Giáo dân thời 4.0

1203 lượt xem

Trong việc tham dự thánh lễ, nhiều người hiện nay xác định trước những ‘quy chuẩn’ cho mình để ‘chọn lựa’: Thánh lễ diễn ra ở nhà thờ nào mà mình thích, thời gian thánh lễ kéo dài bao lâu (thường thì ‘càng ngắn càng tốt’), vào khung giờ nào, do linh mục nào giảng, v.v…; và trong tâm thức nhiều người, việc tham dự thánh lễ cũng tương tự như một ‘công việc hành chánh’ mà mình phải làm cho xong trong ngày Chủ Nhật!

Trong thời đại hiện nay, ‘Cách mạng 4.0’, hay gọi tắt là ‘Thời 4.0’, đang được nhắc đến như một trong những khái niệm chủ chốt của đời sống xã hội. Khái niệm này xuất phát từ xu thế hiện đại của lãnh vực công nghiệp, với điểm nổi bật là sự kết hợp các công nghệ giúp xoá nhoà ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hoá, sinh học, v.v… Tuy nhiên, nó nhanh chóng trở thành từ khoá chung để nói đến đặc điểm của xã hội hiện đại, trong đó việc ‘cập nhật’, ‘tân thời’ theo sự phát triển tốc độ cao của kỹ thuật và theo biến chuyển của tư duy được xem như yếu tố sống còn.

Đời sống đức tin cũng không đứng ngoài dòng chảy đó của thời đại. Chúng ta thấy những biến chuyển đang diễn ra nơi lối sống, cách suy nghĩ và cách hành xử của Giáo hội nói chung và của từng cá nhân nói riêng. Ở đây, tôi xin bàn về một vài nét thay đổi tiêu biểu trong phạm vi đời sống của giáo dân.

Thay đổi lớn đầu tiên là lượng thông tin mà chúng ta cập nhật được. Ngày xưa, để theo dõi tin tức về xã hội hay Giáo hội, chúng ta chủ yếu trông chờ ở báo chí, truyền hình và những thông báo của cha xứ. Hiện nay mọi người đều dễ dàng cập nhật đủ thứ tin tức từ mạng Internet, có sẵn mọi nơi, mọi lúc. Sự thay đổi này dẫn đến hai hệ quả trực tiếp.

Một mặt, khi thu nhận được nhiều thông tin đa dạng và phong phú, giáo dân có thể có tầm nhìn và hiểu biết rộng hơn về xã hội và Giáo hội. Ví dụ, chúng ta có thể cập nhật mọi diễn biến sinh hoạt của Giáo hội từ mọi ‘ngóc ngách’ của thế giới. Truyền thông kỹ thuật số cũng giúp chúng ta cảm nhận rằng thế giới và Giáo hội hoàn cầu đang trở nên ‘phẳng’ hơn, gần gũi hơn. Ví dụ, ngày nay mọi người đều có thể theo dõi hình ảnh và giáo huấn hằng tuần của Đức Thánh Cha.

Tuy nhiên, mặt khác, mức độ ‘hỗn loạn’ của thông tin trong thời đại hiện nay có nguy cơ gây nên tình trạng hoang mang và mất định hướng, thậm chí là đe doạ đức tin của người tín hữu. Mỗi ngày, người tín hữu có thể nhận được hàng trăm dòng thông tin trái ngược nhau, trong đó có những thông tin được chia sẻ rộng rãi, nhưng lại không thể kiểm chứng được nguồn gốc và độ khả tín của chúng. Nguy hiểm hơn, có nhiều thông tin mang tính chia rẽ và sai lệch tinh thần Ki-tô giáo, nhưng nhiều người không đủ trưởng thành về biện phân, khiến đức tin của họ bị ‘phân mảnh’ và lung lay. Ở một góc độ khác, có những tín hữu lại quá tự tin trong hiểu biết của mình về Giáo hội qua những thông tin truyền thông cung cấp, mà quên lưu tâm rằng truyền thông có thể tạo ra một hình ảnh khác, thường là méo mó, về Giáo hội. Ví dụ, gần đây nhất, như nhiều người đã nhận xét, có hai “Thượng Hội đồng Giám Mục vùng Amazon” khác nhau cùng diễn ra đồng thời: một của Giáo hội, và một của truyền thông!

Thay đổi lớn thứ hai là về tương quan với hàng giáo phẩm. Ngày xưa, mặt bằng tri thức của giáo dân nhìn chung còn thấp, và các linh mục, hay giới tu trì nói chung, được thừa nhận như thành phần có thẩm quyền giảng dạy, không chỉ về mặt ‘đạo’, mà còn cả mặt ‘đời’. Tuy nhiên, ranh giới đó hiện đang bị xoá mờ dần. Thậm chí, rất nhiều giáo dân hiện không chỉ có bằng cấp của khoa học đời, mà còn có kiến thức và chứng chỉ thần học nữa. Một mặt, thay đổi này mang tính rất tích cực, vì Giáo hội vẫn luôn chờ đợi sự trưởng thành hiểu biết của giáo dân, nhất là về Giáo lý; hơn nữa, người tín hữu không chỉ cần tri thức đức tin cho riêng mình, mà tất cả đều có ơn gọi làm chứng và rao giảng đức tin cho tha nhân nữa. Tuy nhiên, khi lằn ranh ‘tri thức’ được giảm thiểu, cái nhìn của giáo dân về ‘thẩm quyền giảng dạy’ của giới giáo sỹ cũng có nguy cơ bị xoá nhoà. Vấn đề ở đây là nhiều người đang lẫn lộn giữa ‘thẩm quyền giảng dạy’ theo nghĩa đức tin với ‘thẩm quyền giảng dạy’ theo nghĩa thế tục. Người linh mục không đơn thuần mang ơn gọi ‘giảng dạy’ theo nghĩa truyền thụ kiến thức, mà là thẩm quyền ‘chăn dắt’ Dân Chúa được trao ban qua bí tích.

Bên cạnh đó, những biến động trong xã hội, và đặc biệt trong Giáo hội, đang làm cho chúng ta có cách nhìn khác về giáo sỹ; và vì vậy, nó cũng biến đổi cách giáo dân tương quan với giáo sỹ. Sự thay đổi này có thể mang lại một điểm rất tích cực, đó là làm cho giáo dân và giáo sỹ trở nên gần gũi hơn, cũng như xoá bớt được một số tầm nhìn sai lệch kiểu ‘thần tượng hoá’ về giáo sỹ như trong quá khứ. Tuy vậy, nó cũng có thể khiến giáo dân ‘thế tục hoá’ cách nhìn của mình về vai trò của chức tư tế; nghĩa là, người ta chỉ còn để ý đến vai trò ‘quản trị’, thậm chí theo nghĩa ‘hành chính’, của các linh mục.

Thay đổi lớn thứ ba là về lối sống, nhất là về cách thức tham dự phụng vụ. Nhịp sống hiện đại đang thay đổi não trạng của chúng ta, trong đó, mọi thứ đều phải được đặt vào một trật tự nhất định, bao gồm cả các hoạt động thiêng liêng nói chung hay thánh lễ nói riêng. Tất nhiên, việc ‘trật tự hoá’ các sinh hoạt như thế sẽ mang đến những lợi ích nhất định nào đó, tuy nhiên, nó cũng có nguy cơ biến những cử hành thiêng liêng thành những ‘công việc’, những hoạt động cứng ngắc! Thật thế, dù không đến mức hành động như những con robot, nhưng rõ ràng đa phần chúng ta đang đặt mọi hoạt động của mình vào một loại ‘khung’ nào đó, cả về mặt thời gian, không gian, lẫn tâm thức. Ví dụ, trong việc tham dự thánh lễ, nhiều người hiện nay xác định trước những ‘quy chuẩn’ cho mình để ‘chọn lựa’: Thánh lễ diễn ra ở nhà thờ nào mà mình thích, thời gian thánh lễ kéo dài bao lâu (thường thì ‘càng ngắn càng tốt’), vào khung giờ nào, do linh mục nào giảng, v.v…; và trong tâm thức nhiều người, việc tham dự thánh lễ cũng tương tự như một ‘công việc hành chánh’ mà mình phải làm cho xong trong ngày Chủ Nhật!

Chúng ta cũng đang tiếp cận các ‘bài giảng thánh lễ’ theo một tâm tình khác hơn trước. Ngày nay, giáo dân có thể tìm thấy vô số những bài giảng hay có sẵn trên internet. Họ có thể đọc các bài này trước hoặc sau thánh lễ. Tất nhiên, việc này mang đến những ích lợi nhất định, nhưng nó lại đi kèm những nguy cơ rất lớn. Nguy cơ thứ nhất là giáo dân dễ có khuynh hướng so sánh bài giảng của vị linh mục chủ tế với các bài giảng khác. Nguy cơ thứ hai là giáo dân không còn chú tâm đến bài giảng trong thánh lễ vì nghĩ mình đã biết ý nghĩa của nó rồi. Như thế, họ đánh mất ý thức về tính sống động của Lời Chúa: Lời đang được công bố và diễn nghĩa để dưới tác động của Thánh Thần, để trở nên thần lương nuôi dưỡng và biến đổi con người, diễn ra ngay trong thánh lễ.

Còn nhiều thay đổi khác nữa, nhưng chúng ta tạm để ý đến những điểm kể trên. Như đã nói, các thay đổi này luôn có hai mặt: chúng có thể mang lại những lợi ích rất tích cực, nhưng đồng thời cũng có thể gây nên những hậu quả tiêu cực. Vậy, chúng ta nên ứng xử thế nào với những thay đổi đó của thời đại? Câu hỏi này đặt ra cho cả hai phía, từ giáo dân đến giáo sỹ, mời gọi mọi người phải suy nghĩ thật nhiều. Thiết tưởng, nó vừa là thách đố, nhưng vừa là cơ hội phản tỉnh cho tất cả chúng ta. Ở đây, tôi mạo muội nêu lên vài điểm cần để tâm.

Thứ nhất, chúng ta cần ý thức về lối sống của thời hiện đại đang tác động lên não trạng và tâm thức của mình, ngay cả trong đời sống đức tin. Không nhất thiết phải có cái nhìn tiêu cực về sự ảnh hưởng đó, nhưng chúng ta phải ý thức về những nguy cơ mà nó mang lại trong lối sống của mình.

Thứ hai, cần đẩy mạnh tinh thần đối thoại giữa các thành phần trong Giáo hội, đặc biệt là giữa giáo sỹ và giáo dân. Ước gì chúng ta có thể biến nhà xứ hoặc các diễn đàn chung của giáo xứ trên Internet thành nơi gặp gỡ thường xuyên, thành ‘sân chơi’ mà mọi người muốn tới để chia sẻ, học hỏi, và đóng góp cho nhau!

Cuối cùng, chúng ta cần chú ý đến tầm quan trọng của sự hiện diện. Điều quan trọng nhất trong đức tin Ki-tô giáo chính là ‘tương quan’: ơn gọi của chúng ta là sống tương quan thân tình với Thiên Chúa và với nhau. Muốn phát triển tương quan thì phải dành thời gian ‘hiện diện’ với nhau, không có cách nào khác! Chẳng có ‘thông tin lý thuyết’ nào thay thế được những kinh nghiệm sống động của việc hiện diện. Chính hiện diện đích thực mới dẫn đến tình thân và lòng yêu mến.

Trong tư cách là thành phần của một cộng đoàn đức tin, chúng ta thuộc về Giáo hội, chứ không phải đứng bên ngoài để quan sát Giáo hội. Vì vậy, để hiểu biết Giáo hội cách chân thực và sống triển nở đức tin của mình, việc theo dõi thông tin truyền thông không bao giờ đủ, mà chúng ta cần dấn thân thực sự vào đời sống chung của Giáo hội theo tinh thần Tin Mừng: bằng cầu nguyện, bằng công việc bác ái, bằng lòng yêu mến mọi người, bằng đóng góp vào các công việc chung của giáo xứ, giáo phận và Giáo hội nói chung, v.v…

Ước gì Mùa Chay Thánh trở thành cơ hội cho chúng ta nhìn lại lối sống đạo của mình, để chúng ta biết ý thức, điều chỉnh và dấn thân theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó cũng là một cách sống và làm chứng đức tin rất cụ thể trong từng bối cảnh của thời đại.

Khắc Bá, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận