Phỏng vấn ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu

890 lượt xem

Năm nay, Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu kỷ niệm 60 năm thành lập và 25 năm Thông điệp “Ut unum sint – Xin cho họ nên một” được ban hành. Nhân dịp này, Vatican News có cuộc phỏng vấn với ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu.

Thưa Đức Hồng y, bối cảnh đại kết cách đây 60 năm khác nhiều so với hiện nay. Vậy tình hình đại kết và những thánh đố nào cho đại kết ngày hôm nay?

Vào năm 1960, trong Giáo hội Công giáo, phong trào đại kết chính thức được hình thành, nhưng vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Trong 60 năm qua, nhiều cuộc gặp gỡ và đối thoại đã diễn ra, đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của phong trào đại kết, cụ thể là khôi phục sự hiệp nhất của Giáo hội, vẫn chưa đạt được. Hiện tại, một trong những thách đố lớn nhất nằm ở chỗ thiếu sự đồng thuận thực sự vững chắc về mục tiêu của đại kết. Chúng ta đều cho rằng cần phải hiệp nhất, nhưng chúng ta chưa có hình thức cụ thể nào. Cần phải có một cái nhìn chung, điều thiết yếu cho sự hiệp nhất của Giáo hội.

Con đường đại kết thường được định nghĩa là “trao đổi hồng ân”. 60 năm qua, Giáo hội Công giáo đã được thay đổi như thế nào trong sự dấn thân này? Giáo hội đã trao cho các Kitô hữu khác những hồng ân nào?

Đằng sau định nghĩa này là sự tin chắc rằng mỗi Giáo hội có thể đóng góp cụ thể cho việc khôi phục hiệp nhất. Từ các Giáo hội sinh ra trong thời Cải cách, trên tất cả, Giáo hội Công giáo đã học được tính trung tâm của Lời Chúa trong đời sống Giáo hội, trong các cử hành phụng vụ và tư tưởng thần học. Chúng ta ý thức rằng đức tin đến từ việc lắng nghe Lời Chúa và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô phải là trung tâm của Giáo hội. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh, từ các Giáo hội Chính thống, chúng ta có thể học được rất nhiều về công nghị tính (sinodalità) trong đời sống của Giáo hội và đoàn thể tính (collegialità) của các Giám mục. Về phần mình, Giáo hội Công giáo có thể cung cấp tính phổ quát của Giáo hội như một hồng ân đặc biệt cho cuộc thảo luận đại kết. Vì Giáo hội Công giáo sống trong mối tương quan giữa sự hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ và tính đa dạng của các Giáo hội địa phương, vì thế Giáo hội có thể chỉ ra rằng ngay cả trong đại kết, sự hiệp nhất và khác biệt không đối lập, nhưng hỗ trợ lẫn nhau.

Đại kết hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả các Kitô hữu. Vậy những điều cụ thể nào đã được thực hiện?

Mọi nỗ lực và hoạt động đại kết phải phục vụ cho mục đích khôi phục sự hiệp nhất các Kitô hữu; cần phải tiếp tục thực hiện để đạt được mục tiêu này. Điều này đặc biệt đúng đối với cuộc đối thoại của đức ái, nghĩa là quan tâm duy trì tương quan thân thiện giữa các Giáo hội khác nhau. Cuộc đối thoại này đã cho phép vượt qua nhiều định kiến​​của quá khứ và tăng cường hiểu biết tốt hơn. Điều quan trọng không kém là đối thoại trong sự thật, hoặc phân tích thần học về các vấn đề gây tranh cãi đã đưa đến sự chia rẽ trong suốt lịch sử của Giáo hội. Trong những cuộc đối thoại này đã cho thấy những gì hợp nhất chúng ta lớn hơn những gì chia rẽ chúng ta. Cuối cùng, đại kết tinh thần phải được ghi nhớ như một khía cạnh cơ bản, đó là sự tuân thủ sâu sắc và phù hợp của mọi tín hữu với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu linh mục xin cho “tất cả nên một”. Lời cầu nguyện này giúp chúng ta nhận thức rằng sự hiệp nhất của Giáo hội tương ứng với ý muốn của Chúa.

Trong những ngày này, chúng ta mừng 25 năm Thông điệp “Ut unum sint – Xin cho họ nên một” do Thánh Gioan Phaolô II ban hành 25/5/1995. Có phải Thông điệp này rất quan trọng cho con đường đại kết?

Đúng vậy, tầm quan trọng của nó chủ yếu nằm ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử, một Giáo hoàng đã viết một thông điệp về đại kết. Với thông điệp này, 30 năm sau khi Công đồng kết thúc, Thánh Gioan Phaolô II nhắc lại rằng trong hành trình đại kết, Giáo hội Công giáo đã dấn thân và Giáo hội không thể đảo ngược sự dấn thân này. Và vì đức tin, tất cả các thành viên của Giáo hội được yêu cầu tham gia vào phong trào đại kết.

Có một điểm đáng chú ý, làm cho tôi ngạc nhiên đối với sáng kiến này của Thánh Giáo hoàng: Một mặt, ngài nhận thức được sứ vụ Phêrô là một trong những trở ngại lớn cho việc khôi phục sự hiệp nhất; mặt khác ngài tin thừa tác vụ Giám mục Roma có tầm quan trọng trong việc tạo sự hiệp nhất của Giáo hội. Ngài đã mời toàn thể cộng đoàn đại kết tham gia vào một “cuộc đối thoại huynh đệ, kiên nhẫn” về tính ưu việt của Giám mục Roma, với mục đích tìm kiếm một hình thức thực thi quyền ưu tiên mở ra cho một hoàn cảnh mới, nhưng không từ bỏ bất cứ điều thiết yếu nào của sứ vụ. Theo tôi, đây là một sáng kiến ​​rất hứa hẹn, chính Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại tư tưởng này trong những dịp khác nhau.

Từ khi thành lập Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu, các Giáo hoàng đã nỗ lực rất nhiều cho hoạt động đại kết. Theo Đức Hồng y, mỗi vị có những điểm nổi bật nào?

Trước hết, chúng ta phải biết ơn tất cả các Giáo hoàng vì luôn theo sát Công đồng, đã thể hiện một tấm lòng rộng mở đối với công cuộc đại kết, và giữa các vị luôn có tính liên tục và gắn kết tuyệt vời.

Thánh Gioan XXIII đã nhận thức rõ rằng việc khôi phục hiệp nhất Kitô giáo là nền tảng cho việc canh tân của Giáo hội Công giáo.

Thánh Phaolô VI đã đóng góp quan trọng trong việc thông qua Sắc lệnh “Đại kết- Unitatis redintegratio” của Công đồng. Ngài là một vị giáo hoàng của những cử chỉ đại kết vĩ đại, đặc biệt đối với Chính thống giáo và Anh giáo, và là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Hội đồng Giáo hội Đại kết các Giáo hội Kitô.

Thánh Gioan Phaolô II tin rằng thiên niên kỷ thứ ba sẽ phải đối diện với nhiệm vụ to lớn là khôi phục sự hiệp nhất đã mất. Ngài nhìn nhận chứng tá của các vị tử đạo của các Giáo hội là hồng ân cho sự hiệp nhất.

Đối với Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, đại kết ở một mức độ sâu sắc, là một vấn đề của đức tin. Và như thế là một nghĩa vụ chính của người kế vị Thánh Phêrô.

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều nền tảng là các Giáo hội cùng đi trên con đường hiệp nhất, bởi vì sự hiệp nhất tăng trưởng trên đường đi. Ngài cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của đại kết máu.

Để đánh dấu việc kỷ niệm này, Hội đồng Tòa Thánh sẽ cho công bố tài liệu Vademecum ecumenico dành cho các giám mục. Tại sao Hội đồng Tòa Thánh lại cho công bố tài liệu này?

Sứ vụ ủy thác cho giám mục là phục vụ hiệp nhất trong giáo phận của ngài và hiệp nhất giữa các giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Nhưng sứ vụ này cũng có một tầm quan trọng đặc biệt trong đại kết. Nghĩa là sứ vụ đại kết của giám mục phải hướng đến cả những người đã rửa tội nhưng không phải tín hữu Công giáo. Do đó, trong các Giáo hội địa phương, các giám mục có trách nhiệm chính cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Vademecum nhằm mục đích giúp các giám mục hiểu trách nhiệm đại kết của giám mục một cách chi tiết hơn và đưa chúng vào thực tế.

Một sáng kiến khác của Hội đồng Tòa Thánh là sẽ cho công bố tạp chí Acta Œcumenica. Mục đích của tạp chí này là gì? 

Ngày nay, nhiều tín hữu có cảm tưởng rằng đại kết đã đi đến bế tắc. Suy nghĩ này phần lớn là do thực tế mọi người không được thông tin đầy đủ về sự phát triển và tiến triển của đại kết. Do đó, điều quan trọng là các kết quả đại kết quan trọng hơn cả đã được đón nhận. Điều này đặc biệt đúng với các tài liệu được chuẩn bị và xuất bản bởi các ủy ban đại kết. Như đã biết, các tài liệu ít được đọc sẽ không đem lại hiệu quả nhiều. Tạp chí Acta Oecumenica nhằm tạo điều kiện cho sự tiếp nhận này, chủ yếu cung cấp thông tin về dấn thân đại kết của Đức Thánh Cha Phanxicô và về các hoạt động đại kết của Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu, và giới thiệu các tài liệu chính của các cuộc đối thoại đại kết. Tạp chí nhằm mục đích hỗ trợ đào tạo đại kết, một khía cạnh quan trọng cơ bản cho tương lai.

Đại kết được thực hiện trong các cuộc gặp gỡ và đối thoại. Khủng hoảng do đại dịch đã gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động này?

Đại kết phát triển mạnh qua các cuộc đối thoại và gặp gỡ trực tiếp, cá nhân. Bây giờ điều này không dễ thực hiện do những hạn chế của đại dịch virus corona. Thực tế, chúng ta không thể đón tiếp các vị khách của các Giáo hội khác đến thăm Roma hoặc đi đến gặp đại diện của các Giáo hội khác. Đối thoại đại kết gặp khó khăn lớn khi thực hiện từ xa, thông qua “văn phòng tại nhà”.

Mặt khác, hoàn cảnh khó khăn của thời điểm này góp phần đưa các Giáo hội Kitô giáo, tất cả ở trên một chiếc thuyền, gần nhau hơn. Điều này rất rõ ràng, chẳng hạn, khi Đức Thánh Cha Phanxicô mời tất cả các Giáo hội Kitô hiệp nhất với ngài trong lời kinh Lạy Cha vào ngày 25/3 để cầu nguyện cho đại dịch kết thúc. Đối với lá thư mà tôi gửi lời mời của Đức Thánh Cha đến những người đứng đầu các Giáo hội Kitô giáo, hầu hết các vị trả lời rất nhanh, bày tỏ lòng biết ơn đối với sáng kiến ​​này. Điều này cho tôi thấy mối quan hệ đại kết đã trở nên sâu sắc như thế nào trong thời gian này. Nhưng tất nhiên chúng ta sẽ rất hạnh phúc khi chúng ta có thể gặp mặt và đối thoại trực tiếp.

Sau 10 năm được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu, Đức Hồng y nghĩ gì về sứ vụ này?

Tôi thấy công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng rất đẹp và phong phú. Tôi biết ơn Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI vì đã giao phó cho tôi nhiệm vụ này và Đức Thánh Cha Phanxicô đã củng cố tôi. Trong những năm qua, tôi đã có thể tham gia và đóng góp cho các sự kiện khác nhau và nhiều sáng kiến ​​đại kết của hai giáo hoàng. Tôi đã học được rất nhiều và có kinh nghiệm này: trong công việc đại kết những gì nhận được lớn hơn những gì có thể trao ban. Tôi nhận thức được rằng về cơ bản chỉ có một thừa tác viên đại kết, đó là Chúa Thánh Thần; chúng ta chỉ là công cụ của Ngài. Nhìn lại 10 năm qua là một dịp thuận tiện để tạ ơn Chúa Thánh Thần và xin Ngài tiếp tục đồng hành cho công cuộc đại kết, giúp chúng ta thực hiện từng bước tích cực, đưa chúng ta đến gần hơn với sự hiệp nhất của Giáo hội.

Ngọc Yến

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận