Đức Thánh Cha công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse”

1328 lượt xem

Ngày 8/12/2020, nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.

Ngày 8/12/1870, chân phước Giáo hoàng Pio IX đã ban hành sắc lệnh Quemadmodum Deus, công bố thánh Giuse là Đấng Bảo trợ Giáo hội.

Tông thư Trái tim của người Cha được Đức Thánh Cha viết trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Theo ngài, đại dịch giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của những con người vì công ích, những người xa ánh đèn sân khấu, kiên nhẫn mỗi ngày và nuôi dưỡng hy vọng, lan toả sự đồng trách nhiệm. Chúng ta có thể tìm thấy nơi thánh Giuse, “một người không được chú ý, người hiện diện hàng ngày, kín đáo và âm thầm, người chuyển cầu, là sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”. Thánh nhân nhắc chúng ta rằng những người dường như “giữ vai trò phụ”, âm thầm, lại là “những vai chính không thể so sánh trong lịch sử cứu độ”.

Người cha được các tín hữu yêu mến

Trong Tông thư, điểm đầu tiên Đức Thánh Cha miêu tả về thánh Giuse đó là thánh nhân là người cha được các tín hữu yêu quý, vì ngài đã thể hiện một cách cụ thể tình phụ tử của mình “khi dâng cuộc đời mình làm của lễ trong tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế”. 

Người cha dịu dàng

Điểm thứ hai, thánh Giuse là người cha dịu dàng, nơi ngài, “Chúa Giê-su nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa”, điều giúp chúng ta đón nhận sự yếu đuối của mình”, bởi vì “chính nhờ và bất chấp sự yếu đuối của chúng ta” mà hầu hết các kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện. Thật vậy, Thiên Chúa “không lên án chúng ta, nhưng đón nhận, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta”.

Người cha vâng lời Thiên Chúa

Thứ ba, thánh Giuse là người cha vâng lời Thiên Chúa; bằng sự vâng phục, ngài đã cứu Mẹ Maria và Chúa Giê-su và dạy Con của ngài “thi hành ý Chúa Cha”.

Người cha của sự đón tiếp

Thứ tư, thánh Giuse cũng là “người cha của sự đón tiếp” bởi vì ngài “đón nhận Mẹ Maria vô điều kiện”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh cử chỉ này ngày nay vẫn quan trọng. Qua thánh Giuse, Thiên Chúa lập lại với chúng ta “Đừng sợ!” bởi vì “đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố. Sự đón nhận của thánh Giuse mời gọi chúng ta đón tiếp người khác như chính họ là, không loại trừ, ưu tiên cho những người yếu đuối”.

Người cha can đảm sáng tạo

Điểm thứ năm Đức Thánh Cha miêu tả thánh Giuse đó là lòng can đảm sáng tạo, “biết cách biến vấn đề thành cơ hội bằng cách luôn đặt niềm tin vào Chúa Quan Phòng lên hàng đầu”. Thánh nhân phải đối mặt với “những vấn đề cụ thể” của gia đình mình, giống hệt như những gia đình khác trên thế giới, đặc biệt là những người di cư. Là người bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thánh Giuse “không thể không là người bảo vệ Giáo hội”, của tình mẫu tử và Thân thể Chúa Kitô: mọi người túng thiếu đều là “Hài nhi” mà thánh Giuse bảo vệ và từ ngài, người ta có thể học cách “yêu mến Giáo hội và người nghèo.

Người cha lao động

Thứ sáu, thánh Giuse là người lao động. Là người thợ mộc lương thiện để nuôi sống gia đình, thánh nhân cũng dạy chúng ta “giá trị, phẩm giá và niềm vui” của việc “ăn miếng cơm thành quả lao động của mình.” Đức Thánh mời gọi hiểu ý nghĩa của lao động, điều mang lại phẩm giá và là sự tham gia vào chính công trình cứu độ. Lao động là cơ hội cho các gia đình; không có việc làm các gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, căng thẳng, rạn nứt và thậm chí là sự cám dỗ tuyệt vọng và phân tán.

Do đó, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người “khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của lao động”, để “làm nảy sinh một chuẩn mực mới, trong đó không ai bị loại trừ”. Đặc biệt, khi nhìn vào tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng do đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người dấn thân để chúng ta có thể nói: “Không có người trẻ nào, không có người nào, không có gia đình nào không có việc làm!”

Người cha luôn là bóng mát che chở

Điểm cuối cùng Đức Thánh Cha miêu tả thánh Giuse đó là người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn, giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giê-su, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse được gọi là Đấng rất thanh khiết, nghĩa là “đối nghịch với sự chiếm hữu”: ngài biết yêu thương cách tự do, không chiếm hữu, biết từ bỏ mình để đặt Chúa Giê-su và Mẹ Maria ở trung tâm của đời mình. Hạnh phúc của ngài là “trao tặng chính mình”: không bao giờ thất vọng nhưng luôn tin tưởng, luôn thinh lặng, không than van, nhưng có những cử chỉ cụ thể tín thác.

Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hình ảnh của thánh Giuse là gương mẫu, trong một thế giới “cần những người cha và từ chối những ông chủ”, từ chối những người nhầm lẫn “quyền hành với sự độc tài, phục vụ với nô lệ, đối mặt với áp bức, bác ái với phúc lợi, sức mạnh với sự phá hủy”.

Đức Thánh Cha đọc một kinh nguyện thánh Giuse mỗi ngày

Chú thích số 10 của Tông thư cho biết một thói quen trong cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô: mỗi ngày ngài đều đọc một kinh cầu nguyện với thánh Giuse, từ cuốn sách có từ những năm 1800, của các nữ tu dòng Chúa Giê-su và Mẹ Maria. Đức Thánh Cha giải thích đó là lời cầu nguyện “bày tỏ lòng sùng kính và tin cậy” đối với thánh Giuse, nhưng cũng là “một thử thách nhất định”, vì nó kết thúc bằng những lời: “Xin đừng để người ta nói rằng họ đã cầu khẩn ngài vô ích, xin hãy chứng tỏ rằng lòng tốt của ngài cũng lớn như quyền năng của ngài”. (CSR_9071_2020)

Hồng Thủy

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận