Tạo sức đề kháng tâm lý và thiêng liêng giữa đại dịch

1317 lượt xem

Trong đại dịch virus corona, một mặt chúng ta không được phép dửng dưng và thờ ơ trước những đau khổ mà các anh chị em bị nhiễm bệnh đang gặp phải, đồng thời phải biết nhắc nhở nhau tuân thủ các lời khuyên và các chỉ thị phòng tránh dịch bệnh. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải có trách nhiệm chung trong việc tạo ra một bầu khí lạc quan và tin cậy hơn cho cộng đồng.

Dù muốn dù không, chúng ta không thể không nhắc đến đại dịch Corona trong thời gian này. Thông tin về nó chắc hẳn chiếm vị trí hàng đầu trong ý thức của mỗi người. Có lẽ mỗi người hiện nay đều có thể cảm nhận được rằng cả thế giới đang rơi vào một bầu không khí đau thương, hoang mang và bi quan. Trong bầu khí này, điều an ủi là chúng ta nhận thấy tình liên đới được thể hiện mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sự cảm thông và xót xa cho những con người ở các vùng nóng của dịch bệnh. Có lẽ không có mấy dịp mà cả nhân loại gần nhau, thấy gắn chặt số phận với nhau như vậy, dù chúng ta phải giữ khoảng cách về mặt thể lý. Đó là tinh thần thật quý giá, vì trong tư cách là con người, chúng có trách nhiệm phải mở lòng và gắn kết cách đặc biệt với những người anh chị em đang bị những con virus quái ác tấn công. Vì vậy, tâm tình cảm thương dành cho họ là điều tối thiểu mà mỗi người cần có.

Tuy nhiên, chúng ta đồng thời cũng phải liên đới với những người còn mạnh khoẻ và với tương lai của cả nhân loại nữa! Vì vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi và nhận định về bầu khí ảm đạm hiện tại. Lý do vì, xét như một dạng khủng hoảng cộng đồng, việc đương đầu với dịch bệnh không chỉ là cuộc chiến ở phương diện ‘bản đồ lây lan’ và tiến bộ y khoa, mà song song với nó là cuộc chiến về sức khoẻ tâm lý – thiêng liêng nói riêng, hay tinh thần nói chung, của cả xã hội. Nói cách khác, chúng ta không chỉ cần xây dựng sức đề kháng thể lý, mà còn cần có ‘sức đề kháng tâm lý và thiêng liêng của cộng đồng’. Sức đề kháng này không kém quan trọng so với sức đề kháng thể lý, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, vì nó ảnh hưởng lên cả sức đề kháng thể lý. Thực vậy, khi tinh thần giảm sút, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng ‘ăn không ngon, ngủ không yên’; ngoài ra, nó cũng triệt tiêu năng lượng sáng tạo, vốn là một yếu tố rất cần thiết trong mọi hoàn cảnh khó khăn.

Xét theo tình trạng hiện tại, ngoài bầu khí bi thương và hoang mang, sự lo âu cũng đang bao trùm nhiều nơi, đặc biệt là với những ai có người thân thích đang ở vùng nóng của dịch bệnh. Hơn nữa, nhiều người đang bị stress, một phần vì sợ bị bệnh, một phần vì mất công ăn việc làm. Hoàn cảnh này là một điều kiện rất bất lợi khi đương đầu với dịch bệnh. Do vậy, vấn đề là làm thế nào để có được một ‘sức đề kháng tâm lý và tinh thần của cộng đồng’ đủ mạnh mà không đánh mất tinh thần cảnh giác và tình liên đới với các nạn nhân hiện tại?

Chính vì thế, một mặt chúng ta không được phép dửng dưng và thờ ơ trước những đau khổ mà các anh chị em bị nhiễm bệnh đang gặp phải, đồng thời phải biết nhắc nhở nhau tuân thủ các lời khuyên và các chỉ thị phòng tránh dịch bệnh. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải có trách nhiệm chung trong việc tạo ra một bầu khí lạc quan và tin cậy hơn cho cộng đồng.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần xét lại những yếu tố đang tạo nên bầu khí ảm đạm và bi quan hiện nay. Có lẽ tinh thần cảm thông và thương xót cho các nạn nhân chỉ góp một phần rất nhỏ vào bầu khí này. Phần lớn còn lại có lẽ chủ yếu do sự phát tán thông tin không chính đáng. Đó hoặc là những thông tin giả mạo, hoặc những thông tin bị phóng đại, hoặc những thông tin có tính ‘nhấn nhá’ theo chủ ý nào đó vào những điểm ‘thấp’ nhất, bi thương nhất của thảm hoạ. Tất nhiên, chúng ta phải xác nhận rằng đại dịch này thật sự nghiêm trọng; nó đã vượt quá những dự đoán chủ quan ban đầu của các nhà chuyên môn; và nhiều nơi hiện bị mất khả năng kiểm soát. Hơn nữa, theo ông Christian Drosten, nhà virus học hàng đầu thế giới hiện nay, có thể có khả năng nhân loại phải đương đầu với cuộc khủng hoảng này cả năm trời trong tình trạng khẩn cấp.[1] Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ‘bức tranh’ thực của cuộc khủng hoảng hoàn toàn đúng như những gì truyền thông đang vẽ lên. Ví dụ, mạng xã hội và nhiều tờ báo gần đây loan tin rằng Thủ tướng Ý ra quyết định buộc các bác sỹ không được chữa trị cho các bệnh nhân trên 70 tuổi bị nhiễm virus Corona, để ưu tiên dành các vật tư ý tế chữa trị cho những người trẻ tuổi. Chỉ có một phần nhỏ của thông tin này là sự thật, đó là, tình trạng thiếu thốn vật tư ý tế đã khiến các y bác sỹ gặp thách đố luân lý về vấn đề ưu tiên chữa trị trong một số trường hợp. Nhưng chẳng có bất cứ một chính sách hay một sắc lệnh nào như thế được đưa ra.

Vì vậy, thiết nghĩ chúng ta có thể thực hiện những điều sau đây để góp phần xây dựng bầu khí tích cực và tin cậy hơn cho cộng đồng xã hội trong thời gian này:

Thứ nhất, dù việc chia sẻ thông tin về cơn dịch là rất cần thiết, đặc biệt là những thông số lây nhiễm và các thông tin y khoa có độ tin cậy cao, nhưng xin đừng chia sẻ những thông tin giả mạo, những thông tin bị làm lố, và những thông tin tạo ra viễn tượng quá bi quan vốn được trình bày theo dụng ý nào đó.

Thứ hai, chúng ta có thể động viên nhau và củng cố tinh thần chung bằng việc chia sẻ những lời ca tiếng hát, những câu chuyện mang lại niềm hy vọng. Chúng ta cũng có thể tạo nên bầu khí rộn ràng hơn bằng cách mang lại cho nhau những tiếng cười lành mạnh.

Thứ ba, chúng ta cần tìm cách duy trì việc làm theo những phương thế phù hợp để đảm bảo an ninh tài chính và tránh được áp lực tâm lý. Đây có lẽ là vấn đề khó khăn nhất! Tuy nhiên, những khủng hoảng thế này đòi chúng ta phải nỗ lực phát huy tinh thần sáng tạo để tìm ra những hình thức làm việc phù hợp trong từng hoàn cảnh riêng của mỗi người. Ở mức lý tưởng, mọi người có thể chia sẻ cho nhau những sáng kiến việc làm mới, và giúp nhau vượt qua những lo ngại thất nghiệp.

Cuối cùng, chúng ta cần sống đức tin cách rõ nét hơn, vì đức trông cậy và tín thác vào Đấng Quan Phòng là nền tảng của mọi tâm tình bình an và đón nhận. Nghĩa là, chúng ta cần thực sự gia tăng tin thần cầu nguyện, gia tăng sự hiệp nhất trong đức tin và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Một cách cụ thể, chúng ta nên hiệp thông và tham dự vào những sáng kiến đang được Giáo hội Hoàn Cầu và các Giáo hội địa phương đưa ra, như chương trình lần chuỗi và cầu nguyện chung theo đề xuất mới đây của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô[2], các chương trình cầu nguyện của các giáo phận, hay cùng đọc các lời kinh xin ơn chữa lành đã được phổ biến nơi các giáo hội địa phương. Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý tránh xa những thông tin mang tính chia rẽ và gây phương hại đức tin của mình. Đó là những thông tin về các cuộc thần hiện, về các thuyết tiên tri này nọ; đặc biệt là những thông tin tạo nên hình ảnh méo mó về Thiên Chúa, tức những thông tin gây ra cách hiểu rằng sự dữ hiện nay là do sự trừng phạt của Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta cần xin ơn để có thể cảm nghiệm rằng, Thiên Chúa là Cha Nhân Lành và Xót Thương. Ngài không đối xử với con người như một trò chơi hay một đối tượng để thử thách. Ngược lại, Thiên Chúa là bạn, là Cha của chúng ta. Ngài đang xót thương và đồng hành cùng ta trong cơn gian nan khốn khó. Trong mọi hoàn cảnh, Ngài luôn ở bên cạnh ta và cùng chia sẻ mọi đau khổ của ta. Tâm tình tín thác và cậy trông đó sẽ giúp chúng ta có được tâm trí vững vàng giữa cơn thử thách này, và thúc đẩy ta chia sẻ sự vững vàng đó cho tha nhân. Đó là nền tảng để xây dựng một cộng đồng có sức mạnh đề kháng về tâm lý và thiêng liêng trong cuộc chiến đầy cam go này.

Khắc Bá, SJ

[1] https://www.zeit.de/wissen/gesundheit/2020-03/christian-drosten-coronavirus-pandemie-deutschland-virologe-charite/komplettansicht.
[2] https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-03/cong-giao-the-gioi-hiep-y-cau-nguyen-voi-dtc-cho-het-dai-dich.html.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận