Văn kiện liên bộ Tòa Thánh về bảo vệ môi trường

957 lượt xem

Một văn kiện liên bộ của Tòa Thánh tái khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường, đã được công bố hôm 18/6/2020, nhân kỷ niệm năm năm công bố thông điệp “Laudato sì” của Đức Thánh cha Phanxicô về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại.

Buổi họp báo giới thiệu văn kiện

Văn kiện dài hơn 200 trang, kết quả của một cuộc hội thảo liên bộ, mang tựa đề “Trong hành trình chăm sóc căn nhà chung – năm năm sau thông điệp Laudato sì”.

Hiện diện trong cuộc họp báo, sáng thứ Năm, 18/6/2020 vừa qua, tại Vatican để giới thiệu văn kiện, có Đức Tổng giám mục ngoại trưởng Tòa Thánh, Paul Gallagher, Đức cha Vergez Alzaga, Tổng thư ký Phủ Thống đốc Vatican, Đức cha Vincenzo Zani, Tổng thư ký Bộ giáo dục Công giáo, Đức ông Bruno Marie Duffé, Tổng thư ký Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, và một số vị khác.

Văn kiện nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi não trạng, để tiến tới sự chăm sóc cuộc sống và công trình tạo dựng, đối thoại và ý thức về mối liên hệ mật thiết giữa các vấn đề của thế giới với nhau. Cụ thể, văn kiện đề nghị củng cố các sáng kiến nhắm gây ý thức nơi dư luận quần chúng về vấn đề bảo vệ môi trường, cũng như biến đổi cuộc sống theo chiều sâu. Kitô giáo đã có sẵn những phương thế thực hành qua các truyền thống đan tu, dạy về sự chiêm niệm, cầu nguyện, lao tác và phục vụ.

Trong một phần khác, văn kiện tái khẳng định vị thế trung tâm của sự sống và nhân vị, vì chúng ta không thể bảo vệ thiên nhiên, nếu chúng ta không bảo vệ mỗi người. Cụ thể là cần dạy cho các thế hệ trẻ ý niệm về tội chống lại sự sống con người, phát huy nền văn hóa chăm sóc, đối nghịch với thứ văn hóa gạt bỏ.

Trong chiều hướng này, Văn kiện liên bộ Tòa Thánh đề cao tầm quan trọng của gia đình và giáo dục, giúp vượt thắng cá nhân chủ nghĩa, để mở rộng tinh thần liên đới.

Văn kiện có một phần bàn về cuộc chiến chống phí phạm lương thực, và nhắc lại những lời Đức Thánh cha Phanxicô, theo đó, “vứt bỏ lương thực là ăn trộm của người nghèo”. Văn kiện cổ võ thăng tiến một nền canh nông, với các loại nông sản khác nhau và lâu dài, bảo vệ các tiểu nông dân và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Qua văn kiện, Tòa Thánh cũng đặc biệt kêu gọi chống lại hiện tượng chiếm đoạt đất đai, các dự án to lớn về canh nông công nghệ gây ô nhiễm, đồng thời bảo vệ sự khác biệt sinh vật. Ngoài ra, tất cả các đường hướng kinh tế phải nhắm giảm bớt sự ô nhiễm, từ bỏ các năng lượng từ than đá, và đầu tư vào những năng lượng trong sạch và lâu bền. Biển và các đại dương cũng phải được coi trọng trong tiến trình bảo vệ môi trường, vì đây là những “buồng phổi xanh dương của trái đất”, cần được quản lý nhắm tới công ích của toàn thể gia đình nhân loại…

G. Trần Đức Anh, O.P.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận