Đoàn đại biểu Ủy Ban Giáo Dân kết thúc một chuyến đi

1217 lượt xem

ĐOÀN ĐẠI BIỂU ỦY BAN GIÁO DÂN KẾT THÚC MỘT CHUYẾN ĐI

Lm. Antôn Hà Văn Minh

 Ngày 21-2-2023 đoàn đại biểu Ủy Ban Giáo Dân trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Giáo phận Long Xuyên, chủ tịch Ủy Ban Giáo Dân, Cha Antôn Hà Văn Minh, Thư Ký Ủy Ban Giáo dân, Ô. Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái, Đại diện Giáo dân trong Ủy Ban Giáo dân, đã về đến Việt Nam sau ba ngày tham dự hội nghị do Bộ Giáo Dân, Gia đình và Sự sống tổ chức với chủ đề: Các Mục tử và người Tín hữu giáo dân được mời gọi cùng nhau tiến bước (Pastors and lay faithful called to go forward together) từ ngày 16-18/2/2023 tại Vatican.

Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Giáo phận Long Xuyên, chủ tịch Ủy Ban Giáo Dân, gặp Đức Thánh Cha
Cha Antôn Hà Văn Minh, Thư Ký Ủy Ban Giáo dân, gặp Đức Thánh Cha Phanxicô
Ô. Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái, Đại diện Giáo dân trong Ủy Ban Giáo dân, gặp Đức Thánh Cha Phanxicô

Mục đích của hội nghị theo Đức Hồng y Kevin Farrell, chủ tịch Thánh Bộ “Bộ Giáo Dân, Gia đình và Sự sống” phát biểu trong bài khai mạc là: Khai sáng rõ hơn trách nhiệm liên quan đến tất cả mọi người đã được rửa tội trong Giáo hội. Mọi thành phần Dân Chúa, mục tử cũng như giáo dân, cùng chia sẻ đầy đủ trách nhiệm đối với cuộc sống, sứ mệnh, chăm sóc, quản lý và phát triển của Dân Chúa. Cần phải vượt ra khỏi hình thức ‘ủy quyền’ hoặc sự ‘thay thế’ mà người giáo dân nhận được từ các mục tử và được gọi là “sự ủy thác” trong một số công việc …” Hội nghị này muốn cùng nhau khám phá lời kêu gọi “cùng nhau tiến bước” trong việc đảm nhận trách nhiệm trong Giáo hội.

Thật vậy, Giáo hội mà chủ thể của Giáo Hội là cộng đoàn có cùng một tinh thần, cùng một đức tin và cùng một sứ mạng, do đó Giáo Hội là một cộng đoàn duy nhất. Vì thế, mọi người trong Giáo hội phải là một ‘chủ thể’ tích cực: tất cả được mời gọi cùng nhau tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Hội nghị này mong muốn các mục tử đón nhận và đồng hành với các sáng kiến của người giáo dân với sự tin tưởng rằng, tất đều mong muốn cho Tin Mừng của Chúa Kitô được lan tỏa đến với muôn dân, và Giáo Hội Chúa chính là nhà đáng tin cậy để mọi người tìm đến.

Đức hồng y hy vọng rằng trong hai ngày lắng nghe, đối thoại và trao đổi sẽ mang lại nhiều hữu ích, và có thể giúp cho mỗi tham dự viên khi trở về đất nước của mình, phát huy vai trò của tất cả các thành phần Dân Chúa, hầu tất cả nhiệt tình sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội.

Với mục đích này, hội nghị bàn về tầm quan trọng của tinh thần đồng trách nhiệm bắt nguồn từ ơn gọi rửa tội của mọi tín hữu. Ngày đầu tiên (16/20) của hội nghị đã tiến hành với hai bài thuyết trình chính:

  1. Trong bài thuyết trình đầu tiên, Fr. Luis Navarro, Hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Dòng Thánh Giá, đã cống hiến cho các tham dự viên một suy tư về nền tảng và bản chất của tinh thần đồng trách nhiệm của người tín hữu giáo dân cũng như ơn gọi và sứ mệnh của họ trong xã hội. “Giáo dân là thành viên của xã hội dân sự: nhưng họ không phải là thành viên thụ động của xã hội đó, mà là những người xây dựng xã hội đó, trong gia đình, trong công việc, trong văn hóa, trong thế giới vô tận của các mối quan hệ con người, nói tóm lại, trong thế giới của sự thay đổi. Người Giáo dân cũng được nhìn như một Chúa Kitô khác bởi vì họ là những phần tử sống động của Giáo hội: được kêu gọi trở thành linh hồn của thế giới, như bức thư gửi Diognetus đã bày tỏ điều đó”
  2. Bài thuyết trình thứ hai của Carmen Peña Garcia, Giáo sư Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Comillas ở Madrid. Khi suy tư về các lĩnh vực và cách thức thực hiện tính đồng trách nhiệm của giáo dân, bà nhắc lại rằng “từ việc khẳng định thừa tác vụ giáo dân bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội và nguyên tắc hiệp hành, cần phải tiếp tục tiến lên trong sự đồng trách nhiệm của giáo dân. Sự tham gia có trách nhiệm của giáo dân vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Một chi tiết cần lưu ý: Từ những dấn thân tích của giáo dân trong đời sống của giáo xứ cho tới việc tham gia cách bình thường vào các cơ cấu của Giáo Hội thông qua việc đào tạo phù hợp với mục đích của công việc tại Giáo phận, cũng như tại giáo triều Roma, đã mang đến cho các hoạt động Giáo Hội một sự phong phú có “tính giáo dân”, nhờ đó tránh được sự cám dỗ của “chủ nghĩa giáo quyền quá mức’.

Ngày thứ hai của Hội nghị với chủ đề: “tầm quan trọng của việc đào tạo dành cho những người đã được rửa tội”, để giúp họ tái khám phá ơn gọi và các đặc sủng của mình, hầu có thể tiến tới việc đồng trách nhiệm trong công việc của Giáo Hội có thể trở thành hiện thực.

  1. Giáo Sư Hosffman Ospino, trình bày đầu tiên của ngày thứ hai, với chủ đề: để có sự đồng trách nhiệm hiệu quả, cần phải đào tạo giáo dân một cách đầy đủ. Hồng y Gérald Lacroix, Tổng Giám mục Địa phận Quebec, cũng đề cập đến sự cần thiết của việc đào tạo giúp cho mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau tiến về phía Chúa, và đặc biệt để “tái khám phá chức tư tế của những người đã được rửa tội để tất cả mọi người, người Công giáo, các thừa tác viên có chức thánh, và các thành viên của đời sống thánh hiến, có thể tham gia hữu hiệu hơn vào đời sống của Giáo Hội”.

Sau bài thuyết trình là những chia sẻ kinh nghiệm đào tạo trong các lãnh vực mục vụ khác nhau. Shoy Thomas, thuộc phong trào Giới trẻ Chúa Giêsu quốc tế, đã nói về việc đào tạo người trẻ: “Nếu việc đào tạo đóng một vai trò quan trọng trong hành trình mục vụ, thì cũng quan trọng không kém là tiến trình đồng hành, sự hiện diện của các gia đình mở cửa cho người trẻ và quyền tự do phạm sai lầm và học hỏi từ chúng, khuyến khích và hỗ trợ chúng, mang đến cơ hội.” Sau đó, Benoît và Véronique Rabourdin từ Cộng đồng Emmanuel của Pháp đã nói về việc đào tạo như một hành động biến đổi mang lại động lực truyền giáo cho các cặp vợ chồng với các cặp vợ chồng khác và gia đình với các gia đình khác. Andrea Poretti, một người Argentina từ Cộng đoàn của Sant’Egidio, bày tỏ quan điểm của mình về sự hình thành liên tục của tất cả những người làm công tác xã hội: “Không có cách nào để chạm đến trái tim của người khác nếu chúng ta vẫn khép kín trong chính mình. Đào tạo cũng có nghĩa là nâng cao tầm nhìn của một người, có thể nhìn thấy và đáp ứng với lòng trắc ẩn đối với rất nhiều nhu cầu”. Cuối cùng, José Prado Flores, từ Mexico, tập trung vào chứng từ của mình về tầm quan trọng của việc công bố mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ và là Chúa đã được các Tông đồ loan báo trong các bài giảng Kerygma, để bắt đầu lại việc đào tạo những người đã chịu phép rửa đã xa rời Giáo Hội. Thông qua những tiếng nói được bày tỏ bởi những người tham gia khác nhau, một cuộc trao đổi kinh nghiệm và nhu cầu mục vụ trong lĩnh vực đào tạo đã bắt đầu.

  1. Đức Tổng Giám mục Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, thuyết trình phần hai của ngày hội nghị 17-2. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần bắt đầu đào tạo cách sâu sắc dành cho các mục tử để họ học cách tránh xa thái độ gia trưởng, bởi vì “tất cả chúng ta phải học từ sự hiệp thông giữa chúng ta, giáo dân và mục tử.” Thay vì châm ngòi cho sự đối lập giữa giáo sĩ và giáo dân, chúng ta nên tìm kiếm những cách thức cộng tác và đồng trách nhiệm ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn. Sau đó, Fr. Miguel Garrigós Domínguez, đến từ Tây Ban Nha đã trình bày kinh nghiệm đào tạo của mình, cũng như Sônia Gomes de Oliveira, đến từ Brazil, người đã nói về các dự án liên quan đến việc chuẩn bị hôn nhân và kinh nghiệm về “Năm Giáo dân” ở Brazil. Để kết thúc, trong giây phút chia sẻ và đối thoại, H.E. Đức ông. Richard Moth, thuộc Hội đồng Giám mục Anh đã trình bày “Niềm tin vào chính trị,” một kinh nghiệm hình thành chính trị cho những người trẻ tuổi; Đức ông. Jean de Dieu Raoelison, thuộc Hội đồng Giám mục Madagascar, đã trình bày việc đào tạo giáo lý viên cho những vùng nghèo nhất của đất nước. Đáp lại mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và câu hỏi của nhiều người khác…

Sáng ngày 18-2-2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc hội nghị với tâm tình chia sẻ: “Giáo Hội còn một chặng đường dài phía trước để sống như một thân thể, như một dân tộc chân chính được hiệp nhất bởi cùng một niềm tin vào Chúa Kitô Cứu Thế, được làm sống động bởi cùng một Thần Khí thánh thiện và hướng đến cùng một sứ vụ loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa chúng ta”.

Đức Thánh cha ưu tư: “Bi bi kịch của Giáo hội là Chúa Giêsu cứ gõ cửa, nhưng đứng từ bên trong gõ ra, để mong chúng ta cho Người được ra ngoài! Rất nhiều khi, chúng ta trở thành một Giáo hội “cầm tù”, không cho Chúa ra ngoài, giam giữ Người như “của riêng mình”, trong khi Chúa đến vì sứ mạng và muốn chúng ta trở thành những nhà truyền giáo. Theo quan điểm này, chúng ta có thể tiếp cận đúng đắn vấn đề chia sẻ trách nhiệm cho người giáo dân”. Vì thế, Đức Thánh cha nhấn mạnh: “chúng ta phải hiểu đúng đắn về vấn đề chia sẻ trách nhiệm cho người giáo dân trong Giáo hội. Nhu cầu nâng cao vai trò của giáo dân không phải dựa trên một số mới lạ về thần học, hoặc do thiếu linh mục, càng không phải là mong muốn bù đắp cho sự bỏ bê của họ trong quá khứ. Thay vào đó, nó dựa trên một tầm nhìn đúng đắn về Giáo hội, là Dân Thiên Chúa, trong đó giáo dân, cùng với các thừa tác viên được thụ phong, hoàn toàn là một thành phần Dân Chúa. Do đó, các thừa tác viên được thụ phong không phải là ông chủ, họ là những người phục vụ: mục tử, không phải ông chủ. Điều này có nghĩa là tái khám lại về một ‘Giáo hội học toàn diện’, giống như Giáo hội học của các thế kỷ đầu tiên, khi mọi người với tư cách thành viên trong Chúa Kitô đều hợp nhất với nhau, nhờ sự hiệp thông siêu nhiên với Người và với anh chị em của chúng ta” . Sự chia sẻ trách nhiệm giữa giáo dân và mục tử sẽ giúp vượt qua sự phân rẽ, nỗi sợ hãi và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Bây giờ là lúc để các mục tử và giáo dân cùng nhau tiến bước, trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội và ở mọi nơi trên thế giới! Giáo dân không phải là ‘khách’ trong Giáo hội; đó là nhà của họ và họ được kêu gọi chăm sóc ngôi nhà của họ. Giáo dân, và đặc biệt là phụ nữ, phải được đánh giá cao hơn về các kỹ năng cũng như về những món quà có tính nhân bản và tinh thần mà họ mang lại cho đời sống của các giáo xứ và giáo phận. Họ có thể hỗ trợ bằng ngôn ngữ ‘hàng ngày’ của mình trong việc loan báo Tin Mừng bằng cách tham gia vào các hình thức rao giảng khác nhau. Họ có thể hợp tác với các linh mục trong việc đào tạo trẻ em và thanh thiếu niên, giúp đỡ các cặp đính hôn chuẩn bị cho hôn nhân, và đồng hành với các cặp vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình. Họ phải luôn luôn được hỏi ý kiến bất cứ khi nào các sáng kiến mục vụ mới được lên kế hoạch ở mọi cấp độ, địa phương, quốc gia và toàn cầu. Họ nên có tiếng nói trong các hội đồng mục vụ của các Giáo hội địa phương và nên có mặt trong các văn phòng giáo phận. Họ có thể hỗ trợ trong việc đồng hành thiêng liêng với các giáo dân khác và đóng góp vào việc đào tạo các chủng sinh và tu sĩ”

Cuối cùng Đức Thánh cha tỏ bày: “Tôi ước ao biết bao rằng, tất cả chúng ta có thể ấp ủ trong trí óc và tấm lòng của chúng ta về Giáo Hội! Một Giáo hội hướng tới sứ mệnh, nơi mọi người hiệp lực và cùng nhau bước đi loan báo Tin Mừng. Một Giáo hội gắn kết chúng ta lại với nhau qua việc chúng ta là Kitô hữu đã được rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa Giêsu. Một Giáo hội được đánh dấu bởi tình huynh đệ giữa giáo dân và các mục tử, khi tất cả cùng làm việc với nhau mỗi ngày trong mọi lĩnh vực của đời sống mục vụ, vì tất cả họ đều đã được rửa tội. Tôi khuyến khích anh chị em cổ võ trong các Giáo hội của mình tất cả những gì anh chị em đã nhận được trong những ngày này, để cùng nhau tiếp tục canh tân Giáo hội và hoán cải truyền giáo”.

Hội nghị kết thúc trong tình huynh đệ và mỗi đại biểu ra về mang nhiều hoài bão mong sao cho Giáo Hội tại địa phương sẽ có nhiều sách lược để thăng tiến vai trò giáo dân và kiến tạo môi trường để người giáo dân cùng chia sẻ trách nhiệm với hàng giáo sĩ trong các công việc thuộc về đời sống Giáo Hội, để Tin Mừng Chúa Kitô được lan tỏa khắp nơi.

Nguồn:hdgmvietnam

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận