Ủy ban Giáo dân
Hội đồng Giám mục Việt Nam
THƯỜNG HUẤN THÁNG 08/2024:
TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG
Bài 1: CĂN TÍNH TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI Bài 2: CHIA SẺ ĐỨC TIN QUA LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM |
BÀI 1. CĂN TÍNH TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín,S.J.
Căn tính truyền giáo của Giáo hội bắt nguồn từ sứ mệnh và lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16).[1] Truyền giáo không chỉ một sứ vụ, mà còn là tâm điểm sứ mạng của Giáo Hội và là căn tính của Giáo hội: “Bản chất Giáo Hội là truyền giáo”[2]. Chính Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Giáo Hội để thi hành sứ mạng này: “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của tất cả sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội”[3].
Căn tính truyền giáo của Giáo Hội được nuôi dưỡng từ sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội được mời gọi trở thành một cộng đoàn hiệp nhất, một Dân Riêng của Thiên Chúa. Sự hiệp thông này giúp Giáo Hội trở thành “một dân được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[4]. Mối hiệp thông này là nguồn năng động vận hành sứ mạng của Giáo Hội, để mọi thành phần trong Giáo Hội, từ giáo sĩ đến giáo dân, tham gia vào sứ mạng truyền giáo.
Căn tính truyền giáo của Giáo Hội một đàng được thể hiện qua đời sống cá nhân của mỗi Kitô hữu giáo dân, những người được mời gọi từ những gia đình công giáo đa dạng trên nền tảng thiêng liêng phong phú, những người đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Lumen Gentium đã xác định rằng giáo dân được tham dự vào chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô. Chức năng tư tế của giáo dân thể hiện qua việc dâng hiến cuộc sống hàng ngày như một hy lễ sống động lên Thiên Chúa, qua việc tham gia các cử hành phụng vụ và sống đời sống cầu nguyện. Chức năng tiên tri được thể hiện qua việc rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và hành động, làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống. Chức năng vương đế được thể hiện qua việc giáo dân tham gia xây dựng và phát triển xã hội theo các giá trị của Tin Mừng.
Đàng khác, căn tính truyền giáo của Giáo Hội được cưu mang nơi đời sống cộng đoàn, cách cụ thể nơi các giáo xứ, những cộng đoàn cơ sở của Giáo Hội. Giáo xứ được coi là trường học truyền giáo của Giáo Hội, nơi mọi thành phần dân Chúa được đào luyện và khuyến khích để tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Giáo xứ không chỉ là nơi cử hành các bí tích mà còn là nơi xây dựng cộng đoàn, là nơi phát triển đời sống đức tin và thực hành bác ái. Do vậy, giáo xứ cần duy trì và làm tươi trẻ niềm tin nơi con người hôm nay, trở thành nơi mà giáo dân có thể tham gia vào các hoạt động tông đồ một cách hữu hiệu và thiết thực.
Trong cộng đoàn Giáo Hội nói chung và giáo xứ nói riêng, căn tính truyền giáo của Giáo Hội không thể tách rời khỏi sự hiệp nhất trong đa dạng. Giáo Hội được mời gọi tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống, từ đó làm phong phú thêm đời sống đức tin và sự hiệp thông của mình. Sự hiệp nhất này không phải là sự đồng nhất, mà là sự hòa hợp trong yêu thương và sứ mạng chung.
Trong thế giới hiện đại, Giáo Hội phải đối mặt với nhiều thách thức như sự thế tục hóa, bạo lực và bất công. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Giáo Hội thể hiện căn tính truyền giáo của mình một cách mạnh mẽ hơn. Bằng cách dấn thân vào các thực tại trần thế, bảo vệ công lý và hòa bình, đặc biệt là qua việc sống đời sống chứng nhân, Giáo Hội không ngừng lan tỏa ánh sáng Tin Mừng đến mọi ngóc ngách của thế giới. Sự tham gia của giáo dân vào sứ mạng truyền giáo qua đời sống giữa trần thế diễn tả cụ thể bản chất truyền giáo của Giáo Hội, là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.
Hồi tâm trở về nơi căn tính truyền giáo của Giáo Hội, chúng ta được nhắc nhớ lời mời gọi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Từ giáo sĩ đến giáo dân, tất cả đều được mời gọi sống và chia sẻ Tin Mừng. Sự hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn sức mạnh và định hướng cho mọi hoạt động truyền giáo, giúp Giáo Hội không ngừng phát triển và lan tỏa tình yêu Thiên Chúa đến mọi nơi, mọi nẻo đường nơi trần thế.
Hồi tâm
1/ Tôi có thể làm gì để sống căn tính truyền giáo của Giáo Hội?
2/ Tôi trải nghiệm thế nào về việc tham gia sứ mạng truyền giáo tại giáo xứ?
3/ Giáo xứ tôi có những sáng kiến gì để mỗi thành viên trong giáo xứ ý thức hơn về căn tính truyền giáo của Giáo Hội, có thể làm gì để căn tính truyền giáo của Giáo Hội thể hiện qua đời sống và các hoạt động tại giáo xứ?
Bài 2: CHIA SẺ ĐỨC TIN QUA LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM
Lm. Antôn Hà Văn Minh
Đức tin là gì? Đức tin trước hết là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cách nhưng không cho con người qua Hội Thánh. Quà tặng đó chính là tình yêu, đã được tỏ bày và trao ban qua Người Con duy nhất của Ngài. Theo Đức Bênêđictô XVI: “Tin là một cuộc gặp gỡ với con người Giêsu, và qua cuộc gặp gỡ đó mà nhận ra rằng, ý nghĩa của thế giới là một con người, một Ngôi vị sống động”[5]. Cuộc gặp gỡ này được gọi là đức tin vì con người mà chúng ta gặp gỡ đó không đơn thuần là một con người trần thế, nhưng đó là “vị Thiên Chúa làm người”, là Logos: Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa, Logos đó “đã trở nên người phàm” (Ga 1, 14).
Đức tin chúng ta nhận lãnh, nói như Đức Phanxicô, “đó không phải là một ‘bài hát ru’ ru chúng ta chìm vào giấc ngủ, mà là một ngọn lửa sống để giữ cho chúng ta tỉnh táo và năng động thậm chí ngay cả vào ban đêm”[6]. Đức tin phải là ngọn lửa thôi thúc chúng ta luôn tìm cách gặp gỡ Chúa qua cầu nguyện, qua các hành vi bác ái, và làm nảy nở trong chúng ta niềm vui khôn tả, để qua đó chúng ta muốn lan tỏa nó ra khắp thế giới, “mang nó đến với mọi người, để mỗi người có thể khám phá sự dịu dàng của Chúa Cha và cảm nghiệm được niềm vui của Chúa Giêsu, điều này làm cho tâm hồn được rộng mở – và Chúa Giêsu mở rộng con tim của chúng ta – và làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp”[7].
Chúng ta không giữ niềm vui đức tin mang lại cho riêng mình, nhưng chúng ta phải làm cho niềm vui đó được lan tỏa. Hành vi đó được gọi là thông truyền đức tin. Chúng ta thông truyền đức tin bằng chính lời nói và việc làm.
Bằng lời nói
Lời thông truyền đức tin đến người nghe phải là lời nói chan chứa niềm vọng được đâm rễ sâu từ một tâm hồn cảm nghiệm thâm sâu về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Điều đó đòi hỏi mỗi người tín hữu chúng ta phải Phúc âm hóa chính mình. Có nghĩa là mỗi người phải thực hiện cuộc canh tân chính đời sống kitô hữu của mình để theo yêu cầu của Tin Mừng nhờ đó đức tin của mình thực sự trở thành sức hấp dẫn. Canh tân trước tiên là thực hiện cuộc hoán cải để “tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại sự hăng say thông truyền đức tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu – vốn là điều không thể thiếu – kín múc được sức mạnh và năng lực trong sự khám phá hằng ngày tình yêu của Chúa. Thực vậy, đức tin tăng trưởng khi được sống như một cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh và khi được thông truyền như một kinh nghiệm về ơn thánh và niềm vui. Đức tin phong phú hóa, vì mở rộng con tim trong niềm hy vọng và giúp mang lại một chứng tá có khả năng sinh sản: nó mở rộng tâm trí của những người lắng nghe và đón nhận lời Chúa, mời gọi gắn bó với Lời Ngài để trở thành môn đệ của Ngài”[8].
Thông truyền đức tin chính là nói về Chúa Giêsu, lời chuyển tải đức tin được cất vang lên từ sự hiệp thông với Chúa Giêsu cách thâm sâu. Chính trong sự hiệp thông này đã thắp lên trong chúng ta ngọn lửa yêu mến thúc bách chúng ta (x. 2Cr 5,14) nói về Chúa Giêsu với sự xác tín rằng: không nhận biết Tin Mừng là một thiếu sót không có chi bù đắp được, vì chỉ có Tin Mừng mới mang lại sự sống đích thật. Nói về Chúa Giêsu không là kể về một nhân vật, một câu chuyện, nhưng là trình bày một khuôn mặt sống động nơi mỗi người kitô hữu, một Đức Kitô luôn quan tâm đến nỗi bất hạnh của người khác về thể xác cũng như tinh thần, một Đức Kitô đầy lòng trắc ẩn, không bao giờ bỏ qua lời van xin chữa lành, một Đức Kitô ngập tràn tình yêu và lòng khoan dung để thứ tha, để bênh đỡ chở che cho những người cô thân cô thế, một Đức Kitô không mệt mỏi trên đường tìm kiếm những con chiên lạc đường chính lộ…
Việc thông truyền đức tin trước tiên phải khởi đi từ việc tùy thuộc vào sự kết hợp sống động của chính họ với Chúa Kitô, Đấng đã phán: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sinh được nhiều hoa trái, vì không có Thầy các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Công đồng Vatican II đã dạy: “Đời sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo Hội, được nuôi dưỡng bằng lương thực thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng việc tham dự tích cực vào Phụng Vụ thánh, để khi hưởng dùng lương thực đó, trong khi chu toàn tốt đẹp các nhiệm vụ trần thế nơi những hoàn cảnh sống thường ngày, người giáo dân không để cuộc sống bị tách rời, trái lại luôn tăng triển trong sự kết hợp với Chúa Kitô qua việc chu toàn bổn phận theo ý Thiên Chúa. Bằng cách đó, người giáo dân sẽ tiến tới trong sự thánh thiện với niềm vui và lòng hăng hái, cố gắng vượt qua các khó khăn không thể tránh khỏi với sự khôn ngoan và lòng kiên nhẫn” [9].
Như vậy, lời thông truyền đức tin là lời thấm đẫm Tin Mừng, lời được cất lên từ trái tim yêu của Chúa Giêsu, nên lời đó là lời loan báo về niềm vui và hạnh phúc. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, bởi vì đức tin là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời để chia sẻ”. Không có niềm vui, việc loan báo Tin Mừng là vô ích. Đức Thánh Cha nói: Nhưng làm chứng cho Chúa Giêsu, với niềm vui, thực hiện những hành động nhân danh Người, với niềm vui, là để chứng tỏ rằng: “Chúng ta đã nhận được một món quà quá đẹp đến nỗi không lời nào có thể diễn tả được”[10]. Đó là lý do để chúng ta thấy tại sao những người tin không bao giờ đơn độc cả, và tại sao đức tin có khuynh hướng truyền lan, vì nó mời gọi người khác chia sẻ niềm vui của nó. Những ai tiếp nhận đức tin đều khám phá ra rằng các chân trời của họ mở rộng như mới và nhiều liên hệ làm người ta phong phú được phát sinh.[11]
Việc thông truyền đức tin bằng lời còn hướng tới việc dạy Giáo lý. Đức Gioan Phaolô II trong tông huấn Catechesi tradendae đã nói: Việc dạy giáo lý được tái đề nghị như phần thiết yếu của công cuộc giáo dục đức tin, mà nó bắt đầu với lời công bố Tin Mừng đầu tiên (kerygma) nhằm mục đích khơi dậy đức tin[12].
Đặc biệt, gia đình là môi trường lý tưởng để cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Trong gia đình, đức tin đi cùng với mọi lứa tuổi của cuộc đời, bắt đầu với tuổi ấu thơ: trẻ em học cách tin tưởng vào tình yêu của cha mẹ. Đó là lý do tại sao điều rất quan trọng trong gia đình là cha mẹ khuyến khích chia sẻ đức tin để có thể giúp trẻ em từ từ trưởng thành trong đức tin của chúng. Đặc biệt là người trẻ, đang trải qua một giai đoạn trong cuộc sống rất phức tạp, phong phú và quan trọng đối với đức tin của các em. Các em cần phải cảm thấy sự gần gũi và nâng đỡ thường xuyên của gia đình và Hội Thánh trong cuộc hành trình đức tin của các em”[13].
Bằng việc làm
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong tông huấn loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) đã nói: “Trước tiên Tin Mừng phải được công bố bằng chứng tá. Chẳng hạn giữa cộng đoàn nhân loại mà họ đang sống, một Kitô hữu hay một nhóm Kitô hữu, biểu lộ khả năng cảm thông và đón nhận, chia sẻ đời sống và số phận với những người khác, tỏ tình liên đới trong những nỗ lực chung nhằm đạt được những gì là cao quý và tốt đẹp nhất. Hoặc là, một cách thực đơn giản và tự nhiên, họ chiếu tỏa niềm tin của mình nơi những giá trị vượt xa những giá trị thông thường, niềm trông cậy vào điều mà người khác không thấy và có lẽ không dám mơ tưởng tới. Nhờ chứng tá không lời này, Kitô hữu gợi lên những vấn nạn bất khả kháng trong tâm hồn những kẻ trông thấy họ sống: Tại sao họ là những người như thế? Tại sao họ sống như vậy? Cái gì hoặc ai đã thôi thúc họ? Tại sao họ ở giữa chúng ta? Một chứng tá như vậy đã là sự công bố Tin Mừng tuy thầm lặng nhưng rất mãnh liệt và hiệu nghiệm”[14]. Và ngài nhấn mạnh: Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”[15]. Thánh Giáo hoàng chỉ tiếp việc mà chúng ta phải làm, để thông truyền đức tin chính là cách xử thế trong mối giao tiếp hàng ngày, “bằng đời sống mà Giáo Hội sẽ rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nghĩa là bằng chứng tá đời sống trung thành với Đức Kitô, sống nghèo khó và từ bỏ, sống không lệ thuộc vào các quyền lực thế gian, tắt một lời, chính bằng đời sống thánh thiện mà Giáo Hội rao giảng Tin Mừng”[16].
Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi thông truyền đức tin bằng chính đời sống của mình, qua những việc làm phát xuất từ lòng đạo đức được nuôi dưỡng bằng những giáo huấn Tin Mừng, cụ thể qua Lời Chúa và Thánh Thể. Mọi hành động loan báo Tin Mừng được kín múc từ hai yếu tố nền tảng này, bởi trọng tâm của đức tin là chính Chúa Kitô, và việc thông truyền đức tin không gì hơn là làm cho mọi người nhận biết Đức Kitô bằng chính đời sống của mình, một đời sống được biến đổi nên giống Chúa nhờ Lời và Thánh Thể. Đức Phanxicô đã nói: Các tín hữu học cách nhìn chính mình theo đức tin mà họ tuyên xưng: Hình ảnh của Đức Kitô là tấm kính mà ở đó họ tìm thấy hình ảnh riêng của họ được thể hiện[17].
Và như đức Kitô, chúng ta thông truyền đức tin bằng chính những hành vi yêu thương mà Chúa đã dạy: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Yêu thương như Thầy là làm một cuộc canh tân đi ra khỏi chính mình, khỏi một lối sống ích kỷ, một thái độ đề cao cá nhân và loại trừ tha nhân. Thông truyền đức tin trước tiên là biểu tỏ một kết nối với mọi người. “Đức tin không kéo chúng ta ra khỏi thế gian hoặc tỏ ra xa lạ với những quan tâm cụ thể của con người thời đại. Nếu không có một tình yêu đáng tin cậy, thì không có gì thực sự có thể làm cho con người thực lòng hợp nhất với nhau”[18]. Sự kết nối mà đức tin của người Kitô hữu thể hiện, được xây dựng trên tinh thần mọi người đều là anh chị em với nhau, và chỉ mong muốn sự thiện hảo cho nhau.
Ánh sáng đức tin cũng không làm cho chúng ta quên đi những đau khổ của thế giới này. Sự đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng việc phục vụ công ích của đức tin luôn luôn là việc phục vụ của hy vọng. Vì thế, việc thông truyền đức tin phải thể hiện một thái độ phục vụ một niềm hy vọng nhìn về phía trước, trong khi biết rằng xã hội của chúng ta chỉ có thể tìm thấy nền tảng vững chắc và lâu dài của nó từ Thiên Chúa, từ một tương lai đến từ Chúa Giêsu Phục Sinh mà thôi. Do đó, đức tin được thông truyền là đức tin sống động, không là một đức tin của một công thức. Đức tin phải được thắp sáng bằng hành động từ những điều chúng ta tuyên xưng. Lời nói phải đi đôi với việc làm, lời tuyên xưng phải được minh chứng bằng những hành động cụ thể. Có như thế, việc thông truyền đức tin đích thật là một hành vi trao ban điều mà chúng ta xác tin, chúng ta sống và chúng ta làm chứng.
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong tông huấn Evangelii Nuntiandi đã nói về mối tương quan giữa lời nói và chứng tá trong việc thông truyền đức tin: “Chứng tá không chưa đủ, vì chứng tá cho dù đẹp đẽ nhất sẽ trở nên vô hiệu theo thời gian, nếu nó không được soi sáng, chứng minh, nghĩa là theo thánh Phêrô “đưa ra những lý lẽ cậy trông” (1Pr 3,15) và nếu nó không được diễn đạt bằng một sự loan báo rõ ràng, không mập mờ về Đức Kitô. Tin Mừng đã được công bố nhờ chứng tá đời sống, sớm hay muộn phải được công bố bằng Lời hằng sống. Không có Phúc âm hóa thật nếu danh tánh, lời giảng dạy, đời sống, lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm của Đức Giêsu Nazarét không được công bố”[19].
Như vậy, việc thông truyền đức tin bao gồm lời nói và hành động, hai việc này không thể tách rời và luôn gắn chặt với nhau, Đức Phanxicô còn khẳng định: “Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; công đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác”[20].
Bài 3: NỖ LỰC HỢP TÁC TRUYỀN GIÁO
Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái
Nếu có ai hỏi chúng ta: làm thế nào để đưa một người đến với Chúa? Chắc sẽ có nhiều người cho rằng đây là việc của các linh mục, các tu sĩ. Dĩ nhiên, Giáo Hội Công Giáo cũng có nhiều chương trình, nhiều hoạt động truyền giáo, các giáo phận đang hoạt động bác ái và chia sẻ Chúa cho những người còn chưa biết Chúa, xa cách Chúa. Tuy nhiên, truyền giáo là sứ vụ của người Kitô, của mọi Kitô hữu, của tất cả giáo dân, không trừ một ai. Vậy nên, mỗi người giáo dân phải thấm đẫm tinh thần truyền giáo, ra đi truyền giáo và nhất là cùng nhau nỗ lực hợp tác truyền giáo.
1. Sứ vụ truyền giáo
Chúa muốn chúng ta ra đi khắp nơi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mc 16,15). Chúa muốn chúng ta đưa họ về làm con Chúa, rửa tội cho họ:“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Loan báo Tin Mừng hay truyền giáo là bản chất và là nhiệm vụ hàng đầu của Kitô hữu. Chúng ta có nhiều hình thức rao giảng Tin Mừng, có nhiều cách để truyền giáo cho mọi người biết Thiên Chúa là Đấng hằng sống, là Đấng dựng nên trời đất, là Cha yêu thương, “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6), và Con của Ngài đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Tất cả mọi hoạt động của chúng ta đều mang ý nghĩa truyền giáo nếu mỗi người biết bỏ vào một chút men tình yêu của Chúa.
2. Truyền giáo theo gương Thầy Giêsu
Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để loan báo Tin Mừng cho nhân loại: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18). Chúa đã hy sinh suốt ba năm đi rao giảng, chịu chết trên thập giá cũng là để loan báo tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại và để lại cho chúng ta tấm gương truyền giáo.
Tông đồ truyền giáo trước tiên phải là người cầu nguyện. Dù bận rộn với công việc trừ quỷ, chữa bệnh hay rao giảng, Chúa vẫn thường xuyên thức dậy sáng sớm để cầu nguyện. Cầu nguyện giúp cho chúng ta hồi tâm lại, lấy thêm sức sống của Chúa, năng lượng tích cực của Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng cho những việc chúng ta làm và ban thêm sức mạnh cho chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách, từ đó có thể hoàn thành sứ vụ Chúa trao một cách tốt đẹp.
Hiệp hành là phương tiện truyền giáo hữu hiệu. Chúa Giêsu hiệp hành với hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35 ). Hai môn đệ đã bỏ Giêrusalem, họ đang trên đường về nhà. Chúa đã gặp gỡ, lắng nghe và đồng hành với họ trong đoạn đường dài để thấu hiểu sự chán chường và mất niềm tin, mất niềm hy vọng của họ. Chúng ta có thể học cách tiếp xúc, đối thoại và dẫn đưa những người xa cách trở về theo cách thức của Chúa. Ngài hiệp thông với nỗi buồn của hai môn đệ, Ngài tham gia vào hành trình của họ và đưa Kinh Thánh ra để giải thích và thuyết phục các ông. Rồi Chúa cùng cầu nguyện với họ qua Mầu Nhiệm Bẻ Bánh.
3. Cam đảm truyền giáo
Người tông đồ với lòng can đảm ra đi loan báo Tin Mừng dù thành công hay thất bại, không ngần ngại loan truyền tinh thần Kitô giáo cho môi trường mình muốn. Môi trường này có thể là những người đồng nghiệp, người hàng xóm, bạn bè hay những người nghèo khổ ở vùng ngoại biên. Người tông đồ phải can đảm gặp gỡ họ, lắng nghe họ và bằng việc làm để thu phục họ. Giúp họ nhận ra Chúa qua đời sống khiêm tốn và phục vụ của chính mình.
Người tông đồ cố gắng tận dụng mọi cơ hội để tâm sự với người khác nhưng cũng không vội mong kết quả, mà hãy phó thác tất cả cho sự quan phòng của Chúa và tin tưởng Chúa Thánh Thần sẽ tác động và biến đổi họ.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: có can đảm, không có nghĩa là có sự bảo đảm thành công. Chúng ta được yêu cầu có can đảm để đấu tranh, chứ không cần thiết phải chiến thắng; để loan truyền, chứ không nhất thiết phải làm cho người ta trở lại đạo. Chúng ta được yêu cầu có lòng can đảm để là những giải pháp thay thế cho thế giới, nhưng không bao giờ để tranh luận hay hung hăng.
4. Hợp tác truyền giáo: xây dựng “cột xương sống” Kitô giáo trong môi trường sống
Không phải lúc nào chúng ta cũng truyền giáo một mình, nhưng cần nỗ lực hợp tác với anh em, như lệnh truyền của Chúa: “ Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6, 7 ), và cùng làm có Chúa, với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần trong từng việc làm. Hợp tác với những người trong cùng một đoàn thể, một môi trường hoạt động, cùng một giáo xứ hay là những người trong một môi trường xã hội, môi trường làm việc; nếu họ có cùng một mục đích, theo đuổi chung một lý tưởng, thì mỗi người được ví như một “đốt xương sống”, gắn kết với nhau, luôn hăng say dấn thân, và trân quý nhau, đồng hành với nhau và đưa tình yêu Chúa đến thấm nhuần vào các môi trường đấy. Đó là chúng ta đang xây dựng “cột sống” Kitô giáo, đang nỗ lực hợp tác với nhau truyền giáo trong môi trường mình sinh sống. Có thể chỉ năm mười người trong một giáo họ, hay một nhóm trong cùng đoàn thể, hoặc một nhóm bạn bè cũng có thể kết nối các “đốt xương sống” thành một “cột xương sống” cậy dựa vững chắc vào nhau để ảnh hưởng tinh thần Kitô giáo qua những người trong môi trường chung quanh. Thực tế thì chúng ta cần những nhóm nhỏ năm ba người, hay năm mười người, sẽ dễ hoạt động chung, dễ dàng trao đổi, rút kinh nghiệm và đạt được kết quả trong việc loan báo Tin Mừng.
Truyền giáo không chỉ là làm phép rửa cho những ai tin Chúa đi theo Chúa nhưng còn giúp cho những người sống trong môi trường của mình thấm đẫm tinh thần Kitô giáo, và những người xa cách Chúa được hoán cải. Truyền giáo không chỉ là dẫn đưa một số người đến với Chúa mà còn làm cho môi trường xã hội được biến đổi theo niềm hy vọng của Tin Mừng, theo lý tưởng của Chúa, theo lối sống của Ngài.
Hồi tâm
1/ Tôi ý thức công việc loan báo Tin Mừng hay truyền giáo là sứ vụ của giáo dân, tôi cần sống gương mẫu thánh thiện và chia sẻ Chúa cho người khác, vậy tôi có kế hoạch và hành động thế nào?
2/ Tôi phải làm gì để sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng với tinh thần khiêm tốn phục vụ, không cậy dựa vào sức riêng nhưng phó thác hoàn toàn vào Chúa?
3/ Các bạn trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ, và các Hội đoàn hay những giáo dân bình thường, mỗi người có thể ví như từng “đốt xương sống” gắn kết với nhau thành “cột xương sống” làm sao để hợp tác cùng nhau lan tỏa tinh thần của Chúa trong môi trường mình sinh sống?
Bài 4 – NUÔI DƯỠNG TINH THẦN TÔNG ĐỒ
Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái
Nuôi dưỡng tinh thần tông đồ là quá trình tạo điều kiện và khuyến khích cho mỗi Kitô hữu trở nên sâu sắc hơn trong đức tin và hiệp thông với cộng đồng tín hữu sống sứ vụ. Người Kitô hữu cần thiết tham dự vào các bí tích, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, viếng Thánh Thể, tham dự thánh lễ và các hoạt động tôn giáo khác để củng cố và phát triển đức tin. Ngoài ra, nuôi dưỡng tinh thần tông đồ cũng bao gồm việc thực hành lòng khoan dung, sẻ chia yêu thương cho mọi người qua các hoạt động bác ái, sống hiệp hành với cộng đoàn và với nhau trong đời sống hàng ngày. Điều này giúp họ trở thành những tín hữu mẫu mực, đồng thời xây dựng một cộng đồng đức tin mạnh mẽ và hiệp nhất yêu thương.
Người tông đồ cần rèn luyện các nhân đức cần thiết để sống trong cộng đoàn như: hy sinh, khiêm tốn, phục vụ, tận tâm,… Họ không chỉ tương quan đến cộng đồng tín hữu mà còn mở rộng ra bên ngoài với bạn hữu, đồng nghiệp, môi trường xã hội, nhất là những người nghèo khổ, những người ở vùng ngoại biên hay những người bị xã hội loại trừ. Họ cũng cần được trau dồi kiến thức và học hỏi về Chúa và Giáo Hội để nuôi dưỡng tinh thần tông đồ.
Các mục tử cần nuôi dưỡng tinh thần tông đồ giáo dân. Ơn gọi Kitô hữu đòi hỏi giáo dân hoán cải, sống mật thiết với Chúa và dấn thân vào những hoạt động loan báo Tin Mừng. Để được như thế, rất cần thiết họ tham gia vào các lớp huấn luyện và tự đào luyện dưới nhiều hình thức, nhiều chương trình để có tâm thức về Chúa và Giáo Hội. Người giáo dân không chủ động được nhiều về việc học hỏi nhưng cần đến sự trợ giúp của mục tử: các giám mục, các linh mục, tu sĩ nam nữ. “Các ngài phải ra sức nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và tinh thần tông đồ nơi các đoàn thể Công Giáo đã được trao phó cho các ngài. Các ngài phải hiện diện trong hoạt động tông đồ của các đoàn thể đó bằng ý kiến khôn ngoan và cổ võ những sáng kiến của chúng”[21].
Nuôi dưỡng tinh thần tông đồ nơi cộng đoàn cho chúng ta tinh thần hiệp nhất, lắng nghe và hợp tác dễ dàng hơn, là nền móng để vượt qua những khó khăn và thách thức nếu có trong giáo xứ hay hội đoàn Công Giáo tiến hành. Tinh thần tông đồ trong cộng đoàn giúp tạo ra sự hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ, làm cho cộng đoàn có sự tin tưởng nhau hơn và hỗ trợ lẫn nhau trong những hoạt động của Giáo Hội nơi mình sống đạo.
Tham gia vào cộng đoàn nhỏ, với cách thức như cộng đoàn cơ bản, người giáo dân thường xuyên gặp nhau, hỗ trợ nhau và làm cho tình bạn triển nở với những giá trị tự nhiên, đồng thời đưa họ đến những giá trị siêu nhiên. Họ dẫn dắt nhau sống nội tâm, hoạt động bác ái, loan báo Tin Mừng cùng nhau với những phương cách giúp họ trở nên Kitô hữu đích thực hơn. Chúng ta có thể nói họ đang nuôi dưỡng tinh thần tông đồ cho nhau.
Nuôi dưỡng tinh thần tông đồ để được hiểu biết Chúa Kitô nhiều hơn, gặp Chúa Kitô, yêu mến Chúa Kitô, gắn kết với Chúa trong ân sủng, ở lại với Chúa và chia sẻ Chúa cho người khác. Như vậy chúng ta cần có đời sống cầu nguyện, sống lời Chúa, say mê Thánh Thể Chúa và sống tình hiệp thông với anh em ngày càng nhiều hơn. Cha Matêô định nghĩa người tông đồ: “Chén đầy Chúa Kitô và tràn phần dư cho các linh hồn”. Mỗi Kitô hữu có bổn phận nuôi dưỡng tinh thần tông đồ của mình và anh em để được Chúa Thánh Thần thôi thúc ra đi rao giảng Tin Mừng. Chúng ta cần kiên trì nuôi dưỡng và chờ đợi Chúa Thánh Thần thổi lửa vào tâm hồn, chúng ta sẽ mạnh dạn bước đi dưới ánh sáng của Chúa. Điều quan trọng là chúng ta phải luyện cho có hồn tông đồ, có sức sống của Chúa, có thể tràn lan tình yêu Chúa qua người khác và nhờ thế họ được Chúa đánh động.
Đời sống trong ân sủng với lòng sùng đạo thắm thiết sẽ nuôi dưỡng tinh thần tông đồ thường xuyên, giúp ta nhận ra ơn gọi giáo dân của mình, và cố gắng Phúc Âm hóa môi trường sống. Chúng ta đừng quên rằng ở lại với Chúa Kitô và tình yêu của Ngài rồi, chính Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta ra đi và ban thêm sức mạnh cho chúng ta. Mặt khác, đừng bỏ phí ơn Chúa và cưỡng lại kế hoạch của Chúa nhưng hãy xin Chúa soi sáng để nhận ra tiếng nói của Chúa, nhận ra lời Chúa dạy như là sứ điệp trong từng ngày sống mà Chúa muốn trao gửi cho chúng ta.
Hồi tâm
1/ Tôi có nuôi dưỡng tinh thần tông đồ bằng cách siêng năng viếng Thánh Thể, siêng năng cầu nguyện với lời Chúa, siêng năng luyện tập nhân đức không. Chương trình của tôi về những việc này thế nào?
2/ Tôi có thói quen sống hiệp hành với cộng đoàn giáo xứ và hội đoàn, với cộng đoàn thân hữu nhỏ không. Tôi có những trải nghiệm tích cực nào?
3/ Tinh thần tông đồ được nuôi dưỡng có giúp tôi sống quảng đại bác ái và chia sẻ tinh thần hay vật chất cho người khác, cách riêng với những người nghèo khổ, những người có hoàn cảnh khó khăn không. Kế hoạch của tôi về việc này thế nào?
Nguồn: hdgmvietnam.com
_______
[1]X. Mt 28,19-20.
[2] Vat. Ad Gentes, số 2.
[3] Gioan Phaolô II, Redemtoris missio, số 21.
[4] Vat. Lumen Gentium, số 4.
[5] J. RATZINGER, Einführung in das Christentum (Đức tin Kitô giáo – Hôm qua và Hôm nay), chuyển Việt ngữ: Lm Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, Tôn Giáo 2009, 79.
[6] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài chia sẻ vào Chúa nhật giờ kinh truyền tin ngày 14/8/2022, tai quảng trường Thánh Phêrô, Rôma
[7] Nt.
[8] Đức Bênêđictô XVI, Tông sắc Porta Fidei về việc khai mở năm Đức tin, 17.10.2011, s. 7.
[9] Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem, số 4.
[10] Đức Phanxicô, 12 lời khuyên để trở thành người Loan Báo Tin Mừng cách tuyệt hảo (Douze conseils du pape François pour devenir un as de l’évangélisation), nguồn: fr.aleteia.org (19.10.2023) https://xuanbichvietnam.net/trangchu/muoi-hai-loi-khuyen/
[11] Đức Phanxicô, Thông điệp Ánh sáng Đức tin (Lumen Fidei), số 39
[12] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn về việc dạy Giáo lý (Catechesi tradendae) số 18
[13] Đức Phanxicô Thông điệp Ánh sáng Đức tin (Lumen Fidei), số 53.
[14] Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 11
[15] Nt số 41
[16] Nt
[17] Đức Phanxicô Thông điệp Ánh sáng Đức tin (Lumen Fidei) số 22
[18] Nt số 57
[19] Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 22
[20] Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), số 240.
[21] Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, mục Hàng giáo sĩ phải giúp đỡ việc tông đồ giáo
Có thể bạn quan tâm
Cái nhìn tổng quát về Hồng y đoàn từ sau Công nghị ngày..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12
Tại Sao Ngày Chúa Giêsu Ra Đời Được Gọi Là Christmas?
Th12
Ngày 13/12: Thánh Lucia, Trinh nữ, Tử đạo
Th12
Các Giám mục Á châu kêu gọi lắng nghe nhiều hơn và áp..
Th12
Legio Mariae Comitium Hà Tĩnh Ngày Tổng Hội Thường Niên
Th12
Gia Đình Thánh Mátthêu Giáo Phận Tĩnh Huấn & Mừng Lễ Quan Thầy
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm C
Th12
Vatican Ra Mắt Bảng Điều Khiển Trực Tuyến Về Hồng Y Đoàn
Th12
VPTGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Truyền Chức Phó Tế
Th12
Hội Legio Mariae Giáo Hạt Hoà Ninh Mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm..
Th12
Bài Hát Chính Thức Cho Năm Thánh 2025: Những Người Hành Hương Của..
Th12
40 Câu hỏi tìm hiểu và sống Năm Thánh 2025
Th12
Ý Niệm, Tên Gọi, Các Thể Loại Và Chu Kỳ Năm Thánh
Th12
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 Hồng y
Th12
Giáo Xứ Tam Tòa Mừng Lễ Quan Thầy Đức Mẹ Vô Nhiễm Và..
Th12
Huấn Luyện Người Trẻ-Thiếu Nhi Sống Gắn Bó Với Chúa Giêsu Thánh Thể
Th12
Ngày 08/12: Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội
Th12
Giới Thiệu App “Giáo Hội Công Giáo”
Th12
TGM-GPHT: Thông báo Năm Thánh 2025 tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th12