Hướng về Công nghị tấn phong 20 Hồng Y mới

926 lượt xem

HƯỚNG VỀ CÔNG NGHỊ TẤN PHONG 20 HỒNG Y MỚI

Giuse Trần Đức Anh, O.P.

Vatican News (22.8.2022) – Chiều thứ Bảy 27/8 sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nhóm Công nghị tại đền thờ thánh Phêrô để phong 20 Hồng Y mới. Giống như 7 lần trước đây, cách thức của ngài trong việc chọn bổ nhiệm các Hồng Y tiếp tục gây nhiều ngạc nhiên trong dư luận trong và ngoài Giáo Hội, nhưng đồng thời cũng cho thấy hướng đi ngài muốn đề ra cho Giáo triều Roma nói riêng và Giáo Hội nói chung.

Vài nét đặc biệt về các tiến chức Hồng Y

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 29/5, sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha loan báo sẽ triệu tập Công nghị ngày 27/8 để bổ nhiệm các Hồng Y mới. Rồi ngài lần lượt đọc danh sách. Có 3 vị thuộc giáo triều Roma và các vị còn lại phần lớn thuộc các giáo phận ở các nơi. Tất cả các tiến chức đều là Giám Mục, và chỉ có 2 vị Linh Mục. Có 16 vị dưới 80 tuổi, có quyền bầu Giáo Hoàng, nên thường được gọi là các Hồng Y cử tri.

Xét về địa lý, lần này Á châu có số tân Hồng Y cử tri đông nhất với 6 vị, trong đó có 2 vị Ấn độ, còn Mỹ châu và Âu châu, mỗi đại lục có 4 vị, sau cùng là 2 vị Phi châu. Nhưng trong số 5 tân Hồng Y trên 80 tuổi, Âu châu chiếm nhiều nhất với 4 vị, và vị còn lại người Mỹ la tinh.

Xét về mặt triều và dòng, trong 20 tiến chức Hồng Y có 4 vị thuộc các dòng tu, 1 vị dòng Don Bosco là Đức Tổng Giám Mục giáo phận Dili thủ đô Đông Timor; 1 vị dòng Phanxicô là Tổng Giám Mục giáo phận Manaus bên Brazil, 1 vị dòng Tên là cha Gianfranco Ghirlanda, nguyên Viện trưởng Giáo Hoàng đại học Gregoriana ở Roma, và sau cùng 1 vị dòng Đạo Binh Chúa Kitô, là Đức Cha Vérgez Alzaga, người Tây Ban Nha, nguyên Thống đốc Vatican. Sau cùng là Đức Cha Richard Kuuina, Giám Mục giáo phận Wa bên Ghana, thuộc Hội thừa sai Phi châu, quen gọi là các cha dòng Trắng.

Xét về tuổi tác, vị cao tuổi nhất là Đức Cha Jorge Enrique Jiménez Carvajal, nguyên Tổng Giám Mục Cartagena Colombia, sinh tháng 3 năm 1942, vì không kể Đức Cha Luc Van Looy người Bỉ 81 tuổi, xin từ khước.

Vị trẻ nhất là Đức Hồng Y Giorgio Marengo, 48 tuổi (1974) thừa sai thuộc dòng Đức Mẹ An Ủi (IMS), người Ý tại Mông Cổ, chủ chăn của 1.400 tín hữu Công Giáo toàn quốc. Cộng đoàn tại đây mới được thành lập cách đây 30 năm. Đức Cha mới làm Giám Mục từ 2 năm nay (2/4/2020) và trước đó ngài là cha sở giáo xứ Arvajhéér bên Mông Cổ. Trong những ngày cuối tháng 5, Đức Cha cùng đi với một phái đoàn các vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng về Roma viếng thăm chính thức tại Tòa Thánh, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Mông Cổ.

Một số nước, hoặc trường hợp, có Hồng Y đầu tiên, đó là Singapore, Mông Cổ, Đông Timor, Paraguay, và tại Ấn độ, có vị Hồng Y đầu tiên là người Dalit, tức là thuộc hàng “cùng đinh”, nghĩa đen là “bị chà đạp dưới chân”, ở ngoài 4 giai cấp tại Ấn Độ: Đó là Đức cha Anthony Poola, 61 tuổi (1961), Tổng Giám Mục giáo phận Hyderabad từ năm ngoái (3/1/2021). Tại Ấn độ, tuy người Dalit chiếm tới 65% tổng số tín hữu Công Giáo, nhưng trong số 31 Tổng Giám Mục chỉ có 2 vị người Dalit, và trong số 215 Giám mục chỉ có 11 vị người Dalit.

Phá lệ

Qua việc bổ nhiệm các Hồng Y lần này, cũng như những lần trước, người ta thấy rõ Đức Thánh Cha Phanxicô là người “phá lệ”, theo nghĩa ngài không nhất thiết theo các thói quen trước đây.

Chẳng hạn có những giáo phận lớn và kỳ cựu, thường do các Hồng Y cai quản. Vì thế khi bổ nhiệm Giám Mục cho các giáo phận này, các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm đều cứu xét xem ứng viên có thể được chọn làm Hồng Y hay không. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô không theo thông lệ đó. Ngài có thể chọn 1 Giám Mục ở nơi “đèo heo hút gió”, “ngoại ô xa vời” làm thành viên Hồng Y đoàn, như trường hợp Đức Cha Giorgio Marengo ở Mông Cổ: Giáo Hội Công giáo tại đây chỉ là “một phủ doãn tông tòa”, thường được ủy cho 1 linh mục coi sóc, như trường hợp hai phủ doãn tông tòa Komponcham và Battambang bên Campuchia. Tổng số tín hữu Công Giáo tại đây chỉ có 1.400 người, một con số quá khiêm nhượng đối với 5 triệu tín hữu Công Giáo thuộc tổng giáo phận Milano lớn nhất nước Ý, hay tổng giáo phận Los Angeles với 4 triệu tín hữu Công Giáo, lớn nhất tại Mỹ. Nhưng hai vị Tổng Giám Mục tại đây không được chọn làm Hồng Y.

Sự “phá lệ” này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thi hành trong nhiều lần bổ nhiệm khác, như trường hợp vị Giám Mục Phụ tá tổng giáo phận San Salvador, Rosa Chavez, được ngài chọn làm Hồng Y hồi năm 2017 và trong tư cách là Giám Mục Phụ tá, Đức Hồng Y ở dưới quyền Đức Tổng Giám Mục chính tòa. Ngài nổi tiếng vì những lập trường bênh vực các quyền con người.

Hoặc trường hợp Đức Hồng Y Mario Zeneri, Sứ thần Tòa Thánh tại Siria, được Đức Thánh Cha chọn làm Hồng Y năm 2016. Trong tư cách là Sứ thần, ngài ở dưới quyền của Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Tòa Thánh. Nhưng những bổ nhiệm “khác thường” này nói lên quan tâm đặc biệt của Đức Thánh Cha về một khía cạnh hoặc hướng đi. Ngài muốn bày tỏ quan tâm và liên đới với nhân dân Siria chịu đau khổ vì chiến tranh, hoặc với El Salvador, quê hương của thánh tử đạo Oscar Romero, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô San Salvdor, mà Đức Hồng Y Rosa Chavez đã từng cộng tác trong việc bênh vực những người bị áp bức.

Khi còn làm Tổng Giám Mục, Đức Thánh Cha đương kim cũng đã mạnh mẽ phê bình việc chọn Hồng Y theo tòa Giám Mục của vị ấy hoặc chức vụ, và ủng hộ việc chọn các Hồng Y mới dựa theo các phẩm tính của vị ấy.

Con số Hồng Y cử tri

Một sự “phá lệ” khác của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc bổ nhiệm Hồng Y lần này là, với lễ bổ nhiệm Hồng Y mới chiều thứ Bảy sắp tới, số Hồng Y cử tri sẽ là 132 vị, thay vì 120 vị là con số tối đa do thánh Phaolô 6 giáo hoàng ấn định hồi năm 1973, mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô không chính thức thay đổi giới hạn này.

Thánh Gioan Phaolô 2, tuy xác nhận qui định của vị tiền nhiệm, nhưng ngài cũng đã 3 lần “phá lệ” về vấn đề này. Lần đầu hồi tháng 2 năm 1998, ngài bổ nhiệm 22 Hồng Y mới, nâng số Hồng Y cử tri lên 123 vị. 3 năm sau ngài bổ nhiệm các Hồng Y mới, nâng tổng số Hồng Y cử tri lên 135 vị. Nhưng tháng 4 năm 2005, sau khi ngài qua đời, chỉ còn 115 Hồng Y cử tri tham dự mật nghị bầu người kế nhiệm ngài.

Xin miễn nhận bổ nhiệm

7 lần bổ nhiệm Hồng Y trước đây, thông thường từ lúc tuyên bố danh tánh các tiến chức Hồng Y cho đến công nghị bổ nhiệm, chỉ hơn kém 1 tháng, nhưng lần này lâu hơn, cách nhau gần 3 tháng. Và trong thời gian chờ đợi vừa qua, một tiến chức Hồng Y đã xin từ nhiệm. Đó là Đức Cha Luc Van Looy, 81 tuổi, nguyên Giám Mục giáo phận Gent bên Bỉ.

Lý do vì sau khi được Đức Thánh Cha tuyên bố chọn làm Hồng Y, dư luận tại Bỉ đa số ủng hộ việc bổ nhiệm Đức Cha, nhưng cũng có một số phản đối vì họ cáo buộc Đức Cha Van Looy, khi còn tại nhiệm từ năm 2004 đến 2020, đã không xử lý quyết liệt những vụ giáo sĩ bị cáo buộc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Hội Đồng Giám Mục Bỉ ra thông cáo cho biết tin trên đây và nói rằng “Để tránh cho các nạn nhân những vụ lạm dụng phải chịu thêm những vết thương sau khi được chỉ định làm Hồng Y, Đức Cha Van Looy đã xin Đức Thánh Cha cho miễn chấp nhận việc bổ nhiệm này và Đức Thánh Cha đã chấp thuận lời thỉnh cầu của Đức Cha”.

Trước đây, cũng có một trường hợp được chọn nhưng không tiến tới lễ tấn phong được, đó là trường hợp linh mục thần học gia Hans Urs von Balthasar (1905-1988). Năm 1988, ngài được Đức Gioan Phaolô 2 chọn làm Hồng Y, nhưng đã qua đời ngày 26/6/1988, 2 ngày trước công nghị tấn phong Hồng Y.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận