Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân năm 2021

1042 lượt xem

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN NĂM 2021

Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới bệnh nhân lần thứ 29, được cử hành vào ngày 11/2/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi một cách thức chữa lành dựa trên mối quan hệ tin tưởng và liên cá nhân giữa người bệnh và những người chăm sóc họ.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha có tựa đề “Anh em chỉ có một Thầy và tất cả anh em là anh em với nhau” (Mt 23,8). Một tương quan tin tưởng hướng dẫn việc chăm sóc bệnh nhân”. Sứ điệp gồm 5 số, được Đức Thánh ký ngày 20/12/2019.

TOÀN VĂN SỨ ĐIỆP

Anh chị em thân mến,

Cử hành Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XXIX vào ngày 11/02/2021, lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, là một cơ hội để dành sự quan tâm đặc biệt cho người bệnh và cho những người trợ giúp và chăm sóc họ ở những cơ sở chăm sóc sức khỏe và trong các gia đình và cộng đoàn. Chúng ta đặc biệt nghĩ đến những người đau khổ và tiếp tục đau khổ, những ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu virus corona. Tôi bày tỏ sự gần gũi tinh thần của tôi với tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra bên lề, và bảo đảm với họ về sự quan tâm yêu thương của Giáo hội.

Chống lại sự giả hình

1. Chủ đề của Ngày này năm nay được rút từ đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Giê-su phê bình sự giả hình của những người không thực hành điều họ giảng dạy (X. Mt 23,1-2). Khi đức tin của chúng ta chỉ là những lời nói suông trống rỗng, không quan tâm đến cuộc sống và nhu cầu của người khác, thì sẽ không có sự nhất quán giữa kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng và đời sống của chúng ta. Mối nguy hiểm rất trầm trọng. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su dùng những lời mạnh mẽ để nói về nguy cơ rơi vào việc tự thần tượng mình. Chúa nói với chúng ta: “Anh em chỉ có một thầy và tất cả anh em là anh em với nhau” (c.8)

Lời Chúa Giê-su phê bình những người “giảng nhưng không thực hành” (c.3) luôn hữu ích và dành cho mọi người, vì không có ai trong chúng ta được miễn nhiễm khỏi sự ác trầm trọng của tính giả hình, điều ngăn cản chúng ta triển nở như là con cái của một Cha duy nhất, được kêu gọi sống tình huynh đệ đại đồng.

Trước nhu cầu của các anh chị em, Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta đáp lại theo cách hoàn toàn trái ngược với sự giả hình đó. Người yêu cầu chúng ta dừng lại và lắng nghe, kiến tạo mối tương quan trực tiếp và cá nhân với người khác, cảm thông và động lòng trắc ẩn, và để cho những đau khổ của họ trở thành đau khổ của chính chúng ta khi chúng ta tìm cách phục vụ họ (x. Lc 10,30-35).

Bệnh tật và đức tin

2. Kinh nghiệm về bệnh tật giúp chúng ta nhận ra sự dễ tổn thương của bản thân và nhu cầu bẩm sinh cần người khác của chúng ta. Nó khiến chúng ta cảm thấy rõ ràng hơn rằng chúng ta là các thụ tạo phụ thuộc vào Chúa. Khi bị bệnh, nỗi sợ hãi và thậm chí là hoang mang có thể kìm hãm tâm trí chúng ta; chúng ta thấy mình bất lực, vì sức khoẻ không phụ thuộc vào khả năng của chúng ta hay những lo lắng không ngừng trong cuộc sống (x. Mt 6,27).

Bệnh tật gợi lên câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và với đức tin, chúng ta hướng về Thiên Chúa. Khi tìm kiếm một hướng đi mới và sâu sắc hơn trong cuộc sống của mình, chúng ta có thể không tìm thấy câu trả lời ngay lập tức. Người thân và bạn bè của chúng ta cũng không phải lúc nào cũng có thể giúp đỡ chúng ta trong cuộc tìm kiếm khó khăn này.

Nhân vật Gióp trong Kinh Thánh là biểu tượng về điều này. Vợ và bạn bè của ông không đồng hành với ông khi ông gặp bất hạnh; thay vào đó, họ đổ lỗi cho ông và chỉ khiến cho sự cô độc và đau khổ của ông thêm trầm trọng. Ông Gióp cảm thấy bị tổn thương và hiểu lầm. Tuy nhiên, chính qua tất cả sự yếu đuối cùng cực của mình, ông không giả hình nhưng chọn cách sống trung thực với Chúa và tha nhân. Ông kiên trì van xin Chúa đến nỗi cuối cùng Chúa cũng trả lời ông và cho phép ông nhìn thấy một chân trời mới. Người xác nhận rằng sự đau khổ của ông không phải là hình phạt hay tình trạng xa cách với Thiên Chúa, càng không phải là dấu hiệu cho thấy sự thờ ơ dửng dưng của Thiên Chúa. Vì vậy, từ trái tim bị thương và được chữa lành của ông Gióp đã thốt lên cùng Chúa lời tuyên bố sôi nổi và cảm động này: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (42,5).

Sự gần gũi giữa người bệnh và người chăm sóc

3. Bệnh tật luôn có nhiều hơn một khuôn mặt: nó có khuôn mặt của tất cả những người bệnh, nhưng cũng có khuôn mặt của những người cảm thấy bị phớt lờ, bị loại trừ và làm mồi cho những bất công xã hội đã từ chối các quyền cơ bản của họ (x. Fratelli Tutti, 22). Đại dịch hiện nay đã làm cho sự bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta thêm trầm trọng và cho thấy sự kém hiệu quả trong việc chăm sóc người bệnh. Những người cao tuổi, yếu đuối và dễ bị tổn thương không phải lúc nào cũng có được sự chăm sóc hoặc được chăm sóc một cách bình đẳng. Đây là kết quả của các quyết định chính trị, quản lý nguồn lực và dấn thân nhiều hơn hoặc ít hơn của những người nắm giữ các vị trí trách nhiệm. Đầu tư nguồn lực vào việc chăm sóc và trợ giúp người bệnh là một ưu tiên được liên kết với nguyên tắc cơ bản là sức khỏe là công ích hàng đầu. Đồng thời, đại dịch cũng đã làm nổi bật sự tận tâm và quảng đại của các nhân viên y tế, các tình nguyện viên, nhân viên hỗ trợ, linh mục, nam nữ tu sĩ, tất cả những người đã giúp đỡ, điều trị, an ủi và phục vụ rất nhiều người bệnh và gia đình họ một cách chuyên nghiệp, quên mình, với trách nhiệm và tình yêu thương dành cho người lân cận. Vô số người nam nữ âm thầm, họ không chọn quay mặt đi nơi khác nhưng chọn chia sẻ nỗi đau khổ của những bệnh nhân, những người mà họ coi như những người lân cận và thành viên của một gia đình nhân loại của chúng ta.

Sự gần gũi này là một thứ dầu xoa dịu quý giá mang lại sự hỗ trợ và an ủi cho những người bệnh đang đau khổ. Là các Ki-tô hữu, chúng ta cảm nghiệm rằng sự gần gũi là một dấu hiệu của tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô, Người Samaria Tốt lành, Đấng đã cảm thương, đến gần mỗi người nam nữ bị thương tích vì tội lỗi. Được kết hợp với Chúa Giê-su nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời gọi có lòng thương xót như Chúa Cha và yêu thương đặc biệt những anh chị em yếu đuối, đau yếu và đau khổ của chúng ta (x. Ga 13,34-35). Chúng ta trải nghiệm sự gần gũi này không chỉ như là các cá nhân mà còn như một cộng đồng. Thật vậy, tình yêu thương huynh đệ trong Chúa Kitô tạo nên một cộng đồng chữa lành, một cộng đồng không bỏ sót ai, một cộng đồng bao gồm và chào đón, đặc biệt đối với những người khốn khổ nhất.

Tình liên đới và tương quan huynh đệ

Ở đây, tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng của tình liên đới huynh đệ, được thể hiện cách cụ thể trong phục vụ và có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tất cả đều hướng đến việc hỗ trợ những người lân cận của chúng ta. “Phục vụ có nghĩa là chăm sóc… cho những người dễ bị tổn thương trong gia đình, trong xã hội và trong người dân của chúng ta” (Bài giảng ở Havana, ngày 20/9/2015). Trong sự tiếp cận này, tất cả đều được “kêu gọi gạt bỏ những ước muốn và ham muốn của riêng mình, gạt bỏ việc theo đuổi quyền lực, trước cái nhìn cụ thể của những người dễ bị tổn thương nhất… Phục vụ là luôn nhìn vào khuôn mặt của người anh em, đụng chạm vào da thịt họ, cảm nhận sự gần gũi của họ và thậm chí trong một số trường hợp, ‘chịu đựng đau khổ của họ’, và tìm cách thăng tiến họ. Phục vụ không bao giờ là ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ các ý tưởng nhưng phục vụ con người.”(sđd).

4. Để một cách thế trị liệu có hiệu quả, nó phải có khía cạnh tương quan, vì điều này cho phép một cách tiếp cận toàn diện với bệnh nhân. Việc nhấn mạnh khía cạnh này có thể giúp các bác sĩ, y tá, chuyên viên và tình nguyện viên cảm thấy có trách nhiệm đồng hành cùng bệnh nhân trên con đường chữa bệnh dựa trên mối quan hệ tin cậy giữa các cá nhân (x. Điều lệ mới dành cho nhân viên chăm sóc sức khỏe[2016], 4). Điều này tạo ra một hiệp ước giữa những người cần được chăm sóc và những người cung cấp dịch vụ chăm sóc đó, một hiệp ước dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, sự cởi mở và sẵn sàng. Điều này sẽ giúp khắc phục thái độ phòng thủ, giúp tôn trọng nhân phẩm của người bệnh, bảo vệ tính chuyên nghiệp của nhân viên y tế và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với gia đình người bệnh.

Chúa Giê-su chữa lành qua những gặp gỡ, tương quan liên cá nhân

Mối quan hệ như vậy với người bệnh có thể tìm thấy một nguồn động lực và sức mạnh không bao giờ cạn trong lòng bác ái của Chúa Ki-tô, được thể hiện qua chứng tá trong suốt cả ngàn năm của những người nam nữ, những người đã nên thánh qua việc phục vụ các bệnh nhân. Thực tế là từ mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô đã tuôn trào thứ tình yêu có khả năng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho trải nghiệm của cả bệnh nhân và người chăm sóc. Phúc âm thường chứng minh rõ ràng điều này khi cho thấy rằng Chúa Giê-su chữa bệnh không phải bằng phép thuật nhưng luôn là kết quả của một cuộc gặp gỡ, một tương quan liên cá nhân, trong đó món quà của Thiên Chúa được Chúa Giê-su trao tặng tương ứng với đức tin của những người đón nhận nó, như Chúa Giê-su thường lặp lại: “Đức tin của bạn đã cứu bạn”.

Giới răn yêu thương trong tương quan với bệnh nhân

5. Anh chị em thân mến, giới răn yêu thương mà Chúa Giê-su để lại cho các môn đệ của Người cũng được thực thi cụ thể trong tương quan của chúng ta với bệnh nhân. Một xã hội càng nhân văn hơn thì càng biết chăm sóc cách hiệu quả cho các thành viên yếu đuối và đau khổ nhất của mình trong tinh thần yêu thương huynh đệ. Chúng ta hãy cố gắng đạt được mục tiêu này, để không ai cảm thấy đơn độc, bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.

Tôi phó dâng các bệnh nhân, các nhân viên y tế và tất cả những người quảng đại trợ giúp các anh chị em đau khổ của chúng ta cho Đức Maria, Mẹ của lòng Thương xót và Sức khỏe của bệnh nhân. Từ hang đá Lộ Đức và từ vô số đền thánh dâng kính Đức Mẹ trên thế giới, xin Mẹ nâng đỡ đức tin và đức cậy của chúng ta và giúp chúng ta chăm sóc cho tha nhân với tình yêu huynh đệ. Tôi chân thành bàn phép lành cho từng người và tất cả anh chị em.

Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, 20/12/2020,
Chúa Nhật thứ IV mùa Vọng
Phanxicô

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận