Đức Maria, hiền mẫu và gương mẫu của linh mục

1561 lượt xem

Trong lá thư đầu tiên gửi các linh mục vào dịp Thứ Năm Tuần Thánh năm 1979 dưới triều đại Giáo Hoàng của mình, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Trong thiên chức linh mục thừa tác của chúng ta, có một chiều kích rất đẹp đẽ và sâu sắc về sự gần gũi giữa Mẹ Chúa Kitô và linh mục.” Dưới ánh sáng đó, chúng ta cùng nhau khám phá mối tương quan mật thiết và sự gần gũi giữa Đức Maria và linh mục.

Tân Ước nói không nhiều về Đức Maria. Tuy nhiên, nếu chú ý, chúng ta nhận ra rằng Mẹ đã hiện diện trong cả ba biến cố quan trọng nhất của mầu nhiệm Kitô giáo, đó là: Nhập Thể, Vượt Qua và Hiện Xuống. Thật vậy, Đức Maria đã hiện diện tại biến cố Nhập Thể bởi vì biến cố này đã xảy ra ngay trong dạ Mẹ; Đức Maria cũng đã hiện diện tại mầu nhiệm Vượt Qua, bởi như Kinh Thánh viết: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có Đức Maria, thân mẫu Người (x. Ga 19,25). Mẹ còn hiện diện tại Lễ Hiện Xuống, bởi lẽ trình thuật Công Vụ Tông Đồ cho thấy, các Tông Đồ đều “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ và bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu” (x. Cv 1,14). Cả ba biến cố này đều minh chứng về sự gần gũi mầu nhiệm giữa Đức Maria và linh mục. Trong bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu biến cố đầu tiên và suy tư về thông điệp mà Đức Maria “nói với” và “nói về” linh mục trong mầu nhiệm Nhập Thể.

  1. Tương quan giữa Đức Maria và linh mục

Trước hết, cần phải nhắc lại ở đây vấn nạn về tước hiệu linh mục được Truyền Thống gán cho Đức Trinh Nữ. Một tác giả cuối thế kỷ V đã từng gọi Đức Maria là “Đức Trinh Nữ, và đồng thời là linh mục, vừa là bàn thờ ban Chúa Kitô cho chúng ta, là bánh bởi Trời để tha thứ tội lỗi.”[1] Kể từ đó trở đi, người ta thường xuyên đề cập chủ đề Đức Maria như là linh mục, sau này nó trở thành đề tài rất được phát triển trong thần học vào thế kỷ XVII, theo trường phái thánh Sulpice (thánh Xuân Bích), ở Pháp. Trong đó, thiên chức linh mục của Đức Maria ít được đặt trong mối tương quan với thiên chức linh mục thừa tác, nhưng đúng hơn trong mối tương quan với Chúa Kitô.

Vào cuối thế kỷ XIX, lòng sùng kính chân chính và bình dân đối với Đức Trinh Nữ như là linh mục đã lan rộng. Thậm chí thánh Piô X còn thích thú với việc thực hành lòng đạo đức bình dân này. Tuy nhiên, có một sự mập mờ giữa chức tư tế của Đức Maria và chức tư tế thừa tác, nên nó dễ tạo nên sự hiểu lầm. Khi nhận thấy nguy cơ dẫn đến những thực hành sai lạc, Huấn Quyền Giáo Hội tỏ ra dè dặt và Toà Thánh đã có hai can thiệp để thực sự chấm dứt tình trạng sùng kính này.[2]

Sau Công Đồng Vaticanô II, chức tư tế của Đức Maria vẫn được nói đến, nhưng không còn được liên kết với chức tư tế thừa tác cũng như với chức tư tế thượng phẩm của Chúa Kitô, mà với chức tư tế phổ quát của các tín hữu. Là hình ảnh và là hoa trái đầu tiên của Giáo Hội, Mẹ sở hữu một cách cá vị “chức tư tế vương giả” (1 Pr 2,9), mà tất cả mọi người đã được rửa tội đều sở hữu như nhau.

Vậy thì chúng ta có thể giữ lại điều gì mà Truyền Thống lâu đời vốn đã liên kết Đức Maria với linh mục? Đâu là ý nghĩa về sự “gần gũi” giữa Đức Maria và linh mục mà Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định ở trên không? Đối với tôi, điều còn lại có lẽ là sự so sánh hay sự tương đồng giữa các chiều kích khác nhau trong mầu nhiệm cứu độ mà Đức Maria đã cộng tác và linh mục thi hành. Trong khi, những mầu nhiệm cứu độ mà Đức Maria đã sống và trải nghiệm, luôn ở trên bình diện của thực tại lịch sử, thì đối với linh mục, chúng lại được hiện tại hoá trên bình diện của thực tại bí tích.

Trong mối liên hệ này, chúng ta có thể hiểu những lời của Đức Phaolô VI: “Đâu là mối liên hệ và sự khác biệt giữa mẫu tính của Đức Maria, Đấng được mọi người yêu mến nhờ phẩm giá và vai trò được Thiên Chúa giao phó trong chương trình cứu độ, và chức tư tế Tông Truyền, được Chúa thiết lập để trở nên khí cụ chuyển thông ơn cứu độ giữa Thiên Chúa và loài người? Đức Maria ban Chúa Kitô cho nhân loại; các linh mục cũng ban Đức Kitô cho nhân loại, nhưng theo một cách khác, như đã rõ; nhờ Nhập Thể và nhờ việc đổ đầy ân sủng, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ thiên chức ấy; còn chức tư tế được ban nhờ những năng quyền của bí tích truyền chức.”[3]

Như vậy, sự tương đồng giữa Đức Maria và linh mục có thể được diễn tả như thế này: Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã thụ thai Đức Kitô, sau khi Mẹ ấp ủ và cưu mang trong lòng, Mẹ đã sinh hạ Người tại Bêlem; còn linh mục được xức dầu và thánh hiến trong Chúa Thánh Thần khi truyền chức, cũng được mời gọi cưu mang Đức Kitô để có thể hạ sinh Người và để Người được sinh ra trong tâm hồn các tín hữu qua việc loan báo Lời Chúa và ban phát các bí tích.Theo hướng suy tư này, mối liên hệ giữa Đức Maria và linh mục có một truyền thống lâu đời xuyên suốt dòng lịch sử, nó có thẩm quyền và thuyết phục hơn nhiều so với quan niệm về Đức Maria như là linh mục. Tiếp nhận tư tưởng của thánh Augustinô,[4] Công Đồng Vaticanô II viết: “Giáo Hội vì trung thành lãnh nhận lời Thiên Chúa, nên cũng được làm mẹ. Thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép Rửa Tội, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt.”[5]Các Giáo Phụ cho rằng, giếng Rửa Tội là “dạ mẹ” trong đó Giáo Hội sinh ra những người con của mình, và Lời Chúa là “dòng sữa” tinh khiết mà Giáo Hội nuôi dưỡng con cái:“Ôi kỳ công huyền diệu! Chúa Cha hoàn vũ là một, Ngôi Lời hoàn vũ là một, Chúa Thánh Thần cũng là một và ở khắp mọi nơi, và mẹ đồng trinh là một. Tôi thích gọi bà là Giáo Hội. […] Bà vừa đồng trinh vừa là mẹ – trong trắng như một trinh nữ, yêu thương như một người mẹ. Và gọi các con của mình đến với bà, bà đã nuôi dưỡng chúng bằng sữa thánh, bằng Lời dành cho những trẻ thơ mới sinh” (x.1 Pr 2,2).[6]Chân phước Isaác thành Stella đã tổng hợp lại tư tưởng truyền thống này trong một trích đoạn sáng chói sau đây: “Đức Maria và Giáo Hội là một người mẹ, nhưng còn hơn một người mẹ; một trinh nữ, nhưng còn hơn một trinh nữ. Cả hai đều là mẹ, cả hai đều là trinh nữ. Cả hai đều thụ thai do cùng một Thánh Thần, chứ không bởi nhục dục. Cả hai đều sinh ra con của Thiên Chúa Cha mà không mắc tội. Đức Maria đã sinh ra Đức Kitô, Đầu cho Thân Thể Người mà không mắc tội nào; còn người mẹ kia sinh ra thân thể cho Đầu, nhờ ơn tha thứ mọi tội lỗi. Cả hai đều là mẹ Đức Kitô, nhưng trong hai người mẹ đó, không người nào sinh ra Đức Kitô toàn thể, mà lại không có người kia.”[7]Những gì được nói trong bản văn này về Giáo Hội trong toàn thể, như là bí tích cứu độ, phải được áp dụng cách đặc biệt cho các linh mục, bởi vì nhờ sứ vụ được giao phó, một cách cụ thể, họ là những người sinh hạ Đức Kitô trong các linh hồn qua Lời Chúa và các bí tích.

2. Đức Maria đã tin

Trên đây là sự giống nhau mang tính khách quan giữa Đức Maria và linh mục, hay nói cách khác đó là sự giống nhau nhờ ân sủng được ban bởi Thiên Chúa. Tuy nhiên, có một sự giống nhau được thực hiện trên bình diện chủ thể, nghĩa là sự đóng góp cá nhân mà Đức Trinh Nữ đã đáp trả ân sủng được chọn và sự đóng góp mà linh mục được mời gọi đáp trả ân sủng được ban trong bí tích truyền chức. Không ai là một “máng thông” thuần túy để cho ân sủng Chúa qua đi mà không có bất kỳ đóng góp nào.Tertullianô nói về một loại “phiên bản” của thuyết Ngộ Đạo, theo đó, Chúa Giêsu được sinh ra bởi Đức Maria, nhưng không được thụ thai trong bà và bởi bà; thân thể Đức Kitô từ trời xuống, đi qua Đức Trinh Nữ, nhưng không được sinh ra trong bà và bởi bà; Đức Maria chỉ là con đường để Chúa Kitô đi qua, chứ không phải là một người mẹ, còn Chúa Giêsu chỉ là một vị khách đối với Đức Maria, chứ không phải con trai của người mẹ này.[8]Để không rơi vào hình thức Mộ Đạo thuyết (Pietisme) này trong đời sống của mình, linh mục không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu cho người khác một Chúa Kitô được học biết từ sách vở mà Người không thực sự “nhập thể” và  trở thành “máu thịt” của linh mục. Nếu mượn lại hình ảnh mà thánh Bênarđô thường sử dụng thì chúng ta có thể nói, cũng như Đức Maria, linh mục phải là hồ chứa đầy tràn nước, chứ không chỉ đơn thuần là con kênh, con mương chỉ để cho nước đi qua mà không đọng lại gì. Hiểu như thế, Đức Maria và linh mục có sự đóng góp giống nhau, được tóm gọn trong một hạn từ, đó là đức tin. Thánh Augustinô viết về Đức Maria: “Nhờ đức tin Mẹ đã thụ thai và nhờ đức tin Mẹ đã sinh ra” (fide concepit, fide peperit).[9] Cũng nhờ đức tin mà linh mục cưu mang Chúa Kitô trong lòng và nhờ đức tin mà linh mục thông truyền Chúa cho người khác. Điều quan trọng ở chỗ, linh mục có thể học được gì từ đức tin của Mẹ Maria.Tin Mừng cho thấy, khi Đức Maria đến gặp bà Êlisabét, bà đã đón tiếp Đức Mẹ với niềm vui sướng tột độ và “được đầy Chúa Thánh Thần,” bà thốt lên rằng: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Không còn nghi ngờ gì nữa, điều mà Mẹ đã tin tưởng như vậy ám chỉ câu trả lời của Mẹ với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).Thoạt nhìn, có người nghĩ rằng, đức tin của Đức Maria là một hành động dễ dàng, thậm chí còn được coi là điều hiển nhiên phải có. Trở thành mẹ của một vị vua sẽ trị vì đến muôn đời nhà Giacóp, mẹ của Đấng Mêsia! Đó không phải là giấc mơ của biết bao cô gái trẻ Do Thái sao? Nhưng đây là cách lập luận rất người, trần tục và phi lịch sử. Thực tế, sau khi thưa vâng, Đức Maria thấy mình hoàn toàn cô độc. Mẹ có thể giải thích chuyện gì đã xảy ra với ai đây? Ai có thể tin mẹ khi mẹ nói rằng đứa con mà mẹ đang mang trong bụng là “bởi quyền năng Chúa Thánh Thần?” Điều này chưa từng xảy ra với bất kỳ ai từ trước tới giờ và sẽ không bao giờ xảy ra với bất kỳ ai nữa.Đức Maria chắc chắn biết rõ những gì được viết trong Sách Luật, nghĩa là, nếu một cô gái vào thời điểm kết hôn mà thấy không còn ở trong tình trạng đồng trinh, cô gái ấy sẽ bị đưa đến trước cửa nhà cha cô và bị người dân trong làng ném đá (x. Đnl 22,20tt). Ngày nay, chúng ta thích nói về sự rủi ro của đức tin, một sự hiểu biết chung chung về đức tin, đó là sự rủi ro theo lý thuyết; nhưng đối với Đức Maria, đó là một sự rủi ro thực sự![10]Trên hết, đức tin luôn là một cuộc hành trình đầy thử thách và cam go. Trong cuốn sách viết về Đức Maria, Carlo Carretto kể lại việc ông đã khám phá ra đức tin của Đức Mẹ như thế nào. Khi ông sống ở sa mạc, ông đã nghe một số bạn bè người Tuareg nói rằng, có một cô gái trẻ đang ở trong trại, cô đã hứa hôn với một chàng trai trẻ nhưng không đi sống chung với anh chàng này vì cô ta còn nhỏ quá. Carretto đã liên kết thực tế đó với những gì thánh sử Luca nói về Đức Maria. Vì thế, hai năm sau đó, khi trở lại trại này, ông hỏi thăm về cô gái ấy. Ông nhận thấy những người đang trò chuyện với mình có một sự ngại ngùng nhất định, và sau đó, một người trong số họ bí mật đến gặp ông, ra dấu hiệu cho ông biết thế này: anh ta dùng tay nắm cổ họng mình, làm cử chỉ đặc trưng của người Ả Rập để diễn tả: “Họ đã chặt đầu cô ấy rồi.” Vì cô đã bị phát hiện là có thai trước khi kết hôn, và để bảo vệ danh dự cho gia đình, nên họ đã giết cô ta. Rồi ông nghĩ đến Đức Maria, ông hiểu được sự cô độc của Đức Maria, và ngay tối hôm đó, ông đã chọn Mẹ làm bạn đồng hành và là người hướng dẫn đức tin của mình.[11]Quả thật, Thiên Chúa không bao giờ che giấu những khó khăn khi nhận lời thưa vâng của những ai được Người kêu gọi. Chúng ta thấy rõ điều đó trong mọi lời kêu gọi của Thiên Chúa. Người nói với Giêrêmia: “Họ sẽ chống lại ngươi” (Gr 1,19). Và Chúa cũng nói với Anania về Saolê: “Chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta” (Cv 9,16). Liệu Chúa đã có thể hành động cách khác với Đức Maria khi trao cho mẹ một sứ vụ cao cả như thế chăng? Dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng đồng hành với mọi ơn gọi của Thiên Chúa, chắc chắn mẹ đã nhận thấy rằng, con đường mẹ phải qua, sẽ không khác gì so với con đường của những ai được Chúa kêu gọi. Trên thực tế, Simêon tiên báo rất sớm về điều đó khi ông nói với mẹ rằng, một lưỡi gươm sẽ xuyên thâu tâm hồn bà (x. Lc 2,34-35).Erri De Luca, một nhà văn hiện đại, đã mô tả một cách thơ mộng lời tiên báo này về Đức Maria vào lúc Chúa Giêsu sinh ra đời. “Mẹ ở một mình trong hang đá, còn Giuse thì đang quan sát ở bên ngoài, vì theo luật, không người đàn ông nào có thể có mặt khi vợ sinh nở; và chắc chắn khi mẹ sinh được đứa con trai, những liên tưởng kỳ lạ xuất hiện trong đầu mẹ: “Tại sao con trai tôi lại sinh ra ở đây, tại Bêlem, Nhà của Bánh? Và tại sao lại phải đặt tên cho con là Giêsu? Điều này khiến tôi rùng mình, một sự rùng mình khi nghĩ đến tương lai xa của người con đó.” Đức Maria cảm nhận được rằng con trai mình sẽ bị bắt, rồi mẹ lặp lại với chính mình: “Cho đến khi ánh sáng đầu tiên Giêsu là của một mình mẹ. Tôi muốn hát lên một bài hát với ba lời ca này và còn gì nữa. Đêm nay, tại đây, ở Bêlem, con là con của một mình mẹ.” Và, khi nói như thế, mẹ đã bế cậu vào ngực và cho cậu bú.[12]Đức Maria là người duy nhất đã tin trong một hoàn cảnh mà khi mọi sự còn rất mới mẻ và mới lạ, nghĩa là khi sự kiện đang xảy ra, thì chưa có bất kỳ sự xác nhận hoặc chứng thực nào về sự kiện lịch sử ấy. Chúa Giêsu nói với Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Đức Maria đích thật là người đầu tiên trong số những người đã không thấy mà vẫn tin.Thánh Phaolô nói rằng: “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7). Đức Maria đã thưa tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa cùng với niềm vui khôn tả. Động từ mà Maria bày tỏ sự đồng ý của mình, được dịch trong tiếng Latin là “fiat”, còn trong tiếng Do Thái là “amen,” có nghĩa là “xin cho điều đó được thực hiện.” Trong nguyên bản tiếng Hy Lạp, nó được dùng ở thể mệnh lệnh (“genoito”), để thể hiện ước muốn và thậm chí là sự háo hức vui mừng vì một điều gì đó sắp xảy ra. Như thể Đức Trinh Nữ đã nói: “Vâng, con muốn, với tất cả con người của con, những gì Thiên Chúa muốn; xin Chúa hãy làm cho những gì Chúa muốn được sớm hoàn thành.” Vì thế, thánh Augustinô không ngần ngại xác quyết rằng, trước khi thụ thai Chúa Kitô trong thân xác, mẹ đã thụ thai Người trong lòng mình rồi.

