Vào lúc 17:45 ngày 27/7 giờ địa phương, tức 4:45 sáng ngày 28/7 giờ Việt Nam, ĐTC gặp gỡ Chính quyền dân sự, Đại diện các dân tộc bản địa và Ngoại giao đoàn tại “Citadelle de Québec”. Mở đầu bài diễn văn trước những người hiện diện, ĐTC đã cảm ơn Bà Thống đốc Toàn quyền Mary Sion, Thủ tướng Justin Trudeau về những lời chào mừng gởi đến ngài.
ĐTC nói: “Tôi rất vui khi có thể nói chuyện với quý vị, những người có trách nhiệm phục vụ người dân của đất nước vĩ đại này, nơi “từ biển tới biển” như câu khẩu hiệu của quốc gia, đã cho thấy một di sản thiên nhiên đặc biệt. Trong số rất nhiều vẻ đẹp của xứ sở này, tôi nghĩ đến những khu rừng phong bát ngát và ngoạn mục khiến cho những miền quê Canada trở nên đầy màu sắc và đa dạng một cách độc đáo. Tôi muốn khởi đi từ biểu tượng nổi bật và tuyệt vời của những vùng đất này, tức chiếc lá phong, bắt đầu từ con dấu của Québec, và sau đó nhanh chóng lan rộng để trở thành biểu tượng xuất hiện trên quốc kỳ.
Sự tiến triển đó diễn ra trong thời gian tương đối gần đây, nhưng những cây phong lưu giữ ký ức của bao nhiêu thế hệ trong quá khứ, thậm chí có thể trở ngược lại trước cả khi những người thực dân đặt chân đến đất Canada. Thời đó người bản địa đã biết chiết xuất nhựa cây phong, từ đó họ bào chế ra nhiều loại sirô bổ dưỡng. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến sự cần cù và sự quan tâm liên lỉ của người bản địa trong việc bảo vệ đất đai và môi trường, trung thành với viễn cảnh hài hòa của công trình sáng tạo như một cuốn sách mở vốn dạy cho con người biết kính yêu Đấng Tạo Hóa và biết cộng sinh với các sinh thể khác. Ở điểm này chúng ta có thể học hỏi được nhiều, cách riêng là khả năng chăm chú lắng nghe Thiên Chúa, con người và thiên nhiên. Và chúng ta cần điều ấy, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới ngày nay đang chuyển mình với tốc độ chóng mặt và điên cuồng, được đánh dấu bằng sự “nhanh gọn hóa” mọi lúc mọi nơi vốn cản trở một sự phát triển thực sự nhân bản, bền vững và toàn diện (x. Laudato Si’, số 18), và rốt cuộc là tạo ra “một xã hội đầy sự mỏi mệt và vỡ mộng” vốn thật khó để có thể phục hồi vị ngọt của chiêm niệm, hương hoa từ những mối tương quan đích thực, hay vẻ nhiệm mầu của hiện hữu cùng nhau. Chúng ta cần lắng nghe và đối thoại với nhau biết bao, nhằm tránh khỏi chủ nghĩa cá nhân đang thịnh hành, khỏi những phán xét vội vàng, hay khỏi sự hung hãn tràn lan cũng như cám dỗ chia cắt thế giới thành người tốt kẻ xấu! Những chiếc lá phong lớn, vốn có thể hấp thụ không khí ô nhiễm rồi cung cấp oxy, mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình sáng tạo và trân quý những giá trị tốt đẹp hiện diện trong các nền văn hóa bản địa. Chúng có thể truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta và giúp chữa lành các khuynh hướng lợi dụng tai hại. Tôi đang nói đến sự khai thác không chỉ nơi công trình tạo dựng mà còn là sự lợi dụng thời gian và các mối tương quan, đặt hoạt động của con người chỉ dựa trên những gì tỏ ra hữu ích và sinh lợi.
Tuy nhiên, ĐTC nhấn mạnh, những lời dạy quan trọng này đã bị phản đối dữ dội trong quá khứ. Tôi nghĩ trên tất cả các chính sách đồng hóa và chiếm giữ đặc quyền, cũng liên quan đến hệ thống trường học nội trú, đã làm tổn hại các gia đình bản địa bằng cách phá hoại ngôn ngữ, văn hóa và thế giới quan của họ. Hệ thống thảm hại đó, được cổ võ bởi các nhà cầm quyền thời đó, đã chia cắt nhiều trẻ em khỏi gia đình của chúng, ngay cả các cơ sở Công giáo khác nhau ở địa phương cũng đã góp phần. Vì lý do này, tôi bày tỏ sự xấu hổ và đau buồn sâu sắc của mình, và cùng với các giám mục của đất nước này, tôi tiếp tục khẩn xin sự tha thứ cho những điều sai trái của rất nhiều Kitô hữu đối với người dân bản địa. Thật là bi thảm khi một số tín hữu, như đã xảy ra trong giai đoạn lịch sử đó, đã tuân theo các quy ước của thế gian hơn là tuân theo Tin Mừng. Đức tin Kitô giáo đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc hình thành những lý tưởng cao cả nhất của Canada, dễ thấy nơi mong muốn xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn cho tất cả cư dân. Đồng thời, khi thừa nhận lỗi lầm của chúng ta, tôi thấy chúng ta rất cần phải làm việc cùng nhau để hoàn thành một mục tiêu chung mà tôi biết hết thảy các bạn đều ấp ủ: cổ võ các quyền hợp pháp của người dân bản địa và ủng hộ những tiến trình hàn gắn và hòa giải giữa người dân bản địa và những người khác trên cùng một đất nước. Điều đó được phản ánh trong cam kết của quý vị để đáp ứng thỏa đáng các kháng nghị của Ủy ban Sự thật và Hòa giải, cũng như trong sự quan tâm đến việc thừa nhận các quyền của người bản địa.
Tòa Thánh và các cộng đồng Công giáo địa phương cam kết cổ võ các nền văn hóa bản địa một cách cụ thể thông qua các hình thức đồng hành thiêng liêng đặc thù và thích hợp, bao gồm sự chú tâm đến các truyền thống văn hóa, phong tục, ngôn ngữ và quá trình giáo dục của người dân bản địa, theo tinh thần của Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc về Quyền của các dân tộc bản địa. Chúng tôi mong muốn đổi mới mối quan hệ giữa Giáo Hội và các dân tộc bản địa Canada, một mối quan hệ được đánh dấu bằng cả tình yêu phong nhiêu và, một cách bi thảm, bởi cả những vết thương sâu sắc mà chúng tôi xin cam kết tìm hiểu và chữa lành. Tôi thực sự biết ơn vì đã có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe nhiều đại diện từ các dân tộc bản địa trong những tháng gần đây tại Roma, cũng như ở đây, tại Canada, để có thể canh tân các mối quan hệ tốt đẹp từng được thiết lập trên đất nước này.
“Lịch sử đau khổ và đầy khinh miệt” đó, kết quả của não trạng thực dân, thật “không dễ chữa lành”. Thật vậy, lịch sử ấy phải khiến chúng ta nhận ra rằng “quá trình thực dân hóa vẫn chưa kết thúc; ở nhiều nơi nó đã thay hình đổi dạng, ngụy trang và giấu mặt” (Querida Amazonia, 16). Đó là trường hợp của các hình thức thực dân hóa ý thức hệ. Trước đây, não trạng thực dân coi thường đời sống cụ thể của con người và áp đặt những mô hình văn hóa đã định sẵn; nhưng ngày nay cũng vậy, có nhiều hình thức thực dân hóa ý thức hệ xung đột với thực tế cuộc sống, bóp nghẹt sự gắn bó tự nhiên của các dân tộc với những giá trị của họ, và cố gắng nhổ tận gốc các mối quan hệ truyền thống, lịch sử và tôn giáo của họ. Não trạng này, vốn tự phụ nghĩ rằng những trang đen tối của lịch sử đã bị bỏ lại phía sau, lại trở nên cởi mở với “nền văn hóa huỷ bỏ” vốn đánh giá quá khứ hoàn toàn dựa trên một số phạm trù đương đại nhất định. Hậu quả là một phong cách văn hóa cào bằng mọi thứ, khiến mọi thứ đều như nhau, không khoan dung với những khác biệt, và chỉ tập trung vào thời điểm hiện tại, vào nhu cầu và quyền của cá nhân, trong khi thường xuyên bỏ bê nhiệm vụ phải có đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong số những anh chị em của chúng ta: người nghèo, di dân, người cao tuổi, bệnh nhân, trẻ sơ sinh… Họ là những người bị lãng quên trong “các xã hội sung túc”; họ là những người, giữa sự thờ ơ chung chung, bị gạt sang một bên như những chiếc lá khô chờ ngày đem đốt.
Thay vào đó, những tán lá đa sắc rực rỡ của cây phong nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của toàn thể, về tầm quan trọng của việc phát triển các cộng đồng nhân loại vốn không đồng nhất một cách nhạt nhẽo, nhưng thực sự cởi mở và sẵn sàng hòa nhập. Và cũng như mọi chiếc lá đều là nền tảng cho cành lá xum xuê, mỗi gia đình, với tư cách là tế bào thiết yếu của xã hội, đều phải được trân quý, bởi vì “tương lai của nhân loại đi ngang qua gia đình” (Thánh Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 86). Gia đình là thực tại xã hội cụ thể đầu tiên, nhưng nó đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố: bạo lực gia đình, nhịp độ lao động điên cuồng, tư duy cá nhân chủ nghĩa, tư duy đặt công việc và địa vị lên trên hết (cutthroat careerism), nạn thất nghiệp, sự cô đơn và bị cô lập của người trẻ, sự bỏ rơi người già yếu… Người dân bản địa dạy chúng ta nhiều điều về cách chăm sóc và bảo vệ gia đình; nơi họ, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em được học cách nhận biết đúng sai, sống trung thực, chia sẻ, sửa lỗi, học cách bắt đầu lại, động viên nhau và hòa giải với nhau. Mong những điều sai trái mà người dân bản địa phải chịu đựng như một lời cảnh báo cho chúng ta ngày nay, để sự quan đến gia đình và những quyền lợi của gia đình không bị xao lãng bởi tư duy chạy theo năng suất hay thú vui cá nhân.
Chúng ta hãy trở lại với hình ảnh chiếc lá phong. Trong thời chiến, những người lính sử dụng lá phong để băng bó và xoa dịu vết thương. Ngày nay, trước sự điên cuồng vô nghĩa của chiến tranh, một lần nữa chúng ta cần phải hàn gắn các hình thức thù địch và chủ nghĩa cực đoan cũng như chữa lành vết thương của hận thù. Một nhân chứng của những hành động bạo lực bi thảm trong quá khứ gần đây đã nhận xét rằng “hòa bình có bí quyết của riêng nó: đừng bao giờ thù ghét bất cứ ai. Nếu chúng ta muốn sống, chúng ta không bao giờ được phép hận thù” (Phỏng vấn Edith Bruck, Avvenire, 8 tháng 3 năm 2022). Chúng ta không cần phải chia thế giới này thành bên bạn bên thù, không cần phải tạo ra khoảng cách để rồi một lần nữa phải hết mình tự vệ: một cuộc chạy đua vũ trang và các chiến lược răn đe sẽ không mang lại hòa bình và an ninh. Chúng ta cần tự hỏi mình không phải làm thế nào để theo đuổi các cuộc chiến tranh, mà là làm sao để ngăn chặn chúng. Và để ngăn cho các dân tộc khỏi nạn bắt giữ con tin một lần nữa, cũng như khỏi bị kìm kẹp bởi các cuộc chiến tranh lạnh kéo dài và khủng khiếp.
Trong thực tế, những thách thức lớn trong thời đại của chúng ta, như hòa bình, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của đại dịch và phong trào di cư trên tầm mức quốc tế, tất cả đều có một điểm chung: chúng mang tính toàn cầu, liên quan đến tất cả mọi người. Và bởi tất cả những thách thức ấy đều nói lên sự cần thiết phải xem xét tổng thể, chính trị không thể bị giam cầm trong lợi ích đảng phái. Chúng ta cần phải có khả năng nhìn đến bảy thế hệ tương lai, như truyền thống khôn ngoan nơi các dân tộc bản địa đã dạy, chứ không chỉ chăm chăm vào điều tiện lợi trước mắt, về các cuộc bầu cử tiếp theo, hoặc sự ủng hộ của chiến dịch vận động hành lang này nọ. Nhưng chúng ta cũng cần đánh giá cao sự khao khát của những người trẻ đối với tình huynh đệ, công lý và hòa bình. Để gìn giữ ký ức và sự khôn ngoan, chúng ta cần lắng nghe người cao tuổi, nhưng để tiến tới tương lai, chúng ta cũng cần ôm lấy ước mơ của những người trẻ. Họ xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn tương lai mà chúng ta đang chuẩn bị cho họ; họ xứng đáng được tham gia vào các quyết định trong việc xây dựng thế giới hôm nay và mai sau, và đặc biệt là về việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta; về mặt này, các giá trị và lời dạy của người dân tộc bản địa là đáng quý. Ở đây, tôi muốn bày tỏ sự trân quý đối với cam kết đáng khen ngợi đang được thực hiện ở cấp địa phương trong việc bảo vệ môi trường. Thậm chí có thể nói rằng những biểu tượng được rút ra từ thiên nhiên, chẳng hạn như bông hoa bách hợp trên lá cờ của Tỉnh Québec này, và chiếc lá phong trên quốc kỳ, xác nhận ơn gọi hay thiên chức sinh thái của Canada.
Khi Ủy ban sáng tạo quốc kỳ đã cân nhắc đánh giá hàng nghìn bản phác thảo được gửi cho mục đích đó, nhiều bản thảo được gửi đến từ những người bình dân, điều thật đáng ngạc nhiên là hầu hết tất cả các bản thảo đều có hình ảnh chiếc lá phong. Sự hội tụ xung quanh biểu tượng được chung chia này khiến tôi muốn gợi ý một từ ngữ thiết yếu cho tất cả người dân Canada: chủ nghĩa đa văn hóa. Chủ nghĩa đa văn hóa là nền tảng cho sự gắn kết của một xã hội đa dạng như màu sắc lấp lánh của những tán lá phong. Với nhiều điểm, góc cạnh và bề mặt, chiếc lá phong gợi cho chúng ta về một khối đa diện; nó nhắc chúng ta rằng các bạn là những người có khả năng hòa nhập, để những người mới đến có thể tìm thấy một vị trí trong sự thống nhất đa dạng đó và có thể đóng góp phần đặc sắc của riêng họ vào đó (X. Evangelii Gaudium, 236). Chủ nghĩa đa văn hóa là một thách thức thường trực: nó liên quan đến việc chấp nhận và đón lấy tất cả các yếu tố khác nhau hiện có, đồng thời tôn trọng các truyền thống và nền văn hóa đa dạng, và không bao giờ được phép nghĩ rằng quá trình này đã hoàn tất. Về vấn đề này, tôi hết lòng cảm kích trước sự quảng đại và hào hiệp như đã thấy trong việc tiếp nhận nhiều người di cư từ Ucraina và Afghanistan. Tuy nhiên, cũng cần phải vượt ra khỏi luận lý có vẻ thuyết phục của nỗi e dè đối với người nhập cư; và tùy theo khả năng của đất nước, trao cho họ cơ hội cụ thể để dự phần trách nhiệm vào xã hội. Để điều này xảy ra, quyền lợi và sự dân chủ là không thể thiếu. Nhưng cũng cần phải đối mặt với tư duy cá nhân chủ nghĩa và nên nhớ rằng đời sống chung dựa trên những giả định mà bản thân hệ thống chính trị không thể tự tạo ra. Cũng ở đây, văn hóa bản địa thật hữu ích trong việc nhắc nhớ tầm quan trọng của các giá trị xã hội. Giáo hội Công giáo, với chiều kích phổ quát, quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, phục vụ chính đáng cho cuộc sống con người tại mọi thời điểm hiện hữu, từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên. Giáo hội rất vui khi được cống hiến những đóng góp cụ thể của mình.
Trong những ngày này, tôi nghe nói về nhiều người túng thiếu đến gõ cửa các giáo xứ. Ngay cả ở một đất nước phát triển và thịnh vượng như Canada, vốn rất chú trọng đến trợ cấp xã hội, vẫn có rất nhiều người vô gia cư tìm đến nhà thờ và các kho lương thực để nhận sự trợ giúp thiết yếu cho những nhu cầu cần được đáp ứng. Những nhu cầu ấy, đừng quên, không chỉ là nhu cầu vật chất. Những anh chị em này của chúng ta thúc đẩy chúng ta suy ngẫm về nhu cầu cấp thiết phải nỗ lực khắc phục tận căn sự bất công đang tàn phá thế giới của chúng ta, trong đó những quà tặng phong phú và dư dật từ công trình sáng tạo bị phân phối một cách bất công. Thật là tai tiếng khi phúc lợi do phát triển kinh tế mang lại không sinh ích cho tất cả các thành phần của xã hội. Và thực sự đáng buồn là ngay trong chính các dân tộc bản địa, chúng ta thường tìm thấy nhiều chỉ số nghèo, cùng với các chỉ số tiêu cực khác, chẳng hạn như tỷ lệ đi học thấp, khả năng tiếp cận ngày càng khó hơn để có thể sở hữu một ngôi nhà hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mong rằng biểu tượng chiếc lá phong, vốn thường xuyên xuất hiện trên nhãn mác các sản phẩm của đất nước, sẽ là động lực khuyến khích mọi người đưa ra các quyết định kinh tế và xã hội nhằm thúc đẩy sự chung tay và quan tâm đến những người túng thiếu.
Chúng ta cùng làm việc trong sự đồng thuận và chung tay để đối phó với những thách đố cấp bách ngày nay. Tôi trân trọng cảm ơn các bạn vì lòng hiếu khách, sự quan tâm và tôn trọng. Và với niềm quý mến lớn lao, tôi đảm bảo với bạn rằng đất nước và người dân Canada luôn hiện diện cách gần gũi trong trái tim tôi.
Buổi gặp gỡ kết thúc khoảng 18h15, Đức Thánh Cha đã dùng xe mui trần để di chuyển và chào mọi người khoảng 20 phút. Sau đó, ngài về Toà Giám Mục và nghỉ đêm tại đây. Kết thúc ngày thứ tư của chuyến tông du.
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1