Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa Nhật 20 Thường Niên năm B (19/8/2018) – Tầm quan trọng của sự hiệp thông với Chúa Giêsu
Anh chị em thân mến,
Đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Ga 6,51-58) dẫn chúng ta vào phần thứ hai của bài diễn từ của Chúa Giêsu tại hội đường ở Capharnaum, sau khi đã cho đám đông dân chúng được ăn no từ 5 chiếc bánh và 2 con cá; sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chúa Giêsu giới thiệu mình như “bánh hằng sống từ trời xuống”, là bánh ban sự sống đời đời, và Người nói thêm: Bánh Ta sẽ ban là chính thịt Ta, để cho thế gian được sống” (câu 51).
Đoạn Tin mừng này có tính chất quyết định và thật sự nó đã khiến cho các thính giả phải phản ứng; họ bắt đầu tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (câu 52). Khi dấu chỉ bánh được chia sẻ cho thấy ý nghĩa thật sự của nó, đó là sự trao ban chính mình làm của lễ hy sinh, thì lại xuất hiện sự không hiểu, lại nổi lên cả sự chối từ chính Đấng mà không lâu trước đó họ muốn tôn phong. Chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu phải tránh đi, phải ẩn đi, bởi vì họ muốn tôn phông Ngài lên làm vua. Giây phút vinh thắng, rồi sau đó chối bỏ, bởi vì họ không thích những lời này của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu khẳng định: ‘Nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi sẽ không có sự sống nơi mình’ (câu 53). Ở đây, thịt và máu trong ngôn ngữ Thánh kinh diễn tả con người cụ thể. Dân chúng và chính các môn đệ nhận ra rằng Chúa Giêsu mời gọi họ hiệp thông với Ngài, mời gọi họ “ăn” Ngài, con người của Ngài, để chia sẻ với Ngài món quà sự sống cho thế gian. Hơn là chiến thắng và ảo ảnh của thành công! Chính qua lễ hy sinh Chúa Giêsu ban tặng chính Ngài cho chúng ta.
Bánh sự sống này, bí tích Mình và Máu Chúa Kitô, được ban tặng nhưng không cho chúng ta trong bàn tiệc Thánh Thể. Ở nơi bàn thờ chúng ta tìm thấy điều giúp chúng ta không còn đói khát về thiêng liêng, hôm nay và mãi mãi. Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, trong một nghĩa nào đó, chúng ta tham dự trước nước trời trên trần thế, bởi vì từ lương thực Thánh Thể, Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta học điều gì là sự sống vĩnh cửu. Đó là sống nhờ Chúa, như Chúa nói: “Kẻ ăn Ta sẽ sống nhờ Ta” (câu 57). Thánh Thể tạo hình chúng ta bởi vì chúng ta không chỉ sống cho chính mình, nhưng sống cho Chúa và cho tha nhân. Hạnh phúc trong cuộc sống và cuộc sống vĩnh cửu hệ tại ở việc chúng ta có khả năng làm cho tình yêu Tin mừng được sinh sôi khi chúng ta lãnh nhận Thánh thể.
Hôm nay, như ngày xưa đó, Chúa Giêsu lập lại với chúng ta: “Nếu các con không ăn thịt và uống máu Con Người, các con không có sự sống nơi các con” (câu 53). Đó không phải là lương thực vật chất, nhưng là bánh sự sống và hằng sống, trao ban chính sự sống của Thiên Chúa. Khi chúng ta rước lễ, chúng ta nhận chính sự sống của Thiên Chúa và để có sự sống này, chúng ta cần nuôi dưỡng mình bằng Tin mừng và tình yêu tha nhân. Trước lời mời gọi của Chúa Giêsu nuôi dưỡng mình bằng chính Mình và Máu Ngài, chúng ta có thể cảm thấy cần tranh luận và chống lại, như những thính giả trong bài Tin mừng hôm nay đã làm. Điều này xảy ra khi chúng ta không thể sống theo cách thế của Chúa Giêsu, khi chúng ta khó phản ứng theo tiêu chuẩn của Ngài, chứ không theo tiêu chuẩn của thế gian. Khi nuôi dưỡng mình bằng lương thực này, chúng ta có thể hoàn toàn trở nên đồng điệu với Chúa Kitô, với các tâm tình cũng như cách hành xử của Ngài. Do đó, hiệp thông với Chúa thật là quan trọng; thật là quan trọng khi tham dự Thánh lễ và rước lễ, bởi vì đó là lãnh nhận Mình Chúa Kitô, là lãnh nhận Chúa Kitô, Đấng biến đổi chúng ta từ bên trong và nhận Chúa Kitô hằng sống, Đấng chuẩn bị chúng ta lãnh nhận nước trời.
Xin Đức Trinh nữ Maria nâng đỡ ý muốn hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, khi nuôi dưỡng mình với Thánh Thể của Ngài, để đến lượt chúng ta cũng trở thành bánh được bẻ ra cho anh chị em chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa Nhật 20 Thường Niên năm B (16/8/2015) – Rước Chúa để trở nên như Ngài
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong những Chúa Nhật này, phụng vụ đang đề nghị với chúng ta, từ Tin Mừng theo thánh Gioan, bài diễn văn của Cúa Giêsu về bánh sự sống là chính Ngài và cũng là bí tích Thánh Thể. Đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 6,51-58) trình bày phần cuối cùng trong diễn văn ấy, và kể lại: một số người trong dân chúng cảm thấy như bị vấp phạm vì Chúa Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sự sống đời đời và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54). Sự ngỡ ngàng của những người nghe Chúa là điều dễ hiểu; thực vậy Chúa Giêsu dùng kiểu nói tiêu biểu của các ngôn sứ để khơi dậy nơi dân chúng – và cả nơi chúng ta – những thắc mắc và sau cùng, khơi lên một quyết định.
Trước tiên là những thắc mắc: “Ăn thịt và uống máu” Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Đó chỉ là một hình ảnh, một kiểu nói, một biểu tượng, hay nói lên một cái gì thực sự? Để trả lời, ta cần nhận thức điều xảy ra trong tâm hồn Chúa Giêsu trong khi Ngài bẻ bánh cho đám đông dân chúng đang đói. Biết mình sẽ phải chết trên thập giá vì chúng ta, Chúa Giêsu tự đồng hóa với bánh được bẻ ra và phân chia như thế, và bánh ấy đối với Ngài trở thành “dấu chỉ” Hy Tế đang chờ đợi Ngài. Tiến trình này có tột đỉnh trong Bữa Tiệc Ly, trong đó bánh và rượu trở thành Mình và Máu Ngài thực sự. Đó là Thánh Thể, mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta với mục đích một rõ ràng: để chúng ta trở nên một với Ngài. Thực vậy, Chúa nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy” (v. 56). Động từ “ở lại”: Chúa Giêsu ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa Giêsu. Sự hiệp thông là sự hấp thụ, đồng hóa: khi ăn Ngài, chúng ta trở nên như Ngài. Nhưng điều này đòi sự ưng thuận của chúng ta, sự gắn bó của chúng ta trong đức tin.
Nhiều khi, ta nghe thấy vấn nạn này về Thánh Lễ: “Nhưng Thánh Lễ có ích gì? Tôi đi nhà thờ khi tôi cảm thấy cần, hoặc tôi cầu nguyện tốt đẹp hơn trong cô tịch”. Nhưng Thánh Lễ không phải là một kinh nguyện riêng tư hoặc một kinh nghiệm thiêng liêng đẹp đẽ, không phải chỉ là gợi lại điều mà Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly. Để hiểu rõ, chúng ta nói rằng Thánh Thể là “lễ tưởng niệm”, hay là một cử chỉ hiện tại hóa và làm cho biến cố cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu hiện diện: bánh thực là Mình Chúa ban cho chúng ta, rượu thực là Máu Ngài đổ ra vì chúng ta.
Thánh Thể là chính Chúa Giêsu hoàn toàn hiến thân cho chúng ta. Nuôi dưỡng mình bằng Chúa và ở lại trong Ngài nhờ sự hiệp thông thánh thể, nếu chúng ta làm điều này với đức tin, thì nó biến đổi cuộc sống chúng ta, biến cuộc sống chúng ta thành một sự dâng hiến cho Thiên Chúa và anh chị em chúng ta. Nuôi sống mình bằng “Bánh Sự Sống” ấy có nghĩa là bước vào sự hòa hợp với con tim của Chúa Giêsu, hấp thụ những quyết định của Chúa, các tư tưởng, thái độ của Ngài. Nó có nghĩa là đi vào năng động yêu thương và trở thành những con người hòa bình, con người tha thứ, hòa giải, chia sẻ liên đới. Đó cũng chính là những điều Chúa Giêsu đã làm.
Chúa Giêsu kết luận bài diễn văn của Ngài bằng những lời này: “Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,58). Đúng vậy, sống hiệp thông thực sự với Chúa Giêsu trên mặt đất này làm cho chúng ta tiến từ cái chết sang sự sống. Trời bắt đầu ngay từ trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu.
Và trên trời, Đức Maria Mẹ chúng ta đang chờ đợi chúng ta – chúng ta đã mừng mầu nhiệm này hôm qua. Xin Mẹ làm cho chúng ta được ơn luôn nuôi sống mình bằng niềm tin nơi Chúa Giêsu, Bánh sự sống.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa Nhật 20 Thường Niên năm B (19/8/2012) – Thánh Thể diễn tả trọn vẹn lòng khiêm tốn và sự thánh thiện của Thiên Chúa
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Xc. Ga 6,51-58) là phần cuối cùng và cao điểm trong bài diễn văn của Chúa Giêsu tại Hội đường thành Cafarnaum, ngày hôm sau khi Chúa Giêsu cho hàng ngàn người ăn no chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa Giêsu biểu lộ ý nghĩa phép lạ ấy, nghĩa là thời điểm những lời hứa đã được viên mãn: Thiên Chúa Cha, xưa kia đã nuôi dân Israel trong sa mạc bằng manna, nay Ngài sai Con đến như Bánh hằng sống, và bánh này chính là mình Người, là sự sống được hiến tế vì chúng ta. Vì thế, vấn đề ở đây là đón nhận Chúa trong đức tin, đừng vấp phạm vì lòng khiêm tốn của Chúa; vấn đề ở đây là “ăn thịt và uống máu Chúa” (Xc Ga 6,54), để được sự sống sung mãn. Hiển nhiên là diễn văn này không được nói lên để thu hút sự đồng ý. Chúa Giêsu biết điều đó và Ngài cố tình nói như thế; và thực tế đó là một thời điểm gay go, một khúc quanh trong sứ vụ công khai của Ngài. Dân chúng, và cả các môn đệ, trước đây rất phấn khởi vì Ngài, khi Ngài làm phép lạ; và cả việc hóa bánh ra nhiều cũng là một sự mạc khải về Đức Messia, đến độ ngay sau đó, dân chúng muốn tung hô Chúa Giêsu và tôn Ngài là vua của Israel. Nhưng chắc chắn ý Chúa Giêsu không như vậy, và với bài diễn văn dài, Chúa muốn làm dịu bớt sự phấn khởi của dân chúng và tạo nên sự bất đồng nơi nhiều người. Thực vậy, Chúa giải thích hình ảnh bánh và khẳng định mình đã được sai đến để hiến mạng sống, và ai muốn theo Ngài, thì phải kết hiệp với Ngài trong sự thân tình sâu xa, tham gia vào hy tế tình thương của Ngài. Vì thế, sau đó Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly: để các môn đệ có thể sở hữu nơi mình tình thương của Chúa, và như một thân mình duy nhất được hiệp nhất với Ngài, họ có thể kéo dài mầu nhiệm cứu độ của Chúa trong thế giới.
Khi nghe bài diễn văn này, dân chúng hiểu rằng Đức Giêsu không phải là một vị Messia như họ mong muốn, một vị khao khát ngai vàng trần thế. Ngài không tìm kiếm sự đồng thuận để chinh phục thành Jerusalem; trái lại, Ngài muốn đến Thành Thánh để chia sẻ số phận của các vị ngôn sứ: nghĩa là hiến mạng sống vì Thiên Chúa và cho dân. Những tấm bánh đó, được bẻ ra cho hàng ngàn người, không muốn khơi lên một hành trình đắc thắng, nhưng tiên báo hy tế trên Thập Giá, trong đó Chúa Giêsu trở thành Bánh được bẻ ra nuôi nhiều người, trở thành mình và máu được dâng hiến để đền tội, cho thế gian được sống. Vì thế, Chúa Giêsu trình bày bài diễn văn ấy để cho đám đông dân chúng tỉnh ngộ, và nhất là để khơi lên nơi các môn đệ một quyết định. Và thực tế là, từ lúc đó, nhiều môn đệ không còn theo Ngài nữa.
Các bạn thân mến, chúng ta hãy để cho mình tái kinh ngạc vì những lời của Chúa Kitô: Ngài là hạt lúa được gieo vào lòng lịch sử, là hoa trái đầu mùa của nhân loại mới, được giải thoát khỏi sự hư nát của tội lỗi và chết chóc. Và chúng ta tái khám phá vẻ đẹp của Bí tích Thánh Thể, diễn tả trọn vẹn tất cả sự khiêm tốn và thánh thiện của Thiên Chúa: Ngài trở nên bé nhỏ, trở thành một mảnh nhỏ của vũ trụ để hòa giải trọn vẹn vũ trụ trong tình thương.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã ban cho thế giới Bánh Sự Sống, dạy chúng ta luôn sống kết hiệp sâu xa với Chúa.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
BTT. HĐGMVN tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Tết Trung Thu: Chúa Giêsu yêu mến các thiếu nhi
Th9
Học Viện Công Giáo Việt Nam Khai Giảng Niên Khóa 2024 – 2025
Th9
174 em thiếu nhi Giáo xứ Tân Phương & Vĩnh Cư lãnh nhận..
Th9
Giới Thiệu Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao – Nơi Diễn Ra Hội Nghị..
Th9
Thánh Lễ Tạ Ơn và Bế Giảng Tuần Tập Huấn GLV Giáo Hạt..
Th9
Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức trong ngày Khai mạc Tuần Chầu..
Th9
Đức Thánh Cha Đau Buồn Và Liên Đới Với Việt Nam Trong Bão..
Th9
Các Hoạt Động Của Đức Thánh Cha Trong Ngày 12 Tháng Chín Tại..
Th9
Ngày 13/9: Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Th9
Linh mục khóa XIII, XIV và chủng sinh khóa XV tham dự Thường..
Th9
Cánh Hạc Nhói Lòng Nhìn Bến Quê
Th9
Hội Ngộ Truyền Thông Thường Niên Năm 2024
Th9
Chăm Sóc Các Loài Thụ Tạo – Ý Cầu Nguyện Tháng 9 Của..
Th9
Phỏng Vấn Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng Về Công Việc Chuẩn Bị..
Th9
Suy Tôn Thánh Giá Và Phục Hồi Căn Tính
Th9
92 em thiếu nhi Giáo xứ Tràng Đình vui mừng đón nhận ơn..
Th9
Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức tại Giáo xứ Đông Yên
Th9
TGM-GPHT: Thư kêu gọi quyên góp giúp đồng bào miền Bắc
Th9
Tập Huấn Giáo Lý Viên Giáo Hạt Bình Chính
Th9
Thông Tin Về Caritas Các Giáo Phận Đang Gánh Chịu Bão Lụt
Th9