Phép lạ nơi Giáo họ Vạn Thọ: Những đổi thay lớn lao nơi một Giáo họ nhỏ bé

3642 lượt xem

Vào lúc 7h30 sáng ngày 12/6/2019, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã cử hành thánh lễ mừng kính Thánh Antôn, quan thầy giáo họ Vạn Thọ (Giáo xứ Kim Lâm), đồng thời, làm phép và cắt băng khánh thánh lễ đài Thánh Antôn. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có quý cha trong và ngoài Giáo hạt Can Lộc, cùng hàng ngàn tín hữu cùng các anh chị em lương dân đến tham dự.

Đến hẹn lại lên, hằng năm cứ đến ngày 13/6 nơi đây như một điểm hẹn tâm linh của hàng ngàn người giáo dân cũng như lương dân. Năm nay, đánh dấu một bước phát triển mới của Giáo họ Vạn Thọ, đó là việc hoàn thành lễ đài Thánh Antôn. Sự kiện này đã khiến Giáo họ phải chuyển ngày lễ Quan thầy về trước một ngày để đón Đức cha Phaolô, chủ chăn Giáo phận về chung chia niềm vui với Giáo họ.

Mặc dù đang trong những ngày cao điểm nắng nóng của mùa hè, nhưng sáng hôm nay 12/6, ngay từ sáng sớm đã có rất đông người từ khắp nơi nhộn nhịp, tưng bừng về với Vạn Thọ.

Nhìn quang cảnh hôm nay chúng ta có thể khẳng định: Biển có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng yêu mến Thánh Antôn của người tín hữu chân thành sẽ không bao giờ tàn phai, bởi thánh nhân là nguồn an ủi, là chỗ tựa nương, là niềm hoan lạc của mỗi chúng ta, nhất là của những người đau ốm tật nguyền.

Về với Vạn Thọ hôm nay, chúng ta thấy được nhiều nét đổi thay. Trước hết, đó là lễ đài Thánh Antôn nằm trên khuôn viên rộng 8000m2 đã được hoàn thành. Đây là niềm ước vọng cháy bỏng hàng chục năm qua của con cái Giáo họ Vạn Thọ. Có được thành quả này là nhờ sự quan tâm đồng hành của cha quản xứ, các ban ngành đoàn thể và hết mọi thành phần trong cộng đoàn giáo họ đã đoàn kết thương yêu nhau, đồng tâm hiệp lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh cao cả vốn có của mình… Và tất cả được đặt dưới sự chở che của Thánh Antôn. Thứ đến, và đây là điều đáng kể nhất, đó là cung cách sống đạo của 260 giáo dân nơi đây. Tình yêu thương, đoàn kết lương giáo là điểm son dễ nhận thấy trong sự lớn mạnh của Vạn Thọ.

Trước lúc khai lễ, Đức cha Phaolô cử hành nghi thức làm phép và cắt băng khánh thành lễ đài thánh Antôn, một công trình được kết dệt bởi những giọt mồ hôi của 260 con người trong Giáo họ nhỏ bé này, cùng với sự giúp đỡ của quý ân nhân thân nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, anh chị em không cùng tôn giáo cũng đã đóng góp nhiều công của như những “món quà” nhỏ bé dâng lên để cảm tạ Thánh Antôn vì nhiều phép lạ Ngài thực hiện trong các biến cố của cuộc sống.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô chia sẻ cho cộng đoàn phụng vụ: Khi nghĩ đến thánh Antôn, chúng ta thường nghĩ đến một vị thánh làm nhiều phép lạ. Và với những phép lạ Ngài làm đã thu hút được rất nhiều người đến với Ngài, nhờ đó có nhiều người được ơn hoán cải và tên tuổi của thánh nhân mãi mãi gắn với những phép lạ.

Con người cần phải có tôn giáo. Con người sống với hiện tại nhưng cho tương lai. Dĩ nhiên, đức tin Công giáo và đời sống tôn giáo nói chung không hệ tại nơi những điềm thiêng dấu lạ. Vì thế, Đức cha mời gọi cộng đoàn phải biết sống dựa trên những giá trị nhân văn, trở thành con người nhân ái, trung tín, thương xót, thắm đượm tình yêu thương, trở thành “chiếc cầu” nối kết tình huynh đệ với anh chị em không cùng tôn giáo, với bà con lương dân, ngõ hầu tất cả chúng ta trở thành môn đệ của Đức Kitô.

Giữa dòng đời đầy bon chen, con người dường như chỉ biết lao mình vào guồng quay vật chất với những toan tính thực dụng đời thường mà quên đi những giá trị tâm linh cao cả. Trong bối cảnh đó, người kitô hữu cũng bị cuốn vào vòng quay của danh, lợi, thú mà quên đi điều căn cốt của mình, đó là giới thiệu Chúa cho người khác. Là kitô hữu không chỉ là người có Chúa Kitô, nhưng còn là người biết mang Chúa đến cho mọi người. Để làm được điều đó, người kitô hữu không nên đóng khung đời sống đạo trong nhà thờ mà còn phải đưa đạo vào cuộc sống… như lời mời gọi của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận: “Đừng để thiên hạ xây dựng thế giới này mỗi ngày mà con không biết, không khám phá, không thao thức, không nhúng tay vào. Chúa đã cứu chuộc con và đặt con vào thế gian trong thế kỷ này, thập niên này, môi trường này. Đặt con, chứ không phải cục đá! Khác nhau lắm! Đừng làm “Công giáo bù nhìn”; “Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội, là gương xấu tai hại nhất trong thời đại chúng ta” (Đường Hy Vọng. 621.622).

Thánh lễ kết thúc, những lời tạ ơn vẫn vang lên trong tâm trí mọi người và theo bước chân những khách hành hương ra về trên các nẻo đường. Hàng ngàn trái tim của những anh chị em ngập tràn niềm vui trong tâm tình cảm tạ tri ân. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh cả Antôn, mọi người cảm nhận những điều kỳ diệu Chúa đã, đang và sẽ làm cho chính bản thân mình, cho gia đình mình và cho chính mảnh đất thánh thiêng Vạn Thọ thân yêu này.

Giáo họ Vạn Thọ đã được sinh ra từ Giáo xứ mẹ Tràng Đình trước năm 1927. Thuở ban đầu chỉ có 8 nhân danh, đến nay Vạn Thọ đã có 63 hộ gia đình với 260 nhân danh. Tất cả là hồng ân, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Cả Antôn, từ một cộng đoàn nhỏ bé, nay trở thánh một Giáo họ vững mạnh. Hy vọng nơi đây sẽ trở thành điểm đến, với một quy mô rộng lớn, cho những ai yêu mến và siêng năng chạy đến với Thánh Cả Antôn.

Pet. Duy Lượng

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận