Dịch bệnh Virus Corona: Sự trừng phạt của Thiên Chúa?

1342 lượt xem

Dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới làm cuộc sống của mọi người bị đảo lộn. Trường học đóng cửa, các chuyến bay bị huỷ, hàng quán ế ẩm, kinh tế bất ổn. Nhiều người đã chết và hàng triệu người đang lo sợ. Đại dịch virus Corona không chỉ khiến mọi sinh hoạt thường nhật của mọi người bị đảo lộn mà nó còn khiến không ít tín hữu bị chất vấn bởi những câu hỏi liên quan đến đời sống đức tin. Thực vậy, đối diện với cơn khủng hoảng của đại dịch virus Corona, nhiều người tự hỏi tại sao Thiên Chúa tốt lành lại để sự dữ như thế xảy ra? Phải chăng đây là sự trừng phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi của con người?

Bệnh tật và thiên tai dưới cái nhìn Cựu ước 

Thiên tai, bệnh tật, đặc biệt là các dịch bệnh xuất hiện nhiều trong Cựu ước. Theo đó, thiên tai và bệnh tật thường được xem là hậu quả của tội và đôi khi người ta hiểu rằng, sự hiện diện của các sự dữ là sự trừng phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi và sự bất trung của con người. Thật vậy, trong sách Xuất hành, vì sự cứng đầu của Pha-ra-ô, Thiên Chúa đã để các bệnh dịch và thiên tai xảy ra. Người Do thái hiểu rằng bệnh dịch và các thiên tai xảy ra theo ý muốn và quyền năng của Thiên Chúa. Qua các dấu chỉ này, vua Pha-ra-ô không chỉ để cho con cái Israel ra đi để họ tự do thờ phượng Thiên Chúa mà ông còn nhận ra rằng, Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất và danh Ngài phải được công bố trên toàn bờ cõi trái đất. Ngoài ra, các tác giả Thánh kinh còn hiểu thiên tai là cách thức Thiên Chúa dùng để trừng phạt tội lỗi con người. Thực vậy, trong thời ông Noê, con người trở nên sa đoạ trong đời sống luân lý. Trước sự sa đoạ vô phương cứu chữa của con người, Thiên Chúa đã buồn lòng và hối tiếc vì đã dựng nên họ. Sách Sáng thế cho ta biết rằng Đức Chúa nhìn thấy sự gian ác của con người quá nhiều trên mặt đất và lòng họ chỉ chất chứa những ý định xấu xa (Sáng thế 6, 5 – 7). Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng” (Sáng thế 6, 7). Nói chung, Kinh thánh Cựu ước thường cho ta thấy hình ảnh của một Thiên Chúa thưởng phạt công minh, Ngài ban thưởng bội hậu cho những người công chính và ra tay trừng phạt những kẻ bất chính và gian ác.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, nhiều người gian ác vẫn được may mắn và ăn nên làm ra, trong khi đó những người tốt đôi khi lại chịu nhiều thiệt thòi, bất công. Vấn nạn này được đặt ra trong sách Gióp. Quả vậy, Gióp là một người công chính, luôn luôn làm điều lành trước mặt Thiên Chúa, là “một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (Gióp 1,1). Có thể nói, cuộc sống của Gióp được đổ đầy bởi niềm vui và bình an. Ông sống an vui và hạnh phúc bên những người thân và con cái. Thế rồi, một ngày kia, mọi tai hoạ ập xuống trên gia đình, ông mất hết tài sản, đầy tớ, con trai con gái đều chết hết. Trước thảm cảnh đó, “Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy” và chúc tụng Đức Chúa. Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.

Câu chuyện của Gióp khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự công bình của Thiên Chúa. Chẳng phải Thiên Chúa hứa ban phúc lành cho người công chính và trừng phạt kẻ bất chính sao? Tại sao Gióp lại bị trừng phạt trong khi ông không làm điều gì trái luật Chúa? Đó là câu hỏi mà Gióp cố tìm cách trả lời. Ba người bạn của Gióp đã đến để an ủi và cố giúp ông tìm lời giải đáp cho những gì đang diễn ra. Tuy nhiên, không ai trong số họ giúp Gióp tìm được lời giải đáp thoả đáng. Cuối cùng, Gióp đành chấp nhận thực tại và thừa nhận rằng, ý định và kế hoạch của Thiên Chúa vượt quá sức hiểu của con người.

Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được,
không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu.
“Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết
để làm cho kế hoạch của Ta
không còn được rõ ràng minh bạch ?”
Phải, con đã nói dù chẳng hiểu biết gì
về những điều kỳ diệu vượt quá sức con. (Gióp 42, 2-3)

Như vậy, sách Gióp giúp chúng ta hiểu rằng, sự dữ, bệnh tật hay mọi bất hạnh khác có thể xảy ra cho người tốt cũng như kẻ dữ. Nói cách khác, bệnh tật hay thiên tai chưa hẳn là hậu quả trực tiếp của tội.

Bệnh tật dưới cái nhìn của Tân ước 

Tin mừng Gioan tường thuật lại sự kiện về câu chuyện của một người mù. Khi nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giê-su liền đáp lại: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Gioan 9,1-41). Câu trả lời của Đức Giê-su giúp ta hiểu phần nào bản chất của những sự dữ mà chúng ta phải đối diện hàng ngày trong thế giới này. Qua câu trả lời, Đức Giê-su không trực tiếp nói về nguồn gốc của bệnh tật. Ngài không khẳng định hay từ chối cách hiểu của người Do thời thời đó vốn cho rằng bệnh tật là hậu quả trực tiếp của tội. Câu trả lời của Đức Giê-su dẫn ta đến một viễn tượng mới mẽ hơn: sự hiện diện của bệnh tật hay sự dữ có thể là cơ hội để chúng ta nhận ra vinh quang của Thiên Chúa. 

Trong Tin mừng thánh Gioan, phép lạ luôn là dấu chỉ của vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa. Qua phép lạ, trong đau khổ và thử thách, con người nhận ra sức mạnh và ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong thế giới. Trở thành người Ki-tô hữu không có nghĩa là chúng ta được giải thoát khỏi mọi đau khổ của bệnh tật, nghèo đói và bất công. Đời sống của người Ki-tô hữu khác với người khác nơi cách thức mà họ vượt qua đau khổ. Trong khi người không tin chỉ cậy dựa vào những phương tiện thế gian, người Ki-tô hữu được mời gọi để cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa. Trong đau khổ, người Ki-tô hữu nhận ra rằng ân sủng của Thiên Chúa luôn luôn đủ cho họ như thánh Phao-lô đã từng khẳng quyết: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Côrintô 12, 9). Họ không phàn nàn, chán nản hay đánh mất hy vọng vì họ xác tín rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn luôn chăm sóc họ như mẹ hiền nâng đỡ con thơ (xem Isaia 66, 13).

Đâu là bài học từ cơn đại dịch này? 

Vinh quang của Thiên Chúa có thể được tỏ lộ một cách rạng ngời qua các phép lạ vẫn diễn ra trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, vinh quang ấy được tỏ lộ một cách rạng rỡ hơn ngang qua sự cộng tác của con người vào công trình của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô khẳng định: “Người luôn nâng đỡ an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2Côrintô 1, 4). Thật vậy, vinh quang của Thiên Chúa được thể hiện nơi khả năng của con người cùng nhau vượt qua sự dữ. Vinh quang ấy trở nên rạng ngời nơi khả năng yêu thương người khác trong chính những giới hạn và bất toàn nhất. Ví dụ, trong cơn đại dịch virus Corona hiện nay, chúng ta vẫn chứng kiến biết bao nhiêu người không màng đến sự an toàn của bản thân để chăm sóc những người bệnh. Trong đau khổ và thất vọng, con người được mời gọi cộng tác với nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn. Các nhà khoa học nhấn mạnh đến việc chia sẻ thông tin liên quan đến Virus, thông tin liên quan đến việc phòng chống dịch như là con đường ngắn nhất giúp thế giới vượt qua cơn hoạn nạn này. Việc chia sẻ thông tin đòi mỗi bên vượt qua sự ích kỷ để đi đến sự tin tưởng và hợp tác với nhau. Ngoài ra, vinh quang của Thiên Chúa cũng được tỏ lộ khi con người biết quan tâm đến sức khoẻ của chính mình và người khác khi tự cách ly. 

Người Kitô hữu được mời gọi để liên đới với người khác vì mọi người là một thành viên của toàn thể gia đình nhân loại, đều là con cái của một Cha trên trời. Sống tình liên đới nghĩa là chúng ta để cho trái tim mình được rung động bởi đau khổ của người khác, để chia sẻ nỗi đau và thảm kịch của họ. Lịch sử Giáo hội Công giáo đã chứng kiến biết bao nhiêu vị thánh trở thành chứng nhân sống động trong chiều kích này. Thánh Rô-cô là một trong số đó. Sinh ra tại Montpelier nước Pháp vào năm 1295 trong một gia đình giàu có và quyền quý, ở tuổi 20, sau khi cha mẹ qua đời, thánh nhân đã bố thí hết tài sản rồi đi hành hương Rôma. Khi đó bệnh dịch đang hoành hành tại nước Ý, thánh Rôcô đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ những nạn nhân của dịch bệnh; rất nhiều người đã xin thánh nhân cầu nguyện để được khỏi bệnh. Chính Thánh Rôcô cũng bị bệnh dịch tấn công trong sa mạc. Trong tình huống đáng sợ đó, mặc dù bị cách ly khỏi mọi người, thánh nhân vẫn được nuôi sống một cách kỳ diệu nhờ một chú chó mang đến cho thánh nhân một ổ bánh mì mỗi ngày.

Thay vì loay hoay đi tìm câu trả lời tại sao Thiên Chúa lại cho phép bệnh dịch xảy ra, người Ki-tô được mời gọi để nhìn vế phía trước và tự hỏi chúng ta có thể học được gì từ sự kiện này. Đó có thể là dịp để nhận ra giới hạn và sự nhỏ bé của con người trong thế giới này. Thật vậy, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều người tin rằng đã đến lúc con người làm chủ thế giới, làm chủ vận mệnh của mình. Sự xuất hiện của virus Corona đã giúp nhiều người thức tỉnh khỏi cơn mộng mà nhận ra sự giới hạn của con người. Đó cũng có thể là bài học về lòng thương xót hướng đến người khác, lòng thương xót khiến ta rời khỏi nơi an toàn của mình để giúp đỡ tha nhân. Kinh thánh không cung cấp cho chúng ta một loại Vaccine vạn năng giúp ta phòng ngừa khỏi mọi bệnh tật và virus. Đúng hơn, Kinh thánh cung cấp cho chúng ta ánh sáng và đức tin nhờ đó chúng ta có thể cùng nhau đối diện và vượt qua những đau khổ và thách đố trong thế giới này. Ánh sáng của Tin mừng giúp chúng ta tin tưởng và phó thác và Thiên Chúa bởi vì Ngài là Đấng yêu thương, Đấng có thể mang lại những điều tốt lành từ sự dữ tồi tệ nhất.

Minh Triệu, S.J.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận