Chiến tranh Israel-Hamas: Đức Phanxicô đau buồn cho “những giờ phút đen tối” và mong hai quốc gia cùng tồn tại

2863 lượt xem

Chiến tranh Israel-Hamas: Đức Phanxicô đau buồn cho “những giờ phút đen tối” và mong hai quốc gia cùng tồn tại

lemonde.fr, Sarah Belouezzane, 2023-10-28

Lo ngại trước tình hình có khả năng châm ngòi cho toàn bộ Trung Đông, Đức Phanxicô đã nói chuyện với tổng thống Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước bàn thờ ở Đền thờ Thánh Phêrô, một dãy mũ màu đỏ của các hồng y, màu tím của các giám mục trải dài ngút mắt. Đền thờ quan trọng nhất của Giáo hội công giáo chiều thứ sáu 27 tháng 10 đông nghẹt người. Các giám chức, các thành viên giáo triều, ngoại giao đoàn và giáo dân đến đây cầu nguyện hòa bình cho Đất Thánh, và trong lúc này các vụ ném bom của Israel ngày càng gia tăng ở phía bắc Gaza. Cuộc tấn công khủng bố ngày 7 tháng 10 do Hamas gây ra và cuộc chiến sau đó đã tác động trên chương trình làm việc bận rộn của Rôma với phiên họp toàn thể của Thượng hội đồng về tính đồng nghị để suy nghĩ về tương lai của Giáo hội.

Gương mặt đau buồn, trong bộ đồ trắng, Đức Phanxicô ngồi dưới bức tượng của François de Paule. Từ ngày 7 tháng 10, ngài không ngừng kêu gọi hòa bình, nói đến thời điểm này là “giờ đen tối” nhưng ngài không bao giờ đề cập đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông.

Gia đình nhân loại “đã lạc mất con đường để đi đến hòa bình”

Ngài cầu nguyện với Đức Mẹ: “Thưa Mẹ, bây giờ thêm một lần nữa, xin Mẹ cho chúng con sáng kiến trong thời điểm chúng con bị xâu xé vì những xung đột và bị vũ khí tàn phá. Gia đình nhân loại chúng con đã lạc mất con đường đi đến hòa bình. xin Mẹ lay chuyển tâm hồn những người mắc vào cạm bẫy hận thù, hoán cải những người nuôi dưỡng và châm ngòi xung đột. Xin Mẹ lau khô nước mắt cho trẻ em, giúp người cô đơn và người già, hỗ trợ người bị thương và bệnh tật.”

Một ngày trước đó, Đức Phanxicô đã nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan về chủ đề xung đột Israel-Palestine. Trong trao đổi được thực hiện theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, ngài bày tỏ hy vọng “có thể đạt được việc thành lập hai quốc gia được xác định và một quy chế đặc biệt cho thành phố Giêrusalem”. Vì thế ngài nhắc lại quan điểm ngài đã có từ đầu triều, cụ thể theo ngài, cần thiết là để hai quốc gia cùng tồn tại.

Sáng thứ sáu 27 tháng 10, hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự với các nhà báo. Theo ngài, đó là “giải pháp khả thi duy nhất có thể đảm bảo một tương lai hòa bình và gần gũi an bình, thông qua đối thoại trực tiếp giữa hai bên. Chúng tôi nghĩ đến các trẻ em bị Hamas bắt cóc cũng như nhiều trẻ em đã chết dưới bom đạn ở Gaza. Trên hết là lời kêu gọi xin hai bên tính đến sự vô tội và tương lai của trẻ em.” Ngài nhắc lại “lời kêu gọi thả con tin” và chấm dứt “cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza”, hai lãnh vực được Tòa Thánh hành động.

Nếu những hành động tàn bạo do Hamas gây ra không bị lên án, thì kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, giáo hoàng và Tòa thánh tiếp tục nhấn mạnh đến số phận của người dân ở Dải Gaza, đặt mình trong tư cách là cơ quan có thẩm quyền đạo đức lo lắng cho nỗi đau của cả hai bên.

Với tổng thống Joe Biden, một lên án chung

Ngày 22 tháng 10, Đức Phanxicô đã nói chuyện với tổng thống công giáo Joe Biden trong khoảng 20 phút. Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, cả hai cùng lên án cuộc tấn công của Hamas và thảo luận về “sự cần thiết phải tránh leo thang trong khu vực và nỗ lực hướng tới hòa bình lâu dài ở Trung Đông”. Cùng ngày, trong giờ Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô cho biết ngài quan tâm và đau buồn trước tình hình này, ngài cho biết đã cầu nguyện cho tất cả những người đang đau khổ, các con tin, người bị thương, nạn nhân và gia đình của họ.

Một cân bằng ngài đã theo đuổi trong nhiều năm, nhưng ngày nay dường như nó càng trở nên cần thiết hơn với Tòa Thánh. Theo ông François Mabille, chuyên gia về tôn giáo tại Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế thì “cuộc xung đột có ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia khác nơi có các tín hữu kitô đông phương, tình trạng thiểu số của họ ở các nước Ả Rập tạo ra nhiều vấn đề”, nên Vatican phải cân nhắc.

Giải pháp hai Quốc gia đã được Tòa Thánh hỗ trợ trong nhiều thập kỷ. Năm 2015, Vatican đã ký một thỏa thuận về nguyên tắc công nhận nhà nước Palestine. Năm 2014, Đức Phanxicô mới nhậm chức một năm, ngài đã tiếp tổng thống Israel Shimon Peres và tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas để cầu nguyện cho hòa bình. một sự kiện lịch sử, Tòa Thánh luôn hy vọng đóng vai trò trung gian hòa bình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn:phanxico.vn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận