Các Giáo hoàng và lòng mộ đạo bình dân: Đức tin của những người đơn sơ, điểm mạnh của Giáo Hội

1064 lượt xem

Đức Phanxicô cầu nguyện trước cây thánh giá của Nhà thờ San Marcello al Corso, ngày 15/3/2020 (Truyền thông Vatican)

Trang Vatican News đăng lại bài báo trên phụ trương Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới của nhật báo L’Osservatore Romano, Vatican. Bài viết nói đến lòng mộ đạo bình dân trong giáo huấn của các giáo hoàng từ Đức Phaolô VI đến Đức Phanxicô.

Đức Phanxicô đi một mình, bước chân chầm chậm đầy đau khổ trên đường phố ở trung tâm Rôma. Ngài đến Nhà thờ San Marcello al Corso, nơi có cây thánh giá từ thế kỷ XIV mà người La Mã xem đây là cây thánh giá kỳ diệu trong nhiều thế hệ. Không có ai chờ cũng như chào ngài trên đường phố. Chúng ta đang ở thời gian cách ly. Chỉ có một số cảnh binh đi theo ngài. Một “đoàn rước“ đơn độc mang một sức mạnh biểu tượng phi thường.

Vài ngày sau, khi màn đêm buông xuống và dưới bầu trời xám xịt mưa lâm râm, Đức Phanxicô cầu nguyện một mình ở Quảng trường Thánh Phêrô vắng vẻ: Hình bóng nhỏ màu trắng nổi bật lên không gian u thảm gần như siêu thực. Bên cạnh ngài, chỉ có cây thánh giá được tôn kính vài ngày trước đó và bức tượng Đức Mẹ Cứu rỗi thành Rôma, (Salus Populi Romani) bức tượng này được lưu giữ ở vương cung thánh đường Đức Bà Cả, nơi Mẹ đồng hành với người dân Rôma qua bao nhiêu thăng trầm của thành phố kể từ thế kỷ XIII.

Hai hình ảnh này, xuất hiện trong thời điểm bi thảm của đại dịch có thể sẽ vẫn còn trong tâm trí của hàng triệu người.

Đối với Đức Phanxicô, lòng mộ đạo bình dân là một hành động truyền giáo

Chúng ta cần lưu ý, cả hai thời điểm rất mãnh liệt về mặt thiêng liêng này được gắn kết với lòng mộ đạo bình dân của Đức Phanxicô. Sau khi được bầu chọn, cử chỉ công khai đầu tiên của ngài là bày tỏ lòng kính mến Đức Trinh Nữ tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, nơi ngài đã trở đi trở lại hàng chục lần để dâng các chuyến tông du của mình cho Đức Mẹ. Lòng mộ đạo này đã có một chặng đường dài. Từ những năm làm mục vụ ở Buenos Aires, Argentina, Đức Bergoglio luôn trân trọng lòng mộ đạo của các giáo dân đơn sơ chất phác. Đối với giáo hoàng tương lai, việc đi bộ cùng Dân Chúa đến các đền thờ – đặc biệt là đền thờ Đức Trinh Nữ Lujan – luôn là cách đặc biệt để các mục tử ngửi thấy mùi chiên, giống như tất cả các mục tử nhân lành. Theo kinh nghiệm của ngài, việc cùng đi với dân Chúa trên con đường mộ đạo bình dân là một hành động truyền giáo, và cũng là một động lực truyền giáo.

Hội nghị Aparecida quy tụ các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribe vào tháng 5 năm 2007 công bố tài liệu về cuộc đời môn đệ và hoạt động truyền giáo đã ra mắt ở một đền thờ Đức Mẹ, đây là yếu tố cần thiết để hiểu hành động mục vụ của Đức Phanxicô. Công việc của các giám mục sau đó diễn ra ở Đền thánh Brazil. Vì thế các mục tử cầu nguyện và thảo luận được lời ca, lời cầu nguyện của giáo dân cùng đồng hành. Cuộc họp này được Đức Hồng y Bergoglio trải nghiệm và theo ngài, đây là “thời điểm của ân sủng.” Nó đã vang lại trong các trang của Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii Gaudium nói về lòng mộ đạo bình dân.

Ngài viết, các cách diễn tả khác nhau “có nhiều điều để dạy chúng ta và đối với những ai đọc chúng, đó là một thần học mà chúng ta phải chú ý đến”. Niềm tin cần có những biểu tượng và tình cảm, nó phải gắn liền với cuộc sống đã sống, nó không thể bị giới hạn vào bài tập trí tuệ. Đức Phanxicô nói, với hình ảnh nổi bật về lòng mộ đạo bình dân, đó là “hệ thống miễn dịch của Giáo hội”.

Đức Phaolô VI và việc tái khám phá lòng mộ đạo bình dân

Trên chủ đề lòng mộ đạo bình dân cũng như các câu hỏi cơ bản khác, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii Gaudium nhắc lại Tông huấn Loan báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi. Hơn nữa chính Đức Phaolô VI, vào cuối Công đồng Vatican II, ngài đã tạo động lực mới cho lòng mộ đạo bình dân, đặc biệt, ngài đã ‘bảo vệ’ nó khi đối diện với sự lạnh nhạt và bầu khí nghi ngờ vẫn còn tồn ở một vài môi trường Công giáo.

Trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi được công bố sau Thượng Hội đồng dành riêng cho việc truyền bá Phúc âm hóa năm 1974, Đức Phaolô VI đã dành cả đoạn 48 để nói về lòng mộ đạo bình dân, về điểm này, chúng ta đề cập đến “một khía cạnh truyền giáo tế nhị”. Tông huấn này cảnh báo chống lại một số xuyên tạc đã làm lòng mộ đạo bình dân nghiêng lệch theo kiểu mê tín, ngài lưu ý các biểu hiện của lòng mộ đạo phải được xem như  các phương tiện truyền giáo ưu tiên. Đức Phaolô VI viết, lòng mộ đạo bình dân bình dân là biểu hiện “lòng khát khao Chúa mà chỉ có những người đơn sơ và nghèo khổ mới có thể thấu hiểu được.”

Đức Gioan-Phaolô II: Lòng kính mến Đức Mẹ ở trọng tâm triều giáo hoàng của ngài

Việc khám phá lại lòng mộ đạo bình dân này đã được Đức Gioan-Phaolô II mở rộng và đặt một cách hữu hình ở trọng tâm triều giáo hoàng của ngài. Chính nhờ lòng mộ đạo bình dân và đặc biệt lòng kính mến Đức Mẹ đã giúp ngài trước hết chống lại các chế độ độc tài của Đức Quốc xã và sau đó là Cộng sản, ngài đã “mang về Rôma” chiều kích phổ thông này của kitô giáo trong các hành động cũng như trong Giáo huấn của ngài, và đó là điều thiết yếu. Nó thể hiện tính công giáo, tính phổ quát của Giáo hội và cùng một lúc là sự hội nhập văn hóa của Phúc âm trong một cộng đồng quốc gia cụ thể. Vì thế lòng mộ đạo bình dân trở thành chủ đề chung trong suốt hàng trăm chuyến tông du của ngài trên khắp thế giới, trong suốt thời gian này, ngài không bao giờ bỏ lỡ một giây phút cầu nguyện trong đền thờ hoặc một cử chỉ quan tâm đến nguồn cội thiêng liêng của đất nước ngài đến thăm. Năm 2002, ngài công bố Thư mục về Lòng mộ đạo bình dân và Phụng vụ cho Bộ Phụng tự.

Với Đức Giáo hoàng Ba Lan, ngài khắc ghi khẩu hiệu giám mục của mình, ngài hoàn toàn phó thác vào Đức Mẹ (Totus tuus, Tout à toi Marie), sự khinh miệt của giới tinh hoa xem lòng mộ đạo bình dân là biểu hiện hời hợt và không tinh tuyền đã thành chuyện quá khứ. Đối với Đức Gioan-Phaolô II, “một đức tin bắt rễ sâu xa trong một nền văn hóa chính xác, thấm nhuần vừa thớ sợi của trái tim vừa trong ý tưởng, và trên hết là được chia sẻ rộng rãi với toàn dân” là chuyện phổ biến một cách đích thực. Như hồng y người Ba Lan Stanislaw Ryl, chánh quản vương cung thánh đường Đức Bà Cả cho biết, triều giáo hoàng Đức Gioan-Phaolô II “đã giúp lòng mộ đạo bình dân thoát khỏi nhãn hiệu ‘tàn dư có nguy cơ tuyệt chủng’”, ngài muốn nói đến “một nguồn lực tinh thần phi thường cũng dành cho Giáo hội ngày nay”.

Đức Bênêđictô XVI: Lòng mộ đạo của giáo dân là di sản của Giáo Hội

Đức Bênêđictô XVI cũng cùng làn sóng với vị tiền nhiệm của mình, trong suốt những năm dài làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ngài đã tinh tường nhìn thấy các biểu hiện của lòng mộ đạo bình dân. Chúng ta thấy điều này trong Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo mà hồng y Joseph Ratzinger là tác giả chính theo yêu cầu của Đức Gioan-Phaolô II. Chắc chắn, giống như vị tiền nhiệm người Ba Lan và vị kế nhiệm người Argentina của ngài, ngài đã trải nghiệm thời thơ ấu ở Bavaria, nơi ngài cùng với gia đình, đặc biệt với người anh quá cố Georg tham dự các cuộc hành hương và các sự kiện mến mộ bình dân đã ảnh hưởng đến việc kính mến này. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trở thành giáo hoàng, nhiều lần Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh “lòng mộ đạo bình dân là di sản của Giáo hội”, trên thực tế, ngài minh chứng điều này qua các chuyến hành hương đến các đền thờ Đức Mẹ ở Ý và ở các nước trong hai mươi bốn chuyến tông du quốc tế của ngài.

Chủ đề này được đưa ra thường xuyên trong các cuộc trao đổi giữa Đức Bênêđictô XVI và các linh mục của giáo phận Rôma mà ngài là giám mục. Trong thời gian giảng dạy này, ngài xin họ đừng nói xấu về các nghi thức kính mến và đừng xem chúng là có hại, nhưng phải đưa ra và giải thích cho dân Chúa một cách thỏa đáng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi năm 2011, trong cuộc họp với Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, ngài đã dùng các lời mà sau này Đức Phanxicô đã dùng lại. Thực ra, với Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô, lòng mộ đạo bình dân không thể bị xem là khía cạnh thứ yếu trong đời sống tín hữu kitô, vì trong lời cầu nguyện đơn sơ của giáo dân đã là “nơi gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô và thể hiện đức tin của Giáo hội”.

Marta An Nguyễn dịch

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận