Lời mở
Nền nhân bản Kitô giáo giới thiệu bốn giá trị căn bản trong đời sống xã hội của con người, đó là: sự thật, tự do, công bằng, tình yêu[1].
Giá trị đầu tiên là sự thật. Đây là giá trị khởi đầu để giúp con người nghĩ đúng, nói thật, làm thật, sống thật trong một xã hội đầy vẻ hào nhoáng, câu nệ vào hình thức bên ngoài, tràn ngập những thông tin giả để lừa dối và những hoạt động kinh tế thiếu minh bạch. Đó là lý do tại sao từ “sự thật” được nhắc đến ở 86 số trong 583 số của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo và ở 38 câu trong số 328 câu của sách Docat.
Vì thế, chúng ta tìm hiểu sơ qua sự thật trong đời sống con người hiện nay ra sao, nhân loại đi tìm sự thật như thế nào và sự thật toàn diện của con người là gì.
1. Sự thật trong đời sống
Hiện nay, mỗi ngày hàng tỉ người đang theo học trong các trường lớp, miệt mài nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, say mê tìm hiểu qua các sách báo, phim ảnh, internet, chia sẻ điều mình tìm được qua các buổi nói chuyện và các phương tiện truyền thông xã hội… Mục đích chỉ nhằm khám phá ra sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, trong vạn vật, trong lòng người và trong cả Thiên Chúa hay các thần linh. Nhân loại khát khao sự thật, mơ ước tìm ra sự thật trong một ngọn cỏ vì nó có thể cứu chữa cho hàng triệu bệnh nhân ung thư. Con người mong mỏi tìm ra sự thật trong lòng người để có thể kết ước trăm năm, nhưng “Dò sông dò biển dễ dò. Nào ai lấy thước mà đo lòng người!”.
Thật ra, vì được Thiên Chúa chân thật tạo dựng nên muôn vật, muôn loài đều phản ánh sự thật. Sự thật không phải là một cái gì ở bên ngoài, nhưng ở trong ta, trong mọi sự và ta có thể cảm nhận được ngay. Nhìn vào một bông hoa, ta cảm nhận được sự thật vì màu sắc của cánh, của nhuỵ, của đài hoa, dù rực rỡ hay đơn sơ, đều là thật chứ không tô vẽ, giả tạo bằng những nét sơn phết bên ngoài. Một lời nói, dù có vẻ thô lỗ, cộc cằn, nhưng ta biết đó là lời thật, chứ không phải rào trước đón sau của những người khéo ăn khéo nói.
Con người nào cũng muốn sống thật với chính mình, muốn người khác sống thật lòng với mình. Chẳng ai muốn đóng kịch trên sân khấu cuộc đời, dù những vai diễn có cao sang như vua quan hay đẹp tươi như đại gia kiều nữ. Chẳng ai muốn người khác lừa bịp mình bằng những lớp quần áo hoá trang, những lớp son phấn vật chất giả tạo. Ai cũng muốn sống hạnh phúc, an lành giống như nguyên tổ Adam – Eva trong vườn Eden, vì thân thể trần truồng và thân phận thụ tạo của họ đã được bao phủ bằng hào quang chân thật của Thiên Chúa (x. St 1-2).
Học thuyết Xã hội Công giáo giải thích việc con người đánh mất sự thật nơi mình bằng bi kịch của tội[2], khi con người đầu tiên Adam vi phạm giới răn của Chúa, đánh mất sự thánh thiện và công chính mà mình đã có khi được tạo dựng, cắt đứt với nguồn sống vô tận và chân thật là Thiên Chúa. “Hậu quả của tội làm con người xa rời, không phải chỉ với Chúa, mà còn với chính mình, với người khác và với thế giới chung quanh” (HTXHCG, số 116).
“Hậu quả cụ thể là con người phải chết vì xa rời nguồn sống vĩnh hằng. Con người tố cáo nhau (x. St 3,12), lừa dối nhau, giết hại nhau (x. St 4,2-16). Các hậu quả của tội làm cho cơ cấu của tội kéo dài mãi mãi. Những cơ cấu này lại ẩn sâu trong tội cá nhân… khiến cho tội trở nên trầm trọng hơn, dễ lan truyền và trở thành nguồn phát sinh các tội khác, chi phối cách ứng xử của con người” (HTXHCG, số 119; GLHTCG, số 1869). Nhất là khi con người ham muốn thu nhiều lợi nhuận và khát khao quyền lực bằng bất cứ giá nào[3].
Từ đó ta hiểu tại sao có tin giả, hàng giả và mọi thứ giả dối trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị và cả tôn giáo nữa.
Khi Adam – Eva cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa chân thật, xé rách vầng hào quang ân sủng bao phủ, họ chỉ còn thấy mình là thụ tạo trần trụi, yếu đuối và cái chết ở cuối cuộc đời. Họ không nhận ra người khác cùng xương thịt với mình mà chỉ đánh giá nhau theo những lớp áo hoá trang, màu da bên ngoài và trở thành những chú Cuội với nhau. Họ cũng chẳng nhận ra vạn vật là những đứa em nhỏ trong đại gia đình Thiên Chúa đã làm nên xương thịt của mình, mà chỉ coi chúng là loài vô tri, vô giác và khai thác chúng cạn kiệt như những ông chủ keo kiệt, bạo tàn.
Vì thế, nền nhân bản Kitô mời gọi con người đi tìm một sự thật toàn diện về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật, về chính mình.
“Thiên Chúa là chính sự thật”[4]. Nhưng vì là tinh thần tuyệt đối, siêu việt, nên con người tương đối, bất toàn không thể cảm nhận trực tiếp sự thật này nếu không được Thiên Chúa bày tỏ mình ra cho con người. Con người chỉ có thể dùng tinh thần để nhận biết sự thật đó qua những thụ tạo hữu hình (x. Dc 1,1-4), đồng thời nhận ra Ngài là nguồn của mọi sự thật.
2. Nhân loại đi tìm sự thật
Kể từ khi biết suy nghĩ về thân phận con người, sự hiện hữu của vạn vật, trong suốt dòng lịch sử văn minh của mình, con người luôn khao khát sự thật và cố gắng đi tìm để giải đáp cho mình những câu hỏi về nguồn gốc, giá trị, cùng đích của con người, cũng như về đau khổ, về cái chết, về sự sống vĩnh hằng để tìm được sự giải thoát cho mình và cho vạn vật. Những chủ nghĩa, hệ tư tưởng, khoa học và tôn giáo đủ loại mô tả cho ta con đường đi tìm sự thật của loài người.
Con người biết suy tư xuất hiện cách đây khoảng 196.000 năm, khởi đầu ở châu Phi, sau đó di chuyển và xuất hiện ở châu Âu cách đây khoảng 40.000 năm. Con người sử dụng trí óc để tìm hiểu sự thật. Nhờ khám phá ra ngôn ngữ (khoảng 10.000 năm TCN), chữ viết (khoảng 4000 năm TCN), ngành in (khoảng 1000 năm) và các phương tiện truyền thông như điện thoại, truyền thanh, truyền hình, internet (thế kỷ 20), con người có nhiều phương tiện để khám phá, tìm hiểu, chia sẻ và phổ biến sự thật cho nhau. Bước vào thế kỷ 21, những khám phá và phát minh của tin học đã mở rộng con đường sự thật cho mọi người.
Sự thật, theo nghĩa thông thường, là cái có thật, cái có trong thực tế. Theo nghĩa triết học: là điều phản ánh đúng hiện thực khách quan[5]. Theo nghĩa sau, sự thật đồng nghĩa với chân lý (lẽ thật) sự phản ánh chính xác sự vật khách quan và quy luật của chúng vào ý thức của con người[6]. Chân lý là lẽ thật vốn có một cách khách quan, người ta phải nhìn nhận nó, không tuỳ thuộc vào sở thích hay ý muốn cá nhân[7]. Thánh Thomas de Aquino định nghĩa: “chân lý là sự tương hợp giữa thực tại và trí khôn” (Veritas est adequatio rei et intellectus)[8]. Sự thật trong triết học kinh viện được định nghĩa là “sự tương hợp giữa trí khôn và thực tại” (veritas est conformitas intellectus cum re).
Người thời tiền sử nhận biết những cái có thật trong đời sống thực tế: cây cối, động vật, biển cả, núi non, mặt trời, mặt trăng, lửa khói. Họ thấy nhiều thứ như hổ báo mạnh hơn mình, có thể gây chết chóc cho mình. Khi trí khôn phát triển hơn, họ nhận ra sự thật là mình mạnh hơn khi dùng trí khôn để thắng được hổ báo, ngăn sông, phá núi, lấp biển… Khoa thiên văn ngày nay dạy cho con người biết rằng mặt trời, mặt trăng và các vì sao không phải là các vị thần chi phối đời sống con người, mà chỉ là những khối vật chất.
Như thế, chân lý hay sự thật thường xuyên phát triển. Con người ngày càng thâm nhập sâu sắc vào các đối tượng, hiện tượng thì tri thức của con người về thế giới ngày càng chính xác hơn, đầy đủ hơn, khách quan hơn. Hơn nữa, thế giới con người cũng thường xuyên biến đổi, phát triển cho nên nó cũng quy định sự biến đổi của tri thức về nó. Tính đúng đắn của chân lý hay sự thật được kiểm tra bằng thực tiễn[9].
Cách đây khoảng 5000 năm, khi trí khôn con người vượt qua những thực tại vật chất để suy tư về những thực tại tinh thần như tình yêu, sự sống, cái đẹp, cái tốt, cái đúng, chiến tranh hay hoà bình… con người muốn biết chúng thật sự là gì. Khi thấy chúng vượt quá trí khôn của mình, không thuộc quyền hạn của mình, con người đưa chúng vào lĩnh vực của thần linh. Đó là thời kỳ của những huyền thoại và tôn giáo giải thích sự thật cho con người: mỗi thứ đều có những vị thần cai quản. Thần Mars về chiến tranh, thần Venus về sắc đẹp, thần Minerva về thi ca, thần Jupiter là thần cao nhất. Các tôn giáo cũng cố gắng giải thích cho con người sự thật về cái chết, về sự sống, về niềm mơ ước được sống mãi mãi, về ơn cứu độ.
Những lời giải thích về những thực tại tinh thần đó hầu hết chỉ mang tính chủ quan và không thể kiểm tra bằng thực tiễn, nên chúng không phải là những sự thật và cũng không đem lại sự giải thoát cho con người. Con người cứ sinh ra, lớn lên, già cỗi, bệnh tật và chết đi, dù mong ước được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Xã hội con người vẫn cứ xung đột, giết hại nhau, lừa dối nhau với bao trò bịp bợm và chiến tranh lớn nhỏ, dù ai cũng mong ước được sống sung túc, bình an, hạnh phúc. Con người chưa tìm được sự thật giải thoát mình nên vẫn còn đang phải đi tiếp trên con đường tìm sự thật đúng nghĩa.
Cách đây khoảng hơn 2000 năm, vào đầu kỷ nguyên của chúng ta, Kitô giáo xuất hiện với vị sáng lập là Đức Giêsu. Vào thời điểm quyết định trong lịch sử, Thiên Chúa như là nguồn của sự thật, sự sống và mọi hiện hữu đã muốn bày tỏ cho loài người biết một sự thật cụ thể và siêu việt để quy tụ tất cả các sự thật tương đối về một mối. Sự thật không phải là những lý lẽ trừu tượng theo định nghĩa của con người, nhưng là một con người cụ thể để mọi người, mọi vật đều có thể tìm đến với người đó, đi vào con đường sự thật và sự sống của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho Con Một Ngài là Ngôi Lời trở thành người, trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga1,1-18). “Lời Cha là sự thật” (Ga 17,17) sẽ giải thoát con người và vạn vật khỏi u mê, lầm lạc do sự bất toàn của con người và sự lừa dối của quỷ ma. Đức Giêsu đã chứng minh Người là sự thật giải thoát bằng lời giảng dạy đầy uy quyền, bằng đời sống, bằng những phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, bằng cái chết cứu độ và sự sống lại của Người.
Trong hàng chục thế kỷ tiếp theo, những sự thật về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật được truyền bá khắp vùng Địa Trung Hải, trong khắp đế quốc Roma và lan rộng ra khắp thế giới. Tuy nhiên, nhiều vùng ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á người ta vẫn giữ những quan niệm của các tôn giáo cổ xưa như Ấn Độ giáo, Phật giáo. Nhiều nước ở miền Trung Đông và châu Phi lại theo các quan niệm của Hồi giáo.
Từ thế kỷ 13, khi các đại học được mở tại nhiều nước châu Âu, các giáo sĩ, tu sĩ Kitô giáo trở thành những người tiên phong cổ vũ con người đi tìm sự thật và phát triển các ngành khoa học, đặc biệt là triết học và thần học. Nhưng nền triết học và thần học kinh viện của Kitô giáo dựa trên những suy tư trừu tượng đã dần dần xa rời thực tiễn của con người và xã hội.
Từ thế kỷ 18-19, cuộc cách mạng khoa học đã đưa nhân loại đến các miền đất mới của tri thức là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, để con người khám phá các sự thật của vạn vật (khoa học vật lý, hoá học, sinh học, y học, thực vật học, động vật học, vũ trụ học, thiên văn học…), của chính mình (tâm lý học, phân tâm học, luân lý, đạo đức…), của xã hội mình sống (xã hội học, kinh tế học, nhân học). Những khám phá này càng giúp con người hiểu hơn sự thật về chính mình, về vạn vật, về vũ trụ lại càng thôi thúc con người đi tìm sự thật cho các câu hỏi: “Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng vẫn tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ… Con người có thể đem lại gì cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau cuộc sống ở trần gian này?”[10].
Thế kỷ 20-21, chứng kiến sự phân hoá về quan điểm sự thật giữa nhiều hệ tư tưởng khác nhau, nhất là chủ nghĩa tư bản và cộng sản, chủ nghĩa duy lý và duy thực, chủ nghĩa duy tâm và duy vật, nhưng tất cả đều chú tâm vào con người, vào khoa học vì tin tưởng khoa học tiến bộ có thể giải thoát con người. Thật sự, các khoa học kỹ thuật giúp ích cách thiết thực cho con người. Tuy nhiên, con người cũng ý thức rằng: dù khoa học có phát triển đến đâu, chúng cũng không thể nào vượt qua được những giới hạn nằm trong chính bản chất của sự vật và bản tính của con người có thể xác và tinh thần. Sự vật và thể xác con người luôn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Con người không thể tự giải thoát chính mình để trở thành tuyệt đối, vĩnh hằng, vô biên. Con người cần một sự thật tuyệt đối ở bên ngoài mình để mình vươn tới siêu việt, đồng thời ở bên trong mình để thúc đẩy và biến đổi chính mình.
Con người cũng cần một sự thật tuyệt đối để đảm bảo cho mọi hoạt động đúng đắn của con người được đón nhận và có giá trị mãi mãi. Sự thật này chỉ có nơi Đức Giêsu Kitô, và chỉ có Người mới có thể chia sẻ sự thật đó cho những ai tin vào Người (Ga 17,17).
Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật biện chứng đã phân biệt “chân lý tuyệt đối phản ánh hoàn toàn đầy đủ và trọn vẹn bản chất của khách thể, không thể bổ sung và cũng không thể bác bỏ” với “chân lý tương đối phản ánh được khách thể một cách đúng đắn, nhưng không đầy đủ”[11]. Chủ nghĩa này cho rằng con người không thể đạt được chân lý như vậy ngay một lúc, bởi vì nhận thức là một quá trình đi sâu mãi vào bản chất của khách thể. Chủ nghĩa này không công nhận tinh thần con người mở ra với siêu việt vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và Đức Giêsu là chân lý tuyệt đối cụ thể của Thiên Chúa đã đến với con người và hoà nhập vào trong con người.
Người tín hữu Công giáo, nhất là các linh mục, tu sĩ, khi học trong các học viện trong nhiều thế kỷ, đã quá chú tâm vào những vấn đề triết học, thần học và ít quan tâm đến những khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn, những vấn đề thiết thực của con người cũng như những biến chuyển trong xã hội. Bài giảng của họ hầu như xoay quanh đến những vấn đề luân lý, những lời giải thích theo Thánh Kinh. Do không theo dõi những tiến bộ của khoa học, họ không thể giải thích kịp thời những vấn nạn của con người liên quan đến đức tin, luân lý. Thí dụ như: thuyết Big Bang và giả thuyết tiến hoá của Darwin. Do cứ lẩn quẩn trong những câu định nghĩa về sự thật siêu hình, sự thật mạc khải, sự thật tự nhiên và siêu nhiên, họ quên mất Đức Giêsu chính là sự thật toàn vẹn giải thoát muôn loài.
3. Sự thật toàn diện là chính Đức Giêsu
Con người sa ngã kéo theo vạn vật bị cưỡng bách phải chịu hư nát chung với con người (x. Rm 8,28) nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người và vũ trụ vật chất này. Ngài hứa ban Đấng Cứu độ ngay khi con người vừa phạm tội (x. St 3,1-24).
Đấng đó là Người Con Một của Ngài (x. Ga 3,16), “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Đó là Ngôi Lời Thiên Chúa tự nguyện làm người, trở thành Đức Giêsu Kitô để dạy cho con người biết sự thật toàn diện là gì. Chính Người đã tự giới thiệu mình: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Khi tự nguyện trở thành con người mang thể xác vật chất, Con Một Thiên Chúa đã hoà mình vào dòng lịch sử của loài người, trở thành anh em của mọi người cũng như mọi vật. Người chia sẻ cho tất cả sự thật, sự sống và ân huệ của Thiên Chúa để tất cả cùng nhận ra nhau là con cái của người Cha Trên Trời. Người còn cho con người khả năng nhận biết sự thật trong vạn vật nhờ những tài năng tinh thần và ân huệ của Thánh Thần như ta thấy thể hiện trong đời sống của nhiều vị thánh như Antôn Padôva, Phanxicô Khó Nghèo, Martinô de Porres. Hơn nữa, nền nhân bản Kitô được diễn tả trong Học thuyết Xã hội Công giáo, đề cao sự thật như một giá trị căn bản. Sự thật ở đây không xác định là tương đối hay tuyệt đối, là chủ quan hay khách quan, là tự nhiên hay siêu nhiên, thuộc về hữu thể học, luân lý học hay luận lý học, thuộc về thần khải hay do lý trí con người khám phá ra.
Ngay trong số đầu tiên của phần nhập đề, Học thuyết này xác định: “Đức Giêsu Kitô chính là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6), khi nhìn ngắm dung nhan Người, chúng ta càng thêm tin tưởng và hy vọng nơi Người, Vị Cứu Tinh duy nhất và cũng là mục tiêu duy nhất của lịch sử”[12]. Người không phải là những ý niệm trừu tượng của suy luận bằng lý trí, nhưng là một con người cụ thể, để ta nhìn ngắm, tiếp xúc, gắn bó trong tin tưởng và yêu thương.
Đức Giêsu Kitô, vì là sự thật cụ thể của Thiên Chúa, nên Người vừa mang tính tuyệt đối của Thiên Chúa, vừa mang tính tương đối của con người. Người vừa là sự thật khách quan ở ngoài con người, nhưng đồng thời vừa hoà nhập với con người để họ nhận ra một sự thật chủ quan theo lương tâm ngay chính của mình. Người vừa là sự thật tự nhiên có thể dùng lý trí tìm hiểu về đời sống của Người trong lịch sử, đồng thời là sự thật siêu nhiên để khám phá bằng đức tin và ân huệ. Như thế sự thật Giêsu Kitiô là một tổng hợp tuyệt vời có thể nối kết và quy tụ mọi quan điểm của các hệ tư tưởng, tôn giáo của loài người trên đường tìm kiếm sự thật toàn diện và hoàn hảo. Học thuyết này xác định: “Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người, trong Người và nhờ Người, thế giới và con người đạt tới sự thật đích thực và trọn vẹn của mình”[13].
Đức Giêsu dạy những sự thật căn bản để giải phóng con người và mang lại ơn cứu độ: “Người nói với những người Do Thái đã tin Người rằng: ‘Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi. Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông'” (Ga 8,31-32). Người dạy ta sự thật về Thiên Chúa là người Cha yêu thương đến nỗi ban Con Một mình (Ga 3,16) và chỉ muốn con người thờ phượng Ngài trong Thần Khí và sự thật (Ga 4,23-24). Người giải phóng ta khỏi mọi loại tôn giáo cổ vũ cho những hành vi sai lạc, mê tín, làm tha hoá con người.
Người dạy ta sự thật về con người không phải là một đám vật chất tình cờ tụ lại, sống ít năm ở trần thế rồi lại tan rã thành bụi đất, nhưng là những người con yêu quý của Chúa Cha và là anh em của nhau, để sống mãi mãi và chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa. Qua việc làm người, Đức Giêsu đã đón nhận tất cả những gì thuộc về con người để biến đổi chúng thành những thứ thuộc về Thiên Chúa với giá trị phi thường. Mọi tư tưởng, lời nói, hành động của con người khi gắn kết với Người là sự thật tuyệt đối vĩnh hằng, sẽ tồn tại mãi mãi.
Điều này vừa là một lợi thế giúp con người can đảm sống theo sự thật một cách độc lập vượt ra ngoài mọi áp lực xã hội. Nhưng đây cũng là một thách đố cho tất cả những ai đang sống trái với sự thật vì họ sẽ bị chính Đức Giêsu Kitô là thẩm phán xét xử những hành vi dối trá, giả tạo của họ.
Đức Giêsu đã minh chứng Người là sự thật toàn diện cho con người khi rao giảng Tin Mừng cứu độ, chữa lành những người bệnh tật, cho người đói được ăn bánh no nê, giải thoát cho những người bị ma quỷ kiềm chế, tha thứ cho tội nhân, cho kẻ chết sống lại, chia vui sẻ buồn với con người, lao động như con người. Người còn chia sẻ quyền năng và sự sống kỳ diệu của Người cho các môn đệ để họ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cứu độ và làm chứng cho Người. Như thế là Người phá vỡ mọi giới hạn do tội lỗi đặt ra để giúp con người đạt đến sự thật phi thường mà họ vẫn ước mơ: đó là họ có thể mở ra với Đấng Siêu Việt và mọi chân trời của hiện hữu[14].
Đức Giêsu dạy ta sự thật về vạn vật không phải là những thứ vô tri vô giác để hành xử với chúng như những ông chủ khắc nghiệt. Chúng thật sự là những đứa em trong đại gia đình Thiên Chúa và chúng ta là những anh chị lớn của chúng. Vì thế, càng yêu thương và tìm hiểu chúng qua các khoa học để biết sự thật về chúng, ta càng có khả năng cứu độ chúng, điều khiển chúng như Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ trên thiên nhiên. Trời đất đã tối sầm lại như đồng cảm với Đức Giêsu khi Người hấp hối trên thập giá và vui mừng trong cơn động đất khi Người sống lại để mời gọi ta nên có cái nhìn mới về vạn vật quanh ta.
Đức Giêsu dạy ta sự thật về một con người toàn diện và xã hội mới mẻ gồm những con người biết vượt qua những xung đột và đối kháng để tìm được sự thật trong khoa học (HTXHCG, số 78), trong triết học (số 77), trong luân lý (số 83), trong tôn giáo (số 141), trong luật tự nhiên (số 142) cũng như siêu nhiên (số 70). Người đưa con người biết đón nhận nhau trong cộng đồng xã hội (số 150) để hành động theo những nguyên tắc và sự thật của xã hội (số 163-167), xây dựng những mối quan hệ trên nền tảng sự thật (số 199,200), xây dựng gia đình theo sự thật khách quan của hôn nhân (số 218-219), xây dựng trật tự xã hội với các tổ chức chính quyền (số 397), hoạt động thông tin dựa trên sự thật về con người (số 415).
Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý rằng sự thật này không phải chỉ để biết, nhưng còn là để sống. “Sống trong sự thật” là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội. Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm”[15]. Như thế, trong mọi mối tương quan của con người, chúng ta được mời gọi để nghĩ thật, nói thật, làm thật. Điều này người tín hữu Công giáo có thể làm được, nhờ gắn bó với Đức Giêsu và đón nhận những ân huệ của Thánh Thần Chân Lý (Ga 14,26; 15,26-27; 16,12-13) mà Người ban cho tất cả những ai tin vào Người.
Lời kết
Sự thật mà nhân loại tìm kiếm trong suốt dòng lịch sử đã được khám phá. Câu hỏi Philatô đặt ra cho Đức Giêsu “Sự thật là gì?” (Ga 18,38) đã được giải đáp. Đó là Đức Giêsu Kitô, Người thật sự là con đường dẫn đến sự thật giải thoát, nhưng ta chỉ cảm nghiệm được sự giải thoát đó nếu ta cùng bước đi trên con đường này. Bạn có dám bước theo Đức Giêsu không?
Câu hỏi:
1. Bạn có kinh nghiệm gì về sự thật qua những “thông tin” trên báo chí, truyền thanh, truyền hình và các mạng xã hội?
2. Có nhiều lúc trong cuộc sống, ta bất đắc dĩ phải nói dối để cho gia đình an vui, cộng đồng không hỗn loạn. Bạn có nghĩ đó là một giải pháp tốt không? Tại sao?
3. Những định nghĩa khác nhau của các chủ nghĩa, hệ tư tưởng về sự thật đã đồng quy về một con người, là Đức Giêsu Kitô. Bạn tìm được hiệu quả gì nơi sự kiện này?
4. Bạn đã có kinh nghiệm nào về sự giải thoát của Đức Giêsu khi biết được sự thật về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật, về chính mình?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
[1] x. CĐ Vat. II, GS, số 26; ĐHG Gioan XXIII, Thông điệp Pacem interris, số 55; HTXHCG, số 197-208.
[2] x. HTXHCG, số 115-123.
[3] x. ĐGH Gioan Phaolô II, TĐ. Sollicitudo Rei Socialis, số 36, năm 1988.
[4] x. HTXHCG, số 144, 214, 215-17, 2465.
[5] x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ sự thật, tr.1129
[6] x. Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ chân lý, tr. 195.
[7] x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, 2016, mục từ chân lý, tr.123.
[8] x. Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh Việt, 2014, mục từ truth, tr.2088.
[9] x. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, q1, 005, mục từ chân lý, tr.516.
[10] x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, 1965, số 10.
[11] x. Hội đồng Quốc gia Biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ chân lý tuyệt đối, q.I., tr.516
[12] x. HTXHCG, số 1.
[13] x. HTXHCG, số 45.
[14] x. HTXHCG, số 130.
[15] x. HTXHCG, số 198; GLHTCG, số 2467.
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12
Hội Nghị Online Của Ủy Ban Giáo Sĩ Chủng Sinh Năm 2024
Th12
Tâm Tình Của Người Công Giáo Khi Mừng Lễ Giáng Sinh
Th12
Giải truyện ngắn Năm Thánh 2025: “Hy vọng và Hoà giải”
Th12
Hội Ái Hữu Vinh – Hà Tĩnh Bắc Cali: Mở tiệc Noel chia..
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C: Niềm Vui Ơn Cứu Độ
Th12