Tết Trung Thu: Chúa Giêsu yêu mến các thiếu nhi

727 lượt xem

Tết Trung Thu: Chúa Giêsu yêu mến các thiếu nhi

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

LỄ TRUNG THU
Hc 42,15-16;43,1-2.6-10; Mc 10,13-16

Kính thưa quí ông bà và anh chị em,

Các con thiếu nhi thân mến,

Hằng năm cứ vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch, thiếu nhi lại có một ngày thật vui vẻ. Đó là ngày Tết Trung Thu. Nếu thời tiết đẹp và trời không mưa thì bầu trời đầy sao, trăng tròn vành vạnh, ánh sáng long lanh đổ đầy xuống mặt đất. Đến các điểm vui chơi trung thu, con sẽ thấy những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, bóng bay đủ màu, và múa lân. Trong gia đình các con cũng thế: có bánh trung thu, có đèn lồng, đèn ông sao, các con có quần áo mới… Nhà thờ giáo xứ chúng ta hôm nay cũng được trang hoàng rất đặc biệt với bóng bay, đèn ngôi sao, đèn lồng…

Những gì các con thấy đặc biệt hôm nay cho thấy tình thương, sự quan tâm của người lớn dành cho các con. Từ ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình các con đến các cha, các sơ, các thầy, các anh chị giáo lý viên và huynh trưởng ở nhà thờ đều yêu thương các con, muốn cho các con có được một ngày tết thật vui vẻ. Các con này: trước khi ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình và các cha, các thầy, các sơ, anh chị giáo lý viên và huynh trưởng yêu thương các con, Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã yêu các con rất nhiều rồi.

Các con à! Thật là như thế. Bài đọc một trích sách Huấn ca kể rằng Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài. Ngài cho mặt trời tỏa sáng nhìn xuống muôn vật, cho bầu trời trong vắt cao xanh, cho hừng đông ló rạng, cho vầng trăng khi tỏ khi mờ, lúc trong lúc khuyết và luôn đúng hẹn làm dấu hiệu muôn đời chỉ rõ thời gian. Chúa còn dùng ánh trăng làm dấu các ngày lễ như hôm nay chẳng hạn: Tết Trung Thu, tết của thiếu nhi. Theo chu kỳ, Chúa cho trăng cứ tròn thêm mãi để đến rằm thánh 8 thì ánh trăng tròn vô cùng và có muôn vàn vì sao lấp lánh cùng với trăng tỏa sáng. Đấy Chúa yêu chúng ta là thế. Nếu không có bầu trời, không có ánh trăng và các ngôi sao thì liệu có Tết Trung Thu không các con nhỉ? Cha nghĩ chẳng có và dịp vui của các con hôm nay chẳng bao giờ có.

Bài Tin Mừng cũng nói cho chúng ta về tình thương tuyệt vời Chúa Giêsu dành cho thiếu nhi. Tin Mừng kể rằng khi Chúa đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, có lúc trẻ nhỏ đến chơi với Chúa, quấy rầy làm phiền Chúa giống như thỉnh thoảng các con đi lễ ghé vào nhà xứ chơi vậy. Các môn đệ thấy thế thì khó chịu la rầy chúng. Thấy thái độ của các ông như thế không được, Chúa Giêsu đã bực mình và bảo rằng: “Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” Chúa Giêsu còn nói thêm: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Thiên Chúa.” Sau khi nói những lời đó xong, Chúa Giêsu ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho các em.

Các con thiếu nhi thân mến,

Thiên Chúa là Cha đã yêu thương các con vô ngần và Chúa Giêsu cũng vậy. Ngài ôm trẻ vào lòng và đặt tay chúc lành cho các em. Nếu Chúa đã yêu các con như vậy thì các con cũng phải làm gì đó để bày tỏ tình yêu với Chúa. Các con thử nghĩ coi, mình sẽ làm gì nào? Vui vẻ, đơn sơ, chăm ngoan ở trường, ở nhà và ở nhà thờ. Thế nào là đơn sơ? Thật thà có sao nói vậy, sống ngay thẳng với bạn bè, cha mẹ, thầy cô, không nói xấu bạn, không ganh tị, không đánh bạn…. Chăm ngoan là làm sao nào? Ở nhà biết vâng lời giúp đỡ cha mẹ, anh chị, các em. Ở trường vâng lời thầy cô học hành cho giỏi và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè.

Các con thử hỏi lòng mình, mình có sống như thế bao giờ chưa? Cầu xin Chúa chúc lành cho các con hôm nay và mọi ngày sống của các con. Xin Chúa ban cho các con nhiều hồng ân để các con sống xứng đáng với tình yêu thương của Chúa, của cha mẹ, người thân và những người có trách nhiệm dạy dỗ các con. Amen.

Vui Tết Trung Thu

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Các em thiếu nhi thân mến,

Các em có biết không, ngày xưa, người Do thái có thói quen dẫn trẻ em đến với những người có uy tín để được chúc lành. Chúa Giêsu là người đã nổi tiếng, lại dễ mến, dễ thương, dễ đến gần, nên người ta đem trẻ em đến cho Chúa chúc lành.

Nhưng, như các em biết đấy, trẻ em hay bắng nhắng, quấy rầy, làm mất thời giờ của người lớn, nên hay bị coi nhẹ, lúc trước lễ, các ông, các anh các chị đã xua đuổi các, mà ngay trong Tin Mừng hôm nay, chính các môn đệ đã xua đuổi chúng đi. Thấy vậy, Chúa Giêsu có bằng lòng ? Không, Ngài không hài lòng, Ngài bảo các ông đừng ngăn cản chúng. Ngài nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mc 10,14). Rồi Ngài ôm lấy các em vào lòng và đặt tay chúc lành cho chúng.

Các em có hiểu tại sao Chúa Giêsu lại nói: “Vì Nước Trời là của những người giống như trẻ nhỏ ” không ?

Thưa, bởi vì trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ. Trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ, không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không so đo tính toán lời lỗ, hơn thiệt… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là nhất, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay, nên các em an tâm lắm.

Ngoài ra, trẻ nhỏ còn đơn sơ thật thà, có sao nói vậy, không thêm bớt, không hằn thù, không mưu mô, không làm hại ai. Các em đã thực hiện lời Chúa nói : “đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16). Vì thế, người ta thường nói về sự đơn sơ thật thà của trẻ em qua kinh nghiệm hằng ngày : “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” (Tục ngữ).

  1. BÀI HỌC TRONG NGÀY TẾT TRUNG THU.

Hôm nay, nhìn lên bầu trời, chúng ta không thấy trăng thanh gió mát. Trăng tròn và sáng nữa. Nên Giáo hội cầu nguyện cho đời các em sáng đẹp tựa trăng rằm đấy, và không ngừng phản ánh Chúa Kitô là Mặt Trời công chính.

Trăng Tết Trung Thu sáng và tròn, nhưng vẫn có vầng xám, vẩn đục mà chúng ta quen gọi là cây đa với thằng Cuội.

Với bài hát: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối lo. Cuội ơi, ta nói Cuội nghe: Ở cung trăng mãi làm gì Cuội ơi”!

Tại sao các em lại nhìn lên ông trăng mà gọi thằng Cuội ? Thằng Cuội là ai ? Tại sao Cuội phải ngồi ôm gốc cây ? Ở mãi cung trăng để làm gì ?

Trong kho tàng ca dao tục ngữ, cha thấy có một câu thơ lục bát:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,

Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.

Cha còn cắt cỏ trên đồi

Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.

Dân gian vẫn thường hát:

Bắc thang lên đến tận mây

Hỏi sao Cuội phải ôm cây cả ngày ?

Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười:

Bởi hay nói dối nên ngồi ôm cây.

Hóa ra thằng Cuội trả lời là vì hay nói dối. Thảo nào, thiên hạ mới có câu tục ngữ rất quen: “Nói dối như Cuội”.

Nhân ngày Tết Trung thu, bài học là hãy sống đơn sơ thật thà như Chúa Giêsu đã dạy: “Hễ có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37; Gc 5,12). Đừng có bao giờ nói dối.

  1. LỜI CẦU XIN HÔM NAY

Các bậc phục huynh thân mến,

Hôm nay, ngày Tết Trung Thu của các, ai trong chúng ta cũng không muốn trời mưa hay bầu trời nhiều mây vẩn đục, như thế làm cho Tết mất vui. Trái lại, muốn cho trời tạnh ráo, trời trong thanh để con em chúng ta có thể ngắm trăng sáng vằng vặc trên bầu trời, ngắm thằng Cuội, lễ và rước đèn xong vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi vài miếng bánh ngọt, xen lẫn tiếng cười vui là điều ai cũng mong muốn.

Nhưng tôi nghĩ rằng, bầu trời trong thanh không một gợn mây, đó là dấu chỉ không những các em mà cả chúng ta nữa phải có một tâm hồn trong sạch, đơn sơ, thật thà, dễ thương. Vì thế mà ý nguyện nhập lễ hôm này là xin cho các em biết luôn giữ tâm hồn đơn sơ trong trắng và xin cho chúng con ( tức là chúng ta những bậc làm cha mẹ và người lớn) được nên giống các em để mai sau được cùng về quê trời chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa.

Thật vậy, trẻ thơ luôn đơn sơ, thật thà, không ăn gian nói dối như thằng Cuội… Thế nhưng ngày nay, nhiều trẻ thơ đã bị những vẩn đục là người lớn như cây đa thằng Cuội che sáng vầng trăng, gây gương mù cho các em, làm cho các em bị nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều này Chúa Giêsu lên án rất gắt gao :

Ai nêu gương hại trẻ con

Đáng đeo cối đá thả lòng biển khơi.

Nếu chúng ta làm cho con em mình nhiễm thói ăn gian nói dối, là chúng ta cướp đi tuổi thơ của các em. Chúa Giêsu dạy chúng ta :

Này Ta bảo thật các ngươi

Nếu không trở lại giống người tiểu nhi

Nước Trời đừng nói làm chi

Các người không thể có hy vọng vào.

Tết Trung Thu, cùng với Banh hành giáo, giáo lý viên, chúng tôi chúc tất cả các em mạnh khỏe khôn ngoan, bước vào năm học mới với nhiều niềm vui và ơn thánh Chúa, để các em trở nên những trò giỏi con ngoan, thiếu nhi ngoan hiền của Chúa Giêsu, càng thêm thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ơn nghĩa Chúa, cũng như sự mến chuộng của mọi người.

Chúc các bậc phụ huynh ấm êm hạnh phúc, trở nên cha mẹ mẫu mực cho đàn con. Amen.

Mùa Trăng Trung Thu

 Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Ở nếp sống văn hóa xã hội Việt Nam trong một năm có nhiều ngày lễ Tết. Một trong những ngày đó là Tết Trung Thu vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch hằng năm.

Ngày lễ Tết Trung Thu hướng dành cho trẻ em thiếu nhi đặc biệt với những chiếc lồng đèn đủ hình mọi hình các loài con vật, ngôi sao, mặt trăng. Lồng đèn được làm sơn phét mầu sắc rực rỡ hợp với tầm nhìn ý thích của trẻ em, rồi còn cộng thêm phần qùa bánh cho các em.

Ngày lễ tết tập tục mừng xưa nay thì như thế. Nhưng nguồn gốc ngày lễ tết này có từ đâu, và có gợi ý nghĩa gì cho đức tin Công giáo của chúng ta không?

  1. Tết Trung Thu theo tương truyền.

Tương truyền thời ngày xa xưa, vào ngày rằm tháng tám, tiết trời đẹp, mặt trăng chiếu sáng tỏ trên nền trời. Thật là một cảnh êm ả thanh bình. Nhà vua đi dạo mát ngắm trăng. Thình lình có một ông lão gìa chống gậy đi tới phía nhà vua. Linh tính báo cho biết đây là một tiên ông gíang trần.

Ông lão kính cẩn cúi mình chào nhà vua: Muôn tâu Bệ Hạ, hạ thần xin cúi mình chào kính đức thánh thượng. Thấy Bệ hạ dạo ngắm trăng dưới trần thế, hạ thần dám xin thỉnh ý Bệ hạ có muốn lên thăm cung trăng không?”

Nhà Vua liền đáp lời: “Có, nhưng làm sao lên tới đó được! Trưởng lão có phép cách mầu nhiệm gì hay không?”

Vị tiên cúi mình tâu: “Thưa Thánh thượng, Hạ thần có cách”. Vừa nói, ông vừa cất chiếc gậy đang cầm nơi tay chỉ lên cao về hướng mặt trăng. Thình lình một chiếc cầu vồng liền xuất hiện, một đầu nối giáp hướng lên phía mặt trăng, một đầu kia nối liền giáp xuống tận mặt đất, như một chiếc cầu thang

Tiên ông liền đưa tay mời nhà Vua cùng trèo lên cầu vồng, cùng bên nhau đi lên trời…

Sau khoảnh khắc thời gian sống chiêm ngưỡng cảnh thanh bình đẹp thơ mộng trên cung trăng, nhà Vua được dẫn trở về trái đất, trở lại cung điện cũ với cuộc sống thực tế nơi trần gian. Nhưng lòng nhà vua lúc nào cũng đoái hoài luyến tiếc cảnh thi vị mơ màng trên cung trăng.

Về sau để kỷ niệm biến cố du hành lên cung trăng, nhà vua đặt ra Tết Trung thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch hằng năm. Vào dịp này người ta uống rượu ngắm trăng. Vì thế còn gọi là Tết trông trăng.

Đó là truyền thuyết về nguồn gốc ngày Tết Trung Thu. Nó tương hợp đúng với thực tế khoa học như thế nào cùng đến mức nào, không có gì làm bằng chứng.

Nhưng dẫu vậy, qua đó có hai yếu tố liên quan đến đức tin của chúng ta: mặt trăng và chiếc cầu vồng.

  1. Mặt trăng

Theo Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế thuật lại, mặt trăng là hành tinh do Thiên Chúa dựng nên trên nền trời vào ngày sáng tạo trời đất ngày thứ tư, để chiếu soi ánh sáng vào ban đêm. (St 1,14-18).

Dân gian truyền tụng đêm rằm tháng tám âm lịch trăng sáng đẹp và các em bé tay cầm lồng đèn đi rước ca hát vui mắt lắm. Ðêm nào trời trong sáng có mặt trăng nổi hiện tròn trịa trên nền trời, nhìn lên đó thấy hình ẩn hiện, như những đám mây tụ lại ở một góc. Theo truyền thuyết đó là chú Cuội ngồi gốc cây đa trên mặt trăng với chị Hằng Nga. Năm 1969 người Mỹ lần đầu tiên đổ bộ đặt chân lên cung trăng, họ truyền về trái đất hình ảnh toàn những núi đá ở trên đó.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt nam không có phân biệt giống loại. Nhưng khi nói về mặt trăng lại liên tưởng đến giống cái: mặt trăng với chị Hằng Nga, Nguyễn Du diễn tả sắc đẹp của phụ nữ như“ Khuôn trăng đầy đặn“. Người ta cũng ví nét mặt dịu hiền của một người phụ nữ như ánh sáng mặt trăng tươi mát dịu dàng, trái ngược với ánh mặt trời nóng bức biểu hiệu cho người đàn ông phái mạnh…

Trong tiếng Trung Hoa cũng phân định : mặt trăng“yin“ biểu hiệu cho giống cái; mặt trời“yang“ biểu hiệu cho giống đực. Theo sự tin tưởng bình dân của người Trung Hoa mặt trăng vào mùa thu trong sáng đẹp hơn cả trong năm. Ngày 15. tháng thứ tám âm lịch trong năm là ngày lễ hội của Trăng, là ngày mặt trăng xuất hiện trên nên trời không chỉ trong sáng, nhưng còn tròn đầy đặn nhất.

Tiếng Latinh phân biệt mặt trăng “Luna” giống cái; mặt trời“Sol“ giống đực. Trong tiếng Pháp cũng có phân biệt tương tự mặt trăng “la Lune“, giống cái; mặt trời “le Soleil“, giống đực. Chỉ trừ trong tiếng Ðức ngược lại: mặt trời giống cái “die Sonne“ và mặt trăng giống đực “der Mond“.

Có lẽ vì thế mặt trăng trở thành biểu tượng của giống cái, của sự biến chuyển và tăng trưởng. Mặt trăng biến chuyển hình thái tùy theo thời gian ngày trong một tháng: trăng đầy trăng khuyết, trăng lưỡi liềm hay trăng tròn. Những ngày trăng xuất hiện như hình lưỡi liềm – một nửa – là hình ảnh nói về sự chóng qua, biến chuyển thay đổi nhưng cũng nói lên sự quay trở lại.

Thần mặt trăng trong thần thoại Hylạp “Artemis“ và trong thần thoại của người Rô-ma“Lucina“ là quan thầy bổn mạng của sinh sản, đồng thời cũng là nữ thần của đồng trinh.

Hai lối suy diễn này được tìm thấy nơi Ðức Mẹ Maria: là người đồng trinh và là mẹ sinh con. Ðức Mẹ Maria được vẽ hay khắc chạm đứng trên vầng trăng hình lưỡi liềm, là mẹ của Hội thánh và là người chiến thắng sự dữ, như trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan diễn tả: “Rồi có một điềm lớn xuất hiện trên trời: một người phụ nữ mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.“ (Kh 12, 1)

Mặt trời và mặt trăng là hai hình ảnh mang hai sắc thái khác biệt nhau: Sức mạnh và sự yếu kém; giống đực và giống cái; cố định và thay đổi. Hai sắc thái này tuy khác biệt nhau, nhưng không loại trừ nhau. Trái lại chúng bổ túc cho nhau, giống như hai tính loại âm dương mang đến sự hài hòa khi cùng hòa lẫn vào nhau.

Trong mỗi con người đều có pha trộn hai sắc thái của mặt trời và mặt trăng. Chúng ta ai cũng vậy, không chỉ có mặt sáng tươi đầy sức mạnh, có uy phong một người chỉ huy dũng mạnh của sắc thái mặt trời. Nhưng cũng có mặt yếu kém giới hạn, sự hay thay đổi của sắc thái mặt trăng.

Solares và Lunares đều có trong mỗi con người và làm nên bản tính sắc thái mỗi người, tựa như chiếc cầu vồng bắc nối sang hai bên.

  1. Chiếc cầu vồng

Thỉnh thoảng ở phía chân trời xuất hiện nổi lên vòng sáng với những mầu sắc khác nhau, mà ta gọi là cầu vồng.

Theo khảo cứu Cầu vồng là hiện tượng ánh sáng mặt trời chiếu khúc xạ xuyên qua làn nước mưa thành tia sáng phản xạ tạo ra 7 mầu sắc: đỏ, da cam, vàng, lục, lam chàm và tím, mà mắt thường con người nhìn thấy được.

Trong dân gian cầu vồng cũng trở thành yếu tố của nhiều thần thoại trong niềm tin tôn giáo và văn hóa nữa. Theo Thần thoại người ta tin tưởng cầu vồng đóng vai trò như trung gian hay như chiếc cầu nối liền giữa Thần Thánh và thế giới con người.

Theo tường thuật về lịch sử sáng tạo của vùng Babylon, Đấng Tạo Hóa Marduk đã tạo dựng sự sống trên địa cầu bằng cách thế ngài hủy diệt sóng nước lụt lội, Thần Tiamat. Việc này diễn ra khi Ngài đặt một cầu vồng bằng các vì sao trên nền trời.

Trong sách Kính Thánh Sáng Thế, cầu vồng là dấu hiệu giao ước của Thiên Chúa với Ông Noe cùng loài người ký kết sau trận lụt đại hồng thủy ( St 9,13-16).

Cầu vồng xuất hiện trên nền trời sau trận lụt đại hồng thủy trong Kinh Thánh thuật lại, là hình ảnh dấu chỉ nói lên sự sống vẫn tiếp tục trên mặt đất, Thiên Chúa trao tặng con người cùng địa cầu nền hòa bình và một trật tự khởi đầu mới .

Hình ảnh Cầu vồng trong Kinh Thánh còn nói lên, Thiên Chúa chấp nhận địa cầu chúng ta, Ngài trao tặng con người sự sống và luôn hằng cùng đồng hành bên cạnh trong đời sống.

Vì Thiên Chúa muốn con người có một tương lai tốt đẹp, nên Ngài đặt cầu vồng trên nền trời, để diễn tả sự liên kết như dấu chỉ về tình yêu.

Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian như chiếc cầu vồng chiếu sáng sự sống nối liền Thiên Chúa và con người, trời và đất lại với nhau trong giao ước mới.

Trong đời sống xã hội ngày nay, hình ảnh chiếc cầu vồng là dấu chỉ biểu tượng cho hòa bình, cùng như chiếc cầu nối kết hai đầu cực bên bờ lại với nhau.

Mừng ánh trăng Trung Thu, nhưng không quên nguồn gốc cùng ý nghĩa của mặt Trăng cho đời sống đạo gíao niềm tin.

Tổng hợp từ các nguồn

Có thể bạn quan tâm