Lời Chúa làm nên căn tính và sứ vụ của người Kitô hữu thế nào thì cũng xây dựng gia đình trần thế trong căn tính và sứ vụ của riêng nó. Căn tính của gia đình là lắng nghe Lời Chúa. Sứ vụ của gia đình là thực hành Lời Chúa.
Để Lời Chúa làm nên căn tính và sứ vụ của mình, mỗi gia đình cần nhìn nhận những đặc tính của Lời Chúa hòa quyện trong đời sống hôn nhân gia đình mình như thế nào. Sau đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận hạt giống Lời đang được gieo vãi trong tâm hồn mỗi người nam người nữ thánh thiện như thế nào khi bước vào và sống trong đời sống này. Sau cùng, chúng ta cần mang lấy nhận định của Tin Mừng hầu làm sinh hoa kết quả đời sống hôn nhân gia đình trong đời sống Hội thánh theo như ý định của Thiên Chúa.
Đặc tính của Lời
Được Lời Chúa dưỡng nuôi, đời sống hôn nhân và gia đình kín múc được những đặc tính của Lời Chúa thấm đẫm trong đời sống hôn nhân, gia đình và của mỗi thành viên trong gia đình Kitô giáo.
Lời Chúa là vĩnh hằng. Gia đình cũng vĩnh hằng theo khuôn mẫu của Lời Chúa. Gia đình đó là cộng đoàn được tình yêu được thiết lập theo cộng đoàn tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Gia đình được ở cùng với Thiên Chúa khi Người tạo dựng vũ trụ, tạo dựng nên người nam người nữ và làm cho họ nên một. Lời Chúa vẫn còn vang vọng đến ngày nay và còn vang vọng đến mọi thời mọi nơi và gia đình cũng thế. Gia đình phổ quát sẽ tồn tại mãi mãi khi con người tồn tại trên dương thế này.
Lời Chúa là phổ quát. Lời Chúa là dành cho tất cả mọi người. Lời Chúa đang nói trong tim mỗi người, chỉ là họ có nhận ra Lời Chúa mời gọi hay không. Gia đình Kitô giáo cũng được mời gọi mang đặc tính phổ quát này mà đem tình yêu hôn nhân gia đình làm chứng và thắp sáng cho thế giới này.
Lời Chúa thì sống động. Gia đình là một cộng đoàn được làm nên bởi những con người, những ngôi vị riêng biệt, những con người được Thiên Chúa thổi hơi và trao ban sự sống. Mỗi gia đình được Lời Chúa soi dẫn và nuôi dưỡng sẽ làm cho mỗi ngôi vị ấy ý thức về phẩm giá của mình hơn để sống như những người con đích thực của Thiên Chúa: biết yêu thương, biết nhìn nhận chính mình để sống với Thiên Chúa và tha nhân. Như thế, mỗi thành viên trong gia đình sẽ bước đi như những con cái của sự sống.
Lời Chúa là tình yêu, niềm vui và hy vọng. Mỗi gia đình cũng được mời gọi trở nên cộng đoàn tình yêu, niềm vui và hy vọng khi sống giữa thế gian này. Tình yêu, niềm vui và hy vọng là chìa khóa giúp con người sống trọn vẹn nghĩa với Thiên Chúa, với nhau trong tình nghĩa phu thê, phụ tử, mẫu tử và con thảo.
Lời Chúa thì sáng tạo. Đời sống hôn nhân gia đình cũng mang lấy vẻ đẹp sáng tạo của Thiên Chúa. Sáng tạo trong việc sinh sản con cái. Sáng tạo khi cai quản vũ trụ này. Sáng tạo trong việc nuôi dưỡng con cái. Sáng tạo trong tình nghĩa phu phụ. Sáng tạo khi xây dựng gia đình thành một vườn địa đàng của tình yêu, tự do, hy sinh và phục vụ lẫn nhau.
Hạt giống của Lời
(Tông huấn Niềm vui của Tình yêu – Amoris Laetitia – số 76-79)
“Tin mừng về gia đình cũng nuôi dưỡng những hạt giống vẫn đang chờ phát triển chín muồi, và phải chăm sóc những cây đang bị khô héo và nhất thiết không được bỏ bê”, theo cách, khởi đi từ ơn huệ của Đức Kitô trong bí tích, đôi vợ chồng cần “được kiên trì hướng dẫn hơn nữa, để đạt được một sự hiểu biết phong phú hơn và một sự hội nhập đầy đủ hơn Mầu nhiệm này vào đời sống của họ”.
Theo lời dạy của Thánh Kinh mọi sự đã được tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô (x. Cl 1,16), các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã nhắc nhở rằng “trật tự cứu chuộc soi sáng và hoàn thành trật tự tạo thành. Vì thế, hôn nhân tự nhiên được hiểu một cách đầy đủ trong ánh sáng sự hoàn thành của nó trong Bí tích Hôn Phối: chỉ bằng cách nhìn chăm chú lên Đức Kitô người ta mới nhận biết sự thật sâu xa nhất về các mối tương quan nhân loại. “Chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mầu nhiệm về con người mới thật sự được sáng tỏ. […] Chúa Kitô, Ađam mới, chính trong khi mạc khải mầu nhiệm về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quí của mình” (GS, 22).
Bởi thế thật thích hợp để hiểu những thuộc tính tự nhiên của hôn nhân, thiện ích của đôi vợ chồng, theo viễn tượng qui Kitô (bonum coniugum)”, những thiện ích ấy bao gồm sự hiệp nhất, sự mở ra đón nhận sự sống, sự chung thủy, tính bất khả phân li, và trong hôn nhân Kitô giáo còn có sự nâng đỡ nhau trên con đường hướng đến tình bạn trọn vẹn với Chúa.
“Việc phân định sự hiện diện của ‘các hạt giống Lời’ (semina Verbi) trong các nền văn hóa khác (x. Ad Gentes 11) cũng có thể áp dụng cho thực tại hôn nhân và gia đình. Bên cạnh hôn nhân tự nhiên đích thực, trong những hình thức hôn nhân trong các truyền thống tôn giáo khác cũng có các yếu tố tích cực”, cho dù cũng không thiếu bóng tối.
Chúng ta có thể khẳng định rằng “Người nào muốn xây dựng trong thế giới này một gia đình nơi mà con cái được dạy cho biết vui thích với mọi hành động nhằm thắng vượt sự dữ – một gia đình chứng minh Thánh Thần đang sống và hoạt động – thì sẽ nhận được lòng biết ơn và sự trân trọng, cho dẫu họ thuộc dân tộc, tôn giáo hay vùng miền nào đi nữa”.
“Ánh nhìn của Đức Kitô, là ánh sáng chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9; GS, 22), sẽ gợi hứng cho Hội thánh trong việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu đang đơn thuần sống chung, hay chỉ kết hôn dân sự hay đã li dị tái hôn. Trong viễn tượng của khoa sư phạm thần linh, Hội thánh yêu thương hướng đến những ai tham dự vào đời sống của Hội thánh một cách không hoàn hảo: Hội thánh cùng với họ cầu xin ơn hoán cải, khích lệ họ làm điều thiện, ân cần yêu thương chăm sóc lẫn nhau và phục vụ cộng đồng nơi họ sống và làm việc. […] Một khi sự kết hợp đạt được một mức ổn định đáng kể xuyên qua một mối ràng buộc công khai – và cho thấy có một tình cảm sâu đậm, trách nhiệm đối với con cái và khả năng vượt qua các thử thách – thì có thể được xem như một cơ hội, để nếu có thể, đồng hành với họ hướng tới Bí tích Hôn Phối”.
Nhận định theo Tin Mừng
(Tông huấn Familiaris Consortio, số 4-5)
Vì ý định Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình liên hệ đến người nam và người nữ trong đời sống cụ thể hằng ngày trong một hoàn cảnh xã hội và văn hóa nào đó, nên để chu toàn công việc phục vụ của mình, Hội thánh phải tìm cách nhận biết những hoàn cảnh trong đó hôn nhân và gia đình ngày hôm nay đang sống.
Trong công việc rao giảng Tin Mừng, việc nhận biết ấy là một đòi hỏi không thể coi thường. Thật vậy, đối tượng mà Hội thánh đang phải giới thiệu Tin Mừng bất biến và luôn mới mẻ của Đức Giêsu Kitô chính là các gia đình của thời đại chúng ta: những kẻ đang được mời gọi đón nhận và sống điều Thiên Chúa đã vạch ra cho các gia đình trong những điều kiện hiện nay của thế giới. Hơn nữa, những đòi hỏi, những lời mời gọi của Thánh Thần cũng đang vang lên qua những biến chuyển lịch sử, và vì thế có thể làm cho Hội thánh hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm sâu thẳm của hôn nhân và gia đình, bắt đầu từ những hoàn cảnh, vấn đề, âu lo và hy vọng của các thanh niên, các đôi vợ chồng và các bậc cha mẹ ngày nay.
Thêm vào đó, còn phải nêu lên một suy tư đặc biệt quan trọng trong thời đại hiện nay. Trong khi những người nam và những người nữ ngày nay đang thành tâm và nghiêm chỉnh tìm kiếm một giải đáp cho những vấn đề hằng ngày và hệ trọng trong đời sống hôn nhân và gia đình của họ, lắm lúc, họ đã được cung cấp những cái nhìn và những đề nghị dưới dáng vẻ hấp dẫn nhưng không nhiều thì ít sẽ nguy hại cho chân lý và phẩm giá con người. Sự cung cấp đó thường được nâng đỡ bởi các phương tiện truyền thông xã hội đầy quyền lực và phổ biến khắp nơi, những phương tiện đang có thể, một cách rất tinh vi, làm cho con người bị mất tự do và khả năng phán đoán khách quan.
Nhiều người đã ý thức được mối nguy đe dọa đến nhân phẩm nêu trên, nên quyết tâm hành động cho sự thật. Nhận định theo Tin Mừng, Hội thánh liên kết cùng những người ấy, tích cực góp phần phục vụ sự thật, tự do và nhân phẩm của mọi người nam nữ.
Nhờ nhận định rõ ràng, Hội thánh đề nghị một đường hướng cho phép cứu vãn và thực hiện tất cả sự thật và trọn vẹn về phẩm giá của hôn nhân và gia đình.
Nhận định này có được là nhờ cảm thức đức tin, ơn mà Thánh Thần ban cho tất cả mọi tín hữu. Do đó, đây là một công việc của cả Hội thánh, theo những ơn ban và đoàn sủng khác nhau, tùy trách nhiệm riêng biệt của mọi người, là những ơn đang cùng chung sức tác động để giúp Hội thánh hiểu biết sâu xa hơn về Lời Chúa mà đem ra thực hành.
Như thế, Hội thánh thực hiện việc nhận định theo Tin Mừng không phải chỉ do các chủ chăn, những vị giảng dạy nhân danh Chúa Kitô và với quyền bính của Người, nhưng còn do giáo dân mà Chúa Kitô đã đặt làm “những chứng nhân, khi Ngài ban cho họ cảm thức đức tin và ơn sử dụng ngôn ngữ (x. Cv 2,17-18; Kn 19,10) để sức mạnh Tin Mừng được sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội”. Hơn nữa, do ơn gọi riêng của mình, giáo dân có một nhiệm vụ đặc biệt là diễn giải lịch sử thế giới này theo ánh sáng Đức Kitô, vì họ được mời gọi phải soi sáng và xếp đặt các thực tại trần thế theo ý định của Thiên Chúa Sáng Tạo và Cứu Chuộc.
“Cảm thức siêu nhiên về Đức Tin” không phải chỉ hệ tại cũng không nhất thiết phải hệ tại vào sự đồng ý chung của các tín hữu. Theo chân Đức Kitô, Hội thánh đi tìm chân lý, mà chân lý không phải bao giờ cũng trùng hợp với quan niệm của số đông. Hội thánh nghe theo lương tâm chứ không nghe theo quyền lực và bằng cách đó, Hội thánh bảo vệ những người nghèo và những người bị khinh dễ. Hội thánh có thể dựa vào việc nghiên cứu xã hội và thống kê khi việc ấy tỏ ra hữu ích để hiểu được bối cảnh lịch sử, trong đó Hội thánh phải thi hành việc mục vụ, và để biết rõ sự thật hơn; nhưng đừng nghĩ rằng việc nghiên cứu ấy đã là sự diễn tả cảm thức Đức tin.
Vai trò thừa tác vụ tông đồ là bảo đảm cho Hội thánh được kiên trì trong sự thật của Đức Kitô và làm cho Hội thánh tiến sâu hơn nữa vào sự thật ấy. Do đó các chủ chăn phải làm phát triển cảm thức đức tin nơi mọi tín hữu, khảo sát và phê phán một cách có thẩm quyền về tính trung thực của những cách diễn tả cảm thức ấy, và huấn luyện các tín hữu biết theo Tin Mừng để nhận định mỗi lúc một chín chắn hơn.
Để luyện được một nhận định đích thực theo Tin Mừng giữa những hoàn cảnh và những nền văn hóa khác biệt trong đó người nam và người nữ đang sống đời hôn nhân và gia đình, các đôi bạn và các bậc cha mẹ Kitô hữu có thể và phải đóng góp phần riêng không thể thay thế được của mình. Về điểm này họ có khả năng, nhờ đoàn sủng riêng của Bí tích Hôn Phối.
Giuse Thế Nguyễn
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12