Cao điểm Tuần chầu lượt của Giáo xứ Khe Sắn: Chiêm ngưỡng chân dung các Thánh Tử Đạo Việt Nam và noi gương các ngài sống chứng nhân cho Chúa

1569 lượt xem

Gần những ngày cuối của năm phụng vụ, vị chủ chăn Giáo phận đã có chuyến thăm mục vụ ở Giáo xứ vùng sâu vùng xa, cụ thể là Khe Sắn, một Giáo xứ nằm ở phía tây huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, giáp với biên giới Việt – Lào.

Chúa Nhật 33 thường niên, ngày 17/11/2019, Giáo xứ Khe Sắn long trọng cử hành Thánh lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam và bế mạc tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể.

Thánh lễ được cử hành vào lúc 8h00 do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự; Đồng tế với Đức cha có cha quản hạt, quý cha trong và ngoài Giáo hạt Nghĩa Yên, cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện.

Giảng trong Thánh lễ Đức Cha mời gọi cộng đoàn tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, những chứng nhân Tin Mừng trong lịch sử. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh đến thánh Micae Hồ Đình Hy, một trong những vị thánh tử đạo Việt Nam, để cùng với thánh nhân, cộng đoàn hoan hỉ ca mừng ngợi khen Thiên Chúa. Thánh Micae đã đón nhận hồng phúc tử đạo vào năm 1857 dưới thời vua Tự Đức, tại kinh thành Huế. Là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn, nhưng Micae Hồ Đình Hy cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ. Khi quân Pháp bắn phá cảng Ðà Nẵng vào năm 1858 thì ông bị bắt và bị kết án là coi thường luật nước, chống lại triều đình. Khi vua nói với ông hãy ông giả vờ bước qua thánh giá để được tha, ông đã can đảm thưa rằng: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Ðức Kitô”. Qua đó, để những ai còn cắt nghĩa, diễn tả sự hy sinh của các Thánh Tử đạo dưới lăng kính chính trị, và cho rằng các ngài liên quan đến thời thuộc địa và nhất là liên quan đến những phe nhóm nổi loạn chống chính quyền… cần phải thay đổi cái nhìn, thay đổi cách suy nghĩ. Không nên nhìn các Thánh Tử Đạo như những tội nhân, những tên loạn tặc phản quốc, những kẻ gian manh trộm cướp hay những hạng gian phi, phản bội đồng bào, ôm chân ngoại bang để bán đứng quê hương dân tộc… Những ý đồ chính trị mà người ta gán cho các ngài là do thù ghét và vu khống bất công, đồng thời muốn phủ nhận những hy sinh của các ngài trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, như đã từng muốn vùi lấp công lao của Alexandre de Rhodes trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ, chứ các ngài đâu phải là những người phản bội quê hương dân tộc. Ngược lại, chính các ngài là những người yêu quê hương dân tộc nhất, luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho đồng bào, dân tộc. Các ngài cũng là những người luôn trung hiếu với vua. Tuy nhiên, trước sự chọn lựa giữa việc tuân giữ lệnh truyền của vua và việc trung thành với Thiên Chúa, các ngài đã chọn Thiên Chúa là Vua Muôn Đời, Vua Muôn Vua! Mặt khác, nếu nghiên cứu lịch sử kỹ càng và nghiêm túc, sẽ thấy các Thừa sai đến Việt Nam từ rất sớm, các ngài đến hai thế kỷ trước thời thuộc địa của người Pháp và không hề có liên quan gì đến việc dọn đường cho thực dân xâm lược như một số người đã quy kết.

Đức Cha cũng đã nói đến những đau thương mà các thánh tử đạo đã phải chịu. Lịch sử kéo dài suốt hơn 300 năm từ năm 1580 – 1888, trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đã có khoảng 400.000 người bị lưu đày, 130.000 người chết vì đạo, trong đó chỉ có 117 vị được Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong lên bậc hiển thánh vào ngày 19/6/1988.

Có người gọi đây là giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt của những người kitô hữu Việt Nam… Thử thách mà các Kitô hữu thời đó phải trải qua là người ta bắt các ngài bước qua thập giá. Quan quân thường đặt một cây thập giá dưới đất rồi bắt các Kitô hữu bước qua. Ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được trả lại những tài sản bị tịch thu, được ban thưởng bỗng lộc, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình. Có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha; nhưng các ngài vẫn không chấp nhận một thoả hiệp nào. Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo và không chối Chúa. Và ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình dã man. Những cực hình mà các ngài đã phải chịu thì rất ghê rợn, rất man rợ, như: gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giày, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu lên rốn rồi cho bấc vào đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Ghê rợn, quyết liệt hơn thì bị trảm quyết (tức là bị chặt đầu), bị xử giảo (tức là bị thắt cổ), hay bị thiêu sống. Bị xử lăng trì, phân thây ra từng mảnh hay là xử bá đao là những hình phạt man rợ và hiểm độc nhất.

Thiết nghĩ, là con người sống trên trần gian này ai mà không sợ đau khổ, ai mà không tham danh tranh lợi, ai mà không tham sống sợ chết! Nhưng với ơn Chúa, với lòng yêu mến Chúa đã giúp các ngài vượt thắng tất cả: vượt thắng những thử thách, những cực hình dã man, thắng vũ lực, thắng quyền bính vua chúa trần gian, thắng ma quỉ, và thắng cả chính mình. Do đó, các ngài xem nhẹ khổ hình, vui mừng và hãnh diện vì được chết cho đức tin.

Kể lại những cực hình các thánh tử đạo đã chịu không phải để khơi lên ngọn lửa hận thù. Nhắc lại những năm tháng bách hại đạo trên quê hương Việt Nam không phải để oán hờn hay gieo hận cho hậu thế. Nhưng đó là cơ hội để chúng ta nhìn đến ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa rực cháy trên pháp trường năm xưa. Đó là cơ hội để chúng ta nhìn đến những giọt máu đào của cha ông chúng ta đã tắm gội mảnh đất hình chữ S này, nhờ đó, đức tin của con cháu hôm nay đứng vững trước mọi thử thách của thời cuộc.

Qua đó, Đức cha mong muốn những người con của Giáo xứ Khe Sắn biết cầu nguyện với các thánh tử đạo, hầu mong nhờ lời bầu cử đắc lực của các ngài, giúp bà con nơi đây vượt qua được những thử thách trong cuộc sống, nhất là về đời sống đức tin, dẫu còn những vất vả gian khó, nhiều khi bị người đời sỉ vả, hơn nữa là bị bắt bớ vì đạo Chúa, thì cũng một lòng trung thành cho đến cùng.

Kết thúc bài giảng, một lần nữa ngài nhắn nhủ cộng đoàn noi gương những vị anh hùng tử đạo, sống một cuộc đời như các ngài hi sinh cho Nước Chúa, phải tiếp bước cha ông, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Thật thế, sống giữa một xã hội như ngày hôm nay, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải sống làm chứng cho sự thật, trước những gian manh xảo trả của người đời, cần hơn hết một tiếng nói của lương tâm ngay thẳng, một hành động tốt giúp người khác bớt gánh nặng. Hy vọng rằng, qua những lời giáo huấn của Đức Cha, cộng đoàn Giáo xứ Khe Sắn sẽ có thêm sự hăng say, lòng nhiệt thành, và nhất là biết vượt qua những khó khăn để góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô phục sinh.

Antôn. Anh Tuấn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận