Những bạn trẻ Công giáo thế hệ 9X và thế hệ Z[1] yêu thích Carlo Acutis. Đây là lý do tại sao.

1060 lượt xem

Tôi tớ của Chúa Carlo Acutis được phong chân phước vào thứ Bảy (9.10.2020), và trở thành người đầu tiên của thế hệ 9X được chính thức gọi là “Chân phước.”

Mối quan tâm đến cuộc đời của Carlo Acutis đã trở nên mãnh liệt trong những tuần trước khi cậu được phong chân phước. Và trong khi nghiên cứu cho thấy ngày càng nhiều người thuộc thế hệ 9X và các bạn trẻ Mỹ thuộc thế hệ Z không thực hành bất kỳ đức tin tôn giáo nào, CNA đã nói chuyện với một số người Công giáo cùng thời với Acutis, họ cho biết chàng trai người Ý thích chơi trò chơi điện tử này khiến họ muốn đến gần hơn với Chúa.

Sinh ngày 3 tháng 5 năm 1991, Carlo Acutis qua đời ở tuổi 15 vào ngày 12 tháng 10 năm 2006 sau khi mắc bệnh bạch cầu.

Trong suốt cuộc đời của mình, cậu đã lập một trang web dành riêng cho các phép lạ Thánh Thể, và duy trì lòng sùng kính sâu sắc đối với Bí tích Thánh Thể cho đến khi cậu qua đời. Cậu cũng yêu thích PlayStation, đây có lẽ là lần đầu tiên một người yêu thích PlayStation được phong thánh hoặc phong chân phước.

Cecilia Cicone, một cô gái 25 tuổi đến từ Delaware, nói với CNA rằng, Acutis là một ví dụ cho thấy những bạn trẻ thế hệ 9X và thế hệ Z nên sống cuộc sống của họ như thế nào.

“Carlo đã cho thấy một cách cụ thể một vị thánh thích chơi trò chơi điện tử và truy cập internet là như thế nào. Cậu ấy thách thức tôi kiểm tra lương tâm của mình và nói, ‘Được rồi, tôi cũng được gọi là một vị thánh biết sử dụng Internet. Tôi có đang sử dụng Internet để làm cho tình yêu của Thiên Chúa được người ta biết đến không? ‘”

Cô nói, Acutis là một mẫu gương cụ thể về “sự thánh thiện là như thế nào trong thế kỷ 21”.

Cô nói: “Chúng ta thấy rằng sự thánh thiện có thể liên quan đến những giai đoạn mà học sinh cảm thấy lúng túng ở trường trung học cơ sở, mặc áo có cổ được kéo dựng lên và chơi những trò chơi điện tử”.

“Với việc phong chân phước cho Carlo Acutis, lần đầu tiên tôi cảm thấy bình an và vui sướng khi nhận ra rằng tôi cũng có thể là một vị thánh của thế kỷ 21. Nó không còn là giả thuyết nữa”.

Cha John LoCoco, một linh mục của Tổng giáo phận Milwaukee, trẻ hơn Acutis khoảng sáu tháng. Và khi cha nghe về Acutis lần đầu tiên vào năm 2014, cha nói rằng Acutis “hoàn toàn không gây được ấn tượng bằng chứng tá của mình lúc đầu.”

“Tôi không bao giờ quan tâm nhiều đến máy tính hoặc trò chơi điện tử, vì vậy điều đó không bao giờ khiến Acutis ấy trở nên ‘thân quen’. Cậu ấy chỉ là một đứa trẻ viết blog về Bí tích Thánh Thể,” LoCoco nói với CNA.

Tuy nhiên, dần dần, quan điểm của LoCoco về Acutis bắt đầu thay đổi, và bây giờ cha nghĩ rằng Acutis “sẽ là một vị thánh đáng tin cậy trong thời đại hiện đại”.

“Tôi nghĩ rằng những gì tôi yêu thích là những gì có vẻ như là bản tính rất dịu dàng của Carlo,” LoCoco nói. “Sự quan tâm của cậu ấy đối với những học sinh bị bắt nạt ở trường học, sự quan tâm của cậu ấy đối với những học sinh có cha mẹ ly hôn; Carlo dường như dành rất nhiều tình cảm cho cuộc sống của mọi người.”

LoCoco nói với CNA rằng giờ đây mình nhận thấy cái “cảm thức chân thật, tĩnh lặng sâu sắc mà cậu ấy có được về sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự” là “đáng chú ý”.

Maria Roberts, một lập trình viên máy tính 26 tuổi, rất vui mừng khi nghề của cô sắp có được vị thánh bảo trợ của riêng mình, và cô cho rằng Acutis là một gương mẫu điển hình cho người Công giáo thấy nên sử dụng Internet như thế nào. 

Cô nói: “Điều quan trọng đối với chúng ta là những người Công giáo phải nghĩ làm thế nào để công nghệ có thể được sử dụng cho mục đích tốt lành và cho việc truyền giáo, chứ không phải là một cách để lợi dụng người khác hoặc làm mất tinh thần giới trẻ”.

“Ngày nay còn rất nhiều việc tốt phải làm và quá nhiều đau khổ – những người trẻ tuổi nên biết rằng tài năng của họ có thể được sử dụng vì vinh quang của Thiên Chúa theo nhiều cung cách nhờ những tiến bộ công nghệ của chúng ta”.

Độ tuổi của Acutis là một lời cảnh tỉnh tinh thần đối với một số người Công giáo.

Taylor Hyatt, 28 tuổi đến từ Canada, sinh cùng năm với Acutis, nói với CNA: “Việc chúng tôi sống cùng thời điểm và rất gần nhau về tuổi tác dường như càng làm nổi bật khoảng cách giữa các ‘mức độ’ thánh thiện của chúng tôi”. 

“Điều đó nói lên rằng, tôi thực sự đánh giá cao tình yêu sâu sắc của anh ấy đối với Bí tích Thánh Thể và sự quan tâm đến Internet. Chúng tôi đã chia sẻ những sở thích đó, từ khi tôi bằng tuổi anh ấy và cho đến bây giờ,” cô nói. Hyatt cũng ngưỡng mộ sự quan tâm của Acutis đối với quyền của người khuyết tật, một mục đích mà cô cũng theo đuổi.

Cha Paul, một linh mục mới thụ phong ở Ontario, đã thẳng thắn hơn khi đánh giá về cuộc đời của mình so với cuộc đời của Acutis.

“Đối với cá nhân tôi, biết được Chân phước Carlo thánh thiện như thế nào khiến tôi cảm thấy mình như một thứ tào lao”, cha nói. “Tôi sinh cùng năm với ngài và khi còn là một thiếu niên thì chẳng có gì là thánh thiện đặc biệt.”

Cha Paul nói: “Nhưng tôi đã nói về ngài cho nhóm thanh niên của chúng tôi vào tuần trước và cho họ xem bức ảnh về ngôi mộ của ngài và đã có nhiều người bình luận về việc ngài mặc trang phục bình thường, chơi trò chơi điện tử và giỏi máy tính”.

“Tôi đã cố gắng nói về Pier Giorgio[2] như một mẫu gương mà những người trẻ tuổi có thể liên tưởng đến, nhưng có lẽ ngày nay, nói về Chân phước Carlo có lẽ tốt hơn bởi vì ngài mang tính hiện đại biết chừng nào.”

Một số người Công giáo nói với CNA là chính “sự bình thường” của Acutis khiến ngài trở nên rất thú vị.

Acutis “là người mà chúng ta có thể nhìn ngắm và hình dung về bản thân theo đúng nghĩa đen,” Alex Trevino, 30 tuổi đến từ Dallas, nói với CNA. “Ngài được chôn cất trong bộ quần áo mà tôi đã mặc khi còn là một thiếu niên.”

Trevino nói rằng việc phong chân phước cho Acutis cho những người trẻ tuổi thấy “rằng bạn không cần phải là linh mục, giám mục, hay thậm chí là giáo hoàng thì mới trở nên thánh thiện.”

Anh nói thêm: “Chúng ta, với tư cách là Giáo hội, cần phải thấy rằng sự thánh thiện, thiên đàng và cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa là có thật và có thể đạt tới được”. 

Ani, 24 tuổi đến từ Texas, đồng ý. Cô ấy mô tả Acutis “chỉ là một anh chàng bình thường lớn lên trong đạo Công giáo, như tất cả chúng ta, bị bệnh như bao người khác và đã tạo ra một trang web để đăng lên những sở thích cụ thể của anh ấy giống như chúng ta”.

Ani nói với CNA, “Chúng ta nói rất nhiều về sự nên thánh hàng ngày tại Schoenstatt[3], nói về ý niệm thực hiện mọi thứ sao cho cực kỳ tốt. Tôi cảm thấy Carlo có thể là vị thánh đầu tiên mà tôi thấy có một cung cách sống thực sự bình thường, thực sự con người, một cung cách có thể sống được, để nên thánh.”

Ani nói, Acutis “không có tác động phi thường nào ở bất kỳ điểm nào trong đời, không có thị kiến, không có áo choàng Tilma kỳ diệu[4], không có năm dấu thánh. Chỉ là một cậu ấm cùng với máy tính của mình và cùng với tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa. Điều đó thật tuyệt vời”.

Tác giả: Christine Rousselle
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ từ catholicnewsagency.com

[1] những người được sinh ra từ giữa đến cuối thập niên 1990 cho đến những năm đầu thập niên 2010. Hầu hết các thành viên thuộc Thế hệ Z đều sử dụng công nghệ kỹ thuật từ nhỏ và cảm thấy thoải mái với Internet và các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng không nhất thiết là phải có trình độ kỹ thuật số.
[2] xem tại https://vinhson.net/chan-phuoc-pier-giorgio-frassati-mau-guong-thanh-thien-cua-mot-nguoi-tre-vinh-son.html

[3] Phong trào Schoenstatt đã được Linh Mục Joseph Kentenich, người Ðức, sáng lập tại một địa điểm có tên là “Schoenstatt”, nên được gọi là phong trào Schoenstatt, vào thời thế chiến thứ nhất, hay đúng hơn vào tháng 10 năm 1914, và hiến chương tu đức của phong trào đã được Hội Ðồng Tòa Thánh về giáo dân phê chuẩn năm 1964. Ðường hướng tu đức chính của Phong Trào có “đặc tính thánh mẫu”, được xây dựng trên sự tận hiến cho và giao ước với Mẹ Maria, qua câu châm ngôn nổi tiếng nhất của Phong Trào, là “Con không làm bất cứ điều gì mà không có Mẹ cùng làm với con”. Hiện tại phong trào đã có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới, và được phổ biến mạnh nhất là tại các quốc gia Ðức, Argentina, Brazil và Chilê.
[4] xem tại https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%A9c_M%E1%BA%B9_Guadalupe

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận