Mùa Vọng tới, các giáo xứ, các tu viện đều hướng tới việc làm hang đá, tập hát… Rồi Lễ Giáng Sinh tới, người ta kéo nhau đi viếng, đi xem hang đá, có nơi còn “đi chấm thi” xem hang đá nào đẹp… Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ra một tông thư nêu ý nghĩa của việc dựng Hang Đá Giáng Sinh và Máng Cỏ. Mọi người có thể đọc và học hỏi, để Hang Đá Giáng Sinh năm nay giúp chúng ta mừng lễ sốt sáng hơn.
Tôi nhìn vào máng cỏ với làn điệu và tâm tình bài thánh ca trong thư thánh Phao-lô gởi tín hữu Phi-líp-phê: “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.”
Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ,trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Tội đầu tiên mở cửa cho tội xâm nhập vào loài người và thâu tóm mọi tội lỗi của loài người là nghe lời Xa-tan xúi giục, muốn nên ngang hàng với Thiên Chúa bằng con đường chống lại Lời Thiên Chúa đã truyền. Tội nào cũng là chống lại Lời Thiên Chúa truyền, chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Để giải thoát loài người khỏi ách nô lệ của tội và cái chết, Con Thiên Chúa đã đi con đường ngược lại : Người đã từ trời xuống thế, và đã làm người, sống trọn thân phận con người, chịu thử thách mọi bề giống như chúng ta, nhưng không phạm tội. Người đã đi đến cùng trong sự trút bỏ vinh quang, tự hóa ra không: sống trọn thân phận nô lệ bằng cách vâng phục Thiên Chúa đến nỗi bằng lòng chết, chết trên cây thập tự, là cái chết dành cho nô lệ, cho dân bị trị trong đế quốc Rô-ma. Đó là sự khiêm nhường của Thiên Chúa : hạ mình sống thân phận con người như chúng ta để dạy chúng ta chấp nhận và sống thân phận của mình.
Sự khiêm nhường của chúng ta là sống theo sự thật về thân phận của mình là thụ tạo, là kẻ được Thiên Chúa tạo thành, là công trình của Thiên Chúa. Cái khác, cái hơn hẳn giữa con người với các thụ tạo khác là: Thiên Chúa cho con người tự do trở thành công trình thụ tạo của Thiên Chúa, bằng cách đi theo con đường Thiên Chúa đã vạch cho để nên giống Thiên Chúa và chung phần vinh quang của Thiên Chúa. Từ chối đi theo con đường ấy là từ chối chính mình.
Con Thiên Chúa đã xuống làm Anh Cả (tiếng miền Nam: Anh Hai) để dạy cho chúng ta biết địa vị và vinh quang dành cho mình vượt xa mọi thụ tạo trên trần gian này, nó đáng sống và có thể sống được, vì từ nay Con Thiên Chúa đi trước dẫn đường và gọi chúng ta bước đi đàng sau Ngài mà lên với Cha. Con đường ấy Ngài đã đi mà xuống với chúng ta, nên bảo đảm là con đường đưa chúng ta lên với Cha ở trên trời. Con đường ấy là thi hành ý muốn của Cha trên trời mà Ngài cùng sống với chúng ta, cùng đi với chúng ta chứ không để chúng ta phải đi một mình.
Con Thiên Chúa phải hạ mình xuống mang lấy thân phận của chúng ta, còn chúng ta sống thân phận thụ tạo là sống theo sự thật về chính mình thôi, chứ đâu có phải hạ mình xuống. Khi nói chúng ta “hạ mình” thì chỉ có nghĩa là chúng ta tỉnh lại, bỏ cái độ cao “ảo” mà sống trên mặt bằng thật của mình. Chúng ta giống như kẻ đóng tuồng trong vai vua, quan…, mang cái mặt nạ rồi tưởng thật không chịu gỡ ra để sống với cái mặt thật của mình. “Hạ mình” đối với chúng ta chỉ có nghĩa là lột bỏ cái mặt nạ đã tự sắm và đeo vào mặt, gột rửa lớp son phấn đã ngồi trước tấm gương trét vào, tô điểm cái mặt mình cho thành người đẹp, người quí phái rồi tưởng mình thật sự là như vậy đó.
Chuyện xưa kể rằng có một cô gái Sài Gòn, giữa trưa hè nắng bỏng, đứng ngoắt xích-lô để đi xuống Chợ Lớn. Người phu xích lô thấy người đẹp, vui vẻ dừng lại mời nàng lên xe. Khi tới nơi, người đẹp dịu dàng đưa bàn tay nhỏ bé ngoắt bảo ngừng lại. Nàng ung dung bước xuống quay lại mở bóp trả tiền. Người phu xích lô đang giữ thắng cho xe đứng yên, bỗng nhảy xuống ù té chạy, miệng la thất thanh: “Ma! Bà con ơi, ma!”.
Chuyện thời nay thì có anh tài tử đóng vai “Tôn ngộ Không” trong bộ phim “Đường Tăng đi thỉnh kinh”, anh đóng đạt tới mức ra khỏi phim trường, về đến nhà vẫn còn cái dáng “khỉ” với những điệu bộ “khỉ”. Hậu quả là vợ anh đã bỏ anh vì anh “khỉ” quá.
Chẳng có son phấn nào chịu nổi nắng Sài Gòn, chẳng có mặt nạ nào không có lúc rơi. Khốn nỗi người ta lại cứ thích đi trên mặt bằng ảo, mang bộ mặt tô vẽ, cư xử, nói năng như đào kép đang trên sân khấu tuồng cổ, cải lương, kể cả đóng vai tôi tớ, con hầu đứa ở. Nhiều khi người ta tự nói về mình thật ngon lành như là kẻ nhỏ bé nghèo hèn bất xứng… nhưng nếu bị đối xử gần như thế thôi là như lò xo bật dậy, lồng lộn lên, mất ăn mất ngủ, kể lể than van, khóc đứng khóc ngồi, thậm chí tìm cách trả đũa cho kỳ được. Đó là chuyện thường ngày ở trong nhà, ngoài làng, ngoài phố, ngoài chợ và cả trong… tu viện nữa đấy. Cái bệnh thâm căn cố đế này nhập vào con người từ khi con người đầu tiên đã chối bỏ thân phận của mình để nhảy lên đòi ngang hàng với Thiên Chúa, và nó đã thành bệnh di truyền. Chỉ có Con Thiên Chúa sinh làm người và người Trinh Nữ đã được Thiên Chúa chọn để làm mẹ sinh ra người con ấy được miễn nhiễm thôi. Con Thiên Chúa sinh làm người để thành người “Tôi Tớ” mang lấy tội lỗi của chúng ta vào thân mà đem lên thập giá, người Trinh Nữ được chọn để làm mẹ của Người Tôi Tớ, đã hợp xướng với Con bằng lời thưa: “Này con đây là nữ tỳ của Chúa, xin cứ xảy ra cho con như lời sứ thần đã nói”.
Con đường nào Chúa đã đi qua…
Một hôm trên đường về từ nơi dạy học gần chặng thứ nhất “Đàng Thánh Giá”, trên đường phố trong Cổ Thành Giê-ru-sa-lem, ngang chặng thứ bảy tôi bỗng nghe tiếng một đoàn hành hương hát bằng tiếng Việt: “Con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào người ra pháp trường…”, tôi nói nhỏ: “không phải con đường này!” rồi bước lại gần, thì hóa ra là chính tác giả bài hát, cha Văn Chi, đang dẫn đoàn hành hương người Úc gốc Việt đi Đàng Thánh Giá theo con đường truyền thống mang tên “Đường Thương Khó” (Via dolorosa). Tôi nói thế vì “bệnh nghề nghiệp” của người giảng dạy cho sinh viên của Thánh Kinh Học Viện . Thứ sáu Tuần Thánh thì thầy trò chúng tôi vẫn chen chân với hàng ngàn khách hành hương từ khắp thế giới đi Đàng Thánh Giá trên con đường này, nhưng khi giảng dạy thì phải phân biệt rõ: truyền thống này chỉ có từ thời Binh Thánh Giá chiếm lại Giê-ru-sa-lem hồi thế kỷ 12 thôi. Dù sao thì thành Giê-ru-sa-lem đã bị quân Rô-ma phá bình địa vào năm 70 sau CGS, rồi 60 năm sau, hoàng đế A-dri-a-no cho xây lại theo sơ đồ một thành phố của người Rô-ma. Khuôn viên Đền Thờ còn đó, đồi Can-va-ri-ô còn đó dựa trên dấu vết Nhà Thờ do thái hậu Helena cho xây dựng từ thế kỷ thứ tư, dù đã bị người Ba-tư phá hết vào năm 614. Nhưng chẳng ai biết đích xác những đường phố thời Chúa Giê-su như thế nào. Sau cuộc tàn phá của Ba tư thì suốt năm trăm năm thành phố này chỉ có người Hồi giáo và các Ki-tô hữu Đông phương còn sót lại. Tín hữu Phương Đông đi viếng các nơi thánh, nhưng không có truyền thống đi Đàng Thánh Giá. Khi binh Thánh Giá từ phương Tây mở cuộc thánh chiến, chiếm lại Giê-su-sa-lem thì người ta phỏng đoán, hay đặt ra những nơi mang dấu vết các sự việc, các truyện trong sách Tin Mừng, các truyền thuyết đạo đức, có cả nhà ông Simon Ky-rê-nê, nhà bà Ve-ro-ni-ca… Các tín hữu từ phương Tây qua thích đi viếng những nơi này, dần dần hình thành Đường Thánh Giá hiện nay mà khách hành hương vẫn đi.
Ý nghĩa của Đàng Thánh Giá cũng như các nơi hành hương không phải là chính xác con đường này, nơi này, nhưng là sự hiệp thông trong đức tin với bao triệu tín hữu đã đến đây tuyên xưng đức tin. Đa số các vị thánh và hầu hết các tín hữu bao đời nay chẳng bao giờ có dịp đặt chân tới các nơi thánh. Nay thì có những người năm nào cũng đi hành hương thánh địa, rồi hành hương hết nơi này đến nơi khác. Cũng tốt thôi, Chúa ban cho có tiền bạc, thời giờ thì cám ơn Chúa mà đi. Nhưng đó không phải là việc chính yếu, và cũng có thể bớt số lần đi hành hương để làm những việc cần hơn. Trong tám mối phúc không có mối phúc hành hương; kinh “thương người có mười bốn mối” gần với Lời Chúa: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy.” Các nơi thánh mang kỷ niệm tĩnh, còn những người anh em bé nhỏ nghèo hèn là anh em của Chúa, là hình ảnh sống động của Chúa. Ở Việt Nam có câu: “nhất thân, nhì thế, tam tài, tứ chế”, ai cũng muốn có bà con làm lớn, vì “một người làm quan cả họ được nhờ”, ai cũng thích quen thân ông lớn bà lớn… để dễ nhờ vả khi cần. Nhưng anh em của Chúa, bà con của Chúa thì ít người cầu cạnh; cho người nghèo một ly nước lã thôi, chứ không cần đến một chai coca cola thì Chúa cũng đền ơn… nhưng ít người quan tâm, có lẽ vì Chúa chỉ hứa sẽ đền đáp khi Chúa đến xét xử cả loài người thôi, còn hơi lâu!
Đường tình đó Ngài dành cho con
“Con đường nào Chúa đã đi qua” không phải là những con đường gập ghềnh quanh co trong Cổ Thành Giê-ru-sa-lem, hay xa lộ hiện đại trên Miền Đất Chúa đã chọn để sống kiếp người giống như chúng ta, nhưng là con đường mà Chúa mời gọi chúng ta như đã gọi các môn đệ đầu tiên: “Hãy theo Thầy”. Đó là cả nếp sống Chúa đã sống, là đường đời Chúa đã trải qua, từ lòng mẹ qua máng cỏ và thập giá tới nấm mồ. Chúa tóm tắt con đường ấy trong những điều kiện để đi theo làm môn đệ của Chúa.
“Đường tình đó” không phải là đường tình ái của người đời, nhưng là con đường Chúa Giê-su đã đi vì yêu thương chúng ta cho đến cùng, và tỏ cho thế gian biết rằng Ngài yêu mến Chúa Cha và thi hành trọn vẹn ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giê-su thâu tóm “đường tình đó” trong một chữ: “thi hành ý muốn của Cha Thầy ở trên trời” (Mt 7,21), hoặc “nghe và giữ Lời Thiên Chúa” theo gương thân mẫu của Ngài (Lc 8, 21). Con đường ấy đi ngược chiều với con đường Xa-tan đã chỉ cho loài người: “Hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 29).
Chúa Giê-su không dạy chúng ta theo kiểu thầy giáo giảng bài trong lớp học, nhưng bằng cách làm và dạy chúng ta làm theo: “Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 15).
Vậy thì hôm nay quỳ trước máng cỏ là nơi Chúa bắt đầu hé lộ “đường tình đó” cho chúng ta, chúng ta hãy nhìn lại toàn bộ “con đường nào Chúa đã đi qua”, từ lòng mẹ tới lòng đất, từ máng cỏ tới thập giá, như các sách Tin Mừng kể cho chúng ta, để cảm nếm tình yêu Chúa đã dành cho ta và học ứng dụng vào cuộc sống cụ thể của mỗi người.
Đấng uy nghi trên chín tầng trời, giờ đây làm trẻ thơ bé nhỏ, nằm trên mớ cỏ khô.
“Cá biển chim trời Người nuôi sống”, giờ đây Người nằm trong máng cỏ như thể sinh ra để làm của ăn cho mọi loài.
Đấng thần thánh trên trời thờ lạy, giờ đây chỉ có bò lừa vây quanh.
Đấng “phán một lời là băng giải tuyết tan” giờ đây nhờ hơi ấm của bò lừa cho bớt lạnh.
Đấng đã chọn vua Đa-vít để làm tổ tiên cho mình khi sinh làm người, giờ đây sinh ra tại “thành vua Đa-vít”, nhưng chẳng có bà con thân thuộc nào đoái hoài, chỉ có những người chăn chiên nghèo hèn, cùng đinh trong xã hội tới viếng thăm.
Đấng đã dùng quyền năng mạnh mẽ đưa dân của mình ra khỏi Ai-cập, bây giờ lại di cư sang Ai Cập để thoát tay bạo chúa Hê-rô-đê.
Đấng mà “hết mọi loài ngửa trông lên, đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn”, bây giờ phải tuân theo quy luật: “Ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn”; “ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn”.
Ở sông Gio-đan ngài đứng lẫn trong đám đông từ khắp nơi kéo đến, nghe ông Gio-an giảng rồi chờ tới phiên mình để chịu phép rửa sám hối từ tay ông. Tin Mừng Lu-ca còn cho ta cảm tưởng rằng Ngài đứng xếp hàng chót hết sau những kẻ nhận biết mình cần sám hối và là người cuối cùng xuống nước sau khi toàn dân đã quăng tội của mình xuống sông.
Liền sau khi lên khỏi nước và được tiếng từ trời xác nhận “con là con Ta yêu dấu”, thì Ngài đã chịu cái sỉ nhục là bị Xa-tan cám dỗ nghi ngờ chính tiếng từ trời và xui “thử” xem lời ấy có đúng không.
Khi đã đi rao giảng, nổi tiếng khắp nơi, Chúa trở về Na-da-rét, dân làng bảo nhau: “Anh chàng này chẳng phải là anh thợ mộc, con bà Maria đó sao?” (Mc 6,3). Điều ít người nghĩ tới là người Do Thái xưa nay nêu tên cha để xác định căn cước một người. Khi chỉ nêu tên mẹ thì hàm chứa một sự khi dể: “thằng con không cha ấy mà!”. Dân làng Na-da-rét đã chẳng coi Người ra gì, mà cả cái làng Na-da-rét của ngài lại bị làng Ca-na bên cạnh coi chẳng ra gì, như lời ông Na-ta-na-en trả lời ông bạn Phi-lip-phê: “Từ cái xó Na-da-rét ấy thì có thể có cái gì hay được cơ chứ!”
Suốt ba năm đi rao giảng thì Người cũng từng chịu đói chịu khát.
Dân chúng thì hoan hô, đi theo Người để nghe giảng, để được chữa lành mọi bệnh tật, có khi được Người đãi cho ăn nữa. Nhưng giới lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem lăng mạ Người là “đồ quỷ ám”, là “quân Sa-ma-ri”, là “kẻ lộng ngôn”.
Khi họ bắt Chúa Giê-su và điệu tới trước mặt quan toàn quyền Phi-la-tô để xin phê chuẩn án tử hình mà họ đã quyết rồi, thì họ cáo buộc Chúa là kẻ gian phi (Ga 18, 30), kẻ xách động dân chúng (Lc 23, 5). Đến khi Phi-la-tô cho họ chọn giữa Chúa Giê-su và Ba-ra-ba thì họ chọn Ba-ra-ba, một tên cướp (Ga 18, 40); một người tù khét tiếng (Mt 27, 16); “kẻ đã bị bắt cùng với bọn phiến loạn can tội sát nhân trong một cuộc gây rối” (Mc 15,7); “kẻ đã bị bỏ tù vì một vụ gây rối và sát nhân đã xảy ra trong thành” (Lc 23, 19).
Thủ hạ của thượng tế, rồi lính của Phi-la-tô tha hồ đánh đập, chế giễu nhục mạ Người (Ga 19,2-3). Phi-la-tô cho giải Người qua “làm quà” cho vua Hê-rô-đê, dù vua này chẳng có quyền gì tại Giê-ru-sa-lem, vua Hê-rô-đê và cả triều đình xúm lại nhạo cười rồi gởi trả lại cho Phi-la-tô, và hai người vốn hận thù nhau trở nên thân thiện, nhờ trao tay nhau món quà này (23, 11-12).
Khi treo Người lên thập giá thì họ treo Người giữa hai tên cướp (Mt 27, 38; Mc 15, 27), hai kẻ gian phi (Lc 23, 33). Rồi những kẻ cùng chịu một khổ hình, kẻ qua người lại, những người lãnh đạo nghênh ngang đắc thắng, bọn lính đã đóng đinh Người vào thập giá, kết thành một ban hợp xướng chế nhạo Người. Đến khi Chúa đã nằm trong mồ rồi, phe lãnh đạo còn chưa để yên, họ đi nói với Phi-la-tô rằng Người là tên bịp bợm (Mt 27, 62).
Tin Mừng Gio-an kể rằng sau khi bọn lính đã đánh Chúa Giê-su tan xương nát thịt và bày trò chế nhạo, thì Phi-la-tô đắc ý và tiếp tục trò chơi tàn bạo. Ông bước ra như một người xướng chương trình trên sân khấu, long trọng giới thiệu: “Đây, ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các ngươi thấy là ta không tìm ra lý do nào để kết tội ông ấy”. Bấy giờ Chúa Giê-su bước ra, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ tía. Ông Phi-la-tô nói với họ: “Này, người đây!”
Phi-la-tô tính toán gì ? Đưa ra trước đám người hung hăng này một con người « mặt mày tan nát, không còn dáng vẻ người ta nữa » (Is 52, 14) để kết luận rằng « ta không tìm ra lý do nào để kết tội ông ấy », Phi-la-tô như nói với họ rằng con người này chẳng đáng ta cũng như các ngươi quan tâm nữa. Nhưng đòn này phản lại ông. Họ thấy mình chỉ cần nhấn thêm một chút là Phi-la-tô phải nhượng bộ hoàn toàn. Và họ đã tìm thấy cái « huyệt » để điểm vào hạ gục Phi-la-tô : cái ghế toàn quyền. Con người này chẳng còn gì đáng giá thì cần chi ông phải liều mất cái ghế quan toàn quyền để bảo vệ nữa. Ông đem Người ra đánh đổi. Ông cũng nhận ra cái « huyệt » để điểm gục các thượng tế. Hai bên cùng ra đòn sát thủ. Các thượng tế đánh đổi cả Thiên Chúa để giết cho được Chúa Giê-su : « Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da ». Còn Phi-la-tô đổi cái mạng một người không còn gì đáng quan tâm để kê chân ghế cho vững. Phi-la-tô trao Chúa Giê-su cho các thương tế đem đi đóng đinh vào thập giá như họ yêu cầu. Hai bên cùng hả hê. Nhưng Phi- la-tô cao tay hơn : ông ghi chiến thắng của mình bằng bản án treo trên thập giá, viết bằng ba thứ tiếng để ai cũng đọc được : « Giê-su Na-da-rét Vua dân Do Thái ». Các thượng tế phản đối bản án này. Phi-la-tô đã kê lại chân ghế, hết sợ rồi, đập bàn quát lên : « Cái gì ta đã viết là đã viết ». Các thượng tế đang vênh vang đắc thắng bỗng tiu nghỉu ngậm bồ hòn rút lui.
« Đường tình đó Ngài dành cho con » là con đường Chúa đã đi từ lòng mẹ đến lòng đất. Ngài dành cho con, vì Ngài đã đi trọn con đường ấy, từng bước đều vì yêu con, như thánh Phao-lô nói : « Người đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi » (Gl 2, 20). Ngài cũng dành cho con để bước đi theo Ngài : hạ mình xuống để vâng phục Thiên Chúa đến cùng, hạ mình xuống để phục vụ anh em như thánh Phao-lô dạy : « Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho chính mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác » (Pl 2, 3-4). Thánh Gio-an đẩy tới tột đỉnh : « Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta ; cả chúng ta nữa cũng phải thí mạng vì anh em » (1Ga 3, 16)
Tột đỉnh của yêu thương chỉ có thể nở hoa trên đỉnh cao của khiêm nhường.
Giê-ru-sa-lem, Mùa Vọng 2019
Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12