“Lạy Chúa, dù qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.” (TV 23:4).
Từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội để trở thành con cái Chúa cách đây hơn một năm, ông Trần Thiện Khiêm, nguyên Thủ tướng VNCH, bây giờ trở nên khác trước. Ông nói, cảm nghiệm “Thiên Chúa ở cùng” làm ông luôn cảm thấy an tâm, thư thái và vui vẻ.
Trước đây, mặc dù đang an dưỡng tuổi già, ông vẫn hay cảm thấy căng thẳng, tâm hồn nặng trĩu những lo lắng, ưu tư. Anh Bá, người cháu gọi ông bằng chú, nói rằng, từ khi theo đạo, ông vui vẻ hẳn lên, điều gì ông cũng nói “Chúa sẽ lo liệu”.
Lịch sinh hoạt mỗi ngày của ông bây giờ cũng khác. Mỗi sáng sớm ông bắt đầu một ngày với làm dấu thánh giá và đọc những câu kinh quen, kinh Lạy Cha, kinh Sáng Danh, kinh về Đức Mẹ, và suy niệm. Mỗi tối ông cũng làm như vậy. Vào mỗi Chúa Nhật, vì sức khỏe kém không thể đến nhà thờ, ông dự lễ qua màn ảnh Tivi.
Ông nói, “Đức tin tôi còn yếu kém, nhưng tôi cảm nhận được Thiên Chúa thứ tha, được Ngài gánh mọi tội lỗi của mình, được Ngài thương cứu mình, và không để mình hư mất”. Với tư tưởng Thiên Chúa hiện diện nơi mình, ông sẵn sàng để Chúa dẫn dắt và quên đi chính mình: “Khi thấy Chúa vì mình mà khổ đau, tôi cũng học chấp nhận những hiểu lầm và tổn thương nên cảm thấy nhẹ lòng.”
Năm ngoái, khi đang nằm điều trị tại dưỡng đường Mission De La Casa, San Jose của Bác Sĩ Ngãi, do bị gãy xương chân, ông Khiêm hỏi chị Mai, một người thân quen giúp chăm sóc ông, “Chị có biết ông linh mục nào ở gần đây không, tôi muốn gặp?” Lúc ấy, thấy cha Justin Lê Trung Tướng đang viếng thăm cụ thân sinh của cha dưỡng bệnh ở phòng bên cạnh, chị Mai liền mời đến gặp ông Khiêm.
Hai người nói chuyện với nhau, và khi ông Khiêm ngỏ lời muốn theo đạo, cha chỉ hỏi ông một số điều cần tin trong Kinh Tin Kính, rồi sắp xếp lễ rửa tội cho ông. Thông thường, một người muốn theo đạo, họ cần được hướng dẫn giáo lý một thời gian, nhưng với ông Khiêm, đức tin dường như đã chín mùi, cha thấy không cần phải qua các thủ tục thông thường.
Trong bài giảng thánh lễ, cha nói, “Bản thân cụ chưa là tín hữu Công Giáo nhưng đã xác tín là con cái Chúa. Bây giờ, trở nên tín hữu là dịp để tạ ơn Chúa. Cụ xác tín Chúa yêu thương và sắp xếp mọi việc tốt đẹp theo thánh ý Ngài… Được rửa tội là được sinh ra trong ơn nghĩa Chúa hôm nay và mãi mãi. Chọn Chúa là xin Chúa dẫn đến quê trời với sự sống đời đời.”
Ông Khiêm sinh ngày 15/12/1925 tại Châu Thành, Long An, năm nay 94 tuổi. Với phép rửa tội, ngày 25/3/2018 là ngày sinh nhật mới của ông, được sinh ra trong đức tin. Ông nói, ông theo đạo là do ý muốn của mình, không có gì ràng buộc hoặc ai thúc ép gì cả.
Ông kể, lúc còn niên thiếu 9, 10 tuổi, sống ở xóm đạo nhà thờ Huyện Sĩ, Sài Gòn, ông sinh hoạt với các bạn cùng trang lứa trong đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, rồi được học trường đạo nên hiểu biết ít nhiều câu kinh và lẽ đạo. Khi lớn lên ở trong quân đội, nhiều bạn Mỹ vẫn hay gọi ông là “Catholic Khiêm”, ông cũng chẳng đính chính, “vì thấy mình cũng như là người có đạo, mặc dầu chưa được rửa tội”.
Trong gia đình dòng tộc của ông đã có nhiều người theo đạo, gồm cả cô em gái, những đứa cháu, người anh em họ là cụ Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch Thượng Viện VNCH… Nhưng khi ông muốn chính thức là tín hữu Công Giáo, con đường dẫn đến đức tin cũng không khỏi gập ghềnh.
Cách đây năm năm, qua sự sắp xếp của Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình và vài người bạn trong Phong Trào Cursillo Việt Nam San Jose, ông đã gặp và trò chuyện lâu giờ với Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, một người ông có mối đồng cảm sâu đậm. Cuộc gặp gỡ nhằm trao đổi nhiều vấn đề, và họ không quên nói đến vấn đề tâm linh. Sau cuộc gặp tại San Jose nầy, ý định chịu phép rửa tội càng thôi thúc ông. Từ đó, các bạn chuẩn bị các bước cho ông vào đạo, và ông ước mong được dịp Đức Cha Hợp ban phép rửa tội cho.
Nhưng Chúa có kế hoạch của Ngài. Khi trở về nhà tại San Diego, ông đã bị té và việc học đạo để lãnh nhận bí tích bị gián đoạn.
Những ngày đầu năm dương lịch 2018, sau khi sức khỏe được phục hồi, ông lại lên San Jose gặp gỡ bạn bè và tham dự một buổi tiệc của đồng hương Miền Nam. Sau buổi tiệc, ông lại bị té, và phải vào bệnh viện để chữa trị. Sau khi vết thương thuyên giảm, ông được đưa vào tĩnh dưỡng ở dưỡng đường của Bác sĩ Ngãi. Ông nói, lúc nầy cảm thấy buồn, cô đơn và cũng là lúc mà tia sáng đức tin hiện đến, tâm hồn ước mong vươn ra xa cái hạn hẹn của cuộc sống hằng ngày.
Khi chọn tên thánh rửa tội, ông phân vân giữa thánh Phêrô và Phaolô, là hai vị đều có tội với Chúa, một ông chối Chúa, một ông bắt đạo Chúa, nhưng họ đều thay đổi, trở nên là những môn đệ mến Chúa hết lòng; cuối cùng, ông chọn tên thánh Phaolô, một người ngoại giáo, nhưng vì tình thương, Chúa đã quật ngã ông.
Hồi tưởng lại quá khứ, ông nói, người ảnh hưởng sâu xa trong việc theo đạo của ông là Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Ông bị lưu vong, tưởng không còn ngày về, nhưng rồi được Tổng Thống Thiệu mời về nước; và người hay tới thăm và an ủi là Đức cha Thuận. Chính thái độ và tấm lòng bao dung của Đức cha Thuận đã làm ông hết sức cảm động và nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa hiện diện.
Theo đạo, ông cảm thấy mình không hết khó khăn và thử thách, nhưng không thấy cô đơn. Ngoài việc đọc kinh mỗi ngày, ông còn đọc Thánh Kinh, nghe nhạc đạo, theo dõi các diễn biến thời sự, trò chuyện với bạn bè. Ông còn quen thêm các bạn mới trong đạo. Gặp gỡ bạn bè giúp ông tìm thấy niềm vui mỗi ngày.
Ông nói, “Thật cảm động, sau khi tôi theo đạo vài tháng, Đức cha Hợp sang Hoa Kỳ thăm tôi. Tôi cũng có dịp gặp lại Cha Tướng, người đã ban phép rửa tội cho tôi, gặp các cha và nhiều người bạn ở San Jose”. Với ân sủng đức tin, ông thấy không còn ước ao gì nữa, chỉ mong đến ngày được về với Chúa trong an bình.
Trong nhiều bản thánh ca ưa thích, ông thích nhất bài “Năm xưa trên cây sồi”, là bài ông nghe mỗi ngày, vì những ca từ phản ảnh tâm tư của ông. Bài ca cũng nguyện cầu cho đất nước và dân tộc mà ông hằng yêu mến, “Mẹ Maria ơi, Mẹ Maria ôi, con vâng nghe Mẹ rồi, sớm chiều từ nay thống hối; Mẹ Maria ơi, Mẹ Maria ôi, xin Mẹ đoái thương nhậm lời, cho nước Việt xinh tươi, đức tin sáng ngời.”
Trần Hiếu
Có thể bạn quan tâm
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Mục vụ Giáo Xứ Tràng Lưu Trong Tuần..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXII TNB: Ai Vui Vẻ Dâng Hiến Thì Được..
Th11