực rằng cuộc sống của các ngài chịu ảnh hưởng sâu xa sự giáo dục của người mẹ. Bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê chắc chắn cũng có ảnh hưởng rất lớn trên hai người con của mình, bởi vì ngay cả khi hai ông đã trưởng thành – lúc đó Gia-cô-bê cũng đã thành gia thất – bà vẫn còn tất tả lo cho tương lai sự nghiệp của hai con mình. Thật đẹp thay tấm lòng người mẹ thương con! Thế nhưng thương không đúng chỗ thì cũng như thể “mười lần hại nhau”. Chúa Giê-su chấn chỉnh cái nhìn của cả ba mẹ con. Đi theo và làm môn đệ Ngài, điều đó vẫn tốt, nhưng không phải để tìm kiếm địa vị, quyền lợi “ngồi hai bên tả hữu Chúa, ở trong Nước của Ngài” mà là “uống chén của Chúa” nghĩa là dấn thân phục vụ đến mức dám hy sinh cả mạng sống vì Phúc Âm.

Mời Bạn: Người ta thường nói cha mẹ, hiền lành để đức cho con. Để sản sinh những môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô, cha mẹ cũng như những người có trách nhiệm giáo dục phải giáo dục con em dám từ bỏ những lợi lộc ích kỷ và ham thích phục vụ tha nhân.

Chia sẻ: Mời các phụ huynh trao đổi kinh nghiệm về cách giáo dục tinh thần phục vụ cho con em.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc với ý thức phục vụ trong khiêm tốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho các bậc làm cha mẹ biết biến đổi cuộc sống của mình thành mẫu gương phục vụ cho con cái noi theo, để mọi gia đình trở thành trường dạy phục vụ yêu thương.


12/03/20 THỨ NĂM TUẦN 2 MC
Lc 16,19-31

MỘT DỤ NGÔN LUÔN HIỆN THỰC

“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu…” (Lc 16,19-20)

Suy niệm: Mở đầu câu chuyện người phú hộ và La-da-rô, không có vẻ gì là Chúa muốn kể một dụ ngôn cho bằng một câu chuyện hiện thực xã hội. Hố sâu ngăn cách giàu nghèo luôn luôn là vết thương nhức nhối cho nhân loại và là vấn nạn không chỉ cho các nhà văn mà còn lôi kéo cả những người muốn cải cách xã hội vào cuộc nữa. Người ta nêu ra không biết bao nhiêu là giải pháp. Nâng La-da-rô lên ngang tầm với ông phú hộ hay cào bằng ông này xuống đồng sàng với La-da-rô? Bằng biện pháp kinh tế, kêu gọi lòng nhân đạo hay làm một cuộc cách mạng? Chúa Giê-su cho thấy giải pháp triệt để phải bắt đầu ngay từ đời này và chỉ hoàn tất ở đời sau. Chính vì ông nhà giàu đã dửng dưng vô tình trước cảnh khốn cùng của người anh em La-da-rô mà ông đã không đủ điều kiện hưởng lòng thương xót của Chúa bên cạnh tổ phụ Áp-ra-ham. Điều đó có nghĩa là hố ngăn cách giàu nghèo phải được lòng thương xót lấp đầy ngay ở đời này, nếu không, nó sẽ biến thành một vực thẳm không thể vượt qua được bên cõi đời sau.

Chia sẻ: Tinh thần bác ái ki-tô giáo có gì khác với những hoạt động nhân đạo không?

Mời Bạn Sống Lời Chúa: Đừng quá vội vã hoặc chỉ chăm chú bận tâm đến việc riêng của bạn. Trái lại, hãy dừng lại, dù chỉ một giây thôi, để khám phá ra một anh La-da-rô nào đó, có khi đang ở rất gần bên ngưỡng cửa nhà bạn và để chia sẻ với anh một nghĩa cử đậm đà tình người.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.


13/03/20 THỨ SÁU TUẦN 2 MC
Mt 21,33-43.45-46

DỤ NGÔN THỜI KHỦNG BỐ

“Có một gia chủ kia trồng được một vườn nho;… Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông cho đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi…” (Mt 21,33-34)

Suy niệm: Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì phải gọi những người thợ làm vườn nho trên đây là những người khủng bố. Dùng bạo lực để chiếm đoạt hoa lợi, đã thế họ còn tính toán cả việc giết người và qua mặt pháp luật để cướp luôn cả vườn nho: “Bọn tá điền thấy người con (của chủ vườn nho), thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Chúa Giê-su không chỉ tố giác một xã hội nhiễu nhương đầy bất công áp bức, Ngài muốn vạch rõ gốc rễ của sâu xa của chúng chính là lòng tham vọng muốn chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa. Những hệ thống kinh tế, những cung cách làm ăn tạo ưu thế cho người giàu có thế lực, làm cho người nghèo càng nghèo hơn và khiến hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng cách biệt, đó chính là chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa trên những tài nguyên mà Chúa trao cho con người quản lý. Những hình thức xâm phạm đến sự sống con người là chiếm đoạt chủ quyền của Ngài là Đấng tạo dựng nên sự sống. Chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa, người ta trở thành những kẻ khủng bố đối với anh em mình.

Mời Bạn kiểm điểm đời sống xem mình có đang trở thành kẻ khủng bố cho anh em mình hay không.

Chia sẻ: Thảo luận đề tài: “Yêu thương và kính trọng nhau là vũ khí tốt nhất để loại trừ khủng bố.”

Sống Lời Chúa: Tìm dịp để thăm viếng hoặc giúp đỡ một người, một gia đình đang gặp khó khăn và bày tỏ lòng yêu thương kính trọng đối với họ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.


14/03/20 THỨ BẢY TUẦN 2 MC
Lc 15,1-3.11-32

NGƯỜI ANH GANH TỊ

“Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.” (Lc 15,28)

Suy niệm: Điều làm cho con người ta mất bác ái là ganh tị, cái làm cho con người ta dễ dàng nóng giận, soi mói chì chiết người khác cũng là ganh tị. Người anh trong dụ ngôn phản kháng không chịu vào nhà vì ganh tị. Không chịu vào nhà là tự rứt mình ra khỏi mối liên hệ gia đình (cha-con; anh-em…). Đây là một thái độ xúc phạm nặng nề. Chính sự ganh tị đã gây ra bao vết thương và cả những chia rẽ, đổ vỡ trong gia đình, trong Giáo Hội. Để vãn hồi, củng cố và thăng tiến sự hiệp nhất của gia đình, để những người vốn là anh chị em của nhau nhận thấy rằng mình thực sự là anh chị em của nhau, thì nhất thiết tất cả họ phải quay về với Cha Mẹ mình. ‘Anh em như thể tay chân’, ‘chị ngã em nâng’… Sống trong tinh thần đó thì không thể còn có chỗ cho lòng ganh tị.

Mời Bạn: Góp phần vun trồng tình yêu thương và sự hiệp nhất trong gia đình, trong Giáo Hội – bằng cách dứt bỏ lòng tự mãn, tự tôn, biết chân thành chia sẻ niềm vui với người vui và chia sẻ nỗi buồn với người buồn.

Chia sẻ: Ganh tị là tuyệt chiêu của ma quỷ đánh vào con người không trừ ai, nhất là những người thông thái, giỏi giang, nhưng không có tâm hồn khiêm tốn, để gây ra những bè phái chống đối Giáo Hội, chia rẽ cộng đoàn và gieo rắc tư tưởng chống đối nơi người khác. Ta phải làm gì để tận diệt tính ganh tị?

Sống Lời Chúa: Ta đón nhận tất cả anh chị em, không trừ một ai, trong tình huynh đệ chân thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống lời Chúa dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau.”


15/03/20 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – A
Ga 4,5-42

MỘT CÂU CHUYỆN TRUYỀN GIÁO

Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (Ga 4,10)

Suy niệm: Người phụ nữ Sa-ma-ri-a chưa nhận ra “người đang nói với chị” là ai. Chị ta chỉ biết rằng đây là một người đàn ông xứ Ga-li-lê; mà người xứ Ga-li-lê thì chị biết rồi, họ coi những người Sa-ma-ri như chị bằng nửa con mắt. Chị đã hả hê lòng “tự ái dân tộc” bằng những câu trả lời đốp chát khi “ông Ga-li-lê” nọ xin chị nước uống. Chị cứng cỏi là thế, nhưng rồi Chúa Giê-su cũng đã giúp chị cởi mở cõi lòng để đón nhận ơn Thiên Chúa. Trước tiên, bằng thái độ hiền lành khiêm nhường, Ngài ngỏ lời cầu xin sự giúp đỡ của chị: “Cho tôi xin chút nước uống.” Ngài luôn nhẫn nại và tôn trọng chị dù Ngài biết rõ vết thương ẩn kín trong tâm hồn chị: “Chị đã nói đúng. Chị đã có năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị.” Cuối cùng chị nhận ra “người đang nói với chị đây” không chỉ là một vị ngôn sứ mà còn là “Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô”.

Mời Bạn đến với Chúa với tấm lòng sám hối của chị xứ Sa-ma-ri-a và từ đó đến với tha nhân với trái tim hiền lành khiêm nhường và thái độ bao dung nhẫn nại của Chúa Giê-su, để nhờ đó, giống như chị, chúng ta cũng có thể dẫn anh chị em đồng bào mình đến với Ngài.

Chia sẻ: Bạn có thấy câu chuyện bên bờ giếng Gia-cóp này là một mẫu mực cho công cuộc truyền giáo không?

Sống Lời Chúa: Tập sống tinh thần hiền lành, khiêm tốn, khoan dung, nhẫn nại như Chúa để loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con say mê chiêm ngắm Chúa để mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.


16/03/20 THỨ HAI TUẦN 3 MC
Lc 4,24-30

GẮN BÓ VỚI CHÚA

Họ đứng dậy lôi Người ra khỏi thành-thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. (Lc 4,29)

Suy niệm: Người Do Thái có lòng tự hào dân tộc rất cao và lòng tự hào này có gốc rễ tôn giáo sâu xa. Họ ý thức mình là dân của Chúa, được Chúa chọn riêng. Đối với họ, không một dân tộc nào được chia sẻ ân huệ của Thiên Chúa như đã ban cho dân tộc họ. Họ độc quyền đối với ơn Chúa. Vì thế họ cũng rất đau về những trường hợp mình bị ‘ra rìa’ như điều đã xảy ra cho bà goá thành Xa-rép-ta thời Ê-li-a và chuyện ngôn sứ Ê-li-sa chữa cho quan Na-a-man người Xy-ri khỏi phong cùi. Người Do Thái chắc chắn không vui khi Đức Giê-su nhắc lại những chuyện này. Họ càng không vui, thậm chí phẫn nộ, vì Đức Giêsu hàm ý rằng họ đang ‘ra rìa’ một lần nữa, do chính họ bưng tai bịt mắt trước những lời nói và hành động cứu độ của Ngài.

Mời Bạn: Bi kịch của người Do Thái là bài học lớn cho chúng ta, những Ki-tô hữu hôm nay: Chúa ban cơ hội cách hào phóng, nhưng không phải ai cũng tận dụng được cơ hội trong tầm tay mình. Kẻ đi trước có khi phải về sau; kẻ ở trong đôi lúc hoá thành người ngoài! Người ta bắt hụt ‘chuyến tàu’ vì không chịu nổi sự quấy rầy của những tiếng nói ngôn sứ, của chính lương tri mình; và vì người ta tìm mọi cách dập tắt những tiếng nói ấy đi.

Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần trong ngày sống một câu Lời Chúa và quyết tâm sống theo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con đừng bao giờ dại dột đi tìm an ổn bằng cách gạt Chúa ra khỏi đời con. Xin cho con hết lòng mến yêu và phục vụ Chúa tận tụy trong mỗi công việc.


17/03/20 THỨ BA TUẦN 3 MC
Th. Pa-tri-xi-ô, giám mục
Mt 18,21-35

VÌ ĐƯỢC THƯƠNG XÓT

“Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33)

Suy niệm: Chúng ta thường là những kẻ phán xét tuyệt vời chứ không phải yêu thương tuyệt vời. Vì thế, nếu cần được Chúa tha thứ, Ki-tô hữu cần nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi đồng thời nhận biết tha nhân đang cần được thứ tha. Trước hết, không Ki-tô hữu đích thực nào chối bỏ mình là tội nhân, bởi Ki-tô hữu là người cần được Chúa thứ tha. Nhận mình là tội nhân là bước đầu tiên đến lãnh nhận ơn tha thứ và minh chứng niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng hằng thương xót. Tin Mừng cho biết, dẫu lòng thống hối của người con hoang đàng chưa trọn vẹn, nhưng người cha vẫn phủ đầy ơn tha thứ trên người con nay trở về. Tuy nhiên, nhận mình là tội nhân không phải dễ dàng, bởi chúng ta thường thích đổ lỗi cho người khác và kể tội người khác. Dường như sự oán ghét đã biến thành cái tổ trong trái tim chúng ta rồi! Nhưng từ nay, điều kiện để Đấng giàu lòng thương xót tha thứ và ngự trị trong trái tim ta, ta phải để cho Ngài phá vỡ sự oán hờn, trách móc; thay vào đó, Đấng tha thứ cho ta bảy mươi lần bảy sẽ biến trái tim ta thành trái tim biết yêu thương và biết tha thứ.

Mời Bạn: Tha thứ không nhằm thay đổi quá khứ, nhưng để mở rộng tương lai tốt đẹp và thánh thiện. Tha thứ là hình thức đẹp nhất của tình yêu, là cách thức đón nhận tương lai an bình.

Sống Lời Chúa: Bạn thống hối và đến với bí tích Hoà Giải, đồng thời tha thứ ngay cho một người đang mích lòng bạn.

Cầu nguyện: Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.


18/03/20 THỨ TƯ TUẦN 3 MC
Th. Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, tiến sĩ HT
Mt 5,17-19

ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN

“Vì Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5,18)

Suy niệm: Do Thái là dân tộc của giao ước, giao ước Thiên Chúa đã ký kết với họ tại núi Sinai. Thế nên, Lề Luật – mà họ gọi là Torah – được Chúa ban qua ông Mô-sê, được họ tuân thủ hết sức cẩn thận vì đó là bảo chứng cho lời hứa của Thiên Chúa nhận họ làm dân riêng và là bằng chứng cho sự trung thành của họ với lời cam kết “hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành” (Đnl 26,16). Vì thế khi yêu cầu các môn đệ phải “công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu,” Chúa Giê-su minh định “một chấm một phết trong Lề Luật” cũng không được bỏ qua bởi vì Tin Mừng mà Ngài công bố không phải để hủy bỏ Lề Luật mà là để kiện toàn.

Mời Bạn: Bạn có biết tại sao thánh Phao-lô vốn tuân thủ Lề Luật “đúng như một người Pha-ri-sêu” (Pl 3,5) mà giờ đây lại tuyên bố không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2)? Phải chăng là vì ngài xác tín Đức Ki-tô là Đấng kiện toàn Lề Luật? Vì thế Đức Ki-tô chính là Luật cho bạn, Luật Yêu thương. Và nên hoàn thiện là chu toàn Luật Yêu thương, là “yêu thương như Ngài đã yêu”.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chọn một hành vi đã làm trong ngày để xét xem: – 1/ Động lực nào đã thúc đẩy tôi đã làm việc đó? – 2/ Tôi cần kiện toàn hành vi đó thế nào để có thể “yêu như Chúa yêu” hơn nữa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến để hoàn thiện Lề Luật, xin giúp chúng con tuân giữ những Lề Luật Chúa truyền dạy vì những Lề Luật đó đem lại cho chúng con sự sống trường sinh.


19/03/20 THỨ NĂM TUẦN 3 MC
Th. Giu-se, Bạn Trăm Năm Đức Ma-ri-a
t 1,16.18-21.24a

NHẬN RA Ý CHÚA

“Khi thức giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.” (Mt 1,24a)

Suy niệm: Đức Ma-ri-a đã đính hôn với thánh Giu-se nhưng ngài mang thai trước khi hai người về chung sống làm cho thánh nhân bối rối, toan lánh đi nơi khác để mặc Thiên Chúa lo liệu mọi sự. Bấy giờ, nhờ thiên thần Chúa hiện ra báo tin, thánh Giu-se biết Đức Ma-ri-a mang thai là do Chúa Thánh Thần, ngài vâng lệnh sứ thần truyền đón nhận Đức Ma-ri-a về nhà làm bạn mình. Sự vâng phục trong tín thác của thánh Giu-se làm cho nút thắt trong sợi dây nhập thể được tháo gỡ và chương trình của Thiên Chúa từng bước trở thành hiện thực.

Mời Bạn: Trong cánh đồng trần gian, cỏ lùng sự dữ mọc chung lúa tốt sự lành. Trong khi đó, ma quỷ thế gian xác thịt luôn tìm cách để lôi kéo ta xa Chúa, làm mờ mắt ta để không nhận ra và không thực thi ý Chúa. Có một thực tế là “người ta có thể ao ước thi hành ý Chúa nhưng không biết làm sao tìm ra ý ấy. Họ có thể có những ước nguyện tốt lành nhưng lại không hiểu biết vững chắc về Thiên Chúa và đường lối của Người” (Thomas H. Green). Người tín hữu cần tỉnh thức và tập phân định để nhận ra và thi hành ý Chúa trong đời sống.

Sống Lời Chúa: Để giúp ta sống theo Chúa Ki-tô, Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh thường đưa ra những hướng dẫn tổng quát. Mỗi người lắng nghe và áp dụng tùy theo ơn gọi, hoàn cảnh riêng của mình. Cần tiếp xúc với Thần Linh Chúa, cần cầu nguyện và bàn hỏi với người khôn ngoan để biết lựa chọn điều Chúa muốn với lòng phó thác như thánh Giu-se.

Cầu nguyện: “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm. Và cho mọi việc con làm đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.” (Kinh Sáng Soi)


20/03/20 THỨ SÁU TUẦN 3 MC
Mc 12,28b-34

TÌNH YÊU MỜI GỌI TÌNH YÊU

“Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngươi.” (Mc 12,29-30)

Suy niệm: Một kinh sư Do Thái bối rối trước 613 khoản luật của Do Thái giáo nên đến hỏi Chúa Giê-su điều khoản nào quan trọng nhất. Chúa Giê-su nhắc lại cho ông ta điều mà ông đọc hai lần mỗi ngày theo luật buộc (Đnl 6,4-6), đó là yêu Chúa một trăm phần trăm, yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Yêu hết lòng là yêu bằng trái tim. Bao lâu trái tim còn đập nhịp là còn yêu Chúa. Yêu Chúa ngay lúc này và nơi này. Yêu Chúa hết linh hồn là yêu đến muôn đời. Hơi thở cuối cùng không làm linh hồn mất đi, nên tình yêu đối với Chúa không khi nào ngơi, mối liên kết thắm thiết với Chúa không khi nào ngừng. Yêu Chúa hết trí khôn là để Chúa hướng dẫn trí khôn ta thuận theo thánh ý Chúa, là loại bỏ những ý hướng đê hèn ra khỏi tâm trí ta và lấy lời Chúa dạy làm ý của ta. Yêu Chúa hết sức lực là yêu Chúa bằng sự kiên trì. Khi mệt mỏi, chán chường len lỏi vào cuộc sống, khi sức tàn lực kiệt tưởng chừng không thể đi tiếp con đường tình yêu, lòng yêu mến Chúa nâng đỡ và nhắc ta nhớ rằng Thiên Chúa yêu ta đến cùng, để ta tiếp tục yêu Chúa. Thiên Chúa là Đấng duy nhất yêu thương con người bằng tình yêu không ngơi nghỉ và Ngài có quyền đòi ta đáp lại tình yêu tương xứng.

Mời Bạn: Đi sâu vào mùa Chay, mệnh lệnh yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực có đánh động và làm thay đổi cuộc đời bạn không?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm Chừa bỏ một tội trọng để yêu Chúa hết lòng.

Cầu nguyện: Hát “Con nay trở về”


21/03/20 THỨ BẢY TUẦN 3 MC
Lc 18,9-14

ĐỂ ĐƯỢC THA THỨ VÀ NHẬM LỜI

Người thu thuế đứng đàng xa, vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay đề cập đến cung cách, thái độ phải có khi cầu nguyện. Đối với người Pha-ri-sêu, cầu nguyện là kể công, là so sánh; còn với người thu thuế, cầu nguyện đơn thuần chỉ là ném mình cho Thiên Chúa, kêu xin lòng nhân từ của Ngài (Theo S. Abogunrin). Mục đích chính của bất cứ việc cầu nguyện nào cũng là thiết lập mối quan hệ thân thiết với Thiên Chúa. Nhờ mối quan hệ thân thiết ấy, con người ý thức mình đang là ai, và sẽ là gì trong tương quan với Chúa và tha nhân. Nói cách khác, nhờ biết sự thật về Chúa và sự thật về mình, ta sẽ biết cách ứng xử đúng đắn và thích hợp hơn với Chúa và với người. Cầu nguyện đem lại một hiệu năng to lớn là làm cho ta nên gắn bó với Chúa hơn, biến đổi ta ngoan ngoãn theo vâng theo ý Chúa hơn là đòi Chúa phải theo ý mình, cũng như giúp ta sống công bằng, bác ái hơn với người. 

Mời Bạn: Thực hành lời dạy “hãy xé lòng, đừng xé áo” không gì cụ thể hơn là nhìn nhận mình là kẻ có tội, xin Chúa thương tha thứ. Cầu nguyện sẽ giúp bạn có sức thi hành hành vi “xé” bỏ, vứt đi những gì là tội lỗi nơi bạn.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ năng xét mình trong Mùa Chay, để thấy được ưu khuyết điểm, hầu đón nhận ơn tha thứ của Chúa, sửa đổi tính hư tật xấu, phát huy các nhân đức.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con khiêm tốn đến với Chúa khi cầu nguyện như người thu thuế trong bài Tin Mừng. Xin giúp con ghi nhớ Lời Chúa dạy. Xin cho con năng dâng Chúa lời nguyện tắt này: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Amen.


22/03/20 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – A
Ga 9,1-41

THIÊN CHÚA LÀ ÁNH SÁNG

“Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” (Ga 9,5)

Suy niệm: Volta, người sáng chế ra pin Volta năm 1880, và cũng năm đó, Edison, người hoàn thiện phát minh bóng đèn tròn đốt bằng dây tóc trong chân không để đưa vào sản xuất hàng loạt đã giúp cho nhân loại mau chóng thoát khỏi cảnh tăm tối và được sống trong tràn ngập ánh sáng, cả hai ông cho biết họ tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Ngài là vị kỹ sư vĩ đại nhất mà họ đặc biệt tôn trọng. Những nhà bác học này nhắc chúng ta nhớ đến Thiên Chúa là Đấng tạo thành ánh sáng. Và Ngài cũng chính là Ánh Sáng, ánh sáng thiêng liêng soi sáng chúng ta đi vào cõi mầu nhiệm để cảm nhận được Chân Lý ở nơi Thiên Chúa. Tin Mừng Gio-an cho biết Ánh Sáng đó đã đến thế gian. Ánh sáng đó là chính Đức Giê-su: “Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5).

Mời Bạn: Triết gia Plato nói: “Bi kịch thực sự cho con người là khi họ sợ hãi ánh sáng.” Nhờ ánh sáng chúng ta thấy được vẻ đẹp của vũ trụ. Thật là tai hoạ nếu như ánh sáng đó mất đi. Thế nhưng còn bi kịch hơn khi người ta thấy hoặc sợ hãi trước ánh sáng siêu nhiên, vì lúc đó họ sẽ không thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Đức Giê-su là chính Ánh Sáng đó. Ngài kéo chúng ta từ chốn tối tăm tội lỗi để trở nên con cái sự sáng. Ngài là ánh sáng chiếu soi vào trái tim và tâm trí chúng ta, để trái tim chúng ta bừng nóng vì được yêu thương, để tâm trí chúng ta được no thỏa hạnh phúc, vì thấy hướng đi và ý nghĩa của cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Dâng lời tạ ơn vì được biết Chúa Giêsu là ánh sáng thật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin mở mắt cho con nhìn thấy ánh sáng tình yêu Chúa và xin giúp con loan truyền ánh sáng của Chúa. Amen.


23/03/20 THỨ HAI TUẦN 4 MC
Th. Tu-ri-bi-ô Môn-rô-vê-khô, giám mục
Ga 4,43-54

XIN THÊM ƠN ĐỨC TIN

Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)

Suy niệm: Không ít người, ngay cả các Ki-tô hữu đã hoài nghi, không biết niềm tin mà Kinh Thánh nói, có thật sự đem lại gì trong thực tế không. Tuy nhiên, không chỉ trong Kinh Thánh, cuộc sống này cũng luôn cần phải lấy chữ “tin” như nền tảng mọi quan hệ của xã hội. Gia đình là “tế bào gốc” để cấu thành nên xã hội, thế mà gia đình ấy được khởi đầu và tồn tại dựa trên chữ “tin.” Đôi bạn hứa chung thủy với nhau trọn đời trong ngày thành hôn. Lời hứa ấy không dây xích nào buộc lại được, chỉ dựa trên niềm tin và lòng yêu mến nhau mà thôi. Viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay là gương mẫu đặc biệt của niềm tin. Ông đặt cược mạng sống con ông và cả cuộc sống của ông vào Đức Giê-su, vì ông tin vào thế giá, quyền năng của Ngài. Tin vào lời hứa của Đức Giê-su, ông ra về, và con ông được khỏi bệnh.     

Mời Bạn: Có những lúc bạn hoài nghi vào quyền năng và sự hiện diện của Chúa Giê-su. Có lắm khi bạn kêu xin Chúa ban thêm niềm tin cho bạn, để có thể chỉ tựa nương vào Chúa mà thôi, nhưng bạn thấy đức tin ấy vẫn yếu mềm. Bạn hãy bắt chước viên sĩ quan hôm nay, để có thể lớn lên trong đức tin. Ông NGHE tin tức về Giê-su, ĐẾN GẶP, KÊU XIN, và TIN TƯỞNG vào Lời Ngài. Bạn cũng hãy làm như thế.

Sống Lời Chúa: Tôi đến gặp Chúa Giê-su trong thánh lễ, rước Ngài cách sốt sắng, và xin ơn thêm đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, ngày xưa các Tông đồ đã cầu xin Chúa ban thêm đức tin. Hôm nay, xin Chúa cũng ban ơn ấy cho chúng con, để chúng con tín thác vào Chúa. Nhờ đó, có thể làm lan tỏa tình yêu Chúa. Amen.


24/03/20 THỨ BA TUẦN 4 MC
Ga 5,1-3a.5-16

SỐNG LUẬT YÊU THƯƠNG

Anh ta đi nói với người Do thái biết chính Chúa Giê-su là người đã chữa cho anh ta lành bệnh. Vì thế người Do thái gây sự với Chúa Giê-su, vì Người đã làm như thế trong ngày Sa-bát. (Ga 5,16)

Suy niệm: Không phải một lần mà rất nhiều lần, người Do thái kết án Chúa Giê-su về việc vi phạm luật ngày Sa-bát. Và cũng ngần ấy lần Ngài khẳng định: “Con Người làm chủ ngày Sa-bát” (Mc 2,28; Mt 12,8). Đương nhiên phải có lề luật trong xã hội, nhưng luật ‘vị nhân sinh,’ chứ không phải con người vì luật, điều này ai cũng biết rõ. Thêm vào đó, thánh Phao-lô xác quyết: luật tối thượng vẫn là luật yêu thương (x. Rm 13,10). Chúa Giê-su đến trần gian để mạc khải cho con người biết chân dung đích thực của vị Thiên Chúa Tình Yêu: một Người Cha yêu thương con cái, tìm cách cứu con cái khỏi ách nô lệ của tội, đưa dẫn họ đến hạnh phúc vĩnh cửu. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ ấy nếu ta luôn sống trong vòng tay yêu thương của Ngài.

Mời Bạn: Thiên Chúa thấu suốt chúng ta, dù là những tư tưởng kín ẩn, không giấu giếm được điều gì, xấu tốt đều lộ rõ. Vậy vì cớ gì chúng ta lại kết án anh chị em mình nhỉ? Làm như thế bạn và tôi tỏ ra mình tốt lành hơn ư? Chắc chắn là không rồi! Thế thì đừng viện dẫn những luật lệ phi nhân để kết án những người hành động vì lòng nhân ái.

Chia sẻ: Cách thực hành lề luật nào khiến bạn dễ trở thành vô cảm và trở nên ‘quan án’ đối với người khác?

Sống Lời Chúa: Trong dịp sám hối Mùa Chay, bạn hãy quyết tâm không kết án tha nhân nữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến thế gian để chữa lành hồn xác chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến và đối xử bác ái với tha nhân như Chúa đã đối xử với con. Amen.


25/03/20 THỨ TƯ TUẦN 4 MC
Lễ Truyền Tin
Lc 1,26-38

THIÊN THỜI, ĐỊA LỢI, NHÂN HOÀ

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Ngài thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,28)

Suy niệm: Quan niệm đông phương nhìn vũ trụ nhân sinh theo nguyên lý tam tài: phải có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mới bảo đảm được sự thành đạt trong cuộc sống. Công trình cứu chuộc của Thiên Chúa cũng thế, Ngài chỉ sai Con Một Ngài đến khi cả ba yếu tố đó đều hội đủ: – “thiên thời”: “khi thời gian tới hồi viên mãn” (Ga 4,4); – “địa lợi”: trong dòng tộc Đa-vít, tại miền đất mà Chúa đã ban và trong lịch sử của dân riêng Ngài; và – “nhân hoà”: chỉ khi có lời thưa của Đức Ma-ri-a: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Ngài thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” “Thiên thời, địa lợi” là do sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Còn yếu tố “nhân hoà” Chúa dành cho con người định đoạt.

Mời Bạn: Đặt biến cố truyền tin vào trong từng giây phút sống của mình, chắc chắn không phải là một sứ thần Chúa sẽ đến hỏi ý chúng ta. Thay vào đó, có thể là một người thân, một người bạn hữu, là một trong những người mà ta thường gặp hằng ngày, có khi là một người cơ nhỡ, khổ đau mà tình cờ chúng ta tiếp xúc. Phải có yếu tố “nhân hoà” của bạn thì Chúa mới có thể qua bạn mà đến với người khác đấy. Liệu bạn có thể thưa vâng như Mẹ, để ơn huệ và tình yêu Chúa lan truyền cho đời sống không?

Chia sẻ: Những yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho việc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay là phần Chúa; yếu tố “nhân hoà”, phần của bạn, bạn đã có chưa?

Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ, bạn dành ít là 5 phút mỗi ngày để cầu nguyện riêng với Chúa, và tập thưa vâng với Ngài.

Cầu nguyện: Hát bài “Xin Vâng” hoặc đọc kinh Truyền Tin vào giờ trưa.


26/03/20 THỨ NĂM TUẦN 4 MC
Ga 5,31-47

VIỆC LÀM LÀ LỜI CHỨNG

“Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.” (Ga 5,36)

Suy niệm: Có những người Hồi giáo thuộc lòng kinh Co-ran. Có những anh em Tin Lành thuộc cả số câu, số đoạn trong Kinh Thánh. Những người Do thái cũng thuộc Thánh Kinh không kém. Họ còn thể hiện ra bên ngoài bằng cách đeo những câu Kinh Thánh trên trán, trên tay áo. Nếu chỉ có thế thôi thì chưa đủ để gọi là biết Kinh Thánh. Mà “Chưa biết Kinh Thánh là chưa biết Đức Ki-tô” (Th. Giê-rô-ni-mô). Để biết và tin vào Ngài, Đức Ki-tô chỉ cho chúng ta một cách, đó là nhìn vào những công việc mà “Chúa Cha đã giao cho tôi, để tôi hoàn thành” (c. 36), đó là làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22). Và lời chứng cao nhất, thuyết phục nhất là việc Ngài uống cạn chén đắng thập giá để vâng theo ý Chúa Cha (x. Lc 22,42).

Mời Bạn: Việc Chúa làm minh chứng Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến. Cũng thế, để làm chứng mình thuộc về Đức Ki-tô, chúng ta hãy làm công việc của Ngài. Chúng ta tự hào là thuộc về Giáo Hội Chúa Ki-tô, “đang nắm giữ kho tàng mạc khải”, nhưng coi chừng chúng ta lại không biết Đức Ki-tô chỉ vì đã không sống theo lời Chúa, không làm công việc Ngài giao phó.

Chia sẻ: Làm những việc Thiên Chúa muốn là làm những việc gì? (x. Ga 6,28)

Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh để tỏ lòng khao khát hiệp thông với Đức Ki-tô trong cuộc khổ nạn của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sẵn sàng tìm biết ý Chúa. Và một khi biết được ý Chúa rồi, xin ban sức cho con thực hiện theo cách Chúa muốn.


27/03/20 THỨ SÁU TUẦN 4 MC
Ga 7,1-2.10.25-30

CÁI GIÁ CỦA VIỆC BIẾT THIÊN CHÚA

“Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,29)

Suy niệm: Nhiều người Do thái không bao giờ nhìn nhận Chúa Giê-su là sứ giả từ Thiên Chúa mà đến, một phần vì lý lịch nghèo nàn của Ngài, phần khác vì giáo lý Ngài giảng dạy trái với truyền thống, ngược với những gì họ rao giảng, đề cao. Vì lý do ấy, Ngài bị họ bắt bẻ, làm khó dễ, coi thường, thậm chí tìm cách loại trừ. Chuyện đương nhiên ấy sẽ phải xảy ra, là cái giá phải trả cho việc Ngài biết và làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Là sứ giả, làm chứng nhân cho Chúa thật sự là vinh dự, hạnh phúc và vinh quang, nhưng cũng kèm theo đau khổ, tủi nhục, lắm lúc cả mạng sống. Chúa Giê-su biết rõ sự thật ấy, nhưng không hề nao núng, sờn lòng. Với Ngài, sứ mệnh Chúa Cha ủy thác là trên hết; cứu độ con người là mục đích, là lẽ sống của tất cả cuộc đời khi Ngài sinh xuống trần gian.

Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian thuận tiện để ta đào sâu hơn tương quan giữa ta với Chúa. Càng đi sâu vào mầu nhiệm thập giá bao nhiêu, ta càng khám phá cái giá phải trả cho sự kết hợp thần linh này bấy nhiêu. Tuy nhiên, đó là điều cần làm, giúp ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng ta yêu mến: cùng chịu đau khổ với Ngài để được vinh quang phục sinh với Ngài.

Sống Lời Chúa: Xác tín câu Lời Chúa: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,9a), và mỗi ngày xét xem mình đã thực thi ý Chúa như thế nào trong các việc bổn phận hằng ngày của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và biết con. Biết Chúa để yêu Chúa hơn nữa. Biết con để con khiêm tốn nhận đúng sự thật về mình, và cần Chúa nhiều hơn. Amen.


28/03/20 THỨ BẢY TUẦN 4 MC
Ga 7,40-53

BẠN CÓ THÁI ĐỘ NÀO?

“Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.” (Ga 7,53)

Suy niệm: Đứng trước Đức Giê-su, người ta có nhiều cách đáp lại khác nhau. Nghe lời giảng của Ngài, có nhiều người nhìn nhận Ngài là Đấng Ki-tô, hay là một ngôn sứ; nhưng cũng có lắm kẻ không tin vì định kiến về dòng tộc, quê quán của Ngài, thậm chí đã có người định bắt Người. “Dấu hiệu chống đối” Đức Giê-su (x. Lc 2,34) đặc biệt nổi bật trong hàng ngũ các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Những người lính được lệnh bắt Ngài đã trở về tay không, do say mê lời giảng của Ngài, chấp nhận bị  thượng cấp khiển trách, thậm chí bị kỷ luật nữa. Ông Ni-cô-đê-mô đã can đảm đứng lên biện hộ cho Đức Giê-su, cho dù tiếng nói của ông chỉ là thiểu số không đủ để thuyết phục phe chống đối Ngài.

Mời Bạn: Ngày nay Thầy Giê-su vẫn còn mang thân phận ngôn sứ nơi những người bị bách hại, bị loại trừ. Họ là những người đấu tranh cho tự do và công lý, các tín hữu bị bách hại vì niềm tin, những vị chủ chăn bị bách hại vì bênh vực quyền sống của con người, cũng như các giá trị Tin Mừng. Họ là những người dám nói lên sự thật như bác sĩ Li Wenliang để cảnh báo sự lây lan của dịch bệnh do Covid-19 gây ra. Còn bạn, bạn thuôc nhóm người nào: tin nhận hay chối bỏ Thầy Giê-su? Bạn có dám sống theo lương tâm và bênh vực công lý, can đảm lội ngược dòng để đứng về phía người cô thế bị hàm oan?

Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe và tìm hiểu kỹ về tha nhân trước khi nhận xét họ như Lời Chúa dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn khôn ngoan và nhạy bén, để đón nhận chân lý mạc khải, những dấu chỉ thời đại, và yêu thương anh chị em của con. Amen.


29/03/20 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – A
Ga 11,1-45

SẼ KHÔNG BAO GIỜ PHẢI CHẾT!

Thầy là sự sống lại và là sự sống… Chị có tin thế không?” (Ga 11,26)

Suy niệm: Chúa Giê-su làm cho anh La-da-rô. Tất cả câu chuyện rất phong phú về tình tiết và súc tích về nội dung này kết tinh ở sứ điệp mà Đức Giê-su trao cho cô Mác-ta: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.”

Mời Bạn: Nếu bạn đã từng bàng hoàng trước cái chết của một người thân, và đã từng có lúc xao xuyến trước cái chết nhất định sẽ xảy đến với chính mình ở cuối đường đời này, thì sứ điệp trên kia dành cho bạn đó. Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống. Sẽ thật vô nghĩa nếu đó chỉ là chuyện riêng của Ngài, mặc kệ Ngài, cùng lắm là từ xa ta gửi cho Ngài ‘tấm thiệp’ chúc mừng (hằng năm, khi kết thúc Tuần Thánh, có lẽ?) – còn ta, ta cứ an phận mà chết trong vô vọng, thậm chí chết ngay khi còn đi, đứng, khóc, cuời trên cõi đời này! Không, Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống, đó là chân lý có liên quan đến khát vọng sống vĩnh cửu của mỗi người chúng ta. Bởi vì “Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” Vâng, đối với người tin vào Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và cái chết chấm dứt cuộc sống này chỉ là cánh cổng họ bước qua để đi vào đời sống vĩnh cửu. Vấn đề duy nhất là: Bạn có tin thế không?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn thỉnh thoảng thầm thĩ – như một lời nguyện tắt – câu thưa của cô Mácta sau đây:

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian. (Ga 11,27)


30/03/20 THỨ HAI TUẦN 5 MC
Ga 8,1-11

XÉT MÌNH TRƯỚC KHI KẾT ÁN

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8,7)

Suy niệm: “Ta giống nhau về việc sai lỗi, nhưng không bao giờ giống nhau về sự chấp nhận” (Nhà văn Mỹ A. Liccione). Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đã cầm đá trong tay, sẵn sàng ném vào người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Thế nhưng, chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng của Đức Giê-su, họ lại từ từ bỏ các hòn đá lớn nhỏ xuống, rồi già trẻ lặng lẽ rút lui. Lúc đầu, họ hăng hái kết án người khác, vì không thấy lỗi lầm của mình. Chỉ khi Ngài bắt buộc họ phải đối diện với cõi lòng, chợt nhận ra bao tội tà dâm không bị bắt quả tang, lắm ước muốn thầm kín trái luân thường đạo lý. Rút lui, không lên án người khác, là họ chấp nhận mình không phải là kẻ vô tội. Họ vẫn còn đủ liêm sỉ để không lên án người chị em của mình.

Mời Bạn: “Đừng dùng lời nói để phê phán, lên án, hay phàn nàn; nhưng để nhận thức đúng, gợi hứng và tạo ra năng lực cho người khác” (Nhà văn D. Mridha). Mỗi ngày bạn “ném đá” người khác không biết bao lần, vì quên nhìn và chấp nhận các sai lỗi của mình. Nhớ Lời Chúa dạy, bạn soi, xét mình kỹ lưỡng trước khi đưa ra lời nhận định. Tích cực hơn, bạn tập thói quen sử dùng miệng lưỡi để nói lên lời khích lệ, nâng đỡ người chung quanh.

Sống Lời Chúa: Tôi tập nhìn lại mình, đối diện với những lầm lỗi của mình, trước khi bị cám dỗ xét đoán, lên án người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm phục thái độ bình thản trước đối thủ và nhân từ với tội nhân của Chúa. Xin cho con có được sự bình thản khi thẳng thắn xét mình, cũng như nhân từ khi đối xử với người anh em. Amen.


31/03/20 THỨ BA TUẦN 5 MC
Ga 8,21-30

THẬP GIÁ TÌNH YÊU

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ nhận biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28)

Suy niệm: “Thập giá là cửa sổ sâu thẳm nhất, thật sự nhất, chắc chắn nhất trong trái tim và tính cách của Thiên Chúa hằng sống và yêu thương” (Nhà thần học N. Wright). Thập giá là địa điểm và cũng là phương cách Đức Giê-su cho thấy Ngài yêu con người cho đến tận cùng, ở mức độ cao nhất: yêu thương đến độ sẵn lòng hiến sự sống mình cho họ. Ngài đã chẳng từng bảo các môn đệ rằng mình có thể xin Cha sai 12 đạo binh thiên thần đến cứu mình sao? (x. Mt 26,53). Thập giá cũng là cung cách cho thấy Cha sẵn sàng ban tặng cho nhân loại Người Con Một của mình vì yêu thương. Khi Đức Giê-su bị giương cao trên cây thập giá, con người sẽ nhận ra căn tính đích thực của Ngài: Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Hằng Hữu. Đấng Hằng Hữu ấy sẽ kéo mọi người ra khỏi nơi diệt vong, đưa vào Nước Trời hạnh phúc.

Mời Bạn: “Hãy nhìn vào thập giá và bạn sẽ biết một linh hồn có ý nghĩa thế nào với Chúa Giê-su” (Mẹ Têrêxa Calcutta). Bạn đừng ảo tưởng đi theo Chúa Giê-su mà không phải vác thập giá, hy sinh từ bỏ, chiến đấu can trường. Linh hồn bạn được cứu chuộc bằng giá Máu Thánh Ngài, bạn hãy nỗ lực sống cho xứng đáng.

Sống Lời Chúa: Tôi thay đổi cái nhìn về thập giá, không coi thập giá là điều phải tránh, nhưng sẵn sàng đón nhận, vui vẻ vác lấy mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa tự nguyện hy sinh mạng sống, danh dự mình cho con. Con xin cảm tạ Chúa. Xin Chúa cũng giúp con vui vẻ vác thập giá ơn gọi, đời mình theo Chúa, vì muốn trở nên giống Chúa. Amen.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận