Các dự án quản lý môi trường của Quốc gia thành Vatican

1424 lượt xem

Vườn Vatican nhìn từ tháp đền thờ thánh Phêrô

Nhiều dự án quản lý môi trường đã được truyền cảm hứng từ Thông điệp Laudato Sì của ĐTC Phanxicô đối với Quốc gia thành Vatican. Một số các dự án này đã được thực hiện và đang phát huy tác dụng tối đa, như là việc phân loại rác đã được áp dụng trong tất cả các Bộ và Văn phòng. Việc phân loại này áp dụng cho rác thải “bình thường” như hữu cơ, nhựa, giấy, vật liệu kim loại và rác thải “đặc biệt hoặc nguy hiểm” như dầu thải, lốp xe, kim loại, nhựa, pin, chất thải bệnh viện. Một dự án “sinh học” khác là hệ thống tưới tiêu mới của Vườn Vatican đã làm hiện đại hóa mạng lưới nước bằng cách áp dụng các kỹ thuật quản lý mới, tiết kiệm nước với dung lượng phù hợp hơn cho từng loại cây trồng.

Chúng tôi xin gởi đến quý vị cuộc phỏng vấn với Đức cha Fernando Vérgez Alzaga, tổng thư ký Phủ Thống Đốc Quốc gia thành Vatican, được đăng trên báo Quan Sát Viên Roma của Toà Thánh.

Thưa Đức cha, đâu là hướng đi chung chi phối việc “chọn lựa xanh”?

Một trong những mục tiêu chúng tôi đặt ra là giảm tiêu thụ tài nguyên. Do đó, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện một loạt các biện pháp can thiệp nhằm kiểm soát năng lượng lớn hơn và giảm lượng khí thải carbon dioxide. Vì lý do này, chúng tôi đã lắp đặt các loại tấm pin mặt trời khác nhau, hệ thống thiết bị đèn LED, cảm biển độ sáng thuộc thế hệ mới nhất, điều chỉnh cường độ ánh sáng dựa trên sự thay đổi ánh sáng tự nhiên. Các thiết bị này cũng đảm bảo các tiêu chuẩn được xác định bởi các quy định về bảo vệ an toàn và sức khỏe người lao động. Một mục tiêu khác mà chúng tôi đã đặt ra là xử lý các thiết bị cũ cho đến nay đang được sử dụng. Điều này đã khiến chúng tôi tiến hành đổi mới công nghệ các thiết bị mạng với hệ điều hành thế hệ mới nhằm giảm tác động đến môi trường.

Do đó, đây là một sự đổi mới công nghệ?

Không chỉ vậy, vì thật sự các hệ thống tự động hóa dân dụng cũng đã được lắp đặt, trong trường hợp không có người thì các đèn chiếu sáng ở các khu vực khác nhau sẽ tự động tắt vào cuối ngày làm việc. Tuy nhiên trên hết, Phủ thống đốc đã hoặc đang điều chỉnh cho phù hợp thẩm quyền của các bộ ngành khác nhau dựa trên các nguyên tắc của Thông điệp Laudato sì liên quan đến việc chăm sóc và tôn trọng ngôi nhà chung.

Ví dụ, một lĩnh vực mà chúng tôi đã áp dụng các nguyên tắc này là hoạt động nông nghiệp của Quốc gia Thành Vatican, được thực hiện duy chỉ bởi phân bộ các Dinh thự Giáo hoàng. Trong khu vực lãnh thổ mở rộng của Castel Gandolfo, việc trồng một vườn nho và một vườn ô liu được thực hiện với các kỹ thuật không xâm hại, tôn trọng đất đai để đảm bảo sản phẩm cuối cùng chất lượng cao. Các quá trình sản xuất và sản phẩm tạo ra nằm trong kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững. Điều tương tự cũng diễn ra tại một trang trại nhỏ các loại động vật.

Và một tài nguyên quý giá như nước không thể không được chú ý…?

Thật sự, liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên nước, chúng tôi đã cẩn thận giảm chất thải bằng cách sử dụng hợp lý ngang qua việc lắp đặt các bo mạch kín để tái chế nước cho các đài phun nước của Vườn Vatican. Việc phát triển lại mạng lưới phân phối thủy lợi và hệ thống phòng cháy chữa cháy dự kiến sẽ được thực hiện ​​vào cuối năm nay. Đồng thời, một bước khác trong việc sử dụng thận trọng cách có ý thức đã được thực hiện từ năm 2016 tại căn tin của Vatican, lắp đặt hệ thống lấy nước để các nhân viên tự phục vụ và lấy đồ uống trực tiếp bằng ly của mình, do đó giảm đáng kể chất thải.

Về năng lượng, làm thế nào để tiết kiệm trong lĩnh vực này?

Việc kiểm soát sự lãng phí được thực hiện bằng cách thay thế các hệ thống chiếu sáng bằng các thiết bị đèn LED. Một khía cạnh khác cũng được xem xét là tạo ra các hệ thống tự động hóa dân dụng. Cần biết rằng tự động hóa dân dụng là ngành học liên quan đến việc nghiên cứu các công nghệ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống trong nhà và nói chung là trong các tòa nhà. Một dự án đang được thực hiện là thay thế những thiết bị có hiệu quả kém và phân tán bằng các thiết bị mới. Cụ thể, chúng tôi đang cố gắng loại bỏ các máy biến thế điện cũ tạo ra nhiệt độ cao và thay vào đó bằng những thế hệ mới nhất tuân thủ các tiêu chuẩn châu Âu để giảm thất thoát. Việc thay thế các công nghệ mới này cũng được áp dụng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và các Trung tâm xử lý dữ liệu (CED).

Do đó, một trong các mục tiêu chiến lược là thay thế các thiết bị cũ?

Đúng vậy. Chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong hệ thống chiếu sáng, và điều này giúp chúng tôi giảm đáng kể mức tiêu thụ. Chỉ cần nói đến hệ thống chiếu sáng mới của Nhà nguyện Sistine, cho phép giảm khoảng 60% chi phí năng lượng và khí thải nhà kính và làm chậm đáng kể sự hư hại các bức bích họa. Một dự án khác đang được tiến hành là hệ thống ánh sáng mới cho quảng trường thánh Phêrô và dãy cột Bernini, cho phép tiết kiệm năng lượng từ 70 đến 80%. Và ngay cả việc can thiệp bên trong Đền thờ thánh Phêrô cũng cho phép cải thiện khả năng nhìn các tác phẩm nghệ thuật và chi phí năng lượng thấp hơn từ 70 đến 80%.

Tất cả những điều này đều được thực hiện trong lãnh thổ bức tường Leonine và tại các toà nhà thuộc lãnh thổ mở rộng?

Chỉ cần nghĩ đến vương cung thánh đường Đức Bà Cả. Hệ thống chiếu sáng mới đã cho phép giảm khoảng 80% công suất cần thiết. Các hệ thống quang điện cũng được lắp đặt trên mái của Đại thính đường Phaolô VI và tại trụ sở Đài Thiên văn Vatican ở Tucson, bang Arizona. Điều này cho phép giảm đáng kể chi phí năng lượng và do đó giảm lượng khí thải carbon dioxide. Hơn nữa, tôi muốn nhắc lại rằng từ năm 2009, tại Trung tâm công nghiệp, trước đây là Phân bộ dịch vụ kỹ thuật, đã hoạt động một hệ thống có tên là “làm mát bằng năng lượng mặt trời”. Hệ thống này gồm 78 ​​bộ thu nhiệt mặt trời nhằm chuyển đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng nhiệt và điều hòa không khí cho căn tin trong mùa hè.

Ngay cả giao thông đường bộ cũng gây ô nhiễm. Làm thế nào để giảm tác động môi trường trong lĩnh vực này?

Liên quan đến việc đi lại và vận chuyển, từ năm 2014, một giới hạn tiến bộ về lưu lượng giao thông của nhân viên bên trong Vatican đã được thông qua. Hơn nữa, việc đậu xe bên trong bức tường Leonine chỉ cho phép đối với các xe của những người sống trong bán kính hai km từ Vatican. Kế đến, từ năm 2018, một mạng lưới cơ sở hạ tầng để nạp cho xe điện và xe hybrid đã được lắp đặt. Hiện tại, bên trong Vatican có mười máy cung cấp hai mươi điểm nạp điện cho xe. Trong chương trình cũng có việc đổi mới bãi đậu xe của Vatican với những chiếc xe điện và xe hybrid, được cho mượn miễn phí hoặc cho thuê dùng trong các dịch vụ nhà nước, như đối với Bưu điện Vatican. Từ năm 2019 trở đi, Phân bộ dịch vụ kinh tế áp dụng nhiên liệu cho các động cơ Diesel+, trong đó có khoảng 15% thành phần xanh tái tạo, có nguồn gốc từ dầu thực vật và mỡ động vật. Điều này cho phép giảm mức tiêu thụ 4% so với dầu khí truyền thống và khí thải gây ô nhiễm như carbon monoxide và hydrocarbon không cháy hết lên tới 40%.

Ngay cả việc sưởi ấm trong nhà cũng là một yếu tố gây ô nhiễm…

Liên quan đến việc sưởi ấm và làm mát cho các tòa nhà, Trung tâm làm nóng và điều hoà không khí sử dụng chlorofluorocarbons gây hiệu ứng nhà kính đã được thay thế. Như tôi đã nói, một hệ thống điều hoà không khí bằng năng lượng mặt trời đã được lắp đặt để giảm và loại bỏ dần các chất đe dọa đến tầng ozone. Cũng trong nhãn quan bảo vệ công trình sáng tạo, thích ứng với bối cảnh kiến ​​trúc, lịch sử và nghệ thuật của Vatican, trong dự kiến, tất cả các toà nhà của Vatican bắt buộc phải giảm việc phát sinh nhiệt.

Văn Yên, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận