Stephen Hawking, một đời say mê khoa học

1325 lượt xem

WHĐ (16.03.2018) – Stephen Hawking, nhà thiên văn học nổi tiếng người Anh, thành viên của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học, đã qua đời vào sáng thứ Tư 14/03/2018 ở tuổi 76.

Hãy nhìn lên các vì sao chứ đừng nhìn xuống chân mình. Dù cuộc sống có khó khăn như thế nào, luôn có điều gì đó chúng ta có thể làm được, và có thể thành công với việc ấy”. Ý tưởng chủ đạo này, Stephen Hawking hằng ghi tâm khắc cốt và thực hiện từ khi còn trẻ. Lúc mới 21 tuổi (năm 1963) ông được chẩn đoán mắc căn bệnh Charcot (thoái hóa khớp do nguyên nhân thần kinh), có nguy cơ gây tử vong rất nhanh, nhưng nhà thiên văn học người Anh đã chiến đấu suốt 55 năm chống chọi với hoàn cảnh bị tê liệt, bằng cách khai triển một ý tưởng hết sức thông minh làm cho ông trở thành một “ngôi sao” hiếm hoi trong giới khoa học, đến mức thành đề tài của một bộ phim Hollywood, Thuyết vạn vật (năm 2014), mà diễn viên chính đã được trao giải Oscar.

Dù không công khai nhận mình vô thần, Stephen Hawking đã đề ra lý thuyết không cần có sự can thiệp của Thiên Chúa trong việc hình thành vũ trụ. Quan điểm này không ngăn cản ông đánh giá cao những trao đổi với các nhà khoa học có đức tin, nhất là trong khuôn khổ của Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học, mà ông là thành viên từ năm 1986. Ông đã gặp bốn vị giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Phanxicô.

Lần cuối cùng ông đến Vatican là tháng Mười Một 2016 để tham dự một hội nghị chuyên đề về thuyết Big Bang, là lý thuyết do một linh mục người Bỉ – Đức ông Georges Lemaître -, đề xuất; Stephen Hawking cũng xác nhận tính đúng đắn của thuyết này qua những nghiên cứu của ông về lỗ đen và bức xạ. Một trong những ám ảnh của ông là hòa hợp cơ học lượng tử và thuyết tương đối, để chứng minh sự gắn kết của vũ trụ về mặt vật lý.

Sinh ra đúng 300 năm sau ngày mất của Galileo, và qua đời vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật của Albert Einstein, Stephen Hawking – người từng được bổ nhiệm vào ghế giáo sư của Isaac Newton ở Cambridge suốt 30 năm–, sẽ được lịch sử ghi nhớ như một trong những trí tuệ lỗi lạc nhất trong giới khoa học, và cũng như một mẫu gương can đảm cho tất cả những ai phải đối mặt với bệnh tật và tình trạng khuyết tật.

 

(Theo Vatican News)

Minh Đức

Để lại một bình luận