Suy Niệm Lễ Chúa Hiển Linh – Năm B

2262 lượt xem

SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH, NĂM B
( Nhiều tác giả)
Lời Chúa:
 Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Mục lục

  1. Lòng Thành Và Ơn Thánh– Giuse Đinh Tất Quý
  2. Lên ĐườngTgm Giuse Vũ Văn Thiên
  3. Vai Trò Của Ánh Sao Và Lời Chúa – Giuse Nguyễn Văn Hữu
  4. Cúi Mình XuốngLm. Giuse Nguyễn Hữu An
  5. Niềm Tin Một Chuyến Đi – Đtgm. Giuse Vũ Duy Thống

—————————-

1. LÒNG THÀNH VÀ ƠN THÁNH – Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh.

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe nói cho chúng ta biết khi Chúa Giêsu giáng sinh trong hang đá Belem thì có một ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời.

Hẳn là đã có nhiều nguời thấy ánh sao lạ đó, nhưng tại sao chỉ có mấy đạo sĩ đã nhận ra đó là “tín hiệu” loan báo Chúa Cứu thế giáng sinh.

Con trẻ sinh ở Bêlem hẳn nhiều ngườt đã thấy hoặc đã biết, nhưng sao chỉ có mấy đạo sĩ nhận ra rằng trẻ sơ sinh đó chính là Con Thiên Chúa làm nguời. Bởi thế họ quỳ xuống dâng lễ vật và thờ lạy. Tại sao thế?

Kẻ Thấy Người Không

Đứng trước cùng một sự kiện mà có kẻ thấy người không, kẻ tìm ra ý nghĩa người không. Vậy thì làm sao mà cắt nghĩa được sự khác biệt đó?

Nguyên nhân gây ra khác biệt là do một bên nhìn bằng con mắt thường một bên nhìn bằng đức tin. Bên nhìn bằng con mắt thường thì chỉ thấy những việc thông thường, còn bên nhìn bằng con mắt đức tin thì nhờ đức tin mà khám phá ra được thực chất và ý nghĩa ở bên trong.

 Một buổi trưa hè nóng bức, thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàn lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.

Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giơ thấy được.

Sự vật thay đổi diện mạo và ý nghĩa tùy theo cách nhìn và mức độ quan sát của mỗi người. Cùng một giọt máu nếu nhìn bằng mắt thường thì chỉ thấy màu đỏ, còn quan sát bằng kính hiển vi thì có thể đếm được hồng cầu và bạch cầu. Đức tin cũng giống như một thứ kính hiển vi. Nó giúp cho người ta thấy rõ hơn, lớn hơn, thật hơn. Bởi thế đức tin là một sự khám phá, một cái nhìn tinh tế theo chiều sâu, một thứ ánh sáng cực mạnh dọi vào sự vật giúp ta nhìn thấy tận bên trong. Chính vì các đạo sĩ có lòng tin nên đã nhận ra Con Thiên Chúa trong khi những người khác chỉ thấy một trẻ thơ.

Kinh Nghiệm Nội Giới

Vậy thì đức tin có phải là cái gì hoàn toàn chủ quan không? Người tin có phải chỉ là một người bị ám ảnh bởi một đối tượng do chính mình tưởng tượng ra?

Đức tin thật ra không hoàn toàn khách quan mà cũng không hoàn toàn chủ quan.

Không hoàn toàn khách quan vì những điều người tín hữu tin không thế cân, đoạng, đo, đếm được. Không thế chứng minh bằng lý luận như một bài toán hay một định luật khoa học, không thế viết thành công thức đưa vào máy điện toán để kiểm chứng. Tin là một xác tín cá nhân chỉ chắc chắn cho chính người tin.

Nhưng đức tin cũng không hoàn toàn chủ quan vì không phải chỉ có một người tin nhưng hằng bao nhiêu tỷ người thuộc các thế hệ cùng tin. Và những người tin này đều lành mạnh, tỉnh táo, sáng suốt, trong đó có biết bao nhiêu nhà bác học hàng đầu của thế giới. Ở thế kỷ XIX, trong số 432 nhà bác học lớn đã có tới 357 Kitô hữu.

Thực ra đức tin là một thứ kinh nghiệm nội giới độc đáo có tính riêng tư. Kinh nghiệm này, mình thấy rõ, thấy thật, mình cảm nghiệm được, nhưng hầu như không thế truyền đạt giải thích cho người khác, chỉ mình mình biết.

Trong lãnh vực tôn giáo, mỗi người phải cảm nghiệm cho mình bằng tâm hồn. Tự chúng, những thực tại tôn giáo không thế chứng minh được, lý lẽ nào cũng chỉ là gợi ý có tính thuyết phục tương đối. Vì thế mới cần đến chứng tá đời sống. Chính đời sống sẽ biện minh cho những gì không thế giải trình bằng lý luận.

Đức tin cũng giống như cảm hứng và cái nhìn của nghệ sĩ. Nghệ sĩ hơn người ở chỗ cảm thấy cái đẹp, nhìn thấy cái đẹp, nhận diện được cái đẹp ở những nơi, vào những lúc mà người thường chẳng thấy gì cả. Không thể nói người nghệ sĩ bịa đặt ra một cái gì thực ra không có, nhưng phải nhìn nhận rằng tâm hồn không có tính nghệ sĩ là tâm hồn thiếu nhạy bén. Người có đức tin giống nghệ sĩ ở chỗ tâm hồn cởi mở, nhạy cảm nên nắm bắt, lĩnh hội được cái vô hình. Tâm hồn người tín hữu bắt trúng tần số.

Toliver một nhà truyền giáo ở miền Tây Trung Hoa có lần gặp hai viên chức cao cấp đồng thời cũng là những Kitô hữu nhiệt thành. Một trong hai người kể rằng: trong một cuộc oanh kích, ông ta, bà vợ và đứa con gái nhỏ 6 tuổi không tìm được nơi trú ẩn, nên phải nấp dưới gầm bàn ăn. Bom nổ ngay bên, nên họ chỉ còn biết cúi đầu cầu nguyện. Khi qua cơn nguy biến, đứa bé nhìn lên thấy ảnh Chúa Giêsu, em nói:

– Ba ơi, Chúa Giêsu là nơi trú ẩn an toàn nhất, phải  không ba?

Lòng Thành Và Ơn Thánh               

Nhưng thử hỏi bởi đâu người có đức tin lại có một cái nhìn thấu suốt như vậy? Có điều kiện nào để con người có thể có được một đức tin trong sáng như thế hay không?

Thưa có. Đó là sự thành tâm thiện chí, sự ngay thật khiêm tốn trong tâm hồn. Thiếu những điều kiện đó đức tin khó có thể nảy sinh.

Tuy nhiên dầu có tất cả những điều đó cũng vẫn chưa đủ. Còn cần có tác động của Thiên Chúa trong tâm hồn. Nguồn mạch chính của đức tin là ơn Chúa. Đức tin trước hết là một hồng ân.

Chúng ta tin. Nhưng chính Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể tin. Chính Ngài mở lòng mở trí chúng ta để chúng ta thấy và hiểu. Đức tin là một cuộc hiển linh: Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta được thấy Ngài. Chính Ngài rọi ánh sáng vào lòng chúng ta và rọi ánh sáng trên mọi sự để chúng ta có thể thấy. Lời thánh vịnh 39 thật có ý nghĩa: Trong ánh sáng của Chúa chúng con nhìn thấy ánh sáng”. Mọi ánh sáng đều bắt ngưồn từ nơi Thiên Chúa.

Như vậy người tín hữu là người đã nhận được ánh sáng của Thiên Chúa và nhìn thấy mọi sự trong và nhờ ánh sáng của Thiên Chúa.

Cũng như các đạo sĩ, người tín hữu đã được Thiên Chúa mở lòng mở trí, đã bắt được ánh sáng của Thiên Chúa, đã được đưa vào thế giới mới của Ngài. Phải gọi ơn này là gì? Gọi là ơn trời biển thì cũng chưa nói được gì về cái phúc của mình. Hãy tri ân và đừng bao giờ coi thường phúc đó. Trái lại hãy sống trọn niềm tin của mình, thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống giống như các đạo sĩ. Sau khi khám phá ra Chúa, cuộc đời họ đã biến đổi hoàn toàn và cuộc sống của có thật nhiều niềm vui.

Ernest Gordon có viết một quyển sách tựa đề “Ngang qua thung lũng sông Kwai”, trong đó ông trích dẫn một mẩu chuyện có thật xảy ra tại một trại tù binh Nhật bổn dọc bờ sông Kwai trong thế chiến thứ hai. nơi đây 12 ngàn tù binh đã bị chết vì bệnh tật và bị đối xử tàn tệ trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa.

Đám đàn ông bị cưỡng bức lao động dưới cơn nóng đôi khi lên đến 49oC. Đầu trần, chân đất họ vác từng thúng đất đá trên vai để xây cho xong toàn bộ tuyến đường. Họ chỉ mặc mỗi manh áo rách và nằm ngủ trên mặt đất không chăn chiếu. Thế nhưng kẻ thù khủng khiếp nhất đối với họ không phải là đám lính Nhật hay cuộc sống gian khổ mà lại là chính bản thân họ.

Theo lời kể của Gordon, vì quá sợ tụi lính Nhật, nên đám tù nhân đã bị mắc chứng hoang tưởng. Họ lấy luật rừng cư xử với nhau. Đám lính gác cười nhạo khi nhìn thấy những người lính từng kiêu hãnh biết bao giờ đây đang phá hoại lẫn nhau.

Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra. Hai tù nhân nọ tổ chức cho các bạn tù thành lập những nhóm học hỏi Thánh kinh. Và qua việc học hỏi Thánh Kinh, dần dà đám tù nhân khám phá ra Chúa Giêsu đang sống d0ộng giữa họ, vì Ngài đã từng không có chỗ gác đầu vào ban đêm, Ngài đã từng chịu đói khát, Ngài từng bị phản bội, từng nếm roi vọt trên lưng như họ.

Thế là tất cả những gì liên quan đến Chúa Giêsu, về con người của Ngài, về những gì Ngài nói, những gì Ngài làm bắt đầu mang đầy ý nghĩa và trở nên sống động đối với họ. Đám tù không còn cho rằng họ là những nạn nhân của một tấm bi kịch độc ác nữa; họ không còn chỉ điểm, không còn phá hoại lẫn nhau nữa. Họ biểu lộ sự hoán cải rõ rệt nhất trong những lời cầu nguyện. Họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau nhiều hơn cho chính mình, nếu có xin gì cho riêng mình thì họ chỉ xin được nới lỏng tự do để đến bên nhau. Dần dà, cả trại đã được biến đổi, đến nỗi không phải chỉ đám lính Nhật mà cả các tù binh ấy cũng phải ngạc nhiên.

2. LÊN ĐƯỜNG – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Trong lịch sử Cứu độ, có những biến cố xảy đến, thường được coi là ngẫu nhiên, nhưng thực ra là do Chúa Quan phòng định liệu, hầu cho lời ngôn sứ từ ngàn xưa được ứng nghiệm. Con người được cộng tác để làm cho chương trình Cứu độ yêu thương của Chúa thành hiện thực. Và như thế, cần có những cuộc lên đường.

Trước hết, đó là cuộc lên đường của cặp vợ chồng trẻ, là ông Giuse và bà Maria. Ông Giuse quê ở Belem, miền Nam, nhưng lại đang sinh sống ở Nagiarét, miền Bắc. Trong khi đó, lời ngôn sứ lại tiên báo Đấng Cứu thế sẽ sinh tại Belem. Đấng Quan phòng đã soi sáng và thúc đẩy cho hoàng đế Augustô khởi xướng một cuộc tổng điều tra dân số, để rồi, ai quê hương ở đâu thì phải về đó để làm sổ kiểm tra. Để thi hành bổn phận người công dân, ông bà phải lên đường về thành của vua Đavít. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ về nơi sinh của Đấng Cứu thế. Khi lên đường, ông bà đã phải chấp nhận nhiều hệ luỵ, vì bà Maria đang mang thai gần đến ngày sinh. Hơn nữa, thân phận nghèo nàn không thể có phương tiện hoặc những tiện nghi cho việc lưu trú. Con Thiên Chúa đã chấp nhận cảnh nghèo nàn này, và đã sinh hạ tại nơi làm trú ngụ cho chiên bò vào ban đêm.

Đó cũng là cuộc lên đường của các mục đồng tại Belem. Họ là những người dân quê nghèo nàn chất phác. Tin Mừng Giáng sinh đã được loan báo cho họ trước hết, không phải do con người, mà do chính các sứ thần. Họ đã tin ngay rằng Chúa đã nói với họ. Những mục đồng bảo nhau: “Chúng ta hãy sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã cho chúng ta biết”. Họ đã hối hả lên đường, theo chỉ dẫn của các thiên sứ. Họ là những người đầu tiên chứng kiến Hài Nhi mới sinh. Những người đơn sơ này sẵn sàng bỏ lại chiên bò, chấp nhận nhiều hệ luỵ có thể sẽ bị kẻ gian đánh cắp, để đến thờ lạy Đấng Cứu độ mới sinh.

Đó còn là cuộc lên đường của các nhà đạo sĩ. Cũng có bản văn gọi họ là những nhà chiêm tinh. Truyền trống vẫn cho là họ có ba người, nhưng Thánh Mátthêu chỉ ghi là “có mấy người chiêm tinh”. Chuyên môn nghề nghiệp của họ là quan sát các vì sao để đoán vận mạng thế giới. Các ông đã thấy ngôi sao lạ xuất hiện ở phương Đông và đã lên đường. Chúng ta không biết hành trình của các ông mất bao nhiêu thời gian và vượt qua bao nhiêu cây số, nhưng chắc chắn đó là một hành trình dài. Có lúc các ông không còn thấy ngôi sao nữa, nhưng không vì thế mà các ông nản lòng. Việc dừng chân khảo sát tại Giêrusalem của các ông đã làm cho cả thành xôn xao, và làm cho vua Hêrôđê bối rối. Ông bối rối và nghi ngờ, ghen tỵ vì nghĩ rằng vị vua mới sinh sẽ đoạt ngai vàng của mình. Hành trình gian nan vất vả của các nhà chiêm tinh đã được thưởng công. Cuối cùng, các ông cũng tới được Belem để thờ lạy Hài Nhi mới sinh, dâng lên Người những lễ vật mang tính biểu tượng của văn hoá đông phương: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Cũng nên nhắc tới một cuộc lên đường khác, đó là cuộc lên đường của quân lính theo lệnh của ông vua gian ác đến sát hại các hài nhi mới sinh ở Belem và vùng phụ cận. Cuộc lên đường này đằng đằng sắt khí, được thúc đẩy do sự ghen tương và thù hận. Hệ luỵ của cuộc tàn sát này thật ghê rợn: bao trẻ thơ vô tội đã bị giết tang thương. Các em đã chết vì Chúa Giêsu.

Những cuộc lên đường nhắc tới trên đây đều hướng về một nhân vật: đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, Đấng Emmanuel. Người là Vua các vua và là Chúa các chúa. Lễ Hiển linh giới thiệu với chúng ta Đức Giêsu là Đấng Cứu độ và là Ánh sáng muôn dân. Ba nhà chiêm tinh đại diện cho thế giới ngoài Do Thái giáo, cũng gọi là dân ngoại. Ngôn sứ Isaia được chiêm ngưỡng thành thánh Giêrusalem tỏa sáng đến khắp cùng thế giới. Mọi nguồn sung mãn đều quy hướng về đây. Thành thánh Giêrusalem là hình ảnh của Giáo Hội. Vì nhận từ Chúa Giêsu sứ mạng thánh hoá con người, Giáo Hội trở nên Ánh Sáng Muôn Dân, không phải nhằm mục đích quy hướng về chính mình, nhưng là để chiếu soi và dẫn đường cho nhân loại đến gặp Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô, Giáo Hội quy tụ mọi dân tộc, để “nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô” (Bài đọc II).

Mừng lễ Giáng sinh, mỗi chúng ta cũng được mời gọi lên đường. Như các mục đồng, chúng ta lên đường để chiêm ngắm Chúa Hài Đồng để rồi sau đó trở về vui mừng kể lại cho những người xung quanh câu chuyện Chúa Giêsu. Như các nhà chiêm tinh, chúng ta lên đường thờ lạy Vua các vua, tôn vinh Người là Đấng Cứu độ và là Đấng đang sống giữa chúng ta. Cầu nguyện bên hang đá máng cỏ trong những ngày cuối mùa Giáng sinh, xin Chúa Hài Đồng ban cho chúng ta nghị lực kiên cường, để vững vàng trông cậy Chúa trong mọi hoàn cảnh, kể cả những lúc gian nan thử thách. Chúa sẽ thưởng công xứng đáng cho những ai trung tín với Ngài.

3. VAI TRÒ CỦA ÁNH SAO VÀ LỜI CHÚA Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu

Tin mừng hôm nay cho ta thấy có hai sự chỉ dẫn giúp ba vua- đại diện cho dân ngoại- tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Độ muôn dân. Đó là ánh sao (dấu chỉ tự nhiên) và Lời Chúa (dấu chỉ siêu nhiên).

Ánh sao, dấu chỉ tự nhiên

Vào đêm Chúa Giáng Sinh bầu trời Belem lấp lánh ánh sao lạ và rộn ràng thiên thần ca hát. Nhưng chẳng có ai hay ai biết. Chỉ có mấy mục đồng nhận được sứ điệp của thiên thần. Chỉ có mấy nhà đạo sĩ- ba vua- ngoại giáo nhận ra ánh sao lạ.

Khi nhận ra ánh sao lạ báo hiệu Đấng Cứu Thế ra đời, các đạo sĩ vui mừng lên đường tìm kiếm. Dõi theo ánh sao, các đạo sĩ tìm đến Giêrusalem, trung tâm chính trị, văn hoá và tôn giáo của Israel, dân riêng Thiên Chúa.

Đến Giêrusalem, ánh sao biến mất, khiến các đạo sĩ phải hỏi thăm tin tức về nơi chốn vị “Vua dân Dothái vừa mới sinh.”

Kinh Thánh, Lời Chúa, mạc khải siêu nhiên

Nhận được câu hỏi của các đạo sĩ về nơi chốn vị “Vua dân Dothái vừa mới sinh”, vua quan và dân chúng kinh thành Giêrusalem bối rối xôn xao. Nhờ vào Thánh Kinh họ đã đưa ra câu trả lời cho ba vua về nơi chốn của vị Vua mừa mới giáng sinh, đó là Belem.

Nhờ sự chỉ dẫn của Kinh Thánh – Lời Chúa, các đạo sĩ biết được chính xác nơi chốn Hài Nhi Giêsu giáng sinh, họ lại tiếp tục lên đường tìm kiếm Ngài. Ra khỏi thành Giêrusalem, các đạo sĩ lại nhận thấy ánh sao lạ tiếp tục chiếu sáng và soi dẫn họ tìm đến gặp Hài Nhi Giêsu.

Gặp được Vua dân Dothái mới sinh chính là Hài Nhi Giêsu mà họ đang kiếm tìm, các đạo sĩ liền qùi gối thờ lạy, dâng lễ vật để tỏ lòng thành kính

Sống Tin mừng

Từ những điểm trên, ta nhận thấy vai trò của mạc khải tự nhiên trong việc giúp con người tìm kiếm Thiên Chúa như Thánh vịnh 18 viết: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm…

Quả thật, khi nhìn ngắm trời đất muôn loài muôn vật, con người có thể nhận ra Thiên Chúa là tác giả.

Dấu chỉ tự nhiên trong trời đất cần thiết để thúc đẩy con người hăng say kiếm tìm, khám phá chân lý. Tuy nhiên tự nó không đủ để dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa hằng sống, cần phải có sự trợ giúp của mặc khải siêu nhiên là Lời Thiên Chúa, được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, thì con người mới chắc chắn tìm gặp được Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại.

Để giúp cho nhân loại đón nhận Đấng Cứu Độ và những chân lý mạc khải siêu nhiên, Thiên Chúa đã chọn gọi dân Israel là dân riêng. Nói khác đi, dân Israel như là một khí cụ Thiên Chúa dùng để đón nhận và trao ban Đấng Cứu Độ cho muôn dân. Vì thế muôn dân muôn nước sẽ phải đến với dân Israel như lời tiên tri Isaia loan báo (Is 60,1- 6).

Ngày nay vai trò của dân Isarael đã bị Giáo Hội thế chỗ. Giáo Hội là dân Israel mới, được Đức Giêsu tuyển chọn và thành lập trên nền tảng 12 thánh Tông đồ theo thánh ý Chúa Cha với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 Cũng như và còn hơn dân Israel xưa, Giáo Hội có vai trò đón nhận, gìn giữ, trình bày, giải thích kho tàng mạc khải siêu nhiên cách nguyên tuyền và đúng đắn cho nhân loại, để chỉ cho nhân loại con đường chắc chắn dẫn đưa tới Thiên Chúa và sự sống đời đời. Vì thế:

– Chúng ta phải luôn vâng lời Giáo Hội và góp sức mình vào việc xây dựng và phát triển Giáo Hội ngay tại địa phương, môi trường sống của mình, để Giáo Hội, giáo xứ giáo họ chúng ta như là ‘ánh sao’ và là một địa chỉ đáng tin cậy, giúp người ta tìm đến với Chúa. Đừng bao giờ coi thường và chống phá Giáo Hội, gây gương mù gương xấu, làm cho người ngoại giáo không còn coi Giáo Hôi, giáo xứ giáo họ là địa chỉ đáng tin cậy giúp họ tìm đến với Chúa nữa.

– “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (T. Giê-rô-ni-mô). Cho nên chúng ta phải năng đọc và suy gẫm Thánh Kinh, tích cực học hỏi sâu rộng về giáo lý đức tin và văn hoá trong đời sống hàng ngày, để đời chúng ta “luôn chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời và sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta” như là dân Israel xưa đã trả lời cho ba nhà đạo sĩ.

Kinh không thuộc, giáo lý không biết, Lời Chúa không đọc không học, thì làm sao trả lời cho bất cứ ai tra hỏi chúng ta về lẽ đạo! Không trả lời được về lẽ Đạo, không dẫn đưa người khác đến với Chúa, thì đời chúng ta lúc ấy thay vì chiếu sáng lại trở nên tối tăm! Thay vì làm sáng danh Chúa lại làm ô danh Chúa!

Lạy Chúa, hôm nay Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Nhờ ánh sao lạ và nhờ ánh sáng Lời Chúa, ba vua, đại diện cho dân ngoại tìm đến với Chúa là nguồn cội sự sống và bến bờ hạnh phúc.

Xin cho mỗi người chúng con, gia đình chúng con, giáo xứ chúng con như là một ánh sao dẫn đưa người lương dân tìm đến với Chúa. 

Xin cho mỗi người chúng con nhất là các bạn trẻ tích cực học hỏi sâu rộng về giáo lý đức tin và văn hoá, để chúng con sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của chúng con cũng như sẵn sàng hướng dẫn cho ai khao khát tìm kiếm Chúa. Amen.

4. CÚI MÌNH XUỐNG – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Hành hương Đất Thánh, khi đến Bêlem thăm Vương cung Thánh đường Giáng sinh, ai cũng trầm trồ và ngạc nhiên.

Thánh đường nguy nga đồ sộ nhưng cửa chính lại rất thấp và hẹp, chiều cao chừng 1mét, chiều rộng chừng 80 phân nên chỉ đủ chỗ cho một người “chui” vào. Có lẽ khi xây dựng, tác giả muốn nói đến ý nghĩa tâm linh. Muốn bước vào bên trong thánh đường nơi chúa giáng sinh, thì dù là ai đi nữa, thuộc màu da, chủng tộc, tôn giáo nào, dù là đấng bậc nào trong xã hội, tất cả đều phải cúi mình xuống thấp mà đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường, cúi mình để thờ lạy thiên chúa.

Thiên chúa làm người, làm một hài nhi nằm trong máng cỏ.thiên chúa hạ mình và ngài thật gần gũi con người.

Lễ giáng sinh, thiên chúa tỏ mình cho dân do-thái.từ nay, con người có thể gặp thiên chúa không chỉ trong đền thờ giêrusalem mà còn nơi máng cỏ nghèo hèn. Từ nay gặp gỡ thiên chúa không chỉ dành riêng cho tư tế mà còn cho những người bình thường như các mục đồng.

Lễ hiển linh, thiên chúa tỏ mình cho dân ngoại.gặp gỡ thiên chúa không dành riêng cho dân tuyển chọn nhưng còn cho các đạo sĩ, những người từ phương đông, những người không thuộc dân riêng của thiên chúa.

Như vậy, lễ hiển linh là lễ giáng sinh trọn vẹn, thiên chúa đến với con người, đến với tất cả mọi người.

Gaspar, melchior và balthasar là ba nhà đạo sĩ nổi tiếng ở đông phương được mệnh danh là con của các vì sao sáng, huyền phái của khoa học vũ trụ. Họ đã theo ngôi sao lạ đến bê-lem, xứ giu-đê để thờ lạy đấng cứu thế. Họ đã dâng cho hài nhi vàng, nhũ hương và mộc dược.

“thấy” và “đến” là hai động từ diễn tả cuộc hành trình của ba nhà đạo sĩ. “thấy ngôi sao”, hành vi không chỉ đơn thuần là những xung động của giác quan mà còn bao hàm cả một quá trình suy tư, phân định để đi tới nhận thức: đây chính là “ngôi sao của ngài”. Lời trần tình của các nhà đạo sĩ “chúng tôi thấy” và “chúng tôi đến”- nghe thật giản đơn và dễ dàng; thế nhưng, trong thực tế, họ đã phải trải qua biết bao gian nan, nguy hiểm, có lúc đã tưởng chừng như tuyệt vọng, mới có thể “đến để thờ lạy” vị vua mới sinh này.

Chúng ta cùng dừng lại nơi hang đá bê-lem có hài nhi giêsu để suy niệm về sự lạ lùng của cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa các mục đồng, các đạo sĩ với đấng cứu thế. Chỉ có các mục đồng, các đạo sĩ tìm gặp được chúa. Có các thiên thần, có một ngôi sao rực rỡ trong ánh sáng thần linh chiếu sáng cho họ. Đức cha fulton sheen, nhà giảng thuyết lừng danh đã gọi họ những người đơn sơ và những người thông thái.

Khi các mục đồng canh giữ chiên ở ngọn đồi bê-lem, họ bỡ ngỡ vì vẻ đẹp của thiên thần: anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: hôm nay, một đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua đa-vít, người là đấng kitô đức chúa (lc 2, 10-12). Còn các đạo sĩ ở bên kia xứ ma-đi-an và ba-tư nghiên cứu bầu trời đã thấy một ngôi sao chiếu sáng như chiếc đèn của nhà tạm vũ trụ, điện thờ của thiên chúa. Họ theo ánh sao tìm đến hang đá tìm gặp hài nhi.

Như những cánh bướm bị thu hút bởi ngọn lửa, các mục đồng và các đạo sĩ tiến đến ngai vàng chỉ là một hang đá, đến với thiên chúa chỉ là một hài nhi. Thiên chúa hài nhi ngước nhìn từ máng cỏ chỉ thấy hai hạng người tìm gặp ngài và chỉ duy họ tìm gặp ngài cho đến tận cùng thời gian. Đó là các mục đồng và các đạo sĩ, những người đơn sơ và những người thông thái.

Các mục đồng là những người đơn sơ. Họ chẳng biết gì tới chính trị, văn chương, nghệ thuật. Họ chỉ biết hai điều quan trong là thiên chúa ở trên họ và họ ở giữa đoàn chiên. Đêm hôm đó bầu trời rộng mở để loan báo tin mừng. Thiên thần cho biết đấng họ nóng lòng chờ đợi vừa sinh ra trong hang đá bê-lem nhỏ bé. Họ đã tìm và gặp đấng chăn chiên của họ.

Các đạo sĩ tìm gặp đấng cứu thế là những người thông thái. Họ không là những vua chúa. Họ không phải là những người nghiên cứu nông cạn mà là những bậc thầy hoàng vương, những nhà tinh thông về vũ trụ và họ đã khám phá ra một ngôi sao lạ. Đối với khoa học và tôn giáo họ được liệt vào hàng đầu trong nước của họ. Các vua chúa bàn hỏi với họ trước khi xuất chinh. Các nông dân hỏi ý kiến họ trước khi trồng tỉa. Hàng ngàn người đã thấy ngôi sao, nhưng sự uyên bác của ba đạo sĩ làm cho họ lên đường khám phá.

Chính nhà bác học newton đã thốt lên khi quan sát vũ trụ: tôi thấy thiên chúa đi qua kính viễn vọng của tôi. Đối với kẻ kiêu ngạo, tự phụ, ngôi sao chỉ là ngôi sao, nhưng đối với người thông thái đó là một dấu chỉ thời đại, một tác phẩm của thiên chúa. Thế nên các đạo sĩ đã đi theo ánh sáng ngôi sao với bao gian lao, đầy mạo hiểm. Đến nơi, mặc phẩm phục và quỳ trên nệm rơm, các đạo sĩ chiêm ngắm một trẻ sơ sinh chưa thể hỏi han hay đối đáp được điều gì. Họ tiến dâng ngài tặng phẩm và tâm hồn để chứng tỏ sự thần phục của thế gian. Tặng phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vàng, vì hài nhi sẽ là vua. Nhũ hương, vì ngài sẽ là tư tế. Mộc dược, vì ngài sẽ chết như mọi người. Các đạo sĩ đã tìm gặp được đấng khôn ngoan.

Chỉ có các mục đồng và các đạo sĩ đã tìm gặp được đấng cứu thế. Trong khi đó các người nổi nang trong đạo do thái không gặp được ngài. Bởi lẽ: “các luật sĩ chỉ thao thức về lề luật. Các thượng tế chỉ nhạy bén về đền thờ. Các kỳ lão chỉ lo lắng về truyền thống. Hêrôđê cũng là con người tìm tòi, ông đã cặn kẽ điều tra nơi hài nhi ở, không phải để đến thờ lạy mà tìm cách hủy diệt. Loại người nào cũng tự mãn trong những cơ chế phức tạp cứng nhắc” (đức cha bùi tuần).

Thời nay cũng thế, đầy dẫy những triết gia, những nhà khoa học, những người vô thần theo thuyết bất khả tri… nhưng không ai trong họ đã nhìn thấy một thiên thần hay ánh sáng một ngôi sao. Dòng dõi của những hê-rô-đê kiêu ngạo cho tới thời nay đã không tìm thấy thiên chúa vì họ muốn dùng lý trí để nắm bắt siêu việt. Họ quá phức tạp nên không hiểu lời xác quyết đơn sơ của các mục đồng, quá đầy kiến thức khoa học để lãnh hội chân lý do các đạo sĩ đem đến. Dòng dõi này che đậy tính kiêu ngạo và đi tới chỗ coi giáo hội là một thể chế đã lỗi thời cần loại bỏ.

Điều kiện tiên quyết để gặp được thiên chúa, đó là lòng khiêm nhường, chung cho cả người đơn sơ lẫn người thông thái. Những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng mới gặp được thiên chúa bởi họ ý thức mình không biết gì cả. Những người thông thái đích thực như các đạo sĩ gặp được thiên chúa bởi vì họ ý thức mình không biết gì cả.

Chúa giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng. Ngài đã giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường. Các mục đồng và các đạo sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Khi làm như vậy, họ thấy mình ở trong hang đá. Tại đó, một người nữ diễm lệ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng và đôi tay ẵm lấy hài nhi, đấng dùng những ngón tay bé nhỏ của mình nâng đỡ trái đất. Khi các mục đồng và các đạo sĩ quỳ gối, có lẽ các đạo sĩ ghen với các mục đồng vì con đường của các mục đồng ngắn hơn, họ tìm thấy sự khôn ngoan là chính thiên chúa mau hơn.

Các thượng tế, các kinh sư thông hiểu thánh kinh, họ cắt nghĩa cho hê-rô-đê rất hay nhưng họ vẫn ngồi yên tại chỗ. Họ tìm đấng thiên sai trong thánh kinh, nhưng không nhận ra người trong thực tế vì người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ. Những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng, những tâm hồn cởi mở khao khát chân lý như các đạo sĩ lại được hạnh phúc nhận biết người.

Thiên chúa vẫn tiếp tục tỏ mình cho thế giới qua các dấu chỉ tự nhiên của trời đất, của lịch sử, qua thánh kinh, qua giáo hội, qua các bí tích, qua cuộc sống hàng ngày. Để gặp ngài, chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Nhờ sự gặp gỡ này, mỗi người sẽ trở nên ánh sao dẫn lối cho nhiều người nhận biết và yêu mến chúa.

Lễ hiển linh cho thấy niềm vui lớn lao của giáo hội sơ khai khi thấy dân ngoại sẵn sàng đón nhận tin mừng qua ánh sao, qua lời rao giảng của các tông đồ, của những người làm chứng. Lời nói của các vị đạo sĩ gợi lên cho chúng ta một trách nhiệm: “chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của người ở phương đông và chúng tôi đến để triều bái người“(mt 2,2). Trách nhiệm ở đây chính là kitô hữu có trở nên là ngôi sao sáng cho thế giới hôm nay chưa? Nếu xưa kia, chúa dùng ngôi sao để dẫn đường cho những người thiện tâm biết đến thờ lạy chúa thì ngày nay, không thiếu gì người đến được với chúa là nhờ những ngôi sao sống động của các kitô hữu. Đời sống, gương lành, nhân đức của các kitô hữu làm cho họ trở nên những ngôi sao sáng. Ánh sáng đó tỏa ra qua những công việc hằng ngày, nhờ vậy người ta nhận biết thiên chúa hiện diện trong các kitô hữu.

Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi bản thân nó có ánh sáng. Người kitô hữu cũng chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của mình có ánh sáng, phản chiếu ánh sáng đón nhận từ ơn chúa ban và từ việc thực hành lời chúa trong đời sống hàng ngày.

5. NIỀM TIN MỘT CHUYẾN ĐI-  ĐTGM. Giuse Vũ Duy Thống 

Phúc Âm hôm nay rất sống động. Cứ như cuốn phim mô tả cuộc hành trình đầy kịch tính của những khách lạ phương xa: từ ngạc nhiên khám phá ngôi sao lạ, qua xáo động tại Giêrusalem, tới Bêlem nghiêng mình thờ kính, rồi dắt díu nhau lặng lẽ tìm đường khác về nhà. Cứ như xô đẩy nhau xuất hiện trên màn ảnh những cuộc đối đầu càng lúc càng thêm căng thẳng: giữa chính diện và phản diện, giữa lo sợ của bên này và thanh thản của bên kia, giữa tìm gặp hướng tới và lạc mất nẻo đi. Cứ như í ới cơ man nào là tiếng nhỏ to bàn bạc chen lẫn tiếng ồn ào bàn tán của những kẻ bị xem là xa nhưng lại biết bàn vào và của những người được coi là gần nhưng chỉ biết bàn ra.

Nhưng giữa những chi tiết tưởng như bất ngờ trên hành trình rất dài và rất xa ấy, người ta thấy lấp lánh hình ảnh của niềm tin như một chuyến đi với những đặc tính tiêu biểu:

*1) Niềm tin: một chuyến đi biết tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa.

Những vai chính trong cuộc hành trình tìm tới Bêlem “triều bái Vua dân Do Thái mới sinh” được truyền thống giới thiệu bằng nhiều kiểu nói khác nhau, lúc thì gọi là Vua, lúc khác là Đạo sĩ hoặc Chiêm tinh gia. Gọi sao cũng được: Vua vì những của lễ tiến dâng, Đạo sĩ vì hành trình tìm kiếm, Chiêm tinh gia vì nhìn thấy ngôi sao và dựa vào ánh sao mà xác định lối đường. Chỉ biết họ là những người thiện chí kiếm tìm chân lý và vận dụng tốt những phương tiện đang có để tìm gặp chân lý bằng cách lên đường không mỏi mệt.

Khởi điểm cuộc hành trình là một ánh sao lạ xuất hiện phía trời Đông, tượng trưng cho ơn thánh dẫn khởi từ Thiên Chúa, để ai biết tiếp nhận, sẽ trở nên ánh sáng soi đường. Nhìn thấy ánh sao hằng hà sa số trên bầu trời đêm là một điều bình thường ai cũng có thể làm được, nhưng nhận thấy giữa muôn vàn lấp lánh ấy chỉ một ánh sao lạ thôi lại là chuyện chẳng bình thường chút nào, nếu không muốn nói là do tổng hợp giữa kiếm tìm và gặp gỡ, hay đúng ra giữa ơn Trời ban và lòng người biết mở ra tiếp nhận.

Tương tự, niềm tin trước hết là hồng ân đến từ tình thương Thiên Chúa dành cho hết mọi người, nhưng chỉ những ai biết tiếp nhận với tâm thành chí thiện, họ mới có thể có được niềm tin vào Chúa để sẵn sàng khăn gói lên đường khởi sự chuyến đi. Ra khỏi nếp nghĩ thường ngày để tiếp nhận ý Chúa, ra khỏi thói quen khô cứng lâu đời do cha ông truyền lại để mạo hiểm một phen bước theo ánh sáng trời cao, ra khỏi những tiện nghi đủ đầy dậm chân tại chỗ để cơm mắm cơm muối gieo bước lữ hành.

*2) Niềm tin: một chuyến đi biết chấp nhận những thử thách

Là hồng ân Chúa ban, nhưng đức tin cũng còn là nỗ lực đóng góp không ngơi nghỉ của con người, để vượt qua những thử thách và kinh qua những thử luyện được xem là những thách đố trong chiều dài cuộc sống. Đây không chỉ là chuyện “thức lâu mới biết đêm dài” để con người chứng minh sức bền tin tưởng tháng năm, mà còn là chuyện “lửa thử vàng gian nan thử đức” trong những lúc Thiên Chúa xem ra ẩn mặt và hồng ân xem ra vắng bóng, như lúc “ba Vua toan mất hướng, ánh sao bỗng vụt lặn”. Đấy là chưa kể đến những lúc phải đối diện với âm mưu chủ ý của những người đồng đạo, cũng tin Chúa nhưng không thành tâm, thậm chí còn gài bẫy ngọt ngào giả nhân giả nghĩa như Hêrôđê; hay cũng biết cách quy chiếu Thánh Kinh nhưng không để tìm ra lối sống ngay chính, trái lại, chỉ lợi dụng để toa rập lừa gạt phỉnh phờ người khác như một số thượng tế và kinh sư trong dân.

Đêm Noel Chúa sinh ra đem xuống niềm vui, nhưng thành phố nào đó của Iran chẳng những không có niềm vui mà còn phải chịu động đất làm chết nửa thành phố. Chúa như vắng mặt. Thử thách. Đêm Noel thiên thần hát khúc bình an mà tại Bêlem chính nơi Chúa sinh ra hôm nay vẫn còn chiến tranh, chết chóc. Chúa như vắng mặt. Se lòng.

Thử thách đối với đức tin như gió đối với lửa: gió thổi tắt lửa yếu, nhưng làm bừng lên lửa sáng. Vấn đề là cần biết can đảm và bền chí. Những thử thách trong cuộc sống niềm tin không phải là dấu hiệu Thiên Chúa bỏ rơi con người, mà là những cơ hội để con người chứng minh phẩm chất niềm tin. Niềm tin không thử thách: niềm tin dễ dàng; niềm tin thất bại trước thử thách: niềm tin dễ dãi; niềm tin chấp nhận thử thách mới là niềm tin đích thực cho dẫu nhiều khi chẳng dễ chịu chút nào.

*3) Niềm tin: chuyến đi biết đón nhận đồng hành

Không phải vô tình mà lễ Hiển Linh vẫn được truyền thống gọi là lễ Ba Vua, có nơi kể tên các vị đến hàng chục (theo kiểu đồng bằng sông Cửu Long thì còn có cả chục 12, chục 16 cơ đấy), nhưng chừng như hữu ý cho thấy niềm tin không phải là cuộc đơn hành mà là một chuyến đi biết đón nhận đồng hành, không chỉ vì lý do “càng đông càng vui” mà vì giới luật yêu thương là biểu hiện rõ nhất của đức tin cũng là cách cụ thể sống động nhất để diễn đạt đức tin. Con người thời nào cũng thế, không thích bị chinh phục bởi giáo điều nhưng lại tự nguyện buông mình chịu khuất phục vì gương sáng đức tin. Nhớ lại ở Thăng Long thuở hạt giống Tin Mừng mới được gieo vào thửa đất Việt Nam, tín hữu thương nhau quá trời đến nỗi người ngoài đời đã gọi tín hữu là những người theo “Đạo yêu nhau”, tức là những người cùng đi với nhau trên nẻo sáng yêu thương.

“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, tín hữu đồng hành bên nhau còn để nâng đỡ nhau, nhất là trong cơn nguy biến như Ba Vua gặp Chúa tại Hang đá rồi, phải dìu nhau lên con đường khác để tránh âm mưu đen tối của Hêrôđê. Ngoài miệng thì bảo là đi triều bái, còn trong hành động lại làm điều trái, tàn sát thê lương, “giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh”. Con đường khác ấy sẽ mới hơn, lạ hơn và cũng có thể sẽ gặp rủi ro nhiều hơn, nhưng đã có bạn bè thân quen bên cạnh đồng hành, nên cứ an lòng nương tựa vào nhau mà dấn bước.

Giống như Kinh Tin Kính, dẫu tín hữu tuyên xưng mang tính bản thân cá nhân “Tôi tin”, nhưng không là đơn độc một mình giữa nhà thờ trống vắng mà là giữa cộng đoàn Phụng Vụ một ngày lễ trọng, nên bỗng lấp lánh như thể đồng thanh tuyên tín “Chúng tôi tin”. Tôi và chúng ta chỉ là những cách biểu lộ khác nhau của cùng một niềm tin đón nhận đồng hành.

Tóm lại, dựa vào hành trình của những vai chính ngày lễ Hiển Linh để phác vẽ niềm tin như một chuyến đi biết tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa, biết chấp nhận thử thách và biết đón nhận đồng hành là cùng lúc tích cực hòa mình vào biến cố Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Nếu Chúa luôn có cách tỏ mình của Ngài thì tín hữu cũng cần lên đường đúng cách Chúa tỏ ra cho mình biết. Như thế niềm tin mới là chuyến đi đẹp lên ý nghĩa kiếm tìm và gặp gỡ. Và đó cũng là những hình ảnh sinh động mang tính hiển linh của kẻ tin trước mắt người đồng thời, giống như hình ảnh của những vai chính trong chuyến đi hôm nay: ở bước truy tìm họ được mệnh danh là Chiêm tinh gia, khi đã bước lên đường họ được gọi là Đạo sĩ và khi tới đích với lễ dâng thành kính họ được xưng tụng là Ba Vua.

Sưu tầm

Có thể bạn quan tâm