WHĐ (18.07.20230) – Hôm 20.06.2023, Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố Tài liệu Làm việc (Instrumentum Laboris) như là cơ sở hướng dẫn các cuộc thảo luận trong Khoá họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng sẽ diễn ra vào tháng 10.2023. Sau đây là toàn văn Tài liệu theo bản dịch Việt ngữ của Ban Thư ký Hiệp Hành Hội đồng Giám mục Việt Nam.
* * *
ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI
CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH:
HIỆP THÔNG, THAM GIA VÀ SỨ VỤ
TÀI LIỆU LÀM VIỆC
(INSTRUMENTUM LABORIS)
Cho Khoá họp Thứ nhất
(Tháng Mười, 2023)
Chữ viết tắt
AA Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem (18.11.1965)
AG Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes (07.12. 1965)
CA Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus (01.05.1991)
CL Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Christifideles laici (30.12.1988)
CV Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Christus vivit (25.03.2019)
PD Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021)
DCS Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở” (Is 54,2). Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục (2022)
DV Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum (18.11.1965)
EC Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông hiến Episcopalis communio (15.09.2018)
EG Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium (24.11.2013)
FT Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (03.10.2020)
GS Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes (07.12.1965)
IL Tài liệu Làm việc (Instrumentum Laboris)
LG Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium (21.11.1964)
PE Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông hiến Praedicate Evangelium (19.03.2022)
SC Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (04.12.1963)
UR Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio (21.11.1964)
TÀI LIỆU LÀM VIỆC
Lời nói đầu
“Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Ðức Kitô Giêsu đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 15, 5- 6).
Cuộc hành trình cho đến nay
- Dân Chúa đã và đang tiến bước kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập toàn thể Giáo hội trong Thượng hội đồng vào tháng 10. 2021. Khởi đi từ cấp độ cơ bản và quan trọng nhất, các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới đã khởi xướng việc thỉnh ý Dân Chúa, bắt đầu với câu hỏi cơ bản được trình bày trong số 2 của Tài liệu Chuẩn bị:“Hiện nayviệc ‘đồng hành cùng nhau’ này đang diễn ra thế nào trên các bình diện khác nhau (từ bình diện địa phương đến bình diện hoàn vũ), cho phép Giáo hội loan báo Tin Mừng đúng theo sứ vụ Giáo hội được ủy thác; và Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để thăng tiến như một Giáo hội hiệp hành?”. Các kết quả của cuộc tham vấn được thu thập ở cấp giáo phận, sau đó được tóm tắt và gửi đến các Thượng Hội đồng của các Giáo hội Công giáo Đông phương và các Hội đồng Giám mục. Đến lượt mình, mỗi tổ chức này lại soạn thảo một bản tổng hợp được gởi tới Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng.
- Để phục vụ một giai đoạn mới trong tiến trình Thượng Hội đồng đang diễn ra, Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục đã được soạn thảo từ việc đọc và phân tích các tài liệu thu thập được.Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lụcđã được gửi lại cho các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới, mời họ tham gia học hỏi và sau đó gặp gỡ và tham gia đối thoại tại bảy Đại hội Châu lục. Trong thời gian này, công việc của Thượng Hội đồng kỹ thuật số cũng được tiếp tục. Mục đích là tập trung vào những hiểu biết và những căng thẳng cộng hưởng mạnh mẽ nhất với trải nghiệm của Giáo hội ở mỗi châu lục và để xác định, từ quan điểm của mỗi châu lục, những ưu tiên cần được đề cập trong khoá họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng (tháng 10. 2023).
- Tài liệuLàm việc này được soạn thảo dựa trên cơ sở của tất cả các tài liệu thu thập được trong giai đoạn lắng nghe, và nhất là các Tài liệu cuối cùng của các Đại hội Châu lục. Việc công bố Tài liệu Làm việc khép lại giai đoạn thứ nhất của Thượng Hội đồng “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ” và mở ra giai đoạn thứ hai, bao gồm hai khoá họp[1] (tháng 10. 2023 và tháng 10. 2024), trong đó Đại Hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ diễn ra. Mục đích của giai đoạn thứ hai là tiếp tục làm sinh động tiến trình hiệp hành trong đời sống thường ngày của Giáo hội, xác định những lộ trình nào mà Thánh Thần mời gọi chúng ta bước đi với quyết tâm cao hơn với tư cách là một Dân của Chúa. Hoa trái mà chúng ta cầu xin tại Đại hội sắp tới là Thánh Thần – Đấng thúc đẩy việc bước đi cùng nhau của Giáo hội với tư cách là Dân Chúa trung thành với sứ vụ mà Chúa đã ủy thác cho Giáo hội. Thật vậy, mục đích của tiến trình hiệp hành “không phải là tạo ra các tài liệu mà là mở ra những chân trời hy vọng cho việc chu toàn sứ vụ của Giáo hội” (DCS, 6).
- Cuộc hành trình cho đến nay, đặc biệt là giai đoạn châu lục, đã giúp chúng ta có thể xác định và chia sẻ những hoàn cảnh cụ thể mà Giáo hội đã trải qua tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Những hoàn cảnh này bao gồm thực tế từ quá nhiều cuộc chiến tranh làm vấy máu thế giới của chúng ta dẫn đến lời kêu gọi cam kết đổi mới để xây dựng một nền hòa bình công bằng, mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra cho thấy ưu tiên hàng đầu là chăm sóc ngôi nhà chung, tiếng kêu gọi phản đối một hệ thống kinh tế tạo ra sự bóc lột, bất bình đẳng và một nền văn hóa vứt bỏ, và mong muốn chống lại áp lực đồng nhất hóa của chủ nghĩa thực dân văn hóa đang tiêu diệt các nhóm thiểu số. Những hoàn cảnh bị bách hại đến mức tử đạo và việc di cư dần dần làm rỗng cộng đoàn đang đe dọa chính sự sống còn của họ là những điều hết sức đau buồn. Các Giáo hội địa phương đã nói lên mối quan tâm của họ cần được trang bị để giải quyết những thực tế xã hội cấp bách, từ sự đa nguyên văn hóa đang gia tăng trên toàn bộ hành tinh, đến kinh nghiệm của các cộng đồng Kitô hữu đại diện cho các nhóm thiểu số rải rác trong quốc gia nơi họ sinh sống, đến kinh nghiệm chấp nhận một sự tục hóa ngày càng tiến xa hơn, và đôi khi hung hăng, dường như coi kinh nghiệm tôn giáo là không thích hợp, nhưng ở đó vẫn còn sự khao khát Tin Mừng của Phúc âm. Tại nhiều vùng, các Giáo hội bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc khủng hoảng do nhiều hình thức lạm dụng gây ra, bao gồm lạm dụng tình dục, quyền lực, lương tâm, và kinh tế. Đây là những vết thương hở, hậu quả vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cùng với niềm sám hối đối với các nạn nhân và những người sống sót vì những đau khổ mà mình đã gây ra, Giáo hội phải cam kết mạnh mẽ trong việc hoán cải và đổi mới nhằm ngăn chặn những tình huống tương tự tái diễn trong tương lai.
- Chính trong bối cảnh này, tuy đa dạng nhưng có những đặc điểm chung mang tính toàn cầu, mà hành trình Thượng Hội đồng diễn ra. Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10. 2023 cũng sẽ phải lắng nghe cách sâu sắc những hoàn cảnh mà Giáo hội đang sống và thi hành sứ vụ của mình. Cùng nhau bước đi có nghĩa là gì, câu hỏi ấy càng mang tính khẩn thiết hơn khi được đặt ra trong một bối cảnh cụ thể với những con người và hoàn cảnh thực trong tâm trí. Điều cần được quan tâm là khả năng loan báo Tin Mừng bằng việc bước đi cùng nhau với những người nam nữ trong thời đại chúng ta, bất kể họ ở đâu, cũng như việc thực hành tính công giáo xuất phát từ việc bước đi cùng nhau với các Giáo hội đang sống trong những điều kiện đau khổ đặc biệt (x. LG 23).
- Đến với Đại hội Thượng Hội đồng, chúng ta mang theo những thành quả đã thu thập được trong giai đoạn lắng nghe. Trước hết, chúng ta cảm nghiệm niềm vui được thể hiện trongcuộc gặp gỡ chân thành và trân trọng giữa anh chị em trong đức tin: gặp gỡ nhau là gặp gỡ Chúa đang ở giữa chúng ta! Nhờ đó, chúng ta đã có thể chạm đến tính công giáo của Giáo hội, một Giáo hội mà trong sự đa dạng về tuổi tác, giới tính và điều kiện xã hội, thể hiện sự phong phú phi thường về các đặc sủng và ơn gọi trong Giáo hội, và là người canh giữ một kho tàng đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, cách diễn đạt phụng vụ và truyền thống thần học. Trên thực tế, sự đa dạng phong phú này là quà tặng của mỗi Giáo hội địa phương cống hiến cho tất cả các Giáo hội khác (x. LG 13), và động lực hiệp hành là một phương thế để trân trọng và tăng cường sự đa dạng phong phú này mà không san bằng nó thành sự đồng nhất. Tương tự như vậy, chúng ta khám phá ra rằng có những câu hỏi mọi người đều chia sẻ, kể cả khi tính hiệp hành được sống và được hiểu cách khác nhau ở những nơi khác nhau trên thế giới, trên cơ sở di sản chung của Truyền thống tông đồ. Một phần thách thức của tính hiệp hành là phân định mức độ thích hợp nhất để giải quyết từng vấn đề. Một số căng thẳng cũng được mọi người cùng chia sẻ.Chúng ta không cần phải sợ hãi chúng, cũng không tìm cách giải quyết chúng bằng mọi giá, nhưng phải tham gia vào việc phân định hiệp hành đang diễn ra. Chỉ bằng cách này, những căng thẳng mới có thể trở thành nguồn năng lượng và không rơi vào tình trạng phân cực hủy diệt.
- Giai đoạn thứ nhất đãđổi mới nhận thức của chúng ta rằng ơn gọi và căn tính của chúng ta là ngày càng trở thành một Giáo hội hiệp hành hơn: cùng nhau bước đi, trở nên hiệp hành, là cách để thực sự trở thành môn đệ và bạn hữu của Thầy và Chúa, Đấng đã nói về chính mình: “Thầy là đường” (Ga 14, 6). Ngày nay, điều này cũng là một ước muốn sâu xa: sau khi trải nghiệm việc cùng nhau bước đi như một hồng ân,chúng ta muốn tiếp tục như thế, biết rằng hành trình này sẽ được hoàn thành trọn vẹn vào ngày sau hết, khi mà, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta là một phần của đoàn người được mô tả trong sách Khải Huyền như sau: “Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta’” (Kh 7, 9-10). Bản văn này cho chúng ta hình ảnh về tính hiệp hành đã được hoàn thành một cách vĩnh viễn, trong đó sự hiệp thông hoàn hảo ngự trị trên tất cả những khác biệt gồm chứa trong đó, những khác biệt được duy trì và hiệp nhất trong một sứ mạng đã được hoàn thành: tham gia vào phụng vụ ngợi khen mà mọi thụ tạo, nhờ Đức Kitô, dâng lên Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.
- Chúng ta phó dâng công việc của Đại hội và việc tiếp tục dấn thân của chúng ta vì một Giáo hội hiệp hành cho sự chuyển cầu của các anh chị em, những người đã sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông các thánh (x. LG 50), và đặc biệt là của đấng đứng hàng đầu trong các thánh (x. LG 63) là Đức Maria – Mẹ Giáo hội. Chúng con cầu xin cho Đại hội là thời điểm tuôn đổ Thánh Thần, nhưng hơn nữa,ân sủng đó sẽ đồng hành với chúng ta khi đến lúc đưa hoa trái của Thượng Hội đồng vào hành động trong cuộc sống hàng ngày của các cộng đoàn Kitô hữu trên khắp thế giới.
Một công cụ làm việc cho giai đoạn thứ hai của hành trình hiệp hành
- Những đặc nét đánh dấu Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2024 không thể không được phản ánh trong ý nghĩa và động lực của Đại hội Thượng Hội đồng và do đó, trong cấu trúc của Tài liệu Làm việc phục vụ cho Đại hội Thượng Hội đồng. Đặc biệt, giai đoạn chuẩn bị lâu dài đã dẫn đến việc phát hành nhiều tài liệu:Tài liệu Chuẩn bị, báo cáo của các Giáo hội địa phương, Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục và Tài liệu cuối cùng của các Đại hội châu lục. Bằng cách này, một chu trình truyền thông liên lạc đã được thiết lập giữa các Giáo hội địa phương với nhau và giữa các Giáo hội địa phương với Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng. Tài liệu Làm việc hiện tại không hủy bỏ các tài liệu trước cũng không hấp thụ được hết những phong phú của các tài liệu ấy, nhưng bắt nguồn từ chúng và liên tục tham khảo lại chúng. Để chuẩn bị cho Đại hội,các Thành viên của Thượng Hội đồng được mời ghi nhớ các tài liệu trước đó, đặc biệt là Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục và các Tài liệu Cuối cùng của các Đại hội Châu lục, cũng như bản báo cáo của Thượng Hội đồng kỹ thuật số và sử dụng chúng như những công cụ cho việc phân định riêng của mình. Đặc biệt, các Văn kiện Cuối cùng của các Đại hội Châu lục rất có giá trị trong việc duy trì tính cụ thể của các bối cảnh khác nhau và những thách đố mà mỗi bối cảnh đặt ra. Công việc chung của Đại hội Thượng Hội đồng không thể bỏ qua những nguồn này cho việc phân định. Nhiều nguồn tài liệu được thu thập trong phần đặc biệt của trang web Thượng Hội đồng 2021-2024, www.synod.va, đặc biệt là Tông hiến Episcopalis communio (Tính hiệp thông giữa giám mục) và hai tài liệu của Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội (Synodality in the Life and Mission of the Church, 2018) và Cảm thức đức tin trong Đời sống Giáo hội (The sensus fidei in the Life of the Church, 2014) cũng có thể hữu ích.
- Với nguồn tài liệu phong phú đã có sẵn, Tài liệu Làm việc hướng tới mục tiêu trở thành một công cụ hỗ trợ thiết thực cho việc tiến hành Đại hội Thượng Hội đồng vào tháng 10. 2023, và do đó, là một công cụ để chuẩn bị cho việc chuẩn bị Đại hội. Những gì đã mô tả về Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục càng đúng hơn đối với Tài liệu Làm việc: “không phải là một tài liệu của Huấn quyền Giáo hội, cũng không phải là bản tường trình một cuộc khảo sát xã hội học; nó không nhằm trình bày các chỉ dẫn, các mục tiêu, cũng không xây dựng trọn vẹn một viễn tượng thần học” (DCS, số 8). Đây là điều không thể khác được, vì Tài liệu Làm việc là một phần của tiến trình chưa hoàn tất. Tuy nhiên, Tài liệu Làm việc tiến một bước xa hơn Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục, nó rút ra từ những ý tưởng được thu thập được trong giai đoạn thứ nhất, và đặc biệt là từ công việc của các Đại hội Châu lục,nêu rõ một số ưu tiên nảy sinh từ việc lắng nghe Dân Chúa, nhưng tránh trình bày chúng như những lời khẳng định hoặc lập trường. Thay vào đó, Tài liệu Làm việc diễn đạt những ưu tiên này nhưnhững câu hỏi gửi đến Đại hội Thượng Hội đồng. Đại hội có nhiệm vụ thực hiện một việc phân định để xác định một số bước cụ thể giúp cho sự phát triển tiếp tục của một Giáo hội hiệp hành, những bước mà sau đó Đại hội sẽ đệ trình lên Đức Thánh Cha. Chỉ khi đó, tiến trình lắng nghe cụ thể mới kết thúc, trong đó “mỗi người đều có điều gì đó để học hỏi. Các tín hữu, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma: người này lắng nghe người kia; và tất cả cùng lắng nghe Chúa Thánh Thần, ‘Thần Khí sự thật’ (Ga 14, 17), để biết Ngài ‘đang nói gì với các Giáo Hội’ (Kh 2, 7)”[2]. Trong ánh sáng này, mục đích của Tài liệu Làm việc không phải là một bản dự thảo đầu tiên của Văn kiện Cuối cùng của Thượng Hội đồng, chỉ để được điều chỉnh hoặc bổ sung. Thay vào đó, Tài liệu Làm việc cung cấp một sự hiểu biết ban đầu về chiều kích hiệp hành của Giáo hội, để trên cơ sở này có thể thực hiện sự phân định sâu sắc hơn. Các Thành viên của Đại hội Thượng Hội đồng là những người tiếp nhận chính yếu Tài liệu Làm việc, vốn cũng được công khai không chỉ vì lý do minh bạch mà còn như một đóng góp vào việc thực hiện các sáng kiến của Giáo hội. Đặc biệt, Tài liệu Làm việc có thể khuyến khích sự tham gia vào các động lực hiệp hành ở cấp địa phương và khu vực, trong khi chờ đợi kết quả của Đại hội tháng 10. Đại hội này sẽ cung cấp thêm tài liệu mà các Giáo hội địa phương được mời gọi để cầu nguyện, suy tư, hành động và đóng góp của riêng mình.
- Các câu hỏi do Tài liệu Làm việc đặt ra diễn tả sự phong phú của tiến trình phát sinh chúng: những câu hỏi mang dấu ấn của những cái tên và khuôn mặt cụ thể của những người tham gia, và chúng làm chứng cho trải nghiệm đức tin của Dân Chúa, và do đó biểu lộ thực tại của một trải nghiệm siêu việt. Từ quan điểm này, các câu hỏi chỉ ra một chân trời và mời gọi chúng ta tự tin tiến bước, để đào sâu việc thực hành chiều kích hiệp hành của Giáo hội.Giai đoạn thứ nhất giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc coi Giáo hội địa phương như một điểm tham chiếu ưu tiên[3], như một địa điểm thần học trong đó những người đã nhận phép Rửa trải nghiệm một cách thực tế“việc cùng nhau bước đi”. Tuy nhiên, điều này không dẫn đến việc rút lui vào chính mình. Không một Giáo hội địa phương nào có thể sống bên ngoài các mối tương quan liên kết mình với tất cả các Giáo hội khác, kể cả mối tương quan đặc biệt với Giáo hội Rôma, vốn được ủy thác phục vụ sự hiệp nhất nhờ thừa tác vụ của vị Mục tử của mình, người đã triệu tập toàn thể Giáo hội trong Thượng Hội đồng.
- Việc tập trung này vào các Giáo hội địa phương đòi hỏi phải tính đến sự đa dạng và phong phú của các nền văn hóa, ngôn ngữ và phương thức diễn đạt của họ. Cụ thể, cùng một từ – chẳng hạn như nghĩ về quyền bính và lãnh đạo – có thể có những âm vang và ý nghĩa rất khác nhau tùy theo các vùng ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, đặc biệt là khi trong một số ngữ cảnh một thuật ngữ cần được liên kết với đúng các cách tiếp cận lý thuyết hoặc ý thức hệ. Tài liệu Làm việc cố gắng tránh ngôn ngữ gây chia rẽ với hy vọng tăng cường sự hiểu biết tốt hơn giữa các thành viên của Đại hội Thượng Hội đồng đến từ các khu vực hoặc truyền thống khác nhau. Tầm nhìn của Công đồng Vatican II là điểm quy chiếu chung, bắt đầu từ tính công giáo của Dân Chúa, nhờ đó “mỗi phần tử thực thi những đóng góp của riêng mình cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội, để tất cả và từng người được tăng triển nhờ cùng chia sẻ mọi sự và cùng hiệp lực đạt đến tình trạng viên mãn trong tình hợp nhất […]trong khi vẫn bảo toàn quyền tối thượng của ngai tòa Phêrô đứng đầu toàn thể cộng đoàn đức ái, bảo toàn các dị biệt hợp pháp, đồng thời lưu tâm giữ gìn sao cho các dị biệt ấy không làm phương hại, trái lại còn phục vụ cho sự hợp nhất” (LG 13). Tính công giáo này được thể hiện trong mối tương quan nội tại hỗ tương giữa Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương, trong đó và từ đó “tạo thành một Giáo hội Công giáo duy nhất” (LG 23). Tiến trình hiệp hành giai đoạn thứ nhất diễn ra tại các Giáo hội địa phương, giờ đây bước vào giai đoạn thứ hai trong Giáo hội hoàn vũ, với việc tổ chức hai khoá họp của Đại hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục.
Cấu trúc của bản văn
- Tài liệu Làm việc được chia thành 2 phần, tương ứng với 2 nhiệm vụ được giao cho các Đại hội Châu lục (và do đó, phù hợp với nội dung của các Tài liệu Cuối cùng có liên quan): trước hết, các Đại hội Châu lục được mời thực hiện việc đọc lại lộ trình đã thực hiện trong giai đoạn thứ nhất, nhằm xác định những gì Giáo hội ở mỗi châu lục đã học được từ kinh nghiệm sống chiều kích hiệp hành để phục vụ cho sứ vụ; thứ đến, các Đại hội Châu lục được mời suy tư về Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục và phân định các cộng hưởng được thực hiện trong các Giáo hội địa phương của châu lục, hầu xác định các ưu tiên cần tiếp tục phân định trong Đại hội Thượng Hội đồng.
- Phần A của Tài liệu Làm việc, có tựa đề “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành”, cố gắng thu thập những thành quả của lộ trình đã đi cho đến nay. Trước hết,phần này liệt kê một loạt các đặc tính cơ bản hoặc các đặc điểm nổi bật của một Giáo hội hiệp hành. Sau đó nêu rõ nhận thức rằng một Giáo hội hiệp hành cũng được đặc trưng bởi một cách thức tiến hành cụ thể. Theo kết quả của giai đoạn đầu, cuộc đối thoại trong Thánh Thần là cách thức tiến hành này. Đại hội sẽ được mời để trả lời cho kết quả của việc đọc lại này với mục đích xác định và hoàn thiện chúng. Phần B của Tài liệu Làm việc, với tựa đề “Hiệp thông, sứ vụ, tham gia”[4], trình bày rõ ràng, dưới hình thức các câu hỏi về ba ưu tiên nổi bật nhất từ công việc của tất cả các châu lục, do đó đệ trình chúng cho Đại hội để phân định. Để hỗ trợ tiến trình làm việc của Đại hội Thượng Hội đồng, đặc biệt là công việc nhóm (Circuli Minores), 5 phiếu làm việc được đề xuất cho mỗi ưu tiên trong số ba ưu tiên này, cho phép chúng được tiếp cận từ những quan điểm khác nhau.
- Ba ưu tiên của phần B, được phát triển thông qua các phiếu làm việc tương ứng, bao gồm những đề tài rộng lớn có tính liên quan cao. Nhiều đề tài có thể là chủ đề của toàn bộ Thượng Hội đồng, và một số đã là chủ đề rồi. Trong một số trường hợp, những can thiệp của Huấn Quyền cũng rất nhiều và được xác định rõ ràng. Trong quá trình làm việc của Đại hội, những vấn đề ấy không thể được xử lý một cách thấu đáo, và nhất là cũng không nên coi những vấn đề ấy là độc lập với nhau. Thay vào đó, chúng sẽ phải được tiếp cận bắt đầu từ mối tương quan của chúng với chủ đề thực sự của (đại hội) tức là một Giáo hội hiệp hành. Ví dụ, những đề cập về tính cấp bách của việc quan tâm thích đáng đến gia đình và giới trẻ không nhằm mục đích khuyến khích một cách xử lý mới về mục vụ gia đình hoặc mục vụ giới trẻ. Mục đích của những đề cập ấy là giúp tập trung vào việc thực hiện các kết luận của hai Đại hội Thường lệ trước đó của Thượng Hội đồng Giám mục (năm 2015 và năm 2018) và của các Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng từ hai Thượng Hội đồng này làAmoris laetitiavà Christus vivit, việc thực hiện ấy đã thể hiện ra sao cơ hội cùng nhau bước đi với tư cách là một Giáo hội có khả năng chào đón và đồng hành cùng các gia đình và những người trẻ, chấp nhận những thay đổi cần thiết về quy tắc, cấu trúc và thủ tục. Điều tương tự cũng áp dụng cho nhiều vấn đề khác xuất hiện trong các chủ đề thảo luận.
- Đại hội và các Thành viên Đại hội cam kếtduy trì trạng thái cân bằng năng động giữa việc duy trì một cái nhìn tổng thể, đặc trưng cho công việc được nêu trong phần A, vàviệc xác định các bước cần phải thực hiện một cách cụ thể và kịp thời, như là trọng tâm của phần B. Điều này tùy thuộc vào thành quả của việc phân định của Đại hội Thượng Hội đồng mà nhiệm vụ của các Thành viên Đại hội là mở ra cho toàn thể Giáo hội để đón nhận tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Nguồn cảm hứng cho công việc của Đại hội có thể đến từ việc suy tư về cách trình bày rõ ràng của Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, vốn “gồm hai phần”, khác nhau về đặc điểm và trọng tâm, nhưng trở thành “một tổng thể thống nhất” (GS, chú thích 1)
A. Hướng tới một Giáo hội hiệp hành. Một trải nghiệm toàn diện
“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thánh Thần tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12, 4-7).
- Một đặc điểm chung hiệp nhất các câu chuyện về các chặng của giai đoạn thứ nhất: đó là sự ngạc nhiên của những người tham gia, họ thấy mình đã có thể chia sẻ hành trình hiệp hành theo cách vượt quá mong đợi của họ. Đối với những người tham gia, tiến trình hiệp hànhmang đến cơ hội gặp gỡ trong đức tin tạo nên mối liên kết với Chúa, tình huynh đệ giữa mọi người và tình yêu đối với Giáo hội, không chỉ ở cấp độ cá nhân, mà còn thu hút và tiếp thêm sinh lực cho toàn thể cộng đoàn. Kinh nghiệm này là chân trời hy vọng đang mở ra cho Giáo hội, một dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Giáo hội xuyên suốt lịch sử trên hành trình tiến về Nước Trời (x. LG 5): “Nhân vật chính của Thượng Hội đồng là Chúa Thánh Thần”[5]. Do đó, lời mời cùng nhau bước đi càng được chấp nhận một cách mạnh mẽ bao nhiêu, thì Thượng Hội đồng càng trở thành một lộ trình mà Dân Chúa tiến hành với lòng nhiệt thành bấy nhiêu, không hề có sự ngây thơ ở đây. Thật vậy, các vấn đề, sự chống đối, khó khăn và căng thẳng không bị che giấu hoặc ngụy trang nhưng được xác định và đặt tên nhờ vào một bối cảnh đối thoại đích thực giúp chúng ta có thể nói và lắng nghe một cách tự do và chân thành. Những vấn đề thường được đặt ra theo cách đối nghịch, hoặc là những vấn đề mà đời sống Giáo hội ngày nay không có chỗ cho việc đón nhận và phân định, những vấn đề ấy có thể được tiếp cận theo cách thức Tin Mừng trong tiến trình của Thượng Hội đồng.
- Như thế, một từ ngữ trừu tượng hoặc lý thuyết như tính hiệp hành bắt đầu được thể hiện trong một trải nghiệm cụ thể. Từ việc lắng nghe Dân Chúa, nảy sinh một sự tiếp nhận và hiểu biết tiệm tiến về tính hiệp hành “từ bên trong”, vốn không bắt nguồn từ việc đưa ra một nguyên tắc, một lý thuyết hay một công thức, nhưng phát triển từ chỗ sẵn sàng bước vào một sự năng động của việc nói, lắng nghe và đối thoại mang tính xây dựng, tôn trọng và cầu nguyện. Nền tảng của tiến trình này là sự chấp nhận của cả cá nhân và cộng đoàn, một điều vừa là hồng ân vừa là thách thức: trở thành một Giáo hội gồm các anh chị em trong Đức Kitô, những người lắng nghe nhau và khi làm như vậy, dần dần được Thánh Thần biến đổi.
A 1. Những dấu chỉ đặc trưng của một Giáo hội hiệp hành
- Trong khuôn khổ của sự hiểu biết toàn diện này, nổi lên một nhận thức về một số dấu chỉ đặc trưng hoặc đặc biệt của một Giáo hội hiệp hành. Đây là những xác tín chung mà chúng ta cùng dựa vào và suy nghĩ khi bước vào hành trình sẽ tiếp tục làm sáng tỏ và cải thiện chúng, bắt đầu từ công việc mà Đại hội Thượng Hội đồng sẽ đảm nhận.
- Tất cả các châu lục đều có ý thức mạnh mẽ rằng:một Giáo hội hiệp hành được thành lập trên cơ sở nhìn nhận phẩm giá chung bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội, một phẩm giá làm cho tất cả những ai lãnh nhận Bí tích này trở thành con cái của Thiên Chúa, trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa, và do đó là anh chị em trong Đức Kitô, được Thánh Thần cư ngụ và được sai đi để hoàn thành một sứ vụ chung. Nói theo ngôn ngữ của Phaolô, “Tất cả chúng ta, là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất” (1Cr 12, 13). Do đó, Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ và qua việc xây dựng cộng đoàn giáo hội tuỳ theo đặc sủng của mỗi người.Một Giáo hội hiệp hành chỉ có thể được hiểu trong chân trời của hiệp thông, vốn luôn luôn có sứ vụ loan báo và nhập thể Tin Mừng trong mọi chiều kích của sự hiện hữu con người. Sự hiệp thông và sứ vụ được nuôi dưỡng bằng việc cùng nhau tham dự Thánh Thể, là điều biến Giáo Hội thành một thân thể “được ăn khớp và đan kết với nhau” (Ep 4, 16) trong Đức Kitô, có khả năng cùng nhau tiến về Nước Trời.
- Nhận thức này đi kèm với ước muốn vềmột Giáo hội càng mang tính hiệp hành cả trong các thể chế, cơ cấu và thủ tục của mình, để tạo thành một không gian trong đó phẩm giá chung của phép Rửa và sự đồng trách nhiệm đối với sứ vụ không chỉ được khẳng định mà còn được thực thi, và thực hành. Trong không gian này, việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội được trân trọng như một hồng ân, và ngày càng phải được định hình như “một công việc phục vụ đích thực, mà Kinh Thánh gọi một cách có ý nghĩa là ‘diakonia’ hay thừa tác vụ” (LG 24), theo gương mẫu của Chúa Giêsu, Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 1-11).
- “Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe”[6]: nhận thức này là kết quả của trải nghiệm về hành trình hiệp hành, đó là lắng nghe Thánh Thần qua việc lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe nhau với tư cách cá nhân và giữa các cộng đoàn giáo hội, từ cấp địa phương đến cấp châu lục và hoàn vũ. Đối với nhiều người, điều ngạc nhiên lớn chính là trải nghiệm được cộng đoàn lắng nghe, trong một số trường hợp là lần đầu tiên, do đó việc được nhìn nhận về giá trị con người độc nhất của chính mình minh chứng cho tình yêu của Chúa Cha dành cho từng người con nam, nữ của Ngài. Trải nghiệm lắng nghe và được lắng nghe như thế không chỉ có chức năng thực tế mà còn mang chiều sâu thần học và giáo hội vì theo gương Chúa Giêsu đã lắng nghe những người mà Người gặp gỡ. Phong cách lắng nghe này là cần thiết để đánh dấu và biến đổi tất cả các mối tương quan mà cộng đoàn Kitô hữu thiết lập giữa các thành viên của mình, với các cộng đoàn đức tin khác, và với toàn xã hội, nhất là đối với những người mà tiếng nói của họ thường bị phớt lờ nhất.
- Là một Giáo hội cam kết lắng nghe,một Giáo hội hiệp hành mong muốn trở nên khiêm tốn, và biết rằng mình phải xin sự tha thứ và còn nhiều điều phải học hỏi. Một số báo cáo lưu ý rằng lộ trình hiệp hành nhất thiết phải là lộ trình mang tính sám hối, nhìn nhận rằng chúng ta không phải lúc nào cũng sống chiều kích hiệp hành cấu thành cộng đoàn giáo hội. Khuôn mặt của Giáo hội ngày nay mang những dấu hiệu khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin và sự khả tín. Trong nhiều bối cảnh, những cuộc khủng hoảng liên quan đến lạm dụng tình dục, lạm quyền, tiền bạc, và lương tâm đã đẩy Giáo hội đến một cuộc kiểm điểm lương tâm đòi hỏi khắt khe “để dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội không ngừng canh tân chính mình” (LG 9), trong hành trình sám hối và hoán cải mở ra những lộ trình hòa giải, chữa lành và công lý.
- Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội gặp gỡ và đối thoại.Trên lộ trình chúng ta đã đi, khía cạnh hiệp hành này đặc biệt liên quan đến các mối tương quan với các Giáo hội và các Cộng đoàn giáo hội khác, mà chúng ta được liên kết với nhau bằng mối dây của một Phép Rửa duy nhất. Thánh Thần, Đấng là “nguyên lý hiệp nhất của Giáo hội” (UR 2), đang hoạt động trong các Giáo hội và các Cộng đoàn giáo hội này, và mời gọi chúng ta thực hiện những lộ trình hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ và xây dựng một đời sống chung. Ở cấp độ địa phương, tầm quan trọng của những gì đã được thực hiện cùng với các thành viên của các Giáo hội và các Cộng đoàn giáo hội khác nổi lên mạnh mẽ, đặc biệt là một chứng tá chung trong các bối cảnh văn hóa xã hội thù địch đôi khi đến mức bị bách hại – đây là phong trào đại kết của sự tử đạo —và trước tình trạng khẩn cấp về sinh thái. Ở khắp nơi, theo Huấn quyền của Công đồng Vatican II, nổi lên ước muốn đào sâu hành trình đại kết: một Giáo hội hiệp hành đích thực không thể không có sự tham gia của tất cả những người cùng chia sẻ một Phép Rửa.
- Một Giáo hội hiệp hànhcũng được kêu gọi thực hành văn hóa gặp gỡ và đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo khác và với các nền văn hóa và xã hội mà Giáo hội sống trong đó, nhưng trên hết là giữa nhiều khác biệt vốn có trong chính Giáo hội. Giáo hội không sợ sự đa dạng mà mình có được, nhưng luôn coi trọng mà không ép buộc nó phải trở nên đồng nhất. Tiến trình hiệp hành là một cơ hội để bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của việc sống hiệp nhất trong đa dạng, một thực tại phải tiếp tục được khám phá, tin tưởng rằng lộ trình sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tiến bước. Nói cách khác, một Giáo hội hiệp hành thúc đẩy việc chuyển từ “tôi” sang “chúng ta”, bởi vì nó tạo thành một không gian trong đó vang lên lời kêu gọi trở thành chi thể của một thân thể coi trọng sự đa dạng nhưng được Thánh Thần làm cho nên một. Chính Thánh Thần thúc đẩy chúng ta lắng nghe Chúa và đáp lại Ngài như một dân phục vụ sứ vụ duy nhất là loan báo cho muôn dân ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban trong Chúa Giêsu Kitô. Điều này được thực hiện trong rất nhiều bối cảnh khác nhau: không ai bị yêu cầu rời khỏi bối cảnh của chính mình, mà phải hiểu và thâm nhập vào bối cảnh ấy sâu sắc hơn. Trở lại tầm nhìn này sau trải nghiệm của giai đoạn thứ nhất, tính hiệp hành trước hết xuất hiện như một động lực làm sinh động các cộng đoàn địa phương cụ thể. Đi đến một cấp độ phổ quát hơn, động lực này bao trùm mọi chiều kích và thực tại của Giáo hội, trong một chuyển động của tính công giáo đích thực.
- Được trải nghiệm trong nhiều bối cảnh và văn hóa khác nhau, tính hiệp hành chứng tỏ là một chiều kích cấu thành Giáo hội ngay từ những ngày đầu tiên, ngay cả khi vẫn đang trong tiến trình hoàn thành. Thật vậy, tính hiệp hành ngày càng phải được thực hiện cách trọn vẹn hơn, diễn tả một lời kêu gọi triệt để phải hoán cải, thay đổi, cầu nguyện và hành động hướng đến tất cả mọi người. Theo nghĩa này,một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội cởi mở, chào đón và dành cho tất cả mọi người. Chuyển động này của Thánh Thần vượt qua mọi biên giới để thu hút tất cả mọi người vào sự năng động của mình. Tính triệt để của Kitô giáo không phải là đặc quyền của một số ơn gọi đặc thù, nhưng là lời kêu gọi xây dựng một cộng đoàn sống và làm chứng cho một cách hiểu khác về mối tương quan giữa con cái Thiên Chúa, một mối tương quan thể hiện sự thật về tình yêu, một tình yêu dựa trên ân ban và sự nhưng không. Do đó, lời kêu gọi triệt để này mời gọi chúng ta cùng nhau xây dựng, theo cách hiệp hành, một Giáo hội thu hút và cụ thể: một Giáo hội cởi mở, trong đó tất cả mọi người đều cảm thấy được chào đón.
- Đồng thời,một Giáo hội hiệp hành đối diện một cách trung thực và không sợ hãi trước lời mời gọi nhận thức sâu sắc hơn về mối tương quan giữa tình yêu và sự thậttheo lời mời gọi của Thánh Phaolô: “Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðức Kitô vì Người là Ðầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4, 15-16). Để thực sự bao gồm tất cả mọi người, cần phải đi vào mầu nhiệm Đức Kitô để cho chính mình được hình thành và biến đổi theo cách Người đã sống mối tương quan giữa tình yêu và sự thật.
- Một Giáo hội hiệp hành cũng được đặc trưng bởi khả năng quản lý những căng thẳng mà không bị chúng đè bẹp, sống sự căng thẳng như một động lực để đào sâu cách hiểu và sống sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Hiệp hành là một lộ trình ưu tiên của sự hoán cải, bởi vì sự hoán cải tái lập Giáo hội trong sự hiệp nhất: chữa lành các vết thương, và hàn gắn ký ức của Giáo hội, đón nhận những khác biệt mà Giáo hội mang nơi mình và cứu chuộc Giáo hội khỏi những chia rẽ ngày càng trầm trọng, nhờ đó giúp Giáo hội thể hiện trọn vẹn hơn ơn gọi của mình là “ở trong Đức Kitô như một bí tích tức là như một dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Việc lắng nghe đích thực và khả năng tìm ra những cách thế để tiếp tục việc bước đi cùng nhau giúp vượt thắng sự phân mảnh và phân cực là điều cần thiết để Giáo hội tiếp tục tồn tại và sống động, và là dấu chỉ mạnh mẽ đối với các nền văn hóa của thời đại chúng ta.
- Việc cố gắng cùng nhau bước đi cũng giúp chúng ta tiếp xúc với sự khắc khoải lành mạnh về sự bất toàn, với ý thức rằng vẫn còn nhiều điều chúng ta không thể lĩnh hội hoặc mang nổi (x. Ga 16, 12). Đây không phải là một vấn đề cần giải quyết, nhưng là một hồng ân cần được vun trồng. Chúng ta đối diện với mầu nhiệm vô tận và thánh thiện của Thiên Chúa và chúng ta phải luôn mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của mầu nhiệm ấy khi tiến bước trong cuộc lữ hành tiến về Nước Trời. Điều này cũng áp dụng cho những vấn đề mà tiến trình hiệp hành đã làm sáng tỏ. Bước đầu, chúng đòi phải lắng nghe và chú ý, không vội vàng đưa ra các giải pháp tức thì.
- Mang sức nặng của những câu hỏi này không phải là gánh nặng mang tính cá nhân mà những người đảm nhận một số vai trò nhất định phải gánh chịu, với nguy cơ bị chúng đè bẹp, mà là nhiệm vụ của cả cộng đoàn, mà đời sống tương quan và bí tích thường là câu trả lời tức thì hiệu quả nhất. Đó là lý do tại saomột Giáo hội hiệp hành luôn được nuôi dưỡng bởi nguồn mạch của mầu nhiệm mà Giáo hội cử hành trong Phụng vụ, “đỉnh cao mà hoạt động của Giáo hội hướng tới” đồng thời là “nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội” (SC 10), và nhất là trong Bí Tích Thánh Thể.
- Một khi Dân Chúa được giải thoát khỏi nỗi lo lắng về sự giới hạn, thì sự bất toàn không thể tránh khỏi của một Giáo hội hiệp hành và sự sẵn sàng của các thành viên chấp nhận những sự dễ bị tổn thương của chính mình trở thành không gian cho hoạt động của Thánh Thần, Đấng mời gọi chúng ta nhận ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài. Vì lý do này,một Giáo hội hiệp hành cũng là một Giáo hội phân định, trong sự phong phú của những ý nghĩa mà thuật ngữ này mang lấy trong các truyền thống tu đức khác nhau. Giai đoạn thứ nhất giúp Dân Chúa bắt đầu nếm trải hương vị của sự phân định qua việc thực hành đối thoại trong Thánh Thần. Khi chăm chú lắng nghe trải nghiệm sống của nhau, chúng ta lớn lên trong sự tôn trọng lẫn nhau và bắt đầu nhận ra những chuyển động của Thánh Thần Thiên Chúa trong cuộc sống của người khác và của chính mình. Nhờ đó, chúng ta bắt đầu chú ý nhiều hơn đến “những gì Thánh Thần nói với các Giáo hội” (Kh 2, 7), trong sự cam kết và hy vọng trở thành một Giáo hội ngày càng có khả năng đưa ra những quyết định mang tính ngôn sứ vốn là hoa trái của sự hướng dẫn của Thánh Thần.
A 2. Một nẻo đường đi tới cho Giáo hội hiệp hành: đối thoại trong Thánh Thần
- Trong suốt giai đoạn đầu của Thượng Hội đồng và trên khắp các châu lục, hiệu quả của phương pháp được gọi ở đây là “đối thoại trong Thánh Thần” hoặc “phương pháp hiệp hành” (x. hình trên trang 16).
- Theo nghĩa từ nguyên, thuật ngữ “đối thoại” không ám chỉ một sự trao đổi ý kiến chung chung, mà là một vận hành trong đó lời được nói và được nghe tạo ra sự quen thuộc, cho phép những người tham gia trở nên thân thiết với nhau hơn. Việc đặc tả “trong Thánh Thần” xác định nhân vật chính đích thực: ước muốn của những người tham gia đối thoại có khuynh hướng lắng nghe tiếng của Ngài, mà trong lời cầu nguyện mở lòng đón nhận hành động tự do của Đấng, giống như gió, muốn thổi đâu thì thổi (x. Ga 3, 8). Dần dần, cuộc đối thoại giữa các anh chị em trong đức tin mở ra không gian cho‘việc cùng nhau lắng nghe’, nghĩa là cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Sẽ không phải là cuộc đối thoại trong Thánh Thần nếu không có một bước tiến theo một hướng chính xác, thường là bất ngờ dẫn đến hành động cụ thể.
- Trong các Giáo hội địa phương,việc đối thoại trong Thánh Thần đã được chấp nhận và đôi khi được “khám phá” như một bầu khí giúp cho việc chia sẻ kinh nghiệm sống và là không gian cho việc phân định trong một Giáo hội hiệp hành trở thành hiện thực. Trong các Tài liệu Cuối cùng của các Đại hội cấp Châu lục, thực hành được mô tả như một khoảnh khắc của Lễ Ngũ tuần, một cơ hội để trải nghiệm việc trở thành Giáo hội và chuyển từ việc lắng nghe các anh chị em trong Đức Kitô sang việc lắng nghe Thánh Thần, Đấng là nhân vật chính đích thực, và được Ngài sai đi thi hành sứ vụ. Đồng thời, nhờ phương pháp này, ân sủng của Lời Chúa và của Thánh Thể trở thành một thực tại được cảm nhận, hiện thực hóa và biến đổi, một thực tại chứng thực và thực hiện sáng kiến nhờ đó Chúa Giêsu làm cho chính Người hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội. Đức Kitô sai chúng ta đi thi hành sứ vụ và quy tụ chúng ta quanh Người để tạ ơn và tôn vinh Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Do đó, từ khắp các châu lục xuất hiện yêu cầu rằng phương pháp này có thể ngày càng sinh động và thấm nhuần vào cuộc sống hàng ngày của các Giáo hội.
- Đối thoại trong Thánh Thần là một phần của truyền thống lâu đời về phân định trong Giáo Hội, một truyền thống vốn tạo ra nhiều phương pháp và cách tiếp cận. Giá trị truyền giáo chính xác của việc đối thoại cần phải được nhấn mạnh. Thực hành tâm linh này giúp chúng ta chuyển từ cái “tôi” sang cái “chúng ta”: nó không đánh mất hay xóa bỏ chiều kích cá nhân của cái “tôi”, nhưng nhận ra cái tôi và đưa cái tôi vào chiều kích cộng đoàn. Theo cách này, việc giúp cho những người tham dự nói và nghe trở thành một biểu hiện của phụng vụ và cầu nguyện, trong đó Chúa hiện diện và dẫn chúng ta đến những hình thức hiệp thông và phân định đích thực hơn bao giờ hết.
- Trong Tân Ước, có nhiều ví dụ về phong cách đối thoại này.Trình thuật về cuộc gặp gỡ của Chúa Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmau là một kiểu mẫu(x. Lc 24, 13-35, và lời giải thích được đưa ra trong CV 237). Như kinh nghiệm của hai môn đệ cho thấy, cuộc đối thoại trong Thánh Thần xây dựng sự hiệp thông và mang lại động lực truyền giáo. Thật vậy, hai ông trở lại cộng đoàn mà họ đã ra đi để chia sẻ lời loan báo Phục Sinh rằng Chúa đã sống lại.
- Một cách cụ thể,cuộc đối thoại trong Thánh Thần có thể được mô tả như một lời cầu nguyện chung hướng tới một sự phân định chungmà những người tham gia tự chuẩn bị bằng việc suy tư và suy niệm cá nhân. Họ trao cho nhau món quà là một lời nói sâu sắc đã được suy niệm và nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, chứ không phải một ý kiến ngẫu hứng ngay tại chỗ. Sự năng động giữa những người tham gia nói lên 3 bước cơ bản. Trước hết là dành cho mỗi người tham gia phát biểu, bắt đầu từ trải nghiệm cá nhân của họ được đọc lại trong lời cầu nguyện trong thời gian chuẩn bị. Những người khác lắng nghe với nhận thức rằng mỗi người đều có những đóng góp quý giá để cống hiến và cố gắng không tranh luận hoặc thảo luận.
- Sự thinh lặng và cầu nguyện giúp chuẩn bị cho bước tiếp theo, trong đó mỗi người được mời gọi mở ra một không gian nội tâm cho người khác và cho Thiên Chúa. Một lần nữa, mỗi thành viên trong nhóm lên phát biểu: không phải để phản ứng hoặc phản đối những gì đã được nghe bằng cách khẳng định lại quan điểm của mình, mà để bày tỏ điều mà trong tiến trình lắng nghe đã khiến họ cảm động sâu sắc nhất và bị thách thức mạnh mẽ nhất.Những dấu ấn nội tâm nơi mỗi người do việc lắng nghe anh chị em là ngôn ngữ mà Chúa Thánh Thần dùng để làm cho tiếng nói của Ngài vang lên.Mỗi tham dự viên càng được nuôi dưỡng bằng việc suy niệm Lời Chúa và các Bí tích, càng lớn lên trong sự thân mật với Chúa, thì càng có khả năng nhận ra tiếng của Ngài (x. Ga 10, 14.27), cũng được trợ giúp bởi sự đồng hành của Huấn quyền và thần học. Tương tự như vậy, những người tham gia càng chú ý và chăm chú lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần thì sẽ càng phát triển trong cảm thức chung về sứ vụ.
- Cũng trong bầu khí cầu nguyện và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bước thứ ba làxác định những điểm mấu chốt đã xuất hiện và đạt được sự đồng thuận về thành quả của công việc chung, mà mọi người đều cho là trung thành với tiến trình và do đó họ có thể cảm thấy được đại diện. Lập một báo cáo liệt kê những điểm thường được đề cập đến nhất là chưa đủ. Đúng hơn, cần có sự phân định, đồng thời chú ý đến những tiếng nói bên lề và mang tính ngôn sứ, cũng như không bỏ qua tầm quan trọng của những điểm liên quan đến việc nảy sinh bất đồng. Chúa là nền tảng cho phép “công trình xây dựng” đứng vững, và Thánh Thần, bậc thầy của sự hài hòa, sẽ giúp chuyển từ tạp âm sang bản giao hưởng.
- Hành trình này kết thúc với lời cầu nguyện ngợi khen Thiên Chúa và lòng biết ơn về trải nghiệm. “Khi chúng ta sống một thứ linh đạo gần gũi với người khác và tìm kiếm hạnh phúc của họ, lòng chúng ta được mở rộng trước các quà tặng tuyệt vời và đẹp nhất của Chúa.Khi chúng ta gặp gỡ người khác với lòng yêu thương, chúng ta học được một điều gì mới về Thiên Chúa. Mỗi khi mắt chúng ta mở ra để nhìn nhận người khác, chúng ta lớn lên trong ánh sáng của đức tin và của sự hiểu biết Thiên Chúa” (EG 272). Tóm lại, đây là món quà mà những người để mình được lôi cuốn vào cuộc đối thoại trong Thánh Thần nhận được.
- Trong những tình huống cụ thể, vấn đề không phải là rập khuôn theo từng chữ, mà là luôn cần thích nghi. Đôi khi cần ưu tiên cho mỗi người phát biểu và lắng nghe những người khác; trong những trường hợp khác, cần làm nổi bật những mối liên hệ giữa các quan điểm khác nhau, tìm kiếm điều làm cho “lòng chúng ta bừng cháy lên” (x. Lc 24, 32); trong những người khác nữa, cần giải thích về sự đồng thuận và làm việc cùng nhau để xác định hướng mà chúng ta cảm thấy được Thánh Thần kêu gọi để di chuyển. Tuy nhiên, ngoài những thích ứng cụ thể phù hợp, thì ý định và động lực liên kết ba bước này là và vẫn là đặc điểm của cách thức tiến hành của một Giáo hội hiệp hành.
- Ghi nhớ tầm quan trọng của cuộc đối thoại trong Thánh Thần để làm sinh động kinh nghiệm sống của Giáo hội hiệp hành, việc đào tạo theo phương pháp này, và đặc biệt là đào tạo các điều phối viên có khả năng đồng hành cùng các cộng đoàn trong việc thực hành phương pháp này, được coi là ưu tiên ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội và cho tất cả những người đã lãnh phép Rửa, bắt đầu với các Thừa tác viên chức thánh trong tinh thần đồng trách nhiệm và cởi mở với các ơn gọi khác nhau trong Giáo hội.
Cuộc đối thoại trong Thánh Thần
Một động lực của sự phân định trong Giáo hội hiệp hành
(1) Chuẩn bị cá nhân
Bằng cách tín thác vào Chúa Cha, đối thoại trong cầu nguyện với Chúa Giêsu và lắng nghe Chúa Thánh Thần, mỗi người chuẩn bị phần đóng góp của mình cho vấn đề mà mình được mời gọi để phân định.
Thinh lặng, cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa
(2) “Nói và lắng nghe”
Mỗi người thay phiên nhau nói, dựa trên chính trải nghiệm và việc cầu nguyện của mình, đồng thời chăm chú lắng nghe sự đóng góp của người khác
Thinh lặng và Cầu nguyện
(3) “Tạo không gian cho người khác và cho Chúa”
Từ những gì những người khác đã nói, mỗi người chia sẻ điều gì có âm hưởng trong lòng mình nhất hoặc điều gì đã khơi dậy sự phản kháng mạnh mẽ nhất, để bản thân được Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Trong khi lắng nghe, lòng tôi có bừng cháy lên chăng?”
Thinh lặng và Cầu nguyện
(4) “Cùng nhau xây dựng”
Chúng ta cùng nhau đối thoại trên cơ sở những gì đã xuất hiện ở bước trên để phân định và thu thập thành quả của cuộc đối thoại trong Thánh Thần: nhận ra những trực giác và những sự hội tụ; xác định những bất đồng, trở ngại và những câu hỏi mới; cho phép những tiếng nói ngôn sứ xuất hiện. Điều quan trọng là mọi người có thể cảm thấy được đại diện bởi kết quả của công việc. “Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta cùng nhau tiến đến những bước nào?”
(5) Lời cầu nguyện tạ ơn kết thúc
B. Hiệp thông, sứ vụ, tham gia. Ba vấn đề ưu tiên cho Giáo hội hiệp hành
“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận có cùng một chức năng; thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một phần thân thể trong Ðức Kitô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12, 4-5).
- Trong số những thành quả của giai đoạn thứ nhất, và đặc biệt là của các Đại hội Châu lục, thu được nhờ vào cách thức tiến hành vừa được trình bày, ba ưu tiên đã được xác định và hiện đang được đề xuất cho việc phân định của Đại hội Thượng Hội đồng vào tháng 10. 2023. Đây là những thách thức mà toàn thể Giáo hội phải tự đo lường mình để tiến tới và phát triển trong thực thể hiệp hành của mình ở mọi cấp độ và từ nhiều quan điểm. Những điều này cần được tiếp cận từ quan điểm thần học và giáo luật, cũng như từ quan điểm chăm sóc mục vụ và linh đạo. Những ưu tiên này đặt câu hỏi về cả định hướng mục vụ của các giáo phận lẫn lối sống và những lựa chọn hàng ngày của mỗi thành viên Dân Chúa. Đồng thời, những ưu tiên này cũng thực sự mang tính hiệp hành bởi vì việc tiếp cận chúng đòi hỏi phải bước đi cùng nhau như một dân, với tất cả các thành viên của mình. Ba ưu tiên sẽ được minh họa liên quan đến ba từ khóa của Thượng Hội đồng: Hiệp thông, Sứ vụ, Tham gia. Mặc dù sự lựa chọn này được thực hiện vì mục đích trình bày đơn giản và rõ ràng, nhưng nó có nguy cơ trình bày ba từ khóa như ba “trụ cột” độc lập với nhau. Trái lại, trong đời sống của Giáo hội hiệp hành, sự Hiệp thông, Sứ vụ, và việc Tham gia được nối kết, nuôi dưỡng và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng phải luôn được hiểu với sự hợp nhất này.
- Sự thay đổi trong thứ tự xuất hiện của ba thuật ngữ, với thuật ngữ “sứ vụ” hiện chiếm vị trí trung tâm, cũng bắt nguồn từ nhận thức về các mối liên kết được phát triển trong giai đoạn thứ nhất. Đặc biệt,Hiệp thông và Sứ vụ đan xen và phản chiếu lẫn nhau,như Thánh Gioan Phaolô II đã dạy: “Hiệp thông và sứ vụ liên kết sâu xa với nhau, chúng thâm nhập và bao hàm lẫn nhau, đến độ hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là hoa trái của sứ vụ: hiệp thông phát sinh sứ vụ và sứ vụ được hoàn thành trong hiệp thông” (CL 32, được đề cập trong PE I, 4). Chúng ta được mời gọi vượt lên trên cách hiểu nhị nguyên, trong đó các mối tương quan trong cộng đoàn giáo hội là lĩnh vực của sự hiệp thông, còn sứ vụ liên quan đến động lực đi ra (ad extra). Thay vào đó, giai đoạn thứ nhất đã làm nổi bật cách thức hiệp thông là điều kiện cho sự khả tín của việc loan báo Tin Mừng, một nhận thức gợi lại nhận thức của Đại Hội Thường lệ lần thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục về Người trẻ, Đức tin, và sự Phân định Ơn gọi[7]. Đồng thời, có một nhận thức ngày càng tăng rằng định hướng sứ vụ là tiêu chí duy nhất được thiết lập theo Tin Mừng cho việc tổ chức nội bộ của cộng đồng Kitô hữu, sự phân chia vai trò và trách nhiệm cũng như việc quản lý các tổ chức và cơ cấu của nó. Chính trong mối tương quan với hiệp thông và sứ vụ mà chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự tham gia, và vì lý do này, sự tham gia chỉ có thể được đề cập sau hiệp thông và sứ vụ. Một đàng, sự tham gia mang lại cho sự hiệp thông và sứ vụ một biểu hiện cụ thể: sự chú ý đến các thủ tục, quy tắc, cơ cấu và thể chế giúp củng cố sứ vụ theo thời gian và giải thoát sự hiệp thông khỏi tính tự phát đơn thuần về cảm xúc. Đàng khác, sự tham gia nhận được một ý nghĩa, định hướng và động lực cho phép nó thoát khỏi nguy cơ biến thành một cơn điên cuồng của việc đòi hỏi các quyền cá nhân, chắc chắn dẫn đến sự chia rẽ hơn là hiệp nhất.
- Để đi kèm với việc chuẩn bị và sắp xếp công việc của Đại hội, năm phiếu làm việc đã được soạn thảo nhằm giúp tiếp cận từng ưu tiên, và được trình bày ở cuối phần này. Mỗi phiếu làm việc tạo thành một điểm khởi đầu dẫn đến câu hỏi về mối ưu tiên, bằng cách này mối ưu tiên có thể được tiếp cận từ những quan điểm khác nhau nhưng bổ sung cho nhau, liên quan đến các khía cạnh khác nhau của đời sống Giáo hội đã xuất hiện thông qua công việc của các Đại hội Châu lục. Trong trường hợp này, ba đoạn tiếp theo, tương ứng với ba nhóm phiếu làm việc trong phần phụ lục, không nên được đọc như các cột song song không có bất kỳ liên kết nào. Đúng hơn, những đoạn này là những tia sáng chiếu sáng cùng một thực tại, đó là đời sống hiệp hành của Giáo hội, từ những điểm thuận lợi khác nhau, liên tục đan xen và kêu gọi lẫn nhau, mời gọi chúng ta phát triển.
B 1. Một sự hiệp thông tỏa sáng: Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại một cách trọn vẹn hơn?
- Hiệp thông không phải là một cuộc tập hợp xã hội học của các thành viên thuộc một nhóm đồng nhất, nhưng trên hết đó là hồng ân của Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời là một nhiệm vụ không bao giờ mệt mỏi trong việc xây dựng cái “chúng ta” của Dân Chúa. Như các Đại hội Châu lục đã trải nghiệm, sự hiệp thông đan xen chiều dọc, mà Hiến chếLumen gentiumgọi là “sự kết hiệp với Thiên Chúa”, và chiều ngang, “sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại”, trong một động lực mạnh mẽ mang tính cánh chung. Hiệp thông là hành trình mà trên đó chúng ta được mời gọi để lớn lên, “cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13).
- Chúng ta đón nhận thời khắc ấy trong Phụng vụ, nơi mà Giáo hội, trên hành trình trần thế của mình, cảm nghiệm sự hiệp thông, nuôi dưỡng và xây dựng nó. Nếu phụng vụ thực sự là “phương tiện nổi bật nhờ đó các tín hữu có thể diễn tả trong cuộc sống của họ, và biểu lộ cho người khác, mầu nhiệm Đức Kitô và bản chất đích thực của Giáo hội chân chính” (SC 2) thì chính Phụng vụ là điều mà chúng ta phải nhìn để hiểu đời sống hiệp hành của Giáo hội. Trước hết và trên hết,chính nhờ việc chia sẻ hành động phụng vụ, và đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể, mà Giáo hội cảm nghiệm được sự hiệp nhất triệt để, được diễn tả trong cùng một kinh nguyệnnhưng bằng nhiều ngôn ngữ và nghi thức khác nhau: một điểm chính yếu cơ bản của hiệp hành. Từ quan điểm này, sự đa dạng của các nghi thức trong Giáo hội Công giáo duy nhất là một phúc lành đích thực, cần được bảo vệ và phát huy, như đã được trải nghiệm trong các cử hành Phụng vụ của các Đại hội Châu lục.
- Một Đại hội Thượng Hội đồng không thể được hiểu là đại diện và lập pháp, giống như cơ cấu nghị viện với động lực của nó là tìm kiếm đa số. Trái lại, chúng ta được mời gọi để hiểu Đại hội Thượng Hội đồng theo một cách tương tự với cộng đoàn phụng vụ. Truyền thống cổ xưa cho chúng ta biết rằng khi cử hành một Thượng Hội đồng, thì luôn bắt đầu với việc cầu xin Chúa Thánh Thần, tiếp đến là tuyên xưng đức tin và kết thúc bằng những quyết định chung nhằm bảo đảm hoặc khôi phục sự hiệp thông trong giáo hội. Trong một Đại hội Thượng Hội đồng, Đức Kitô hiện diện và hành động, biến đổi lịch sử và các biến cố hàng ngày, đồng thời ban Thánh Thần để hướng dẫn Giáo hội tìm ra sự đồng thuận trong việc làm thế nào để cùng nhau tiến về Nước Trời và giúp toàn thể nhân loại tiến tới sự hiệp nhất bao quát hơn.Cùng nhau bước đi trong khi lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe anh chị em trong việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và sự đồng tâm nhất trí, dẫn đến việc tạ ơn Chúa Cha nhờ Chúa Con trong một Thánh Thần duy nhất. Trong một Đại hội Thượng Hội đồng, những người quy tụ nhân danh Đức Kitô để lắng nghe Lời Người, lắng nghe nhau, phân định trong sự ngoan ngùy với Thánh Thần, công bố những gì họ đã nghe và nhận ra đó là ánh sáng cho hành trình của Giáo hội.
- Theo viễn cảnh này, đời sống hiệp hành không phải là một chiến lược để tổ chức Giáo hội, mà là trải nghiệm tìm kiếm một sự hiệp nhất bao gồm sự đa dạng chớ không xóa bỏ nó, bởi vì sự hiệp nhất được đặt nền tảng trên sự kết hợp với Thiên Chúa trong việc tuyên xưng cùng một đức tin. Động lực này sở hữu một sức mạnh thúc đẩy chúng ta không ngừng mở rộng phạm vi hiệp thông, nhưng điều này phải đối diện với những mâu thuẫn, giới hạn và vết thương của lịch sử.
- Vấn đề ưu tiên hàng đầu nảy sinh từ tiến trình hiệp hành bắt nguồn từ chính điểm này. Trong tính cụ thể của thực tại lịch sử của chúng ta, việc bảo tồn và cổ vũ sự hiệp thông đòi phải thừa nhận tính bất toàn của việc có thể sống hiệp nhất trong đa dạng (x. 1 Cr 12). Lịch sử tạo ra những chia rẽ, gây ra những vết thương cần được chữa lành và đòi hỏi phải vạch ra những lộ trình hòa giải. Trong bối cảnh này,đâu là những mối liên kết cần được củng cố nhân danh Tin Mừng, để vượt qua những chiến hào và hàng rào, và những nơi trú ẩn và bảo vệ nào cần được xây dựng, và để bảo vệ ai? Bộ phận nào không hiệu quả? Khi nào thì luật tiệm tiến có thể tạo ra được lộ trình dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn?Những câu hỏi này có vẻ lý thuyết, nhưng chúng bắt nguồn từ cuộc sống cụ thể hàng ngày của các cộng đồng Kitô hữu được tham vấn trong giai đoạn thứ nhất. Thật vậy, họ quan tâm đến câu hỏi liệu có giới hạn nào đối với sự sẵn lòng chào đón mọi người và các nhóm hay không, làm thế nào để tham gia đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo mà không ảnh hưởng đến bản sắc Kitô hữu, và quyết tâm trở thành tiếng nói của những người bị bỏ ra bên lề và tái khẳng định rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Năm phiếu làm việc dành cho ưu tiên này cố gắng nghiên cứu những câu hỏi trên từ năm quan điểm bổ trợ.
B 2. Đồng trách nhiệm trong Sứ vụ: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân ban và nhiệm vụ trong việc phục vụ Tin Mừng?
- “Giáo hội lữ hành tự bản chất là thừa sai” (AG 2). Sứ vụ tạo nên chân trời năng động mà từ đó chúng ta phải nghĩ về Giáo hội hiệp hành, từ đó Giáo hội thúc đẩy hướng tới “sự xuất thần” hệ tại ở việc “ra khỏi chính mình và tìm kiếm điều tốt cho người khác, thậm chí hy sinh mạng sống của mình” (CV 163; xem thêm FT 88). Nói cách khác, sứ vụ cho phép người ta sống lại trải nghiệm của Lễ Hiện Xuống: sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Phêrô và Nhóm Mười Một đứng lên và rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh cho tất cả những người sống ở Giêrusalem (x. Cv 2, 14-36). Đời sống hiệp hành được cắm rễ trong cùng động lực này. Có nhiều chứng từ mô tả trải nghiệm sống động của giai đoạn thứ nhất bằng những từ ngữ trên, và thậm chí còn nhiều hơn nữa là những chứng từ liên kết tính hiệp hành và sứ vụ một cách không thể tách rời.
- Trong một Giáo hội tự xác định mình là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại (x. LG 1), diễn từ về truyền giáo tập trung vào tính dễ hiểu của dấu chỉ và hiệu quả của khí cụ, nếu không có nó, bất kỳ tuyên bố nào cũng thiếu độ tin cậy. Sứ vụ không phải là quảng cáo một sản phẩm tôn giáo, mà là xây dựng một cộng đồng trong đó các mối tương quan là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa và do đó, chính đời sống trở thành một lời loan báo. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, ngay sau diễn từ của Thánh Phêrô là trình thuật về đời sống của cộng đoàn sơ khai, trong đó mọi sự trở thành cơ hội để hiệp thông (x. 2, 42-47), làm cho cộng đoàn trở nên hấp dẫn.
- Trong viễn cảnh này,câu hỏi đầu tiên về sứ vụ liên quan đến những gì mà các thành viên của cộng đoàn Kitô hữu sẵn sàng chia sẻ với nhau, bắt đầu từ tính độc đáo không thể giản lược của mỗi người, nhờ mối tương quan trực tiếp của họ với Đức Kitô trong Bí tích Rửa tội, và là nơi cư ngụ của Thánh Thần. Điều này làm cho sự đóng góp của mỗi người đã chịu phép Rửa trở nên quý giá và không thể thiếu. Một trong những lý do khiến sự ngạc nhiên được ghi nhận trong giai đoạn thứ nhất có liên quan đến khả năng đóng góp này: “Tôi thực sự có thể cống hiến điều gì không?”. Đồng thời, mỗi người được được mời gọi nhìn nhận sự bất toàn của chính mình, nghĩa là ý thức rằng trong sự viên mãn của sứ vụ, mọi người đều cần thiết. Nói cách khác, chính sứ vụ cũng có một chiều kích hiệp hành cấu thành.
- Vì lý do này, ưu tiên thứ hai được xác định bởi một Giáo hội tự nhận mình là thừa sai và hiệp hành liên quan đến cách thức mà Giáo hội có thể thu hút sự đóng góp của tất cả mọi người, mỗi người với tài năng và vai trò của mình, bằng việc coi trọng sự đa dạng của các đặc sủng và việc hội nhập mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng[8]. Viễn tượng sứ vụ đặt các đoàn sủng và thừa tác vụ trong tầm nhìn của những gì chung, và theo cách này, bảo vệ tính phong phú của chúng, vốn bị tổn hại khi chúng trở thành những đặc quyền hợp pháp hóa các hình thức loại trừ.Một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng có nhiệm vụ tự vấn làm thế nào Giáo hội có thể nhận ra và đánh giá cao sự đóng góp mà mỗi người đã lãnh phép Rửa có thể cống hiến trong sứ vụ, vượt ra khỏi chính mình và cùng tham gia với những người khác vào một điều gì đó lớn lao hơn. “Đóng góp tích cực vào ích chung của nhân loại” (CA 34) là một thành phần bất khả nhượng của phẩm giá con người, ngay cả trong cộng đoàn Kitô hữu. Sự đóng góp đầu tiên mà mọi người có thể thực hiện là hướng tới việc phân định các dấu chỉ thời đại (x. GS 4), để duy trì ý thức về sứ vụ chung của chúng ta phù hợp với hơi thở của Thánh Thần. Tất cả các quan điểm đều có thể góp phần vào sự phân định này, bắt đầu với quan điểm của người nghèo và những người bị loại trừ: cùng bước đi với họ không chỉ có nghĩa là đáp ứng những nhu cầu và đau khổ của họ, mà còn là tôn trọng vai trò chính của họ và học hỏi từ họ. Đây là cách để nhận ra phẩm giá bình đẳng của họ, thoát ra khỏi những cạm bẫy của chủ nghĩa phúc lợi và thúc đẩy càng nhiều càng tốt logic của trời mới đất mới mà chúng ta đang tiến tới.
- Các phiếu làm việc liên quan đến ưu tiên này cố gắng cụ thể hóa câu hỏi cơ bản này liên quan đến các chủ đề như công nhận sự đa dạng của các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ, thăng tiến phẩm giá phép rửa của phụ nữ, vai trò của thừa tác vụ giáo sĩ và đặc biệt Thừa tác vụ của Giám mục trong Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng.
B 3. Tham gia, quản trị và quyền bính: Những tiến trình, cơ cấu và định chế nào có trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?
- “‘Hiệp thông’và ‘sứ vụ’có nguy cơ vẫn còn là những thuật ngữ hơi trừu tượng, nếu chúng ta không nuôi dưỡng một tập quán mang tính giáo hội diễn tả thực tại cụ thể của tính hiệp hành ở mỗi giai đoạn của hành trình và hoạt động của chúng ta, khuyến khích sự tham gia thực sự của mỗi người và tất cả mọi người”[9]. Những lời này của Đức Thánh Cha giúp chúng ta đặt sự tham gia trong mối tương quan với hai thuật ngữ kia. Sự tham gia bổ sung tính đông đúc về nhân sự cho tính chất tính cụ thể về mặt thủ tục. Nó bày tỏ mối quan tâm đến sự phát triển của con người, nghĩa là nhân bản hóa các mối tương quan tại tâm điểm của dự án hiệp thông và dấn thân sứ vụ. Nó bảo tồn nét độc đáo trên khuôn mặt của mỗi người, việc thúc giục quá trình chuyển đổi sang cái “chúng ta” không sáp nhập cái “tôi” vào sự ẩn danh của một tập thể mơ hồ. Nó tránh rơi vào tính trừu tượng của các quyền hoặc biến con người thành những công cụ phục vụ cho hoạt động của tổ chức. Sự tham gia về cơ bản là một biểu hiện của tính sáng tạo, một cách thức nuôi dưỡng các mối tương quan hiếu khách, chào đón và vì hạnh phúc của con người, là những điều nằm ở trung tâm của sứ vụ và sự hiệp thông.
- Từ tầm nhìn về sự tham gia toàn diện được trình bày ở trên, xuất hiện ưu tiên thứ ba cũng được đề cập tại các cuộc họp ở giai đoạn châu lục:vấn đề về quyền bính, ý nghĩa và cách thức thực thi quyền bính trong một Giáo hội hiệp hành. Một cách cụ thể, liệu quyền bính phát sinh như một dạng quyền lực bắt nguồn từ các mô hình do thế giới đưa ra, hay nó bắt nguồn từ sự phục vụ?“Giữa anh em thì không được như vậy” (Mt 20, 26; x. Mc 10, 43), Chúa nói như thế, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Người đã khuyên nhủ họ: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Theo nguồn gốc, thuật ngữ “quyền bính” chỉ khả năng giúp người khác phát triển, và do đó, quyền bính phục vụ cho thiên chức riêng của mỗi người, hỗ trợ sự sáng tạo chứ không phải là một hình thức kiểm soát ngăn chặn nó, và phục vụ cho sự phát triển tự do cá nhân chứ không phải là một sự ràng buộc hạn chế nó. Liên kết với câu hỏi này là câu hỏi thứ hai, mang đậm dấu ấn quan tâm đến tính cụ thể và tính liên tục theo thời gian: làm thế nào chúng ta có thể thấm nhuần các cơ cấu và thể chế của mình với động lực của Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?
- Từ trọng tâm này dẫn đến một chủ đề khác, cũng cụ thể không kém, nhằm mục đích chính xác vào việc duy trì động lực tham gia trở nên bền vững. Đó là đào tạo, một chủ đề xuất hiện trên tất cả các tài liệu của giai đoạn thứ nhất. Như đã được nhấn mạnh nhiều lần trong các báo cáo của các Đại hội Châu lục và trước đó là các báo cáo của các Giáo hội địa phương,chỉ riêng các thể chế và cơ cấu thôi thì không đủ để làm cho Giáo hội có tính hiệp hành.Cần có một văn hóa và linh đạo hiệp hành được linh hoạt bởi ước muốn hoán cải và được duy trì bởi sự đào tạo thích hợp. Nhu cầu đào tạo không giới hạn ở việc cập nhật nội dung, nhưng có chiều kích toàn diện, ảnh hưởng đến tất cả các khả năng và khuynh hướng của con người, bao gồm định hướng sứ vụ, khả năng liên kết và xây dựng cộng đoàn, sẵn sàng lắng nghe tâm linh và quen thuộc với sự phân định cá nhân và cộng đoàn. Cũng cần phải kiên nhẫn, kiên trì, tự tin và tự do nói ra sự thật (parrhesia).
- Việc đào tạo là phương tiện không thể thiếu để biến phương thức hiệp hành thành một mô hình mục vụ cho đời sống và hoạt động của Giáo hội.Chúng ta cần một sự đào tạo toàn diện, từ lúc khởi đầu và tiếp tục lâu dài, cho mọi thành phần Dân Chúa.Không một tín hữu đã lãnh nhận phép Rửa nào có thể cảm thấy xa lạ với cam kết này, và do đó, cần phải đưa ra những đề xuất thích hợp cho việc đào tạo theo phương thức hiệp hành đến với tất cả các tín hữu. Đặc biệt, càng được kêu gọi phục vụ Giáo hội, người ta càng phải cảm thấy sự cấp bách của việc đào tạo: các Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ nam nữ và tất cả những ai thi hành thừa tác vụ cần được đào tạo để đổi mới cách thức thi hành quyền bính và tiến trình đưa ra quyết định theo phương thức hiệp hành, đồng thời học biết làm thế nào để đồng hành với sự phân định và đối thoại cộng đoàn trong Thánh Thần. Các ứng viên cho Thừa tác vụ giáo sĩ phải được đào tạo theo phong cách và não trạng hiệp hành. Việc cổ vũ văn hóa hiệp hành bao hàm việc đổi mới chương trình giảng dạy hiện nay của các chủng viện và việc đào tạo các giảng viên và giáo sư thần học để có một định hướng rõ ràng và dứt khoát hơn đối với việc đào tạo cho một đời sống hiệp thông, sứ vụ và tham gia. Việc đào tạo để có một linh đạo hiệp hành đích thực hơn chính là trọng tâm của việc canh tân Giáo hội.
- Nhiều đóng góp nhấn mạnh sự cần thiết phải có một nỗ lực tương tự để đổi mới ngôn ngữ được Giáo hội sử dụng trong Phụng vụ, giảng thuyết, giáo lý, nghệ thuật thánh, cũng như trong mọi hình thức truyền thông dành cho các Tín hữu và công chúng rộng lớn hơn, kể cả thông qua các hình thức truyền thông mới hoặc truyền thống. Không giảm bớt hoặc hạ thấp chiều sâu của mầu nhiệm mà Giáo hội công bố hay sự phong phú của truyền thống, trái lại, việc đổi mới ngôn ngữ phải nhằm mục đích làm cho những sự phong phú này trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn đối với con người của thời đại chúng ta, chứ không phải là một rào cản khiến họ tránh xa. Cảm hứng về sự mới mẻ của ngôn ngữ Tin Mừng, khả năng hội nhập văn hóa mà lịch sử Giáo hội thể hiện, và những trải nghiệm đầy hứa hẹn đã và đang diễn ra, ngay cả trong môi trường kỹ thuật số, mời gọi chúng ta tự tin và quyết tâm theo đuổi nhiệm vụ vô cùng quan trọng này đối với hiệu quả của việc loan báo Tin Mừng, vốn là mục tiêu mà một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng hướng tới.
Roma, ngày 29 tháng 5 năm 2023
Lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội
* * *
ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI
CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
CÁC PHIẾU LÀM VIỆC CHO ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG
(KHOÁ HỌP THỨ NHẤT – THÁNG MƯỜI 2023)
CÁC PHIẾU LÀM VIỆC CHO ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG
Giới thiệu
Nếu toàn bộ Tài liệu Làm việc “được thiết kế như một công cụ hỗ trợ thực tiễn nhằm phục vụ cho việc điều hành Đại hội Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm 2023, và do đó để chuẩn bị cho Đại hội” (số 10), thì điều này đặc biệt đúng đối với các phiếu làm việc được trình bày ở đây. Các phiếu này đã được chuẩn bị để giúp cho việc phân định ba “mối ưu tiên nổi lên mạnh mẽ nhất từ công việc của tất cả các Châu lục” (số 14), nhằm xác định các bước cụ thể mà chúng ta cảm nhận Chúa Thánh Thần mời gọi mình, ngõ hầu lớn lên trong tư cách một Giáo hội hiệp hành. Vì thế, việc trình bày các phiếu, việc giải thích cấu trúc của chúng và những hướng dẫn cách sử dụng chúng cần phải được đặt trong bối cảnh là công cuộc rộng lớn hơn của Đại hội Thượng Hội đồng.
Các năng động của Đại hội Thượng Hội đồng
Đại hội Thượng Hội đồng sẽ giải quyết các câu hỏi do Tài liệu Làm việc nêu ra bằng cách xen kẽ các phiên họp toàn thể (Congregationes Generales) và làm việc theo nhóm nhỏ (Circuli Minores), như được dự kiến bởi Tông hiến EC, điều 14.
Cách riêng, Đại hội sẽ tiến hành bằng cách thảo luận các chủ đề khác nhau theo thứ tự mà Tài liệu Làm việc đề xuất. Khởi đầu sẽ làm việc về Phần A, “Vì một Giáo hội Hiệp hành. Một kinh nghiệm toàn diện” (các số 17-42), với mục đích tập trung cách rõ ràng hơn vào các đặc điểm cơ bản của một Giáo hội hiệp hành, bắt đầu từ kinh nghiệm cùng nhau bước đi của Dân Thiên Chúa trong hai năm nay, và được thu thập trong các tài liệu được hình thành suốt giai đoạn đầu tiên để các mục tử phân định. Đại hội được yêu cầu tiến hành công việc của mình theo một cách thức toàn diện khi xem xét kinh nghiệm của Dân Thiên Chúa như một tổng thể trong tất cả tính phức tạp của nó.
Sau đó, Đại hội sẽ tiến hành bàn thảo ba vấn đề ưu tiên đã xuất hiện từ giai đoạn thỉnh ý như được trình bày trong Phần B của Tài liệu Làm việc (các số 43-60). Mỗi vấn đề ưu tiên này là chủ đề của một trong ba phần theo như bố cục của Phần B, “liên quan đến ba từ khóa của Thượng Hội đồng: hiệp thông, sứ mạng, tham gia” (số 43). Thứ tự xuất hiện của ba thuật ngữ này được đảo ngược như đã giải thích ở số 44. Thứ tự này được duy trì trong các phiếu làm việc, cũng được chia thành ba phần, mỗi phần mang tiêu đề của phần tương ứng trong Phần B, để làm nổi bật chủ đề thống nhất:
– “B1. Một sự hiệp thông tỏa sáng: Bằng cách nào chúng ta có thể làm một dấu hiệu và khí cụ của sự kết hợp với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại cách trọn vẹn hơn?” (các số 46-50);
– “B 2. Đồng trách nhiệm trong Sứ mạng: Bằng cách nào chúng ta có thể chia sẻ một cách tốt hơn các ân ban và các nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?” (các số 51-55);
– “B 3. Tham gia, cai quản và quyền bính: Đâu là những tiến trình, những cấu trúc và những cơ chế được cần đến trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?” (các số 56-60).
Tương ứng với từng điểm trong ba điểm ưu tiên ấy, sẽ có năm phiếu làm việc, mỗi phiếu xác lập “một khởi điểm cho mối ưu tiên đang đề cập, bằng cách này điểm ưu tiên ấy có thể được tiếp cận từ những nhãn quan khác nhau nhưng bổ sung cho nhau, liên hệ với các khía cạnh khác nhau của đời sống Giáo hội vốn đã hiện lộ lên thông qua công việc của các Đại hội cấp Châu lục” (số 45).
Việc cấu trúc công việc theo từng bước nối tiếp nhau không làm giảm tính năng động gắn kết hai Phần. Kinh nghiệm của Dân Thiên Chúa được thảo luận với nhãn quan hội nhập của Phần A tiếp tục biểu trưng cho chân trời trong đó đặt ra các câu hỏi khác nhau được nêu ở Phần B, vốn vẫn cắm rễ trong kinh nghiệm đó. Đại hội sẽ được yêu cầu “giữ trạng thái cân bằng năng động giữa việc duy trì một cái nhìn tổng quan […] và việc xác định các bước cần thực hiện” (số 16). Cái sau mang lại chiều sâu và làm cho cái trước trở nên cụ thể, đồng thời nhận được phối cảnh và sự gắn kết chống lại nguy cơ phân tán trong các chi tiết.
Cuối cùng, phần cuối công việc của Đại hội sẽ được dành để thu thập các thành quả của quá trình, nghĩa là phân định những nẻo đường để chúng ta sẽ tiếp tục bước đi cùng nhau. Đại hội sẽ xem xét các cách thức để tiếp tục đọc kinh nghiệm của Dân Thiên Chúa, bao gồm cả việc thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu cần thiết về thần học và giáo luật, nhằm chuẩn bị cho cuộc nhóm họp thứ hai của Đại hội Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm 2024.
Đại hội sẽ tiếp tục dùng phương pháp thảo luận trong Thánh Thần (x. các số 32-42) vốn đặc trưng toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng, với sự điều chỉnh khi cần thiết. Thông qua kinh nghiệm trực tiếp về phương pháp này (xem hình ở trang …), Đại hội sẽ có thể suy tư sâu sắc hơn về những cách thế để dễ dàng đưa nó vào hơn trong đời sống bình thường của Giáo hội, như một cách phân định thánh ý Thiên Chúa cùng với nhau.
Cách dùng các phiếu làm việc
Các phiếu làm việc được thiết kế như một công cụ làm việc để thảo luận ba điểm ưu tiên được nêu ở Phần B trong cuộc Đại hội vào tháng 10 năm 2023. Do đó, chúng không phải là các chương của một quyển sách để đọc nối tiếp nhau, cũng không phải là những khảo luận ngắn và ít nhiều hoàn chỉnh về một chủ đề. Chúng phải “được làm” chứ không phải để “được đọc”, theo nghĩa là chúng cung ứng một dàn ý để cầu nguyện và suy tư cá nhân nhằm chuẩn bị cho cuộc thảo luận nhóm và toàn thể. Cũng vậy, chúng có thể được sử dụng cho các cuộc họp chuyên đề đào sâu theo phong cách hiệp hành ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội. Chúng không nhằm được xử lý nối tiếp nhau: mỗi phiếu phải được giữ gắn kết với mục tương ứng với nó trong Phần B của Tài liệu Làm việc, nhưng có thể được xử lý độc lập đối với tất cả các mục khác.
Tất cả các phiếu làm việc đều theo cùng một cấu trúc: chúng bắt đầu với một phần bối cảnh hóa ngắn gọn của câu hỏi được đưa ra trong tiêu đề, mỗi phiếu chỉ bao gồm những gì xuất hiện ở giai đoạn đầu tiên. Sau đó, các phiếu nêu một câu hỏi để phân định. Cuối cùng, chúng cung cấp một số nhận thức, bao quát các quan điểm khác nhau (thần học, mục vụ, giáo luật, v.v.), các chiều kích và các bình diện (Giáo xứ, Giáo phận, v.v.). Trên hết, chúng nhắc nhớ đặc nét trên khuôn mặt của các thành viên Dân Thiên Chúa, các đặc sủng và các tác vụ của họ, và những câu hỏi mà họ đã bày tỏ trong giai đoạn lắng nghe. Rất nhiều gợi ý của mỗi phiếu làm việc là kết quả của việc cố gắng trung thành với sự phong phú và đa dạng của các chất liệu thu thập được từ cuộc thỉnh ý, nhưng chúng không nhằm để được coi như một bảng câu hỏi đòi phải trả lời cho mọi câu hỏi. Một số nhận thức sẽ được thấy đặc biệt gây cảm kích ở một số vùng nhất định trên thế giới, những nhận thức khác thì ở những vùng khác. Mỗi người được mời gọi chọn những gì mà mình cảm thấy tốt nhất để có thể chia sẻ sự phong phú trong bối cảnh Giáo hội của mình với những người khác. Đây sẽ là sự đóng góp của họ vào công việc chung.
Mỗi phiếu làm việc tập trung vào chủ đề như thấy nơi tiêu đề, vận dụng khung qui chiếu thể hiện bởi Tài liệu Làm việc, trong đó nội dung không được nhắc lại cũng như không được trích dẫn cách minh nhiên trong mỗi trường hợp. Tuy nhiên, chúng là cơ sở để làm việc, cùng với tất cả các tài liệu được hình thành trong giai đoạn thỉnh ý: “Để chuẩn bị cho Đại hội Thượng Hội đồng, các thành viên của Thượng Hội đồng được yêu cầu ghi nhớ các tài liệu trước đó, đặc biệt là Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục và các Tài liệu Chung kết của các Đại hội cấp Châu lục khác nhau, cũng như bản báo cáo của Thượng Hội đồng Kỹ thuật số, và sử dụng chúng như những công cụ để phân định” (số 9). Vì thế, vấn đề không phải là bắt đầu lại từ đầu, mà là tiếp tục một hành trình vốn đang diễn ra. Vì lý do này, cũng như vì không gian giới hạn rõ ràng, các phiếu làm việc không đưa ra một xử lý có tính hệ thống đối với từng chủ đề, cũng như không đề cập sâu đến các vấn đề. Sự kiện tiến trình Thượng Hội đồng đã nhấn mạnh một số điểm là ưu tiên không hề có nghĩa rằng các vấn đề khác kém quan trọng hơn. Trên cơ sở cuộc thỉnh ý Dân Thiên Chúa, các câu hỏi được đề ra trong các phiếu làm việc tiêu biểu cho các khởi điểm để thảo luận câu hỏi cơ bản thúc đẩy và hướng dẫn toàn bộ tiến trình: “Làm thế nào để ‘hành trình cùng nhau’ này, diễn ra ngày nay trên các bình diện khác nhau (từ địa phương cho đến hoàn vũ), cho phép Giáo hội loan báo Tin Mừng theo như sứ mạng được ủy thác cho mình; và Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta đi những bước nào để lớn lên trong tư cách một Giáo hội hiệp hành?” (PD 2).
Có những điểm nối kết rõ ràng và có một số chồng chéo giữa các phiếu làm việc. Đây không phải là vấn đề lặp đi lặp lại. Khi soạn thảo, người ta hiểu rằng các phiếu làm việc được thiết kế để sử dụng độc lập với nhau. Hơn nữa, điều này làm nổi bật mạng lưới kết nối phong phú giữa các chủ đề được đề cập.
Một số câu hỏi hiện lộ từ cuộc thỉnh ý Dân Thiên Chúa liên quan đến các vấn đề vốn đã có giáo huấn thần học và huấn quyền cần được xem xét. Chỉ đưa ra hai ví dụ, chúng ta có thể lưu ý đến việc đón nhận những người ly dị tái hôn, được đề cập trong Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris laetitia, hoặc việc hội nhập văn hóa của phụng vụ, chủ đề của Huấn thị Varietates legitimae (1994) của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích. Thực tế là các câu hỏi tiếp tục nổi lên về các vấn đề như thế này không nên bị bác bỏ vội vàng, mà đúng hơn, nó đòi hỏi sự phân định, và Đại hội Thượng Hội đồng là một diễn đàn đặc quyền để làm công việc này. Đặc biệt, những trở ngại, thực tế hoặc do cảm nhận, đã cản trở việc thực hiện các bước được chỉ ra trong các tài liệu trước đây, thì cần được xem xét và đưa ra những phản ánh về cách để loại bỏ chúng. Ví dụ: nếu sự cản trở là do thiếu thông tin cách chung, thì sẽ cần phải cải thiện việc truyền đạt. Mặt khác, nếu vấn đề bắt nguồn từ việc khó nắm bắt các hàm ý của các tài liệu trong các tình huống thông thường hoặc do người ta không có khả năng nhận ra chính mình trong những gì được đề xuất, thì một hành trình hiệp hành để Dân Chúa tiếp nhận cách hiệu quả có thể là giải pháp thích hợp. Một trường hợp khác có thể là sự xuất hiện trở lại của một câu hỏi nổi lên như dấu hiệu của một thực tế đã thay đổi hay những hoàn cảnh cần có Ân sủng “chứa chan”. Điều này đòi hỏi phải suy tư thêm về Kho tàng Đức tin và về Truyền thống sống động của Giáo hội.
Sẽ rất khó cho công việc của khóa họp đầu tiên của Đại hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục để đưa ra những hướng dẫn mang tính kết luận về nhiều chủ đề này. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha đã quyết định rằng Thượng Hội đồng sẽ được tổ chức trong hai lượt nhóm họp. Mục tiêu chính của cuộc nhóm họp thứ nhất sẽ là vạch ra các lộ trình nghiên cứu chuyên sâu sẽ được xúc tiến theo phong cách hiệp hành, xác định các nhân sự thích ứng để tham gia và các cách thức để bảo đảm một tiến trình hiệu quả nhằm phục vụ cho việc phân định sẽ được hoàn thành trong cuộc nhóm họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024. Sau đó, các đề nghị về cách chúng ta có thể phát triển như một Giáo hội hiệp hành sẽ được đệ trình lên Đức Thánh Cha.
Những phiếu làm việc cho B 1. Một sự hiệp thông tỏa sáng
Bằng cách nào chúng ta có thể làm một dấu hiệu và khí cụ của sự kết hợp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại cách trọn vẹn hơn?
B 1.1. Làm sao để việc phục vụ bác ái và sự dấn thân cho công lý cũng như sự quan tâm đối với ngôi nhà chung của chúng ta có thể nuôi dưỡng sự hiệp thông trong một Giáo hội hiệp hành?
Các Đại hội cấp Châu lục nêu ra những chỉ dẫn khác nhau cho sự phát triển của chúng ta trong tư cách một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng:
- a) Trong một Giáo hội hiệp hành, người nghèo, theo nghĩa trước hết là những người sống trong điều kiện nghèo nàn về vật chất và bị xã hội loại trừ, chiếm một vị trí trung tâm. Họ là những người đón nhận sự chăm sóc, nhưng trên hết, họ là những người mang Tin Mừng mà cả cộng đoàn cần được nghe. Giáo hội có điều gì đó để học hỏi và tiếp nhận từ họ (x. Lc 6,20, EG 198). Một Giáo hội hiệp hành nhìn nhận và trân trọng vai trò trung tâm của họ.
- b) Việc quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta kêu gọi hành động chung. Giải pháp cho nhiều vấn đề, như sự biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự dấn thân của toàn thể gia đình nhân loại. Việc cùng nhau làm việc để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta tạo ra một bối cảnh cho sự gặp gỡ và hợp tác với thành viên của các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác, với tín đồ của các tôn giáo khác, và với mọi người thiện chí. Sự dấn thân này đòi hỏi chúng ta phải hành động đồng thời trên nhiều bình diện: công việc huấn giáo và mục vụ, việc thúc đẩy những lối sống tốt hơn, việc quản lý tài sản của Giáo hội (bất động sản và tài chính).
- c) Các phong trào di cư là một dấu chỉ của thời đại chúng ta, và “những người di cư là một ‘mẫu thức’ có thể soi sáng thời đại của chúng ta”.[10]Sự hiện diện của họ đặc biệt kêu gọi các tín hữu Công giáo cùng nhau bước đi. Họ biểu hiện lời mời gọi kiến tạo những mối liên kết với các Giáo hội ở các quốc gia gốc của những người di cư, cũng là biểu hiện cơ hội để kinh nghiệm tính đa dạng của Giáo hội, bao gồm cả những cộng đoàn hải ngoại của các Giáo hội Công giáo Đông phương.
- d) Một Giáo hội hiệp hành có thể đưa ra chứng tá ngôn sứ cho một thế giới bị chia cắt và phân cực, nhất là khi các thành viên của Giáo hội cam kết bước đi cùng với những người khác để xây dựng công ích. Ở những nơi in dấu xung đột sâu sắc, điều này đòi hỏi khả năng trở thành những tác nhân hòa giải và kiến tạo hòa bình.
- e) “Mỗi cá nhân Kitô hữu và mỗi cộng đoàn được mời gọi trở thành khí cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến người nghèo” (EG 187). Điều này hàm ý sẵn sàng đứng về phía những người bị gạt bỏ nhất trong các cuộc tranh luận công khai, góp tiếng nói bênh vực họ cũng như tố cáo các tình huống bất công và phân biệt đối xử, đồng thời tìm cách tránh thỏa hiệp với những kẻ gây ra sự bất công.
Câu hỏi để phân định
Bước đi cùng nhau có nghĩa là không bỏ ai lại phía sau, và sát cánh với những người khốn khó nhất. Chúng ta đang xây dựng một Giáo hội hiệp hành như thế nào để có khả năng thúc đẩy sự thuộc về và sự tham gia của những người bé nhỏ nhất trong Giáo hội và trong xã hội?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Những công cuộc của công lý và lòng thương xót là một hình thức tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô. Do đó, mọi người đã lãnh Phép Rửa đều được kêu gọi tham gia vào lãnh vực này. Làm thế nào để đánh thức, vun trồng và củng cố ý thức này trong các cộng đoàn Kitô hữu?
2) Những sự bất bình đẳng in dấu trong thế giới hiện nay cũng được thấy trong Giáo hội, chẳng hạn, sự tách biệt các Giáo hội của những nước giàu và nghèo, và sự tách biệt các cộng đoàn của những khu vực giàu nhất và nghèo nhất trong cùng một quốc gia. Bằng cách nào chúng ta có thể vượt qua những sự bất bình đẳng này, để cùng nhau bước đi trong tư cách là các Giáo hội địa phương, hầu có thể kinh nghiệm một sự chia sẻ thực sự các ân ban?
3) Trên nẻo đường hiệp hành, những nỗ lực nào đã được thực hiện để tiếp nhận tiếng nói của những người nghèo nhất và hội nhập sự đóng góp của họ? Chúng ta đã học được gì về cách hỗ trợ sự thuộc về và sự tham gia của những người bị gạt bỏ nhất? Điều gì cần xảy ra để giúp họ tham gia nhiều hơn vào việc bước đi cùng với nhau, và bằng cách nào chúng ta cho phép họ chất vấn cách làm của chúng ta khi nó không đủ bao gồm họ?
4) Làm thế nào để việc tiếp đón những người di cư trở thành một cơ hội để bước đi với những người đến từ một nền văn hóa khác, nhất là khi chúng ta chia sẻ cùng một đức tin? Đâu là sự tiên liệu trong việc chăm sóc mục vụ tại địa phương cho các cộng đồng di cư? Các cộng đoàn hải ngoại của các Giáo hội Công giáo Đông phương được đánh giá như thế nào, và làm thế nào để sự hiện diện của họ có thể trở thành một cơ hội để trải nghiệm sự hiệp nhất trong khác biệt? Làm thế nào để có thể tạo ra những mối kết nối giữa các Giáo hội ở các quốc gia nơi rời đi và nơi đến?
5) Cộng đoàn Kitô hữu có biết cách đồng hành với toàn thể xã hội trong việc xây dựng công ích, hay chỉ tìm cách bảo vệ những lợi ích riêng của mình? Cộng đoàn Kitô hữu có thể làm chứng cho khả năng hòa hợp vượt khỏi những phân cực chính trị không? Bằng cách nào cộng đoàn tự trang bị cho mình qua việc cầu nguyện và đào tạo để đáp ứng những nhiệm vụ này? Làm việc phục vụ công ích đòi phải hình thành các liên hiệp và các liên minh. Chúng ta nên dùng những tiêu chuẩn phân định nào? Cộng đoàn đồng hành thế nào với các thành viên của mình dấn thân vào chính trị?
6) Chúng ta có kinh nghiệm gì về việc bước đi cùng với những người khác bên ngoài Giáo hội Công giáo (các cá nhân, các nhóm và phong trào) trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta? Chúng ta đã học được gì? Những bước tiến nào đang được thực hiện để phối hợp các cấp độ hành động khác nhau cần thiết cho việc chăm sóc hiệu quả ngôi nhà chung của chúng ta?
7) Bước đi cùng với người nghèo và người bị gạt ra bên lề đòi hỏi sự sẵn sàng lắng nghe. Giáo hội có nên công nhận một thừa tác vụ chuyên biệt lắng nghe và đồng hành cho những người đảm nhận công việc này không? Làm thế nào một Giáo hội hiệp hành có thể đào tạo và hỗ trợ những người cống hiến sự đồng hành như vậy? Chúng ta có thể trao sự công nhận của Giáo hội như thế nào cho những người mang ơn gọi đích thực để đóng góp cho một xã hội công bằng và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta?
B 1.2. “Tình yêu và chân lý sẽ gặp nhau” (Tv 85,11). Bằng cách nào một Giáo hội hiệp hành có thể làm cho lời hứa ấy trở thành khả tín?
Việc nhận hiểu ý nghĩa thực sự và cụ thể của tiếng gọi mời Kitô hữu gặp gỡ Chúa qua sự chào đón và đồng hành đã nổi lên như một mối quan tâm cốt lõi trong giai đoạn đầu tiên của hành trình Thượng Hội đồng.
DCS đã chọn hình ảnh Thánh Kinh về chiếc lều rộng mở (x. Is 54,2) để diễn tả tiếng gọi trở thành một cộng đoàn vừa cởi mở vừa bám rễ sâu. Các Đại hội cấp Châu lục, phát biểu từ các bối cảnh khác nhau, đã đề xuất những hình ảnh ấn tượng khác nắm bắt chiều kích tiếp đón vốn là cốt lõi sứ mạng của Giáo hội. Á Châu đưa ra hình ảnh một người cởi giày để bước qua ngưỡng cửa, như một dấu hiệu của sự khiêm tốn mà chúng ta chuẩn bị để gặp gỡ Thiên Chúa và người thân cận của mình. Châu Đại Dương đề xuất hình ảnh con thuyền và Châu Phi đề xuất hình ảnh Giáo hội như gia đình của Thiên Chúa, có khả năng mang lại sự thuộc về và chào đón tất cả các thành viên của mình trong tất cả sự đa dạng của họ.
Trong sự đa dạng này, chúng ta có thể dò ra một sự thống nhất về mục đích. Ở khắp mọi nơi, Giáo hội đang tìm cách canh tân sứ mạng của mình để trở thành một cộng đoàn chào đón và hiếu khách, để gặp gỡ Chúa Kitô nơi những người mà mình chào đón, và trở thành một dấu chỉ sự hiện diện của Người và là lời loan báo Tin Mừng đáng tin cậy trong đời sống của tất cả mọi người. Có một nhu cầu sâu xa để bắt chước Chúa và Thầy trong khả năng sống điều dường như nghịch lý: “can đảm rao giảng giáo huấn đích thực của Người, đồng thời trao chứng tá về sự bao gồm và chấp nhận triệt để” (DCS 30).
Về điểm này, con đường hiệp hành đã là một cơ hội để tham gia vào một cuộc gặp gỡ sâu xa, với sự khiêm tốn và chân thành. Một số người đã ngạc nhiên khi khám phá rằng phong cách hiệp hành cho phép đặt các câu hỏi phát sinh từ cuộc gặp gỡ trong một nhãn quan sứ mạng. Những cuộc gặp gỡ này đã không dẫn đến tình trạng tê liệt nhưng đã nuôi dưỡng niềm hy vọng rằng Thượng Hội đồng sẽ là chất xúc tác cho việc đổi mới sứ mạng và sẽ thúc đẩy chúng ta hàn gắn mạng lưới tương quan của Giáo hội.
Mong muốn cung ứng sự tiếp đón chân thành, đó là một tâm cảm được các tham dự viên Thượng Hội đồng bày tỏ trong nhiều bối cảnh khác nhau:
- a) các tài liệu chung kết của các Đại hội cấp Châu lục thường đề cập đến những người không cảm thấy mình được chấp nhận trong Giáo hội, như những người ly dị và tái hôn, những người trong các cuộc hôn nhân đa thê hay đa phu, hay những người Công giáo LGBTQ+;
- b) các tài liệu ấy cũng ghi nhận sự kỳ thị chủng tộc, sắc tộc, giai cấp hay tầng lớp xã hội cũng tồn tại trong Dân Thiên Chúa, làm cho một số người cảm thấy mình kém quan trọng hay không được nồng nhiệt tiếp đón trong cộng đoàn;
- c) có những báo cáo rộng rãi về nhiều rào cản văn hóa và thực tiễn làm cho những người khuyết tật bị loại trừ, tình trạng này phải được khắc chế;
- d) cũng nổi lên mối ưu tư rằng những người nghèo nhất, vốn dĩ Tin Mừng phải được hướng trước hết đến họ, lại rất thường nằm ở bên lề các cộng đoàn Kitô hữu (chẳng hạn, những di dân và những người tị nạn, các trẻ em đường phố, những người vô gia cư, những nạn nhân buôn người, và những người khác);
- e) các tài liệu của các Đại hội cấp Châu lục ghi nhận rằng cần phải duy trì sự nối kết giữa cuộc hoán cải có tính hiệp hành và việc chăm sóc những người sống sót qua nạn lạm dụng cũng như những người bị gạt ra lề trong Giáo hội. Các Đại hội cấp Châu lục đặc biệt nhấn mạnh việc học thực thi công lý như một hình thức chăm sóc những người bị làm tổn thương bởi các thành viên của Giáo hội, nhất là các nạn nhân và những người sống sót từ mọi hình thức lạm dụng;
- f) việc lắng nghe những tiếng nói bị lãng quên nhiều nhất được nhận diện là cách để lớn lên trong tình yêu và công lý mà Tin Mừng kêu gọi chúng ta.
Câu hỏi để phân định
Một Giáo hội hiệp hành có thể thực hiện những bước nào để noi gương sâu sát hơn nữa theo Thầy và Chúa của mình, Đấng đồng hành với mọi người trong tình yêu vô điều kiện và là Đấng công bố chân lý trọn vẹn của Tin Mừng?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Đâu là thái độ chúng ta tiếp cận thế giới? Chúng ta có biết nhận ra điều gì tốt, và đồng thời dấn thân trong tinh thần ngôn sứ để tố cáo tất cả những sự xâm phạm phẩm giá của con người, của các cộng đồng con người và của công trình tạo dựng?
2) Bằng cách nào chúng ta có thể nói tiếng nói ngôn sứ để vạch trần sự dữ mà không xâu xé thêm các cộng đoàn của chúng ta? Bằng cách nào chúng ta có thể trở nên một Giáo hội biết xử lý cách trung thực những xung khắc của mình và không sợ bảo đảm có chỗ cho những bất đồng?
3) Bằng cách nào chúng ta có thể khôi phục sự gần gũi và những mối quan hệ đầy quan tâm xét như cốt lõi sứ mạng của Giáo hội, “bước đi với người ta thay vì nói về họ hay duy chỉ giành quyền nói áp đảo họ”?
4) Theo tinh thần của Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christus Vivit, chúng ta có thể bước đi cùng với những người trẻ như thế nào? Làm thế nào để “sự ưu tiên chọn lựa người trẻ” có thể nằm ở trung tâm các sách lược mục vụ và đời sống hiệp hành của chúng ta?
5) Bằng cách nào chúng ta có thể tiếp tục thực hiện những bước cụ thể đầy ý nghĩa để đem lại công lý cho các nạn nhân và những người sống sót qua nạn lạm dụng tình dục, cũng như nạn lạm dụng tâm linh, kinh tế, quyền lực và lương tâm bởi những kẻ thi hành một sứ vụ hay trách nhiệm trong Giáo hội?
6) Bằng cách nào chúng ta có thể tạo ra những không gian nơi những người cảm thấy bị Giáo hội làm tổn thương và không được cộng đồng chào đón cảm thấy được công nhận, được đón nhận, được tự do đặt câu hỏi và không bị phán xét? Dưới ánh sáng của Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia, cần có những bước cụ thể nào để chào đón những người cảm thấy bị loại trừ khỏi Giáo hội vì địa vị hoặc giới tính của họ (ví dụ, những người ly hôn tái hôn, những người có hôn nhân đa thê, những người LGBTQ+, v.v.)?
7) Bằng cách nào chúng ta có thể cởi mở hơn và chào đón những người di cư và tị nạn, các nhóm thiểu số về sắc tộc và văn hóa, cũng như các cộng đồng bản địa, những người từ lâu đã là một phần của Giáo hội nhưng thường bị gạt ra bên lề? Bằng cách nào Giáo hội có thể đón nhận tốt hơn sự hiện diện của họ như một quà tặng?
8) Chúng ta cần phá bỏ những rào cản thể chất và văn hóa nào để người khuyết tật cảm thấy họ là thành viên thực sự của cộng đoàn?
9) Bằng cách nào chúng ta có thể cổ võ sự đóng góp của những người cao tuổi vào đời sống của cộng đoàn Kitô hữu và xã hội?
B 1.3. Làm sao để có thể phát triển một tương quan năng động trao đổi ân ban giữa các Giáo hội?
Sự hiệp thông mà Giáo hội được mời gọi là một mối tương quan năng động trao đổi ân ban, nó làm chứng cho một sự hiệp nhất siêu việt trong sự đa dạng. Một trong những ân ban quan trọng nhất của hành trình hiệp hành cho đến nay là việc tái khám phá sự phong phú trong tính đa dạng của chúng ta và chiều sâu của mối nối kết giữa chúng ta. Tính đa dạng và sự nối kết không đe dọa mà đúng hơn cung cấp bối cảnh để đón nhận cách sâu xa hơn sự hợp nhất của chúng ta đặt nền trên cùng một công trình tạo dựng, tiếng gọi vận mệnh.
Tiến trình Thượng Hội đồng đã được trải nghiệm một cách hăng hái và sống động ở cấp độ địa phương của Giáo hội, nhất là là khi có những cơ hội bàn thảo trong Thánh Thần. Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục đã tìm cách nắm bắt sự sống động này khi nhấn mạnh sự hội tụ phi thường của các vấn đề và các chủ điểm đã hiện lên trong các bối cảnh. Trong các Đại hội cấp Châu lục, các khía cạnh của đời sống Giáo hội trong những bối cảnh rất khác nhau đã được khám phá như một quà tặng quý giá. Đồng thời, các Châu lục đi vào một mối tương quan sâu sắc hơn với tính đa dạng đặc trưng các vùng miền khác nhau của mình. Sự đa dạng này bao gồm những khác biệt giữa các vùng lân cận nhau trong các Châu lục cũng như các biểu hiện đa dạng của tính Công giáo ở những nơi mà các Giáo hội Công giáo La tinh và Đông phương chia sẻ cùng một lãnh thổ, thường là kết quả của những làn sóng di cư Công giáo và sự hình thành các cộng đồng hải ngoại. Như một Đại hội cấp Châu lục đã ghi nhận, chúng ta đã kinh nghiệm chính mình rất cụ thể như là “những cộng đồng của các cộng đồng”, với lưu ý đến những ân ban và những căng thẳng mà điều này có thể đem lại.
Những cuộc gặp gỡ này đã dẫn tới các ghi nhận chung và các yêu cầu rõ ràng:
- a) Mong ước rằng chúng ta có thể nghe được rõ hơn và nhận ra các truyền thống khác nhau của các vùng và các Giáo hội cụ thể trong một cuộc thảo luận có tính Giáo hội và thần học vốn thường bị chi phối bởi các tiếng nói phương Tây/ La tinh. Phẩm giá của những người đã chịu Phép Rửa được công nhận là một điểm then chốt trong nhiều bối cảnh, cũng vậy, cách riêng đối với nhiều thành viên của các Giáo hội Công giáo Đông phương, Mầu nhiệm Vượt qua được cử hành trong các Bí tích Khai tâm Kitô giáo vẫn là tâm điểm suy tư về căn tính Kitô giáo và về Giáo hội hiệp hành.
- b) các Giáo hội Công giáo Đông phương có một kinh nghiệm lâu dài và nổi bật về tính hiệp hành, cùng chia sẻ với các Giáo hội Chính thống, đó là một truyền thống mà họ muốn được lưu tâm trong các cuộc thảo luận và phân định của tiến trình Thượng Hội đồng này.
- c) cũng vậy, có những thực tế cụ thể và đặc biệt mà các Kitô hữu Đông phương ở hải ngoại phải đối mặt trong những bối cảnh mới, cùng với các anh chị em Chính thống giáo của họ. Chúng ta mong ước rằng các Giáo hội Công giáo Đông phương ở cộng đồng hải ngoại có thể bảo tồn bản sắc của mình và được nhìn nhận không chỉ là những cộng đồng sắc tộc, tức là như các Giáo hội tự quản(sui iuris – thuộc quyền riêng của mình)với các truyền thống thiêng liêng, thần học và phụng vụ phong phú góp phần vào sứ mạng của Giáo hội ngày nay trong bối cảnh toàn cầu.
Câu hỏi để phân định
Bằng cách nào mỗi Giáo hội địa phương, chủ thể của sứ mạng trong bối cảnh của mình, có thể tăng cường, thúc đẩy và hội nhập việc trao đổi ân ban với các Giáo hội địa phương khác trong phạm vi của Giáo hội Công giáo duy nhất? Bằng cách nào các Giáo hội địa phương có thể được giúp đỡ để thăng tiến đặc tính Công giáo của Giáo hội trong mối tương quan hài hòa giữa hiệp nhất và đa dạng, bảo tồn nét đặc thù của mỗi Giáo hội?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Bằng cách nào chúng ta có thể nâng cao nhận thức rằng Giáo hội, vừa duy nhất vừa Công giáo, ngay từ đầu đã mang tính đa dạng rất phong phú?
2) Các Giáo hội địa phương có thể diễn tả lòng hiếu khách với nhau bằng những cử chỉ nào để nhận được ích lợi từ việc trao đổi các ân ban cho Giáo hội và thể hiện mối hiệp thông Giáo hội trong các lãnh vực phụng vụ, linh đạo, chăm sóc mục vụ và suy tư thần học? Đặc biệt, bằng cách nào chúng ta có thể tạo điều kiện cho việc trao đổi kinh nghiệm và tầm nhìn về tính hiệp hành giữa các Giáo hội Công giáo Đông phương và Giáo hội La tinh?
3) Bằng cách nào Giáo hội La tinh có thể tăng thêm sự cởi mở đối với các truyền thống thiêng liêng, thần học và phụng vụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương?
4) Bằng cách nào các Giáo hội Công giáo Đông phương ở hải ngoại có thể bảo tồn bản sắc của mình và được nhìn nhận không chỉ là các nhóm sắc tộc?
5) Một số Giáo hội sống trong tình trạng rất bấp bênh. Bằng cách nào các Giáo hội khác có thể gánh vác nỗi khổ của họ và chu cấp cho các nhu cầu của họ, thực hành lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ, người đã yêu cầu các cộng đoàn ở Hy Lạp quảng đại hỗ trợ Giáo hội Giêrusalem: “Hãy để sự dư dả của anh em bù đắp cho sự thiếu thốn của họ, để sự dư dả của họ cũng bù đắp cho sự thiếu thốn của anh em, và như vậy có sự cân bằng” (2Cr 8,14)? Các tổ chức toàn cầu và các tổ chức của Tòa thánh chuyên phục vụ bác ái có thể đóng vai trò gì trong phương diện này?
6) Bằng cách nào chúng ta có thể lưu tâm và trân trọng những đóng góp và kinh nghiệm của các Giáo hội địa phương trong giáo huấn của Huấn quyền và các quy tắc của Giáo hội ở cấp độ hoàn vũ?
7) Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và nối kết nhau, làm sao để phát triển mạng lưới tương quan giữa các Giáo hội địa phương của cùng một vùng miền cũng như của các Châu lục khác nhau? Làm sao để sự gia tăng tính lưu động của người ta và do đó sự hiện diện của các cộng đồng di cư có thể trở thành một cơ hội xây dựng mối nối kết giữa các Giáo hội và trao đổi các ân ban? Làm thế nào để những căng thẳng và hiểu lầm vốn có thể phát sinh giữa các tín hữu thuộc các nền văn hóa và truyền thống khác nhau có thể được giải quyết một cách xây dựng?
8) Làm thế nào để các tổ chức toàn cầu của Giáo hội, bắt đầu với những tổ chức trực thuộc Tòa thánh và các Bộ của Giáo triều Rôma, có thể thúc đẩy việc điều phối các ân ban giữa các Giáo hội?
9) Làm thế nào để việc trao đổi các kinh nghiệm và các ân ban trở nên tích cực và hiệu quả, không chỉ giữa các Giáo hội địa phương khác nhau, mà còn giữa các ơn gọi, đặc sủng và linh đạo khác nhau trong Dân Thiên Chúa, kể cả các hội dòng thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, các hiệp hội và phong trào giáo dân, và các cộng đoàn mới? Làm sao có thể bảo đảm sự tham gia của các cộng đoàn đời sống chiêm niệm vào trong việc trao đổi này?
B 1.4. Bằng cách nào một Giáo hội hiệp hành có thể chu toàn sứ mạng của mình xuyên qua một sự dấn thân đại kết được canh tân?
“Nẻo đường hiệp hành mà Giáo hội Công giáo đang đi thiết yếu phải mang tính đại kết, cũng như nẻo đường đại kết phải có tính hiệp hành”.[11] Tính hiệp hành là một thách thức chung liên quan đến tất cả những người tin vào Chúa Kitô, cũng như tinh thần đại kết trước hết là một con đường cùng đi (syn-odos) với các Kitô hữu khác. Tính hiệp hành và tinh thần đại kết là hai nẻo đường cùng bước đi với nhau, với một mục tiêu chung: hướng đến một chứng tá Kitô giáo tốt đẹp hơn. Điều này có thể mang dạng thức cùng sống chung trong một “sự sống đại kết” ở các cấp độ khác nhau, kể cả thông qua các cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa các Giáo hội, cũng như thông qua hành động tột đỉnh là trao hiến mạng sống mình để làm chứng cho lòng tin vào Chúa Kitô trong tính đại kết của việc tuẫn đạo.
Có một số hàm ý đại kết trong việc dấn thân xây dựng một Giáo hội hiệp hành:
- a) Qua Phép Rửa duy nhất, mọi Kitô hữu đều tham dự vàosensus fidei(cảm thức đức tin siêu nhiên; xem LG 12), đó là lý do tại sao trong một Giáo hội hiệp hành, tất cả những người đã chịu Phép Rửa đều phải được chăm chú lắng nghe;
- b) Hành trình đại kết là một “sự trao đổi ân ban”, và một trong những ân ban mà người Công giáo có thể đón nhận được từ các Kitô hữu khác chính là kinh nghiệm hiệp hành của họ (x. EG 246). Việc tái khám phá tính hiệp hành xét như một chiều kích làm nên Giáo hội là một hoa trái của cuộc đối thoại đại kết, đặc biệt là với Chính thống giáo.
- c) Phong trào đại kết như một phòng thí nghiệm của tính hiệp hành. Đặc biệt, phương pháp đối thoại và xây dựng sự đồng thuận được trải nghiệm ở các cấp độ khác nhau trong phong trào đại kết có thể là một nguồn cảm hứng;
- d) Tính hiệp hành là một phần của “cuộc cải cách liên tục” của Giáo hội, vì chủ yếu chính nhờ sự cải cách bên trong, trong đó tính hiệp hành đóng một vai trò thiết yếu, mà Giáo hội Công giáo xích lại gần các Kitô hữu khác (UR 4.6);
- e) Có một mối quan hệ hỗ tương giữa tính cách hiệp hành của Giáo hội Công giáo và tính khả tín của sự dấn thân đại kết của mình;
- f) Một tính hiệp hành nào đó giữa các Giáo hội sẽ được kinh nghiệm bất cứ khi nào các Kitô hữu từ các cộng đoàn khác nhau đến với nhau nhân danh Chúa Giêsu Kitô để cùng cầu nguyện, hành động và cùng làm chứng, cũng như thường xuyên tham vấn và tham gia vào các tiến trình hiệp hành của nhau.
Tất cả các Tài liệu Chung kết của các Đại hội cấp Châu lục đều nêu bật mối quan hệ chặt chẽ giữa tính hiệp hành và tinh thần đại kết, và một số Tài liệu dành trọn cả chương cho nó. Thật vậy, cả tính hiệp hành và đại kết đều cắm rễ trong phẩm giá do Phép Rửa của toàn thể Dân Thiên Chúa. Cả hai cùng mời gọi sự dấn thân mới mẻ cho tầm nhìn về một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng. Cả hai đều là những tiến trình lắng nghe và đối thoại, và mời gọi chúng ta lớn lên trong một sự hiệp thông vốn không phải là đồng nhất mà là hiệp nhất trong sự đa dạng chính đáng. Cả hai nêu bật nhu cầu phải có tinh thần đồng trách nhiệm, vì các quyết định và các hành động của chúng ta ở các cấp độ khác nhau sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thành viên của Thân thể Chúa Kitô. Đó là những tiến trình tâm linh của sự sám hối, tha thứ và hòa giải trong một cuộc đối thoại về sự hoán cải có thể dẫn đến một sự chữa lành ký ức.
Câu hỏi để phân định
Bằng cách nào kinh nghiệm và thành quả của hành trình đại kết có thể giúp xây dựng một Giáo hội Công giáo hiệp hành hơn; Bằng cách nào tính hiệp hành có thể giúp Giáo hội Công giáo đáp ứng tốt hơn lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho tất cả nên một… để thế gian tin” (Ga 17,21)?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Thượng Hội đồng này là một cơ hội để học hỏi từ các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác, và để “gặt hái những gì Chúa Thánh Thần đã gieo nơi họ như một quà tặng cho cả chúng ta nữa” (EG 246). Người Công giáo có thể học (lại) những gì từ kinh nghiệm hiệp hành của các Kitô hữu khác và của phong trào đại kết?
2) Bằng cách nào chúng ta có thể thúc đẩy sự tham gia tích cực của toàn thể Dân Thiên Chúa vào phong trào đại kết? Đặc biệt, bằng cách nào chúng ta có thể cổ động sự đóng góp quan trọng của những người sống đời thánh hiến, các đôi bạn và các gia đình liên Giáo hội, những người trẻ, các phong trào Giáo hội và các cộng đoàn đại kết?
3) Trong những lĩnh vực nào một sự “chữa lành ký ức” là cần thiết, liên quan đến mối quan hệ với các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác? Bằng cách nào chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một “ký ức mới”?
4) Bằng cách nào có thể cải thiện việc chúng ta “bước đi cùng” với các Kitô hữu thuộc mọi truyền thống? Làm thế nào để dịp kỷ niệm chung 1700 năm Công đồng Nicê (325-2025) có thể mang lại một cơ hội như thế?
5) “Thừa tác vụ hiệp nhất của giám mục được nối kết chặt chẽ với tính hiệp hành”.[12] Giám mục, trong tư cách là “nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất” (LG 23), được kêu gọi cổ võ đại kết theo cách thức hiệp hành tại Giáo hội địa phương của mình như thế nào?
6) Tiến trình Thượng Hội đồng đang diễn ra có thể đóng góp như thế nào vào việc “tìm ra một thể thức thực thi quyền tối thượng mà trong khi không từ bỏ bản chất thiết yếu thuộc sứ mạng của nó, vẫn mở ra cho một tình huống mới”?[13]
7) Bằng cách nào các Giáo hội Công giáo Đông phương có thể giúp đỡ, ủng hộ và thúc đẩy Giáo hội La tinh trong sự dấn thân chung mang tính hiệp hành và đại kết? Bằng cách nào Giáo hội La tinh có thể hỗ trợ và thúc đẩy bản sắc của các tín hữu Công giáo Đông phương ở hải ngoại?
8) Khẩu hiệu đại kết của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Bước đi với nhau, làm việc với nhau, cầu nguyện với nhau”,[14] có thể truyền cảm hứng như thế nào cho một sự dấn thân mới mẻ vào công cuộc hiệp nhất Kitô giáo theo cách hiệp hành?
B 1.5. Bằng cách nào dưới ánh sáng Tin Mừng, chúng ta có thể nhìn nhận và thu thập sự phong phú của các nền văn hóa và phát triển việc đối thoại giữa các tôn giáo?
Để lắng nghe mọi người, cần phải biết cách lắng nghe các nền văn hóa mà họ gắn bó, trong nhận thức rằng mọi nền văn hóa đều đang liên tục tiến triển. Một Giáo hội hiệp hành cần học cách diễn đạt Tin Mừng tốt hơn trong các nền văn hóa và các bối cảnh địa phương, nhờ một sự phân định xuất phát từ xác quyết rằng Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội một chiều rộng đến mức Giáo hội có thể chào đón bất kỳ nền văn hóa nào, không có ngoại lệ. Bằng chứng về điều này là sự kiện các Giáo hội địa phương vốn được đặc trưng bởi sự đa dạng lớn lao, đó là một ân phúc. Trong đó, các quốc tịch và nhóm dân tộc khác nhau cũng như các tín đồ từ các truyền thống Đông và Tây phương cùng tồn tại. Sự phong phú này không phải lúc nào cũng dễ sống và có thể trở thành nguồn gốc của chia rẽ và xung đột.
Ngoài ra, thời của chúng ta được đánh dấu bằng sự tràn ngập của một nền văn hóa mới, đó là các môi trường kỹ thuật số và phương tiện truyền thông mới. Như sáng kiến Thượng Hội đồng Kỹ thuật số cho thấy, Giáo hội vốn hiện diện ở đó thông qua hoạt động của nhiều Kitô hữu, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một nhận thức đầy đủ hơn về tiềm năng mà môi trường này mang lại cho việc rao giảng Tin Mừng, hoặc một suy tư – đặc biệt về mặt nhân học – về những thách thức mà môi trường này đặt ra.
Trong công việc của giai đoạn chuẩn bị, nhiều căng thẳng khác nhau đã xuất hiện. Chúng ta không nên choáng ngợp bởi những căng thẳng này, nhưng chúng có thể được vận dụng như những nguồn động lực:
- a) trong tương quan giữa Tin Mừng và các nền văn hóa địa phương, với những kinh nghiệm và những quan điểm khác nhau. Một số người coi việc áp dụng các truyền thống của Giáo hội hoàn vũ là một sự áp đặt lên các nền văn hóa địa phương, hoặc thậm chí là một hình thức của chủ nghĩa thực dân. Những người khác tin rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong mọi nền văn hóa, làm cho nó vốn có khả năng diễn đạt các chân lý của đức tin Kitô giáo. Những người khác nữa lại cho rằng các Kitô hữu không thể áp dụng hoặc thích ứng những thực hành văn hóa tiền Kitô giáo.
- b) trong tương quan giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác. Trong khi có những kinh nghiệm đầy hoa trái về việc đối thoại và gắn kết với các tín đồ của các tôn giáo khác, thì ở một số vùng lại xuất hiện những khó khăn, những hạn chế và những biểu hiện của sự ngờ vực, thậm chí có sự xung đột và bách hại trực tiếp hay gián tiếp. Giáo hội mong muốn xây dựng những nhịp cầu để cổ võ hòa bình, hòa giải, công lý và tự do, nhưng cũng có những hoàn cảnh đòi hỏi chúng ta phải hết sức kiên nhẫn và hy vọng rằng mọi thứ có thể thay đổi;
- c) trong mối tương quan giữa một bên là Giáo hội với bên kia là văn hóa phương Tây và các hình thức thực dân văn hóa. Có những thế lực đang hoạt động trong thế giới chống lại sứ mạng của Giáo hội, dựa trên các ý thức hệ có tính triết học, kinh tế và chính trị đặt nền trên những giả định thù địch với đức tin. Không phải ai cũng hiểu những căng thẳng này theo cách giống nhau, chẳng hạn, đối với hiện tượng thế tục hóa, mà một số người coi là mối đe dọa và những người khác coi đó là cơ hội. Đôi khi sự căng thẳng này được diễn giải theo cách giản lược hóa như là xung đột giữa những người mong muốn thay đổi và những người sợ thay đổi;
- d) trong mối tương quan giữa các cộng đồng bản địa và các mẫu thức hoạt động thừa sai của phương Tây. Nhiều nhà thừa sai Công giáo đã thể hiện sự tận tâm và quảng đại trong việc chia sẻ đức tin của mình, nhưng trong một số trường hợp, các hành động của họ đã cản trở khả năng các nền văn hóa địa phương cống hiến sự đóng góp riêng của mình cho việc xây dựng Giáo hội;
- e) trong mối tương quan giữa cộng đoàn Kitô hữu và giới trẻ, nhiều người trẻ cảm thấy bị loại trừ bởi ngôn ngữ được áp dụng trong các bối cảnh Giáo hội, thứ ngôn ngữ dường như không thể hiểu được đối với họ.
Những căng thẳng này trước hết phải được giải quyết thông qua sự phân định ở cấp địa phương, và không có những giải pháp đóng gói sẵn. Các Đại hội cấp Châu lục đã nhấn mạnh một số thái độ của cá nhân và cộng đoàn có thể giúp ích: một thái độ khiêm tốn và tôn trọng; khả năng lắng nghe và thúc đẩy việc thảo luận chân thực trong Thánh Thần; sự sẵn sàng để thay đổi, đón nhận năng động Vượt Qua của cái chết và sự phục sinh, cũng như với sự tôn trọng những hình thức sống cụ thể của Giáo hội; đào tạo để phân định văn hóa khi có xung khắc giữa các cảm thức địa phương và linh đạo, và đào tạo để đồng hành cho những người từ các nền văn hóa khác nhau.
Câu hỏi để phân định
Bằng cách nào chúng ta có thể loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả trong các bối cảnh và các nền văn hóa khác nhau, để thúc đẩy cuộc gặp gỡ của những con người nam nữ thời đại chúng ta với Đức Kitô? Chúng ta có thể thiết lập những mối gắn kết nào với các tín đồ của các tôn giáo khác để xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Các Giáo hội địa phương sử dụng những công cụ nào để đọc hiểu các nền văn hóa mà mình sống trong đó? Dưới ánh sáng Tin Mừng, bằng cách nào các Giáo hội địa phương có thể tôn trọng và đề cao các nền văn hóa của các bối cảnh địa phương khác nhau? Các Giáo hội địa phương có thể tạo ra những cơ hội nào để đọc lại các giáo huấn của Giáo hội dưới ánh sáng của các nền văn hóa địa phương?
2) Những không gian nào có sẵn để cho các nền văn hóa thiểu số và nhập cư tìm cách thể hiện trong các Giáo hội địa phương?
3) Nhiều Giáo phận, Hội đồng Giám mục, và Đại hội cấp Châu lục đã bày tỏ mong muốn có thể diễn đạt lại đời sống cộng đoàn và đặc biệt là phụng vụ phù hợp với các nền văn hóa địa phương. Chúng ta có thể đưa ra động lực hiệp hành nào để đáp ứng mong muốn này?
4) Làm thế nào để thúc đẩy việc huấn luyện trong việc phân định văn hóa? Làm thế nào để chúng ta cổ vũ, giáo dục và thừa nhận các đặc sủng và ơn gọi của “những người chuyển dịch”, tức là những người giúp xây dựng nhịp cầu giữa các tôn giáo, các nền văn hóa và dân chúng?
5) Chúng ta cảm thấy được kêu gọi thực hiện những cử chỉ hòa giải và hòa bình nào với các tôn giáo khác? Trong tinh thần xây dựng, các Giáo hội xử lý những thành kiến, căng thẳng và xung đột như thế nào? Bằng cách nào chúng ta có thể làm chứng cho Tin Mừng ở những quốc gia mà Giáo hội chỉ là thiểu số, mà không làm suy yếu chứng tá đức tin của chúng ta, nhưng cũng không làm cho các Kitô hữu bị đe dọa và bách hại một cách không cần thiết?
6) Bằng cách nào Giáo hội có thể liên hệ với văn hóa phương Tây và các nền văn hóa khác, kể cả bên trong Giáo hội, một cách thẳng thắn, có tính ngôn sứ và trong tinh thần xây dựng, và tránh mọi hình thức của chủ nghĩa thực dân?
7) Đối với một số người, xã hội thế tục hóa là một mối đe dọa cần phải chống lại, đối với những người khác thì đó là một thực tế cần phải chấp nhận, và đối với những người khác nữa thì đó lại là một nguồn cảm hứng và một cơ hội. Bằng cách nào các Giáo hội có thể tiếp tục đối thoại với thế giới mà không trở nên trần tục?
8) Bằng cách nào chúng ta có thể tạo ra các cơ hội để phân định trong môi trường kỹ thuật số? Chúng ta cần kiến tạo những hình thức cộng tác nào và những cơ cấu nào cho mục đích loan báo Tin Mừng trong một môi trường thiếu chiều kích lãnh thổ?
Các phiếu làm việc cho B 2. Đồng trách nhiệm trong Sứ mạng
Chúng ta có thể chia sẻ các ân ban và các nhiệm vụ trong công việc phục vụ Tin Mừng như thế nào?
B 2.1. Bằng cách nào chúng ta có thể đồng hành hướng đến một nhận thức chung về ý nghĩa và nội dung của sứ mạng?
Sứ mạng của Giáo hội là loan báo Tin Mừng và làm cho Chúa Kitô hiện diện, nhờ ân ban Thánh Thần. Nhiệm vụ này thuộc về mọi người đã lãnh Phép Rửa (x. EG 120): tính hiệp hành tự thân nó có tính sứ mạng thừa sai, và bản thân sứ mạng là hành động có tính hiệp hành. Chúng ta không ngừng được mời gọi lớn lên trong việc đáp trả tiếng gọi này, đổi mới cách thức Giáo hội thi hành sứ mạng của mình trong phong cách hiệp hành. Trong những phản ánh của các Đại hội cấp Châu lục, sứ mạng diễn tả nhiều chiều kích phải được điều hòa và không đối nghịch nhau trong cái nhìn toàn diện được Evangelii nuntiandi cổ võ và Evangelii gaudium tiếp nhận. Ví dụ:
- a) một lời kêu gọi tha thiết đổi mới đời sống phụng vụ của Giáo hội địa phương, như một nơi rao giảng qua Lời Chúa và Bí tích, nhấn mạnh phẩm chất của việc rao giảng và ngôn ngữ của phụng vụ. Vấn đề ngôn ngữ phụng vụ đòi hỏi một sự cân bằng đúng đắn giữa một bên là sự hiệp nhất của Giáo hội, cũng được diễn tả trong sự thống nhất về nghi thức, và bên kia là những sự đa dạng hợp pháp được xét đến trong một công cuộc hội nhập văn hóa thích hợp;[15]
- b) sự nhấn mạnh niềm mong ước có một Giáo hội nghèo và gần gũi những người đau khổ, có khả năng loan báo Tin Mừng bằng sự gần gũi và lòng bác ái. Theo dấu chân của Chúa, chứng tá này đi xa đến mức tuẫn đạo và diễn tả ơn gọi “Samaritanô” của Giáo hội. Về những tình huống mà Giáo hội gây ra các tổn thương lẫn những tình huống mà chính Giáo hội bị thương tích, thì nếu những người liên quan không được chăm sóc thích đáng, những trường hợp này sẽ trở thành một cản trở cho chứng tá của Giáo hội về tình yêu của Thiên Chúa và sự thật của Tin Mừng;
- c) trong tinh thần ngôn sứ, một chìa khóa để chống lại chủ nghĩa thực dân mới đầy sức phá hoại là việc mở ra những nơi phục vụ vô điều kiện theo gương Chúa Kitô, Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ (x. Mc 10,45). Đây là những nơi mà các nhu cầu cơ bản của con người có thể được đáp ứng, nơi người ta cảm thấy được tiếp đón và không bị phán xét, được tự do chất vấn về những lý do cho niềm hy vọng của chúng ta (x. 1 Pr 3,15), và người ta được tự do rời đi và trở lại. Đối với một Giáo hội hiệp hành, sứ mạng luôn là việc xây dựng cùng với người khác, hơn là cho người khác;
- d) trong môi trường kỹ thuật số, Giáo hội đang khám phá ra một cơ hội loan báo Tin Mừng. Giáo hội nhận ra rằng việc xây dựng những mạng lưới các mối quan hệ trong không gian này giúp mọi người, đặc biệt giới trẻ, có thể kinh nghiệm những cách thức mới mẻ của việc bước đi cùng nhau. Sáng kiến về Thượng Hội đồng Kỹ thuật số thu hút sự chú ý của Giáo hội đối với thực tại của con người như một hữu thể truyền thông, ngay cả trong những mạng truyền thông đang định hình thế giới hiện nay của chúng ta;
Ước muốn tăng triển trong sự dấn thân sứ mạng không bị cản trở bởi ý thức về những giới hạn của các cộng đoàn Kitô hữu hay bởi sự nhìn nhận những thất bại của các cộng đoàn ấy. Ngược lại, chuyển động đi ra khỏi chính mình trong đức tin, đức cậy và đức ái là một cách xử lý sự bất toàn này. Tuy nhiên, bên cạnh việc khẳng định ước muốn này, các Đại hội cấp Châu lục cũng nói lên tình trạng thiếu rõ ràng và thiếu nhận thức chung về ý nghĩa, phạm vi và nội dung của sứ mạng Giáo hội hay các tiêu chuẩn để diễn đạt rõ ràng những cách thể hiện đa dạng của sứ mạng ấy. Điều này cản trở việc chúng ta bước đi cùng nhau và có thể chia rẽ chúng ta. Do đó, đòi hỏi phải có những phương thức đào tạo mới cũng như những nơi gặp gỡ và đối thoại, theo tinh thần hiệp hành, giữa các nhãn quan, linh đạo và cảm thức khác nhau làm nên sự phong phú của Giáo hội.
Câu hỏi để phân định
Giáo hội hôm nay được chuẩn bị và trang bị thế nào để loan báo Tin Mừng với lòng xác tín, với tinh thần tự do, và sự hữu hiệu? Nhãn quan về một Giáo hội hiệp hành sẽ chuyển hóa cách nhận hiểu sứ mạng và giúp diễn đạt rõ các chiều kích khác nhau của sứ mạng như thế nào? Kinh nghiệm về việc thực thi sứ mạng cùng với nhau sẽ làm phong phú cho sự nhận hiểu về tính hiệp hành như thế nào?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Đời sống phụng vụ là nguồn mạch sứ mạng của cộng đoàn. Làm thế nào để sự canh tân đời sống phụng vụ có thể được nâng đỡ trong chiều hướng hiệp hành bằng việc củng cố các tác vụ, các đặc sủng và ơn gọi, cũng như cung ứng các không gian để người ta được tiếp đón và thuộc về?
2) Làm thế nào việc giảng thuyết, huấn giáo và mục vụ có thể thúc đẩy một nhận thức chung về ý nghĩa và nội dung của sứ mạng? Làm thế nào có thể truyền đạt rằng sứ mạng là một tiếng gọi thực sự và cụ thể cho mọi người đã lãnh Phép Rửa?
3) Các bản tổng hợp của các Hội đồng Giám mục và các Đại hội cấp Châu lục lặp đi lặp lại lời kêu gọi “ưu tiên lựa chọn” giới trẻ và các gia đình, nhìn nhận họ là những chủ thể chứ không phải đối tượng của sự chăm sóc mục vụ. Bằng cách nào cuộc canh tân có tính hiệp hành và sứ mạng này của Giáo hội có thể định hình, bao gồm cả việc thực hiện các kết luận của Thượng Hội đồng Giám mục 2014-2015 và 2018?
4) Đối với đại đa số Dân Thiên Chúa, sứ mạng được thực thi bằng cách “dấn thân vào những công việc trần thế và sắp xếp chúng theo kế hoạch của Thiên Chúa” (LG 31; xem thêm AA 2). Bằng cách nào chúng ta có thể nâng cao ý thức rằng sự dấn thân chính trị, xã hội, nghề nghiệp cũng như công việc thiện nguyện là những lĩnh vực thực thi sứ mạng? Bằng cách nào chúng ta có thể đồng hành và hỗ trợ tốt hơn cho những ai thi hành sứ mạng này, nhất là trong những môi trường không thân thiện và đầy thách thức?
5) Học thuyết xã hội của Giáo hội thường được coi là đặc quyền của các chuyên gia và các nhà thần học, và bị tách rời khỏi cuộc sống hàng ngày của các cộng đồng. Bằng cách nào chúng ta có thể khuyến khích Dân Thiên Chúa lấy lại nó như một nguồn lực cho sứ mạng?
6) Môi trường kỹ thuật số hiện định hình đời sống xã hội. Bằng cách nào Giáo hội có thể thi hành sứ mạng của mình một cách hiệu quả hơn trong không gian này? Việc rao giảng, đồng hành và chăm sóc nên được suy nghĩ lại như thế nào đối với môi trường này? Bằng cách nào chúng ta có thể nhìn nhận những người đang dấn thân sứ mạng trong đó, và tạo ra những lộ trình huấn luyện mới cho họ? Bằng cách nào chúng ta có thể khuyến khích hoạt động tiên phong của những người trẻ, là những người đồng trách nhiệm cách đặc biệt về sứ mạng của Giáo hội trong không gian này?
7) Trong nhiều lĩnh vực, việc thực thi sứ mạng đòi hỏi phải cộng tác với rất nhiều người và các tổ chức có nguồn cảm hứng khác nhau, bao gồm tín hữu của các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác, thành viên của các tôn giáo khác, và những người thiện chí. Chúng ta học được gì từ “việc bước đi cùng nhau” với họ, và bằng cách nào chúng ta có thể trang bị tốt hơn cho mình để làm điều đó?
B 2.2. Cần phải làm gì để một Giáo hội hiệp hành cũng là một Giáo hội thừa sai ‘có tính tác vụ toàn diện’?
Tất cả các Đại hội cấp Châu lục đều thảo luận về các tác vụ trong Giáo hội, thường bằng những thuật ngữ hàm súc và khơi gợi tư duy. Tiến trình Thượng Hội đồng cung ứng một tầm nhìn tích cực về các tác vụ, đặt tác vụ chức thánh trong bối cảnh tác vụ rộng lớn hơn của Giáo hội mà không tạo ra những sự đối lập. Tuy nhiên, các Đại hội cấp Châu lục cũng lưu ý một nhu cầu cấp thiết là phải phân định các đặc sủng mới xuất hiện và các hình thức phù hợp để thi hành các tác vụ do Phép Rửa (gồm các tác vụ được thiết chế, ngoại thường, và de facto tức trên thực tế) trong Dân Thiên Chúa, là Dân tham dự vào chức năng ngôn sứ, tư tế và vương giả của Đức Kitô. Phiếu làm việc này tập chú vào các tác vụ này, trong khi mối quan hệ với tác vụ chức thánh và các nhiệm vụ của giám mục trong một Giáo hội hiệp hành sẽ được đề cập trong những phiếu khác. Cách riêng:
- a) có một lời kêu gọi rõ ràng phải vượt qua một nhãn giới trong đó mọi chức năng chủ động trong Giáo hội chỉ dành riêng cho các thừa tác viên chức thánh mà thôi (giám mục, linh mục, phó tế), giảm trừ sự tham gia của những người đã lãnh Phép Rửa đến chỉ còn là một sự cộng tác phụ thuộc. Không giảm bớt sự trân trọng đối với Bí tích Truyền chức thánh, các tác vụ trong chân trời hiệp hành được hiểu từ một quan niệm mang tính tác vụ về toàn thể Giáo hội. Một thái độ đón nhận thanh thản đối với Công đồng Vatican II hiện lộ ra, với sự thừa nhận phẩm giá của Phép Rửa như nền tảng cho sự tham gia của mọi người vào đời sống Giáo hội. Phẩm giá do Phép Rửa dễ dàng được liên kết với chức Tư tế chung như là gốc rễ của các tác vụ do Phép Rửa, và mối quan hệ thiết yếu giữa chức Tư tế chung và chức Tư tế thừa tác được tái khẳng định, vì chúng “liên hệ với nhau”, trong đó mỗi bên “theo cách riêng của mình” là một “sự tham dự vào chức Tư tế duy nhất của Chúa Kitô” (LG 10).
- b) có sự nhấn mạnh rằng nơi chốn hữu hiệu nhất để hiện thực hóa sự tham gia của mọi người vào chức Tư tế của Chúa Kitô, đồng thời đề cao các tác vụ do Phép Rửa cũng như tính đặc thù của tác vụ chức thánh, đó là tại Giáo hội địa phương. Ở đây, chúng ta được mời gọi phân định những đặc sủng và những tác vụ nào hữu ích cho mọi người trong một bối cảnh xã hội, văn hóa và Giáo hội cụ thể. Cần phải cung ứng động lực mới cũng như kỹ năng sắc bén hơn cho sự tham gia đặc biệt của giáo dân vào công việc loan báo Tin Mừng trong các cảnh vực khác nhau của đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, đảm nhận trách nhiệm của họ, cũng như tăng cường sự đóng góp của những người nam nữ thánh hiến, với những đặc sủng khác nhau của họ, trong đời sống của Giáo hội địa phương.
- c) kinh nghiệm của việc bước đi cùng nhau trong Giáo hội địa phương giúp ta có thể hình dung ra những tác vụ mới để phục vụ cho một Giáo hội hiệp hành. Thường xuyên tham chiếu đến bản văn, tầm nhìn và ngôn ngữ của LG 10-12, các Đại hội cấp Châu lục yêu cầu sự nhìn nhận nhiều hơn nữa các tác vụ do Phép Rửa, và yêu cầu điều này được diễn tả tốt hơn nữa thông qua việc thiết chế các hình thức bổ trợ giữa các cấp khác nhau của Giáo hội. Trong tinh thần này, nhiều câu hỏi về các tác vụ do Phép Rửa có thể được trả lời thông qua công cuộc hiệp hành sâu đậm hơn trong các Giáo hội địa phương, trong đó – dựa trên nguyên tắc về sự tham gia có phân biệt vào bộ ba chức vụ (tria munera) của Chúa Kitô – sẽ dễ dàng hơn để cho thấy rõ tính bổ sung giữa chức Tư tế chung và chức Tư tế thừa tác, nhờ đó phân định và nhận diện các tác vụ do Phép Rửa mà cộng đoàn cần.
- d) một Giáo hội có tính tác vụ toàn diện không nhất thiết phải hoàn toàn là một Giáo hội gồm các thừa tác vụ được thiết chế. Nhiều tác vụ đương nhiên đến từ ơn gọi Phép Rửa, bao gồm các tác vụ tự phát và những tác vụ khác được nhìn nhận mà không được thiết chế, và các tác vụ khác nữa, do được thiết chế nên nhận được một sự đào tạo, sứ mạng và tính ổn định cách chuyên biệt. Việc lớn lên trong tư cách một Giáo hội hiệp hành sẽ bao hàm sự dấn thân phân định với nhau xem những tác vụ nào nên được lập ra hoặc cổ võ dưới ánh sáng của các dấu chỉ thời đại để phục vụ thế giới.
Câu hỏi để phân định
Bằng cách nào chúng ta có thể tiến tới một sự đồng trách nhiệm hữu hiệu và đầy ý nghĩa trong Giáo hội, trong đó có sự nhận thức đầy đủ hơn về các ơn gọi, các đặc sủng và các tác vụ của mọi người đã lãnh nhận Phép Rửa trong một tâm thức sứ mạng? Chúng ta có thể làm gì để bảo đảm rằng một Giáo hội hiệp hành hơn cũng là một “Giáo hội tác vụ toàn diện”?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Chúng ta nên cử hành Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể như thế nào để các cử hành này trở thành những dịp làm chứng và thúc đẩy sự tham gia và đồng trách nhiệm của mọi người như những chủ thể tích cực trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội? Bằng cách nào chúng ta có thể đổi mới nhận thức về tác vụ không chỉ giới hạn trong tác vụ chức thánh mà thôi?
2) Bằng cách nào chúng ta có thể phân định các tác vụ do Phép Rửa cần thiết cho sứ mạng trong một Giáo hội địa phương, dù đó là những tác vụ được hay không được thiết chế? Những không gian nào có sẵn để thử nghiệm ở cấp địa phương? Nên gán giá trị nào cho những tác vụ này? Trong những điều kiện nào chúng có thể được tiếp nhận và công nhận bởi toàn thể Giáo hội?
3) Chúng ta có thể học được gì từ các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác về tính tác vụ cũng như về chính các tác vụ?
4) Tính đồng trách nhiệm được biểu hiện và thực hiện trước hết nơi sự tham gia của mọi người vào sứ mạng. Bằng cách nào để có thể tăng cường sự đóng góp đặc biệt của những người có các đặc sủng và ơn gọi khác nhau, nhằm phục vụ tốt nhất cho tính hài hòa giữa sự dấn thân cộng đồng và đời sống trong Giáo hội, đặc biệt là tại các Giáo hội địa phương? Những đặc sủng và ơn gọi này có thể bao gồm từ những kỹ năng và năng lực cá nhân, kể cả năng lực chuyên môn, cho đến nguồn cảm hứng nền tảng của các hội dòng và các tu hội sống đời Thánh hiến cũng như các Tu đoàn Tông đồ, các phong trào, hiệp hội, v.v.
5) Bằng cách nào chúng ta có thể tạo ra những không gian và những thời gian tham gia hiệu quả vào sứ mạng có tính đồng trách nhiệm với những tín hữu, vì nhiều lý do khác nhau, đang ở bên lề đời sống cộng đoàn, nhưng theo luận lý của Tin Mừng, họ cống hiến một phần đóng góp không thể thay thế? (Ở đây chúng ta nói đến cả những người già và những người đau ốm, người khuyết tật, những người sống trong cảnh nghèo túng, những người không được tiếp cận giáo dục chính thức, v.v.)?
6) Nhiều người dấn thân xây dựng một xã hội công bằng và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta như sự đáp trả một ơn gọi đích thực và như một lựa chọn cuộc sống, bỏ qua các khả năng lựa chọn nghề nghiệp ổn định và có thu nhập tốt hơn. Bằng cách nào chúng ta có thể nhìn nhận sự dấn thân này theo cách cho thấy rõ rằng đây không chỉ là một hành động cá nhân mà còn là sự hiện thực hóa việc Giáo hội chăm sóc thế giới?
B 2.3. Bằng cách nào Giáo hội thời chúng ta có thể chu toàn sứ mạng của mình xuyên qua việc nhìn nhận và cổ võ nhiều hơn đối với phẩm giá do Phép Rửa nơi phụ nữ?
Trong Phép Rửa, người Kitô hữu đi vào một mối gắn kết mới với Chúa Kitô, và – nhờ Người và trong Người – họ gắn kết với mọi người đã chịu Phép Rửa, với toàn thể nhân loại và với toàn thể thụ tạo. Là con cái của một Cha, được xức dầu bởi cùng một Thánh Thần, nhờ chia sẻ cùng một mối gắn kết với Chúa Kitô, những người đã chịu Phép Rửa được trao ban cho nhau như những chi thể của một thân thể duy nhất có phẩm giá bình đẳng (x. Gl 3,26-28). Giai đoạn lắng nghe đã tái khẳng định nhận thức về thực tại này, cho thấy rằng nó phải tìm thấy được sự thể hiện cụ thể hơn nữa trong đời sống Giáo hội, kể cả qua các mối quan hệ với nhau, qua tính hỗ tương và bổ sung giữa nam và nữ. Đặc biệt:
- a) Các Đại hội cấp Châu lục đã nhất trí kêu gọi sự chú ý đến kinh nghiệm, vị thế và vai trò của phụ nữ, bất chấp những quan điểm khác nhau đang tồn tại nơi mỗi Châu lục. Các Đại hội ấy biểu dương đức tin, sự tham gia và chứng tá của rất nhiều nữ tu và nữ giáo dân trên khắp thế giới, thường hiện diện như những người loan báo Tin Mừng và những thầy dạy đầu tiên trên nẻo đường đức tin, thi hành sứ vụ ở những nơi xa xôi và những bối cảnh đầy thách đố, cũng như ở “những vùng bên lề có tính ngôn sứ”;
- b) Các Đại hội cấp Châu lục cũng kêu gọi suy tư sâu hơn về những thất bại trong tương quan của Giáo hội, đó cũng là những thất bại về cấu trúc ảnh hưởng đến đời sống của phụ nữ trong Giáo hội, mời gọi chúng ta đi vào một tiến trình hoán cải liên tục để tìm cách phát triển đầy đủ hơn trong căn tính được ban cho chúng ta qua Phép Rửa. Các mối ưu tiên của Đại hội Thượng Hội đồng bao gồm việc thảo luận về những niềm vui và những căng thẳng, cũng như về các cơ hội để hoán cải và canh tân, trong cách chúng ta sống các mối tương quan giữa nam và nữ trong Giáo hội, cụ thể là các tương quan: giữa các thừa tác viên chức thánh, những người nam nữ thánh hiến, và nam nữ giáo dân;
- c) trong giai đoạn đầu của Thượng Hội đồng, các vấn đề về sự tham gia và sự nhìn nhận phụ nữ, về các mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa nam và nữ, và về mong muốn có sự hiện diện nhiều hơn của phụ nữ trong các vị trí chịu trách nhiệm và quản trị, đã nổi lên như những yếu tố quan trọng trong việc tìm kiếm các cách thức có tính hiệp hành hơn để sống sứ mạng của Giáo hội. Những phụ nữ tham gia trong giai đoạn đầu này đã bày tỏ ước muốn rõ ràng rằng xã hội và Giáo hội phải là nơi cho sự phát triển, sự tham gia tích cực, và sự thuộc về lành mạnh cho tất cả phụ nữ. Họ yêu cầu Giáo hội sát cánh với họ để đồng hành và thúc đẩy việc thực hiện điều này. Một Giáo hội hiệp hành phải cùng nhau giải quyết những vấn đề này, tìm kiếm những câu trả lời mang lại sự thừa nhận nhiều hơn đối với phẩm giá do Phép Rửa của các phụ nữ, và loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và loại trừ mà phụ nữ phải đối mặt trong Giáo hội và xã hội;
- d) cuối cùng, các Đại hội cấp Châu lục nêu bật tính đa dạng của các kinh nghiệm, các quan điểm và các nhãn giới của phụ nữ, và yêu cầu rằng sự đa dạng này phải được nhìn nhận trong công việc của Đại hội Thượng Hội đồng, tránh coi phụ nữ như một nhóm đồng nhất hoặc như một chủ đề tranh luận có tính ý thức hệ hay trừu tượng.
Câu hỏi để phân định
Giáo hội có thể thực hiện những bước cụ thể nào để đổi mới và cải cách các thủ tục, các sắp xếp thể chế và các cơ cấu của mình, để tạo điều kiện cho phụ nữ được nhìn nhận và tham gia nhiều hơn, kể cả trong quản trị, trong các tiến trình đưa ra quyết định, và trong chính việc quyết định, với một tinh thần hiệp thông và với đích nhắm sứ mạng?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Phụ nữ đóng một vai trò chủ yếu trong việc thông truyền đức tin trong gia đình, giáo xứ, trong đời sống thánh hiến, trong các hiệp hội và phong trào, và các đoàn thể giáo dân, cũng như trong vai trò giáo viên và giảng viên giáo lý. Bằng cách nào chúng ta có thể nhìn nhận, hỗ trợ và đồng hành tốt hơn với sự đóng góp rất đáng kể của họ? Bằng cách nào chúng ta có thể đẩy mạnh sự đóng góp ấy để học cách trở thành một Giáo hội hiệp hành ngày càng hơn?
2) Các đặc sủng của phụ nữ vốn vẫn tồn tại và hoạt động trong Giáo hội ngày nay. Chúng ta có thể làm gì để phân định và hỗ trợ các đặc sủng ấy, cũng như để học biết điều mà Chúa Thánh Thần muốn dạy chúng ta qua đó?
3) Tất cả các Đại hội cấp Châu lục đều kêu gọi bàn bạc về vấn đề phụ nữ tham gia vào việc quản trị, việc ra quyết định, công cuộc sứ mạng và các sứ vụ của Giáo hội ở mọi cấp, cũng như kêu gọi cung ứng những cơ cấu thích hợp để hỗ trợ sự tham gia này, để điều này không chỉ dừng lại ở một ao ước chung chung.
- a) Làm thế nào để phụ nữ có thể tham gia vào các lĩnh vực này với số lượng lớn hơn và theo những cách thức mới mẻ?
- b) Bằng cách nào, trong đời sống thánh hiến, phụ nữ có thể được đại diện tốt hơn trong các tiến trình quản trị và đưa ra quyết định của Giáo hội, được bảo vệ tốt hơn khỏi bị lạm dụng trong mọi bối cảnh Giáo hội, và được trả thù lao công bằng hơn cho công việc của họ, ở những nơi mà điều này phù hợp?
- c) Bằng cách nào phụ nữ có thể đóng góp vào việc quản trị, giúp tăng cường sự tín nhiệm và sự minh bạch nhiều hơn, cũng như giúp củng cố sự tin tưởng vào Giáo hội?
- d) Bằng cách nào chúng ta có thể đào sâu suy tư về sự đóng góp của phụ nữ cho việc suy tư thần học và việc đồng hành với các cộng đoàn? Bằng cách nào chúng ta có thể dành không gian và sự nhìn nhận cho sự đóng góp này trong các tiến trình phân định chính thức ở mọi cấp độ của Giáo hội?
- e) Những tác vụ mới nào có thể được lập ra để cung cấp phương tiện và cơ hội cho phụ nữ tham gia cách hiệu quả vào các bộ phận làm công việc phân định và đưa ra quyết định? Trong các quá trình đưa ra quyết định, bằng cách nào có thể gia tăng tính đồng trách nhiệm giữa các phụ nữ giáo dân và thánh hiến và các giáo sĩ ở những vùng xa xôi và trong những bối cảnh xã hội đầy thách đố, nơi mà phụ nữ thường là những tác nhân chính của việc chăm sóc mục vụ và loan báo Tin Mừng? Những đóng góp nhận được trong giai đoạn đầu tiên lưu ý rằng các căng thẳng với các thừa tác viên chức thánh nảy sinh khi không có động lực cho cảm thức đồng trách nhiệm và không có các tiến trình cùng đưa ra quyết định.
4) Đa số các Đại hội cấp Châu lục và một số bản tổng hợp của các Hội đồng Giám mục kêu gọi xem xét vấn đề bao gồm phụ nữ vào chức phó tế. Có thể hình dung điều này hay không, và theo cách nào?
5) Bằng cách nào những người nam và nữ có thể hợp tác tốt hơn trong sứ vụ mục vụ và thực thi các trách nhiệm liên quan?
B 2.4. Trong một nhãn quan sứ mạng, bằng cách nào chúng ta có thể đề cao tác vụ chức thánh trong mối tương quan của nó với các tác vụ do Phép Rửa?
Các Tài liệu Chung kết của các Đại hội cấp Châu lục bày tỏ mong muốn mạnh mẽ rằng Thượng Hội đồng nên suy tư về mối quan hệ giữa tác vụ chức thánh và các tác vụ do Phép Rửa, có nhấn mạnh sự khó khăn khi làm điều này trong đời sống bình thường của các cộng đoàn. Dưới ánh sáng giáo huấn của Công đồng Vatican II, tiến trình hiệp hành cung cấp cơ hội quý giá để tập trung vào mối quan hệ giữa việc thực thi phẩm giá do Phép Rửa (trong sự phong phú của các ơn gọi, các đặc sủng và các tác vụ cắm rễ trong Phép Rửa) và tác vụ chức thánh, được coi như một ân ban và một nhiệm vụ bất khả nhượng nhằm phục vụ Dân Thiên Chúa. Đặc biệt:
- a) Nối bước Công đồng Vatican II, mối tương quan thiết yếu giữa chức tư tế phổ quát và chức tư tế thừa tác được tái khẳng định. Chúng “liên hệ với nhau” bởi vì mỗi bên “theo cách riêng của mình là sự tham dự vào chức Tư tế duy nhất của Chúa Kitô” (LG 10). Không có sự đối lập hoặc cạnh tranh, cũng không có cơ sở cho yêu sách giữa hai bên. Tính bổ sung của chúng cần được nhìn nhận;
- b) Các Đại hội cấp Châu lục diễn tả sự trân trọng rõ ràng đối với ân ban chức linh mục thừa tác, đồng thời diễn tả ước muốn sâu xa về việc canh tân chức linh mục này trong nhãn quan hiệp hành. Các Đại hội cũng chỉ ra những khó khăn trong việc vận động một số linh mục tham gia tiến trình hiệp hành, và ghi nhận mối quan tâm rộng rãi đối với những trường hợp các linh mục loay hoay đối mặt với các thách đố của thời đại chúng ta, xa rời cuộc sống và nhu cầu của dân chúng hoặc chỉ tập trung vào lãnh vực phụng vụ-bí tích mà thôi. Các Đại hội ấy cũng bày tỏ ưu tư về tình trạng cô đơn của nhiều linh mục và nhấn mạnh các vị cần được chăm sóc, cần tình bạn và sự nâng đỡ;
- c) Công đồng Vatican II dạy rằng “thừa tác vụ trong Giáo hội do Thiên Chúa thiết lập được thi hành ở các cấp độ khác nhau bởi những người từ xa xưa đã được gọi là Giám mục, Linh mục và Phó tế” (LG 28). Từ các Đại hội cấp Châu lục nổi lên yêu cầu rằng tác vụ chức thánh, trong các nhiệm vụ khác nhau, phải là một chứng tá sống động về sự hiệp thông và phục vụ cho tất cả mọi người theo luận lý của tính nhưng không của Tin Mừng. Các Đại hội cũng bày tỏ mong muốn các giám mục, linh mục và phó tế thi hành tác vụ hướng dẫn và hiệp nhất của mình theo phong cách hiệp hành. Điều này bao gồm những thao thức cụ thể muốn nhìn nhận và đẩy mạnh các ân ban và đặc sủng có sẵn trong cộng đoàn, khuyến khích và đồng hành với các tiến trình giúp cộng đoàn đảm nhận sứ mạng, cũng như tìm kiếm các quyết định phù hợp với Tin Mừng, nhờ việc lắng nghe Chúa Thánh Thần. Các Đại hội cũng yêu cầu một sự canh tân các chương trình chủng viện để hướng đến tính hiệp hành nhiều hơn và tiếp xúc nhiều hơn với toàn thể Dân Thiên Chúa;
- d) Khi suy tư về tác vụ chức thánh phục vụ đời sống ơn gọi Phép Rửa, giai đoạn đầu của Thượng Hội đồng trình bày não trạng giáo sĩ trị như một lực gây cô lập, chia rẽ, do đó làm suy yếu và tiêu tan các năng lực của một Giáo hội lành mạnh và có tính tác vụ toàn diện. Điều đó cho thấy rằng việc đào tạo là cách thức chuyên biệt để vượt qua nó một cách hiệu quả. Não trạng giáo sĩ trị không được coi là chỉ có nơi các thừa tác viên chức thánh mà thôi, nhưng nó vẫn có nơi mọi thành phần Dân Thiên Chúa, bằng những cách khác nhau;
- e) Nhiều vùng báo cáo rằng sự tin tưởng đặt nơi các thừa tác viên chức thánh, nơi những người thi hành các nhiệm vụ trong Giáo hội, nơi các tổ chức trong Giáo hội và nơi chính toàn thể Giáo hội, đã bị xói mòn do hậu quả của “tai tiếng về lạm dụng của các thành viên hàng giáo sĩ hoặc của những người nắm giữ chức vụ trong Giáo hội: trước hết, đó là những lạm dụng trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, nhưng cũng có những loại lạm dụng khác nữa (thiêng liêng, tình dục, kinh tế, quyền bính, lương tâm). Đây là một vết thương hở tiếp tục gây đau đớn cho các nạn nhân và những người sống sót, cho gia đình họ và cộng đoàn của họ” (DCS, số 20).
Câu hỏi để phân định
Bằng cách nào trong Giáo hội chúng ta có thể cổ vũ cả một nền văn hóa lẫn các hình thức đồng trách nhiệm cụ thể để mối quan hệ giữa các tác vụ do Phép Rửa và tác vụ chức thánh được đơm hoa kết trái? Nếu Giáo hội có tính tác vụ toàn diện, thì từ nhãn quan sứ mạng chúng ta có thể hiểu thế nào về những ân ban riêng biệt của các thừa tác viên chức thánh trong Dân duy nhất của Thiên Chúa?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Thừa tác vụ của các linh mục, “được thánh hiến để rao giảng Tin Mừng, chăm sóc các tín hữu và cử hành việc phụng tự” (LG 28), liên hệ thế nào đến các tác vụ do Phép Rửa? Bộ ba chức năng của tác vụ chức thánh liên hệ thế nào đến Giáo hội xét như một Dân ngôn sứ, tư tế và vương giả?
2) Trong Giáo hội địa phương, các linh mục cùng với giám mục của mình “làm nên một chức tư tế duy nhất” (LG 28). Bằng cách nào chúng ta có thể giúp củng cố mối hiệp nhất này giữa giám mục và các linh mục của ngài để phục vụ hữu hiệu hơn cho đoàn Dân Thiên Chúa được giao phó cho giám mục coi sóc?
3) Giáo hội được phong phú nhờ tác vụ của rất nhiều linh mục thuộc các Hội dòng Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ. Làm thế nào để tác vụ của họ, được đặc trưng bởi đặc sủng của hội dòng mà họ thuộc về, có thể thúc đẩy một Giáo hội hiệp hành hơn?
4) Thừa tác vụ của phó tế vĩnh viễn được hiểu như thế nào trong một Giáo hội hiệp hành có tính sứ mạng?
5) Những hướng dẫn nào có thể được vận dụng để cải cách chương trình giảng dạy của chủng viện và của các trường cao đẳng và các trường thần học nhằm thúc đẩy đặc tính hiệp hành của Giáo hội? Làm thế nào để việc đào tạo các linh mục có thể gắn bó mật thiết hơn với đời sống và các thực tế mục vụ của đoàn Dân Thiên Chúa mà họ được kêu gọi phục vụ?
6) Những lộ trình đào tạo nào nên được áp dụng trong Giáo hội để thúc đẩy một nhận thức về các tác vụ mà không giảm trừ đến mức chỉ còn là tác vụ chức thánh, nhưng đồng thời cũng nâng cao nó?
7) Liệu chúng ta có thể cùng nhau phân định cách mà một não trạng giáo sĩ trị, dù ở nơi giáo sĩ hay giáo dân, ngăn cản việc thể hiện đầy đủ cả ơn gọi của các tác vụ chức thánh trong Giáo hội lẫn của các thành viên khác của Dân Thiên Chúa? Bằng cách nào chúng ta có thể tìm ra những con đường để vượt qua điều này cùng với nhau?
8) Giáo dân có thể thi hành vai trò lãnh đạo cộng đoàn hay không, nhất là ở những nơi mà con số thừa tác viên chức thánh rất ít? Đâu là những hàm ý của điều này cho việc nhận thức tác vụ chức thánh?
9) Như một số Châu lục đề xuất, liệu có thể mở ra một suy tư liên quan đến kỷ luật về việc tiếp cận chức linh mục đối với những người đàn ông đã kết hôn, ít nhất là ở một số khu vực?
10) Làm thế nào để một sự nhận hiểu về tác vụ chức thánh và về việc đào tạo các ứng viên cắm rễ nhiều hơn trong tầm nhìn về Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng có thể đóng góp vào các nỗ lực ngăn chặn sự tái diễn của nạn lạm dụng tình dục và các hình thức lạm dụng khác?
B 2.5. Bằng cách nào chúng ta có thể canh tân và thúc đẩy tác vụ của giám mục từ một nhãn quan hiệp hành mang tính sứ mạng?
Tác vụ của giám mục bắt nguồn từ Kinh Thánh và đã phát triển trong Truyền thống theo sự trung thành với ý muốn của Chúa Kitô. Trung thành với truyền thống này, Công đồng Vatican II đã đưa ra một giáo huấn phong phú về chức giám mục. “Các giám mục, những người kế vị các Tông đồ, cùng với người kế vị thánh Phêrô, đại diện của Chúa Kitô và là thủ lãnh hữu hình của toàn thể Giáo hội, cai quản nhà của Thiên Chúa hằng sống” (LG 18). Chương về thiết chế phẩm trật của Giáo hội trong Lumen gentium khẳng định tính bí tích của chức giám mục. Trên cơ sở này, bản văn phát triển chủ đề về tính hiệp đoàn (LG 22/23) và tác vụ giám mục như việc thi hành ba chức vụ (tria munera, LG 24-27). Theo đó Thượng Hội đồng Giám mục được thành lập như một cơ quan cho phép các giám mục tham gia với Giám mục Rôma trong việc chăm sóc toàn thể Giáo hội. Lời mời gọi sống chiều kích hiệp hành sâu đậm hơn đòi hỏi phải đào sâu lại tác vụ giám mục, để đặt nó vững chắc hơn trong toàn khung hiệp hành. Đặc biệt:
- a) Giám mục đoàn, cùng với Đức Giáo hoàng Rôma là người đứng đầu và không bao giờ vắng mặt ngài, là chủ thể của “quyền tối cao và đầy đủ trên Giáo hội hoàn vũ” (LG 22). Giám mục đoàn tham gia vào tiến trình Thượng Hội đồng khi mỗi giám mục khởi xướng, hướng dẫn và đúc kết việc thỉnh ý Dân Thiên Chúa được ủy thác cho ngài, và khi các giám mục tập hợp lại thi hành đặc sủng phân định trong các Đại hội khác nhau: Các Công nghị hay Công đồng các vị Lãnh đạo của các Giáo hội Công giáo Đông phương, các Hội đồng Giám mục, các Đại hội cấp Châu lục, và đặc biệt là Đại hội Thượng Hội đồng;
- b) Về các Giám mục, những người kế vị các Tông đồ, những người đảm nhận “việc phục vụ cộng đoàn, thay mặt Thiên Chúa chủ tọa đoàn chiên mà các ngài là mục tử” (LG 20), các Đại hội cấp Châu lục yêu cầu một cuộc hoán cải hiệp hành. Nếu Công đồng Vatican II nhắc lại rằng “nhiệm vụ mà Chúa đã ủy trao cho các mục tử của dân Người là một sự phục vụ thực sự” (LG 24), thì tiến trình Thượng Hội đồng yêu cầu các ngài phải sống một niềm tin tưởng triệt để vào tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống các cộng đoàn của mình, mà không sợ rằng sự tham gia của mọi người trở thành một mối đe dọa đối với tác vụ lãnh đạo cộng đoàn của các ngài. Thay vào đó, nó thúc giục các ngài thực sự trở thành một nguyên lý hiệp nhất trong Giáo hội của mình, kêu gọi mọi người (linh mục và phó tế, những người nam nữ thánh hiến, nam nữ giáo dân) cùng nhau bước đi trong tư cách là Dân Thiên Chúa và cổ vũ một phong cách hiệp hành của Giáo hội.
- c) Việc thỉnh ý Dân Thiên Chúa đã nêu bật rằng việc trở thành một Giáo hội hiệp hành hơn cũng bao hàm sự tham gia rộng rãi hơn của tất cả mọi người vào việc phân định, điều này đòi hỏi phải suy nghĩ lại về các tiến trình đưa ra quyết định. Do đó, cần có các cơ cấu quản trị phù hợp, đáp ứng cho đòi hỏi cao hơn về sự minh bạch và về tính đáng tin cậy, điều sẽ ảnh hưởng đến cách thức thi hành tác vụ của giám mục. Điều này cũng dẫn đến sự phản kháng, sự sợ hãi và cảm giác mất phương hướng. Đặc biệt, trong khi một số tiếng nói kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của mọi tín hữu, và do đó kêu gọi việc thực thi vai trò của các giám mục “ít độc quyền hơn”, thì những người khác lại bày tỏ nghi ngờ và lo sợ về nguy cơ bị trôi dạt nếu buông theo các tiến trình dân chủ chính trị;
- d) Có một nhận thức mạnh mẽ không kém rằng mọi quyền bính trong Giáo hội đều phát xuất từ Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự đa dạng của các đặc sủng mà không có quyền bính thì sẽ trở thành vô chính phủ, cũng như sự cứng nhắc của quyền bính mà không có sự phong phú của các đặc sủng, các tác vụ và các ơn gọi thì sẽ trở thành chế độ độc tài. Giáo hội có tính hiệp hành và đồng thời có tính phẩm trật, đó là lý do tại sao việc thực thi quyền bính giám mục có tính hiệp hành gợi ý rằng phải đồng hành và bảo vệ sự hiệp nhất. Tác vụ giám mục được quan niệm lại và được thực hiện một cách đúng đắn thông qua việc thực thi tính hiệp hành, vốn mang lại sự thống nhất cho các ân ban, đặc sủng, tác vụ và ơn gọi khác nhau mà Chúa Thánh Thần làm phát sinh trong Giáo hội;
- e) Việc tiến hành canh tân tác vụ giám mục trong một Giáo hội hiệp hành cách đầy đủ hơn sẽ đòi hỏi những thay đổi về văn hóa và cấu trúc, đòi hỏi nhiều sự tin tưởng lẫn nhau, và trên hết là tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa. Đây là lý do tại sao các Đại hội cấp Châu lục hy vọng rằng động lực của cuộc thảo luận trong Thánh Thần có thể đi vào đời sống hàng ngày của Giáo hội và làm sinh động các cuộc gặp gỡ, các hội đồng và các cơ quan đưa ra quyết định, hỗ trợ cho việc xây dựng một cảm thức tin tưởng lẫn nhau và hình thành một sự đồng thuận có hiệu quả;
- f) Thừa tác vụ của giám mục cũng bao gồm việc thuộc về giám mục đoàn và do đó thực thi tính đồng trách nhiệm đối với toàn thể Giáo hội. Việc thực thi này cũng là một phần trong nhãn quan về Giáo hội hiệp hành, “trong tinh thần ‘phân quyền lành mạnh'”, nhằm “trao thẩm quyền cho các giám mục, trong khi thi hành ‘nhiệm vụ riêng của các ngài trong tư cách thầy dạy và mục tử, để giải quyết những vấn đề mà các ngài vốn quen thuộc và không ảnh hưởng đến sự thống nhất của Giáo hội về giáo lý, kỷ luật và sự hiệp thông, luôn hành động với tinh thần đồng trách nhiệm vốn là hoa trái và là sự diễn tả củamysterium communionis(mầu nhiệm hiệp thông) đặc biệt, tức là Giáo hội” (PE II,2; x. EG 16; DV 7).
Câu hỏi để phân định
Chúng ta hiểu thế nào về ơn gọi và sứ mạng của giám mục trong một nhãn quan có tính sứ mạng và hiệp hành? Cần sự đổi mới nào về tầm nhìn và về việc thi hành tác vụ giám mục cho một Giáo hội hiệp hành được đặc trưng bởi tinh thần đồng trách nhiệm?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) “Một cách trổi vượt và hữu hình, các giám mục giữ vai trò của chính Chúa Kitô là Thầy, Mục tử và Thượng tế” (LG 21). Tác vụ này có tương quan thế nào với tác vụ của các linh mục, những người “được thánh hiến để rao giảng Tin Mừng, chăm sóc các tín hữu và cử hành việc phụng tự” (LG 28)? Bộ ba chức vụ này của các thừa tác viên chức thánh có mối tương quan thế nào với Giáo hội trong tư cách là một Dân ngôn sứ, tư tế và vương giả?
2) Việc thi hành thừa tác vụ giám mục cần sự tham vấn, sự cộng tác và tham gia vào các tiến trình đưa ra quyết định của Dân Thiên Chúa như thế nào?
3) Dựa trên những tiêu chuẩn nào, một giám mục có thể tự đánh giá mình và được đánh giá về việc thi hành công việc phục vụ theo phong cách hiệp hành?
4) Khi nào thì một giám mục có thể cảm thấy buộc phải đưa ra một quyết định khác với lời khuyên đã được xem xét của các cơ quan tư vấn? Điều gì sẽ là cơ sở cho một quyết định như vậy?
5) Đâu là bản chất của mối tương quan giữa “cảm thức đức tin siêu nhiên” (x. LG 12) và việc phục vụ theo chức năng giáo huấn của giám mục? Bằng cách nào chúng ta có thể hiểu và diễn đạt rõ hơn về mối tương quan giữa Giáo hội hiệp hành và tác vụ của giám mục? Các giám mục nên phân định cùng với hay tách biệt khỏi các thành phần khác của Dân Thiên Chúa? Phải chăng cả hai lựa chọn (cùng nhau và riêng rẽ) đều có chỗ trong một Giáo hội hiệp hành?
6) Bằng cách nào chúng ta có thể bảo đảm sự quan tâm và thế cân bằng của ba chức vụ (thánh hóa, giảng dạy, cai quản) trong đời sống và tác vụ của giám mục? Các mô hình đời sống và tác vụ của giám mục hiện nay giúp giám mục trở thành một người cầu nguyện, một thầy dạy đức tin, một nhà quản trị khôn ngoan và hiệu quả, đồng thời giữ ba vai trò này trong sức căng có tính sứ mạng và đầy sáng tạo ở mức độ nào? Bằng cách nào hồ sơ của giám mục và tiến trình phân định có thể được duyệt lại để xác định các ứng viên theo một nhãn quan hiệp hành?
7) Vai trò của Giám mục Rôma và việc thực thi quyền tối thượng của ngài nên phát triển như thế nào trong một Giáo hội hiệp hành?
Các phiếu làm việc cho B 3. Tham gia, quản trị và quyền bính
Những tiến trình, cấu trúc và cơ chế nào được cần đến trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?
B 3.1. Bằng cách nào chúng ta có thể đổi mới việc phục vụ của quyền bính và việc thực thi trách nhiệm trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?
Một Giáo hội hiệp hành được kêu gọi giữ gìn cả quyền của mọi người tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội do Bí tích Phép Rửa, lẫn việc phục vụ của quyền bính và việc thực thi trách nhiệm được giao phó cho một số người. Hành trình hiệp hành là một cơ hội để phân định những cách thức mà điều này có thể được thực hiện cách phù hợp với thời đại của chúng ta. Giai đoạn đầu tiên cho phép thu thập một số ý tưởng giúp cho việc suy tư này:
- a) quyền bính, trách nhiệm và các vai trò quản trị – đôi khi được cô đọng trong từ ‘leadership’ (lãnh đạo) của tiếng Anh – có nhiều hình thức khác nhau trong Giáo hội. Quyền bính trong đời sống thánh hiến, trong các phong trào và các hiệp hội, trong các tổ chức liên quan đến Giáo hội (như đại học, các cơ sở, trường học, v.v.) khác với quyền rút ra từ Bí tích Truyền Chức; thẩm quyền thiêng liêng được nối kết với một đặc sủng thì khác với thẩm quyền được nối kết với việc phục vụ có tính tác vụ. Sự khác biệt giữa các hình thức này phải được bảo vệ, mà không quên rằng tất cả chúng đều có điểm chung là một việc phục vụ trong Giáo hội;
- b) đặc biệt, tất cả đều chia sẻ ơn gọi nên đồng hình đồng dạng theo gương của Chúa, Đấng đã nói về chính mình: “Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27). “Đối với các môn đệ Chúa Giêsu, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, quyền bính duy nhất là quyền bính để phục vụ”.[16]Đó là những yếu tố tích hợp nền tảng để phát triển trong việc thực thi quyền bính và trách nhiệm, trong mọi hình thức của chúng và ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội. Đó là tầm nhìn về cuộc hoán cải sứ mạng “nhắm canh tân Giáo hội như một tấm gương phản chiếu sứ mạng yêu thương của chính Chúa Kitô” (PE I, 2).
- c) theo chiều hướng này, các tài liệu của giai đoạn đầu tiên diễn tả một số đặc điểm của việc thực thi quyền bính và trách nhiệm trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng: một thái độ phục vụ chứ không phải quyền lực hay kiểm soát; sự minh bạch, sự khích lệ và sự triển nở của con người; khả năng và năng lực về tầm nhìn, sự phân định, sự bao gồm, hợp tác và ủy nhiệm. Trên hết, khả năng và sự sẵn sàng lắng nghe được nhấn mạnh. Đây là lý do tại sao có sự nhất quán về nhu cầu phải có sự đào tạo chuyên biệt về những kỹ năng và năng lực này cho những người ở vị trí có trách nhiệm và quyền bính, cũng như về các qui trình tuyển chọn có sự tham gia nhiều hơn, nhất là liên quan đến việc tuyển chọn các giám mục.
- d) một cách tiếp cận minh bạch và đáng tin cậy sẽ là nền tảng cho việc thực thi quyền bính và trách nhiệm đích thực theo Tin Mừng. Tuy nhiên, nó cũng khơi dậy những nỗi sợ hãi và sự phản kháng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải trình bày, với một thái độ phân định, những khám phá gần đây nhất của khoa học quản lý và lãnh đạo. Hơn nữa, việc thảo luận trong Chúa Thánh Thần được coi là một cách xúc tiến việc ra quyết định và xây dựng sự đồng thuận, nhờ đó xây dựng sự tin tưởng và thúc đẩy việc thực thi quyền bính phù hợp với một Giáo hội hiệp hành.
- e) Các Đại hội cấp Châu lục cũng chỉ ra những kinh nghiệm trong đó quyền lực và các tiến trình đưa ra quyết định đã bị chiếm đoạt bởi một số người ở các vị trí có thẩm quyền và trách nhiệm. Các Đại hội ấy nối kết những kinh nghiệm này với nền văn hóa giáo sĩ trị và các hình thức lạm dụng khác nhau (tình dục, tài chính, tâm linh, và quyền lực), vốn làm xói mòn uy tín của Giáo hội và làm tổn hại đến hiệu quả sứ mạng của Giáo hội, nhất là trong những nền văn hóa mà sự tôn trọng quyền bính được đánh giá cao.
Câu hỏi để phân định
Quyền bính và trách nhiệm có thể được hiểu và thực thi thế nào để phục vụ cho sự tham gia của toàn thể Dân Thiên Chúa? Cần sự đổi mới nào về tầm nhìn, và về các hình thức thực thi cụ thể quyền bính, trách nhiệm và sự quản trị, để phát triển trong tư cách một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Giáo huấn của Công đồng Vatican II về sự tham gia của mọi người vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội có được đưa vào trong ý thức và thực hành của các Giáo hội địa phương một cách hiệu quả hay không, nhất là bởi các mục tử và những người thi hành các chức năng có trách nhiệm? Điều gì có thể thúc đẩy một nhận thức và sự trân trọng sâu xa hơn đối với giáo huấn này, trong việc chu toàn sứ mạng của Giáo hội?
2) Trong Giáo hội có những vai trò nắm quyền bính và trách nhiệm mà không gắn với Bí Tích Truyền Chức, được thi hành để phục vụ cho sự hiệp thông và sứ mạng trong các Hội dòng Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, trong các hiệp hội và các phong trào giáo dân, trong các phong trào Giáo hội và các cộng đoàn mới, v.v. Bằng cách nào để những dạng quyền bính này được cổ vũ cách thích hợp và bằng cách nào chúng có thể được thực thi trong mối tương quan với thẩm quyền thuộc tác vụ của các mục tử trong một Giáo hội hiệp hành?
3) Đâu là những yếu tố cần thiết trong việc đào tạo những người lãnh đạo Giáo hội về việc thực thi quyền bính? Làm thế nào để có thể khuyến khích việc đào tạo theo phương pháp trao đổi đầy hiểu biết và chân thực trong Thánh Thần?
4) Các chủng viện và các cơ sở đào tạo có thể được cải cách như thế nào để đào tạo các ứng viên cho tác vụ chức thánh, là những người sẽ phát triển một cách thức thực thi quyền bính phù hợp với một Giáo hội hiệp hành? Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis và các tài liệu liên quan nên được xem xét lại ở cấp quốc gia như thế nào? Chương trình giảng dạy trong các trường thần học nên được định hướng lại như thế nào?
5) Những hình thức giáo sĩ trị nào vẫn tồn tại dai dẳng trong cộng đoàn Kitô hữu? Một cảm nhận về khoảng cách giữa tín hữu giáo dân và các mục tử của họ vẫn còn đó: điều gì có thể giúp vượt qua khoảng cách này? Những hình thức thực thi quyền bính và trách nhiệm nào nên được thay thế, vì chúng không phù hợp với một Giáo hội hiệp hành được thiết chế đúng cách?
6) Sự thiếu hụt linh mục ở một số vùng tạo ra sự thúc đẩy đến mức nào để dẫn tới việc chất vấn về mối tương quan giữa tác vụ chức thánh, việc quản trị và việc đảm nhận các trách nhiệm trong cộng đoàn Kitô hữu?
7) Chúng ta có thể học được gì về việc thực thi quyền bính và trách nhiệm của các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác?
8) Ở mọi thời đại, việc thực thi quyền bính và trách nhiệm trong Giáo hội đều bị ảnh hưởng bởi các mẫu thức quản lý thịnh hành và bởi cảm nhận về quyền lực trong xã hội. Bằng cách nào chúng ta có thể ý thức được điều này và thực hiện một sự phân định theo Tin Mừng về những thực hành phổ biến trong việc thực thi quyền bính, trong Giáo hội cũng như trong xã hội?
B 3.2. Bằng cách nào chúng ta có thể phát triển những thực hành phân định và những tiến trình đưa ra quyết định theo một cách thức đích thực có tính hiệp hành, luôn tôn trọng vai trò tác nhân chủ yếu của Chúa Thánh Thần?
Trong tư cách một Giáo hội hiệp hành, chúng ta được kêu gọi cùng nhau phân định các bước chúng ta nên thực hiện để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng, nhấn mạnh quyền của mọi người được tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội, và cho thấy sự đóng góp không thể thay thế của tất cả những người đã nhận Phép Rửa. Nền tảng của mọi sự phân định là ước muốn làm theo thánh ý của Chúa và lớn lên trong sự gần gũi với Ngài qua cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa và tham gia vào đời sống bí tích, nhờ đó chúng ta có thể lựa chọn như Chúa muốn. Về vị trí của việc phân định trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng:
- a) Các Đại hội cấp Châu lục bày tỏ mong muốn các tiến trình cùng nhau đưa ra quyết định có khả năng hội nhập sự đóng góp của toàn thể Dân Thiên Chúa, đặc biệt những người có chuyên môn liên quan, cũng như bao gồm những người vì nhiều lý do khác nhau vẫn còn ở bên lề đời sống cộng đoàn, chẳng hạn phụ nữ, giới trẻ, các nhóm thiểu số, người nghèo và những người bị loại trừ. Mong muốn này thường được diễn tả cùng với sự không hài lòng với các hình thức thực thi quyền bính trong đó các quyết định được đưa ra mà chẳng cần có sự tham vấn;
- b) Các Đại hội cấp Châu lục cũng ghi nhận những nỗi sợ hãi của những người nhìn thấy một sự cạnh tranh giữa các chiều kích hiệp hành và phẩm trật, vốn đều là những yếu tố cấu thành nên Giáo hội. Tuy nhiên, các dấu hiệu ngược lại cũng đang xuất hiện. Một ví dụ, kinh nghiệm của một thẩm quyền thích đáng đưa ra một quyết định trong một tiến trình hiệp hành đã làm cho cộng đoàn sẵn sàng hơn để chấp nhận tính hợp pháp của nó. Ví dụ thứ hai là ý thức ngày càng tăng rằng việc thiếu sự trao đổi lành mạnh trong cộng đoàn sẽ làm suy yếu vai trò của quyền bính, đôi khi giảm trừ nó đến mức chỉ còn là một sự khẳng định quyền lực. Ví dụ thứ ba, tại một vùng có số lượng linh mục rất thấp, các trách nhiệm trong Giáo hội đã được giao phó cho các tín hữu giáo dân, họ thi hành chúng một cách xây dựng và không có tính đối kháng.
- c) việc áp dụng rộng rãi phương pháp trao đổi trong Thánh Thần trong giai đoạn thỉnh ý đã cho phép nhiều người kinh nghiệm các yếu tố của việc phân định trong cộng đoàn và việc tham gia xây dựng sự đồng thuận, theo cách không che giấu những xung đột, cũng không tạo ra những sự phân cực;
- d) những người thi hành các nhiệm vụ quản trị và trách nhiệm được kêu gọi khởi xướng, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành với các tiến trình phân định trong cộng đoàn, bao gồm việc lắng nghe Dân Thiên Chúa. Cách riêng, thẩm quyền của giám mục có một vai trò nền tảng trong việc làm sinh động và chứng thực đặc tính hiệp hành của các tiến trình này, cũng như trong việc xác nhận tính trung thực của các kết luận xuất hiện trong tiến trình. Đặc biệt, các vị mục tử có trách nhiệm chứng thực mối tương quan giữa những cảm hứng của các cộng đoàn của mình và “kho tàng Lời Chúa thánh thiêng được trao phó cho Giáo hội” (DV 10), một mối tương quan cho phép coi những cảm hứng ấy như một sự diễn tả chân thực cảm thức đức tin của Dân Thiên Chúa;
- e) việc chấp nhận nhãn quan về sự phân định trong cộng đoàn sẽ thách thức Giáo hội ở mọi cấp độ và trong mọi hình thức tổ chức của nó. Ngoài các cơ cấu giáo xứ và giáo phận, điều này cũng liên quan đến các tiến trình đưa ra quyết định của các hiệp hội, các phong trào và các nhóm do giáo dân lãnh đạo, trong đó người ta nại đến các cơ chế có tính thiết chế thường liên quan đến các thực hành như bỏ phiếu. Nó chất vấn về cách thức mà các cơ quan đưa ra quyết định của các tổ chức liên quan đến Giáo hội (như các trường học, đại học, tổ chức, bệnh viện, các trung tâm tiếp nhận và hành động xã hội, v.v.) nhận diện và vạch ra các hướng dẫn hoạt động. Cuối cùng, nó thách thức các Hội dòng Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ về những cách nối kết các đặc nét của đặc sủng với hiến pháp của mình (x. DCS 81);
- f) Việc áp dụng các tiến trình đưa ra quyết định trong đó sự phân định trong cộng đoàn được sử dụng cách ổn định sẽ đòi hỏi một sự hoán cải của cá nhân, tập thể, về văn hóa và về thể chế, cũng như đòi hỏi một sự đầu tư vào việc đào tạo.
Câu hỏi để phân định
Chúng ta có thể hình dung thế nào về các quá trình đưa ra quyết định với nhiều sự tham gia hơn, dành chỗ cho sự lắng nghe và sự phân định trong cộng đoàn được hỗ trợ bởi quyền bính được hiểu như là sự phục vụ cho hiệp nhất?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Chúng ta dành chỗ nào trong các quá trình đưa ra quyết định để lắng nghe Lời Chúa? Bằng cách nào chúng ta dành chỗ cho tác nhân chính là Chúa Thánh Thần, một cách cụ thể chứ không chỉ bằng lời lẽ?
2) Làm thế nào để cuộc trao đổi trong Chúa Thánh Thần, là điều mở ra động lực phân định trong cộng đoàn, có thể đóng góp vào việc đổi mới các tiến trình đưa ra quyết định trong Giáo hội? Làm thế nào nó có thể được qui hướng nhiều hơn vào đời sống chính thức của Giáo hội, và do đó trở thành một thực hành thông thường? Cần những thay đổi nào trong giáo luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này?
3) Bằng cách nào chúng ta có thể cổ vũ tác vụ của người điều hợp các tiến trình phân định trong cộng đoàn, bảo đảm rằng những người thi hành nhiệm vụ này nhận được sự huấn luyện và sự đồng hành thích đáng? Bằng cách nào chúng ta có thể đào tạo các thừa tác viên chức thánh để đồng hành với các tiến trình phân định trong cộng đoàn?
4) Bằng cách nào chúng ta có thể thúc đẩy phụ nữ, giới trẻ, các nhóm thiểu số và những tiếng nói bị gạt ra bên lề tham gia vào các tiến trình phân định và đưa ra quyết định?
5) Làm thế nào để một giải thích rõ ràng hơn về mối tương quan giữa toàn bộ tiến trình đưa ra quyết định và thời điểm cụ thể của việc quyết định có thể giúp chúng ta xác định rõ hơn các trách nhiệm của các chủ thể khác nhau ở mỗi giai đoạn? Chúng ta hiểu thế nào về mối tương quan giữa việc quyết định và việc phân định nói chung?
6) những người nam nữ thánh hiến có thể và phải tham gia như thế nào vào các tiến trình đưa ra quyết định của các Giáo hội địa phương? Chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm của họ và các linh đạo khác nhau của họ liên quan đến các tiến trình phân định và đưa ra quyết định? Chúng ta có thể học được gì từ các hiệp hội, phong trào và các nhóm do giáo dân lãnh đạo?
7) Bằng cách nào chúng ta có thể giải quyết một cách xây dựng các trường hợp trong đó những người có thẩm quyền cảm thấy họ không thể xác nhận các kết luận đạt được bởi một quá trình phân định của cộng đoàn, và họ đưa ra quyết định theo một hướng khác? Thẩm quyền đó phải cung cấp loại đền đáp nào cho những người đã tham gia vào tiến trình này?
8) Chúng ta có thể học được gì từ cách mà các xã hội và các nền văn hóa của chúng ta quản lý những tiến trình có sự tham gia? Ngược lại, những mô hình văn hóa nào, được Giáo hội vận dụng, lại chứng tỏ là một trở ngại cho việc xây dựng một Giáo hội có tính hiệp hành hơn?
9) Chúng ta có thể học và nhận được gì từ kinh nghiệm của các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác, và từ kinh nghiệm của các tôn giáo khác? Những kích ứng nào từ các nền văn hóa bản địa, thiểu số và bị áp bức có thể giúp chúng ta suy nghĩ lại về các tiến trình đưa ra quyết định của mình? Những hiểu biết nào có thể thu được từ các kinh nghiệm trong môi trường kỹ thuật số?
B 3.3. Những cơ cấu nào có thể được phát triển để củng cố một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?
Các Đại hội cấp Châu lục bày tỏ mong muốn mạnh mẽ rằng cách thức xúc tiến Thượng Hội đồng, được kinh nghiệm trong hành trình đang diễn ra, nên thâm nhập vào đời sống hàng ngày của Giáo hội ở mọi cấp độ, hoặc bằng cách đổi mới các cơ cấu hiện có – như các Hội đồng Mục vụ giáo phận và giáo xứ, các Hội đồng Kinh tế, các Công nghị cấp giáo phận – hoặc bằng cách thiết lập các cơ cấu mới. Mặc dù không có ý làm giảm tầm quan trọng của các mối tương quan được canh tân trong Dân Thiên Chúa, nhưng việc xây dựng các cơ cấu là điều tất yếu để củng cố những thay đổi theo thời gian. Đặc biệt:
- a) để không dừng lại chỉ ở một bài tập trên giấy tờ hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của các cá nhân, tính đồng trách nhiệm trong sứ mạng do Phép Rửa phải mang những dạng cấu trúc cụ thể. Do đó, cần có các khung thiết chế thích hợp, cùng với các không gian trong đó sự phân định trong cộng đoàn có thể được thực hành một cách thường xuyên. Điều này không nên được hiểu như một đòi hỏi về việc phân phối lại quyền lực, nhưng là nhu cầu thực thi hiệu quả tính đồng trách nhiệm do Phép Rửa. Chính Phép Rửa trao quyền và bổn phận cho mỗi người, mà mỗi người phải có khả năng thi hành theo các đặc sủng và tác vụ của mình;
- b) điều này yêu cầu các cơ cấu và các thể chế hoạt động với các thủ tục thích hợp, có tính minh bạch, qui hướng vào sứ mạng, và mở ra cho sự tham gia; các thủ tục có dành chỗ cho phụ nữ, giới trẻ, các nhóm thiểu số, người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề. Điều này đúng với các cơ quan có tính tham gia như đã đề cập, vai trò của mỗi cơ quan này phải được tái khẳng định và củng cố. Điều này cũng đúng đối với các cơ quan đưa ra quyết định của các hiệp hội, phong trào và các cộng đoàn mới; các cơ quan quản trị của các Hội dòng Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ (theo cách thức phù hợp với đặc sủng riêng); nhiều tổ chức đa dạng, thường cũng thuộc luật dân sự, qua đó hoạt động sứ mạng và sự phục vụ cộng đoàn Kitô hữu được thể hiện, chẳng hạn như các trường học, bệnh viện, đại học, phương tiện truyền thông đại chúng, các trung tâm tiếp nhận và hành động xã hội, các trung tâm văn hóa, các cơ sở, v.v.;
- c) Lời kêu gọi cải cách các cơ cấu, các tổ chức và cơ chế hoạt động nhằm đạt được tính minh bạch thì đặc biệt mạnh mẽ trong những bối cảnh được đánh dấu rõ nhất bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng (tình dục, kinh tế, tâm linh, tâm lý, cơ chế, lương tâm, quyền lực, quyền tài phán). Việc xử lý không thỏa đáng các trường hợp lạm dụng thường là một phần của vấn đề, đặt ra câu hỏi về các cơ chế, thủ tục và hoạt động tổng thể của các cơ cấu và các tổ chức Giáo hội, cũng như tâm thức của những người làm việc trong đó. Việc tìm kiếm sự minh bạch và đồng trách nhiệm cũng dấy lên những nỗi sợ hãi và phản kháng; chính vì vậy cần phải đào sâu việc đối thoại, tạo cơ hội chia sẻ và đối thoại ở tất cả các cấp;
- d) phương pháp đối thoại trong Chúa Thánh Thần đã chứng tỏ là có giá trị đặc biệt để xây dựng lại sự tin tưởng trong những bối cảnh mà vì nhiều lý do khác nhau, một bầu khí ngờ vực đã phát triển giữa các thành viên khác nhau của Dân Thiên Chúa. Một hành trình hoán cải và canh tân, lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, sẽ đòi hỏi những cơ cấu và thể chế có khả năng đồng hành và hỗ trợ hành trình này. Tuy nhiên, đồng thời, các Đại hội cấp Châu lục bày tỏ mạnh mẽ niềm xác tín rằng chỉ các cơ cấu thôi thì chưa đủ, mà còn cần phải thay đổi tư duy, do đó cần phải đầu tư vào việc đào tạo;
- e) Hơn nữa, dường như cũng nên hành động trong lĩnh vực giáo luật bằng cách: cân bằng lại mối tương quan giữa nguyên tắc thẩm quyền, vốn được khẳng định mạnh mẽ trong luật hiện hành, và nguyên tắc tham gia; tăng cường định hướng hiệp hành của các tổ chức hiện có; lập ra các tổ chức mới, ở nơi mà điều này xem ra cần thiết cho các nhu cầu của đời sống cộng đoàn; giám sát việc vận dụng hiệu quả pháp luật hiện hành.
Câu hỏi để phân định
Một Giáo hội hiệp hành cần sống tinh thần đồng trách nhiệm và tính minh bạch: làm thế nào nhận thức này có thể hình thành nền tảng cho việc cải cách các thể chế, các cơ cấu và thủ tục, để củng cố sự thay đổi theo thời gian?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Các cơ cấu giáo luật và các thủ tục mục vụ nên thay đổi như thế nào để thúc đẩy tinh thần đồng trách nhiệm và tính minh bạch? Các cơ cấu của chúng ta có thích hợp để bảo đảm sự tham gia, hay chúng ta cần những cơ cấu mới?
2) Giáo luật có thể đóng góp như thế nào vào việc đổi mới các cơ cấu và các định chế? Những thay đổi nào xem ra cần thiết hoặc phù hợp?
3) Những cản trở nào (não trạng, thần học, thực tiễn, tổ chức, tài chính, văn hóa) ngăn chặn việc chuyển đổi các cơ quan có tính tham gia được Giáo luật hiện hành qui định thành các cơ quan đảm trách hữu hiệu việc phân định trong cộng đoàn? Những cải cách nào là cần thiết để các cơ quan ấy có thể hỗ trợ cho sứ mạng một cách hiệu quả, sáng tạo và sinh động? Bằng cách nào các cơ quan ấy có thể cởi mở hơn với sự hiện diện và đóng góp của phụ nữ, giới trẻ, người nghèo, người di cư, thành viên của các nhóm thiểu số và những người vì nhiều lý do khác nhau cảm thấy mình ở bên lề đời sống cộng đoàn?
4) Nhãn quan về một Giáo hội hiệp hành thách thức thế nào đối với các cơ cấu và qui trình của đời sống thánh hiến, các dạng khác nhau của hiệp hội giáo dân, và hoạt động của các tổ chức liên quan đến Giáo hội?
5) Trong những lĩnh vực nào của đời sống thể chế cần có sự minh bạch hơn (báo cáo kinh tế và tài chính, sự lựa chọn ứng viên cho các vị trí chịu trách nhiệm, sự bổ nhiệm, v.v.)? Những công cụ nào chúng ta có thể sử dụng để đạt được điều này?
6) Triển vọng minh bạch và cởi mở đối với các tiến trình tham vấn và phân định chung cũng làm dấy lên những lo ngại. Những lo ngại ấy bộc lộ thế nào? Những người bày tỏ mối quan tâm lo ngại điều gì? Những lo ngại này có thể được giải quyết và vượt qua như thế nào?
7) Có thể phân biệt tới mức độ nào giữa các thành viên của một tổ chức với chính tổ chức đó? Trách nhiệm về việc xử lý không đúng các trường hợp lạm dụng là trách nhiệm của cá nhân hay của hệ thống? Bằng cách nào một nhãn quan hiệp hành có thể góp phần tạo ra một nền văn hóa ngăn chặn mọi hình thức lạm dụng?
8) Chúng ta có thể học được gì từ cách mà các cơ chế công và công pháp cũng như luật dân sự cố gắng đáp ứng nhu cầu về sự minh bạch và sự tin cậy trong xã hội (sự chia tách quyền lực, các cơ quan giám sát độc lập, bổn phận công khai một số qui trình nhất định, giới hạn về thời gian của nhiệm kỳ, v.v.)?
9) Chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm của các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác liên quan đến hoạt động của các cơ cấu và các thiết chế theo phong cách hiệp hành?
B 3.4. Bằng cách nào chúng ta có thể tạo nên cơ cấu cho những điển hình về tính hiệp hành và tính hiệp đoàn liên quan đến các nhóm Giáo hội địa phương?
Giai đoạn đầu tiên của tiến trình Thượng Hội đồng đã nêu bật vai trò của các cơ quan mang tính hiệp hành và hiệp đoàn đã điều phối các Giáo hội địa phương khác nhau: các Cơ cấu Giáo phẩm Đông phương và các Hội đồng Giám mục trong Giáo hội La tinh (x. PE I, 7). Các tài liệu được soạn thảo trong các giai đoạn khác nhau nhấn mạnh cách mà việc thỉnh ý Dân Thiên Chúa tại các Giáo hội địa phương và các giai đoạn phân định tiếp theo là một kinh nghiệm thực sự của việc lắng nghe Thánh Thần xuyên qua việc lắng nghe nhau. Từ kinh nghiệm phong phú này, chúng ta có thể rút ra những nhận thức để giúp xây dựng một Giáo hội ngày càng có tính hiệp hành hơn:
- a) tiến trình hiệp hành có thể trở thành “một động lực hiệp thông truyền cảm hứng cho mọi quyết định của Giáo hội”[17]bởi vì nó thực sự liên quan đến tất cả các chủ thể – Dân Thiên Chúa, giám mục đoàn, Giám mục Rôma – mỗi thành phần theo chức năng riêng của mình. Việc diễn ra có trật tự các giai đoạn của Thượng Hội đồng này đã xua tan nỗi sợ rằng việc thỉnh ý Dân Thiên Chúa sẽ dẫn đến sự suy yếu trong tác vụ của các mục tử. Ngược lại, việc thỉnh ý ấy có thể thực hiện được vì nó được khởi xướng bởi mỗi giám mục, trong tư cách là “nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất” (LG 23) trong Giáo hội của mình. Tiếp theo đó, trong các Cơ cấu Giáo phẩm Đông phương và trong các Hội đồng Giám mục, các mục tử đã xúc tiến một hành động phân định tập thể để cân nhắc những đóng góp đến từ các Giáo hội địa phương. Như vậy, tiến trình hiệp hành đã thúc đẩy việc thực thi thực sự tính hiệp đoàn giám mục trong một Giáo hội hiệp hành trọn vẹn;
- b) vấn đề thực thi tính hiệp hành và tính hiệp đoàn trong các trường hợp liên quan đến các nhóm Giáo hội địa phương có chung các truyền thống thiêng liêng, phụng vụ và kỷ luật, có sự kết nối về địa lý và sự gần gũi về văn hóa, bắt đầu với các Hội đồng Giám mục, đòi hỏi phải canh tân suy tư về thần học và giáo luật. Qua các cơ quan này, “sự hiệp thông giám mục đoàn (communio Episcoporum)đã tìm thấy cách thể hiện để phục vụ cho sự hiệp thông Giáo hội(communio Ecclesiae) được đặt nền trên sự hiệp thông của các tín hữu (communio fidelium)” (PE I,7).
- c) một lý do để đối diện với thách thức này xuất hiện trongEvangelii gaudium: “Không nên để Đức Giáo hoàng thay thế các giám mục địa phương trong việc phân định mọi vấn đề phát sinh trong lãnh thổ của các vị. Theo nghĩa này, tôi ý thức được sự cần thiết phải thúc đẩy một sự ‘tản quyền’ hợp lý” (số 16). Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Thánh Cha đã chỉ rõ rằng tính hiệp hành không chỉ được thực hiện ở cấp độ các Giáo hội địa phương và cấp độ Giáo hội hoàn vũ, mà còn ở cấp độ các nhóm Giáo hội nữa, như các Giáo Tỉnh và các Giáo khu, các Công đồng địa phương và nhất là các Hội đồng Giám mục: “Chúng ta cần suy nghĩ về cách nào tốt hơn để thông qua các cơ quan này, mang lại những điển hình trung gian của tính hiệp đoàn, có lẽ bằng cách hội nhập và cập nhật một số khía cạnh của tổ chức Giáo hội cổ thời”.[18]
Câu hỏi để phân định
Theo kinh nghiệm hiệp hành cho đến nay, làm thế nào để tính hiệp hành có thể tìm thấy sự diễn tả tốt hơn trong và thông qua các thể chế liên quan đến các nhóm Giáo hội địa phương, như các Thượng Hội đồng Giám mục và các Hội đồng Phẩm trật của các Giáo hội Công giáo Đông phương, các Hội đồng Giám mục và các Đại hội cấp Châu lục, sao cho các thể chế này được coi là “những chủ thể của các quy kết cụ thể, bao gồm cả thẩm quyền giáo lý chân thực” (EG 32) trong một nhãn quan sứ mạng?
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Năng động hiệp hành của việc lắng nghe Chúa Thánh Thần xuyên qua việc lắng nghe nhau là cách thực tiễn và thuyết phục nhất để chuyển tính hiệp đoàn giám mục thành hành động trong một Giáo hội hiệp hành trọn vẹn. Dựa trên kinh nghiệm của tiến trình hiệp hành:
- a) Bằng cách nào chúng ta có thể làm cho việc lắng nghe Dân Thiên Chúa trở thành cách thức thông thường và quen thuộc để xúc tiến các tiến trình đưa ra quyết định trong mọi cấp độ của đời sống Giáo hội?
- b) Bằng cách nào chúng ta có thể thực hiện việc lắng nghe Dân Thiên Chúa trong các Giáo hội địa phương? Đặc biệt, làm thế nào các cơ quan có tính tham gia có thể được củng cố để trở thành những nơi chốn lắng nghe và phân định có hiệu quả trong Giáo hội?
- c) Bằng cách nào chúng ta có thể suy nghĩ lại về các tiến trình đưa ra quyết định ở cấp độ các cơ quan Giám mục của các Giáo hội Công giáo Đông phương và các Hội đồng Giám mục, dựa trên việc lắng nghe Dân Thiên Chúa trong các Giáo hội địa phương?
- d) Làm thế nào để việc tham gia ở cấp Châu lục có thể được hội nhập vào Giáo luật?
2) Vì việc thỉnh ý các Giáo hội địa phương là một cách hữu hiệu để lắng nghe Dân Thiên Chúa, nên việc phân định của các mục tử mang đặc tính của một hành động hiệp đoàn có thể xác nhận một cách có thẩm quyền những gì Chúa Thánh Thần đã nói với Giáo hội qua cảm thức đức tin của Dân Thiên Chúa:
- a) Mức độ thẩm quyền tín lý nào có thể được gán cho việc phân định của các Hội đồng Giám mục? Bằng cách nào các Giáo hội Công giáo Đông phương điều chỉnh các cơ quan giám mục của mình?
- b) Mức độ thẩm quyền giáo lý nào có thể được gán cho sự phân định của một Đại hội cấp Châu lục? Hoặc của những cơ quan tập hợp các Hội đồng Giám mục trên quy mô lục địa hoặc quốc tế?
- c) Giám mục Rôma chu toàn vai trò nào đối với các tiến trình liên quan đến các nhóm Giáo hội này? Ngài thực hiện vai trò này bằng những cách nào?
3) Những yếu tố nào của trật tự Giáo hội cổ thời nên được hội nhập và cập nhật để làm cho các Cơ cấu Giáo phẩm Đông phương, các Hội đồng Giám mục và các Đại hội cấp Châu lục trở thành những điển hình hiệu quả của tính hiệp hành và tính hiệp đoàn?
4) Công đồng Vatican II tuyên bố rằng toàn thể Giáo hội và mọi thành phần của Giáo hội đều được hưởng lợi ích từ việc chia sẻ cho nhau những ân ban của mình (x. LG 13):
- a) Những quyết nghị của một Công đồng chung, một Công đồng địa phương, một Công nghị giáo phận có giá trị thế nào đối với các Giáo hội khác?
- b) Giáo hội La tinh có thể rút ra những hiểu biết nào từ kinh nghiệm hiệp hành phong phú của các Giáo hội Công giáo Đông phương?
- c) Sự nhất trí tới mức nào của một số nhóm Giáo hội địa phương (các Công đồng địa phương, các Hội đồng Giám mục, v.v.) về cùng một vấn đề có thể khiến Giám mục Rôma nêu ra vấn đề đó ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ?
- d) Việc phục vụ cho sự hiệp nhất được ủy thác cho Giám mục Rôma phải được thực hiện như thế nào khi các thể chế địa phương có thể áp dụng các cách thức khác nhau? Có khoảng trống nào dành cho những cách tiếp cận khác nhau giữa các vùng khác nhau hay không?
5) Chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm của các Giáo hội và các Cộng đoàn Giáo hội khác liên quan đến các nhóm Giáo hội địa phương để thực thi tính hiệp đoàn và tính hiệp hành?
B 3.5. Bằng cách nào thiết chế Thượng Hội đồng có thể được củng cố để trở thành một diễn tả của tính hiệp đoàn giám mục trong một Giáo hội hiệp hành toàn diện?
Với Tự sắc Apostolica sollicitudo (15 tháng 9 năm 1965), thánh Phaolô VI đã thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục như là “một Hội đồng Giám mục thường trực cho Giáo hội hoàn vũ”. Do đó, ngài đã chấp nhận yêu cầu của Công đồng để bảo đảm sự tham gia của các giám mục trong việc chăm sóc toàn thể Giáo hội, xác định rõ rằng “Thượng Hội đồng này […] giống như mọi thể chế của con người, có thể được cải thiện theo thời gian”. Với Tông hiến Episcopalis communio (15 tháng 9 năm 2018), Đức Thánh Cha Phanxicô đã góp phần vào việc “hoàn thiện” được kỳ vọng này, biến Thượng Hội đồng từ một sự kiện được thấy như một cuộc họp của các Giám mục thành một tiến trình lắng nghe diễn ra trong nhiều giai đoạn (x. Điều 4), trong đó toàn thể Giáo hội và mọi người trong Giáo hội – Dân Thiên Chúa, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma – tham gia cách đầy đủ hơn.
- a) Thượng Hội đồng 2021-2024 đang chứng minh rõ ràng rằng tiến trình Thượng Hội đồng là bối cảnh thích hợp nhất để thi hành cách đầy đủ quyền tối thượng, tính hiệp đoàn và tính hiệp hành như những yếu tố không thể khoan nhượng của một Giáo hội trong đó mỗi chủ thể thực hiện chức năng riêng của mình cách tốt nhất, và trong sự phối hợp với những chủ thể khác;
- b) Giám mục Rôma có trách nhiệm triệu tập Giáo hội tham gia Thượng Hội đồng, kêu gọi một Đại hội cho Giáo hội hoàn vũ, cũng như khởi xướng, đồng hành và đúc kết tiến trình Thượng Hội đồng ấy. Đặc quyền này thuộc về ngài trong tư cách là “nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất giữa các giám mục và đông đảo các tín hữu” (LG 23);
- c) Vì “mỗi giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong các Giáo hội địa phương của các ngài… trong và từ các Giáo hội địa phương này tồn tại một Giáo hội Công giáo duy nhất” (LG 23), nên chính mỗi giám mục giáo phận có trách nhiệm khởi xướng, đồng hành và đúc kết việc thỉnh ý Dân Thiên Chúa trong Giáo hội của mình. Dưới ánh sáng của sự chăm sóc mà các Giám mục dành cho Giáo hội hoàn vũ (xem LG 23), các ngài cũng có trách nhiệm cộng tác với các cơ quan cấp trên giáo phận nhằm thực hiện tính hiệp hành và tính hiệp đoàn. Bằng cách này, các ngài thi hành chức năng phân định dành riêng cho tác vụ giám mục trong Giáo hội;
- d) mặc dù các cơ quan này không quy tụ toàn thể Giám mục đoàn, nhưng việc phân định mà các mục tử thực hiện thông qua các cơ quan này mang đặc tính hiệp đoàn do chính mục đích của hành động. Thật vậy, các Đại hội Giám mục trong tiến trình hiệp hành có nhiệm vụ xem xét kỹ lưỡng các kết quả của những cuộc thỉnh ý diễn ra ở các Giáo hội địa phương, trong đó cảm thức đức tin của Dân Thiên Chúa được biểu hiện. Làm sao một hành động ‘không có tính hiệp đoàn’ lại có thể phân định được điều mà Chúa Thánh Thần đang nói với Giáo hội thông qua cuộc thỉnh ý Dân Thiên Chúa, là những người “không thể nhầm lẫn trong niềm tin” (LG12)?;
- e) Kinh nghiệm Thượng Hội đồng cho đến nay đã cho thấy rằng việc thực thi hữu hiệu tính hiệp đoàn có thể được phát triển trong một Giáo hội hiệp hành. Trong khi phân định là một hành động chủ yếu “thuộc về những người chủ tọa Giáo hội” (LG 12), thì nó đã đạt được chiều sâu và sự phù hợp trong liên hệ đến các vấn đề cần được xem xét nhờ sự đóng góp của Dân Thiên Chúa, là những người đã tham gia vào các Đại hội cấp Châu lục.
Câu hỏi để phân định
Dưới ánh sáng của mối tương quan năng động và hỗ tương giữa tính hiệp hành của Giáo hội, tính hiệp đoàn giám mục và vị thế tối thượng của đấng kế vị thánh Phêrô, cơ chế của Thượng Hội đồng phải được hoàn thiện như thế nào để nó trở thành một không gian an toàn và bảo đảm cho việc thực thi tính hiệp hành, nhờ đó bảo đảm sự tham gia đầy đủ của tất cả mọi người – Dân Chúa, Giám mục đoàn và Giám mục Rôma – mà vẫn tôn trọng các chức năng cụ thể của mỗi thành phần? Chúng ta nên đánh giá thế nào về thử nghiệm mở rộng sự tham gia cho một nhóm những người không phải là giám mục trong lượt Đại hội đầu tiên của Đại Hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục? (Tháng 10 năm 2023)
Những đề nghị cho việc cầu nguyện và gợi ý suy tư
1) Tiến trình Thượng Hội đồng đưa vào Giáo hội “một năng động hiệp thông có sức truyền cảm hứng cho mọi quyết định trong Giáo hội”:[19]
- a) Làm thế nào năng động này có thể trở thành cách hành động tiêu chuẩn ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội?
- b) Nguyên lý quyền bính phù hợp với tiến trình hiệp hành như thế nào?
- c) tiến trình hiệp hành ảnh hưởng thế nào đến sự nhận hiểu của chúng ta về quyền bính trong Giáo hội ở các cấp độ khác nhau, kể cả quyền bính của Giám mục Rôma?
2) Giai đoạn đầu tiên của tiến trình Thượng Hội đồng tiến hành một chuyển động từ cấp địa phương đến cấp hoàn vũ, với sự thỉnh ý Dân Thiên Chúa trong các Giáo hội địa phương và các hoạt động phân định tiếp theo, trước tiên trong các Cơ cấu Giáo phẩm Đông phương và các Hội đồng Giám mục, và sau đó trong các Đại hội cấp Châu lục:
- a) bằng cách nào chúng ta có thể bảo đảm rằng cuộc thỉnh ý ấy thực sự nắm bắt được sự biểu hiện của cảm thức đức tin nơi Dân Thiên Chúa trong một Giáo hội nhất định?
- b) Bằng cách nào các Cơ cấu Giáo phẩm Đông phương, các Hội đồng Giám mục và các Đại hội cấp Châu lục có thể củng cố “mối gắn kết đầy hoa trái giữa cảm thức đức tin của Dân Thiên Chúa và chức năng giáo huấn của các mục tử” (PD 14)?
- c) Sự hiện diện của các thành viên có năng lực của Dân Thiên Chúa trong các Đại hội của các Hội đồng Giám mục cũng như trong các Đại hội cấp Châu lục là điều đáng mong đợi như thế nào?
- d) Các cơ quan Giáo hội thường trực bao gồm không chỉ các giám mục có thể đóng vai trò gì, chẳng hạn như Hội đồng Giáo hội mới được thành lập cho Vùng Amazon?
3) Trong Đại hội các Giám mục được triệu tập tại Rôma, giai đoạn thứ hai của con đường hiệp hành diễn tả việc toàn thể Giáo hội phổ quát lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đã nói với Dân Thiên Chúa:
- a) Đại hội này của các giám mục phù hợp thế nào với tiến trình Thượng Hội đồng?
- b) Làm thế nào Đại hội này đạt được tính liên tục với giai đoạn đầu tiên của tiến trình hiệp hành? Sự hiện diện của các chứng nhân có năng lực ở giai đoạn đầu của tiến trình hiệp hành có đủ để bảo đảm tính liên tục không?
- c) Nếu các Đại hội của các Hội đồng Giám mục và các Đại hội cấp Châu lục đã làm công việc phân định, thì việc phân định tiếp tục này được đặc trưng như thế nào và nó có giá trị gì?
4) Giai đoạn thứ ba liên quan đến động thái trao lại các kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục cho các Giáo hội địa phương để thực hiện: Bằng cách nào chúng ta có thể giúp thể hiện trọn vẹn “tính hỗ tương nội tại” giữa các chiều kích phổ quát và địa phương của Giáo hội duy nhất?
Nguồn: hdgmvietnam.com
[1] Do đó, để cho ngắn gọn và trừ khi được quy định khác, các cụm từ “Đại hội” và “Đại hội Thượng Hội đồng” được dùng trong Tài liệu này là đề cập đến phiên họp vào tháng 10 năm 2023.
[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17.10.2015 (x. PD 15), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-cua-dtc-phanxico-dip-ky-niem-50-nam-thiet-lap-thuong-hoi-dong-giam-muc-44870
[3] Cụm từ “Giáo hội địa phương – local Church” ở đây chỉ điều mà Bộ giáo luật gọi là “Giáo hội cá biệt – particular Church”.
[4] Phần B sẽ đưa ra những lý do thay đổi thứ tự liên quan đến phụ đề của Thượng hội đồng. Xem số 44 của tài liệu này.
[5] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về con đường hiệp hành, ngày 9 tháng 10 năm 2021, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-khai-mac-thuong-hoi-dong-giam-muc-the-gioi-xvi-cua-duc-giao-hoang-phanxico-44212
[6] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17.10.2015, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-cua-dtc-phanxico-dip-ky-niem-50-nam-thiet-lap-thuong-hoi-dong-giam-muc-44870
[7] Ví dụ, tại 128, Tài liệu Cuối cùng nêu rõ: “… chỉ có các cấu trúc là không đủ, nếu các mối tương quan đích thực không được phát triển bên trong các cấu trúc; chính chất lượng của những mối tương quan này mới loan báo Tin mừng”.
[8] X. Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Iuvenescit Ecclesia, 15.05.2016, 13-18.
[9] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về con đường hiệp hành, ngày 9 tháng 10 năm 2021, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-khai-mac-thuong-hoi-dong-giam-muc-the-gioi-xvi-cua-duc-giao-hoang-phanxico-44212
[10] Đại hội Thường lệ lần thứ XV Thượng Hội đồng Giám mục. Người trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi, Tài liệu Chung kết, 27.10.2018, 25.
[11] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ nói với Đức Mar Awa III Thượng Phụ Giáo hội Assyri Công giáo Đông Phương, 19.11.2022
[12] Hội đồng Giáo hoàng về Thăng tiến Hiệp nhất Kitô giáo, Giám mục và sự hiệp nhất Kitô giáo: Một cẩm nang đại kết, 5.6.2020, 4.
[13] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Ii, Thông điệp Ut unum sint, 25.5.1995, 95; dẫn lại trong EG 32 và EC 10.
[14] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ tại buổi cầu nguyện đại kết, WCC Trung tâm Đại kết (Geneva), 21.6.2018.
[15] x. Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Huấn thị Varietates legitimae, 25.1.1994.
[16] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17.10.2015, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-cua-dtc-phanxico-dip-ky-niem-50-nam-thiet-lap-thuong-hoi-dong-giam-muc-44870
[17] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17.10.2015, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-cua-dtc-phanxico-dip-ky-niem-50-nam-thiet-lap-thuong-hoi-dong-giam-muc-44870
[18] ibid.
[19] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17.10.2015, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-tu-cua-dtc-phanxico-dip-ky-niem-50-nam-thiet-lap-thuong-hoi-dong-giam-muc-44870
Có thể bạn quan tâm
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11