Từ “Amen” là một từ trong tiếng Do Thái dùng để nhìn nhận điều được nói là chắc chắn, ổn định, hợp lệ, và ràng buộc; nên phụng vụ dùng nó như một lời đáp trong đức tin với Lời Chúa. Cách dịch chính xác của từ này trong bối cảnh phụng vụ là: “Chính thế, xin cho được như thế.” Nó vừa diễn tả đức tin lẫn sự vâng phục; nó nhìn nhận rằng những gì Chúa nói là đúng và chúng ta tuân phục Lời Chúa. Amen là nói tiếng xin vâng với Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng đã thưa: “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,26).

Hơn nữa, Chúa Giêsu là tiếng Amen được nhân cách hoá như sách Khải Huyền diễn tả: “Đây là lời của Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng” (Kh 3,14), và đó là lý do tại sao chúng ta nhờ Người mà thốt lên tiếng Amen để tôn vinh Thiên Chúa (x. 2 Cr 1,20). Cũng vậy, Đức Maria là tiếng Amen để Thiên Chúa làm người.

Đức tin của Đức Maria là một hành động tình yêu và ngoan ngùy, huyền nhiệm như mọi cuộc gặp gỡ giữa ân sủng và tự do. Đây là sự vĩ đại cá nhân đích thực của Đức Maria, sự diễm phúc của Mẹ, được chính Chúa Kitô xác nhận, khi một người phụ nữ phát biểu: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11,27). Người phụ nữ ca ngợi Mẹ Maria có phúc vì đã cưu mang Chúa Giêsu; bà Êlisabét tuyên xưng: “Em được chúc phúc vì đã tin.” Còn người phụ nữ kia ca ngợi Mẹ được chúc phúc vì đã cưu mang Chúa Giêsu trong lòng; đáp lại lời ca tụng này, Chúa Giêsu ca ngợi người có phúc là người đã nghe và sống Lời Chúa: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Những lời này của Chúa giúp người phụ nữ và tất cả chúng ta hiểu được sự vĩ đại cá nhân của Mẹ Maria đến từ đâu. Trong giới loài người, có ai tuân giữ Lời Chúa tốt hơn Đức Maria, người mà Tân Ước nói đến ít là hai lần: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19.51).[13]Chúng ta không nên kết thúc việc chiêm ngưỡng đức tin của Đức Maria với suy nghĩ rằng Đức Maria đã tin một lần, một lúc duy nhất là đủ cho tất cả, mà không bao giờ lặp lại trong đời; hay cho rằng Đức Trinh Nữ chỉ có một hành động đức tin tuyệt vời trong cuộc đời của mẹ thôi. Sau biến cố Truyền Tin, biết bao lần, Đức Maria đã tử đạo vì những trái ngược xảy ra trong cuộc đời của mình so với những gì được biết về thánh ý Thiên Chúa trong Cựu Ước và về dung mạo của Đấng Mêsia. Công Đồng Vaticanô II ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời khi khẳng định rằng Đức Maria cũng bước đi trong đức tin, và hơn thế nữa, Mẹ đã “thăng tiến” trong đức tin, nghĩa là đức tin đã lớn lên và được hoàn thiện dần nơi Mẹ.[14]

3. Linh mục cũng hãy vững tin      

Từ cái nhìn về đức tin của Đức Maria, giờ đây chúng ta nhìn vào đức tin của linh mục. Thánh Augustinô viết: “Đức Maria đã tin và những gì Mẹ đã tin đều được ứng nghiệm nơi Mẹ. Chúng ta cũng hãy vững tin như vậy, ngõ hầu những gì đã thành toàn nơi Mẹ cũng có thể hiện thực cho chúng ta.”[15]

Chúng ta cũng hãy vững tin! Việc chiêm ngưỡng Mẹ Maria trước hết phải giúp chúng ta canh tân đời sống đức tin cá nhân và sự phó thác của chúng ta đối với Thiên Chúa.Tất cả mọi người Kitô hữu được mời gọi noi gương Đức Maria về đức tin, cách riêng đối với các linh mục, đây là mời lời gọi đặc biệt. “Người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình” (Hbc 2,4; x. Rm 1,17). Điều này phải được áp dụng cho các linh mục theo một cách thế đặc biệt. Linh mục là người của đức tin. Đức tin làm nên con người của linh mục, và có thể nói được rằng đức tin là “trọng lượng” và hiệu quả của thánh chức mà linh mục cưu mang.Các tín hữu cảm nhận ngay lập tức đức tin sống động hay không nơi một linh mục, một mục tử, nếu họ thực sự tin vào những gì họ rao giảng và cử hành. Linh mục trước hết phải là người tìm kiếm Thiên Chúa, ngài thực hành điều đó không ngơi nghỉ; nếu không biết tìm kiếm Thiên Chúa, linh mục có thể dễ dàng trở thành người khô khan, thiếu đức ái và thậm chí còn lừa dối chính mình, khi tỏ ra mình quan trọng, xuất chúng, thức thời, nhưng trong thực tế, người linh mục đó chỉ là “thanh la pheng phèng, chũm choẹ inh ỏi” (x. 1 Cr 13,1).Nếu gặp gỡ một linh mục đạo đức, khiêm tốn và cởi mở, ngay cả những người vô thần cũng lập tức nhận ra sự khác biệt của vị linh mục này so với những người khác. Điều khiến người khác bị đánh động và muốn thay đổi đời sống thường không nhờ tham dự các cuộc hội thảo mang tính hàn lâm về đức tin, nhưng nhờ gặp gỡ cá vị với một người thực sự đã tin với trọn vẹn con người mình. Đức tin luôn có tính lan truyền. Người ta không nắm bắt được virus nhờ việc nghe nói về chúng hoặc nhờ nghiên cứu về nó, nhưng nhờ cách tiếp xúc với một người đang bị nhiễm virus. Đức tin cũng vậy, người ta không nắm bắt được nhưng có thể cảm nghiệm và lan truyền được.Đôi khi chúng ta lại đau khổ và thậm chí còn phàn nàn với Chúa khi cầu nguyện, vì thấy người ta bỏ Giáo Hội, không từ bỏ tội lỗi để trở về với Chúa. Chúng ta cầu nguyện nhiều, nói nhiều… nhưng xem ra mọi sự vẫn không có gì thay đổi và có khi tình trạng còn trở nên tệ hơn. Một ngày nọ, các Tông Đồ cố gắng trừ quỷ ra khỏi một anh thanh niên, nhưng họ không thể trừ được. Sau khi Chúa Giêsu trừ con quỷ đó ra khỏi anh ấy, họ đến gần Chúa Giêsu và hỏi: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? Người nói với các ông: Tại anh em kém tin!” (Mt 17,19-20).Thánh Bonaventura kể lại rằng, một ngày nọ, khi đang sống trên núi Alvernia, ngài đã nhận ra điều mà các Giáo Phụ nói, đó là nhờ ơn Chúa Thánh Thần và nhờ đức tin sống động, linh hồn đạo hạnh có thể thụ thai Ngôi Lời của Chúa Cha, sinh hạ Ngôi Lời, đặt tên và tìm kiếm cũng như tôn thờ Ngôi Lời như Ba Vua, và cuối cùng người đó vui sướng tiến dâng Ngôi Lời cho Thiên Chúa trong đền thờ của mình. Sau đó, ngài đã viết nên một tác phẩm có tựa đề “Năm lễ của Chúa Hài Đồng” để cho thấy làm sao người Kitô hữu có thể tái hiện nơi chính mình từng biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Ở đây, chúng ta chỉ tóm tắt những gì thánh Bonaventura nói trong hai thánh lễ đầu tiên, đó là lễ Truyền Tin và lễ Giáng Sinh. Cả hai được áp dụng cách đặc biệt cho các linh mục.Thật vậy, linh mục “thụ thai” Chúa Giêsu khi không hài lòng với cuộc sống tầm thường đang sống, nhờ được thúc đẩy bởi những gợi hứng thánh thiện và tràn đầy nhiệt huyết, linh mục quyết tâm thoát khỏi những lề thói cũ và những dính bén thế tục, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình một cách phong phú nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần và thực hành những đòi hỏi của đời sống linh mục.Khi đã được “thụ thai,” Con Thiên Chúa diễm phúc được sinh ra trong lòng linh mục, sau khi đã cầu nguyện, tham vấn người khôn ngoan và được hướng dẫn để có được sự phân định thánh thiện, linh mục thực hành những đòi hỏi nên thánh trong bậc sống mình, cũng như những ước mơ mà linh mục đã từng ấp ủ, mà không bao giờ bỏ cuộc vì lo sợ hay nghĩ mình không có khả năng.Tuy nhiên, những mời gọi cho một cuộc sống tử tế và thánh thiện này phải được thực hành ngay trong đời sống thường nhật của linh mục, mà không chần chừ chậm trễ; Tin Mừng trở thành nếp sống cụ thể của linh mục; phong cách sống ấy được thể hiện ra bên ngoài và có thể quan sát được qua đời sống, lời nói, thái độ và cách hành xử của linh mục. Nếu Lời Chúa không được sống, như thế có nghĩa là Chúa Giêsu được thụ thai, nhưng không được sinh ra. Đó là một trong những ca “phá thai tinh thần,” mà thật đáng tiếc, điều này vẫn thường xảy ra nơi các tâm hồn và cả nơi các linh mục. Nếu đem so sánh thì chúng ta sẽ thấy sự đáp lời của Đức Maria trong giây phút Truyền Tin: “Amen” – xin vâng” và sự đáp trả của linh mục trong giây phút truyền chức: “Thưa, con đây” rất giống nhau. Sau quá trình huấn luyện, các tiến chức linh mục được gọi bước lên để tiến chức, mỗi ứng viên đáp lại: “Thưa, con đây.” Đó là một sự đáp trả công khai trước lời mời gọi của Thiên Chúa, qua sự chứng nhận của Giáo Hội.Trong nghi thức, giám mục hỏi các tiến chức một số câu hỏi: “Con có muốn không ngừng chu toàn nhiệm vụ tư tế ở bậc linh mục, như là cộng sự viên tốt của hàng giám mục trong việc chăn dắt đoàn chiên Chúa theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?” Ứng viên linh mục thưa: “Thưa con muốn.”Giám mục hỏi tiếp: “Con có muốn chua toàn một cách xứng đáng và khôn ngoan thừa tác vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc Âm và trình bày đức tin Công Giáo không?” Hay: “Con có muốn cử hành một cách đạo đức và trung tín các mầu nhiệm của Đức Kitô, để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hoá dân Kitô hữu theo truyền thống của Hội Thánh, nhất là trong hy lễ tạ ơn và bí tích hoà giải không?” Mỗi câu hỏi tiến chức đều trả lời: “Thưa con muốn.” Đây là “lời thưa xin vâng” của linh mục trước lời mời gọi của Thiên Chúa và của Giáo Hội.Để kết thúc bài sưy tư này, chúng ta có thể nói rằng, sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội có hiệu quả hay không, phần lớn lệ thuộc nơi chất lượng đời sống của các linh mục. Và sự canh tân tâm linh của linh mục sẽ tỷ lệ thuận với lòng nhiệt tâm mà mỗi linh mục của Giáo Hội có thể đáp trả lại một cách hân hoan lời “Thưa, này con đây,” “xin vâng.” Đó là lời mà linh mục đã thưa trong ngày lễ truyền chức. Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu – vị Mục Tử tối cao đã thưa: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10,7). Ước gì các linh mục trong đó có tôi mỗi ngày thức dậy biết thưa với Chúa những lời tương tự như thế: “Lạy Chúa Giêsu, con đến, để làm theo thánh ý Ngài.”

Tháng Hoa 2021, viết dâng kính Mẹ
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương 

[1] Ps. Epiphany, Homily in praise of the Blessed Virgin, (PG 43, 497).

[2] x. R. Laurentin, Mary, ecclesiology, priesthood, Paris 1952; art. “Sacerdoti” in the New Dictionary of Mariology, Ed. Paoline 1985, 1231-1242.

[3] Paul VI, General Audience, Oct. 7, 1964.

[4] St. Augustine, Sermons, 72 A, 8 (Misc. Aug. I, p.164).

[5] Lumen Gentium 64.

[6] Clement of Alexandria, Paedagogus, I, 6.

[7] Blessed Isaac Stella, Sermons, 51 (PL 194, 1863).

[8] Tertulliano, “De Carne Christi,” 20-21 (CCL 2, 910 ss.).

[9] St. Augustine, Sermons, 215, 4 (PL 38,1074).

[10] x. Lm. Raniero Cantalamessa, Đức Maria, Nữ Tỳ của Chúa, Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 2021, 14-30.

[11] x. C. Carretto, Blessed Are You Who Believed, London, Burns & Oates, 1982, p. 3.

[12] E. De Luca, In Nome Della Madre, Feltrinelli, Milano, 2006, pp. 66 ss.

[13] x. Lm. Raniero Cantalamessa, Đức Maria, Nữ Tỳ của Chúa, Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 2021, 14-30.

[14] Lumen Gentium 58.

[15] St. Augustine, Discourses, 215,4 (PL 38, 1074).

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận