Phỏng vấn cha Tôma Vũ Quang Trung về Uỷ ban Tu sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

1176 lượt xem

Trong cơ cấu của HĐGMVN, có một uỷ ban ít được nhắc đến vì chỉ liên quan đến những người sống đời thánh hiến, đó là Uỷ ban Tu sĩ. Vì thế, hôm nay chúng tôi xin bật mí đôi chút về uỷ ban này qua cuộc phỏng vấn với cha Toma Vũ Quang Trung, SJ thư ký của Uỷ ban Tu sĩ.

Nội dung phỏng vấn:

1. Xin cha cho biết về nhiệm vụ và chức năng của Ủy Ban Tu sĩ trực thuộc HĐGMVN?

1.1. Nhiệm vụ của UBTS:

(1) Cổ võ, bảo vệ, thăng tiến và làm sinh động đời sống thánh hiến tại Việt Nam

(2) Nối kết các anh chị em sống đời thánh hiến tại Việt Nam với nhau và với các tổ chức quốc tế về đời sống thánh hiến trong tình liên đới huynh đệ và sứ mạng phục vụ Hội Thánh và gia đình nhân loại.

(3) Liên kết các Dòng tu, Tu đoàn, Tu hội và Hiệp hội đang hiện diện và hoạt động tại Việt Nam với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và với Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Đoàn Tông Đồ tại Tòa Thánh.

(4) Xây dựng sự hiệp thông huynh đệ và tình liên đới giữa các anh chị em sống đời thánh hiến tại các Giáo Hội địa phương tại Việt Nam với nhau và với các anh chị em sống đời thánh hiến tại các Châu lục khác trên toàn thế giới

1.2. Chức năng:

– Liên kết hoạt động của các Dòng tu, Tu đoàn tông đồ, Tu hội và Hiệp hội trong một định hướng chung qua việc phổ biến các hướng dẫn, tài liệu và thông tin của Giáo Hội, đặc biệt từ Bộ Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ và từ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

– Hỗ trợ các Dòng tu, Tu đoàn Tông đồ, Tu hội và Hiệp hội trong việc lãnh đạo, quản trị và đào tạo huấn luyện trí thức, thiêng liêng, tu đức qua việc tổ chức các khóa học hỏi, hội thảo, thường huấn, tĩnh tâm, đồng hành thiêng liêng, hướng dẫn việc chuẩn bị và đồng hành với các Tổng tu nghị, Tổng hội…

– Hỗ trợ và hướng dẫn các thủ tục hành chánh liên quan đến mọi sinh hoạt của các Dòng tu, Tu đoàn, Tu hội và Hiệp hội trong nội bộ Giáo Hội và trong tương quan với chính quyền.

2. Xin cha cho biết một số đóng góp quan trọng hiện tại của các Dòng Tu cho Giáo hội và xã hội Việt Nam.

Hiện nay, các dòng tu tại Việt Nam đang có những đóng góp quan trọng trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Các đóng góp cụ thể qua các hoạt động phục vụ của các dòng tu thể hiện trong 5 lãnh vực sau đây:

(1) Các họạt động mục vụ như dạy giáo lý thiếu nhi và sinh hoạt giới trẻ, giáo lý tân tòng và hôn nhân, giúp chuẩn bị lãnh nhận các bí tích, hướng dẫn hoạt động của các đoàn thể, thăm viếng bệnh nhân và những người nghèo, trao Mình Thánh Chúa, truyển giáo tại các vùng sâu vùng xa, chăm sóc và phát triển đời sống đức tin của trẻ em và anh chị em các sắc tộc tại các buôn làng, ở các vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng cao nguyên…

(2) Các hoạt động giáo dục gồm có công tác giáo dục mầm non tại các trường mẫu giáo, mở trường tình thương dạy học cho các trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường, các trường dạy các em khiếm thị, khiếm thính, các mái ấm nuôi các em dân tộc học chữ học nghề, các trung tâm xã hội nuôi dạy các em cô nhi, khuyết tật, các trung tâm hoặc các trường cao đẳng dạy nghề cho giới trẻ.

(3) Các hoạt động xã hội như các trung tâm chăm sóc người già cả neo đơn, khuyết tật, các phụ nữ cơ nhỡ, các trẻ em bại não, nhiễm HIV, chậm phát triển, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, giúp đỡ tinh thần và vật chất cho những người nghèo, chăm sóc các trẻ em của gia đình công nhân di dân nghèo, của các bà mẹ đơn thân, các trung tâm bệnh nhân phong, bệnh nhân HIV-AIDS…

(4) Về hoạt động y tế, có các phòng khám, phòng phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, các trung tâm giúp bệnh nhân nhiễm HIV-AIDS, các bệnh nhân phong; tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các người nghèo tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, các buôn làng dân tộc, các chương trình “nồi cháo từ thiện” hỗ trợ phần ăn hàng ngày cho các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện.

(5) Về hoạt động truyền giáo, các dòng tu đang đóng góp một phần rất quan trọng trong việc truyền giáo trong nước cũng nu7o71cx ngoài. Thống kê của UBTS trong năm 2018 vừa qua cho thấy, có 2.922 tu sĩ nam nữ được gởi đi nước ngoài, trong đó có 2.272 tu sĩ giúp hoạt động mục vụ tại các giáo xứ và 650 tu sĩ trực tiếp đi truyền giáo tại các vùng xa xôi hẻo lánh, tập trung nhiều nhất tại Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia Phi Châu.

Hiện nay, thống kê đầu năm 2019 trên toàn quốc có 307 dòng tu, tu đoàn, tu hội và hiệp hội với tổng số 33.087 tu sĩ, gồm 28.099 nữ tu và 4.988 nam tu, trong đó có 1.670 linh mục dòng. Về phân bố địa lý, có 9.962 tu sĩ hiện diện tại 11 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội (chiếm 30%), 5.568 tu sĩ hiện diện tại 6 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế (chiếm 17%) và 17.557 tu sĩ hiện diện tại 10 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn (chiếm 53%).

3. Mỗi Dòng có sứ mạng riêng, tuy nhiên với tư cách là thành phần trong cùng một Giáo hội, việc cộng tác giữa các Dòng tu thế nào?

Tuy mỗi hội Dòng có sứ mạng và đường lối hoạt động riêng theo đặc sủng và linh đạo của mình, việc cộng tác chung giữa các Dòng hiện nay là một điều hết sức cần thiết trong việc thực hiện sứ mạng chung của Giáo Hội. Một cách cụ thể, các hội Dòng cộng tác với nhau trong nhiều lãnh vực và ở nhiều cấp độ khác nhau.

Trên bình diện toàn quốc, các hội Dòng tham gia với tư cách tư vấn chuyên môn và phục vụ trong các Ủy Ban chuyên biệt về các lãnh vực trực thuộc HĐGMVN. Ngoài ra, các bề trên thượng cấp các hội Dòng còn liên kết chặt chẽ với nhau trong một định hướng hoạt động chung qua Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam. Liên Hiệp này được điều hành do một Ban Điều Hành gồm 10 vị bề trên được bầu ra trong nhiệm kỳ 3 năm, trong đó có 4 vị trong Ban Thường Trực và 6 vị là ủy viên, đại diện cho từng khối dòng tu, tu đoàn, tu hội nam nữ toàn quốc. Hàng năm, Ban Điều Hành đều tổ chức Hội Nghị thường niên để bàn những vấn đề chung và chia sẻ thêm kinh nghiệm điều hành hội Dòng cũng như học hỏi thêm những điều mới về đời sống thánh hiến. Cứ 3 năm, Liên Hiệp sẽ họp Đại Hội để bầu ra Ban Điều Hảnh mới và thảo luận về định hướng chung cho nhiệm kỳ 3 năm.

Về cấp Giáo phận, có nhiều hoạt động chung về mục vụ giáo xứ, truyền giáo, đào tạo, y tế, giáo dục, chăm sóc người nghèo, bệnh nhân…theo chương trình mục vụ của các Đấng Bản Quyền do sự phối hợp chung và cộng tác của nhiều hội dòng.

Hiện nay, có cộng đoàn Mai Linh, chuyên lo chăm sóc bệnh nhân HIV-AIDS ở giai đoạn cuối tại bệnh viện Nhân Ái, tỉnh Bình Phước. Đây là một cộng đoàn liên dòng đặc biệt gồm các tu sĩ đến từ nhiều dòng tu và tu đoàn khác nhau thuộc TGP Sài Gòn và giáo phận Nha Trang. Cộng đoàn này đã chăm sóc, phục vụ các bệnh nhân nơi đây suốt 15 năm qua. Hàng tuần, có các linh mục dòng đến dâng lễ và ban bí tích cho các nữ tu và các bệnh nhân trong bệnh viện.

Nhìn chung, Giáo Hội như một vườn hoa tươi thắm mà mỗi hội dòng là một loài hoa mang hương sắc độc đáo, riêng biệt, cộng tác làm việc trong sứ mạng chung của Giáo Hội, làm nên vườn hoa phong phú đa dạng với muôn sắc màu rực rỡ khác nhau.

4. Với cái nhìn thực tế về các Dòng tu tại Việt Nam, đâu là những thách đố trong đời tu hiện tại?

Đời sống thánh hiến tại Việt Nam hôm nay đang phải đối diện với nhiều thách đố. Đây là một vài ví dụ cụ thể:

4.1. Trước hết, hiện tượng toàn cầu hóa và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, trong đó có việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại đã ảnh hưởng lớn đến lối sống tục hóa của các bạn trẻ hiện nay. Các bạn trẻ quan tâm nhiều đến các lợi ích vật chất cho bản thân mà ít để ý đến việc rèn luyện các giá trị tinh thần cao quý của đời tu, đặc biệt là việc sống giá trị các lời khuyên Phúc Âm khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Các dấu ấn xã hội tiêu cực này gây nhiều khó khăn trong việc huấn luyện các bạn trẻ trong đời tu hiện nay. Người trẻ quen lối sống dễ dãi và hưởng thụ nên khó chấp nhận hy sinh, từ bỏ trong đời tu mà thường tìm kiếm lối sống dễ dãi, an toàn, bảo đảm vật chất và đòi hỏi quyền lợi hơn là quảng dấn thân phục vụ. Vì thế, việc đào tạo nhân cách tôn giáo trưởng thành và các giá trị tâm linh, tu đức cho các bạn trẻ ngày nay là một thách đố lớn lao cho các nhà đào tạo trong các dòng tu. Đào tạo một tu sĩ có học vị cao, có kiến thức rộng thì dễ hơn là huấn luyện một tu sĩ vừa có tri thức, lại vừa có tâm hồn hiền lành, khiêm nhường, bao dung và đầy lòng thương xót như Chúa Giêsu.

4.2. Kế đến là khoảng cách thế hệ giữa nhà đào tạo với các tu sĩ trẻ ngày nay rất ngắn do xã hội chuyển biến rất nhanh. Đây cũng là một khó khăn vì hai bên có những cách nhìn và quan điểm khác biệt nhau phát xuất từ hoàn cảnh sống khác nhau của mỗi thế hệ. Người thuộc thế hệ trước hay xem những gì thời mình tốt đẹp hơn so với thế hệ bây giờ nên dễ đánh giá thấp thế hệ trẻ. Còn người trẻ lại xem những kiểu cách của thế hệ trước đây có khi là lỗi thời, cổ hũ, không còn phù hợp nên khó chấp nhận. Tìm ra những điểm tích cực của các thế hệ khác biệt để đi đến một thái độ quân bình hài hòa, đón nhận nhau trong tình huynh đệ, trong thái độ tôn trọng sự khác biệt vẫn là một thách đố lớn.

4.3. Sau cùng, một số nơi còn điều hành hội Dòng hay cộng đoàn theo lối cổ xưa, nặng về luật lệ và nghiêng về việc sử dụng quyền bính và hình phạt, ít đối thoại, quyết đoán và áp đặt hơn là khả năng cởi mở, lắng nghe trong tình yêu thương để hiểu biết, cảm thông và nâng đỡ các tu sĩ dưới quyền. Cách điều hành này dễ đưa đến tình trạng căng thẳng trong đời sống cộng đoàn làm cho nhiều ngưởi không cảm nhận được niềm vui của tình huynh đệ và hạnh phúc của đời tu khi chung sống với nhau trong cộng đoàn.

5. Hiện tại, nhiều Dòng nước ngoài đến Việt Nam để tìm ơn gọi, họ gặp những cơ hội và thách đố nào? Giáo hội địa phương có những thuận lợi và thách đố nào khi tiếp nhận các Dòng mới này?

Trong khoàng 15 năm trở lại đây, nhiều Dòng tu từ nước ngoài đến Việt Nam để lập cộng đoàn và phục vụ Giáo hội địa phương, đồng thời tìm kiếm thêm những ơn gọi mới. Đây là một cơ hội thuận lợi để hội Dòng có thể phát triển và phục vụ tại một vùng đất mới khi có thêm nhiều ơn gọi mới đến từ Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, các thách đố các hội Dòng gặp phải cũng không ít. Trước tiên là vấn đề hội nhập vào nền văn hóa địa phương, như học tiếng Việt, làm quen với lối sống, lối suy nghĩ và cung cách hảnh xử của người Việt. Kế đến là việc tiếp nhận và đào tạo các thành viên mới. Nhiều hội Dòng phải đưa các ơn gọi mới ra nước ngoài để đào tạo vì chưa có người Việt phụ trách đào tạo. Cách thức này nhiều khi gặp rủi ro, vì thời gian tỉm hiểu các ứng viên chưa thấu đáo, lại bị trở ngại về ngôn ngữ cả hai phía nên việc hiểu biết lẫn nhau có giới hạn. Cách thức này không những tốn kém nhiều mà có khi còn mất các ơn gọi vì động lực tìm đến đời tu của một số bạn trẻ không chính đáng, thiếu sự ngay lành.

Khi có thêm các hội dòng mới đến, giáo hội địa phương sẽ có thêm nhiều hoạt động phục vụ phong phú hơn từ các đặc sủng khác nhau. Tuy nhiên, khối lượng công việc phục vụ cho các hội Dòng cũng tăng lên cao hơn, nhất là trong việc quản trị cũng như đồng hành của các vị có trách nhiệm với từng hội dòng khi họ gặp phải những vấn đề cần được trợ giúp trong giai đoạn còn nhiều xa lạ ban đầu.

6. Khi làm việc với nhiều Dòng với nhiều kinh nghiệm thực tế khác nhau. Xin cha cho biết ưu tư của cha về đời tu trong bối cảnh Việt Nam hiện nay?

Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hôm nay, ai cũng nhận thấy dường như kinh tế đất nước càng phát triển bao nhiêu thì đời sống đạo đức, luân lý trong xã hội càng xuống dốc bấy nhiêu. Gương lành ít, gương xấu nhiều. Học đường không còn là nơi an toàn mà đầy bạo lực. Nhồi nhét kiến thức nhiều mà dạy cách sống làm người chưa được coi trọng. Các giá trị truyền thống trong đời sống gia đình bị đổ vỡ. Bầu khí tục hóa lan tràn các giá trị ảo trong cuộc sống xã hội làm các bạn trẻ khó xác định một định hướng căn bản cho cuộc sống. Đó là chưa kể đến những khía cạnh tiêu cực do sự thiếu trưởng thành trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay. Các dấu ấn này in đậm nét trên nhân cách các ơn gọi trẻ đặt ra bao thách đố và thao thức cho việc huấn luyện thế hệ tu sĩ trẻ hôm nay của các nhà đào tạo.

Một ưu tư khác là sự bền đỗ trong ơn gọi ngày nay rất mong manh. Ơn gọi thánh hiến đòi hỏi một sự dấn thân quyết liệt, một hướng đi kiên định giữa bao đổi thay của cuộc sống từ xác tín thiêng liêng về ơn gọi của chính mình. Hôm nay sốt sắng hừng hực lửa thì xin tuyên khấn. Ngày mai đã ủ dột và chán nản bỏ cuộc, vội vã xin hồi tục vì đối diện với các thách đố, khó khăn. Vì thế, việc đào tạo tu sĩ ngày nay cần giúp các bạn trẻ chọn lựa và kiên vững trong hướng đi của đời thánh hiến, can đảm vượt qua khó khăn để sống trung tín với ơn gọi. Đây là một thách đố hàng đầu của những người có trách nhiệm.

Sau cùng, làm sao để có thể đào tạo ra những tu sĩ trưởng thành về mọi mặt, có đời sống nội tâm sâu xa, có khả năng phục vụ trong vui tươi, dịu dàng, hiền lành và khiêm tốn, làm việc trong tinh thần trách nhiệm và sáng tạo, gần gũi và thân thiện với mọi người, biết phân định để tìm kiếm thánh ý Chúa, dễ dàng cộng tác với mọi người trong sứ mạng phục vụ vẫn là một thao thức cho tương lai của đời sống thánh hiến tại Việt Nam. Trên hết, kết quả của việc đào tạo không chỉ là cho ra một tu sĩ có khả năng tri thức cao, quàn trị giỏi, làm việc có hiệu quả mà còn là một tâm hồn giàu lòng thương xót, khoan dung, nhân hậu, với trái tim mục tử như trái tim hiền lành, khiêm nhường của Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành.

Văn Yên, SJ thực hiện

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận