Một số vấn đề cơ bản của nhân quyền: Khái niệm và lược sử phát triển

1580 lượt xem

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA NHÂN QUYỀN
KỲ 1: KHÁI NIỆM VÀ LƯỢC SỬ PHÁT TRIỂN

Khi tự do cá nhân bị xâm phạm, chúng ta thường nhắc đến nhân quyền, nhưng đích thực nhân quyền là gì? Làm người có những quyền cơ bản gì?… Trước vấn đề đó, daminhvn.net khởi đăng chuyên đề “Một số vấn đề cơ bản của nhân quyền” nhằm giúp người đọc có cái nhìn khái quát về những quyền cơ bản của chính mình. 

Nhân quyền không phải là khái niệm mới. Nhân quyền song hành, phát triển chính là bằng chứng cho sự văn minh, tiến bộ của loài người.

Nhân quyền hay quyền con người là hai thuật ngữ tương đương được dùng trong tiếng Việt. Cả hai thuật ngữ này đều bắt nguồn từ thuật ngữ Human rights trong tiếng Anh, vốn được sử dụng rộng rãi trong môi trường quốc tế [1].

Nhân quyền không phân biệt

Nhân quyền là những quyền cơ bản của mỗi người, từ khi sinh ra cho đến khi chết. Nó được áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể người đó đến từ đâu, niềm tin tôn giáo nào hay chọn sống như thế nào, nghĩa là nhân quyền không phân biệt chủng tộc, giới tính, quốc tịch, dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo hay bất kỳ địa vị nào khác.

Nhân quyền là những quyền vốn có của con người, những quyền này không bao giờ bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Đôi khi những quyền này có thể bị hạn chế ít nhiều, chẳng hạn đối với một một người vi phạm pháp luật, hoặc vì lợi ích của an ninh quốc gia nhưng chúng không bao giờ bị tước bỏ hoàn toàn.

Những quyền cơ bản của con người này dựa trên các giá trị được cộng đồng nhân loại chia sẻ như: Nhân phẩm, sự công bằng, bình đẳng, tôn trọng và độc lập. Các quyền không thể tước bỏ bao gồm: Quyền được sống, quyền tự do, tự do khỏi chế độ nô lệ và tra tấn, tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền làm việc và giáo dục, quyền tự do tín ngưỡng và nhận thức, quyền tự do lập hội, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật…[2]

Những quyền này được xác định, được pháp luật bảo vệ: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động (action) hoặc sự bỏ mặc (omission) làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người” [3].

Nhân quyền có trong mọi nền văn minh

Ý tưởng về các quyền cơ bản của con người có nguồn gốc sâu xa trong tôn giáo, triết học và pháp lý. Thực tế cho thấy, mọi nền văn minh, tôn giáo và triết học đều chứa đựng những nguyên tắc vốn có liên quan đến quyền con người, dù trên nhiều phương diện, chúng cũng dẫn đến những khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, Kinh Vedas, bộ luật Manu của Ấn Độ giáo, bộ luật Hammurabi của Babylon, Kinh thánh, Kinh Qur’an (Koran) và sách Luận ngữ của Khổng Tử được ghi nhận như là một trong số các nguồn văn bản lâu đời đề cập đến những quyền và trách nhiệm của con người. Ngoài ra, các quy tắc ứng xử và công lý của người Inca và Aztec và Hiến pháp Iroquois là nguồn gốc của người Mỹ bản địa tồn tại trước thế kỷ 18. Trên thực tế, tất cả các xã hội, đều ít nhiều có những truyền thống khác nhau liên quan đến quyền con người.

Liên Hiệp Quốc xác định nguồn gốc của Nhân quyền đến năm 539 trước Công nguyên, khi quân đội của Cyrus Đại đế (Cyrus II, 559 TCN – 530 TCN, vị hoàng đế sáng lập ra Đế quốc Ba Tư hùng mạnh) chinh phục Babylon. Cyrus đã giải phóng nô lệ, tuyên bố rằng tất cả mọi người đều có quyền lựa chọn tôn giáo của riêng mình và thiết lập sự bình đẳng chủng tộc. Những điều này và các giới luật khác đã được ghi lại trên một hình trụ bằng đất sét nung được gọi là Trụ Cyrus (Cyrus Cylinder), với những điều khoản được dùng làm nguồn cảm hứng cho bốn điều đầu tiên của Tuyên ngôn Nhân quyền [4].

Trụ Cyrus được cho là hiến chương đầu tiên của nhân quyền thế giới. Cyrus Đại đế tuy là một nhà chinh phạt hiển hách, ông cũng được ca ngợi về vấn đề nhân quyền. Trụ Cyrus cho thấy Cyrus Đại Đế luôn tôn trọng các vị Thần trong tín ngưỡng của Babylon, phục hồi những ngôi đền ở kinh đô Babylon và giải phóng những thần dân ngoại lai thoát khỏi ách nô lệ. Trong Kinh thánh, sách ngôn sứ Isaia cho thấy, năm 538 vua Cyrus ra chiếu chỉ cho phép người Do Thái ở Babylon được hồi hương, chấm dứt thời kỳ lưu đầy. Đồng thời ông còn ra lệnh trả lại những vật dụng quí giá mà vua Nebuchadnezzar của Babylon đã lấy từ Đền Thờ Giêrusalem trong cuộc xâm chiếm trước đó. Vua Cyrus còn xuất tiền từ công khố để đài thọ phí tổn xây lại Đền Thờ. Những lời tuyên bố thời danh của ông được chương đầu Sách Ezra ghi lại. Đặc biệt, Isaia Đệ Nhị đã không ngần ngại gọi Kyrô là “Đấng Được Xức Dầu Của Thiên Chúa” (45, 1) và là “Mục Tử Của Thiên Chúa” (44, 28), là người được Chúa chọn để cứu Dân Chúa [5]. Những việc làm này của nhà vua đã trở thành biểu tượng của sự khoan dung và kính trọng các tôn giáo khác. Trong Đế quốc Ba Tư, Cyrus Đại Đế đặt ra luật pháp trị vì muôn dân, và trăm họ cảm thấy kính mến ông hơn là e sợ ông. Những ý tưởng của nhà vua Ba Tư về chính phủ có ảnh hưởng đến nhân quyền.

Tại Anh quốc, các phát triển mang tính bước ngoặt về nhân quyền bao gồm khởi đầu từ Hiến chương Magna Carta năm 1215 được chấp nhận bởi vua nước Anh. Tài liệu này được nhiều chuyên gia coi là đánh dấu sự khởi đầu của nền dân chủ hiện đại. Nó còn được gọi là Hiến chương vĩ đại, vì đề cập đến quyền của các góa phụ được sở hữu tài sản cũng như thiết lập các nguyên tắc bình đẳng của mọi người trước pháp luật. Ngoài ra cũng có thể kể đến Đạo luật Habeas Corpus năm 1679 và Dự luật về các Quyền 1689.  Đạo luật Habeas Corpus là luật cấm bắt giam người trái pháp luật hay còn gọi là Luật bảo thân, được Nghị viện Anh thông qua năm 1679 dưới thời vua Charles II. Đến nay “Habeas Corpus” trở thành một thuật ngữ phổ biến và trở thành một  trong những công cụ pháp lý quan trọng nhất bảo vệ quyền tự do của cá nhân chống lại sự xâm phạm của nhà nước ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dự luật về các Quyền 1689 là một đạo luật mang tính bước ngoặt trong luật hiến pháp của Anh. Nó quy định một số quyền dân sự cơ bản nhất định và làm rõ ai sẽ là người kế thừa ngôi vua, trong đó có những quy định về quyền bầu cử Nghị viện và quyền tự do ngôn luận trong hoạt động của Nghị viên…

Cuộc Cách mạng Hoa Kỳ tuyên bố độc lập năm 1776 và cuộc Cách mạng Pháp, thực hiện các tư tưởng trên bình diện pháp lý trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789:

1. Người ta sinh ra và luôn có tự do và bình đẳng về quyền lợi. Sự phân biệt xã hội chỉ được phép thành lập trên cơ sở nó đem lại lợi ích chung cho cả cộng đồng.

2. Mục đích của tất cả các tổ chức chính trị là bảo vệ các quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người. Những quyền này là tự do, sở hữu tài sản, an ninh và chống lại sự áp bức [6].

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền

Những nỗ lực trong thế kỷ 19 để cấm buôn bán nô lệ và hạn chế sự khủng khiếp của chiến tranh là những tiền đề lịch sử quan trọng đưa đến Luật nhân quyền hiện đại và việc thành lập Liên Hiệp Quốc (United Nations – LHQ). Năm 1919, các quốc gia thành lập Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để giám sát các hiệp ước bảo vệ người lao động liên quan đến quyền được bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của họ. Mối quan tâm về việc bảo vệ các nhóm thiểu số nhất định đã được liên minh các quốc gia nêu ra vào cuối Thế chiến thứ nhất. Tuy nhiên, tổ chức vì hòa bình và hợp tác quốc tế này sáng lập bởi các đồng minh chiến thắng ở châu Âu đã không đạt được mục tiêu của mình khi một số nước có vị thế quan trọng trên chính trường thế giới lúc đó từ chối tham gia, trong đó có Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ý tưởng về nhân quyền đã nổi lên mạnh mẽ hơn từ sau Thế chiến II. Sự tàn bạo của cuộc chiến tranh này khiến cho việc bảo vệ nhân quyền trở thành ưu tiên quốc tế. Sự kiện hơn sáu triệu người Do Thái, Sinti và Romani, người đồng tính và người khuyết tật bị Đức Quốc xã sát hại đã làm thế giới kinh hoàng.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) được thành lập vào ngày 24-10-1945, đặt trụ sở chính tại New York (Hoa Kỳ), là tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, mục đích chính của LHQ là thiết lập, duy trì hòa bình và công bằng trên thế giới, phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới. Vào ngày 25-6-1945, bản Hiến chương LHQ được thông qua. Một trong những thành tựu to lớn của LHQ là việc tạo ra một cơ quan toàn diện về luật nhân quyền, một bộ luật mang tính toàn cầu mà tất cả các quốc gia đều có thể tham gia. LHQ đã xác định một loạt các quyền được quốc tế chấp nhận, bao gồm các quyền dân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội, đồng thời thiết lập các cơ chế để thúc đẩy và bảo vệ các quyền này, cũng như hỗ trợ các quốc gia trong việc thực hiện trách nhiệm của mình. Năm 1948, hơn 50 quốc gia thành viên cũng đã thông qua Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người hay chúng ta thường gọi là Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights – UDHR). Đây là nỗ lực đầu tiên xác định các quyền cơ bản của con người ở cấp độ toàn cầu. Kể từ đó, LHQ đã dần dần mở rộng luật nhân quyền, bao gồm các tiêu chuẩn cụ thể cho phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, các dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương khác, nhằm bảo vệ họ khỏi sự phân biệt đối xử trong xã hội [7].

Nhân quyền không phải là chuyện nội bộ quốc gia

Ảnh hưởng của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền là rất lớn. Các nguyên tắc của nó đã được đưa vào hiến pháp của hầu hết các quốc gia thành viên LHQ. Mặc dù tuyên bố không phải là một tài liệu ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng có thể nói Tuyên ngôn đã mang tính luật pháp quốc tế thông thường bởi vì mọi người coi đó là một tiêu chuẩn thành chung cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia về những quyền cơ bản của con người.

Trước Thế chiến II, bất cứ điều gì xảy ra trong biên giới của một nước thì đó là việc nội bộ. Ngày nay, Tuyên ngôn Nhân quyền cho thấy, một khi các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng dù xảy ở bất cứ quốc gia nào thì các quốc gia khác vẫn có trách nhiệm liên đới. Mặc dù việc thực hiện tuyên ngôn này là một thách thức, nhưng ít nhất, mối quan tâm về quyền con người hiện là một đặc điểm thường thấy của ngoại giao quốc tế và các diễn ngôn chính trị; các chính phủ có thể dùng nó để gây sức ép cần thiết cho bất cứ quốc gia nào vi phạm.

Minh Đức

Chú thích

[1] Xt. Bình Hòa: Nhân Phẩm và Nhân Quyền (catechesis.net).
[2] Human Rights (un.org).
[3] Nhóm tác giả Khoa Luật – ĐHQGHN (biên soạn): Hỏi đáp về quyền con người, Nxb. ĐHQGHN, 2012, tr. 21.
[4] Human rights declarations by Cyrus (deseret.com); Xuân Hà – Thái Tuấn: Phát hiện tuyên ngôn cổ xưa chấn động về quyền con người cách đây 2500 năm, các học giả hiện đại nghĩ gì? (dkn.tv).
[5] Isaia 44, 28“Về Ky-rô Ta nói: ‘Đó là mục tử của Ta’; nó sẽ làm cho mọi điều Ta muốn được thành tựu khi Ta nói về Giê-ru-sa-lem: ‘Cho nó được tái thiết!’ và với đền thờ: ‘Hãy được dựng lên!’Isaia 45, 1“ĐỨC CHÚA phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô: ‘Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa.”
[6] Frans Viljoen: International Human Rights Law: A Short History (un.org); A Short History of Human Rights (hrlibrary.umn.edu); Nhóm tác giả Khoa Luật – ĐHQGHN (biên soạn): Hỏi đáp về quyền con người. Nxb. ĐHQGHN, 2012, tr. 27 – 29.
[7] X. Gudmundur Alfredsson & Asbjørn Eide (Chủ biên): Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, 1948, Nxb. Lao động – Xã hội, 2011, tr. 21- 43.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận