Gia đình truyền giáo

1504 lượt xem

Theo lời nhắn của Chúa Giêsu qua Thánh Maria Mácđala, mười một môn đệ đã đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Chúa Giêsu không quan tâm “chuyện nhỏ” đó, thế nên Ngài đến gần và xác định với họ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Rồi Ngài giao trách nhiệm: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Chúa Giêsu trao nhiệm vụ cho các môn đệ cũng chính là Ngài trao nhiệm vụ cho mỗi Kitô hữu, nghĩa là phải hành động để “Danh Cha cả sáng và Nước Cha trị đến”. Công việc đó Giáo Hội gọi là truyền giáo. Truyền giáo là công việc chung của mọi người, không trừ ai, vì ai lãnh nhận phép Rửa thì đều được tham dự vào ba thiên chức: Tư tế, Ngôn sứ, và Vương đế. Tuy nhiên, chắc hẳn “trách nhiệm chính” vẫn thuộc về các linh mục và các tu sĩ, vì họ được “tách rời” để lo việc đó, còn giáo dân còn các bổn phận khác chi phối, trách nhiệm đối với gia đình (ông bà, cha mẹ, con cái, cơm, áo, gạo, tiền,…). Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa là giáo dân có thể “tránh né”.

Truyền giáo có nhiều cách, một trong các cách truyền giáo có điểm chung nhất là sống chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô bằng chính lối sống thường nhật của mình. Chính gương lành có sức lôi kéo và biến đổi người khác hơn bất cứ lời nói nào.

Tháng Mười là khoảng thời gian gần hết năm (cả năm thường và năm phụng vụ), Giáo Hội Công giáo có ngày Khánh nhật Truyền giáo – cũng gọi là ngày Thế giới Truyền giáo, Chúa nhật trước Chúa nhật cuối tháng. Đó là truyền thống tốt lành của Giáo Hội Công giáo theo lệnh truyền của Thầy Giêsu chí thánh: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38).

Trình thuật Mt 22,15-21 nói về việc “nộp thuế cho Xêda”. Những người Pharisêu muốn gài bẫy Chúa Giêsu nên vào hùa với những người phe Hêrôđê, và đến nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”. Vô tình mà họ đã công nhận Chúa Giêsu là “người chân thật”, luôn thẳng thắn nói sự thật.

Trình thuật Mc 10,35-45 nói về việc phục vụ. Động thái phục vụ thể hiện đức ái, cũng là thể hiện lòng thương xót, điều mà Chúa Giêsu luôn nhắc nhở, đồng thời cũng là mệnh lệnh bắt buộc.

Chúa Giêsu bảo chúng ta loan báo Tin Mừng cho mọi người, ở mọi nơi và mọi lúc, Ngài bảo chúng ta phải làm chứng nhân cho Ngài qua việc sống yêu thương, can đảm nói thẳng, nói thật để bảo vệ công lý và kiến tạo hòa bình, ai không dám nói sự thật thì không thể làm chứng về Đức Giêsu Kitô, vì Chúa Giêsu là sự thật, như Ngài đã xác nhận: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Trước khi làm linh mục hoặc tu sĩ, thậm chí cả trước khi trở thành Kitô hữu, ai cũng là một người con bình thường trong gia đình. Vì thế, tác động của gia đình – cụ thể là ông bà và cha mẹ – rất mạnh, ảnh hưởng cả tâm sinh lý và mọi động thái. Do đó, chúng ta có thể nói “gia đình là tiền đồn truyền giáo” vậy.

Có lẽ giới trẻ ngày nay không “bị” sống trong thời chiến nên khó có khái niệm về tiền đồn. Vậy tiền đồn là gì? Anh ngữ là Outpost, Pháp ngữ là Avant-poste. Đó là vị trí đóng quân xa xôi và hẻo lánh, thường ở gần biên giới, nơi đó có những binh sĩ có nhiệm vụ canh giữ và chống lại những đợt tấn công đầu tiên của quân địch.

Gia đình là “chiếc nôi” của cả đời sống bình thường và đời sống tâm linh. Con người tốt hay xấu, tích cực hoặc tiêu cực, biết dấn thân hoặc ỷ lại,… cũng bắt đầu từ gia đình. Gia đình như Cây, các thành viên như Hoa, hành vi của mỗi thành viên như Quả. Chúa Giêsu bảo: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai” (Mt 7,16.20).

Công cuộc truyền giáo phải bắt đầu từ gia đình, truyền giáo cho nhau, rồi tới hàng xóm, bạn bè, làng xã, giáo xứ,… Tiếp theo là truyền giáo ở diện rộng hơn: giáo hạt, giáo phận, tỉnh, quốc gia, quốc tế. Truyền giáo liên quan ơn gọi, không thể tách rời, nhưng tất cả vẫn phải khởi đầu từ gia đình.

Trầm Thiên Thu

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận