Lòng nhiệt thành sốt mến của người công giáo sau cú sốc Nhà thờ Đức Bà bị cháy

2742 lượt xem

Trong những ngày sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, các cuộc tụ họp tự phát tăng lên rất nhiều.

Ngày hôm sau vụ cháy, hình ảnh cây thánh giá rọi sáng còn nguyên vẹn giữa đống đổ nát đã làm cho nhiều người công giáo chấn động. Ở Pháp cũng như trên khắp thế giới. Cha xứ Pierre-Hervé Grosjean, giáo phận Versailles đã viết câu tweet: “Bức hình này đáng giá hơn tất cả các bài giảng.” Sắp đến lễ Phục Sinh, một số người thấy đây là dấu hiệu: sau tất cả các vụ làm rung chuyển Giáo hội, đây có phải là lời kêu gọi quay về với Giáo hội, để cùng đứng với nhau, cùng xăng tay vén áo lên làm việc không? Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, giáo phận Paris giảng trong thánh lễ Truyền Dầu ngày thứ tư 17-4: “Từ sau những ngày bi thương, dường như có nhiều người nhớ lại đức tin của mình. Rất nhiều người từ lâu đã không đến nhà thờ cầu nguyện…”.

Chiều thứ tư, hơn 2000 tín hữu tham dự thánh lễ ở nhà thờ Saint-Sulpice, quận 4 nhưng có một số còn đông hơn đứng ngoài sân trước nhà thờ: 5000 bánh thánh đã được phân phối, những người đến sau phải nhận bánh thánh bị cắt làm bốn, làm tám… và cũng không đủ. Tối hôm trước, hàng trăm người trẻ tự phát quy tụ ở quảng trường Thánh Micae để cầu nguyện. Chiều thứ tư họ lại trở lại đây, “với đèn cầy, tượng Đức Mẹ và thiết bị âm thanh”. Anh Grégoire, một sinh viên cho biết: “Chúng tôi nghĩ, chúng tôi không thể nào đứng yên. Đây là một cuộc quy tụ tôn giáo, ai đến cũng được: nhiều người qua đường đã dừng lại.”

Và trong Tuần Thánh, nhiều sáng kiến đã được thực hiện, canh thức, cầu nguyện, vinh danh đã được tổ chức khắp nước Pháp. Ở Dieppe (Seine-Maritime), theo lời yêu cầu của giáo dân, họ xin cha Geoffroy de la Tousche tổ chức hai buổi cầu nguyện ngày thứ hai và thứ ba. Linh mục kể: “Một thanh niên tôi đem đến Nhà thờ Đức Bà cách đây mười mấy năm réo tôi, ngay 20h09 anh đã viết tin nhắn cho tôi: ‘Phải làm một cái gì cha ơi!’ Ngay lập tức tôi mở cửa nhà thờ Thánh Giacôbê, tôi đăng trên Facebook và tôi nhận 12 000 phản hồi! Cả bốn chục giáo dân đến cầu nguyện từ nửa khuya đến một giờ sáng. Ngày hôm sau vào lúc trưa có hàng trăm người đến, có một em bé chơi đàn ô-boa một bản nhạc trong phim Mission.”

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, dưới bầu trời mùa xuân, hàng trăm người dự đàng thánh giá do Tổng Giám mục Michel Aupetit chủ sự ở Ile de la Cité. Đối với cô Anne-Charlotte, đây là lần đầu tiên cô tham dự, cô thú nhận: “Đức tin của tôi chao đảo sau khi tôi chia tay với người yêu. Nhưng chiều thứ ba, phản xạ của tôi là quay về với Chúa. Tuần Thánh này tôi sống khác với các Tuần Thánh khác: tôi mừng cho tình tương trợ này, tôi thấy đây là các dấu chỉ của hy vọng.”

Bà Isabelle ngoài năm mươi, “đã rửa tội nhưng không còn giữ đạo”, bà đến đây là vì Đức Mẹ: Từ nhiều thế kỷ nay, Đức Mẹ đã chăm sóc chúng ta. Bây giờ là lúc chúng ta chăm sóc lại cho Đức Mẹ.” Anh Emmanuel, người không giữ đạo, tự hỏi: “Vì sao Chúa lại để cho Nhà thờ Đức Bà bị cháy? Tôi cảm thấy mặc cảm tội lỗi và thấy cần phải đóng góp xây dựng lại để bù đắp cho sự lơ là của tôi đối với di sản tôn giáo của chúng ta.”

Ông Jean-Pierre Denis, chủ biên tuần báo La Vie, tác giả quyển sách “Một người công giáo đã trốn thoát” (Un catholique s’est échappé) trả lời trên báo Figarolive: “Đây là tận thế theo đúng nghĩa Mạc khải của Chúa Kitô. Một dịp để trở lại, một dịp để nâng cao. Chúng ta hãy nhìn sự hiệp thông này chung quanh cái chết của Đại tá Beltrame, rồi Nhà thờ Đức Bà! Cuối cùng nó cho thấy chúng ta có một gắn bó sâu sắc với xứ sở kitô giáo này khi chúng ta nghĩ mình muốn loại bỏ nó.”

Ông Arnaud Bouthéon, người tổ chức sự kiện “Dame de coeur” bằng âm thanh và hình ảnh về nhà thờ chính tòa, ông cho biết, ông nhận không biết bao nhiêu là tin nhắn từ những người vô danh, họ quá đau khổ vì vụ cháy, ông khẳng định: “Phải biết đọc các dấu hiệu ở đó. Vào đúng Tuần Thánh, chuyện này dạy cho chúng ta điều gì về vấn đề tâm linh của đất nước? Nếu các nhà thờ trống thì cũng là lỗi của tín hữu, mà vì tiện nghi hay lười biếng đã không còn đi nhà thờ. Bây giờ lại có nguy cơ biến Nhà thờ Đức Bà thành viện bảo tàng tráng men lộng lẫy, để tôn vinh ‘cội nguồn kitô giáo cổ đại’ và nghệ thuật của các nhà sáng tạo đương đại của chúng ta…”.

Một sự biến đổi vội vàng Nhà thờ Đức Bà là điều đa số tín hữu không muốn. Ông Charles, người hát lễ ở Nhà thờ Đức Bà cách đây năm năm tự hỏi: “Có thể nào dự án này làm mà không có chúng tôi tham dự không? Điều làm cho chúng tôi phản ứng khi nghe ông Christophe Castaner, bộ trưởng bộ Nội vụ nói ‘đây không phải là nhà thờ chính tòa’ và nhà nước phát động một một cuộc thi kiến trúc, tổng thống muốn mọi sự sẽ xong trong năm năm. Có vẻ như một số người muốn có tên của họ ở đây. Nguyên thủ Quốc gia dù sao cũng không phải là chủ nhân của Nhà thờ Đức Bà!” Người công giáo hy vọng “sẽ có những chuyện rất đẹp chung quanh việc tái xây dựng Nhà thờ Đức Bà”.

Cô Aude, “người nói cả tuần về Nhà thờ Đức Bà ở sở làm”, cô sẽ có thể đem một hoặc hai đồng nghiệp đi lễ Phục Sinh. Linh mục Jérôme Angot, cha xứ họ đạo Thánh Tôma Aquinô quận 7 cho biết: “Qua thảm kịch này, phải hiểu Đức Mẹ đã đưa ra lời kêu gọi thống thiết cho các con cái của Mẹ phải ăn năn hoán cải, để quay về với Chúa Kitô, con yêu quý của Mẹ bị bỏ rơi!” Ngài thừa nhận: “Hơi sớm để có thể thấy việc trở lại, nhưng tôi thấy đã có một sự huy động rất mạnh của những người công giáo được thuyết phục. Sau thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, một giáo dân xa Giáo hội đã lâu đến nói với tôi, ‘sau biến cố này, các sớ thịt công giáo bị lãng quên từ thời thơ ấu đã được rung động trở lại’…”

Tác giả: Stéphane Kovacs
Marta An Nguyễn dịch từ lefigaro.fr

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận