Gởi em, ở cuối Sông Hồng!

1250 lượt xem

Đó là tên một bài thơ của nhà thơ Dương Soái đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc. Bài thơ và nhạc phẩm ra đời trong một hoàn cảnh dồn nén những gì là nghịch hợp. Giữa mùa xuân 1979, lẽ ra phải là thời gian yên lành nhất, ấm cúng nhất, lại là những ngày chiến cuộc nóng bỏng kinh hoàng. Nhưng cũng trong những ngày ấy, một trong những người lính đang căng thẳng cùng cực trên một chốt cắm ở Lào Cai lại cảm thấy như đang rất gần gũi với người vợ của mình. Chị vẫn đang cần mẫn ngập tay dưới bùn, đang cấy những nhánh lúa thẳng hàng ở tận cuối Sông Hồng.

Bạn có thể tìm hiểu thêm rất nhiều điều l‎ý thú về họ qua những bài viết tìm hiểu tác giả và tác phẩm luôn sẵn có trên Internet. Cá nhân tôi tự hỏi, hình ảnh của họ khơi lên trong những người con Đất Việt chúng ta hôm nay điều gì, nhất là trong những ngày đầy trắc trở và rủi ro này?

Mỗi người chúng ta có những phận vụ riêng, đang ở trong một hoàn cảnh riêng và rất có thể là đang phải động viên chính mình, phải kiên trì lặng lẽ trong những căn phòng cách ly. Bác sĩ, y tá, người lính, nhân viên an ninh, dân quân… cùng với những người trong điều kiện khả dĩ vẫn đang miệt mài cần lao trên những cánh đồng, nhà máy, công xưởng, và tư gia… tất cả chúng ta đang đối diện với một nguy cơ khốc liệt, nhưng cũng đang đứng trước một cơ may để định hình lại chính mình, để bảo vệ và duy trì sự sống của chúng ta.

1. Giấc mơ và hiện thực

Kinh Thánh kể lại những giấc mơ của Pharaô về bảy năm sung túc và bảy năm đói kém trong sách Sáng Thế chương 41. Câu chuyện cách đây hơn 3000 năm kết thúc một cách có hậu khi mọi vấn đề được giải quyết trong trật tự và ổn định. Một mặt, cái hậu ấy có được là nhờ những giải thích tài tình của Giuse, người sau đó đã được Pharaô đặt làm tể tướng để giúp Ai-cập vượt qua khủng hoảng. Mặt khác, ấy là một sự đồng lòng của toàn dân Ai Cập từ Pharaô cho đến chúng dân để cùng vị tể tướng được tín nhiệm vượt thắng những khó khăn.

Kinh Thánh viết: “Pharaô nói với ông Giuse: “Ta là Pharaô. Không có lệnh của ông, không ai được cử động tay chân trong toàn cõi Ai cập.”

… Giu-se cáo biệt Pharaô và rảo qua khắp xứ Ai-cập. Trong bảy năm sung túc, đất đã sinh ra mùa màng dư dật. Ông thu tất cả lương thực của bảy năm liên tiếp trong xứ Ai-cập và chứa trong các thành ; ông chứa trong mỗi thành lương thực sản xuất trong đồng ruộng chung quanh thành đó. Ông Giu-se chất chứa lúa mì rất nhiều, như cát biển, đến mức ông thôi không đong lường nữa, vì không thể đong lường được.

… Khi bảy năm sung túc tại xứ Ai-cập chấm dứt, thì bảy năm đói kém bắt đầu, như ông Giu-se đã nói. Mọi xứ khác đều bị đói kém, nhưng trong toàn xứ Ai-cập thì có bánh ăn. Rồi toàn xứ Ai-cập bị đói và dân chúng kêu lên Pha-ra-ô xin bánh ăn. Pha-ra-ô nói với mọi người Ai-cập: “Cứ đến với ông Giu-se; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo.” Khắp nơi trong xứ bị đói kém. Ông Giu-se mở hết các kho lúa mì và bán cho người Ai-cập. Nạn đói hoành hành trong đất Ai-cập.

Từ mọi xứ, người ta đến Ai-cập để mua lúa mì của ông Giu-se, vì nạn đói hoành hành trên khắp mặt đất.” (x. Sáng Thế, chương 41)

Con số 7 + 7, con số của được và mất, của no và đói không còn là hình ảnh đầy ẩn dụ trong Kinh Thánh nữa, nhưng rất có thể chính là con số 14 ngày cách ly, hay là 14 ngày của giai đoạn hai, giai đoạn ba… mà tất cả chúng ta ai cũng có thể đối diện ngay từ hôm nay. Chúng ta không còn thời gian đủ dài cho một lộ trình giải quyết vấn đề một cách khoan thai như Pharaô. Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta không thể học cách giải quyết của ông.

2. Pharaô đã làm gì?

Pharaô trao toàn quyền cho Giuse. Ông này rảo qua khắp xứ Ai-cập để thu mua, tích trữ lương thực. Khi nạn đói xảy ra, ông lại cho mở những kho lẫm để bình ổn dân tình. Chúng ta có thể hình dung, toàn bộ tình hình xã hội Ai-cập khi đó, về mặt lý thuyết, không quá khác đất nước chúng ta trong thập niên 80 của thế kỷ trước! Khi mà nhà nước đứng ra thu mua toàn bộ lương thực, nông sản… từ người dân và cũng độc quyền phân phối lại những hàng hóa này. Để mua được số lượng lương thực khổng lồ như vậy, tất nhiên Pharaô đã phải phát hành một lượng tiền tương ứng. Số tiền này được người dân cất giữ và khi cần họ dùng chính những đồng tiền ấy để mua lại thực phẩm cần dùng cho gia đình mình.

Có thể nói toàn bộ nền kinh tế Ai-cập khi đó tóm gọn trong mối quan hệ căn bản nhất của những gì mà hôm nay chúng ta hiểu về kinh tế: mối tương quan Tiền – Hàng – Tiền. Ai-cập và sau đó là các lân bang đã thoát khỏi nạn đói nhờ sự tin cậy lẫn nhau. Sự tin cậy giữa Pharaô và thần dân của ông. Người dân sẵn sàng đổi thứ mà họ chưa cần ngay là thóc gạo, để cầm lấy đồng tiền do Pharaô phát hành mà không phải là bất cứ một cắc bạc ngoại tệ nào. Ngược lại, Pharaô và vị tể tướng Giuse của ông cũng sẵn sàng thu về lại lượng tiền đã phát hành vào ngân khố quốc gia sau khi phân phối lại cho dân chúng nguồn lương thực đã thu tích. Pharaô không xuất khẩu để tìm kiếm thặng dư cho triều đình khi dân chưa đủ no. Cũng không thấy có chuyện đầu cơ của thương lái trong suốt thời gian này. Không có lạm phát, không có căng thẳng cung cầu quá đáng, tất cả là sự trao đổi minh bạch và sòng phẳng dựa trên quan hệ Tiền – Hàng – Tiền mà gốc rễ của nó là niềm tin giữa chính quyền và quốc dân.

Giuse, vị tể tướng của Pharaô đã làm rất tốt vai trò của mình. Rất có thể ông đã phải điều hành một guồng máy bao gồm những người thừa hành làm việc quyết liệt. Rất có thể khắp Ai-cập khi đó đã mọc lên vô số những trạm kiểm soát như thời bao cấp của chúng ta cách đây nhiều chục năm… Tuy nhiên, trong trường hợp này, vì công ích, những giải pháp quyết liệt là chuyện có thể, thậm chí phải thực hiện một cách chặt chẽ như vậy. Pharaô hoàn toàn có lý khi tin tưởng và đầu cơ mọi quyền lực ông có trong tay vào vị tể tướng Giuse. Đổi lại, lợi nhuận mà ông mang về là toàn dân bình yên, qua đó sự ổn định của vương triều do ông nắm giữ tiếp tục được củng cố và kéo dài.

3. Tôi và chúng ta

Thiên nhiên vốn ưu đãi cho chúng ta hai vùng châu thổ ngọt lành. Bao năm qua, thường là những năm được mùa đều đặn. Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm chúng ta cần ổn định đời sống của mọi người dân trước khi nghĩ đến những chuyện vĩ mô. Với những gì đang có trong tay, nhà nước có thể chọn lựa giải pháp Pharaô, tức là mua vào và gia tăng dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm. Một cách công bằng và chủ động hơn, lượng tiền được phát hành ra thị trường, một phần sẽ được trao trả cho người lao động trực tiếp làm ra những sản phẩm liên quan đến nông nghiệp. Một lượng tiền tương ứng khác cũng phải chi trả cho các y bác sĩ, cho những người lính, dân quân, những công viên chức đang làm việc trên tuyến đầu. Họ cũng là những người đang cật lực làm việc để chống chọi với dịch bệnh hay các thầy cô giáo đang miệt mài đầu tư cho sản phẩm giáo dục để đáp ứng hoàn cảnh đặc biệt hiện nay… Một lượng tiền nữa cũng được chi trả hoặc thậm chí là được khoanh vùng đầu tư vào các ngành nghề sản xuất dược phẩm, sản phẩm y tế, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Như vậy bất cứ khi nào một ai đó trong chúng ta cần được chăm sóc y tế, cần lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm họ chỉ cần làm một động thái như dân Ai-cập, mua hàng bằng đồng lương vẫn lãnh nhận đều đặn.

Đến đây, có người sẽ hỏi, nếu vậy chúng ta sẽ xử trí thế nào với những hợp đồng mua bán cấp quốc gia, tức những thứ xưa nay vẫn quyết định số lượng thực phẩm trong các kho cảng nằm chờ xuất khẩu? Thứ nhất, đây không phải là giờ phút chúng ta để cho những đồng ngoại tệ ám ảnh. Thứ hai, tuy là hợp đồng, nhưng tùy hoàn cảnh chúng ta cũng có thể chọn lựa những giải pháp thực hiện khác nhau, đặc biệt khi chúng ta tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chúng ta không phá hợp đồng nhưng thực hiện hợp đồng theo một quy trình hợp lý, nhân văn và hiệu quả nhất. Do dịch bệnh, những đường biên giới ở mọi cấp độ đang dần khép lại trong những ngày qua là một trong những lý do để chúng ta đưa ra một lộ trình giao hàng thuận tiện. Và nên nhớ, đây không phải là thời điểm để chúng ta ngồi trong những phòng trà để phê bình thứ gì đó gọi là “Chủ nghĩa Dân tộc”!

4. Thông điệp từ thiên nhiên

Châu thổ Sông Hồng và Cửu Long là hậu phương giúp chúng ta bảo đảm an ninh lương thực bao đời qua. Nhưng những năm gần đây, chúng ta phải đối đầu trực diện với những nguy cơ mất cân bằng sinh thái và an ninh lương thực chẳng hạn như nạn nước mặn xâm thực nội đồng ở vùng Cửu Long hôm nay. Hạn chế và trì hoãn tiến trình thực hiện những hợp đồng giao trả những mặt hàng liên quan đến lương thực là một tiếng nói cụ thể cho những ai can hệ ít nhiều đến tình trạng mất cân bằng sinh thái trên đất Việt. Nói thẳng, chúng tôi đói, các anh cũng đói. Việc bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là những vùng châu thổ chuyên canh cây lương thực không còn là chuyện riêng của quốc gia đầu nguồn hay cuối nguồn. Một khi dòng nước và lượng phù sa bị ngăn lại thì rất có thể sẽ có ngày thóc gạo, tôm cá không còn đủ để ngược dòng nuôi sống những người định cư ở phía thượng nguồn.

Tạm kết

Ai trong chúng ta cũng cầu mong đừng phải gánh chịu những năm thiếu thốn như nhiều thời điểm mà thế hệ cha anh đã từng đối diện. Thế nhưng trong một cục diện có quá nhiều nguy cơ, chúng ta buộc lòng phải chọn một mục đích cụ thể và một phương tiện được bảo đảm về mặt luân lý. Mục tiêu của chúng ta là sự sống, là bảo tồn giống nòi. Những cách thế mà chúng ta thực hiện có thể là những chiến thuật tạm thời như sau:

– Duy trì một nền kinh tế tiếp tục được ổn định. Không tiếp tục đầu tư vào những ngành nghề không đóng góp trực tiếp cho những nhu cầu cấp bách của chúng ta hôm nay và trong tương lai gần như: bất động sản, những nhãn hàng xa xỉ, lãnh vực kinh tế giải trí và du lịch. Thay vào đó, đầu tư công nhằm ổn định tuần hoàn kinh tế trong thời điểm này chỉ có thể phát huy vai trò tối ưu của nó trên bình diện phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, nhất là trong sáu tháng sắp tới. Cơ thể đất nước chúng ta lúc này không cần những cơ bắp và áp lực máu của một vận động viên túc cầu hay lướt ván. Cơ thể ấy chỉ cần những năng lượng vừa đủ cho nhu cầu sống còn. Nhất là khi người dân Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải nằm chờ đến mùa mưa để có thể gieo trồng một vụ lúa mới.

– Cần một công cụ hành chánh và những biện pháp quyết liệt hơn nữa như chúng ta đã nỗ lực trong những ngày qua, để dẹp bỏ tất cả những tình trạng tiêu cực dưới bất kỳ hình thức nào, đơn cử như đầu cơ trục lợi một cách vô nhân đạo. Nếu cần, các siêu thị, chợ truyền thống của chúng ta sẽ được vận hành trở lại với mô hình mậu dịch quốc doanh thời bao cấp! Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn tự tin rằng, chúng ta không vấp phải tình trạng khan hiếm nguồn hàng như hoàn cảnh chúng ta phải hứng chịu cách đây nhiều thập niên. Ngăn sông cấm chợ, nếu có cũng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm phân phối nguồn lực một cách hợp lý và chủ động, duy trì ổn định và tránh lũng đoạn. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể tin tưởng vào dân trí hiện nay của người dân để vững lòng thực hiện những giải pháp này.

– Và chắc hẳn điều quan trọng nhất chúng ta cần ở thời điểm này là một niềm tin sắt đá. Vì chỉ khi tin nhau, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, thì cơ may vượt qua hoạn nạn mới mở ra cho chúng ta.

Câu chuyện của đôi vợ chồng người chiến sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 vẫn còn đó. Một người cắm chốt, chấp nhận sự mong manh của tính mạng. Một người cần mẫn ở lại hậu phương xa xăm, trên chính mảnh đất mà chị ta không chắc còn được bấu víu những ngón chân Giao Chỉ của mình cho đến lúc nào. Họ phải cách ly nhau hoàn toàn theo nghĩa đen. Nhưng vì sự sống còn của Tổ Quốc, trong huyết quản của họ, dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy trào. Họ vẫn tin nhau.

Viết những dòng này, vẳng bên tai tôi vẫn là những ca từ tròn vành của nghệ sĩ Thu Hiền. Và tôi có một niềm tin, niềm tin nối kết lý trí của những người tiền phương với đôi tay tảo tần của những người nhà quê vùng chiêm trũng nhưng đầy tự hào về một nền văn minh lúa nước ngàn đời. Lần này, xin mạn phép nhà thơ Dương Soái và nhạc sĩ Thuận Yến để sửa lại đôi từ ở tựa đề bài thơ: Gởi các anh, từ cuối Sông Hồng!

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận