Trẻ cảm thấy thế nào khi cha mẹ cãi nhau?

2729 lượt xem

TRẺ CẢM THẤY THẾ NÀO KHI CHA MẸ CÃI NHAU?

Małgorzata Rybak

Có ai trong chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một gia đình chưa từng có những mâu thuẫn, xung đột? Có ai trong chúng ta chưa từng trải nghiệm, dưới nhiều hình thức, những khác biệt, và thậm chí những bất đồng giữa cha mẹ? Những lúc đó, chúng ta cảm thấy như thế nào?

Là bậc cha mẹ, chúng ta đã bao giờ tự vấn xem con cái mình sẽ cảm thấy thế nào khi chứng kiến sự cãi vã của người lớn? Đây thực sự là một vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc, với ý hướng, giúp chúng ta học cách xử lý những bất đồng sao cho vẫn bảo vệ những ranh giới nhất định và nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình.

Trẻ cảm thấy thế nào khi chứng kiến xung đột giữa cha mẹ?

Cô đơn và bất lực

Một cậu bé 7 tuổi đang trong tiến trình điều trị đã đưa cho bác sĩ trị liệu của mình một mảnh giấy trong đó có ghi: “Cháu khóc suốt đêm. Nước mắt là người bạn duy nhất của cháu. Cháu cảm thấy cô đơn. Bố mẹ cháu cãi nhau cả đêm”.

Cô đơn là một cảm giác nổi bật trong tình huống như vậy. Khi người lớn chìm đắm trong cảm xúc (kể cả sự hung hăng), con cái họ không có ai để nương tựa. Bậc cha mẹ phải duy trì sự cân bằng cảm xúc để trẻ cảm thấy an toàn, dù đó là trẻ mới biết đi hay đang ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Chỉ những người bình tĩnh, những người nhận ra và quản lý cảm xúc của bản thân mới có thể mang lại nền tảng an toàn giúp trẻ nhận thức được rằng thế giới là một nơi được mong đợi. Do đó, khi người lớn phát cáu, bắt đầu la hét và xúc phạm nhau, mọi nền tảng bảo vệ trong thế giới nội tâm của trẻ bị sụp đổ một cách nhanh chóng.

Trẻ chẳng có ai để cậy dựa. Trẻ cảm thấy sợ hãi (chẳng hạn, gia đình sẽ tan vỡ hoặc ai đó sẽ bị tổn thương), tức giận và buồn bã (vì cha mẹ mình có vẻ như không yêu thương nhau). Trong tình huống như vậy, trẻ cảm thấy dường như chỉ có một mình mình trên thế giới này.

Gánh nặng của người lớn trở thành gánh nặng của trẻ em

Ranh giới của trẻ bị vi phạm khi nội dung không phù hợp với tâm trí trẻ em lọt vào tai chúng. Bằng việc quyết định “ai có lỗi” hoặc “ai đúng”, bằng việc nói một cách thô lỗ về những vấn đề của người lớn, chúng ta kéo trẻ vào cuộc và trẻ phải chịu những gánh nặng của mối tương quan của chúng ta. Dù muốn hay không, trẻ bắt đầu chịu đựng những vấn đề chưa được giải quyết của người lớn như một gánh nặng quá tải.

Trẻ trở thành người bạn tâm giao trong nỗi sợ hãi của chúng ta về vấn đề tài chính gia đình, là nhân chứng cho cuộc cãi vã xem ai là người làm nhiều hơn cho gia đình, ai quan tâm đến mối tương quan nhiều hơn, và ai làm tổn thương ai và mức độ ra sao. Trẻ có thể nghe thấy những lời nhục mạ hoặc ác ý, vốn là những điều mà đối với người lớn, đã là nặng nề huống hồ là đối với một đứa trẻ.

Chọn Cha hay Mẹ?

Nhu cầu tự nhiên của trẻ em hoặc thiếu niên là có thể yêu thương cả cha lẫn mẹ. Những cuộc cãi vã buộc trẻ phải chọn người mà chúng sẽ đồng ý với và người mà chúng sẽ bảo vệ. Khi làm như vậy, trẻ cũng cảm thấy rằng chúng đang phản bội một trong hai người, vốn là cha mẹ của mình. Bởi vì, suy cho cùng, con cái phải hiếu thảo với cả Cha và Mẹ.

Thật là một tình huống bi thảm khi cha mẹ kéo con cái vào một cuộc tranh cãi chỉ để chúng quyết định xem bên nào là hợp lý. Thậm chí còn tồi tệ hơn khi người cha/ mẹ lập “hiệp ước” với trẻ chống lại người kia, giải thích lý do tại sao “không thể sống với cha/mẹ”. Điều tai hại đó chính là lạm dụng tình cảm và là điều rất nghiêm trọng.

Gạt nhu cầu của trẻ sang một bên

Khi cha mẹ cãi nhau, trẻ cảm thấy mình hoàn toàn chẳng là gì đối với cha mẹ cả. Và theo một cách nào đó, trẻ đã đúng: cha mẹ đang coi thường cảm xúc của trẻ, không quan tâm gì đến cảm xúc đó gây ra cho trẻ.

Trong một gia đình đầy những xung đột, sẽ không có chỗ cho nhu cầu của trẻ. Trẻ sẽ bắt đầu đẩy nhu cầu của mình lại phía sau. Trẻ cũng có thể cảm thấy có lỗi vì bố mẹ không hòa thuận với nhau. Trẻ có thể bắt đầu nghĩ rằng nếu chúng cư xử tốt hơn, học hành giỏi hơn, hoặc ăn uống dễ dàng hơn thì có lẽ cha mẹ chúng sẽ hạnh phúc hơn.

Trong những gia đình mà cha mẹ thường xuyên cãi vã, trẻ em cũng có thể mắc các bệnh về tâm thần. Rốt cuộc, trẻ mang nơi mình một gánh nặng căng thẳng to lớn. Vô hình chung, trẻ bị biến thành những người gìn giữ hòa bình bất đắc dĩ. Trẻ có thể nghĩ rằng mình có thể làm điều gì đó để tránh cuộc cãi vã, chẳng hạn như đùa giỡn, làm cha mẹ mất tập trung hoặc đóng vai trò là người hòa giải. Trẻ sẵn sàng xoa dịu ngay cả những điềm báo nhỏ nhất về xung đột.

Hơn nữa, sự sợ xung đột này đôi khi trở thành một phần thường trực trong thế giới nội tâm của trẻ. Trẻ biết được những mặt tồi tệ nhất của cha mẹ mình, mà không biết rằng hai người có thể khác nhau mà vẫn có thể bình tĩnh nói chuyện với nhau.

Hạnh phúc của trẻ so với lợi ích của hôn nhân

Là bậc cha mẹ thì điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Trước hết, đó là lời mời gọi để giữ lại các cuộc trao đổi của người lớn khi không có mặt trẻ. Nhưng đó cũng là lời kêu gọi giải quyết vấn đề sớm, tốt nhất là ngay khi chúng phát sinh. Việc trì hoãn vô thời hạn có thể khiến những vấn đề ngày càng lớn thêm giống như một tảng băng trôi.

Người ta thường nói rằng mối tương quan hôn nhân phải được đặt lên hàng đầu, bởi vì con cái cần tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng, chúng ta phải đặt lợi ích của trẻ em lên trên hết, tạo cơ hội để trẻ có mối tương quan sâu sắc và đáng tin với người lớn.

Có được như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy động lực để vượt qua những giai đoạn khó khăn trong hôn nhân theo cách có thể cứu vãn tâm hồn mong manh của một đứa trẻ 2 tuổi, 7 tuổi, hoặc một thiếu niên.

Nhưng nếu chúng ta thất bại thì sao? Điều quan trọng nhất là xin lỗi và giải thích rằng những gì đã xảy ra không phải là lỗi của trẻ. Chúng ta muốn mọi người trong gia đình mình cảm thấy quan trọng và cần thiết.

***

Ngoài ra, là những gia đình Công giáo, chúng ta có mẫu gương tuyệt vời của Thánh gia. Rõ ràng là, Thánh Giuse, Mẹ Maria và trẻ Giuse không thể không trải nghiệm những khó khăn, thách đố trong đời sống gia đình, nhưng các ngài luôn đối diện và cùng nhau giải quyết những tình huống như thế với tình yêu thương, khiêm tốn, lắng nghe, và tôn trọng nhau. Và trên tất cả, các ngài luôn tìm kiếm để cả gia đình cùng thi hành ý muốn của Thiên Chúa, cách trọn vẹn nhất.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (16. 07. 2023)

Nguồn: hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận