Biện phân đức tin trong một nền văn hóa hậu Kitô giáo

788 lượt xem

Trong bài phát biểu trước những người tham dự Hội nghị Hòa bình Quốc tế tại Al-Azhar (Cairo, Ai Cập) vào ngày 28 tháng 4 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở thính giả rằng đối thoại trên bình diện toàn cầu có thể xảy ra nếu tuân thủ ba nhiệm vụ cơ bản: tôn trọng bản sắc của chính mình và của người khác, dũng cảm chấp nhận sự khác biệt, và sẵn sàng nhận ra sự chân thành trong ý định của người khác.[1]

Trong Evangelii Gaudium (EG), tông huấn của ngài về “Niềm vui Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng “sự cởi mở thực sự bao gồm việc luôn kiên định với những xác tín sâu sắc nhất của mình, rõ ràng và vui vẻ trong bản sắc của chính mình, đồng thời là ‘cởi mở để hiểu những điều của bên kia’ và ‘biết rằng cuộc đối thoại có thể làm phong phú thêm cho mỗi bên” (251). Bắt nguồn từ truyền thống riêng của một người và cởi mở với những người khác, cả hai là đặc điểm cấu thành đức tin Kitô giáo.

“Logos”[2] của đức tin

Ngay từ ban đầu, các lý lẽ của đức tin Kitô giáo đã bị ảnh hưởng bởi các bối cảnh văn hóa khác nhau: Hy Lạp hóa, Kinh viện Trung cổ, Cải cách, Khai sáng, Chủ nghĩa Hiện đại, Phong trào Về Nguồn và Đa nguyên thuyết. Làm thế nào để các lý lẽ của đức tin Kitô giáo vẫn trung thành với bản sắc của mình và đồng thời cởi mở với các tiến trình văn hóa đang diễn ra trong bối cảnh toàn cầu và đa tín ngưỡng của chúng ta?

Một cách để trả lời câu hỏi này là ghi nhớ bài diễn văn mà Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã đưa ra tại Đại học Regensburg vào ngày 12 tháng 9 năm 2006. Trong bài phát biểu đó, ngài làm nổi bật cung cách đức tin Kitô giáo phải gắn kết với sự xác tín rằng bạo lực không phù hợp với bản tính của Thiên Chúa và bản chất của lý trí: không hành động một cách hợp lý (σὺν λόγω[3]), do đó, hành động thô bạo, là trái với bản tính của Thiên Chúa. Theo đó, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã gián tiếp liên kết logos với agape[4], là lý do để bất bạo động, và khẳng định rằng “Thiên Chúa thực sự là Thiên Chúa đã tự mặc khải mình dưới dạng logos và, trong tư cách logos, Ngài đã hành động và tiếp tục hành động cách yêu thương thay mặt cho chúng ta.” Chúng ta được nhắc nhở về điều kiện nhận thức luận của Augustinô: “Non intratur in veritatem nisi per caritatem” (Một người không đi vào chân lý ngoại trừ thông qua lòng bác ái).[5] Tình bác ái làm cho các lý lẽ của đức tin Kitô giáo có thể mở ra cho các tiến trình mà Giáo hội đang sống trong thế giới hiện đại mà không nhượng bộ các hình thức của chủ nghĩa chính thống duy văn tự và tránh bất kỳ loại “Lựa chọn Bênêđictô” nào.[6]

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên dành cho La Civiltà Cattolica, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét rằng “Thiên Chúa tỏ mình ra trong mặc khải lịch sử, trong lịch sử. Thời gian bắt đầu các quá trình, và không gian kết tinh chúng. Thiên Chúa ở trong lịch sử, ở trong các quá trình.”[7] Các lý lẽ của đức tin Kitô giáo phải được chuẩn bị để từ bỏ mọi hình thức kết tinh và cứng nhắc, và sẵn sàng trở thành một quá trình phân định nhiều hơn trong thế giới và trong lịch sử của các nền văn hóa của con người. Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả tiến trình này là hoan nghênh “các luồng tư tưởng khác nhau trong triết học, thần học và thực hành mục vụ” (EG 40). Các lý lẽ định hình đức tin Kitô giáo “không phải là một khối giáo thuyết được bảo vệ bởi tất cả mọi người và không có chỗ cho sắc thái khác biệt” nhưng được định hình theo sự đa dạng và thực chất giúp “làm nổi bật và phát triển các khía cạnh khác nhau của sự phong phú không ngừng của Tin Mừng.”

Chúng ta sẽ hình thành ba nguyên tắc cho tiến trình phân định này có thể hướng dẫn chúng ta trong nhiệm vụ đại kết và giúp chúng ta dung hòa các giáo lý đức tin giữa các Giáo hội Kitô. Nguyên tắc đầu tiên là “hệ thống phẩm trật của sự thật”; thứ hai, nguyên tắc “sự tiến hóa của tín điều”; và thứ ba, nguyên tắc “đức tin sống động”.

Với mục đích tranh luận của chúng ta, các thuật ngữ “giáo thuyết” và “tín điều” được coi là từ đồng nghĩa, gạt bỏ câu hỏi về thẩm quyền mà cái sau được phân biệt với cái trước. Ở một khía cạnh nào đó, không phải tất cả các giáo lý đức tin và luân lý đều trở thành tín điều, mà chỉ những giáo lý nào đã được tuyên bố là do Thiên Chúa mặc khải, hoặc về bản chất gắn liền với Mặc khải do cơ quan quyền lực cao nhất của Giáo hội, các Công đồng và Huấn quyền không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng… Mặt khác, cả giáo thuyết và tín điều đều được coi là giáo lý của Giáo hội Công giáo có giá trị ràng buộc đối với tất cả các tín hữu.

Sự phân biệt giữa giáo thuyết “của” và “trong”

Trong Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu bật nguyên tắc đầu tiên trong biện phân giáo thuyết. Trích dẫn đoạn 11 của Sắc lệnh Đại kết, Unitatis Redintegratio[8], Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra “phẩm trật của các chân lý”. Các tín điều về đức tin và luân lý “thay đổi theo mối quan hệ của chúng với nền tảng của đức tin Kitô giáo” (EG 36). Đặc biệt giải quyết vấn đề đối thoại đại kết trong cùng một lời khuyến dụ, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh nguyên tắc phân định này: “nếu […] chúng ta ghi nhớ nguyên tắc về phẩm trật chân lý, chúng ta sẽ có thể đi đến, một cách dứt khoát, những cách diễn đạt chung về việc loan báo, phục vụ và làm chứng​​[…] Biết bao điều quan trọng gắn kết chúng ta! Nếu chúng ta thực sự tin vào sự hoạt động tự do dồi dào của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau rất nhiều điều!” (EG 246).

Nguyên tắc thứ hai trong biện phân giáo thuyết là nguyên tắc về sự tiến triển của giáo lý, như John Henry Newman giải thích trong bài tiểu luận Về sự phát triển của giáo lý Kitô giáo. Sự phát triển của giáo lý không chỉ đơn giản bao gồm sự thay đổi hình thức bên ngoài của giáo lý, với cốt lõi và bản chất là bất biến. Sự tiến hóa như vậy sẽ chỉ bao gồm một chuyển động từ cũ sang mới, chỉ làm rõ ràng những điều đã có sẵn trong giáo thuyết, mà không chú ý đến các yếu tố bên ngoài. Trong trường hợp như vậy, tiến trình truyền thống sẽ không ảnh hưởng từ bên trong sự mặc khải chân lý. Walter Kasper giải thích: “Truyền thống không thể được so sánh như một đồng xu chết được truyền từ tay này sang tay khác; nó không bao gồm trong các công thức chết mà bạn chỉ cần lặp lại. Nó không chỉ đơn giản là phát triển những tiền đề đã có trước. Sức sống của truyền thống thậm chí không nằm ở sự thay đổi cách diễn đạt sao cho phù hợp hơn với thời thế thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên nội dung. Về mặt thần học, chúng ta hiểu được lịch sử tính khi chúng ta nhận ra rằng cũng một truyền thống đó nhưng luôn bị đặt lại nghi vấn khi phải đối mặt với những hoàn cảnh lịch sử mới.”[9]

Nguyên tắc thứ ba của biện phân giáo lý về đức tin, đức tin sống động, có thể được suy luận trong Evangelii Gaudium, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng: “Có những lúc các tín hữu, khi nghe ngôn ngữ hoàn toàn chính thống, họ loại bỏ một điều gì đó xa lạ với Tin Mừng đích thực của Chúa Giêsu, bởi vì ngôn ngữ đó xa lạ với cách họ nói với nhau và hiểu nhau. Với mục đích thánh thiện là truyền đạt chân lý về Thiên Chúa và loài người, đôi khi chúng ta lại trao cho họ một vị thần giả tạo và một lý tưởng nhân loại không phải là Kitô giáo. Làm như thế, chúng ta bám chặt vào một thứ công thức hóa nhưng không truyền tải được bản chất của nó”(EG 41).

Chúng ta phải ghi nhớ rằng chứng từ của đức tin không phải là chứng từ duy lý, vì hành vi đức tin đòi hỏi sự đồng ý của ý chí thì mới thực hiện được.[10] Không bao giờ có thể vượt qua được sự căng thẳng luôn năng động giữa chứng tá đức tin, do tác động bên ngoài của ý chí và chứng từ duy lý. Sự căng thẳng như vậy tạo ra những tình huống bất đồng giữa trí thông minh bám chặt vào giáo lý đức tin và trí thông minh bám chặt vào sự thật không thể chối cãi. Đó là sự khác biệt dẫn đến việc nghiên cứu, thẩm tra và khám phá trong cùng một niềm tin gắn bó không thể chối cãi và không thể lay chuyển. Hành vi đức tin không loại bỏ sự chuyển động của trí thông minh đi tìm bằng chứng của những gì được tin tưởng, và do đó, thừa nhận sự khác biệt giữa “tin tưởng” và “suy nghĩ”. Sự căng thẳng nói trên xác định mối ràng buộc tin tưởng giữa lương tâm và niềm tin được hiểu như một mối ràng buộc sống động, trong khi niềm tin khi đã chết thì làm mờ đi sự khác biệt giữa “tin tưởng” và “suy nghĩ”, coi “giáo lý” là không thể thay đổi. Sự sai lệch chân lý đức tin như vậy làm cho các giáo lý về đức tin trở thành những kiểu công thức hóa cứng nhắc.

Giữa thực tại “khách quan” (fides quae) và thực tại “chủ quan” của đức tin (fides qua) có một sự vận động thấu nhập tương thuộc lẫn nhau, do đó “tính khách quan” của việc tuyên bố giáo điều (niềm tin) nằm trong chứ không nằm ngoài hành vi đức tin (tin tưởng). Một mệnh đề được xác định rõ ràng về đức tin (niềm tin) sẽ không được hiểu và giải thích một cách chính xác nếu về bản chất nó không hàm ý có sự dính dáng của niềm tin trong cuộc sống. “Chân lý” trong các công thức giáo điều không phải là thứ phải được khách quan hóa và sửa đổi, nằm ngoài quá trình tin tưởng và sự đồng ý tự do của chủ thể tuyên xưng chân lý đó. Bất kỳ cách diễn đạt giáo điều nào cũng mất giá trị của mình, ngay cả “bản chất” của nó, nếu nó không thể đánh thức hành vi đức tin nơi người tin. Thánh Tôma Aquinô nhận định rõ ràng: “Actus credendi non terminatur ad enuntiabile sed ad rem.[11][12] Tại Đại hội của Giáo Hội Ý ở Florence vào tháng 11 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở những người Công giáo rằng “Giáo lý Kitô giáo không phải là một hệ thống khép kín không thể đưa ra câu hỏi, nghi ngờ, hỏi han, nhưng sống động, biết cách khuấy động tâm trí, biết cách làm sinh động tâm hồn.”[13]

Trong Amoris Laetitia (AL), tông huấn về “Niềm vui của Tình yêu”, Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận nhiệm vụ quyết định mà các tín hữu phải có trong việc “thực hiện sự phân định của chính mình trong những tình huống phức tạp. Chúng ta đã được mời gọi để đào luyện lương tâm, chứ không phải để thay thế chúng”(AL 37). Sự biện phân không chỉ có nghĩa là áp dụng các giáo lý hoặc quy tắc vào cuộc sống thực tế; sự biện phân là năng động và “nó phải luôn luôn mở ra cho các giai đoạn phát triển mới và mở ra cho các quyết định mới có thể giúp lý tưởng được thực hiện đầy đủ hơn” (AL 303).

Những tuyên bố chung gần đây giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội khác, chẳng hạn như, Tuyên bố chung về Kitô học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Assyria ở phương Đông (1994) và Tuyên bố chung về Giáo lý Công chính hóa (1999), đã cho thấy rõ ràng làm thế nào việc biện phân không chỉ tham gia vào đời sống của Giáo Hội ở cấp độ mục vụ và cá nhân mà còn ở cấp độ tín lý và đại kết.

Tuyên ngôn chung về Kitô học đã nói rằng quá trình đối thoại và biện phân đã giúp các Giáo hội hiểu rõ hơn rằng những khác biệt về giáo lý trong quá khứ, ngày nay không còn được hiểu là mâu thuẫn. Những khác biệt đó chủ yếu là do sự hiểu lầm và không nên bị coi là những niềm tin không chính thống khi chưa được tra vấn. Trong Tuyên bố chung giữa những người Công giáo và những người Tin lành Luther, người ta nói rằng cả hai Giáo hội “giờ đây đã có thể trình bày rõ ràng một sự hiểu biết chung” tạo ra “sự đồng thuận về những chân lý cơ bản của giáo lý công chính hóa và cho thấy rằng những khác biệt còn lại trong việc giải thích giáo lý đó không còn là dịp cho những lời lên án về tín lý nữa”(số 5).

Phân định và hóa giải những khác biệt trong việc tìm kiếm sự hợp nhất của thân mình Chúa Kitô thuộc về cốt lõi của lý lẽ của đức tin Kitô giáo. Trong bài giảng tại Nhà thờ Tin lành Luther ở Lund[14] vào ngày 31 tháng 10 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng vào thời điểm Cải cách cả hai phía Công giáo và Luther đều có một ý chí chân thành “tuyên xưng và duy trì đức tin chân chính,” nhưng đồng thời “vì sợ hãi và thiên vị, chúng tôi đã khép kín đối với đức tin mà những người khác tuyên xưng bằng một giọng và ngôn ngữ khác.”[15] Trong chuyến hành trình gần đây hơn đến Ai Cập, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với Đức Thượng Phụ Tawadros II vào ngày 28 tháng 4 năm 2017, và nhắc lại rằng “không còn có thể ẩn náu sau những cái cớ giải thích khác nhau, chưa kể đến những thế kỷ khi lịch sử và truyền thống đã làm chúng ta xa rời nhau.”[16]

Lý lẽ của đức tin Kitô giáo thúc giục các Kitô hữu vượt ra khỏi hình thức lý lẽ biện giáo, được xác định theo nguyên tắc đồng nhất của Parmenides[17] trong đó tertium non datur (khả năng thứ ba không được đưa ra) để nắm lấy một hình thức lý lẽ đối thoại – chủ đề của thập tự giá (ὁ λόγος τοῦ σταυροῦ[18]) – trong đó luận chứng hợp lý (elenchus[19]) được đưa ra bởi một lý lẽ tự hủy (kenotic), một logos tự hủy ra không. Logos của đức tin sẽ có hình dạng Thiên Chúa hoặc hình dạng Chúa Kitô khi nó từ bỏ việc nắm giữ chân lý như một thứ gì đó để sở hữu, và chọn buông bỏ bất kỳ sự nắm bắt nào, từ bỏ “tư duy kép” kiểu tertium non datur. Một hình thức tự hiểu khác của Kitô hữu như vậy không phải là một sự thỏa hiệp hay một cách thoát khỏi sự khắt khe của trí tuệ mà là một phẩm chất suy lý, một phương pháp tư duy nghịch lý thấm nhuần logic Ba Ngôi không tiến hành bởi “một trong hai / một hoặc hai” mà là bởi “cả hai / và cả hai” trong đó Thánh Thần được trao ban (datur). Bằng cách làm này, các lý lẽ  Kitô giáo sẽ khám phá lại “tính công giáo” và “tính bao hàm” của “cả hai / và cả hai” thay vì “một trong hai / một hoặc hai”.

Chúng ta tìm thấy một ví dụ theo kiểu kể truyện về các lý lẽ khác nhau này trong câu trả lời mà Chúa Giêsu đưa ra cho câu hỏi của người phụ nữ Sa-ma-ri. “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Gioan 4: 21-24).

Sự đối lập giữa Núi Gêrizim và Núi Sion (Giêrusalem) tượng trưng cho tư duy kép trong đó một bên đang thắng (chúng ta biết những gì chúng ta tôn thờ) và bên kia thua (bạn tôn thờ những gì bạn không biết), trong khi tư duy bất nhị lại được minh họa bằng câu trả lời mà Chúa Giêsu dành cho người phụ nữ. Để nhận biết Thiên Chúa, chúng ta cần vượt ra ngoài lý lẽ của cái cao hơn (tượng trưng bằng ngọn núi) và đặt mình vào lòng trí của Chúa Kitô[20] (Lu-ca 9: 46-50), một biểu tượng “bất nhị” bao hàm sự đối lập và mâu thuẫn giữa các bên “trong tinh thần và chân lý” và tiến tới xác định các học thuyết với bên kia chứ không phải không có bên kia, để quá trình biện phân của giáo thuyết và trong giáo thuyết có thể xảy ra, vì “ai không chống lại anh em là ủng hộ anh em” (Luca 9: 50).

Trong bài giảng của mình trong buổi cử hành ban chiều Lễ Kính Thánh Phaolô trở lại vào ngày 25 tháng 1 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bình luận về những lời này với người phụ nữ Samari, rằng Chúa Giêsu “không đứng về phía núi hay đền thờ, nhưng sâu sắc hơn nhiều. Chúa Giêsu đi vào trọng tâm của vấn đề, phá vỡ mọi bức tường ngăn cách. Thay vì nói đến ý nghĩa của sự thờ phượng thật, Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa là thần khí, và những ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng bằng thần khí và sự thật” (Gioan 4:24). Rất nhiều cuộc tranh cãi trong quá khứ giữa các Kitô hữu có thể được giải quyết khi chúng ta gạt bỏ mọi cách tiếp cận bút chiến hoặc biện giáo và thay vào đó tìm cách nắm bắt đầy đủ hơn những gì kết hợp chúng ta, đó là, lời kêu gọi của chúng ta chia sẻ mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha được Chúa Con mặc khải cho chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Sự thống nhất của Kitô giáo – chúng tôi tin chắc – sẽ không phải là kết quả của những cuộc thảo luận lý thuyết tinh vi, trong đó mỗi bên cố gắng thuyết phục bên kia về tính đúng đắn của ý kiến​​của mình. Khi Con Người đến, Ngài sẽ thấy chúng ta vẫn đang tranh luận! Chúng ta cần nhận ra rằng, để tìm hiểu mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa, chúng ta cần có nhau; chúng ta cần gặp gỡ nhau và thử thách lẫn nhau dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng hòa hợp các đa dạng, khắc phục xung đột, hòa giải các khác biệt.”[21]

Thiên Chúa không chỉ là ‘Công giáo’

Để phân định giáo lý và hòa giải những khác biệt về tín lý, cần phải ghi nhớ hai điều kiện. Trước tiên, người Công giáo phải nhớ rằng chân lý không bao giờ có thể được sở hữu một cách trọn vẹn; thứ hai, kiến ​​thức về chân lý bị điều kiện hóa do sự tiếp nhận nó trong thời gian. Trong “Thư gửi một người không tin” (ngày 4 tháng 9 năm 2013), Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời Eugenio Scalfari, cựu biên tập viên và nhà báo của tờ báo La Repubblica, và nhận xét rằng đối với các tín hữu “chân lý là một mối tương quan. Như vậy, mỗi người chúng ta tiếp nhận sự thật và thể hiện nó từ bên trong, nghĩa là, theo hoàn cảnh, văn hóa và tình huống của riêng một người trong cuộc sống.”[22]

Các lý lẽ của đức tin Kitô giáo được duy trì bởi cả ý niệm về chân lý như là mối tương quan và ý niệm về Chúa như là magis[23]. Cả hai ý niệm đều đồng nhất “đối tượng” của giáo thuyết (Đấng Siêu việt), là mầu nhiệm Thiên Chúa đang mở ra (Deus semper maior[24]), với “phương cách” (transcendere[25]), là quá trình liên tục vượt qua bất cứ sự nắm bắt mầu nhiệm nào. Chân lý không vượt qua chúng ta dưới hình thức một lời phát biểu, mà là một Ai Đó chúng ta cảm nghiệm và là Đấng cần được gặp đi gặp lại nhiều lần.

Nhu cầu vượt lên trên các học thuyết và công thức giáo điều được thể hiện rõ ràng trong Evangelii Gaudium: Giáo hội “cần phát triển trong việc giải thích Lời mặc khải và trong sự hiểu biết chân lý của mình. […] Đối với những người khao khát một giáo thuyết chắc như đá nguyên khối được tất cả mọi người bảo vệ và không có chỗ cho sắc thái khác biệt, điều này có vẻ là không đáng mong muốn và dẫn đến nhầm lẫn. […] Bằng cách này, chúng ta bám chặt vào một công thức mà không truyền tải được bản chất của nó. Đây là mối nguy hiểm lớn nhất. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng ‘sự thể hiện chân lý có thể có những hình thức khác nhau. Việc đổi mới những hình thức diễn đạt này trở nên cần thiết để truyền đi sứ điệp Tin Mừng cho con người ngày nay theo ý nghĩa không thay đổi của nó ‘”(EG 40-41).

Chúng ta có thể nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã được truyền cảm hứng bởi nguyên tắc “an ủi mà không cần nguyên cớ trước” mà Thánh Ignatiô thành Loyola giải thích trong quy tắc phân định thứ tám cho tuần thứ hai của Linh Thao (số 336). Nhà thần học dòng Tên Karl Rahner nói về “sự an ủi không có nguyên cớ trước” này như một cảm nghiệm phi đối tượng vì đối tượng của nó là chỉ mình Thiên Chúa mà thôi. “Thiên Chúa” không phải là một định nghĩa hay một khái niệm mà là chân trời vượt ra ngoài bất kỳ khái niệm và định nghĩa nào. Sự an ủi không có nguyên cớ trước là một tiền giả định quan trọng và siêu nghiệm khiến mọi thứ khác đều tương đối. Inhaxiô cẩn thận phân biệt khoảnh khắc siêu việt, khi Thiên Chúa hoạt động với tư cách là nguyên nhân đệ nhất, với khoảnh khắc thực tế, khi khả năng đáp ứng của con người phù hợp và chuyển đổi hành động trực tiếp của Thiên Chúa nhờ ý nghĩ, hình ảnh và lời nói.[26] Sự phân biệt như vậy làm cho bất kỳ công thức giáo thuyết nào đều có tính tương đối và tùy thuộc vào tính siêu việt năng động của Thiên Chúa, vốn được ngụ ý trong khái niệm trổi vượt hơn (magis) của Inhaxiô.

Trong bối cảnh như vậy, Karl Rahner ủng hộ một cách hiểu đúng đắn và phù hợp về thuyết bất khả tri.[27] Trong cuộc phỏng vấn nói trên trên tờ La Civiltà Cattolica, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại truyền thống thần bí của Dòng Tên: “Tu sĩ Dòng Tên phải là một người có tư tưởng chưa hoàn thiện, theo nghĩa tư duy mở. Đã có những giai đoạn trong Hội Dòng khi các tu sĩ Dòng Tên sống trong một môi trường suy tưởng khép kín và cứng nhắc”[28] Đặc tính “vượt giới hạn” của tư duy “thần bí” này xác định và (tái) hình thành bất cứ kinh nghiệm và hiểu biết nào về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ý nghĩa của từ “vượt giới hạn” bắt nguồn từ tiếng Latin transgredior có nghĩa là “tiến lên và tiến xa hơn.” Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận rằng chúng ta càng đến gần Thiên Chúa, thì sự không chắc chắn của chúng ta càng lớn. “Nếu một người nói rằng anh ta đã gặp Chúa một cách hoàn toàn chắc chắn và không bị một chút nghi ngờ nào chạm tới, thì điều này là không tốt. Đối với tôi, đây là một chìa khóa quan trọng. Nếu một người có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi, thì đó là bằng chứng rằng Thiên Chúa không ở cùng anh ta. Điều đó có nghĩa rằng anh ta là một tiên tri giả sử dụng tôn giáo cho chính mình. Những nhà lãnh đạo vĩ đại của dân Thiên Chúa, như Môisê, luôn để lại chỗ cho sự nghi ngờ. Bạn phải dành chỗ cho Chúa, không phải cho sự chắc chắn của chúng ta; chúng ta phải khiêm tốn. Sự không chắc chắn có mặt trong mọi sự biện phân thực sự, mở ra cho việc tìm kiếm sự củng cố an ủi thiêng liêng.”[29]

Khoảng trống hay “cái chưa” bị bỏ ngỏ bởi sự không chắc chắn này, xác định areopagus[30],[31] một lĩnh vực đối thoại công khai, trong đó các cộng đoàn đức tin họp lại và trò chuyện, cũng như thực hiện sự biện phân.

Do đó, sự biện phân mang một chiều kích thần bí, vì chỉ có kiến ​​thức theo kiểu phủ định về Thiên Chúa (deus definiri nequit[32]) mới có thể tạo ra một quá trình vượt qua. Trong cuộc phỏng vấn dành cho giám đốc của La Civilità Cattolica, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Người ta gặp được Thiên Chúa đang đi dọc con đường. […] Sự biện phân là điều cần thiết. Nếu Kitô hữu là một người theo Thuyết vạn vật phục hồi (Origênê)[33], một người duy luật pháp, nếu người ấy muốn mọi thứ rõ ràng và an toàn, thì người ấy sẽ không tìm thấy gì cả. Truyền thống và ký ức về quá khứ phải giúp chúng ta có can đảm để mở ra những lãnh vực mới cho Thiên Chúa. Những người ngày nay luôn tìm kiếm các giải pháp mang tính kỷ luật, những người khao khát một “an ninh” mang tính học thuyết cường điệu, những người cố gắng khôi phục quá khứ đã không còn tồn tại: họ có một cái nhìn tĩnh tại và hướng nội về mọi thứ. Theo cách này, đức tin trở thành một hệ tư tưởng trong số các hệ tư tưởng khác. Tôi có một điều chắc chắn mang tính tín lý: Thiên Chúa ở trong cuộc đời của mỗi người.”[34]

Trong lá thư gửi Scalfari, Đức Thánh Cha Phanxicô bình luận về những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan (14:26): “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”: “Sự thật, hoàn toàn là một với tình yêu, đòi hỏi sự khiêm nhường và một sự cởi mở để được tìm kiếm, tiếp nhận và bày tỏ. Vì vậy, chúng ta phải hiểu đúng về các thuật ngữ và có lẽ, để vượt qua việc sa lầy do những lập trường tuyệt đối mâu thuẫn, chúng ta cần phải xác định lại các vấn đề một cách sâu sắc. Tôi tin rằng điều này là hoàn toàn cần thiết để bắt đầu [một] đối thoại hòa bình và mang tính xây dựng.”[35]

Trong Đối thoại và Tuyên bố (1991), Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn khẳng định rằng sự hiểu biết về chân lý nhận được trong Chúa Giêsu Kitô là “một tiến trình không ngừng”. “Trong khi giữ nguyên bản sắc của mình, các Kitô hữu phải chuẩn bị để học hỏi và tiếp nhận từ người khác và qua người khác những giá trị tích cực của truyền thống của họ. Qua đối thoại, họ có thể được đánh động từ bỏ những định kiến ​​đã ăn sâu, xem xét lại những ý tưởng đã nhận thức trước đó, và thậm chí đôi khi cho phép sự hiểu biết về đức tin của họ được thanh lọc ”(số 49). “Lòng trí của Chúa Kitô” (Philípphê 2: 5) định hình và biến đổi lý lẽ của đức tin Kitô giáo.

Cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Do Thái giáo cung cấp một ví dụ về cách thức diễn ra sự chuyển đổi lý lẽ của đức tin như vậy. Tài liệu của Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng về việc giải thích Kinh thánh của người Do Thái công nhận việc người Do Thái đọc các văn bản thiêng liêng là chấp nhận được và hợp pháp, và khẳng định rằng hy vọng của người Do Thái vào Đấng Mêsia không phải là vô ích. Đối thoại giữa người Do Thái và Kitô giáo là một ví dụ rõ ràng về cách lý lẽ của Kitô giáo xem xét lại các quan niệm giáo lý của chính mình khi đến lúc phải xác định giáo lý đức tin với những người khác, trong trường hợp này là với những người Do Thái. Điều này đã xảy ra khi bác bỏ ý tưởng “thần học thay thế[36]”, quan điểm cho rằng “mới” (Kitô giáo) đã thay thế cho “cũ” (Do Thái giáo) bởi vì nó tốt hơn.

Việc phân định, hòa giải và biến đổi các giáo lý đức tin sẽ giúp chúng ta có thể “vạch mặt bạo lực” vốn trình bày các giáo lý đó như một thứ gì đó linh thánh, một loại thần tượng, thay vì là một sự cởi mở đích thực đối với Đấng Tuyệt đối, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta trong bài diễn từ của ngài tại Al-Azhar.[37]

Tác giả: Paolo Gamberini, SJ
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ từ laciviltacattolica.com

[1] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn trước những người tham gia Hội nghị Hòa bình Quốc tế, Trung tâm Hội nghị Al-Azhar, Cairo, ngày 28 tháng 4 năm 2017, tại www.vatican.va , Cf. cũng là A. Spadaro, “Ai Cập, Vùng đất của các nền văn minh và liên minh: cuộc hành trình đầy kịch tính, chữa lành và tiên tri của Đức Phanxicô,” trong Civ. Catt. 2017 phiên bản tiếng Anh.
[2] Người dịch (ND): lý lẽ, lý do, nguyên cớ, nền tảng, lời nói, Ngôi Lời.

[3] ND: theo lý lẽ của…
[4] ND: lòng mến, đức ái, yêu thương.
[5] Augustinô, Chống lại Faustus 41, 32, 18; PL 45, 507.
[6] Lựa chọn rút lui khỏi thế giới. “Lựa chọn Bênêđictô” đề cập đến Thánh Bênêđictô thành Nursia (mất giữa thế kỷ thứ sáu), người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tôn giáo ở phương Tây. Xem A. Gonçalves Lind, “Lựa chọn của Bênêđictô”: Vai trò của các Kitô hữu trong xã hội ngày nay là gì?” trong Civ. Catt. Ấn bản tiếng Anh 2018, www.laciviltacattolica.com
[7] A. Spadaro, “Phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô,” trong Civ. Catt. 2013 III 468.
[8] ND: Về Sự Đồng Thuận.
[9] W. Kasper, Sự thật và tự do. Lời giải thích về tự do tôn giáo của Công Đồng Vatican II. (Heidelberg: Carl Winter – Báo chí trường Đại học, 1988), 37.
[10] Xem Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, II-II, q.2, a. 1, điều ba.
[11] ND: Một hành vi đức tin không kết thúc nơi một mệnh đề, nhưng nơi một thực tại.
[12] ST II, ​​1, 2 điều 2.
[13] Đức Phanxicô, Diễn văn trước các đại diện của Công ước Quốc gia lần thứ năm của Giáo hội Ý, Florence, ngày 10 tháng 11 năm 2015, www.vatican.va
[14] ND: là một thành phố trong tỉnh Skane, miền nam Thụy Điển.
[15] Đức Phanxicô, Bài giảng, trong buổi cầu nguyện đại kết ở Nhà thờ Luther của Lund, ngày 31 tháng 10 năm 2016, tại www.vatican.va, Cf G. Pani, “ Hành trình của Đức Giáo Hoàng ở Svezia,” trong Civ. Catt. 2016 IV 381-392.
[16] Đức Phanxicô, Bài phát biểu, trong chuyến thăm xã giao Đức Thượng Phụ Tawadros II, ngày 28 tháng 4 năm 2017, tại www.vatican.va, Cf A. Spadaro, “Ai Cập, Vùng đất của các nền văn minh…,” cit.
[17] ND:  Parmenides nêu ra hai quan điểm về thực tại. Trong “Con đường của chân lý” (“the way of truth”), ông giải thích thực tại là đơn nhất, thay đổi không thể xảy ra, sự tồn tại là duy nhất, vĩnh viễn, đồng nhất, cần thiết và không thay đổi vì thế giới không có cái gì nằm ngoài sự tồn tại.

[18] ND: lý lẽ của thập giá.
[19] ND: còn gọi là “Phương pháp Socrates” (Method of Elenchus/ Socratic method), là một hình thức thẩm tra và thảo luận giữa những cá nhân với những quan điểm trái ngược nhau. Nó được đặt nền trên những câu hỏi và trả lời để kích thích suy tư có phê phán và soi sáng ý tưởng. Nó là một phương pháp đối thoại (dialectical method), thường bao gồm những thảo luận có tính đối kháng mà ở đó việc bảo vệ một quan điểm được đưa ra để chống lại quan điểm khác; một người đối thoại có thể dẫn người còn lại đi đến chỗ đối nghịch với quan điểm trước đây của người đó.
[20] ND: Ðã nảy tranh luận giữa họ là ai lớn hơn trong nhóm họ. Nhưng Ðức Giêsu biết được tranh luận nơi lòng họ. Ngài kéo lại một đứa trẻ, đặt bên mình Ngài, và nói với họ: “Kẻ nào tiếp đón trẻ nhỏ này vì danh Ta, tức là tiếp đón Ta; và kẻ tiếp đón Ta; là tiếp đón Ðấng đã sai Ta. Vì chưng ai nhỏ hơn trong các ngươi thì kẻ đó là lớn!” Gioan cất tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng tôi thấy người kia lấy Danh Thầy trừ quỉ, và chúng tôi cố ngăn cản, vì hắn không theo chúng tôi”. Ðức Giêsu nói với ông: “Chớ ngăn cản! vì ai không chống lại các ngươi là ủng hộ các ngươi”.
[21] Đức Phanxicô, Bài giảng trong Lễ cử hành Kinh chiều nhân Lễ trọng thể Thánh Phaolô Tông đồ, tại w2.vatican.va
[22] Đức Phanxicô, “Thư cho những người không tin,” ngày 4 tháng 9 năm 2013, trên www.vatican.va
[23] ND: nhiều hơn.
[24] ND: Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn.
[25] ND: vượt quá.
[26] W.H. Longridge, Các bài tập linh thao của Ignaxiô Loyola. Được dịch từ tiếng Tây Ban Nha với lời bình luận và bản dịch Hướng dẫn thực hành, Robert Scott, London, 1922, 193.
[27] K. Rahner, “Biện minh cho đức tin trong một thế giới bất khả tri,” trong Karl Rahner, Những thẩm vấn thần học, tập. XXI, New York, Crossroad, 1988, 130-136, tại 136.
[28] A. Spadaro, “Phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô,” đd., 455.
[29] Như trên, 469.
[30] ND: Ngọn đồi trở thành nơi xét xử các vụ giết người, phản quốc và tham nhũng trước Hội đồng Areopagus. Vào năm 51 sau Công nguyên, Thánh Phaolô đã đưa ra ‘Bài giảng Areopagus’ nổi tiếng của mình tại đây: “Khi nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.” (Những từ này được viết bằng tiếng Hy Lạp trên một tấm bảng bằng đồng nằm trên sườn đồi.Từ đó, Thánh Paul đã có được người cải đạo Athens đầu tiên của mình là Dionysos, ông đã trở thành vị thánh bảo trợ của thành phố. Và vì lý do này, Giáo hoàng luôn đến thăm đỉnh đồi khi đến Athens.

[31] ND: Lúc Phaolô đến Athens, khoảng năm 52, thì Athen đã mất hết nét huy hoàng và giầu có ngày xưa. Dân số chỉ con chừng 10 ngàn người. Nhưng hội trường Areopagus, nơi thị dân Athens thường tụ họp, vẫn là chỗ lý tưởng để bắt đầu một bài giảng.
Areopagus vừa là một công trường, vừa là tên của Hội đồng thành phố Athens.
Areopagus, tên Hy lạp, có nghĩa là “Ngọn đồi của Ares”. Theo thần thoại Hy Lạp, Ares là thần Chiến Tranh. Ông đã bị các thần khác đem ra xử án xem coi có phạm tội giết Alirrothios con của thần Poseidon hay không. Ông được trắng án. Nhưng vụ xử án này được coi là vụ xử án đầu tiên trên thế gian. Từ đó, ngọn đồi nơi xử án thần Ares được gọi là Areopagus. Người Hy Lạp dùng tên này để gọi một ngọn đồi cao chừng hơn 100 thước, nằm về phía tây bắc ngọn đồi Acropolis. Nơi đây, ngày trước, hội đồng nhân dân thành phố Athens, cũng gọi là Areopagus, tụ tập để giải quyết những vấn đề quan trọng của thành phố, như xét xem có nên đi đánh nhau không, hay xử các vụ trọng án trong thành phố, như cướp của giết người.
Việc Phaolô ra “điều trần” trước hội đồng Areopagus không có nghĩa là ngài bị xử án về tội gì, nhưng vì trước đó, Ngài hay thảo luận với những người qua lại tại quảng trường này, nên đã lôi kéo được sự chú ý của những người trong hội đồng areopagus. “Vậy ông thảo luận trong hội đường với những người Do-thái và những người tôn thờ Thiên Chúa, và ngoài quảng trường mỗi ngày với những người qua lại. Có mấy triết gia thuộc phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ cũng trao đổi với ông. Kẻ thì nói: “Con vẹt đó muốn nói gì vậy? ” Người khác lại bảo: “Hình như ông ta rao giảng về những thần xa lạ”, vì ông Phao-lô loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu và về sự Phục Sinh.” (Cv 17,17-18). Tại ngonsu.quetroi.net
[32] ND: Thiên Chúa không thể định nghĩa được.
[33] ND: Restorationism hoặc Apocatastasis, Phục hồi tình trạng ban đầu. Một tên gọi cho phái thần học tin rằng sẽ đến một lúc khi tất cả các thụ tạo tự do, ngay cả ma quỷ và linh hồn bị hư mất, sẽ chia sẻ ơn cứu độ. Theo niềm tin này, lý do mà hỏa ngục tồn tại là để chia tách thiện ác khỏi linh hồn. Vì vậy, nó không phải là hình phạt vĩnh cửu, mà là một sự cải hóa. Sẽ đến một lúc khi tất cả mọi điều xấu xa chấm dứt, vì nó không có sự tồn tại của riêng nó ngoài ý chí tự do.

[34] A. Spadaro, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô,” đd, 469f.
[35] Đức Phanxicô, “Thư cho những người không tin,” ngày 4 tháng 9 năm 2013, trên www.vatican.va
[36] ND: Supersessionism, còn gọi là Replacement Theology: thần học thay thế. Một số Kitô hữu tin rằng người Do Thái là người được Thiên Chúa chọn lựa (Đệ Nhị Luật 14:2), nhưng vì họ từ chối Chúa Giêsu, nên các Kitô hữu lại nhận được địa vị đặc biệt đó (Roma 11:11-24). Cách suy nghĩ như vậy được biết đến là học thuyết Supersessionism.
[37] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn văn với những người tham gia Hội nghị Hòa bình Quốc tế, đd.

Để lại một bình luận