TƯƠNG QUAN VỚI CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH:
SỰ THA THỨ VÀ ÂN SỦNG CỦA CHÚA
Dom Cingoranelli
WHĐ (17.08.2023) – Trong cuộc sống, đôì khi vì những bất đồng, cãi cọ, tranh chấp và những hành vi thái quá khiến các thành viên trong gia đình tìm mọi cách để tránh dành thời gian cho nhau. Một số người thậm chí còn muốn cắt đứt luôn mối tương quan xã hội giữa họ và người thân. Vào thời điểm không ngừng bị tấn công từ các thế lực bên ngoài như hiện nay, thì điều quan trọng mà bất cứ gia đình nào cũng cần phải quan tâm đó là những xung đột nội bộ đang diễn ra, để có thể cùng nhau đứng vững, như là một gia đình.
Gia đình hạnh phúc và gia đình bất hạnh
Lời nhận xét thú vị được trích dẫn từ tác phẩm Anna Karenina của văn hào Tolstoy xuất hiện trong tâm trí tôi: “Tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình bất hạnh đều bất hạnh theo cách riêng của họ”. Tôi tin rằng có thể có nhiều cách giải thích và bào chữa khác nhau về lý do cho sự bất hòa cũng như bất hạnh trong gia đình.
Những nguyên nhân có thể gây ra bất hòa trong gia đình
Thật ra, sự bất hòa có thể phát sinh từ bất kỳ nguyên nhân nào. Sống chung với nhau, hầu hết chúng ta đều biết đến những “nút nóng” riêng của từng người trong gia đình mình. Nói cách khác, đôi khi thật dễ dàng để khiến ai đó “nổi giận”, mặc dù người chạm vào nút nóng đó chỉ đơn thuần là để cho vui, nhưng người bị “nhấn nút” có thể không thấy sự hài hước, mà thay vào đó, là thấy bị tổn thương.
Đôi khi một thành viên trong gia đình có quan điểm mạnh mẽ về các chủ đề chính trị, văn hóa, hoặc tôn giáo trái ngược với quan điểm của các thành viên khác. Và sau đó, sự khác biệt này dẫn đến tình trạng giống như “dầu pha với nước” khiến cho sự khó chịu, khắc khẩu trở thành triệu chứng gây nên sự xa cách giữa các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, theo dòng thời gian, một số sự cạnh tranh, ghen tị nào đó giữa các anh chị em cũng có thể phát triển hơn lên. Điều này cũng không có gì lạ, bởi vì sự ganh tị giữa anh em ruột thịt đã tồn tại từ thời Cain và Abel.
Tha thứ lỗi lầm cho nhau
Mặc dù sự khác biệt, như được đề cập trên đây, có thể gây ra một số vấn đề, nhưng tình trạng khó chịu, căng thẳng liên tục ở một số gia đình có thể xuất phát từ thực tại sâu xa hơn đó là thiếu sự tha thứ cho những sai lầm của nhau trong quá khứ. Chẳng hạn, ai đó đã nói hoặc làm điều gì đó xúc phạm tôi, từ nay, tôi sẽ giữ khoảng cách và không muốn liên quan gì đến người ấy nữa. Nên việc họ có vô tình hay cố ý xúc phạm tôi hay không đều không quan trọng. Với tôi, tôi tin rằng họ luôn luôn thực sự có ý định làm tổn thương tôi. Bất cứ điều gì họ đã nói, đã làm trong thời điểm đó mà với tôi, là điều ngu ngốc hoặc gây tổn thương, tôi sẽ nắm chặt lấy nó, và gặm nhấm trong lòng thay vì tha thứ cho họ.
Đức Giám mục Barron kể lại câu chuyện về một vị giúp tĩnh tâm nói với một nhóm dự tĩnh tâm rằng: “Mỗi người hãy nghĩ đến một người nào đó mà mình thấy khó tiếp nhận nhất và hãy kể lại chi tiết những đặc điểm khiến người ấy trở nên quá đáng ghét đối với mình như vậy. Sau đó, ngài khuyên họ trở về phòng và cầu xin Chúa tha thứ cho những lỗi lầm giống như vậy nơi chính bản thân từng người”. Thật là một cơ hội tuyệt vời! Nhìn vào gương, và với sự trợ giúp đỡ của ơn Chúa, chúng ta có thể thực hiện bước đầu tiên để tha thứ và bỏ đi sự oán giận đối với những thành viên khó ưa trong gia đình.
Vết thương nuôi dưỡng thù hận
Tuy nhiên, việc không thừa nhận ai đó cũng như sự xáo trộn trong gia đình nói chung có thể vượt quá điều đơn giản là từ chối sự tha thứ và lòng thương xót. Tận cùng của vấn đề đó là sự tổn thương của chính chúng ta. Phải công nhận rằng, khi sống chung, ai trong chúng ta cũng đều có thể gây tổn thương và bị tổn thương cách nào đó. Có điều là, chúng ta ít khi quan tâm đến vết thương mình gây ra, nhưng lại rất lưu tâm đến vết thương của mình, chính mâu thuẫn này phát sinh những lời nói dối mà chúng ta tự trấn an mình. Những tổn thương nơi chúng ta tạo cơ hội cho ma quỷ gây ảnh hưởng đến suy nghĩ và khiến chúng ta lặp đi lặp lại và mở rộng những lời nói dối đó. Qua lăng kính méo mó này, chúng ta không còn nhìn thấy thực tại khách quan mà chỉ nhìn thấy những vết thương theo thành kiến của mình. Từ đó, chúng ta thường quan sát thành viên mà mình có ác cảm nói hoặc làm điều gì đó, và ngay lập tức, chúng ta giả định về động cơ của họ, và rồi, sự tổn thương đang có sẵn mở ra cho chúng ta khả năng phòng thủ và đưa ra những giả định thiên kiến. Tiến sĩ Edgar Schein nói rằng, chính điều này dẫn chúng ta đến những phản ứng cảm xúc không phù hợp, và chúng ta không biết rằng mình đã thực hiện một cú nhảy cấp độ Olympic dẫn đến một kết luận sai lầm. Và cứ thế, mối tương quan của chúng ta với thành viên ấy tiếp tục xuống dốc.
Chúng ta không nhìn như Thiên Chúa nhìn
Khi nhìn vào những tính cách khác biệt, những tính xấu, những điều khó chịu nơi các thành viên trong gia đình mình, chúng ta rất dễ quên rằng tất cả mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Không những thế, chúng ta cũng quên là Thiên Chúa yêu thương người khác vô bờ bến và vô điều kiện, bất chấp những gì tốt đẹp chúng ta không thấy nơi họ. Đồng thời, nhiều khi chúng ta không biết là có thể họ đang trải qua điều gì vào thời điểm khiến họ hành động như vậy, kể cả việc bản thân họ đang bị tổn thương vì lời nói hoặc hành vi của chính chúng ta.
Là con người, ai trong chúng ta cũng có những giới hạn nhất định, nên chúng ta không nhìn như Thiên Chúa nhìn, không thấy như Thiên Chúa thấy ngay cả khi chúng ta cố gắng để nhìn thấy điều tốt, điều chân thật, và điều đẹp đẽ nơi người khác. Thậm chí, dù có tháo bỏ những lăng kính méo mó của mình, thì chúng ta vẫn không thể nhìn thấy bức tranh bao quát hơn như Thiên Chúa thấy.
Hơn nữa, cũng không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn nhận bản thân – hành vi và động cơ của chính mình – một cách rõ ràng và không thành kiến. Trên thực tế, đã bao nhiêu lần chúng ta nghĩ rằng không phải mình mà là người khác cần thay đổi như thế nào? Thật dễ dàng để chúng ta chỉ ra những sai phạm của người khác, nhưng lại thường mù quáng trước lỗi lầm của chính mình.
Xa lánh
Một số người có thể nói: “Tôi muốn hoặc thực sự cần phải tránh những người gây phiền hà và khiến tôi căng thẳng”. Liệu đây có phải là điều Chúa Giêsu đã làm khi Người thi hành sứ vụ công khai chăng? Các sách Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu đã luôn ở giữa đám đông, ngay cả với những người có hành vi sai trái, thậm chí cố ý đối xử tệ với Người.
Chúng ta thường chọn cách đơn giản nhất đó là né tránh những người thân trong gia đình mà chúng ta không ưa hoặc vì họ đã nói hoặc làm điều gì đó mà chúng ta coi là xúc phạm đến mình. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm điều này mãi mãi, vì đó chỉ là một cơ chế đối phó ngắn hạn. Xét cho cùng, cách chúng ta phản ứng với một người nào đó nói lên nhiều điều về chính chúng ta hơn là về họ.
Qua gương của Chúa Giêsu, bằng cách tương tác với những người ấy, rất có thể Người muốn chúng ta trở thành chứng tá về thế nào là tình yêu đích thực của Kitô hữu. Với ơn thánh, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy mình có thể thay đổi động cơ bằng cách thay đổi hành vi của chính mình ra sao. Từ đó, chúng ta có thể lớn lên trong nhân đức, và điều này chắc chắn cũng giúp ích cho các thành viên trong gia đình chúng ta.
Ơn trợ lực của Chúa
Thiên Chúa muốn giúp chúng ta yêu thương những người thân trong gia đình mình, nhưng đôi khi chúng ta, vì nhiều lý do, cảm thấy điều này là bất khả thi. Chúng ta cần ơn Chúa. Với sự luyện tập và trợ lực của ân sủng, chúng ta có thể học biết làm thế nào để không vấp ngã trước những lời nói, hành vi không thích hợp của người khác bằng cách thay đổi suy nghĩ và hành vi của chính mình.
Chúng ta cũng cần cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn lên, không chỉ về sức mạnh mà còn về sự khôn ngoan và lòng bác ái. Ơn khôn ngoan để giúp chúng ta nhìn, hiểu, và đón nhận những thành viên khó ưa trong gia đình với sự kiên định, kiên trì, và kiên nhẫn. Lòng bác ái để giúp chúng ta lớn lên khi học cách tương tác với người khác, cả trong và ngoài gia đình, bằng tình yêu như Chúa yêu.
“Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Liệu cách cư xử của chúng ta đối với những người trong gia đình có cho thấy chân lý này chăng? Liệu gia đình của chúng ta sẽ cho thấy chân lý này được thể hiện nơi chúng ta như thế nào?
***
Nếu bạn muốn đem lại hạnh phúc cho toàn thế giới,
hãy về nhà và yêu thương gia đình mình.
(Thánh Têrêsa Calcutta).
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: catholicstand.com (11. 08. 2023)
Có thể bạn quan tâm
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11