5 phút Lời Chúa mỗi ngày – Tháng 8/2019

1541 lượt xem

01/08/19 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th.
An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri, giám mục, tiến sĩ HT  
Mt 13,47-53

KHOAN DUNG – NHẪN NẠI

Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.(Mt 13,47)

Suy niệm: Sau một đêm thả lưới, vừa tảng sáng, những chiếc thuyền đánh cá kéo lưới vào bờ. Cả xóm chài đổ ra bãi biển lựa cá. Cá lớn được cho vào thúng, bán cho thương lái đang chờ sẵn. Còn cá vụn, cá nhỏ, thì bà con không vất đi nhưng chia nhau, đem về: hôm ấy mỗi nhà cũng có được nồi cá kho. Trong thế giới hiện đại, cảnh kéo lưới ở một làng chài như thế ngày càng ít dần đi. Nhưng dụ ngôn lưới cá mà Chúa kể hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Tựa như chiếc lưới gom đủ mọi thứ cá, Nước Trời cũng tiếp nhận mọi hạng người. Sự chọn lọc chắc chắn phải có nhưng đó là vào lúc cánh chung, lúc chiếc lưới được cất lên. Hơn nữa, như biển cả chứa đựng và dưỡng nuôi mọi thứ cá, Thiên Chúa luôn bao dung và nhẫn nại chờ đợi mọi người biến đổi từ “cá xấu” trở thành “cá tốt”.

Mời Bạn: Chúng ta không chỉ được mời gọi trở thành “cá tốt” được tiếp nhận vào Nước Trời, mà trong biển cả trần gian này, là môi trường chung đụng có cả cá tốt lẫn cá xấu, chúng ta còn phải tập sống bao dung và nhẫn nại mới có thể chu toàn sứ mạng thánh hoá trần gian là góp phần biến đổi “cá xấu” thành “cá tốt” cho Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Thay vì khó chịu bực tức, tôi vui vẻ chịu đựng những khuyết điểm của anh em. Thay vì lên án loại trừ những người bị coi là không tốt, tôi bao dung và nhẫn nại tìm cách giúp anh em sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết hiệp nhất với nhau dù chúng con có nhiều điểm khác biệt. Xin giúp chúng con biết thật tình chia sẻ và chân thành giúp nhau sửa mình để cùng nhau nên thánh.



02/08/19
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th.
Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, linh mục 
Mt 13,54-58

NỖI BUỒN CỦA CHÚA GIÊSU

“Ông ta không phải là con bác thợ sao? Bởi đâu ông ta làm được những phép lạ như thế? Và họ vấp ngã vì Người.” (Mt 13,55.57a)

Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh.” Chỉ vì sống gần chùa mà đến độ linh thiêng như Bụt, cũng coi như kẻ bằng vai. Những mối liên hệ trong gia đình, dòng tộc, xóm giềng cũng vì quen quá hoá thường đến độ đánh mất sự tương kính phải có. Não trạng đó cũng xảy ra đối với chính Đức Giê-su. Ngài vốn dĩ là Con Thiên Chúa, nhưng đã đến trong thế gian, nhập thể làm người, sống trong một gia đình nhân loại. Nhưng thật đáng buồn, ngay cả người thân quen xóm giềng chẳng những không nhận biết thần tính của Ngài mà còn coi thường, không đón nhận giáo huấn của Ngài nữa. Chính vì thế, Chúa Ki-tô đã không thể thực hiện dấu lạ nào ngay tại chính quê hương Na-da-rét của mình.

Mời Bạn: Hai thái độ cực đoan có thể khiến người tín hữu đánh mất cảm thức về tính linh thánh của những mầu nhiệm: – cố gắng làm thật nhiều các việc đạo đức đến độ trở thành thói quen máy móc; – chối bỏ những thực hành đạo đức vì cho đó là những việc làm hình thức nhàm chán. Để giữ được sự quân bình nội tâm giữa hai thái cực đó, cần thực hành hai phương thế này: – thường xuyên học hỏi đào sâu đức tin qua những giáo huấn của Giáo Hội; – dành thời giờ suy gẫm và chia sẻ Lời Chúa để thêm xác tín và tình yêu đối với Ngài.

Sống Lời Chúa: Để tránh hành động theo thói quen máy móc, trước khi làm bất cứ việc gì, dù là việc đạo đức hay việc thường ngày, bạn dừng lại một giây hướng lòng lên Chúa, xin Ngài ban thêm lòng tin cậy mến.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.



03/08/19 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Mt 14,1-12

SỐNG LOAN BÁO SỰ THẬT – CHẾT BẢO VỆ SỰ THẬT

Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. (Mt 14,9-10)

Suy niệm: Gio-an, con người sống nhiệm nhặt khổ hạnh, cả đời không làm một phép lạ nào, nhưng khi cất tiếng rao giảng thì mọi người tuốn đến lắng nghe, cả đến Hê-rô-đê cũng phải nể phục. Nhưng Gio-an làm chứng cho sự thật, mạnh mẽ lên án lối sống vô luân của Hê-rô-đê: “Nhà vua không được phép lấy vợ của anh mình.” Chính vì thế Gio-an đã bị nhà vua tống giam. Và cũng vì thế mà Gio-an lãnh một cái chết oan nghiệt sau điệu múa quay cuồng giữa đám tiệc rượu của con gái bà Hê-rô-đi-a, người vợ lăng loàn. Cuộc sống sa đoạ, đam mê dục vọng và óc sĩ diện hão khiến Hê-rô-đê bịt tai trước lời nói của sự thật. Nhưng dù lòng đầy thù hận, dù nắm quyền lực trong tay, bạo quyền cũng không thể dập tắt được chân lý.

Mời Bạn: Gio-an Tẩy Giả, sống thì loan báo sự thật Đấng Cứu Thế đã gần đến; và cả cái chết của ngài cũng là để bảo vệ sự thật, và là lời tiên báo cái chết cứu chuộc của Chiên Thiên Chúa trên thập giá. Noi gương Gio-an Tẩy Giả, chúng ta cũng dám nói lên chân lý Chúa Ki-tô bằng chính cuộc sống của mình và sẵn sàng chịu mọi sự thiệt thòi, chống đối của xã hội để bảo vệ sự thật đó.

Sống Lời Chúa: Xét mình trong cuộc sống, trong công ăn việc làm tôi có đang nói, đang sống theo sự thật không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, sự thật ngày nay đang bị chối từ. Xin cho con sống với anh chị em không một chút giả dối. Và con rất cần Lời Chúa hướng dẫn để lương tâm của con luôn đi theo đường lối mà Chúa muốn. Amen.



04/08/19
CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – C
Lc 12,13-21

PHẢI COI CHỪNG

“Anh em phải coi chừng, phải giữ khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15)

Suy niệm: Vị đại gia trong bài dụ ngôn thật đáng khen vì đã khéo làm ăn để có được một mùa bội thu. Thế nhưng ông ta đã tính sai về thời hạn tận hưởng những hoa lợi đó. Ông nghĩ rằng với các kho lẫm chứa đầy thóc lúa, ông có thể sống an nhàn trong nhiều năm. Thế nhưng, ông không thể định đoạt được tuổi thọ mạng sống của ông, chủ thể tận hưởng. Nếu bất chợt trong đêm, lúc ông không ngờ, tử thần đến gõ cửa nhà ông, những kho lẫm kia vụt khỏi tay ông để trao về cho người khác, có khi không mất công gầy dựng. Của cải vật chất dù có nhiều đến mấy cũng không bảo đảm cuộc sống dài lâu cho con người.

Mời Bạn: Ai cũng phải lo làm ăn nuôi sống bản thân gia đình nhưng đừng quên sắm sẵn của cải đời đời là những việc lành phúc đức tích góp bằng cuộc sống yêu thương chia sẻ với những người nghèo khổ. Khi ta xuôi tay nhắm mắt, phú quí, bạc tiền, danh vọng bỏ lại đàng sau; chỉ những việc lành phúc đức theo ta về bên kia thế giới.

Sống Lời Chúa: Tôi siêng năng làm phúc bố thí, giúp đỡ học sinh nghèo, hộ nghèo trong xóm hay trong giáo xứ. Tôi quan tâm cứu giúp những người di dân, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong khi thiên hạ đua nhau làm giàu thu tích nhiều của cải, Chúa cảnh tỉnh chúng con về tính bấp bênh tạm bợ của đời này để lo mưu tìm hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Xin Chúa giúp chúng con loại bỏ được tính tham lam và ích kỷ để luôn quảng đại, sẵn sàng chia sẻ cho những anh em nghèo túng. Con làm phúc cho họ là con làm cho Chúa. Amen.



05/08/19
THỨ HAI TUẦN 18 TN
Cung hiến thánh đường Đức Maria
Mt 14,13-21

TẤM BÁNH CHO MUÔN NGƯỜI

Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương. (Mt 14,14)

Suy niệm: Khi về nhận xứ Ars, Cha Thánh Vianney đã ưu tư vì thấy giáo hữu, đàn chiên của Chúa, không được chăm sóc chu đáo; hơn thế nữa, sự sa sút về đạo đức còn là nỗi lo âu hơn cả đói cơm, thiếu áo. Thánh Vianney đã có cùng một tâm trạng như Chúa Giê-su. Ngài không thể không “chạnh lòng” mỗi khi nhìn thấy dân chúng lầm than trong cảnh cùng cực thể xác cũng như tinh thần. Trước những người đang đói khát Lời hằng sống mà quên cả cơn đói thể xác, Chúa đã hoá bánh ra nhiều để tiên báo chính Ngài sẽ trở nên tấm bánh bẻ ra để nuôi sống muôn người.

Mời Bạn: Theo Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) hiện nay có hơn một tỉ người đói ăn trên thế giới. Bạn có cảm thấy mình động lòng trắc ẩn trước những con người mà hôm nay chưa đủ ăn? Bạn có thấy mình có trách nhiệm gì trước cảnh “kẻ ăn không hết, người mần không ra”? Bạn có khám phá xem chung quanh bạn ai là kẻ đang cần bạn giúp một tay cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần để sống một cuộc sống xứng với nhân phẩm không? Lòng trắc ẩn đích thực đòi bạn phải biết xả thân vì người khác giống như tấm bánh bẻ ra trở nên của ăn cho muôn người được sống.

Sống Lời Chúa: Hãy chung tay làm một việc cụ thể để cải thiện hoàn cảnh sống của một người nào đó. Nhiều bàn tay góp lại, việc nhỏ cũng thành lớn lao.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con đồng cảm với Chúa khi đối diện với những nỗi đau khổ của người anh chị em mà con gặp hằng ngày; và xin cho con biết biến mối đồng cảm đó thành hành động chia sẻ trong yêu thương.



06/08/19
THỨ BA TUẦN 18 TN
Chúa Hiển Dung
Lc 9,28b-36

ĐỊNH HƯỚNG CUỘC ĐỜI

Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người.” (Lc 9,35)

Suy niệm: Có khi nào bạn bước đi trong một đêm giông bão, tư bề tối tăm mù mịt, bạn cảm thấy mất phương hướng? Và trong đêm tối như bưng đó, một tia chớp bỗng nháng lên rồi lại vụt tắt. Cảnh vật trở nên sáng loà rực rỡ rồi, hầu như lập tức, lại biến mất, trả lại bóng tối dường như còn mù mịt hơn. Thế nhưng trong khoảnh khắc của một tia chớp đó, bạn có thể xác định lại phương hướng cũng như con đường bạn cần bước tới. Cũng thế, các môn đệ lạc hướng trong hành trình đức tin của mình: Phê-rô ngăn cản Thầy thực thi chương trình cứu độ bằng thập giá (Mt 16,22-23; Mc 8,32-33); Gia-cô-bê và Gio-an ảo vọng sẽ được quyền cao chức trọng (Mt 20,20-23; Mc 10,35-40). Biến cố hiển dung của Chúa Giê-su diễn ra như tia chớp đã giúp các môn đệ xác định được rằng: – con đường Thầy đi là con đường thập giá; – và Lời Chúa Cha phán từ trong đám mây sáng chói: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài” chính là kim chỉ nam cho hành trình đức tin của mình.

Mời Bạn: Trong thông điệp đầu tiên của mình, “Đấng cứu chuộc loài người”, thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã quả quyết định hướng duy nhất của chúng ta là Chúa Ki-tô, Đấng cứu chuộc loài người. Vì thế ngài mời gọi chúng ta: “Hãy vâng nghe Lời Người.” Bạn ơi, làm sao bạn có thể “vâng nghe Lời Người” để Lời Người “là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105) nếu như bạn không chăm chỉ đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm dành ít là 5 phút mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho Lời Chúa trở nên ánh sáng cho đời con.



07/08/19
THỨ TƯ TUẦN 18 TN
Th. Xít-tô II, giáo hoàng và các bạn tử đạo
Mt 15,21-28

LỜI CẦU XIN VỚI LÒNG TIN

“Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy.” (Mt 15, 28)

Suy niệm: Thật kỳ lạ, Chúa Giê-su đã làm rất nhiều phép lạ chữa lành, có khi chẳng cần người ta cầu xin, thế mà trước lời khẩn cầu chữa lành cho con gái của người đàn bà xứ Canaan, Ngài lại từ chối đến ba lần. Lần thứ nhất, khi bà kể lể con gái “bị quỷ ám khổ sở lắm,” Chúa đã làm ngơ dường như là vô cảm. Lần thứ hai, khi các tông đồ cầu bầu cho bà ấy, Chúa đã trả lời một cách lạnh lùng: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc  nhà Ít-ra-en.” Lần thứ ba, khi bà ấy tiếp tục nài van dai dẳng, Chúa đã buông lời ruồng rẫy cách phũ phàng: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con.” Thế nhưng cái kết thật bất ngờ, Ngài lại chấp nhận chữa lành cho con bà ấy chỉ vì: “Lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

Mời Bạn: Cũng như người đàn bà xứ Canaan, ta không xứng đáng để Chúa ban ơn, cũng chẳng có quyền đòi Ngài làm phép lạ. Điều ta có thể làm và phải làm, là tuyệt đối tin tưởng vào Chúa, xác tín tình thương của Ngài, và đặt trọn niềm hy vọng nơi Ngài. Chúng ta được mời gọi bắt chước gương đức tin của người mẹ này. Bạn nhớ rằng Chúa biết rõ bạn và người thân của bạn cần gì. Việc của bạn là kiên trì cầu xin cho mình sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, và Ngài cũng sẵn sàng ban cho bạn điều mà Ngài biết sẽ đem lại lợi ích tốt đẹp nhất cho bạn và người thân của bạn.

Sống Lời Chúa: Tôi đón nhận một biến cố, một hoàn cảnh hay một con người “trái ý” với thái độ sẵn sàng, xem đó như một cơ hội để Chúa thanh luyện mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm niêm tin cho chúng con, để chúng con vững bước trên con đường tình yêu, dẫu có lắm chông gai. Amen.



08/08/19
THỨ NĂM TUẦN 18 TN
Th. Đa-minh, linh mục
Mt 16,13-23

HẠT CÁT TRỞ THÀNH TẢNG ĐÁ

“Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)

Suy niệm: Đức tổng giám mục Fulton Sheen nói rằng: “Sứ điệp Phục sinh có nghĩa là Thiên Chúa có thể biến đổi một gái điếm như Ma-ri-a Ma-đa-lê-na thành môn đệ, và một cây sậy dập nát như Si-mon Phê-rô thành tảng đá”. Quả vậy, Si-mon tự thân chỉ là cây sậy dập nát, hạt cát nhỏ bé, chỉ là… Si-mon ngư phủ. Thế nhưng, tựa như trong câu chuyện Thánh Gióng của Việt Nam, cậu bé vươn vai trở nên cao lớn khổng lồ, Si-mon từ hạt cát, cây sậy trở thành Tảng đá, thành Phê-rô “Đá” giáo hoàng, bởi ông là người đầu tiên khám phá ra chân tướng Đức Giê-su: Ngài là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Sau này ông còn khám phá và làm chứng về Người Con Thiên Chúa hằng sống ấy lại chịu đau đớn, chết nhục nhã và sống lại hiển vinh để cứu con người. Ông đã trở thành Tảng Đá xây dựng Hội thánh nhờ dựa vào Tảng Đá vững chắc thực sự là Thiên Chúa.

Mời Bạn cũng hãy tuyên xưng như thánh Phê-rô: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống; Thầy vừa là vị Thầy có những Lời đem lại sự sống muôn đời, vừa là người bạn thân nhất của con.”

Chia sẻ: Từ hôm nay tôi sẽ làm gì để từ hạt cát, tôi trở thành tảng đá xây dựng Hội thánh Chúa Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Để từ hạt cát trở thành tảng đá xây dựng Hội thánh tại gia đình, hội đoàn, khu xóm… bạn hãy phổ biến, cổ võ việc đọc Lời Chúa cho những người quen biết.

Cầu nguyện: Với tâm tình hướng cầu nguyện cho Hội Thánh, bạn hãy sốt sắng hát bài “Này con là Đá”.



09/08/19
THỨ SÁU TUẦN 18 TN
Th. Tê-rê-xa Bê-nê-đi-ta Thánh Giá, nữ tu, tử đạo 
Mt 16,24-28

TỪ BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ

Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24)

Suy niệm: Con người ngày nay, cách riêng người trẻ, dị ứng với “hy sinh, khổ chế”, khó đón nhận lời mời gọi “từ bỏ mình” của Chúa Giê-su. Họ tìm mọi cách – từ những trang phục đắt tiền, khác người đến những hành vi lời nói “gây sốc” để “khẳng định mình”, để “thể hiện đẳng cấp”. Chúa Giê-su thì ngược lại, Ngài đòi hỏi những ai muốn làm môn đệ Ngài không những phải “từ bỏ mình” mà còn phải “vác thập giá mình mà theo”. Thập giá mình là những gì còn làm mình trì trệ trong đời sống, có thể tính tình, quan điểm làm cho mình khó hòa hợp với người khác, cũng có thể là những trái ý đòi ta bỏ mình để nương theo ý Chúa.

Mời Bạn: Cuộc sống thường ngày vẫn có những niềm vui nỗi buồn nhưng chính bạn làm chủ các cảm xúc đó. Không ai là “thánh giá” của bạn cả, người khác có thể làm cho bạn đau khổ nhưng nếu bạn dám từ bỏ mình để Chúa thanh luyện, bạn sẽ trở thành người như Chúa muốn. “Thập giá” sẽ trở thành “Thánh giá” khi bạn biết đặt tình yêu vào Chúa. Như thế, thập giá bạn vác sẽ không còn nặng nữa, vì có Chúa cùng vác với bạn và đó là cơ hội để bạn đến gần Chúa hơn.

Sống Lời Chúa: Đón nhận thánh giá vì biết rằng: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ đem lại cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời” (2Cr 4,17).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được niềm vui và bình an khi cùng Chúa vác thánh giá mỗi ngày. Chúa là sức mạnh giúp con vượt qua mọi thử thách với niềm tin tưởng phần phúc Nước Trời Chúa đang dành sẵn cho con. Amen.



10/08/19
THỨ BẢY TUẦN 19 TN
Th. Lô-ren-xô, phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26

HẠNH PHÚC NGƯỜI PHỤC VỤ

“Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12,26)

Suy niệm: Thi sĩ Tagore, Ấn Độ, có viết: “Nằm ngủ, tôi mơ thấy đời là hạnh phúc. Thức dậy tôi thấy sống là phục vụ. Tôi dấn thân phục vụ và tôi khám phá ra rằng phục vụ là hạnh phúc.” Những ai dấn thân vào một công việc phục vụ nào đó đều có thể trải nghiệm được điều thi sĩ Tagore vừa chia sẻ. Việc phục vụ càng đòi hỏi dấn thân quên mình nhiều thì hạnh phúc mang lại càng lớn. Thế nên người phục vụ Đức Kitô, “Con Chí Ái” của Chúa Cha, từ bỏ chính mình để theo Ngài trên đường thập giá là người được hạnh phúc lớn nhất bởi vì sẽ được “Chúa Cha quý trọng” được Chúa Cha yêu mến, và đến ở trong người ấy (x. Ga 14,23).

Mời Bạn: Nếu như hạnh phúc của bản thân chính là biết quên mình để nghĩ đến hạnh phúc của người khác, thì ngược lại, mọi sự bất hạnh trên trần gian này đều bắt đầu từ chỗ muốn chiếm giữ cho riêng mình; đó cũng chính là lúc con người chối bỏ và loại trừ người khác. Phần bạn, bạn đặt hạnh phúc của bạn nơi điều gì? Phải chăng là của cải, danh vọng, địa vị, thú vui ích kỷ…? Hay bạn coi việc phục vụ anh em làm hạnh phúc của mình?

Chia sẻ một niềm vui của bạn khi dấn thân phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.

Sống Lời Chúa: Tập quan sát và nhạy bén nhận ra những nhu cầu của anh chị em hơn là nhìn vào chính mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã tiếp nhận cuộc sống từ bao người khác; xin cho con biết hân hoan đón nhận cuộc sống và đến lượt con cũng biết hiến trao cho anh em trong bài học cho đi như chính Chúa. (Hosanna)



11/08/19
CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – C
Lc 12,32-48

NHƯ NGƯỜI TÔI TỚ TRUNG TÍN

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)

Suy niệm: Một triết gia nọ nói rằng “Con người sinh ra để chết”. Chúng ta không nghĩ như ông, vì con người sinh ra ở đời để sống, cái chết chỉ là một khoảnh khắc chấm dứt sự sống này và chuyển tiếp sang một sự sống mới, chứ không phải là cùng đích của kiếp người. Cái chết chắc chắn sẽ đến với từng người, nhưng lại đến cách bất ngờ, rất bất ngờ. Trong cuộc sống, để tránh những điều bất ngờ, chúng ta thường có sự chuẩn bị trước: binh lính tập trận, lính cứu hỏa thực tập chữa cháy… Trong bài Tin Mừng, để giúp ta chuẩn bị trước bất ngờ của sự chết, để khi sự chết đến, ta khỏi bất ngờ, Chúa làm như một người chủ đi vắng. Ta hãy có tư thế sẵn sàng như người đầy tớ ban đêm đợi chủ trở về, không phải với tâm trạng sợ sệt, nhưng tin tưởng và hy vọng. Chủ về bất cứ giờ nào cũng hài lòng vì thấy người tôi trung đang chu toàn nhiệm vụ.

Mời Bạn: Đừng chia cuộc sống thành những giây phút có Chúa hiện diện và Chúa đi xa. Bạn lúc nào cũng đang sống, đang làm việc dưới cái nhìn yêu thương chăm sóc của Chúa.

Sống Lời Chúa: Dù học hành tại trường, lao động tại xí nghiệp, buôn bán giữa chợ đời, thư giãn nơi giải trí, nghỉ ngơi tại gia đình, hãy luôn nhớ rằng mình đang hoạt động trong Chúa, theo tinh thần của con cái trung tín với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con trưởng thành như những con người tự do thật sự, vì thế, Chúa ẩn mình mặc dù vẫn hiện diện bên chúng con. Xin cho chúng con luôn trung tín và sẵn sàng theo tinh thần của Chúa. Amen.



12/08/19
THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Gio-an-na Phan-xi-ca Xăng-tan, nữ tu
Mt 17,22-27

ĐI THEO ĐẤNG TỰ HẠ MÌNH

– “Anh Si-mon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” – “Thưa, người ngoài.” – “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm cớ cho họ sa ngã, anh hãy ra biển thả câu;…” (Mt 17,22-27)

Suy niệm: Hầu như bất cứ khi nào có dịp, Đức Giê-su đều vận dụng để vén mở sự thật về Người: – được chất vấn tại sao các môn đệ Người không ăn chay:  Chúa trả lời vì chàng rể còn ở với họ; – tại sao họ bứt bông lúa mì và ăn trong ngày Sa-bát: thưa vì luật ngày Sa-bát vẫn dành ngọai lệ cho các tư tế trong Đền Thờ, mà ở đây còn lớn hơn Đền Thờ! vả chăng, Con Người làm chủ ngày Sa-bát)… Mẩu đối thoại trên đây về vấn đề nộp thuế đền thờ cũng cho thấy một vén mở nào đó về căn tính thần linh của Đức Giê-su: Người là Con Thiên Chúa! Dù thế, Ngài đã chấp nhận đóng thuế cho đền thờ. Người không dành cho mình quyền ưu tiên, sự đặc miễn. Nói theo thánh Phao-lô, Người đã tự hạ, hủy mình ra không, đã nên giống hẳn người ta – chỉ trừ tội lỗi, đã chấp nhận ngay cả cái chết nhục nhã của một tội nhân (x. Pl 2,6tt). Ta không ngạc nhiên khi thấy trước khi nói những lời này Đức Giê-su đã tiên báo Người sẽ chịu khổ nạn.

Mời Bạn: Đã hẳn tôi chọn Chúa Giê-su, nhưng tôi có chọn con đường tự hạ, chọn thập giá của Ngài không? Đừng quên: làm gì có một Giê-su không thập giá!

Sống Lời Chúa: Tập khước từ những quyền ưu tiên chính đáng của mình – bắt đầu bằng cách tập không đòi hỏi những sự ưu đãi không chính đáng.

Cầu nguyện: Đọc Pl 2,6-11 trong tâm tình cầu nguyện. Hoặc: Đọc kinh Truyền Tin để chiêm ngắm mầu nhiệm tự hạ nhập thể của Con Thiên Chúa.



13/08/19
THỨ BA TUẦN 19 TN
Th. Pon-ti-a-nô, giáo hoàng và th. Híp-pô-li-tô linh mục, tử đạo  
Mt 18,1-5.10.12-14

HAI ƯỚC MUỐN GẶP NHAU

“Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14)

Suy niệm: Có con chiên nào nhận ra mình đi lạc mà lại không nôn nóng tìm đường trở về? Nó hoảng hốt, nháo nhác kêu, chạy tới chạy lui tìm đường trở về bầy; nó ngẩng cổ, vểnh tai xem coi có nghe được tiếng của mục tử hay của các con chiên khác thuộc đàn mình không. Người mục tử đi tìm chiên lạc cũng mang tâm trạng giống như thế. Anh ta lần dò theo từng dấu vết, xem xét từng bụi cây ngọn cỏ, lắng tai nghe ngóng từng tiếng kêu, và phán đoán xem ở hướng nào, có dấu hiệu nào dù nhỏ nhất cho biết vị trí của con chiên đang đi lạc.

Mời Bạn: Con chiên lạc thì luôn mong muốn trở về với đàn chiên. Nhưng con người đi lạc xa Chúa có thể muốn trở về, cũng có thể không vì nhiều lý do khác nhau. Về phần Chúa, là Cha nhân hậu và giàu lòng thương xót, Ngài luôn chờ đợi và mở rộng vòng tay đón họ về, bởi vì Người “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” Là tội nhân, một khi muốn trở về thì luôn luôn có cơ hội. Chỉ cần chúng ta chứng tỏ lòng mong muốn đó, Chúa sẽ tỏ cho chúng ta thấy cơ hội để trở về với Chúa, với đàn chiên của Ngài. Chúa ước muốn gặp lại ta và ta ước muốn được gặp lại Chúa. Có cả hai ước muốn này chắc chắn sẽ có một kết cuộc có hậu.

Sống Lời Chúa: Ý thức mình tội lỗi và ước muốn trở về với Chúa như một đòi hỏi sống còn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn và Chúa đang chờ con trở về. Con cũng muốn trở về nhưng nhiều khi không đủ can đảm đứng lên. Xin ban cho con lòng can đảm bước ra khỏi vũng lầy tội lỗi mà đến với Chúa là Đấng hằng mong muốn cứu giúp con.



14/08/19
THỨ TƯ TUẦN 19 TN
Th.
Mắc-xi-mi-li-a-nô M. Kôn-bê, linh mục, tử đạo
Mt 18,15-20

BIẾT NGHE NHAU

“Nếu Hội Thánh mà họ cũng chẳng nghe, thì kể họ như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18,17)

Suy niệm: Nghe nhau vốn là điều rất khó nhưng lại rất cần thiết trong đời sống chung. Trong gia đình, nếu vợ chồng, những người nói yêu nhau bằng một “tình yêu mạnh hơn sự chết”, mà không biết nghe nhau, thì tình yêu của họ sớm muộn gì cũng sẽ chết yểu!!! Huống chi trong Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, khi mà công tội của mỗi người đều ảnh hưởng đến nhau, thì nghe nhau nói và nói nhau nghe lại càng khẩn thiết hơn bội phần. Chính vì thế Chúa Giê-su vạch ra cho chúng ta lộ trình để sửa lỗi cho nhau. Không được im lặng đồng loã khi anh em mắc lỗi, nhưng cũng không được làm nhục anh em mình khi sửa lỗi họ. Nhẫn nại và lắng nghe khi sửa lỗi cho nhau. Chỉ với điều kiện: “Nếu Hội Thánh mà họ cũng chẳng nghe,” mới áp dụng giải pháp cuối cùng: “kể họ như một người ngoại hay một người thu thuế”.

Mời Bạn: Trong tình bác ái, dám sửa lỗi cho anh em mình là việc tốt. Đồng thời, bạn cũng biết lắng nghe ý kiến của người khác và tu sửa chính mình.

Chia sẻ: Bạn có bao giờ sống như “dân ngoại hay người thu thuế” chưa? Nghĩa là chẳng bao giờ biết nghe ai, nhất là khi biết mình đang cần được nâng đỡ.

Sống Lời Chúa: Quan tâm đến vai trò và sứ mệnh của Hội Thánh khi chúng ta “có vấn đề” với nhau, vì Chúa đã nói với các Tông Đồ: “Ai nghe các con là nghe Thầy”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, “xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài trong cuộc sống”, Lời Ngài đã được mạc khải trong Thánh Kinh, và còn được phát biểu qua miệng đồng loại, đồng đạo, qua giáo huấn của Hội Thánh tại trần gian.



15/08/19
THỨ NĂM TUẦN 19 TN
Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Lc 1,39-56

NỮ VƯƠNG HỒN XÁC LÊN TRỜI

“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1,48)

Suy niệm: Ngày 1/11/1950 trong tông hiến Munificentissimus Deus, ĐTC Piô XII đã tuyên bố: Đức Ma-ri-a, “được liên kết cách quảng đại” với Đức Ki-tô, Đấng đã toàn thắng tội lỗi và sự chết, chắc chắn cũng “được gìn giữ không bị hư nát trong phần mộ”. Và vì thế ngài đã định tín: “Đức Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, sau khi đã hoàn tất hành trình sinh sống nơi trần thế, đã được rước cả hồn lẫn xác lên cõi vinh quang trên trời” (Denz. 3902-3). Lên trời cả hồn và xác là “đặc ân cuối cùng hoàn tất mọi đặc ân” Thiên Chúa đã ban cho Đức Ma-ri-a trong chương trình cứu độ loài người.

Mời Bạn: Hồng ân thật lớn lao, cao cả, lại ban cho “một nữ tỳ hèn mọn” không chỉ để ngưng đọng lại nơi con người Đức Ma-ri-a mà thôi. Trái lại đó mới là khởi đầu của một chuỗi ơn phúc kéo dài nơi muôn người muôn thế hệ. Quả vậy, cuộc lên trời của Đức Ma-ri-a rất thánh là sự tham dự độc nhất vô nhị vào sự Phục sinh của con mình và là việc thể hiện trước, sự phục sinh của các Ki-tô hữu khác (GLHTCG, số 966). Chúng ta có một điểm hẹn với Chúa Giê-su Phục Sinh, nơi đó có Đức Ma-ri-a, Mẹ của chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời.

Sống Lời Chúa: Noi gương Đức Ma-ri-a, chúng ta thực hành nhân đức hiền lành khiêm nhường để cùng với Mẹ đi con đường thập giá của Chúa Ki-tô nhơ đó được tham dự vào vinh quang Phục sinh với Chúa và với Mẹ Ma-ri-a.

Cầu nguyện: Lạy Đức Trinh Nữ Ma-ri-a hồn xác lên trời, xin cầu cho chúng con. Lạy Đức Trinh Nữ Ma-ri-a hồn xác lên trời, xin cầu cho chúng con.



16/08/19
THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Th. Tê-pha-nô Hung-ga-ri
Mt 19,3-12

BẬC SỐNG NÀO CŨNG CAO ĐẸP

Chúa Giê-su nói: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.”… Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế với vợ thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Chúa Giê-su nói: “Không phải cũng hiểu được câu nói ấy. Chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu được mà thôi.” (Mt 19,10-11)

Suy niệm: Bậc sống hôn nhân Ki-tô giáo đòi buộc một vợ một chồng chung thuỷ với nhau suốt đời quả là một lý tưởng tuyệt đẹp, lý tưởng đến nỗi nhiều người sợ rằng đó là điều không tưởng. Ngay cả một số môn đệ còn nghĩ rằng như thế thì “đi tu” còn có lý hơn! Chúa Giê-su cho biết đời tu cũng có những nét đẹp hấp dẫn nhưng không phải là dễ hơn hay khó hơn, mà vì “chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu được” mà thôi. Quả vậy, trong khi bậc sống hôn nhân diễn tả tình yêu chung thuỷ của Đức Ki-tô với Hội Thánh, thì bậc sống tu trì – tức là sống độc thân vì Nước Trời – lại diễn tả ngay ở đời này cuộc sống thanh thoát như các thiên thần ở đời sau.

Mời Bạn: Cần tránh thái độ “đứng núi này trông núi nọ”. Hãy nhớ rằng cả hai bậc sống đều cao đẹp và không cuộc sống nào cao đẹp lại chấp nhận một lối sống dễ dãi buông thả. Vấn đề của mỗi người không phải là bậc sống nào cao hơn mà là Chúa chọn gọi mình vào bậc sống nào.

Chia sẻ: Những giá trị chân thật của cả hai bậc sống ngày nay đều đang bị đe doạ. Hãy sống trọn vẹn bậc sống của mình để những giá trị đó được toả sáng.

Sống Lời Chúa: Bạn đã chọn lựa bậc sống (độc thân thánh hiến/kết hôn) ư? Bạn hãy trung thành. Nếu chưa, bạn hãy suy nghĩ, cầu nguyện để chọn bậc sống đúng ơn gọi của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết chọn lựa đúng và trung thành với bậc sống Chúa muốn kêu gọi con.



17/08/19
THỨ BẢY TUẦN 19 TN
Mt 19,13-15

ĐỂ TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA

“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.” (Mt 19,14)

Suy niệm: Dù bạn tin hay không, thì các nhà tâm lý ngày nay cũng khẳng định với bạn rằng gần như 100% người lớn đều có vấn đề về tâm lý, ít hay nhiều – và khoảng 90% vấn đề tâm lý của chúng ta đều bắt nguồn từ những sơ suất, vô tình hay cố ý, trong mối quan hệ của người lớn (cách riêng cha mẹ) đối với chúng ta khi chúng ta còn nhỏ. Một đứa trẻ càng nhận được sự gần gũi, quan tâm của cha mẹ thì càng có cơ may sẽ lớn lên với một nhân cách vững vàng, và ngược lại. Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn nhưng xác định lại quyền được quan tâm săn sóc của trẻ em: – người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện; – các môn đệ la rầy chúng; – Đức Giê-su quở trách thái độ ấy của các môn đệ và Người đặt tay chúc lành cho các em. Nhưng cung cách ứng xử ấy của Đức Giê-su không chủ yếu xuất phát từ lý do tâm lý, mà từ một cái gì còn sâu, rộng và căn bản hơn thế: “Vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”

Mời Bạn: Nhìn lại mối quan tâm của mình đối với trẻ em nói chung, cách riêng đối với con em trong gia đình mình. Chúng chiếm được bao nhiêu quan tâm của bạn? Bạn gần gũi chúng? Bạn dành đủ thời giờ cho chúng? Hay bạn bạo hành, ngược đãi, la rầy chúng cách tùy tiện? Hằng ngày con cái bạn nhìn thấy nơi bạn những gương tốt, gương xấu nào?

Sống Lời Chúa: Bạn có thể dành thêm ít nhất 10 phút chất lượng cho con cái của mình hằng ngày không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đón nhận trẻ em cách ân cần trìu mến. Xin cho chúng con biết sáng suốt và tận tâm chăm sóc con em chúng con.



18/08/19
CHÚA NHẬT TUẦN 20 TN – C
Lc 12,49-53

KHÔNG KHOAN NHƯỢNG VỚI TỘI

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51)

Suy niệm: Người Rô-ma có câu: “Muốn có hoà bình, phải chuẩn bị chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum). Cũng thế, theo Lời Chúa dạy hôm nay, đời sống thiêng liêng là một cuộc chiến không khoan nhượng với tội lỗi. Muốn kết hợp với Chúa thực sự thì con người phải dám đoạn tuyệt với tất cả những gì là tội lỗi, là cản trở cho dù đó là những sự, những người thân thiết nhất với mình. Có vượt qua phản đề này ta mới có thể tìm được tự do và an bình đích thực. Các vị thánh nêu gương cho chúng ta trong cuộc chiến này đặc biệt thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, thánh Tê-rê-xa A-vi-la…

Mời Bạn: Thiên niên kỷ mới đã qua gần hai thập niên, biết bao nhiêu kỳ vọng cho một thế giới hoà bình, nhưng ước mơ vẫn còn là mơ ước. Thế giới vẫn sống trong bất ổn dù chiến tranh nguyên tử, chiến tranh lạnh được coi  là kết thúc. Tại sao vậy? Vì mầm mống chiến tranh vẫn còn đó khi mỗi người vẫn chưa dám khai chiến với cái xấu đang ẩn nấp trong mỗi cá nhân, cộng đồng, quốc gia.

Chia sẻ: Cộng đoàn bạn đang sống có đấu tranh với cái xấu để nên tốt không?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy chiến thắng chính mình bằng cách khiêm tốn xin lỗi người anh chị em đang bất hoà với mình, đền bù những thiệt hại mà mình đã vô tình hay cố ý gây ra.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính những bất công và tội lỗi làm chúng con chia rẽ, chống đối nhau. Xin giúp mỗi chúng con can đảm sửa mình theo Lời Ngài để biết cách xây dựng gia đình, xã hội và Giáo Hội. Amen.



19/08/19 THỨ HAI TUẦN 20 TN
Th. Gio-an Ơ-đê, linh mục
Mt 19,16-22

“TỘI” CÓ NHIỀU CỦA CẢI

“Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo”… Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mt 19,21-22)

Suy niệm: Đừng vội nghĩ người thanh niên ấy là một người đáng trách. Có lẽ anh là một ‘ông thánh’ đó, ít là so với nhiều người trong chúng ta. Anh đã tuân giữ tất cả các giới răn: không giết người, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng gian; anh thờ cha kính mẹ; anh yêu người đồng loại. Hơn nữa, anh tìm đến với Đức Giê-su vì tha thiết với sự sống đời đời. Ngay cả khi bị ‘dội’ trước đề nghị cuối cùng của Đức Giêsu, anh đã không bỏ đi một cách thản nhiên nhưng là một cách buồn rầu! Buồn rầu, vì có lẽ anh vẫn rất muốn nên hoàn thiện, chỉ tiếc là điều kiện để nên hoàn thiện thật quá trớ trêu: anh không thể từ bỏ tài sản của và đem cho người nghèo.

Mời Bạn: Phải cảm nhận tất cả những tố chất rất tích cực nơi người thanh niên ấy, chúng ta mới đo lường được kịch tính của câu chuyện. Anh vượt qua mọi cửa ải, chỉ vướng mắc ở cửa ải cuối cùng. Anh “buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải.” Anh xem ra không có tội gì, chỉ có một ‘tội’ thôi, đó là anh có nhiều của cải! Ta thấy sự QUYẾN LUYẾN CỦA CẢI ghê gớm dường nào và nó phá hỏng biết bao thiện chí cao đẹp.

Chia sẻ: Muốn lên trời, phải rời mặt đất! Bạn có kinh nghiệm nào về một lần chọn lựa quyết liệt khi phải từ bỏ những mối lợi vật chất đầy hấp dẫn?

Sống Lời Chúa: Bạn tập sống siêu thoát đối với của cải vật chất: vui vẻ chấp nhận những thiếu thốn, sử dụng tiền bạc một cách sáng suốt và quảng đại, và không quá ràng buộc lòng trí mình vào tiền bạc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả những gì con có đều là hồng ân Chúa ban, con xin dâng lại cho Chúa tất cả. Amen.



20/08/19
THỨ BA TUẦN 20 TN
Th. Bê-na-đô, viện phụ, tiến sĩ HT
Mt 19,23-30

THEO CHÚA SẼ ĐƯỢC GÌ?

Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27)

Suy niệm: Trước khi bắt tay làm công việc gì, theo lẽ tự nhiên chúng ta thường phân định sự thiệt hơn, được thua thế nào rồi mới quyết định làm. Nếu không có sự tính toán như thế, chúng ta chẳng khác gì người xây tháp mà không tính trước phí tổn, hay như người đi giao chiến mà không biết rõ nguồn lực của mình như thế nào (x. Lc 14,28-32). Phê-rô và các bạn tông đồ hẳn cũng tính toán nhưng là mới nửa vời. “Đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” rồi, nhưng e rằng “cụt vốn”: các ông  theo Chúa đã lâu mà chưa thấy “nên cơm cháo” gì. Có lẽ Phê-rô chỉ nhìn thấy những cái “mất”, tức là những gì ông phải từ bỏ mà chưa thấy “được” điều gì cả. Tuy nhiên, Chúa khẳng định rằng: những người đó “sẽ nhận được gấp bội, và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.”

Mời Bạn: Chúa mời gọi chúng ta “ngồi xuống bàn tính” với Chúa (x. Lc 14,31), để làm một bản liệt kê chúng ta “được-mất” những gì khi trở thành Ki-tô hữu, trở thành môn đệ của Ngài. Bạn sẽ nhận ra rằng những gì Ngài yêu cầu chúng ta từ bỏ thực ra chính là những điều Chúa đã ban tặng. Và khi từ bỏ chúng, Ngài còn ban lại gấp bội cho chúng ta cùng với “sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” Theo lối nhìn của thế gian, bạn có vẻ như “mất” hết, nhưng theo cái nhìn vĩnh cửu, bạn đang “được” tất cả.

Sống Lời Chúa: Nguyện tắt: “Lạy Chúa, Chúa đã cho con tất cả, con xin dâng lại cho Chúa tất cả.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con hoàn toàn tín thác vào Chúa để con không tìm kiếm điều gì khác ngoài phần thưởng Nước Trời. Amen.



21/08/19
THỨ TƯ TUẦN 20 TN
Th. Piô X, giáo hoàng
Mt 20,1-16a

CÔNG BẰNG KIỂU THIÊN CHÚA

“Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra  ghen tức?” (Mt 20,15)

Suy niệm: Những thợ làm vườn đến trước khó chịu với ông chủ, cho rằng ông không công bằng khi trả lương cho người đến sau cũng bằng với lương của mình. Nếu hiểu công bằng là trả lại cho người khác điều họ đáng được nhận, thì ông chủ không hề xử bất công, vì ông đã trả cho họ một quan tiền, lương một ngày công vào thời đó. Cách hành xử rộng lượng với những thợ đến sau, thậm chí với thợ của “giờ thứ mười một, ông chủ vườn nho – hình ảnh của Thiên Chúa – cho thấy ông hoàn toàn tự do thực thi sự công chính của mình vượt lên trên cách tính toán thông thường của con người, mà là tính toán theo cung cách của Thiên Chúa: công bằng theo kiểu Thiên Chúa có nghĩa là mọi người đều được hưởng dư tràn ơn phước, được bình đẳng với nhau trên Nước Trời. Qua cung cách phi thường ấy, Thiên Chúa thể hiện tình yêu thương với mọi người.

Mời Bạn: Muốn hiểu được Chúa, con người cần phải xác tín Ngài là Đấng có quyền năng trong mọi sự, nhưng cũng là Đấng đầy tình yêu thương. Là con cái Chúa chúng ta cũng cư xử quảng đại với nhau, không vì bị ép buộc, cũng không chiều theo cảm tính theo kiểu thế gian, nhưng nhắm tới lợi ích tối hậu của họ trên Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Tôi tập cư xử “cách tốt bụng” với anh chị em, đừng đặt nặng vấn đề lợi lộc, trả ơn…

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã yêu thương cho con được có mặt trên đời, và tiếp tục gìn giữ con qua sự quan phòng yêu thương của Chúa. Xin ban cho con một tâm hồn bao dung để con sống quảng đại với mọi người. Amen.



22/08/19
THỨ NĂM TUẦN 20 TN
Đức Ma-ri-a Nữ Vương
Lc 1,26-38

LÀ NỮ VƯƠNG, MẸ NHÂN HIỀN

“Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37)

Suy niệm: Có người đặt câu hỏi để gài bẫy thánh Bernadette khi còn là một thiếu niên: “Con thích gì hơn, rước lễ hay thấy Đức Mẹ hiện ra ở hang đá?” Vị thánh nhỏ suy nghĩ một phút rồi trả lời: “Đúng là một câu hỏi kỳ lạ! Chúa Giê-su và Đức Mẹ không thể tách riêng ra. Cả hai lúc nào cũng phải đi với nhau.” Từ giây phút thụ thai trong lòng Đức Mẹ, Đức Giê-su và Mẹ của Ngài luôn nối kết với nhau. Không lạ gì Con về trời thì Mẹ cũng phải được lên trời cả hồn lẫn xác. Đức Mẹ được đưa lên trời để được tôn phong là Nữ vương thiên đàng, Nữ vương vũ trụ. Mẹ thi hành tước vị Nữ vương ấy trong tư thế của một người mẹ, người mẹ của tất cả nhân loại, và là mẹ của từng người. Trong lịch sử Giáo Hội, Mẹ đã nhiều lần hiện ra để cứu giúp con cái gặp cảnh gian nguy, cảnh tỉnh con cái sửa đổi đời sống, nhắn nhủ con cái sống đúng tư cách môn đệ Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: “Đức Ma-ri-a là người đầu tiên đi ‘con đường’ vào Nước Trời mà Đức Ki-tô đã mở, một con đường chỉ đạt được dành cho những người khiêm tốn, tin tưởng nơi Lời Chúa và nỗ lực đem ra thực hành” (Đức Bê-nê-đi-tô 16). Bạn hãy đi con đường Đức Mẹ đã đi, để cũng được phần thưởng cao quý là hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa như Mẹ.

Sống Lời Chúa: Mỗi tối tôi đọc chậm rãi, sốt sắng ba kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ, xin ngài nâng đỡ tôi sống xứng đáng con cái Thiên Chúa mọi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a là Nữ vương vũ hoàn, và là Mẹ con, con cảm tạ Mẹ luôn đồng hành với con trong mọi nẻo đường con đi, mọi khoảnh khắc quãng đời con sống. Xin cho con cũng biết noi gương Mẹ, đi con đường vào Nước Trời mơ ước. Amen.



23/08/19
THỨ NĂM TUẦN 20 TN
Th. Rô-sa Li-ma, trinh nữ 
Mt 22,34-40

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39)

Suy niệm: Đạo Công giáo là đạo yêu thương: mến Chúa yêu người là nét đặc trưng của đạo này. Tính yêu thương ấy bắt nguồn từ Thiên Chúa, Ngài chính là Tình Yêu (1Ga 4,7-8). Phần con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Công đồng Vatican II gọi là “thiên chức toàn vẹn của con người” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, 11), con người có khả năng yêu thương và được mời gọi để yêu thương. Vì thế, muốn mến Chúa thì phải yêu người: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Chỉ có thể làm được điều đó trong Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã đồng hóa mình với con người, đặc biệt với người nghèo khổ.

Mời Bạn: Khi nói tới yêu thương, phải nghĩ ngay đến việc dấn thân phục vụ. Bởi qua sự chân thành phục vụ, chúng ta mới cảm nghiệm được sự đồng cảm, chia sẻ và khích lệ nâng đỡ nhau trong từng cảnh đời cụ thể. Vì vậy, khi bạn chấp nhận nhau, quảng đại, yêu thương và tha thứ cho tha nhân, bạn mới thấm thía được sự yêu thương của Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm yêu như Chúa yêu, để rồi phục vụ mà không so đo tính toán, dấn thân mà không bon chen ích kỷ, sống chân thành và tôn trọng mọi người Chúa Giê-su đang hiện diện trong họ, để khi phục vụ yêu mến họ, là ta đang phục vụ yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.



24/08/19 THỨ BẢY TUẦN 20 TN
Th. Ba-tô-lô-mê-ô, tông đồ
Ga 1,45-51

NGƯỜI KHÔNG CÓ GÌ GIAN DỐI

Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” (Ga 1,46-47)

Suy niệm: Có một số vùng đất được coi là ‘địa linh nhân kiệt’; cũng có những vùng đất hoàn toàn vô danh không chút tiếng tăm và không gây ấn tượng gì cho ai, chẳng hạn: Na-da-rét! “Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được?” Đây không phải là thành kiến của riêng Na-tha-na-en, mà hầu như là của mọi người. Nhưng khi nghe anh bạn Phi-líp-phê bảo: “Cứ đến mà xem,” thì Na-tha-na-en đã gác thành kiến qua một bên để đích thân đi vào một khám phá. Ông đã đến gặp Đức Giê-su người Na-da-rét. Chính thái độ khiêm tốn, chân thành và cởi mở đối với sự thật này đã làm cho Na-tha-na-en được khen ngợi là một con người không có gì gian dối.

Mời Bạn: Hẳn bạn cũng thật thích thú nếu được khen là người không có gì gian dối. Để được thế, ta phải biết gác qua thành kiến, tức là biết nghi ngờ chính thành kiến của mình, để tìm gặp sự thật vốn thường ở phía bất ngờ và khác với điều ta vẫn nghĩ. Biết bao người bị ‘giết’ bởi sự yên trí của những người khác, nhất là của người lãnh đạo họ. Các thiền sư Nhật Bản nói với ta rằng “Đừng tìm kiếm chân lý; chỉ cần lột bỏ những quan niệm của mình.”

Chia sẻ: Lần gần đây nhất mà bạn sai lầm do thành kiến là trường hợp nào? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn.

Sống Lời Chúa: Ta tập tinh thần khiêm tốn và khách quan, luôn sẵn sàng để ngạc nhiên đón nhận điều mới mẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con đi từ sự cứng cỏi cố chấp đến thái độ chân thành cởi mở, từ lầm lạc đến với chân lý, và từ cõi chết đến với sự sống là chính Chúa. Amen.



25/08/19
CHÚA NHẬT TUẦN 21 TN – C
Lc 13,22-30

ĐỪNG ĐỂ ĐẾN KHI CỬA ĐÃ KHÉP

“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ ” (Lc 13,22)

Suy niệm: Bệnh ung thư tuy không có tên trong “tứ chứng nan y” nhưng lại là chứng bệnh mà nền y học hiện đại đang phải bó tay, chẳng những vì người ta chưa hiểu hết nguyên nhân và cơ chế của căn bệnh mà còn vì khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối với những triệu chứng thấy được, bệnh nhân mới biết mình có bệnh. Lúc đó thì hết thuốc chữa! Về đời sống thiêng liêng, Chúa dạy chúng ta hãy làm việc khi trời còn sáng; mau sám hối trở về vì “Nước Trời đã đến gần”; biết dùng thời gian Chúa ban xây dựng Nước Chúa ở trần gian này; đừng đợi đến khi “chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại” mới gõ cửa vào, vì lúc đó mọi sự đã trở nên quá muộn.

Mời Bạn: Hình ảnh người hành khách chậm chân lỡ chuyến đò sang sông vẫn còn tái hiện nơi những người học trò ham vui chơi đến gần kỳ thi mới vội vã vùi đầu vào sách vở; nơi những người tham công tiếc việc đến độ dự lễ Chúa Nhật đi trễ về sớm; nơi những người không lo kiến tạo một xã hội đầy “công bình và lòng nhân ái” mà chỉ tận hưởng lạc thú cách ích kỷ và “đợi đến khi gần chết ăn năn tội vẫn còn kịp”! Mỗi giây phút hiện tại đều có thể là giây phút cuối cùng của đời bạn. Hãy lấp đầy chúng bằng những hành động vì yêu thương phục vụ.

Sống Lời Chúa: Cuối ngày, bạn kiểm điểm mình đã làm gì khiến cho cuộc sống của mình và người khác có ý nghĩa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng.



26/08/19
THỨ HAI TUẦN 21 TN
Mt 23,13.15-22

ĐỪNG GIẢ HÌNH

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình!” (Mt 23,13)

Suy niệm: Các kinh sư và người Pha-ri-sêu được coi như những bậc “vị vọng” trong dân, bởi họ sống nhiệm nhặt và giữ luật một cách thật tỉ mỉ theo sát mặt chữ. Với những thực hành tôn giáo chi li như thế họ đinh ninh rằng Nước Trời đã thuộc về họ! Thực ra, Chúa Giê-su cũng đã từng nói dù “một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được” (Mt 5,18). Thế nhưng Chúa quở trách họ nặng lời là giả hình bởi vì: – họ nói mà không làm; – họ làm nhiều việc hình thức bên ngoài nhưng lại bỏ qua điều cốt yếu là “công bình, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23); – và lý do sâu xa hơn cả là: họ thiếu một tấm lòng với Chúa: “Dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mt 15,8).

Mời Bạn: Đành rằng tổ chức xã hội nào cũng rất cần luật lệ. Nhưng Nước Trời không chỉ đơn thuần là một tổ chức xã hội. Phần thưởng Nước Trời không dành cho những người giữ luật theo hình thức, song là dành cho những người sống luật với tất cả tấm lòng. Đời sống Ki-tô hữu luôn gắn liền với các bí tích và những việc đạo đức: ăn chay, cầu nguyện, bố thí, hành hương,… Sẽ là giả hình, là giữ đạo vì thành tích nếu chúng ta làm các hành vi tôn giáo chỉ để tỏ ra mình… đạo đức.

Chia sẻ cảm nghiệm của bạn khi bạn làm một việc đạo đức với tâm tình chân thật phát xuất tự đáy lòng.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cách kín đáo tế nhị.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hạnh phúc của chúng con là được biết Chúa là Cha và mọi người là anh em. Xin cho chúng con trung thành sống niềm tin ấy trong mỗi giây phút của đời chúng con. Amen.



27/08/19
THỨ BA TUẦN 21 TN
Th. Mô-ni-ca 
Mt 23,23-26

TẬP SỐNG TRUNG THỰC

“Hãy rửa bên trong cho sạch… để bên ngoài cũng được sạch.” (Mt 23,26)

Suy niệm: Thói giả hình gồm vài cách xử sự sai lầm sau đây: a/ chỉ chăm chút đến những điều phụ thuộc như nộp thuế thập phân về rau trong vườn – là điều luật không buộc, mà bỏ qua những điều quan trọng trong lề luật như công bình, lòng nhân, và thành tín; b/ chỉ chăm lo làm đẹp cái bên ngoài như rửa sạch chén đĩa, còn bên trong tâm hồn đầy dơ bẩn; c/ dẫn đường cho người nhưng lại dẫn sai hướng, đưa họ đến chỗ sai lầm. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nhiều lần lên án thái độ đạo đức giả này của người Pha-ri-sêu và Luật sĩ. Các cách hành xử này vừa bóp méo sự thật vừa phản giáo dục, gây ra những hậu quả xấu cho người được giáo dục, và rốt cuộc đánh mất niềm tin trong cuộc sống. Đức Giê-su cho thấy đó là thứ bệnh cần phải chữa trị. Phương thuốc chữa trị là biết phân biệt điều gì chính, điều gì phụ, rửa sạch bên ngoài cũng như thanh tẩy bên trong tâm hồn.

Mời Bạn: Chúa biết ta từ bên trong nên ta không thể lừa dối Ngài được. Hãy tập sống và hành xử trung thực, trong sáng, như người con hiếu thảo của Cha nhân lành. Bạn cũng đừng tránh né bỏ qua các điều cốt lõi là điều răn mến Chúa yêu người để chỉ quan tâm các điều lặt vặt của đời sống đạo.

Sống Lời Chúa: Tôi ghi nhớ câu Lời Chúa khuôn vàng thước ngọc sau đây: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con sống trung thực, trong sáng, tinh tuyền, tránh căn bệnh đạo đức giả trong xã hội. Xin cho con biết sống chân thực vì Chúa là Đấng “thông minh và chân thực vô cùng.” Amen.



28/08/19
THỨ TƯ TUẦN 21 TN
Th. Âu-gút-ti-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 23,27-32

ĐỪNG NHƯ MỒ MẢ TÔ VÔI

“Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)

Suy niệm: Hoạt động quảng cáo là một phần của đời sống hiện đại. Nó cần thiết cho cả kẻ bán lẫn người mua. Có ‘khoe’ hàng thì thiên hạ mới biết mà tìm mua chứ? Nhưng quảng cáo rất thường bị lạm dụng, đến mức người ta thổi phồng quá sự thật về chất lượng của một món hàng hay một dịch vụ, khiến nhiều kẻ ngây thơ bị lừa, dẫn đến bực tức và nghi ngờ… Khổ nỗi, vì dễ ‘xiêu lòng’ trước những nét ấn tượng bên ngoài (của quảng cáo), rất nhiều người trong chúng ta cứ tiếp tục bị lừa như thế hết lần này đến lần khác! Giả hình, xét cách nào đó, cũng là một dạng lạm dụng quảng cáo, nhưng còn tệ hại hơn nhiều, vì ở đây người ta bị đánh lừa không phải về phẩm chất của một món hàng mà là về phẩm chất của một con người. Đây là thói của những người Pha-ri-sêu, được Đức Giê-su ví với “mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy… mọi thứ ô uế.”

Mời Bạn: Nhìn ngắm Đức Giê-su và nhận ra Người dị ứng với thói giả hình biết bao. Bạn hãy tháo gỡ những lớp mặt nạ đang còn dính nơi mình, để sống chân thành, khiêm tốn, thoải mái và tự do hơn.

Chia sẻ:Này, ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp nhưng bên trong đầy mọi thứ ô uế.” Bạn cảm nghĩ gì nếu lúc này Chúa gọi thẳng tên bạn và nói như thế?

Sống Lời Chúa: Chúng ta tập thường xuyên sống trong sự hiện diện của Chúa, Đấng thấu suốt tâm can mình, để khử trừ thói phô trương hợm hĩnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con…



29/08/19
THỨ NĂM TUẦN 21 TN
Th. Gio-an Tẩy giả bị trảm quyết
Mc 6,17-29

SỐNG TRONG SỰ THẬT

“Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài.” (Mc 6,18)

Suy niệm: Gio-an Tẩy giả không phải là ánh sáng, nhưng ông làm chứng cho ánh sáng. Cả cuộc đời ông là lời chứng cho Đấng sẽ đến sau nhưng cao trọng hơn ông. Ông đã chết vì đã sống cho sự thật: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài.” Cái chết của Gio-an tiên báo cái chết của Đức Giê-su, Đấng đã tuyên bố “Thầy là sự thật,”“sự thật sẽ giải thoát anh em” (x. Ga 8,32). Không lạ gì cái chết của Gio-an đem ông vào Thiên quốc; đang khi ấy, cuộc tử nạn của Đấng là sự thật, ánh sáng, lại đem ơn giải thoát cho cả nhân loại. Còn vua Hê-rô-đê và cả bà Hê-rô-đi-a, cả hai đã không dám đối diện với sự thật, chìm đắm trong tội lỗi, bịt miệng vị ngôn sứ dám nói sự thật. Là con cái Thiên Chúa, ta hãy lấy sự thật làm kim chỉ nam cho đời sống đức tin: con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.

Mời Bạn: Mỗi ngày, chúng ta đối diện với biết bao điều thật – giả lẫn lộn. Bạn làm gì để luôn giữ được giá trị đức tin trước cám dỗ muốn thỏa hiệp với sự dữ để vinh thân phì da?

Chia sẻ: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Chỉ khi đi trên con đường mang tên Giê-su, bạn mới tìm được sự thật, và sự thật ấy dẫn bạn đến sự sống đời đời. Chia sẻ cảm nhận của mình cho mọi người, bạn nhé!

Sống Lời Chúa: Tập can đảm để sống trong sự thật, cho dẫu biết trước sẽ mất lòng người khác. Kết quả sẽ là “thà mất lòng trước mà được lòng sau.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, các thánh là những người dám sống cho Chúa và Nước Trời. Xin cho chúng con luôn can đảm sống cho chân lý đức tin như các ngài, để môi trường bớt đi sự giả dối và Nước Chúa được hiển trị. Amen.



30/08/19 THỨ SÁU TUẦN 21 TN
Mt 25,1-13

LÀ NGỌN ĐÈN LUÔN ĐẦY DẦU

“Nước Trời giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình đi đón chàng rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn…” (Mt 25,1-2)

Suy niệm: Đám rước dâu ban đêm theo tập tục Do Thái vẫn tiến hành dù không có mặt năm cô phù dâu khờ dại. Điều đáng tiếc là các cô, chỉ vì “đoảng”, mang đèn mà không mang dầu, mà bị loại khỏi cuộc vui. Điều đáng tiếc trong dụ ngôn lại là tai hoạ không thể cứu vãn nổi cho cả cuộc đời chúng ta, nếu như chỉ vì những lý do không đâu mà ta vĩnh viễn hụt mất bữa “tiệc cưới của Con Chiên” (Kh 19,6-9). Để tham dự bữa tiệc đó, không chỉ cần một vài hành động ngẫu hứng mà đủ; trái lại tâm hồn ta phải là ngọn đèn luôn đầy dầu, chất dầu yêu thương của Đức Ki-tô, luôn cháy sáng bằng cả cuộc đời sẵn sàng phục vụ.

Mời Bạn: Như để khắc hoạ lại hình ảnh người trinh nữ khôn ngoan, thi sĩ Tagore đã tự ví mình với người ca công hèn mọn, ôm cây đàn chờ đợi suốt đêm khuya, mong được vào trước thánh nhan Chúa để hát dâng Người bài ca. Phần bạn, bạn có phải là người tín hữu chỉ sốt sắng trong những ngày lễ lớn? Hay bạn chỉ năng nổ công tác tông đồ trong những dịp đặc biệt (như cứu trợ nạn nhân bão lụt chẳng hạn…)? Những điều đó quả là cần nhưng chưa đủ. Người “trinh nữ bình dầu luôn luôn đầy” là người sống tinh thần cầu nguyện trong từng giây phút bình thường của cuộc sống, là người coi việc phục vụ những người đang sống bên cạnh là việc tông đồ thường xuyên của mình.

Sống Lời Chúa: Nhẫn nại, vui vẻ phục vụ người thân cận. Trung thành với việc cầu nguyện mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đong đầy tim con bằng tình yêu Chúa, để con chiếu toả tình yêu đó qua cuộc sống luôn sẵn sàng phục vụ.



31/08/19
THỨ BẢY TUẦN 21 TN
Mt 25,14-30

LÀ ĐẦY TỚ TRUNG THÀNH

“Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh.” (Mt 25,21)

Suy niệm: “Khả năng quyết định những gì bạn có thể thực hiện. Động lực quyết định lòng nhiệt tình bạn muốn thực hiện. Thái độ quyết định cách bạn thực hiện tốt ra sao” (L. Holtz). Bài dụ ngôn hôm nay nhắc nhở ta về việc sử dụng khả năng của mình theo ý Chúa muốn, vì ta chỉ là người quản lý vốn liếng khả năng ấy. Khả năng mỗi người không ai giống ai: người năm yến, kẻ hai yến, người khác một yến. Vấn đề không phải là ta được Chúa ban cho bao nhiêu khả năng, mà là đâu là động lực thúc đẩy bạn phát triển những khả năng ấy. Hai người có năm nén và hai nén được ông chủ khen là “đầy tớ tài giỏi và trung thành,” vì có sự sáng tạo của trí óc, lòng yêu mến của con tim, sự siêng năng của đôi tay, khi sử dụng khả năng Chúa ban. Người đầy tớ đem chôn yến bạc dưới đất là hình ảnh của người đem những khả năng Chúa ban cách để sử dụng cách ích kỷ thay vì để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Mời Bạn: “Khả năng là ơn Chúa ban. Hãy khiêm tốn. Danh tiếng là do con người tặng. Hãy tri ân. Tính tự phụ do ta tạo nên. Hãy cẩn thận” (J. Wooden). Nếu tự hào, bạn hãy tự hào vì được Chúa tin tưởng giao cho mình một số khả năng để phục vụ Ngài và tha nhân.

Sống Lời Chúa: Tôi xem lại cách mình sử dụng các yến bạc Chúa ban (của cải, trí khôn, thời giờ…) cho đúng ý Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao phó cho con những yến bạc khả năng. Xin cho con không là đầy tớ tồi tệ và biếng nhác, vì chỉ sử dụng cách ích kỷ. Nhưng xin cho con là đầy tớ tài giỏi và trung thành, phục vụ Chúa và người khác. Amen.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời